TRÒ CHUYỆN VỚI KỊCH TÁC GIA

Truyện

Ngô Quốc Phương

Đúng ngày 27/7, với sự giúp đỡ của các nhà ngoại cảm và các nhà áp vong, gọi hồn siêu hạng, chúng tôi có cuộc trao đổi với hai kịch tác gia.

Sau đây là phần gỡ băng cả tiếng, có đối chiếu với băng hình, của chúng tôi:

Lưu Quang Vũ (LQ Vũ): Sao, chúng tôi có phải là liệt sỹ đâu mà các anh gọi chúng tôi ngày này mà làm gì?

Nhóm Nghiên cứu (Nhóm NC): Dạ, hoàn toàn là cơ duyên thôi ạ, đa tạ các anh đã về. Xin được hỏi ngay và hỏi nhanh anh Vũ, đất nước mình theo anh hiện nay ra sao và tương lai thế nào?

LQ Vũ: Các anh đang sống nhăn ra mà lại hỏi tụi tôi là sao?

Tào Mạt: Bĩ cực, thái lai thôi các anh, các cháu, có gì mà phải lo lắng.

LQ Vũ: Các anh di chuyển chậm lắm, cái mà tôi gọi là thời đồ đểu vẫn chưa hết, các anh còn lận đận dài vì chính tại các anh.

Tào Mạt: Còn quá nhiều kẻ ngu trung, ngu trung! Nhiều không kém gì đám tiểu nhân, quẻ nào bốc cũng còn xấu, nhưng hết mạt thì sẽ thịnh, sẽ hưng.

Nhóm NC: Anh Vũ, có người viết sách bên Tây bảo anh bị ám hại cùng chị và cháu, anh có thể xác mình?

LQ Vũ: Các anh gọi tôi về để mất thì giờ vì chuyện đó à? Các anh không có chuyện gì đáng nói hơn sao?

Tào Mạt: cười, đứng dậy, qua người bị vong nhập múa một vòng, hai chân, hai tay vung tàn tán, như thể đang diễn trên sân khấu đoàn kịch Tổng Cục Hậu cần hay Tổng cục Chính trị thời xưa...

Nhóm NC: Bác Tào cười như vậy nghĩa là sao?

Tào Mạt: Người ta sống chết có số, hữu sinh năng hữu tử, có chi mà phải thắc mắc nhiều vậy!

Nhóm NC: Anh Vũ, tức là anh không bị ai hại?

LQ Vũ: Các cậu tầm thường quá, thế cũng đeo biển hiệu nghiên cứu làm gì, sống chết có số, ai cũng có số phận, một quốc gia cũng có số phận, số mệnh, có lúc này, lúc khác...

Nhóm NC: Anh Vũ, người ta nói anh đã phạm húy về văn chương tư tưởng, chính trị, anh nói sao?

LQ Vũ: Các anh định nghĩa thế nào là phạm húy? Nếu tôi sợ phạm húy, chúng tôi sợ phạm húy, chúng tôi, cả bác Tào Mạt đây, đều đã không viết lách và lên tiếng. Chúng tôi chỉ sáng tác, còn phần còn lại là tự các tác phẩm sau khi ra đời làm nốt phận sự của nó.

Nhóm NC: Bác Tào Mạt phát biểu sao?

Tào Mạt: Thì hề đã nói hết rồi đấy, nói công khai trước quần thần đấy, có sợ gì đâu mà húy với kị.

Nhóm NC: Theo các bác vận mệnh dân tộc mình ra sao, còn chiến tranh liên miên nữa không, bao giờ dân được tự do, dân chủ tốt nhất?

Tào Mạt: Khi hề khuất núi, các vị Vua cùng bá quan và trăm họ cũng đã học được bài học rồi đấy, giờ phải tự quyết mà làm thôi. Muốn non sông bền vững, thì vua tôi quần thần phải chung một lòng, vua phải biết thương dân, vì dân, dân phải biết phận sự và nghĩa vụ của mình với xã tắc, sơn hà. Các bậc trí thức, nho sỹ, những người có chữ, phải biết phận sự của mình, phải cống hiến, phải dũng cảm, sẵn sàng khuyên trên, can trên, giúp đỡ cho dưới, không sợ bị phạt, không sợ bị thù, không sợ bị tù đầy và cũng không sợ bị bỏ đói. Các vị không làm thì ai sẽ làm thay đây? Các văn nghệ sỹ cũng thế? Còn ấm no, dân chủ, thì cũng từ gốc rễ ấy mà ra. Các anh bật băng bộ ba Bài ca giữ nước của tôi mà xem lại cho kỹ. Còn cái này nữa, tôi cũng xin nhắc là giữ nước thì phải dũng, phải trí, phải mưu và cũng phải dựa vào dân, biết nhận ra, rồi tùy cơ, tạo ra thời cuộc, thuận thiên, thuận địa, thuận nhân. Làm trái quy luật một trong ba thứ ấy, sẽ yếu, kẻ thù dễ hà hiếp, và cũng phải nhớ chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân... Phải tôn trọng dân thực sự, còn với kẻ thù thì không được hèn. Hèn là các anh chết rồi, chết ngay từ đầu rồi, và cũng đừng bao giờ quá chủ quan, khinh địch, khinh dân, khinh bạn. Đó các anh cứ coi lại, Hề nói hết cả rồi, tôi chỉ nhắc lại thôi.

Nhóm NC: Vâng, thế ý anh Vũ thế nào?

LQ Vũ: Bác Tào Mạt nói ít chắc các anh hiểu nhiều, xưa phong kiến nó thế, nay quan hệ xã hội đã khác, thời cuộc cũng khác, các anh tùy cơ mà vận dụng. Tôi thấy bác Tào đã nói đủ. Tôi chỉ dặn các anh là cũng đừng quá lệ thuộc vào anh em chúng tôi, các anh phải chủ động, không ai làm theo được đâu, và cũng không ai thấy rõ mọi sự bằng chính các anh trong cuộc đâu.

Nhóm NC: Giờ cũng sắp hết, xin hỏi anh Vũ và bác Tào thêm một câu nữa, các vị thấy anh chị em văn nghệ sỹ, nhất là anh chị em viết lách, sáng tác bây giờ có ổn không, có xứng đáng là người cầm bút chưa?

LQ Vũ: Các anh hỏi lạ, các anh cứ làm như chúng tôi là ban tuyên huấn hay Hội Nhà văn, Hội Văn học Nghệ thuật... không bằng. Các anh hỏi thế làm gì, thiên hạ nhân, thiên hạ tài, mỗi thời có cái riêng của nó. Ngày xưa cái khó cái dễ riêng, giờ cái khó cái dễ cũng riêng… Nhưng anh đã hỏi thì tôi cũng nói, anh chị em giờ có nhiều điều kiện hơn đấy, cố gắng phát huy và sáng tạo, thời cuộc đang rất cần mọi người đấy… Thế thôi.

Tào Mạt: Hề ta chẳng có nhiều lời/ Lựa đêm giông gió tìm thời ta đi/ Bài kia đã học đã ghi/ Cầu cho trăm họ cơn mê tỉnh dần/ Đã mang nghiệp bút vào thân/ Thì manh chiếu rách, phân vân làm gì/ Đã đi, vững bước mà đi!... Ha ha ha ha....

Cuộc thí nghiệm, thử nghiệm khoa học tâm linh chấm dứt lúc... giờ, ngày tháng, năm, tại... Các "vong" đã thăng, anh chị em được “nhập” cũng đã tỉnh lại, đương nhiên chẳng ai nhớ gì.

(Ghi thêm: (phần này không công bố vì có tính chất riêng tư) Anh được anh Vũ nhập vào sau mấy đêm nói là cứ tới 0 giờ thì ngồi dậy làm thơ, vẽ tranh và viết kịch, vợ gọi mãi, không chịu đi ngủ. Sáng ra lại đốt hết. Còn bạn được bác Tào nhập vào thì suốt ngày suốt tháng đòi ăn cơm gạo dự và mè đen, rồi tam thất giã mật ong, hình như là để chữa bệnh, hay bồi bổ sức khỏe gì đấy. Bạn đó sau đó xuống được mấy cân, người nhà nói là do múa hát nhiều, lại còn có lần xin tiền vợ ra hàng uốn tóc đầu khu tập thể Viện để làm tóc cho xoăn xoăn,búp búp, chẳng biết để giống tài tử nào, hay có khi đi cưa gái chăng? Mà cưa gái, lại đi xin tiền vợ làm đỏm thì có lẽ hơi kỳ!)

Thư ký đoàn nghiên cứu thuộc dự án thí điểm X30b đã ký.

Viện hàn lâm khoa học tâm linh-nghệ thuật, năm hai ngàn không trăm chưa xa.

28/7/2013, Tặng một trời phấn hương...

TRÒ CHUYỆN VỚI KỊCH TÁC GIA TRÒ CHUYỆN VỚI KỊCH TÁC GIA Reviewed by Phạm Thu Hương on 19:04 Rating: 5

Không có nhận xét nào: