Mario Vargas Llosa, Le Monde, ngày 8/10/2015
Trần Vũ chuyển ngữ
Sinh ra trên xứ Pérou vào năm 1936, Mario Vargas Llosa nhận giải Nobel Văn chương năm 2010. Ngày 17 tháng 9-2015, nhà văn được trao phẩm hàm Tiến sĩ Danh dự của Đại học Salamanca, Tây Ban Nha. Chúng tôi chọn dịch một phần diễn văn về văn học mà nhà văn đã phát biểu trong buổi lễ này.
(Le Monde)
Mario Vargas Llosa, năm 2004.
"Kinh nghiệm viết văn của tôi phủ trùm lên một lĩnh vực khá rộng mà tôi sẽ cố gắng tóm lược bằng cách trả lời ba câu hỏi mà theo tôi, tất cả những người đọc tiểu thuyết và những ai yêu thích văn chương nói chung, đôi lúc đều đặt ra: Vì sao người ta viết văn? Nhà văn viết tiểu thuyết như thế nào? Văn chương dùng làm gì?
Vì sao người ta viết văn?
Tôi đã nhiều lần suy nghĩ về điểm xuất phát của thiên chức này. Điều gì đã khiến một người đàn ông hay một người đàn bà cống hiến đời mình cho việc tạo ra những thực thể với thế giới riêng, bằng một công cụ khó nắm bắt và dễ tan biến, là từ ngữ? Vì sao dành quá nhiều công sức và thời gian cho việc rèn những ảo tưởng trong lúc con người sinh sống trong một thế giới vô cùng phong phú, mênh mông và đa dạng mà không một ai trong chúng ta, dù trải nghiệm những cuộc phiêu lưu phi thường, có thể thực sự biết hết?
Nếu chúng ta chuyên chú tạo ra những vũ trụ hư cấu nhằm cạnh tranh với thực tế có thật, dường như, chính vì thế giới thực, một cách nào đó, không cung ứng đầy đủ, không khả năng thỏa mãn những khát khao cùng mơ ước của chúng ta. Giữa người viết với thế giới hắn sinh sống, có một sự bất tương thích hoặc ngờ vực, hay một quãng đứt đoạn, một vực thẳm mà hắn cố gắng lấp đầy bằng một thế giới huyễn tưởng khác. Cuối cùng, chính thế giới ấy bổ sung và làm rộng thêm thực tế khách quan. Với tôi, đó là thế giới gần với sự thật mà vẫn mơ hồ và bao quát.
Có muôn vạn lý do để chúng ta ngờ vực thế giới, khi chúng ta cảm thấy mình bất lực và cảm giác có một sự mất cân bằng giữa những gì chúng ta muốn với những gì thực tế diễn ra. Những lý do muôn hình có thể khiến một con người cảm thấy phẫn nộ trong cuộc sống, thấy bất xứng vì có quá nhiều bất công xung quanh; hoặc vì ích kỷ, cảm thấy bị xúc phạm khi những ham muốn hay ý dục của mình bị xã hội bác bỏ, lên án và trừng phạt, làm cho bản thân muốn nổi loạn, tuyên chiến chống lại cuộc đời thật.
Các phán đoán có thể đến từ ý thức, nhưng thông thường từ vô thức. Trong mọi trường hợp, nếu có một điểm chung giữa các nhà văn viết truyện hư cấu trong những thời đại khác nhau và ở những nền văn hóa cá biệt, tôi tin, chính là sự bất thuận với những thực tại của thế giới thực. Đó là mắt xích của động lực tiềm ẩn đằng sau thiên chức làm văn chương.
Khi phát hiện thiên hướng văn chương của mình, tôi gần như cùng lúc hiểu ra là một thiên chức cao vời đòi hỏi một dấn thân toàn diện. Văn chương không thể chỉ là một thao tác ngày chủ nhật, một thú tiêu khiển với chút thời gian còn lại sau những nhu cầu thiết yếu khác, cách rèn luyện ngắn ngủi này chỉ dẫn đến một thứ văn chương nghèo nàn. Điều đó, không ai nói với tôi và tôi cũng không đọc thấy ở đâu, nhưng là điều tôi cảm thấu ngay từ đầu.
Điều đã giúp tôi hiểu cần phải dấn thân hoàn toàn cho văn chương, chính là khó khăn to lớn tôi luôn gặp phải khi viết. Các văn gia khác khám phá họ có năng khiếu bẩm sinh, tôi không vậy. Tôi đam mê viết văn, nhưng viết không dễ dàng. Viết một đoạn văn ngắn nhất, kể một câu chuyện giản dị nhất, đòi hỏi ở tôi một nỗ lực đáng kể; tôi phải viết đi viết lại, xé bỏ, trăn trở một trăm lần câu chuyện của mình cho đến khi chấp nhận được. Sự đầu tư của công sức và sức lực này, đằng sau mỗi văn bản của mình, giúp tôi nhanh chóng đoán ra phương cách duy nhất để tôi trở thành nhà văn, là phải tổ chức thật sự đời sống của tôi cho mục đích văn chương, ngược hẳn với các văn gia khác của xứ Pérou luôn xem văn chương là một hoạt động cuối tuần và những ngày lễ.
Tôi nhớ rất rõ, tôi đã lấy quyết định trong năm 1958; hồi ấy, tôi đang viết những truyện ngắn và cộng tác với nhiều tạp chí, cho đến khi đời tôi giống như bị sự hoài nghi gặm nhấm. Vì thế, tôi quyết san định đời sống của mình theo một cách thế văn chương: có nghĩa là, nếu tôi phải kiếm sống bên ngoài văn chương, tôi không được quyền cho phép trong bất kỳ trường hợp nào, những công việc này chiếm đoạt phần lớn nhất thời gian và năng lực của mình.
[...]
Nhà văn viết tiểu thuyết như thế nào?
[...]
Vâng, tôi sẽ nói về trường hợp của mình, và xin nhấn mạnh đây chỉ là trường hợp riêng của tôi, vì tôi biết những tiểu thuyết gia khác trước tác một cách khác, không giống với kinh nghiệm của tôi trong việc thai nghén một câu chuyện.
Điều tôi học được qua những truyện hư cấu sáng tác khi còn niên thiếu, là thật ra tôi không bao giờ chọn đề tài; chính các đề tài chọn tôi: Tôi viết về một chuyện gì đó, chính vì tôi từng trải qua vài kinh nghiệm. Đây là phần bí ẩn nhất, đáng lo ngại nhất, của sáng tạo văn chương.
Một con người gặp gỡ trong đời sống của hắn vô số những con người, nhưng duy nhất chỉ vài kẻ để lại trong trí nhớ của hắn những ấn tượng không xóa nhòa. Trong cuộc đời, chúng ta tham gia hoặc chứng kiến hàng trăm nghìn sự kiện, nhưng chỉ có một số tồn đọng trong ký ức với một sức mạnh không giảm đi; ngược lại, chúng khuếch đại với thời gian. Có những đoạn đời hằn ghi chúng ta, hay những tiết đoạn chúng ta đọc để lại dấu vết trong trí nhớ; rồi sau đó với thời gian trôi đi, những hình ảnh này vô tình trong vô thức đã trở thành điểm xuất phát cho một sức tưởng tượng kỳ lạ.
Đột nhiên, tôi nhận ra từ lâu tôi đã có những suy nghĩ lạ lùng vây quanh một kỷ niệm và gần như không ý thức, không chú tâm, tôi vô tình tạo sinh một mầm sống của câu chuyện; có khi chưa hoàn toàn là thai truyện nhưng đã nhú mầm một tình huống, một nhân vật, một khí hậu chung quanh kỷ niệm này; rồi với những lý do hãy còn mập mờ chưa rõ ràng đối với tôi, chúng hoán chuyển thành một kích thích, kích hoạt động cơ sáng tạo. [...]
Văn chương dùng làm gì?
Đây là một câu hỏi mà không chỉ những độc giả và những kẻ thù của văn chương đặt ra, mà còn là câu hỏi của chính các nhà văn. Thời tuổi trẻ, khi tôi khám phá ra thiên hướng của mình, cũng là thời kỳ bộc phát của triết học Hiện sinh và văn chương dấn thân. Chúng ta đều đồng ý rằng văn chương nhằm phục vụ điều gì đó. Một số nhìn văn chương như biểu hiện của vận động chính trị, vì thế, những người Cộng sản đã tin vào chủ nghĩa Hiện thực xã hội chủ nghĩa như một thứ vũ khí của cách mạng vô sản thế giới và tin rằng văn chương có thể giải thích công cuộc đấu tranh giai cấp.
Nhưng văn chương dấn thân mà Jean-Paul Sartre đã phác họa trong tập tiểu luận Văn chương là gì? (Nxb Gallimard, 1948) đã đề xuất một hướng khác, tinh diệu hơn, phong phú và thuyết phục hơn. Tiểu luận của Sartre đã ảnh hưởng sâu đậm lên rất nhiều nhà văn thuộc thế hệ của tôi, và riêng với cá nhân tôi, thì đã truyền cho tôi một ý niệm văn chương còn đến bây giờ, ngay cả khi tôi giữ khoảng cách với lối tư duy Hiện sinh. Sartre tin rằng không cách nào văn chương có thể tách rời khỏi thời đại của nhà văn và cũng không thể chỉ là một giải trí đơn thuần. Văn chương là một hình thức hành động, “từ ngữ là hành vi.” [“les mots sont des actes”] – như câu nói nổi tiếng của Sartre – và thông qua văn chương một con người tác động đến đời sống của những con người khác, kể cả lịch sử. Không bằng cách xác quyết hoặc tiên định, với những tác động chính trị ít nhiều có tính tức thời, như những ai tán thành chủ nghĩa Hiện thực xã hội chủ nghĩa từng tin; mà bằng cách gián tiếp hun đúc lương tri con người trong những hành xử. Chính bằng con đường vòng này, văn chương hữu ích, vì đóng góp vào tác động bên trong xã hội.
Các ý niệm trên bắt rễ ở châu Mỹ, châu Âu và trên toàn thế giới trong những năm 60. Từ thập niên 70, người ta bắt đầu xét lại chúng và tôi ngờ rằng rất ít người trên thế giới còn chia sẻ cách nhìn này ngày nay. Có khá nhiều ý kiến về câu hỏi văn chương là gì, nhưng vấn đề tồn đọng, vẫn là văn chương dùng làm gì? Hoặc trong trường hợp ngược lại, nếu không dùng cho việc gì, thì người ta vẫn không giải thích được vì sao nhân loại tiếp tục đọc truyện? Tôi không nghĩ đọc tiểu thuyết là một hoạt động phi hệ quả, và người đời đọc truyện chỉ vì muốn tìm một thoáng giải trí.
Chắc chắn, giải trí là một điều tốt và chúng ta không nên cảm thấy chán nản nếu văn chương chỉ phục vụ giải trí. Tuy nhiên, tôi vẫn tin chắc rằng văn chương có ảnh hưởng đến cuộc sống. Ngay cả khi ảnh hưởng của văn chương khó có thể trù liệu. Tác giả không có cách nào sắp đặt trước những gì mình viết để tác phẩm có ảnh hưởng nhất định lên thực tại.
Một dân tộc đã giàu sáng tạo nhờ hư cấu, sẽ khó trở thành nô lệ hơn một dân tộc phi văn chương hay vô văn hóa. Sự hiện diện của văn chương là vô cùng hữu ích, vì văn chương khai mở nguồn gốc của những bất mãn thường trực: nó chuyển hóa chúng ta thành những công dân bất thỏa và phản kháng. Đôi khi văn chương làm cho chúng ta khổ sở, nhưng cũng giúp chúng ta đạt đến tự do vô hạn định.
Các sản phẩm nghe-nhìn không thể thay thế chức năng này của văn chương. Tôi ưa thích điện ảnh, tôi xem hai hoặc ba phim một tuần nhưng tôi tin chắc rằng những giả tưởng điện ảnh hoàn toàn không tạo ra hệ quả của hiệu ứng chậm này mà văn chương tích lũy bằng cách làm cho chúng ta nhạy cảm với những thiếu sót của thực tại, giúp chúng ta cảm nhận được tầm quan trọng của Tự do.
Đây là cách chúng tôi, những nhà văn, có thể trả lời cho câu hỏi về tính hữu ích của văn chương. Dùng để giải trí, tất nhiên, và không có gì tiêu khiển hơn là một bài thơ hay một cuốn tiểu thuyết tuyệt vời, nhưng thú tiêu khiển này không phù du, vì âm thầm đóng sâu dấu ấn vào tri giác và trí tưởng tượng của con người."
Albert Bensoussan dịch từ tiếng Tây Ban Nha.
Không có nhận xét nào: