VĂN HỌC MIỀN NAM 54-75 (153): NHẤT LINH (6) - Giòng sông Thanh Thuỷ

(Chương 11, 12, 13)

Chương mười một
Sáng hôm sau, Tính về báo cho Ngọc biết là có sự di chuyển bộ đội Tàu từ Ma-Lì-Pố về biên giới và từ biên giới về Ma-Lì-Pố. Như vậy công việc của Ngọc sẽ khó khăn. Ngẫm nghĩ một lát, Ngọc báo cho Nghệ và Tứ biết tin đó.
“Theo ý tôi, chúng ta nên hoãn lại một ngày vì một là bọn buôn lậu e ngại không dám rục rịch, hai là trong bọn quân Tàu ở biên giới có rất nhiều lính Tàu bị bọn Pháp mua chuộc. Giữa đường, chúng mình ăn mặc quần áo quân nhân Tàu mà không có phù hiệu, bọn lính Tàu mật thám cho Pháp nó nhận ngay ra mình là cách mệnh Việt Nam; tôi đã nói với hai anh rằng cả vùng này dân thường họ cũng biết vậy. Chắc các anh còn nhớ câu cô hàng nói: 'chuân pu sư chuân, mỉnh pu sư mỉnh, sư an nan cơ mỉnh'. Đi dọc đường gặp họ, sợ lộ chăng?”
Nghệ nói:
"Ta nên hoãn lại đến ngày mai hãy đi. Sớm muộn một ngày không sao. Có điều cần nhất là chúng mình không nên ra phố. Tụi nó báo về Thanh Thuỷ, dọc bờ sông tụi Pháp sẽ canh phòng nghiêm mật, chúng mình đi khó thoát."

Tứ cũng muốn nghỉ lại một ngày nhưng hơi buồn vì phải ở nhà ăn cơm đỏ với rau. Chàng sẽ nhờ Huân đi mua tí rượu; cơm không ngon nhưng có rượu là được rồi, vả lại đêm hôm qua chàng hút có hơi nhiều thuốc phiện người còn say, nằm khểnh còn hơn là lảo đảo cuốc bộ hơn nửa ngày đường.
Nhân một lúc gặp riêng Tính và Hân ở dưới bếp, Ngọc nói nhỏ:
"Tôi có làm việc gì lạ các anh cũng đừng tỏ vẻ ngạc nhiên đấy."
Thấy Nghệ giở sách ra coi, Ngọc cũng giở sách và lấy giấy bút loay hoay viết. Tuy viết chữ nho rất đẹp nhưng chàng cứ viết nguệch ngoạc, nét cố làm thành non dại và có khi viết trái cựa hay viết sai hẳn đi. Thỉnh thoảng chàng lại đến chỗ Nghệ ngồi hỏi nghĩa một vài chữ nho. Nghệ dậy cho Ngọc cách học chữ nho từng bộ. Nhìn thấy chữ Ngọc viết trên giấy, Nghệ thốt lên:
"Chữ anh tốt ghê."
Chàng nhìn Ngọc tỏ vẻ ngạc nhiên và nghi ngờ. Mau trí, Ngọc nói luôn:
"Thế mà em không biết đấy. Có lẽ vì em vẽ được. Lúc còn ở trong nước, làm thợ đan den nhưng ông chủ thỉnh thoảng vẫn nhờ em vẽ chép lại các kiểu, có khi lại nhờ em thay đổi hoặc vẽ hẳn kiểu mới. Nhưng mấy chữ này em có viết đúng không?"
Nghệ lấy bút sửa bảo Ngọc:
"Anh viết chữ 'trà’ thừa một nét ngang thành ra chữ 'đồ’ là một thứ cỏ độc."
Tính và Hân vẫn biết Ngọc đọc và viết chữ nho rất giỏi nay thấy vậy đều cùng ngạc nhiên nhưng vì có lời Ngọc đã dặn nên không dám lộ ra. Ngồi viết một lúc lâu, Ngọc đứng lên nói:
"Nào ra phố chơi."
Tứ đang nằm nhỏm dậy:
"Chú cho tôi đi với!"
Nghệ nói dằn từng tiếng:
"Tôi đã bảo không được đi ra phố."
Ngọc lạnh lùng đáp lại:
"Tôi ra phố được."
Rồi chàng đứng nhìn Nghệ có vẻ khiêu khích. Dầu cho Nghệ là cán bộ cao cấp đi nữa, đến đây mọi quyền đều ở công tác trạm trưởng. Song chàng không nói điều đó ra vì chính chàng đã làm trái nguyên tắc. Chàng tức là tức cái giọng trịch thượng của Nghệ.
Nghệ quay đi nói một mình:
"Chiều hôm qua thì thế, hôm nay đã đổi khác. Anh đi đâu tuỳ anh. Anh thì..."
Nghệ ngừng lại nhưng Ngọc cũng đoán được Nghệ định nói: anh thì cả đời chỉ là một cán bộ liên lạc quèn. Dẫu sao có một điều đáng để ý là Nghệ cũng như chàng đều tìm cách giấu lẫn nhau. Ngọc hơi sờ sợ vì chàng biết Nghệ dối trá như vậy chắc phải có một ý định gì không tốt đối với chàng. Rất có thể ngày mai Nghệ sẽ thủ tiêu chàng trước. Cũng may chiều hôm qua Nghệ hỏi đường buôn lậu chàng không nói ra. Qua sông Thanh Thuỷ rồi, Ngọc chắc thế nào Nghệ cũng giết mình. Chàng mỉm cười nghĩ thầm:
"Nhưng không bao giờ mình để anh chàng này qua sông. Nếu Nghệ không trúng kế mình thì sáng mai mình sẽ chết và nhất định Nghệ sẽ qua cầu sắt rồi đi thẳng vào đồn Pháp."
Nghĩ đến đó Ngọc thấy ruột như thắt lại. Chàng nghĩ ra là nếu Nghệ qua cầu sắt thì Nghệ sẽ thủ tiêu mình ngay khi đi khỏi Ma-Lì-Pố độ mười cây số.
"À nhưng..."
Ngọc ngồi xuống cạnh Nghệ, giọng nói trở lại ôn tồn:
"Tôi mặc áo Tôn Trung Sơn [1] có ra phố cũng không sao đâu, vả lại ở đây tôi quen lắm; tôi đã từng ở công tác trạm này mấy tháng. Tụi mật thám Pháp nó biết thì biết đã lâu rồi."
Ngọc ghé tai Nghệ nói thầm:
"Tôi cần đi gặp một đồng chí người Thổ buôn bán ở đây đã lâu đời. Tôi dặn đồng chí đó hôm nay sang Thanh Thuỷ dò la tin tức và báo cho đồng chí Thổ ở gần Thanh Thuỷ biết trước để thông tin đi các nơi. Như vậy khi về nước đỡ mất thì giờ chờ đợi. Anh có thể do đồng chí Thổ ấy mà bắt liên lạc ngay được với tất cả các anh em rải rác ở biên giới. Thôi, tôi đi đây."
Ngọc cười rồi nói giọng đùa:
"Ở nhà anh cứ tha hồ đọc sách không có người mỗi lúc lại đến làm phiền anh. À, anh Tứ này, tôi có biết một hàng rượu ngon lắm. Tôi sẽ mua về một chai bố uống chơi. Tôi lại mua thêm ít đồ nhắm nữa. Tuyệt!"
Ngọc mượn Tính bộ Tôn Trung Sơn mặc ra phố; chàng không đến nhà đồng chí Thổ vì một lẽ là không có đồng chí Thổ nào ở Ma-Lì-Pố cả. Theo con đường dốc đất đỏ, Ngọc xuống chỗ bộ đội Tàu đóng. Chàng quen rất nhiều sĩ quan vì Đảng bộ Trung Hoa Dân quốc có tiếp tế gạo cho công tác trạm, lúc chàng còn ở Ma-Lì-Pố, cứ một tháng hai lần chàng cùng các đồng chí khác xuống khiêng gạo về nhà. Một người thiếu hiệu [2] quen thuộc gặp chàng ngay ở cổng trại, vồn vã hỏi:
"Thế nào sao lâu không thấy ông đến?"
Ngọc cho người bạn thiếu hiệu hay là chàng phải đi công tác về phía Lao Kay, nhưng vẫn nhớ cảnh nhớ người, nhân tiện có việc ở Ma-Lì-Pố nên vội vàng đi thăm các bạn cũ. Chàng lân la trò chuyện, biết rõ có việc luân chuyển một trung đội và nội hôm nay thì một đằng xuất phát từ Ma-Lì-Pố đi và một đằng xuất phát từ Bắc Bảo ở biên giới về. Ngọc ngẫm nghĩ:
"Mai ta cũng xuất phát được."
Chàng ghé qua một hàng quen mua thật nhiều đồ nhắm ngon cho Tứ và một chai rượu trắng. Về tới nhà, chàng giơ chai rượu rồi mở gói đồ nhắm cho Tứ xem. Tứ ngồi nhỏm dậy, lấy đôi kính cận thị ra lau rồi cúi xuống gói đồ nhắm hít hít, hai cánh mũi phập phồng và yết hầu đưa lên đưa xuống. Trong óc Ngọc lại hiện ra cái ý tưởng cứu Tứ.
Chàng chỉ cần sao cho lúc đó Nghệ uống cà-phê trước; khi Nghệ uống xong chàng sẽ lên tiếng gọi Tứ xuống ngay chỗ chàng đứng:
"Anh Tứ ơi, trong túi tôi có sót một quả... đố anh quả gì nào?"
Chàng đã biết Tứ thích ăn hoa quả, thế nào Tứ cũng hỏi: "Đâu? Đâu?" và chạy lại ngay. Còn việc giật lấy khẩu súng lục của Tứ đối với một người đã được Mỹ huấn luyện thành thạo như chàng không có gì khó khăn cả. Chàng sẽ chĩa súng vào Tứ và nói khẽ cho Tứ khỏi sợ:
"Tôi không giết anh đâu. Tôi tha anh về để gặp vợ con và từ nay anh đừng có nhúng tay vào những việc như thế này nữa."
Đợi cho Nghệ chết rồi mà chắc Nghệ chết ngay vì Ninh đã có nói chất độc ấy uống vào là chết liền không tài nào cứu chữa được nữa, chàng sẽ đưa Tứ đến nhà một người buôn lậu để người ấy cho Tứ đi theo về nước.
Chàng nghĩ trước đến nỗi vui mừng của Tứ khi được chàng tha giết, nỗi sung sướng của Tứ khi về quê nhà gặp mặt người yêu. Cách mệnh thành công, thế nào chẳng có lúc chàng gặp Tứ với Nga; chàng sẽ được thấy trong mắt hai vợ chồng một tia nhìn cảm ơn, một sự cảm ơn âm thầm vì đối với một việc như thế người chịu ơn cũng như người làm ơn không ai có thể nói ra miệng được.
Nghĩ vậy, rồi Ngọc lại ra ngồi học và tập viết chữ nho, đợi Hân thổi xong cơm. Thỉnh thoảng sang hỏi Nghệ một vài chữ, Ngọc tự nhiên thấy sờ sợ như ngồi gần một con rắn độc. Chàng vừa hỏi vừa thầm nghĩ: mặc dầu chàng đã không chỉ rõ đường, lại hẹn giới thiệu để Nghệ có thể liên lạc với hết thẩy các đồng chí rải rác ở biên giới nhưng chàng không biết trong hai người ai sẽ ra tay trước. Để Nghệ khỏi nghi ngờ, ngày mai lúc nào chàng cũng đi trước Nghệ; mới nghĩ đến thế chàng đã thấy rờn rợn ở gáy. Chàng sẽ đi thật mau để đếnchỗ ấy thì Tứ và Nghệ đều mỏi mệt nhoài cần phải nghỉ. Bỗng một ý nghĩ vụt đến khiến Ngọc lạnh cả người:
"Còn bi-đông cà-phê! Lạ nhất là Nghệ không từng hỏi đến cà-phê một lần nào cả. Tứ thì đòi uống hai lượt rồi. Hay là Nghệ đã đoán rõ trong cà-phê có thuốc độc. Nhưng cần gì! Miễn là đến được chỗ ấy, mình đã có cách."
Thấy Ngọc mặt cúi nhìn mãi một chữ không nhúc nhích, Nghệ tưởng là mình giảng chưa rõ nên giảng lại:
"Thế này nhé, có gì mà anh không hiểu. Chữ Hoa như Hoa kiều khác chữ Bút và chữ Nghiệp ở chỗ..."
Ngọc đáp:
"Thôi, em hiểu rồi."
Hân bưng mâm lên. Trên mâm có bát đũa và đĩa đồ nhắm. Ngọc bảo Tứ:
"Các anh ấy không biết uống rượu, em với anh chúng ta đánh chén trước."
Nghệ ngửng nhìn Ngọc. Ngọc biết là Nghệ nhắc ngầm đến lời hứa của mình hôm qua khi Nghệ trách chàng không nên tập uống rượu, nhưng chàng cứ lờ làm như mình là người vô tâm, tính nết hời hợt.
Chàng đến ngồi trên phản mở rượu rót cho mình và rót cho Tứ, nâng cốc mời:
"Chúc anh, chúc chung chúng ta ngày mai lên đường may mắn."
Ngọc nhắp môi "hà" một tiếng, trong lòng thầm nghĩ về Nghệ:
"Rõ khéo vờ vĩnh, mày thì cần gì tao thành cán bộ khá."
Chàng mỉm cười:
"Còn mình nữa cũng khéo vờ vờ vĩnh vĩnh. Người nào cũng biết chắc là người kia vờ vĩnh nhưng nực cười nhất cả hai người đều tin rằng mình thành thực lắm và vẫn tin rằng người khác cũng cho mình là thành thực."
Ăn xong bữa cơm ngon lành, mặc dầu riêng Nghệ chỉ ăn cơm với rau chấm nước muối (vì Ngọc đã dặn chàng kiêng mỡ sợ đau gan), mọi người nằm nghỉ trưa một lúc. Theo thời khoá biểu đã dán sẵn ở tường, Tính nói với Nghệ:
"Chiều hôm nay để dành riêng bàn về các vấn đề linh tinh. Có vấn đề nào đáng đem ra thảo luận thì tuỳ ý anh em quyết định."
Lúc đó, Tứ vì thức gần suốt đêm hôm trước nên nằm ngủ ở phản, ngáy khò khò.
Hân mỉm cười nghĩ thầm:
"Hay ta đưa ra vấn đề ngủ có nên ngáy không và người cách mệnh ngủ mà ngáy có liên quan gì đến công việc cách mệnh không?"
Riêng Hân, Hân tin rằng có liên quan vì kẻ địch có thể dựa theo tiếng ngáy mà biết mình thức hay ngủ. Hân không định nói nhưng miệng chàng thốt ra:
"Hôm nay tôi đề nghị đem vấn đề ngáy ra bàn."
Mọi người đều nhìn vào chỗ Tứ ngủ và bật lên cười, trừ Nghệ. Hân tiếp theo:
"Đồng chí Tứ xin anh em để anh ấy ngủ trưa vì đi công tác đặc biệt."
Hân vốn ít nói nhưng nói câu nào cũng chắc nịch và có một vẻ trào phúng thâm thuý kín đáo:
"Vậy ngoài vấn đế ngáy tôi xin bàn về vấn đề ngủ trưa. Người cách mệnh có nên ngủ trưa không?"
Tính nói:
"Việc ngáy rất quan trọng và càng ngáy to càng quan trọng hơn cho những đồng chí nào cần canh giữ giấy tờ tối mật sợ bị lấy trộm dễ dàng, còn ngủ trưa hay không ngủ trưa tôi không thấy quan trọng gì. Buồn ngủ thì cứ ngủ."
Nghệ nghiêm trang nói:
“Đồng chí Tứ không có quyền ngáy. Muốn không ngáy lúc đi ngủ phải lấy khăn tay bịt mồm lại, nhưng ngáy là tự trời sinh ra còn tha thứ được. Còn như ngủ trưa lấn vào giờ làm việc ở công tác trạm, chúng ta cần đánh thức đồng chí Tứ dậy và cảnh cáo.”
Nghệ vừa nói đến đấy thì Tứ nói mê. Hân nói:
“Ngủ mà nói mê còn nguy hơn là ngáy. Vậy cần phải cấm những người cách mệnh nói mê.”
Nghệ nói:
“Nói mê hay ngáy vẫn có thể chữa bằng cách lấy khăn bịt mồm lại.”
Ngọc tiếp theo luôn:
“Đồng chí Nghệ ngủ ngáy to lắm, có đồng chí Tứ làm chứng, mà tôi không thấy đồng chí Nghệ bịt miệng; kể cũng phải vì nếu bị cảm, tắc hai lỗ mũi, bịt miệng thì sẽ chết ngạt mất một người cách mệnh tài ba, như vậy có hại hơn là ngáy hay nói mê.”
Chàng nhìn Nghệ. Nghệ lại nói bằng cái giọng trịch thượng như ban sáng:
“Giờ bàn luận ở công tác trạm không phải là giờ nói đùa bỡn.”
Ngọc cúi mặt xuống. Tính nói:
“Tôi chưa tuyên bố khai hội vậy nói đùa hay không nói đùa là tuỳ tính riêng từng người. Bây giờ tôi xin khai hội; buổi khai hội hôm nay dành về việc thảo luận các vấn đề, bất cứ vấn đề gì, miễn là có liên quan đến cách mệnh hoặc lý thuyết chủ trương của đảng. Đồng chí Hân ra đánh thức đồng chí Tứ dậy.”
Thấy có người lay mình, Tứ nhỏm dậy hốt hoảng:
“Cái gì thế?”
Tứ rút kính ở túi ra, lau đi lau lại cho kính khỏi mờ, thấy bốn người ngồi chung quanh bàn, nét mặt người nào cũng nghiêm trang, chàng chột dạ tưởng có tin gì cản trở việc về nước. Sau khi Hân nói rõ lý do, Tứ mới yên tâm gượng gạo vừa ngáp vừa đi lại ngồi vào bàn.
Nghệ giơ tay xin nói:
“Tôi đề nghị hôm nay bàn về tương quan giữa niên tuế và công tác cách mệnh.”
Ngọc tiếp theo:
“Nói nôm na là tuổi và công việc cách mệnh có dây dính hay không dây dính với nhau.”
Chàng biết ngay là Nghệ định mượn vấn đề ấy để đả kích mình nhưng chàng giơ tay tán thành vì chàng biết rõ nếu chàng tán thành thì Tính, Hân và Tứ cũng tán thành theo. Hân mủm mỉm cười; những lúc chỉ có hai người Tính với chàng ở công tác trạm thì chẳng có giờ giấc gì, lúc nào cũng bàn, bàn việc lo liệu đi lĩnh gạo, bán gạo thừa thế nào cho được nhiều tiền và ra chợ mua những thức ăn sao cho rẻ, làm ruốc thật ngon khi nào dư dật để các đồng chí qua lại có thức ăn ngon miệng. Vấn đề ấy, Hân cho là quan trọng đáng bàn hơn hết. Nhưng Hân cũng góp ngay ý kiến:
“Như tôi tuổi già lẩm cẩm, lại ít học nên giữ việc bếp nước rửa bát quét nhà để các đồng chí được thảnh thơi. Thế có gọi là giúp việc cách mệnh không?”
Hân nói giọng nghiêm trang nhưng mọi người đều cười ồ tán thành:
“Đấy là đồng chí Hân đã giúp công việc cách mệnh một phần không phải nhỏ.”
Lần đầu tiên, Ngọc thấy hai con mắt Nghệ vui cười một cách thẳng thắn. Đã từ lâu không một ai không mến Hân, vẫn gọi đùa Hân là “Bô”. [3] Các cán bộ thanh niên hễ tới Ma-Lì-Pố là vòi quà Bô như trẻ con làm nũng một ông bố hiền lành. Hân chỉ cười tủm tỉm:
“Bô nhưng mà ‘Bô’ xu.”
Nghệ giơ tay phát biểu ý kiến. Chàng nói rất nhiều, thỉnh thoảng lại chêm một vài chủ trương của Việt Minh và nói khéo rằng muốn thắng Việt Minh cần phải làm theo chủ trương của Việt Minh nhưng làm hơn họ để lôi kéo những phần tử của họ theo về mình. Lúc bàn đến các thanh niên cán bộ chàng cho rằng tuy họ bồng bột hăng hái nhưng mắc phải cái tính bất nhất vì trí óc còn non nên không có lập trường vững chắc: dễ nghe và dễ biến tâm và đấy là những con cá rất dễ để Việt Minh câu nhử.
Nghệ nhìn Ngọc, người ít tuổi nhất trong số năm người ngồi thảo luận, rồi thong thả tiếp:
“Tôi lấy thí dụ. Xin đồng chí đừng mất lòng vì cần phải biết nghe lời người khác mặc dầu ý ấy làm mình khó chịu, phải vui vẻ nhận lấy sự phê bình của người khác, phải biết tự phê bình. Thí dụ như đồng chí Ngọc trẻ nhất đây... Tôi thử hỏi hai đồng chí Tính và Hân, trước kia đồng chí Ngọc có uống rượu bao giờ không?”
Tính đáp “Không” còn Hân giải thích:
“Uống một tý mạch máu lưu thông cũng không sao. Lắm khi có các đồng chí thanh niên đến đây tôi lại tự mua rượu về cho họ uống những lúc nào tôi không ‘Bô’ xu quá.”
Nghệ lại tiếp:
“Tuy tôi ngồi nhà nhưng cũng biết đồng chí Ngọc rủ đồng chí Tứ đi hút thuốc phiện. Tôi biết vì nhiều lẽ. Xin hai đồng chí tự kiểm thảo. Thế nào đồng chí Tứ?”
“Có đêm qua tôi có làm vài điếu, tưởng hôm nay đi được, cho nó khoẻ khoắn.”
Nghệ chỉ vào mặt Ngọc:
“Nhưng lỗi ở cả đồng chí Ngọc. Nếu đồng chí Ngọc không chỉ dẫn thì đồng chí Tứ mới đến đây lần đầu làm sao dò được chỗ hút, nhất là trong thời kỳ Hoa Nhật chiến tranh Tưởng uỷ viên trưởng đã ra lệnh cấm ngặt. Tôi yêu cầu đồng chí Tính ghi vào biên bản rồi báo cáo ngay về đồng chí Ninh để tuỳ ý đồng chí Ninh định liệu trừng phạt.”
Ngọc ngồi yên lặng một lát rồi nói:
“Tôi xin nhận hết lỗi về tôi. Dẫu sao hiện giờ tôi có công tác đặc biệt. Làm xong tôi sẽ trở về Mông Tự gặp đồng chí Ninh. Yêu cầu đồng chí Tính báo cáo trước.”
Tính tuyên bố bế mạc cuộc hội thảo. Nghệ đứng lên bảo Ngọc:
“Đồng chí còn cần phải tập tành nhiều nhưng đồng chí đã thẳng thắn nhận lỗi. Đó là một điều tiến bộ. Phải như vậy Đảng mới mạnh mẽ và công cuộc đuổi Pháp, giành độc lập chóng được thực hiện.”
Ngọc ra đứng tựa cửa sổ, mỉm cười, chàng nhìn những người dân Tàu qua lại dưới phố. Trong óc chàng như nhẩy múa những chữ: dối trá, gian giảo, độc ác, giết người. Chàng nhớ lại quãng đời thơ ngây, trong trắng ở quê nhà lúc yêu Thuý; nghĩ đến Thanh, chàng cau đôi lông mày thầm nhủ:
“Họ rình nhau như những con thú dữ mà người nào cũng vì một lý tưởng mình cho là cao đẹp.”
Trí chàng lại loay hoay nghĩ về sự xấu sự tốt của con người.
Chương mười hai
Sáng hôm sau Ngọc lấy cớ ra Đảng bộ Tàu, ngồi lại nói chuyện ba hoa với một vài nhân viên để làm chậm cuộc đi lại. Chàng vui mừng thấy trời không có một đám mây nào; cả ngày hôm nay chắc nắng. Buổi sáng hơi mát nhưng chàng đoán mười giờ trở đi trời sẽ nắng gắt lắm.
Ngọc nghĩ đến những ngày nắng và có gió heo may ở vườn nhà; chị chàng mỗi khi đi qua chỗ nắng vẫn thường lấy cánh tay hoặc lấy vạt áo che trán cho đỡ nắng và thường bắt chàng phải đội mũ:
“Chú không biết nắng tháng tám nám bưởi à?”
Khí hậu ở Ma-Lì-Pố, chàng thấy giống như hệt khí hậu ở bên nước nhà; chàng vẫn thích nhất những ngày thu trong sáng có gió heo may; khi chàng còn ở quê nhà chàng thường ra ngồi dưới gốc cây nhãn ở bờ sông, nhìn ngắm những ngôi sao lấp lánh trên gợn nước. Hôm nay thấy trời nắng chàng lại vui vì một lẽ khác. Ngọc tự nhủ:
“Nắng này thì quả lựu Thanh để phần mình chắc đã chín, dám hồng hơn cả đôi gò má nàng. Không biết có được về ăn không?”
Chàng tự nhiên thầm gọi:
“Em Thanh của anh.”
Rồi chàng rẽ qua bưu tín cuộc đánh điện về cho Ninh: “Người em bảo đảm vô can”.
Đánh điện xong chàng nhẹ hẳn người:
“Thế là Thanh hết ăn cơm với ruốc xót ruột nhé. Tha hồ mà đi lượn phố.”
Thanh vô can thì một lần khác chàng có thể đem Thanh đi theo khi nào chàng được phái về biên giới. Chàng chỉ mong sao được Ninh phái về Ma-Lì-Pố lần nữa. Ngọc vui vẻ thổi sáo miệng rồi hát:

Ăn cháo hoa... hay là... là ăn ruốc.

Lúc về công tác trạm, trèo thang lên gác, chàng vẫn vui vẻ tươi cười tiếp tục hát câu đó. Tứ hỏi:
"Lại gặp cô nào hẳn?"
Ngọc không đáp lại vừa tiếp tục hát vừa cho các thứ đồ đạc vào túi vải. Chàng thấy một gói tròn cồm cộm ở trong túi, lấy ra hỏi:
"Cái gì thế này?"
Tứ nói:
"Tôi cũng có, anh Nghệ cũng có. Cơm nắm với ruốc rang."
Hân mủm mỉm cười nói:
"Bô độ này túi rích tiền. Các anh đi đường ăn cơm nắm suông, nuốt khó trôi lắm."
Ngọc nghĩ ngay đến chỗ ăn ruốc thì việc chàng định làm càng dễ:
"Cám ơn Bô nhé."
Sửa soạn xong xuôi, lúc mọi người ra đi, xuống chân cầu thang, Ngọc kêu lên:
"Ấy chết quên hẳn mất cái bi-đông cà-phê của chị Nam."
Rồi chàng chạy lên lấy cái bi-đông mà chàng đã cố ý bỏ quên.
Tính và Hân tiễn ba người ra khỏi Ma-Lì-Pố. Mọi người giơ tay vẫy nhau. Ngọc nói to với Hân:
"Ba ngày nữa tôi về, Bô rích, Bô phải mua quà mừng tôi nhé."
Đôi mắt Hân cười nheo lại, rồi Tính và Hân quay trở về công tác trạm.
Từ biệt Tính và Hân rồi, Ngọc bắt đầu đi mau như chạy. Con đường ấy Ngọc đã biết là không có một dòng nước nào chảy qua. Có chăng chỉ là những dòng ở chân núi, đứng trên không nom thấy được và có nom thấy cũng không có lối xuống vì đường dốc và rừng gai rậm rạp. Ngọc đi thoăn thoắt và bỏ xa hai người, những lúc lên dốc chàng lại càng đi mau hơn. Ngọc ngoái cổ lại nói to:
“Để em vừa đi vừa hát, các anh đi cho vui chân.”
Chàng cất tiếng hát cao giọng, đi thật mau cho bước chân ăn nhịp với nhịp bài hát mà chàng cố hát thật mau:

Hồn nước muôn năm sống cùng non nước!
Ngày nay ta noi tấm gương anh hùng.
Dù khó thế mấy quyết cùng nhau bước,
Làm cho vang tiếng cháu con nòi giống Tiên Long.

Chàng chuyển sang điệp khúc: 

Mau, mau đồng lòng, tay cầm tay, trông cờ nước, ta đều bước,
Tuốt gươm, quyết tâm thề với núi sông...
Hồn nước muôn năm sống cùng... [4]

Bài hát ấy là của Lưu Hữu Phước, đảng viên Việt Quốc trong thời kỳ bí mật trong nước truyền ra, do Ninh dạy chàng. Ninh có nói là thay đổi lời đi đôi chút cho nó mạnh hơn và đúng bằng trắc hơn.
Trời bắt đầu nắng mỗi lúc một gắt; Nghệ và Tứ không biết là bài hát gì nhưng vì nhịp quyến rũ nên cũng cố bước theo cho đúng nhịp. Thỉnh thoảng thấy Nghệ và Tứ đi chậm, chàng lại cất tiếng hát thật lớn:

Hồn nước muôn năm...

Chàng cứ nhè chỗ nào thoai thoải lên dốc là bắt đầu hát. Chàng vẫn nghiệm đã từ lâu rằng những chỗ dốc hẳn, ai cũng thấy ngay, và đi chậm lại; chỉ những đoạn dốc thoai thoải và dài phần nhiều ai cũng tưởng rằng đường phẳng, cứ đi mau chân, mỏi lúc nào không hay.
Lúc đó đi đã được nửa đường từ Ma-Li-Pố đến Pin-chai: chính Ngọc đi quen mà cũng thấy mình thở mạnh, mồ hôi lấm tấm ở trán và khát khô cả cổ. Chàng đoán Tứ và Nghệ còn khát hơn; hai bi-đông nước chè Tứ và Nghệ đem theo chắc đã uống hết vì tuy không quay lại nhưng những chỗ đường vòng chàng vẫn thấy hai người đứng lại đổ nước ra nắp, nốc uống. Vì lòng tự đắc, vì đường dốc thoai thoải không biết là dốc, vì điệu hát của Ngọc nên hai người không nghỉ, cứ cố theo cho kịp Ngọc.
Đến một chỗ có bóng râm, Ngọc ngừng lại đợi. Trong tám cây số, Ngọc không sợ Nghệ ra tay vì Nghệ xa chàng quá, có bắn cũng không trúng và nếu bắn hụt chàng có thể chạy trốn dễ như không rồi báo cho bộ đội ở Lao-Mu-Ngan cách đây dăm cây số bắt Nghệ. Lúc ngừng lại, đợi Nghệ đến chàng mới đâm lo.
Đến gần, Nghệ chỉ trách:
“Anh đưa đường mà anh không nghĩ gì đến những người nhiều tuổi hơn anh và đi không quen.”
Ngọc đáp:
“Xin lỗi hai anh, em thấy đi như vậy là vừa tầm nên quên phắt đi rằng hai anh khác. Vả lại cần đi mau để được việc cho hai anh.”
Nghệ ôm lấy bụng mặt tái lại rồi ngả người trên bờ cỏ vệ đường:
“Tôi thấy đau quặn ở bụng chắc là lên cơn đau gan. Không đi thì đứng!”
Nghệ lại ôm lấy bụng rồi quằn quại, mồ hôi toát ra ướt cả mặt.
“Thôi quay về Ma-Lì-Pố.”
Lần đầu tiên Ngọc thấy Nghệ cáu gắt, mất bình tĩnh. Nhất định không phải Nghệ giả vờ vì Ngọc đã chứng kiến nhiều người đau gan lúc lên cơn, lăn từ giường này sang giường kia, có khi lăn cả xuống đất, người quằn quại như sắp chết đến nơi. Ngọc lấy ra một lọ dầu rồi cùng Tứ vừa xoa vừa nắn bụng Nghệ. Chàng ngồi xuống cỏ, đặt đầu Nghệ gối lên đùi mình; một phút sau thấy Nghệ nằm yên, mắt nhắm lại, mồ hôi toát đầy trán và hai môi mím chặt như người vẫn đau nhưng cố giữ không kêu.
Ngọc cứ để yên Nghệ gối đùi mình một lúc lâu. Chân chàng đã tê dại nhưng chàng cố không nhúc nhích. Một lúc sau, chàng thấy Nghệ duỗi thẳng hai chân hai tay, cả thân thể yên lặng một cách lạ lùng và hình như không thở nữa.
Chàng sẽ lay người Nghệ, gọi:
“Anh Nghệ, anh Nghệ ơi!”
Không thấy Nghệ trả lời, Ngọc đặt tay vào ngực chỗ quả tim nhưng không thấy tiếng đập, chàng bảo Tứ:
“Anh thử bắt mạch anh ấy xem.”
Tứ loay hoay tìm mãi rồi lắc đầu.
Ngọc cho là Nghệ đã chết. Hình như chàng thấy hơi lạnh của Nghệ thấm dần, thấm dần vào đùi mình. Cái trán nữa, cái trán có một vẻ yên lặng như trán Thuý khi Thuý mất, yên lặng hơn cả vùng trời xanh và cao hẳn lên. Tai Ngọc không nghe thấy gì nữa; không một tiếng động trong rừng núi hay trong những cành thông trên đầu chàng. Nghĩ đến Nam khi giết Đức, Ngọc tiếc không đem cái gương con nào để thử như Nam.
“Thế là Nghệ đã chết, chết một cách tự nhiên.”
Chàng định bụng để Tứ đi trước, rồi chàng sẽ quẳng xác Nghệ vào một bụi rậm gần đấy cho người qua đường khỏi thấy. Khi trở về chàng sẽ lấy ví cùng các giấy tờ rồi lột quần áo Nghệ cho mất hết dấu tích. Tự nhiên chàng đổi ra thương hại Nghệ, một cán bộ lỗi lạc, lợi hại của Việt Minh, thương hại một người mà chàng cần phải giết vì biết rằng để Nghệ đi lọt về nước thì bao nhiêu hệ thống Ninh đã tốn công phu mới gây lên được sẽ bị tan vỡ hết. Chàng lại mừng sẽ cứu được Tứ. Chỉ độ hơn hai giờ nữa, chàng sẽ giao Tứ cho bọn buôn lậu, Tứ chắc sẽ về được Tuyên Quang gặp lại Nga. Thoáng rất nhanh, chàng nghĩ đến đêm gặp gỡ và cuộc ái ân sau mấy năm cách biệt của đôi vợ chồng yêu nhau đằm thắm ấy.
Bỗng Ngọc thấy mấy đầu ngón chân Nghệ cựa quậy. Chàng nhìn trừng trừng không tin, tưởng mắt mình bị hoa nắng. Hai bàn tay Nghệ cũng gấp lại đặt trên ngực và Nghệ bắt đầu thở mạnh. Một lúc sau Nghệ mở mắt nhìn Ngọc. Không phải lần đầu Nghệ bị ngất đi như vậy vì bác sĩ vẫn bảo chàng đau tim không nên làm những việc gì nặng nhọc quá sức. Ý nghĩ đầu tiên của chàng là ý nghĩ ngầm cám ơn và hơi mến Ngọc khi nhận ra Ngọc có vẻ lo sợ cho mình, nhưng còn việc phải giết Ngọc sau khi bắt liên lạc được với Long bên Thanh Thuỷ vẫn không thay đổi. Chàng bảo Ngọc:
“Chỉ tại anh đi mau quá, tôi phải gắng quá để cố theo. Tim tôi lại yếu nữa.”
Nhưng đấy chỉ là một câu nhận định, giọng nói không có vẻ oán trách Ngọc. Nghệ ngồi nhỏm dậy, vẫn để Ngọc đỡ lưng mình. Tứ nói:
“Cho anh uống ít cà-phê cho tỉnh hẳn.”
Ngọc đáp ngay:
“Phải đấy, uống cà-phê nó trợ tim, nhưng chỉ uống một ít thôi. Cà-phê nước cốt uống nhiều sợ anh ấy lại ngất đi lần nữa.”
Chàng xoay mở nắp bi-đông rồi rót một nửa nắp cầm tay đưa lên miệng Nghệ, tay chàng vẫn đỡ lấy lưng Nghệ. Thấy Nghệ ngập ngừng, Ngọc nói luôn:
“Để em uống thử xem đặc nhạt ra sao.”
Chàng uống một ngụm rồi bảo Nghệ:
“Uống được. Ngon lắm. Phải cái chị Nam pha đặc quá.”
Nghệ đỡ lấy nắp cà-phê uống một hơi cạn; lần này thì chàng không ngập ngừng nữa.
Để Nghệ nghỉ độ nửa tiếng rồi Tứ và Ngọc mỗi người một bên vực chàng đi rất thong thả. Ngọc phải vừa khoác túi vải của mình trên vai vừa xách giùm túi cho Nghệ. Dần dà, Nghệ bảo hai người bỏ tay ra, đi một mình. Nghệ lại khoẻ khoắn như thường, tuy vẫn phải cẩn thận đi chậm bước. Chàng nhìn Ngọc âu yếm:
“Qua khỏi rồi, không sao. Tôi chỉ lo nhất là không làm xong phận sự. Chết thế này thà về tới Thanh Thuỷ chết về tay Pháp còn hơn.”
Cả Ngọc và Nghệ hai người đều nhẹ nhõm: Ngọc thì yên trí Nghệ không còn nghi trong cà-phê có thuốc độc nữa. Nghệ thì tin chắc trong cà-phê không có bỏ thuốc độc.”
Ngọc hỏi Tứ:
“Nước chè sáng ngày Bô Hân đổ đầy bi-đông các anh còn không, em khát quá.”
Tứ nói:
“Tôi với anh Nghệ đã nốc cạn cả hai bi-đông không còn một giọt.”
Ngọc thản nhiên nói:
“Cũng không sao. Sắp đến chỗ có suối rồi."
Chương mười ba
Vì có Nghệ mệt nên đi chậm, mười một giờ hơn mới tới chỗ ấy. Ngọc hớn hở bảo Nghệ, Tứ:
"Chỗ này có suối nước trong lại có bóng râm mát lắm."
Rời đường cái, xuống một cái dốc thoai thoải và lượn vòng, ba người thấy hiện ra một bãi cỏ hình lưỡi trai. Ngay giữa bãi cỏ, có một cây tán tròn xoe, bóng rủ xuống râm mát chỉ loáng thoáng điểm vài chỗ nắng nhạt. Ở đấy nhìn lên vì có rừng cây rậm rạp nên không thấy đường cái. Ngọc quẳng túi vải của mình xuống gốc cây, lấy tay vỗ vỗ mấy cái cho thẳng rồi bảo Nghệ:
"Anh nằm xuống đây nghỉ. Anh nghỉ mấy giờ cũng được."
Nghệ ngoan ngoãn nghe theo, nằm xuống đám cỏ êm và gối đầu xuống túi vải của Ngọc. Tứ cũng tháo túi quàng ngồi xuống nghỉ. Tứ hỏi suối đâu, Ngọc đáp còn hơi xa, phải xuống một cái dốc khá cao nữa:
"Hai anh cứ nghỉ một lát đã. Bi-đông của hai anh đâu để em xuống lấy nước."
Chàng đứng lên, đưa mắt tìm bi-đông:
"Các anh tháo thắt lưng ra đi, nào bi-đông, nào súng, nằm nghỉ kềng càng chết. Thôi tôi đi đây."
Bỗng chàng dừng lại:
"Trời đất ơi. Tý nữa thì quên mất. Lúc này làm một tợp cà-phê thì thật tuyệt."
Chàng vừa nói vừa tháo cái bi-đông cà-phê đưa lên miệng, tu một hơi dài rồi lại tu luôn thêm một hơi nữa. Nước cà-phê chảy ra cả hai bên mép; chảy xuống ướt sẫm cả cái áo nhà binh.
"Dại quá, nước cà-phê đặc quá."
Tứ vội nói:
"Chú làm thế thì còn gì về phần tôi nữa."
Ngọc nói như cự Tứ:
"Anh thì anh uống nước suối cũng được. Để tôi xuống ngay suối pha thêm nước cho loãng bớt đi, anh Nghệ uống cho tỉnh. Anh phải để dành anh Nghệ đấy."
Nói xong chàng cầm bi-đông đi mau qua mấy hòn đá rồi lẩn vào trong rừng. Tiếng chàng ở cuối dốc nói vọng lên:
"Đường sao mà dốc thế này. Mà suối trong ghê. Tôi lên ngay bây giờ anh Tứ ạ."
Xuống tới dòng suối, Ngọc ngửng nhìn lên. Cây rừng rậm rạp lại có những tảng đá che khuất. Dẫu sao chàng cũng ngồi xuống khuất sau một tảng đá.
Tuy mọi việc xếp đặt rất tốt đẹp nhưng lúc cởi cúc túi áo nhà binh, tay chàng cũng lóng ngóng mãi mới xong. Chàng rút ra cái gói thuốc độc rồi đổ cả vào bi–đông cà-phê.
Trong lúc làm những công việc đó chàng chỉ chú ý sao cho thuốc độc khỏi đổ ra ngoài nhưng tiếng nước róc rách vẫn lọt vào tai chàng và tuy không nhìn chàng cũng thấy hiện ra những gợn sóng nhỏ, những vân ánh sáng chạy lăn tăn trên nền cát trắng mịn, điểm những hòn sỏi xanh đỏ đẹp như những hòn ngọc.
Chàng cúi xuống suối, lấy nắp múc nước suối đổ dần vào bi đông và cố ý đổ nước để cà-phê vừa ngon không loãng quá và không đặc quá. Chàng sợ nếu đổ nhiều nước, thuốc độc sẽ mất công hiệu; cần phải vừa đặc lỡ thuốc độc có mùi vị sẽ bị mùi cà-phê át đi. Chàng đưa bi-đông lên mũi ngửi và chỉ thấy hương thơm của cà-phê. Ngửi kỹ Ngọc thấy như có mùi hạnh nhân.
Ngọc ngồi rốn lại một lúc ngắm những hòn đá cuội đẹp và mấy con cá nhỏ bơi loăng quăng theo dòng nước.
Lúc lên, chàng đi hơi chậm để tỏ rằng đường xuống suối khó đi. Chàng đưa bi-đông cà-phê cho Tứ bảo:
"Anh rót cho anh Nghệ uống độ một nắp thôi nhé. Nước suối mát quá. Thôi bây giờ tôi lại đi xuống suối tắm một cái rồi đi tìm nấm. Ở đây có thứ nấm ngon lắm. Chiều mình làm một bữa chén nữa để ăn mừng về nước."
Ngọc có ý đứng xa Nghệ vì chàng thấy tay Nghệ đặt lên mân mê khẩu súng lục. Cũng may Nghệ yếu; nếu Nghệ có hạ thủ chàng thì tay run khó lòng bắn trúng; chàng sẽ nấp sau ngay gốc cây, lấy súng của Tứ bắn lại Nghệ. Thấy Tứ rót cà-phê vào nắp bi-đông đưa cho Nghệ, chàng rảo bước đi ngay, đi như chạy xuống con đường nhỏ lúc nẫy. Vừa đi khuất, Ngọc dừng lại nấp sau một bụi cây và tìm khe hở để trông rõ chỗ Nghệ ngồi.
Tuy nom kkông rõ lắm nhưng chàng cũng thoáng thấy bàn tay Tứ đỡ lấy cái nắp bi-đông mà Nghệ đã uống cạn. Chàng nghiêng đầu nhìn về phía Tứ vừa định cất tiếng thật to gọi thì Tứ không biết rót cho mình từ lúc nào, đã đưa nắp cà-phê lên uống. Miệng Ngọc đương há to, nhưng tiếng "Anh Tứ ơi!" ngừng lại ở cổ họng.
Chàng quay mặt đi không dám nhìn vẻ mặt hai người khi biết là đã bị chàng lừa cho uống thuốc độc. Từ quá khứ xa xăm lại hiện ra nét mặt Chuân làm công cho ty rượu. Chàng đi vội xuống tận dòng suối, ngồi dựa lưng vào một tảng đá cố tìm xem lũ cá con lúc nãy có còn bơi quanh đấy không, nhưng tìm mãi vẫn không thấy một con nào.
"Cá lớn nuốt cá bé", câu cách ngôn ấy vụt nẩy ra trong óc Ngọc. "Vật nào cũng vậy muốn sinh tồn thì phải huỷ hoại một vật yếu hơn mình, nhưng còn người? Người có cần phải hại người khác mới sống được không? Chắc là không? Tại sao mình lại làm một việc độc ác như thế này, tại sao Nghệ không quen biết gì mình cũng nghĩ đến việc thủ tiêu mình." Óc chàng loay hoay nghĩ nhưng chàng không tìm được câu trả lời mà có lẽ suốt đời chàng cũng không bao giờ, không bao giờ tìm ra được. Còn cái "guồng máy" của Thanh vì cớ gì lại có. Không vì cớ gì sinh ra, không một ai đặt ra nó nhưng nó có, có một cách hiển nhiên, không chối cãi được. Ngọc cố xua đuổi những ý nghĩ luẩn quẩn ấy đi, lấy một hòn cuội ném xuống nước suối làm loé lên những ngôi sao lấp lánh. Khi về Mông Tự chàng sẽ hỏi Ninh vì chàng biết mình không có suy nghiệm về triết lý.
Chàng giật mình vì thoáng nghe tiếng người nói trên đường cái, tuy còn xa lắm; tiếng nói nghe lạ tai và như từ một thế giới khác vẳng tới.
"Biết đâu những người bộ hành ấy cũng như mình biết chỗ này có suối có bóng mát mà rẽ xuống nghỉ, uống nước."
Nhưng chàng lại yên tâm ngay vì dẫu có xuống, thấy Tứ và Nghệ cũng chỉ tưởng hai người đó đi đường mệt, đương đánh một giấc ngủ trưa.
Thấy tiếng bọn người Tàu mỗi lúc một gần rồi dần dần nhỏ đi, Ngọc chắc họ không rẽ xuống.
Ngọc lại rón rén bò lên chỗ bụi cây lúc nãy. Qua khe hở của cành lá, cái mà chàng nhìn thấy trước nhất là vừng trán của Nghệ. Cái vẻ yên lặng, yên lặng hơn cả đá ấy, lần này chàng không hồ nghi gì nữa. Nghệ đã chết hẳn rồi cũng như Thuý của chàng ngày nào ở quê nhà. Chàng tiến thêm mấy bước nữa và trông rõ cả Tứ đương ngồi tựa vào gốc cây, miệng há ra, mắt bị đôi kính cận thị loé ánh sáng nên chàng không nom rõ. Ngọc chạy thật mau lên chỗ hai người, khẽ gọi:
"Anh Tứ! Anh Tứ!"
Không thấy Tứ đáp lời và người ấy không nhúc nhích, Ngọc quỳ xuống bên cạnh lấy tay sờ trán. Một hơi lạnh khác thường mà Ngọc không lầm được thấm vào bàn tay Ngọc; chàng lột kính ra nhìn hai con mắt mới biết chắc chắn là Tứ đã chết hẳn rồi. Ngọc vuốt mắt cho Tứ. Hôm Thuý chết lần đầu tiên Ngọc được thấy Lễ vuốt mắt em gái, lần này là lần đầu tiên chính chàng tự tay vuốt mắt cho một người chết.
"Hai con mắt này nghìn vạn năm không còn nhìn vào hai mắt của vợ yêu nữa."
Nghĩ đến Thuý mà chàng vẫn yêu, nghĩ đến Tứ với Nga, Ngọc thấy rơm rớm nước mắt nửa vì thương nửa vì tức đã không cứu được Tứ.
Ngọc quả quyết đứng dậy, kéo thây Nghệ về phía rừng rậm chỗ gần một bức vách đá thẳng xuống suối; tuy thở mạnh nhưng chàng không để ý đến mệt rồi quay trở lại kéo thây Tứ đặt nằm gần Nghệ. Chàng mở hai cái túi vải của Nghệ lục lọi và khám xét rất cẩn thận nhưng không có thứ gì khả nghi. Mở đến cái túi của Tứ, ngoài quần áo thường ra chàng thấy một gói cuốn bằng thứ khăn len quàng cổ bọc những vật gì cưng cứng và bọc rất cẩn thận có dây gai buộc chằng chịt. Ngọc lấy tay nắn thử, cố đoán xem vật gì ở trong nhưng không sao đoán được, liền rút dao díp cắt dây rồi nhẹ nhàng mở dần. Trong cùng đến một lượt vỏ gỗ bào thật nhỏ, Ngọc càng nhẹ tay vì biết là những vật ấy mong manh, động mạnh tất hư hỏng.
"Hay là một chiếc máy thu thanh và phát thanh tí hon mình nghe thấy nói đến nhiều lần nhưng chưa được trông thấy bao giờ. Có lẽ chính Tứ mới là tay quan trọng giữ về tình báo. Tứ vờ làm ra mặt ngốc nghếch ham ăn uống; người đã lừa được mình không phải là Nghệ mà chính là anh chàng Tứ phong lưu công tử này."
Gỡ dần vỏ bào nhìn kỹ thì là một bộ chén uống nước chè, một cái bình cổ cao men xanh có những vết nứt rạn rất đẹp, có lẽ là một thứ bình để hâm nóng rượu và hai cái chén uống rượu mầu men xanh trong khiến chàng mới trông ngỡ hai cái chén ấy làm bằng ngọc thạch; ở bên Tàu lâu năm nên Ngọc biết ngay bộ đồ chè cũng như chén và bình hâm rượu là những thứ cổ, rất hiếm quý. Ngọc ngồi ngẩn người ra một lúc, nghĩ đến cái đêm Tứ và Nga gặp mặt nhau, đến chén rượu hâm nóng hai vợ chồng cùng uống để mừng ngày họp mặt, cái đêm không bao giờ còn có nữa trong đời Nga. Chàng bùi ngùi lấy vỏ bào phủ kín các vật, quấn khăn len bọc cẩn thận rồi buộc dây như cũ.
Ngọc khám hết các túi áo, lần từng mép vải, nhìn từng đường khâu. Tuyệt nhiên không có giấy má giấu ở quần áo. Chàng bỏ hai cái ví của Tứ và Nghệ vào túi quần mình đợi khi về Ma-Lì-Pố sẽ xem xét kỹ lưỡng hơn.
Còn một việc nữa Ninh đã dặn nhưng Ngọc còn trù trừ. Trước kia mỗi khi bắn chết một tên phản quốc, chàng chỉ lặng lẽ bỏ đi, việc thế là xong. Nhưng lần này Ninh lại dặn kỹ phải lột hết quần áo để làm mất hẳn tang chứng. Ngọc lật xấp hai thây người và bắt đầu cởi áo, cởi quần Nghệ. Chàng phải lột cả quần đùi vì quần đùi của Nghệ có khâu nhãn hiệu. Nghĩ ra được một ý hay, chàng cởi cả áo lót mình và tháo cả đôi giầy hài sảo; như vậy lỡ ra có ai thấy cũng tưởng hai người cởi quần áo định tắm, lúc xuống dốc cheo leo cần phải dắt tay nhau không ngờ trượt chân ngã xuống đập đầu vào đá mà chết. Người Nghệ gầy và khô đét, chàng tưởng như một con thạch sùng chết phơi đã lâu ở ngoài nắng.
Việc khó nhất đối với Ngọc là lột quần áo Tứ. Chàng luồn tay xuống cổ Tứ để nhấc người lên; tay chàng sờ trúng vào chỗ lồi của cái yết hầu, cái yết hầu mà từ nay không bao giờ đưa lên đưa xuống vì ăn ngon, vì thèm muốn nữa. Ngọc phải cho ngay tay xuống ngực Tứ để nhấc hẳn người Tứ lên cởi áo nhà binh và áo lót mình. Đến lúc tháo hài sảo tụt quần và nhất là khi lột quần đùi thì chàng thấy rờn rợn ở tay, không sao không nghĩ đến Nga những lúc cùng chồng âu yếm. Mặt Tứ tuy hơi gầy nhưng người Tứ trái hẳn với sự ước đoán của Ngọc lại béo mập; hai cái mông của Tứ tròn, da trắng mịn khiến Ngọc quay mặt đi không nỡ nhìn lâu. Chàng lẩm bẩm:
"Xin lỗi anh, chẳng qua số phận anh như vậy. Còn bộ chén trà và bình rượu của anh thôi cũng đành quẳng xuống suối theo người. Bọc kỹ may ra không vỡ đâu.”
Chàng nhấc thây của Nghệ và Tứ đem ra sát gần bức vách núi rồi đẩy mạnh một cái. Hai cái xác rơi từ trên cao xuống, lọt vào khe mấy tảng đá. Đứng ở trên thấy còn hở ba cái chân, Ngọc bẻ một cành cây rậm lá quăng xuống; chàng phải quăng xuống bốn năm cành mới có một cành trúng và che phủ mấy cái chân hở. Ngọc nằm nghỉ một lát rồi cứ để nguyên hai cái túi vải của Nghệ và Tứ ở ngay đấy. Chỗ đó, chàng chắc không ai bước chân tới mà dẫu có tới thì không thấy người, chắc họ vui mừng nẫng luôn hai cái túi và quần áo ở trong đó. Chàng cầm cái bọc bình rượu, nhắm thật kỹ vào một khoảng cát giữa hai tảng đá rồi nhẹ nhàng thả cái gói xuống; cái gói rơi đúng vào khoảng cát, chắc bình với chén của Tứ không vỡ. Yên lặng nhìn cái gói và mấy bàn chân qua kẽ lá rồi chàng đứng thẳng dậy.
Ngọc ngẩng lên: trời cao và xanh, lơ lửng một vài đám mây trắng. Các ngọn núi bao bọc chung quanh dưới ánh sáng trong mùa thu có một vẻ đẹp rực rỡ mà vẻ đẹp của trời thu như còn xa hơn nữa; nắng đẹp ở vườn sau nhà Thanh, nắng làm nám da mấy quả lựu và làm hồng đôi gò má Thanh đương đứng ngắm những cánh hoa lựu trắng; nắng còn đẹp ở những nơi xa hơn nữa, ở nhà Tứ lúc này Nga đương ra vườn cất quần áo đã khô, lòng chợt nhớ đến chồng, mong ngày chồng về; nắng đẹp ở vườn người chị thân yêu của chàng giờ này có lẽ đương cau mũi và mắng chàng:
“Thằng Ngọc chết tiệt, đi đâu biệt tích không một lá thư gửi thăm nhà.”
Mắng vậy nhưng chị chàng chắc cũng chẳng buồn vì lúc ra đi chàng đã biết rõ chị chàng yêu một người học trò bên hàng xóm, biết đâu lúc này hai người không đương ngồi dưới gốc cây nhãn chàng vẫn thường ngồi và cùng nhau ngắm những hoa bạc lấp lánh trên con sông Hoan chảy phía sau nhà...
Ngọc cúi người rút hai khẩu súng của Tứ và Nghệ đút vào túi quần, tháo bao quẳng ra giữa dòng suối rồi chàng trở về chỗ cũ. Chàng lần xuống suối cầm cái bi-đông cà-phê của chàng để nước vào và xóc xóc, tráng đi tráng lại năm sáu lượt, kỳ cho thật sạch, đoạn để trong mũi ngửi xem còn cái mùi hạnh nhân nữa không. Chàng vục mặt xuống suối uống nước chứ không uống nước trong bi-đông. Lúc đi qua chỗ gốc cây râm mát chàng nhìn kỹ lại một lần nữa, thấy cái kính cận thị của Tứ vẫn nằm trên cỏ, chàng cúi nhặt rồi bất giác cho vào túi áo.
Ngọc lần theo con đường vòng ra đường cái và để ý nhìn qua lá cây. Đường vắng không có một bộ hành qua lại vì lúc đó đã một giờ trưa. Chàng lấy nắm cơm và gói ruốc Hân để phần vừa đi vừa ăn. Ăn được vài miếng, chàng thấy lợm giọng và nấc luôn mấy cái. Chàng nhìn xuống cái dốc bên đường, ném mạnh nắm cơm bỏ giở vào một bụi tre gai rồi cất tiếng hát:

Ăn cháo hoa... hay là ăn cơm nắm.

Lần này thì chàng đi ngược về phía Ma-Lì-Pố. Tuy trong người nặng thêm hai khẩu súng lục nhưng chàng đi thoăn thoắt gần như chạy.
Thế là chàng đã làm tròn phận sự.
Chỗ nào đường vắng chàng thấy cần phải cao giọng hát vang, dường như tiếng hát có thể át được những tiếng khác từ trong đầu óc chàng vẳng ra mơ hồ chàng không rõ là tiếng gì nhưng biết chắc là khó chịu:

Hồn nước muôn năm sống cùng non nước!
Ngày nay ta noi tấm gương anh hùng!
Dù khó thế mấy...

Chàng cần phải quay về Ma-Lì-Pố thật mau để đánh điện về Mông Tự cho Ninh: “Mọi việc đều tốt đẹp”.
Hai giờ thì Ngọc tới Ma-Lì-Pố; chàng đánh điện đi Mông Tự, rồi gọi điện thoại cho Nam ở Văn Sơn nhưng họ nói Nam đi đỡ đẻ xa. Ngọc trở về công tác trạm. Hân đương loay hoay vót ít tăm ở dưới bếp thấy Ngọc về, vui vẻ nói:
“Sao về chóng thế?”
Ngọc đáp:
“Cơm nắm của Bô ăn với ruốc ngon lạ, nhưng khát nước ghê. Bô đem cho ấm nước. Đi công tác thành công phải ăn mừng chứ. May quá gặp ngay tụi buôn lậu quen tụi nó nhận lời đưa hai anh ấy về Thanh Thuỷ. Thế là về sớm được với Bô ba ngày, Bô đun cho ấm nước đi, Bô. Sáng mai năm giờ Bô gói cho một nắm cơm; tôi cần về ngay để báo cáo.”
Hân nheo mắt mỉm cười, tay vẫn vót nan tre nhưng có vẻ buồn:
“Thế nào chú Ngọc về Mông Tự có trở lại nữa không?”
Ngọc nói:
“Trở lại lần nữa à? Ý chừng Bô cho mình sắp đến ngày về lỗ, đợi tôi trở lại vuốt mắt."
Ngọc cười nói giọng khôi hài:
"Tôi mát tay lắm, Bô có trăm tuổi nếu tôi vuốt mắt cho, tha hồ ngủ một giấc ngàn năm, không mộng mị, mê hoảng. Nhưng xuống âm ty Bô cũng không thoát được lũ chúng tôi đòi quà đâu."
Rồi Ngọc lên gác nằm vật ra phản, vắt tay lên trán.
Chàng cảm thấy như mình vừa phạm một tội nặng.
Đêm ấy trời bỗng dưng trở giá rét. Chàng lấy chiếc áo len của Thanh ra mặc, rồi đi ngủ sớm vì người mệt mỏi và tinh thần căng quá độ.
Chàng nhìn căn nhà lạnh lẽo rồi lắc đầu thầm nhủ:
“Thanh yêu của anh, anh sắp về với em.”

*

Sau khi ngủ lại một đêm ở Chong-Sin-Kiêu nơi mà Tứ kể lể chuyện đời sống riêng cho chàng nghe, Ngọc đi đường dưới để thăm lại cái suối ở chân đèo ông Tháo. Đêm tuy lạnh nhưng qua dốc ông Tháo trời vẫn nóng và Ngọc lên khỏi dốc cũng phải thở mạnh và mồ hôi ra ướt cả lưng áo.
Ngọc tới Văn Sơn vào quãng ba giờ chiều; có một mình nên chàng đi rất mau. Nam lúc đó có nhà, đương chỉ bảo cách uống thuốc cho mấy người đàn bà Tàu. Thấy Ngọc, Nam đứng lặng nhìn Ngọc, hai con mắt mở to:
“Chú làm tôi giật mình tưởng ma hiện về.”
“Tôi gọi điện thoại mãi cho chị không được.”
Nam bỏ cả khách đang chữa bệnh, chạy vội ra, giơ tay nhấc hai cái quai quàng ở vai, mặt nàng sáp gần mặt Ngọc. Ngọc thấy Nam thở mạnh, hơi thở phào qua má chàng; hai con mắt Nam sáng hẳn lên. Nam ghé mặt gần mặt Ngọc, hỏi nhỏ:
“Việc xong rồi chứ?”
Nhưng Nam hữu ý không ghé vào tai mà lại ghé môi chạm vào má Ngọc. Ngọc gật đầu. Nam đỡ cái túi quàng của Ngọc, nói to:
“Chiều nay thế nào cũng thết chú một bữa ‘Cô sèo mi siển’.”
Đêm ấy tuy không có nước lụt, Nam cũng giăng màn ở cạnh giường nàng. Trời lạnh nên không có muỗi, cả hai cửa màn đều vén lên. Nằm trong chăn ấm, Nam và Ngọc nói chuyện đến quá nửa đêm. Ngọc hỏi mấy câu nhưng Nam không đáp lại, làm như thiu thiu ngủ, rồi nàng duỗi cánh tay đặt ở ngực bỏ thõng ra khỏi giường; Ngọc nhìn ngắm bàn tay Nam. Ngọc nghĩ lúc đó nếu chàng cũng giả vờ ngủ, duỗi thẳng tay ra thì bàn tay chàng sẽ chạm vào bàn tay Nam. Hai bàn tay sẽ giao nhau và...
Nhưng Ngọc chỉ nghĩ thế thôi. Chàng tắc lưỡi rồi kéo chăn lên tận cằm, ngủ đi lúc nào không biết.
Sáng hôm sau, Nam lấy vé xe chở khách thường chứ không cần đợi xe của bộ đội Mỹ. Nàng trả thêm tiền để Ngọc được chỗ tốt, nghĩa là một chỗ có ghế ngồi ngay cạnh tài xế. Nam tiến lên trước đợi xe đi qua, giơ tay vẫy. Ngọc cũng thò đầu ra, ngoái cổ nhìn lại. Đi đã xa, chàng vẫn còn thấy Nam giơ tay vẫy chàng.
Ngọc đã hiểu rõ tình ý Nam đối với mình và nghĩ ngậm ngùi cho Nam một thân một mình ở Văn Sơn, một thành phố nhỏ bé, chung quanh không có một người đồng hương. Nam gia nhập Việt Quốc chắc vì lẽ đó; mỗi lần anh em qua lại, mà anh em thì nghèo nên Nam săn sóc rất niềm nở, ân cần. Nam kiếm được tiền nên thường hay giúp đỡ tiền nong hoặc mua các thức ăn ngon về để anh em ăn. Ngọc nghĩ đến nỗi vui mừng của Nam những khi gặp anh em, nhất là gặp chàng, và nỗi buồn khi đi tiễn anh em xa đến mấy cây số rồi lủi thủi trở về một mình...
Lúc qua cái đèo cao và chật bây giờ đã đỡ nguy hiểm vì đường khô, Ngọc lại nhìn ngắm phong cảnh đồi núi bao la trùng điệp hiện ra dưới mắt chàng. Lần này đi qua đèo thì đã về chiều. Trời không có gió; từ mái tranh nhà người Mèo cạnh bụi mai chàng đã để ý tới hôm đi xe nhà binh Mỹ, một làn khói xanh thẫm lên thẳng, in trên nền vàng tươi của mảng sườn núi dưới ánh nắng chiều lướt qua. Cuộc sống ở trong căn nhà tranh đó, Ngọc đoán là êm đềm như một cảnh tiên, xa hẳn mọi cuộc tranh chấp, giết chóc nhau; có lẽ họ cũng không biết tới cuộc đại chiến thế giới và ngay cả cuộc Trung-Nhật chiến tranh nữa.
Tì vào cửa xe để ngoái cổ lại ngắm, Ngọc thấy có thứ gì vướng vướng ở ngực. Chàng cho tay lên sờ mới biết đó là cái kính cận thị của Tứ; bên đường chỗ thì dốc chỗ thì có đá lởm chởm, Ngọc rút kính ra cầm ở tay. Thấy tài xế mải để ý những chỗ đường vòng và những người hành khách ngồi sau xe đều quay lưng về phía chàng để tránh gió lạnh, Ngọc rút cái kính cho tay ra ngoài xe. Đợi tới một chỗ vừa có đá vừa dốc, xe lại đi sát cạnh lề đường, Ngọc mở bàn tay bỏ rơi cái kính. Kính không rớt xuống dốc nhưng hai mắt kính chạm đúng một hòn đá vỡ tan thành nhiều mảnh. Tiếng xe cam-nhông chạy rầm quá nên chàng không nghe tiếng kính vỡ, nhìn lại chỉ thấy những mảnh kính nhỏ lấp lánh ánh sáng buổi chiều tà rồi lại biến đi ngay. [5]
“Thế là xong."
Ngọc lẩm bẩm như vậy vì chàng tưởng như đôi mặt kính đó còn giữ lại một chút gì của Tứ, giữ lại những tia nhìn của hai con mắt mà chàng đã vuốt nhắm hẳn lại không bao giờ còn phản chiếu ánh sáng của thế gian và hình ảnh của người vợ thân yêu nữa.
Ngọc thấy trong người nhẹ nhõm như đã thoát khỏi sự ám ảnh về cái chết oan uổng đau thương của Tứ.
Xe tới Khai Viễn vào quãng tám giờ tối. Lúc xe xuống cái dốc cuối cùng, dưới ánh đèn pha thỉnh thoảng lại hiện ra một hai con sơn cẩu là những con thú hay đi tìm những thây chết dọc đường hoặc mới chôn để ăn đến khi nào chỉ còn lại một đống xương nhẵn thín. Ngọc nghĩ chắc ở phía Ma-Lì-Pố cũng có những con thú ấy và lúc này cạnh suối, bên những tảng đá lạnh, biết đâu chỉ còn lại hai bộ xương trơ.


[1] Áo cổ bẻ, giống áo nhà binh nhưng không có thắt lưng. Các công chức hoặc nhân viên Đảng bộ Tàu thường mặc.
[2] Thiếu hiệu tức là thiếu tá Việt Nam.
[3]Bô tiếng Pháp là Pauvre nghĩa chính là nghèo, nghĩa bóng là đáng thương hại, thường dùng để gọi người khác một cách thân.
[4]Theo điệu bài Bạch Đằng Giang của Lưu Hữu Phước.
[5] Chỗ này, ở bên lề trang bản thảo, tác giả có ghi hàng chữ : "Truyện đến đây là hết, khi dịch ra ngoại ngữ" (Chú thích của Nguyễn Tường Thiết)

Nguồn: Nhất Linh, Giòng sông Thanh Thuỷ, Đời Nay xuất bản, Sài Gòn 1961, Văn Mới tái bản tại Hoa Kỳ. Bản điện tử do ông Nguyễn Tường Thiết cung cấp. Bản đăng trên talawas với sự đồng ý của gia đình tác giả.

http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=8923&rb=08

VĂN HỌC MIỀN NAM 54-75 (153): NHẤT LINH (6) - Giòng sông Thanh Thuỷ VĂN HỌC MIỀN NAM 54-75 (153): NHẤT LINH (6) - Giòng sông Thanh Thuỷ Reviewed by Phạm Thu Hương on 16:43 Rating: 5

Không có nhận xét nào: