VĂN HỌC MIỀN NAM 54-75 (154): NHẤT LINH (7) - Giòng sông Thanh Thuỷ

Phần thứ hai
Chi bộ hai người
Chương mười bốn
Ngày hôm sau, Ngọc về Mông Tự. Việc đầu tiên khi chàng xuống xe là đến ngay hàng cà-phê của Thanh. Tới nơi, cửa hiệu còn mở nhưng các bàn đều trống, không có một người khách nào. Thanh đương xếp dọn các thứ ở trong cùng cửa hiệu. Dưới ánh đèn dầu lạc lờ mờ, nàng chưa nhận được là ai, hỏi vọng ra:
“Ông xơi cà-phê phin hay cà-phê đen?”
Ngọc đến một cái bàn sáng nhất, ngiêng vai tháo dây quàng rồi đặt túi vải xuống bàn:
“Chị cho tôi một cốc cà-phê phin.”

Thanh thốt lên:
“Tiếng ai như tiếng...”
Nàng chạy vội ra; khi biết là Ngọc nàng đứng dừng lại. Ngọc nói vui vẻ:
“Tôi đây mà, tôi vừa mới về.”
“A, anh Ngọc, anh mới về.”
Nàng nói nhưng không nhìn Ngọc vẻ mặt lạnh lùng vội quay trở vào để sửa soạn. Ngọc thấy tức ứ lên tận cổ, định tìm cách thoái thác rồi bỏ đi ngay, nhưng chàng vẫn ngồi yên đợi. Thanh nhìn cái túi vải để trên bàn biết là Ngọc mới về mà lại đến ngay nhà nàng, một nỗi vui nở dần trong lòng, nhưng khi bưng cốc cà-phê ra vẻ mặt nàng lầm lỳ; nàng chưa chịu làm lành trước với Ngọc, tuy biết rằng ngoài chuyện Phương ra, Ngọc không có lỗi gì với nàng cả.
Ngọc kéo cốc cà-phê lại gần phía mình rồi mở nắp cái phin xem nhiều hay ít nước. Chàng hỏi Thanh:
“Hiệu chị độ này có đắt hàng không? Tôi vừa đi đúng hai mươi hôm rồi đấy.”
“Cám ơn anh, cũng khá.”
Ngọc giơ hai bàn tay ôm lấy cái cốc nóng. Gió lạnh từ ngoài cửa thổi vào làm lung lay ngọn đèn.
“Chị làm ơn khép giùm tôi cái cửa, tôi đi xe gió quá, lạnh giá cả chân tay. May nhờ có cái áo len đàn bà...”
Thanh ra đóng cửa, cài cả then trên then dưới, rồi hỏi Ngọc:
“Đêm nay chắc anh lại ngủ đây?”
Ngọc ngửng lên, lúc đó hai người mới nhìn nhau yên lặng một lúc lâu. Ngọc mỉm cười hỏi:
“Chắc chị giận tôi về việc ăn ruốc mười hôm xót ruột.”
Thanh ngồi xuống cùng bàn với Ngọc:
“Tôi đâu có quyền giận anh. Mà tôi cũng chẳng xót ruột. Bao nhiêu lựu chín ngoài vườn tôi đều ăn hết, không còn một quả nào.”
“Thế còn quả chị để dành tôi.”
Đôi lông mày hơi cau lại, Thanh nói:
“Quả ấy ngon nhất cây. Hột to vừa mọng nước vừa thơm vừa ngọt.”
Ngọc nói:
“Tiếc quá nhỉ. Tôi mong về cho chóng, chỉ cốt được ăn quả lựu chị đã chọn. Vả lại, đã năm sáu hôm nay chị muốn ăn thức gì thì ăn, việc gì mà xót ruột. Xót ruột nói đúng ra là sốt ruột hoạ chăng chỉ có tôi. Tôi biết vừa chẵn mười hôm chị đã khỏi cả sốt lẫn thương hàn, tha hồ lượn phố; ăn ‘cô sèo mi siển’, chẳng trách mà người đẫy hẳn ra, da dẻ hồng hào tươi tốt thế kia.”
Thanh giục:
“Anh uống cà-phê đi không nguội. Dọc đường chắc chẳng có cà-phê ngon thượng hạng như ở hiệu tôi. Mà chắc cũng không có cà-phê mà uống nữa.”
Ngọc mỉm cười:
“Có chứ. Tôi được uống thứ cà-phê đặc biệt. Tôi đã nốc cả một bi-đông mà không việc gì. Hai anh em bạn đồng hành với tôi cứ nằng nặc đòi uống cho kỳ được. À quên, chị pha cho chị một cốc cà-phê, rồi đem lên trên gác ngồi để cho khách khỏi thấy ánh đèn lại gõ cửa.”
Lúc hai người lên trên gác và ngồi vào hai cái ghế vẫn ngồi, Thanh nói mắt có vẻ tinh nghịch:
“Ý hẳn anh lại muốn đến canh gác tôi và ngủ đêm ở đây như lần trước.”
Ngọc nói:
“Ý kiến ấy hay đấy. Hay là tôi lại ngủ một đêm nữa ở đây. Nhà có hai chăn hay chỉ có một. Có một thì tôi xin đi, còn màn thì không cần, trời lạnh không có muỗi đâu mà sợ.”
Thanh chỉ vào góc gian gác:
“Nhà có đến ba cái chăn. Nhưng lần này thì anh cần gì canh gác tôi nữa.”
“Vẫn cần lắm chứ.”
Ngọc vừa nói vừa rút hai khẩu súng đặt lên bàn.
“Lần này mà chị trốn thì tôi bắn.”
Thanh nói:
“Tôi đợi anh ngủ tôi sẽ bắn anh trước. À, nhưng mà cả đời tôi không rờ đến cái súng lục. Cách cho đạn ra sao? Hôm nào anh dạy tôi bắn nhé.”
“Chị tập bắn làm gì? Chị định bắn lựu rơi để đỡ công trèo chắc.”
Thanh cười:
“Cần gì súng. Bao nhiêu quả tôi bắn hết từ lâu rồi. Tôi thích tập bắn súng để khi nào có dịp thì...”
Ngọc cũng cười theo.
“Để khi nào thong thả, tôi sẽ đưa chị về cánh đồng phía Cô Cầu để chị tha hồ mà tập; hay là đợi khi nào về Ma-Lì-Pố hay về biên giới. Bây giờ tôi bảo qua chị cách thức lắp đạn. Có hai thứ súng...”
Ngọc cầm hai khẩu súng của Tứ và Nghệ rồi giảng giải:
“Đây là thứ Colt bốn mươi lăm, bắn một phát vỏ đạn sẽ bật ra và có một viên đạn mới sẽ tự động lên thay. Còn đây là súng quay, có sáu lỗ, cứ bắn một phát thì cái lỗ có đạn lại quay lên đúng vào chỗ mổ cò.”
Thanh nói:
“Hay nhỉ? Sao anh phải đem hai súng đi. Ý hẳn mỗi súng bắn một người. A, tôi nghĩ ra rồi, anh bắn được cả hai tay như những cao bồi trong xi-nê.”
“Không chị ạ, đây là súng của Tứ và Nghệ, còn tôi, tôi đi tay không.”
Rồi Ngọc kể cho Thanh nghe những chuyện dọc đường và cách thức hạ được hai người có súng. Nói đến Tứ, vẻ mặt Ngọc hơi buồn. Chàng uống cạn cốc cà-phê:
“Chẳng qua số phận anh Tứ cũng đã bị lôi cuốn vào cái ‘guồng máy’ của chị và bị guồng máy nó nghiến nát. Thế chị kể cho tôi nghe tình hình của chị trong hai mươi hôm nay.”
Thanh đứng lên:
“Để tôi trải chiếu, lấy chăn. Nằm trong chăn – cố nhiên là nằm riêng mỗi người một chăn – nói chuyện thú vị hơn. Tôi cũng thấy lạnh giá cả người. Mà chỉ nói chuyện suông, không ai được nghĩ lôi thôi đấy.”
“Cái đó chị đừng lo. Tôi rất kính trọng chị.”
Thanh kể lại việc anh em canh gác đến việc được trả tự do. Trong mười ngày không có anh nào đòi đến ngủ chung, không ai uống cà-phê quỵt; rau của nàng bị nắng lại thiếu nước nên héo khô cả, nàng phải ăn lựu cho đỡ xót ruột.
“Nhưng cũng còn một quả hơi chín, để sáng mai tôi biếu anh.”
“Cám ơn chị. Thế rồi sau ra làm sao?”
Thanh nói có đến thăm Xuân nhưng giấu việc đến thăm Phương.
“Anh Lăng có đến luôn, anh ấy tử tế lắm. Anh ấy cùng tôi đi chợ và mang giúp cả làn đựng các thức ăn. Tôi có mời anh ấy ăn một bữa cơm.”
Thanh chúi đầu vào trong chăn nói với Ngọc:
“Buồn cười nhất là hôm anh đi, anh Lăng đến uống cà-phê và có lẽ định ngủ đêm ở nhà tôi, nhưng tôi nằm trong chăn nói to bảo anh ấy rằng tôi ốm nặng, đúng mười lăm hôm mới khỏi. Mười hôm sau anh ấy đến, vờ vĩnh bảo tôi gầy tọp hẳn người. Thôi anh đi ngủ đi, kẻo đi đường mệt. Hỏi khéo chị Xuân tôi mới biết ở Văn Sơn lụt to. Có lẽ vì thế mà chậm sáu bẩy hôm anh mới về được Mông Tự. Để đèn hay tắt đèn hở anh?”
“Thôi chị cứ để đèn.”
Tuy giục Ngọc đi ngủ nhưng Thanh vẫn nói hết chuyện này đến chuyện kia. Tiếng Thanh lẫn với tiếng gió thổi lọt qua các khe ván; nàng kể chuyện rất có duyên. Nằm ấm cúng trong chăn, Ngọc mải nghe Thanh nói chuyện nên quên cả mệt và buồn ngủ.
“À này chị, hay tối mai tôi thết chị một bữa phở cừu ở Cổng Tây, ngồi ở các hàng rong bên vệ đường ăn phở cừu trong gió lạnh như thế mới ngon.”
“Thôi tôi chịu phở cừu, ăn không quen. Ở đấy họ có bán ‘cô sèo mi siển’ không?
“Có chị Thanh ạ.”
“Thế thì tôi nhận lời nhưng tôi thết cơ. Thết bằng tiền của anh gửi tôi. Tiền hãy còn nguyên vẹn tôi chỉ trừ đi tám cốc cà-phê, năm cốc hôm ấy với ba cốc hôm anh đến canh gác tôi; hôm nay hai cốc nữa vị chi là mười cốc tất cả. À sáng mai thế nào chẳng một hai cốc nữa. Hàng cà-phê tôi bán tháng này lời to, lời nhất vì anh; trong mười hôm liền mặc dầu tôi đóng cửa hiệu, các đồng chí của anh thay phiên đến ngồi uống kể cũng được đến ba bốn chục cốc. Lắm anh hà tiện hay không tiền cứ đứng ở đầu phố rình, nắng, rét cũng đứng, trông thật thảm thương.”
Thanh cười to tiếp theo:
“Có lần tôi ra cửa gác thấy một anh đứng rình ở dưới, tôi đổ cả một chậu thau rửa mặt lên đầu anh ta. Tôi báo thù chơi bọn đồng chí của anh đấy. Anh sợ tôi chưa?”
Ngọc cũng cười theo:
“Nước ăn chị còn phải dè sẻn; tôi chắc chị rửa mặt bằng một cốc nước lã đổ vào khăn cho ướt rồi lau qua. Tôi đoán có đúng không?”
Thanh lại tiếp tục nói chuyện. Hỏi luôn mấy câu, Ngọc không đáp lại vì lúc đó đã một hai giờ đêm, chàng thấy thiu thiu buồn ngủ. Bỗng chàng chú ý: hình như Thanh rón rén cho chân vào dép, yên lặng một lúc, Ngọc nghe tiếng bước rất nhẹ trên sàn gác rồi tiếng chân xuống cầu thang. Một lúc sau Thanh lại lên, chân bước rất nhẹ; đi ngang qua chỗ chàng nằm rồi rón rén về phía giường của nàng. Ngọc nghe tiếng Thanh đặt mình lên giường và cả tiếng kéo chăn sột soạt. Chàng hiểu Thanh xuống gác về việc gì và tự nhiên mỉm cười. Cả Thanh lẫn Ngọc đêm hôm ấy không ai có một ý nghĩ gì vẩn đục.
Chương mười lăm
Sáng hôm sau lúc Ngọc thức dậy thì cửa sổ vườn sau đã hé mở. Trên bàn để hai cốc cà-phê phin và Thanh ngồi ở ghế đợi chàng.
“Chị dậy sớm thế. Bây giờ mấy giờ rồi?”
Thanh nói:
“Tôi không biết mấy giờ nhưng trời đã tảng sáng. Mời anh dậy uống cà-phê phin, ăn sáng rồi ngắm hoa lựu còn ướt sương. Tôi đã đem nước lên anh rửa mặt. Phải cái anh chịu khó rửa khăn tôi vậy. Tôi đã giặt sạch rồi. Bây giờ thì tha hồ nhiều nước. Tôi đã thuê người gánh đầy hai chum lớn. Đêm qua anh ngủ yên chứ.”
Nàng có ý nói dằn vào chữ “yên”, Ngọc nói:
“Tôi đã có sẵn khăn ở trong túi.”
Lúc ra chỗ thau nước, Ngọc hỏi có gì ăn sáng không:
“Tôi đói lắm vì tối qua không ăn cơm, tám giờ xe mới tới; tôi đến thẳng ngay đây.”
“Có trứng lập là, sữa, lạp sường và cả... ruốc nữa.”
Ngọc làm như mải nói chuyện nên lấy chiếc khăn mặt của Thanh ở cạnh thau rửa mặt. Nước lạnh và khăn có một mùi thơm rất nhẹ gần như không phải mùi thơm của xà-phòng. Chàng rửa mặt thật kỹ rồi thốt nhiên nói với Thanh:
“Chết chửa tôi lại quên không lấy khăn của tôi ở túi. Hôm qua đi xe suốt một ngày, bụi bậm làm bẩn cả khăn chị.”
“Không sao. Tôi đã bảo bây giờ nhà nhiều nước lắm. Các anh làm cách mệnh có bẩn cũng không ai chê, đói cũng không ai cười. Họ chỉ cười các anh khi các anh sang quá. Họ đấy tức là tôi. Mời anh xơi cà-phê cho nóng người.”
Thanh đẩy hai cánh cửa sổ mở rộng rồi nhìn Ngọc uống cà-phê và ăn sáng ngon lành.
“Anh mải ăn quên cả ngắm hoa lựu? Thi sĩ gì anh. Thi sĩ ăn thì đúng hơn.”
Ngọc ngẩng nhìn ra chỗ cây lựu thấy quả đầy chi chít, quả nào cũng lớn và chín cây.
“Thế ra chị nhịn để phần tôi cả sao. Tôi thèm lựu Mông Tự quá, chị ra chảy cho tôi một quả ăn tráng miệng.”
“Không, đây là lứa sau.”
Thanh lấy ở ngăn dưới bàn ra một đĩa có để hai quả lựu rất lớn. Ngọc hỏi:
“Sao lại những hai quả?”
Thanh bĩu môi:
“Thế còn tôi?”
“Tôi tưởng cô đã chán lựu. Cô chỉ thích ruốc thôi. Thích đến nỗi ăn hơn mười hôm không chán.”
“Giống cách mệnh các anh ích kỷ lắm. Tối hôm qua tôi chỉ ăn có lưng cơm, tối định ăn thêm cốc sữa nhưng thấy anh sống sót về quên phắt đi mất, chỉ có mình các anh biết đói và biết ăn sáng thôi.”
Thanh xuống nhà dưới làm cho mình một đĩa trứng lập là. Lên đến nơi, Ngọc đã bửa cả hai quả lựu, bóc màng rồi tỉa hạt vào đĩa. Những hạt lựu to lớn trông tựa như những hạt thủy soan.
Trời lại trong như hôm nào, nhưng gió thổi mạnh và trời giá rét. Một mảng nắng rải màu vàng nhạt trên con đường ra giếng nước. Nắng mỗi lúc một to óng ánh trên những cánh lựu trắng, còn đọng sương đêm; gió thổi xôn xao trong lá cây làm rung động những chấm tròn ánh sáng trên bức tường nhà hàng xóm. Ngọc lại nhớ đến người chị thân yêu ở quê nhà, giờ này chắc ra sân sưởi nắng, và phơi những miếng cau, lòng cau màu hồng thắm hơn cả đôi gò má của Thanh. Một tia nắng tình cờ rọi trúng ngay vào hạt lựu trong, Thanh đương ngậm nhẹ giữa hai chiếc răng cửa nhỏ và trắng mát.
Ngọc đứng dậy:
“Thôi tôi phải về qua nhà, tối nay bẩy giờ tôi đợi chị ở Cổng Tây.”
“Anh về bây giờ không tiện.”
Có tiếng người gọi Thanh ở dưới đường. Thanh chạy vội xuống mở cửa:
“À anh Lăng, hôm nay tôi dậy muộn thành thử mở cửa hàng chậm. Anh xơi cà-phê đen hay cà-phê sữa.”
Lăng nhìn Thanh rồi nói:
“Hôm nay tôi có việc nhân đi qua đây nên tới hàng chị khá sớm. Chị cho cốc cà-phê sữa. — mà trông chị độ này da dẻ hồng hào, mới có mươi hôm không đến mà chị đã khác hẳn. Hay là chị còn sốt nên mặt đỏ như vậy?”
Thanh nói:
“Cám ơn anh. Tôi đã khỏe hẳn rồi. Bách bệnh tiêu tán. Sốt rét ngã nước cũng hết; Pờ-lát-mô-đi-om [1] đi-đim chuồn đâu mất. Thương hàn cũng khỏi; chắc tôi chỉ bị Para [2] thôi. Ba-si Đê-be [3] Đê-bét cũng tử cả. Duy chỉ còn tôi sống để pha cà-phê ngon các anh xơi.”
“Cô thông thạo về các bệnh nhỉ.”
Thanh nói cao giọng:
“Tôi tưởng anh biết rồi. Cựu học sinh trường Đồng Khánh và trường thuốc là tôi đây. Nhưng học xong PCB [4] gần hết năm thứ hai vì gia biến phải bỏ học. Tôi lại học cả đỡ đẻ nữa.”
Thanh mỉm cười; tuy là sự thực nhưng nàng nói bằng một giọng đùa nghịch và chỉ cốt để Ngọc ở trên gác nghe thấy.
Biết là có Lăng đến, Ngọc phải ngồi yên không động đậy. Nghe đến chỗ Thanh nói là cựu sinh viên trường thuốc, Ngọc ngạc nhiên ngẫm nghĩ:
“Thế mà mình mới học hết năm thứ nhất. [5] Phải đấy, để mình nhờ Thanh dậy về các môn khoa học thường thức, cũng là một cớ để mình được gần Thanh luôn.”
Chàng mỉm cười:
“Và cũng để dò xét Thanh nữa.”
Lăng đi rồi, Thanh lên gác. Thấy Ngọc đứng lẩn sau cái tủ áo, nàng bật cười buồn:
“Tôi đây mà. Đấy anh xem bây giờ anh về nhà thì ai cũng hỏi đêm qua anh ngủ đâu. Không lẽ anh nói thực là ngủ ở nhà cô Thanh. Để lát nữa tôi nhờ bà Su bên hàng xóm ra chợ mua thức ăn trưa; tối ăn ở Cổng Tây xong anh về nhà thì vừa đúng giờ xe ở Khai Viễn về. Vả lại anh đi hơn nửa tháng ròng vất vả, anh nằm khểnh ở trên gác coi truyệnĐông Chu liệt quốc có phải thú vị không. Còn tôi, tôi phải xuống hàng, khách sắp đến.”
Bẩy giờ trời đã tối, Ngọc đứng ở Cổng Tây đợi Thanh. Người đi lại đông, các đèn dầu lờ mờ nên Ngọc phải chú ý nhìn từng người một. Thanh tìm thấy Ngọc trước; đêm ấy nàng mặc áo kiểu Vân Nam mầu xanh thẫm và cố ý quay mặt đi nên Ngọc không nhận ra. Thanh đứng đằng sau lưng Ngọc một lúc lâu; thấy Ngọc ngả lưng dựa cái túi vào bờ thành nhớn nhác tìm kiếm, nàng bật lên cười to. Ngọc giật mình quay lại.
Thanh nói:
“Anh làm cách mệnh mà tôi đi qua mặt không biết. Việc Ma-Lì-Pố chỉ là việc ngáp phải ruồi.”
Ngọc cũng bật cười:
“Nhưng lúc này tôi đi ăn chứ có phải làm cách mệnh đâu.”
Hai người rẽ vào một cái ngõ con rồi cùng ngồi xuống cạnh cái bàn thấp của một hàng rong đặt dưới gốc một cây đề lớn. Thanh hỏi:
“Hôm bán áo anh cũng ăn ở đây.”
Ngọc gật đầu:
“Hàng này ngon nhất mà lại rẻ tiền.”
Ngõ ấy khuất gió nên trời vừa đủ lạnh, chỉ có ngọn cây đề vươn cao khỏi các nhà chung quanh là bị gió thổi lá rạt về một phía. Nghe tiếng rào rào ở trên đầu, Thanh ngửng lên; Ngọc cũng ngửng lên theo. Thanh nói:
“Trông gió lạnh rung lá đề vui quá nhỉ.”
Nàng loay hoay tìm một câu thơ, để Ngọc nghĩ tiếp cho thành một bài tứ tuyệt, làm kỷ niệm về sau. Nghĩ mãi nhưng nhất định không ra một tứ nào; bỗng nàng chợt nhớ lại mấy câu thơ được coi từ khi còn ở trong nước, rồi dựa vào đấy đổi đi vài chữ và khẽ ngâm:

Đêm tối, trời trong, cảnh hữu tình
Xôn xao ngọn lá khẽ rung mình.”

Ngọc không biết câu thơ chính, tưởng Thanh nghĩ ra:
“Thơ hay quá nhỉ? Chị cũng biết cả làm thơ à?”
“Nghe nói thơ anh hay lắm, anh thử làm tiếp theo cho thành bốn câu, đủ bài.”
Ngọc loay hoay nghĩ nhưng không ra:
“Thế kia mà chị bảo khẽ rung, rung mạnh là đằng khác. Thôi, thơ để đấy ăn đã. Chị trông bát phở cừu của tôi với bát ‘cô sèo mi siển’ của chị kia, đó mới thực là cảnh hữu tình.”
Ăn xong Thanh trả tiền. Tới một chỗ phố vắng, Thanh nói:
“Thôi bây giờ anh về thì vừa đúng giờ xe Khai Viễn tới Mông Tự. Mai mời anh lại đằng hàng xơi cà-phê.”
Ngọc mỉm cười:
“A, nếu rỗi tôi sẽ đến ban ngày vào những giờ chị vắng khách để học chị.”
“Anh học gì tôi? Học cách thức pha cà-phê rồi tranh khách của tôi à?”
“Không, những lời buổi sáng chị nói với anh Lăng tôi đều nghe rõ cả. Thú thực với chị, tôi học mới hết năm thứ nhất.”
Thanh không đáp, lặng nhìn Ngọc một lúc, vẻ mặt nghiêm trang và thâm trầm rồi cúi chào Ngọc. Thấy Thanh chào mình rất lễ phép, không như mọi lần, Ngọc hơi ngạc nhiên không hiểu vì lẽ gì; chàng toan giơ tay lên vẫy từ biệt, phải ngừng lại và cũng cúi đầu chào Thanh.
“Vì lẽ gì?”
Ngọc vừa đi về nhà vừa ngẫm nghĩ điều đó nhưng không tìm được nguyên do.
Tới nhà, Xuân reo lên gọi chồng:
“Anh Việt, chú Ngọc đã về. Chú ăn cơm gì chưa?”
Ngọc bỏ túi xuống giường, đáp:
“Em đã ăn rồi, chị ạ.”
Việt ở dưới bếp chạy lên:
“A, chú đã về. Chú này, anh Ninh có nói khi chú về thì lại ngay tìm anh ấy. Anh ấy ở đằng anh Hồng.”
“Vâng để em đi ngay. Anh chị vẫn mạnh chứ?”
Xuân ra chỗ để túi vải, hỏi Ngọc:
“Chú có quần áo bẩn để tối nay chị ngâm.”
“Em ấy à, em chỉ có một bộ này thôi. Mặc hai mươi hôm nay rồi. Thôi, chị để mai em giặt lấy. Phải ra ngoài sông mới đủ nước để giũ cho sạch; quần áo em bẩn, người em không cũng bẩn, tay em cũng bẩn và...”
Ngọc ra đến cửa nói lẩm bẩm rất khẽ, không cốt để Xuân nghe:
“... Hồn em cũng bẩn lắm.”
Tới nhà Hồng, Ninh bảo Ngọc:
“Chú ngồi xuống đây. Xin lỗi chú, chú đã đoán đúng về Thanh, còn tôi, tôi đã nghĩ lầm. Mai sớm tôi khai hội rồi tôi phải đi Khai Viễn có việc cần. Chú nói rõ đầu đuôi cho tôi nghe.”
Ngọc thong thả kể lại, không bỏ một chi tiết; chàng thú thực cả việc định cứu Tứ, việc để nguyên túi quàng vai và quần áo tại chỗ.
“Em đã làm trái lời anh dặn.”
“Không, chú làm thế đúng hơn việc tôi dự tính. Lên Côn Minh tôi sẽ báo cáo để Hải ngoại Bộ biết về tài ứng biến và công tác hoàn hảo của chú.”
Bỗng nhiên Ngọc lặng người đi một lúc: tự thâm tâm chàng một nỗi vui hiện dần lên nhưng không phải chàng vui vì lời khen của Ninh. Chàng vừa nghĩ ra là Thanh đã yêu chàng, mà bắt đầu yêu từ lúc cúi chào chàng; vẻ mặt nàng nghiêm trang, không bông đùa, dáng điệu nàng cũng không còn vẻ hồn nhiên như những lần nói chuyện và ngủ chung một nhà.
Ngọc rút ra hai khẩu súng lục trao trả Ninh và đưa ví của Nghệ và Tứ để Ninh coi xét. Chàng định tháo chiếc đồng hồ đeo tay nhưng Ninh cản lại.
“Thôi tôi tặng chú làm kỷ niệm.”
Sáng hôm sau, Ninh triệu tập một cuộc hội họp bất thường của Khu Đảng bộ Mông Tự; ý chính của Ninh là chỉ cốt báo cho anh em Khu Đảng bộ biết rằng hai đồng chí đã về nước được yên ổn.
Lúc đi Khai Viễn, Ninh có ân cần dặn Ngọc:
“Chú cần phải đến hiệu cà-phê luôn làm thân và liên lạc chặt chẽ với Thanh. Sau sẽ có cơ hội cần đến.”
Ngẫm nghĩ một lát rồi Ninh tiếp:
“Chuyện này tôi đã nói với anh Hoạt.”
Nói xong Ninh bắt tay Ngọc một cái mạnh rồi mỉm cười, hai con mắt thoáng vui.
Ngọc quay trở về ngẫm nghĩ:
“Có lẽ Ninh đã biết rõ rằng mình yêu Thanh. Ninh biết cả truyện Phương với mình nữa, nếu không vì cớ gì Ninh cần phải nói chuyện với Hoạt. Ninh tinh ý lắm, thoáng một cái hiểu ngay, không những về công việc mà cả về ý nghĩ thầm kín của mình.”
Chương mười sáu
Ngọc theo lời dặn của Ninh nên ngày nào cũng đến hàng cà-phê Thanh Hương vừa để uống cà-phê ngon vừa để học Thanh các khoa học thường thức, trau dồi thêm tiếng Pháp, Anh và nhất là để nói chuyện với Thanh, biết rõ Thanh hơn.
Thỉnh thoảng Ngọc cũng rẽ qua nhà Hoạt để gặp Phương. Buổi đến lần đầu tiên, cách ngày về Mông Tự năm hôm, chàng đương nói chuyện với Phương và Hoạt thì Phương khác hẳn mọi lần đi sang phòng bên. Lúc mới đến, nhìn Phương sau gần một tháng Ngọc nhận thấy trong hai mắt nàng một thoáng mừng vui nhưng vụt tắt ngay. Ngọc ngồi rốn lại nói chuyện với Hoạt về việc Ninh dặn cần phải gặp Thanh luôn: khi nói đến chuyện ấy chàng nói lớn tiếng cốt để Phương nghe rõ. Một lát sau Phương lại ra phòng khách; Ngọc thấy mắt Phương hơi đỏ như vừa mới khóc xong nhưng nét mặt Phương đã tươi hẳn lên. Nàng rót nước thêm vào chén Ngọc:
“Anh xơi thêm cho nóng. Năm nay ở Mông Tự rét đặc biệt hơn mọi năm. Cái áo len của anh đã cũ thế kia mà anh không thấy rét à.”
Ngọc biết là Phương nhắc đến chiếc áo nàng đan xong và ngầm bảo chàng đến chơi luôn để nàng có dịp biếu áo. Hoạt không biết gì về chuyện giữa em gái mình với Ngọc nhưng nếu Khuê vợ chàng có nhà thì nàng chắc hiểu, tuy Phương đan áo trong phòng riêng hay trong lúc Hoạt và Khuê đi vắng nhưng cùng bọn phụ nữ với nhau Phương tránh sao khỏi để lộ cho Khuê biết là mình đan áo len đàn ông. Phương cũng đã nghĩ đến chỗ Ngọc đem len lại nhờ nàng đan, nhưng Ngọc nghèo ai cũng biết, lấy tiền đâu mua len, còn nói hẳn ra với Khuê là muốn biếu Ngọc chiếc áo len thì nàng ngượng không dám nói.
Thấy Ngọc sắp về, Phương ra đứng ở cổng ngoài đợi. Khi Ngọc đi ra, Phương nói:
“Hôm nào anh lại lấy áo, em đã đan xong từ lâu rồi. Đợi anh mãi không thấy về.”
“Vâng, để sáng mai chín giờ.”
Cả hai người đều biết rằng buổi sáng Hoạt vào trông coi công việc thầu ở sân bay Mỹ còn Khuê nếu không đi chợ thì cũng theo đi phụ giúp chồng.
Dưới ánh nắng, Ngọc nhận thấy nước da Phương rất tươi mịn; hai con mắt nàng trong sáng và chàng không thể không tự thú rằng Phương đẹp hơn Thanh.
Sáng hôm sau, Ngọc đến thì Phương đã ra ngồi đợi chàng, cầm sẵn một gói tròn bọc giấy. Chàng nhận lấy gói rồi đặt cạnh người mình:
“Cảm ơn cô.”
Phương bảo người nhà pha nước chè rồi hỏi về việc chàng đi vắng, Ngọc đáp:
“Tôi có việc riêng, với lại cô không nên hỏi về những việc ấy. Cô cũng đã thừa biết rằng...”
Phương ngắt lời:
“Anh làm việc gì, đi đâu cũng không ai hay. Cả những người quen thuộc, ngay cả anh Hoạt, chị Hoạt em cũng không rõ nữa.”
Phương nói rất nhiều về đời sống của nàng và tình hình ở Mông Tự trong khi Ngọc đi vắng. Ngọc chỉ yên lặng ngồi nghe. Uống xong chén nước, Ngọc đứng lên từ kiếu:
“Thôi chào cô và cám ơn cô. Tôi bận phải đi đằng này.”
Lúc tiễn Ngọc ra cổng, đi qua khu vườn nhỏ, Phương nói giọng hờn trách:
“Em biết anh về từ sáu bẩy hôm nay.”
Ngọc đáp:
“Ấy tại mới về cứ bận tíu tít hết công kia lại đến việc nọ. Thành thử cứ phải bận áo len cũ mãi. Kể cũng hơi lạnh.”
Từ biệt Phương rồi Ngọc đi về phía hàng cà-phê Thanh. Qua một quán nước chè vắng, Ngọc rẽ vào lấy thuốc lá hút rồi nhìn theo làn khói suy nghĩ về việc Phương và Thanh.
Linh cảm báo cho chàng biết nếu chàng yêu Thanh chàng sẽ khổ nhưng chàng không thể tự mình dối mình rằng không yêu Thanh. Tuy chưa dám chắc hẳn là Thanh yêu lại mình nhưng tình yêu đó quyến rũ chàng như sức lôi cuốn của một guồng máy; rất có thể chàng sẽ bị nghiến nát nhừ nhưng chàng không sao tránh khỏi và cũng không muốn tránh.
Còn Phương? Chàng chắc Phương yêu chàng rồi nhưng ngồi nhìn Phương chàng chỉ thấy Phương đẹp và chỉ có thế thôi. Chàng đau khổ nghĩ đến sự thất vọng của Phương một ngày không xa. Chàng sẽ yên lặng không bao giờ tỏ ý với Phương nhưng trong tâm hồn chàng vẫn bứt rứt rằng đó là một sự yên lặng đánh lừa Phương. Còn nói hẳn ra? Chàng đã có đủ lý lẽ để nói với Phương vì công việc cách mệnh chàng không thể nghĩ tới những chuyện yêu đương, nhưng nói làm sao được khi Phương chưa ngỏ lời yêu chàng mà chắc Phương cũng không bao giờ ngỏ lòng mình ra cho chàng biết. Ngọc đứng dậy:
“Tốt hơn hết là xa dần Phương ra.”
Lúc lên trên gác nhà Thanh, Ngọc cố ý làm ra bộ giấu diếm cái gói áo len. Chàng nghĩ nếu mở hẳn gói ra đưa cho Thanh xem chiếc áo và nói thẳng đấy là áo của Phương thì Thanh biết rõ chàng không yêu gì Phương và chàng không dò được tình ý Thanh đối với mình ra sao. Lúc ngồi ở quán nước chè, Ngọc đã bóp mạnh cái gói cho giấy bọc rách để lộ hẳn một mảng áo.
Nói chuyện với Thanh một lúc, chàng lấy cớ xuống gác để tự pha một cốc cà-phê. Khi lên, chàng thấy Thanh ngồi tựa vào thành cửa sổ, mắt nhìn ra vườn; chàng hỏi mấy câu Thanh cũng không đáp lại rồi Thanh đứng lên nói:
“Xin lỗi anh hôm nay tôi nhức đầu quá, trong người khó chịu sợ bị bệnh cúm mất... đợi tôi khỏi anh hãy lại vì bệnh cúm hay lây lắm.”
Ngọc nói giọng đùa:
“Tôi cũng muốn bị cúm, như thế đỡ phải đi họp.”
Thanh không đáp; nàng cau mày rồi ra nằm ở giường quay mặt vào vách. Ngọc vui sướng trong lòng nhưng ngồi lâu lắm vẫn không thấy Thanh nhúc nhích, chàng đứng dậy nói:
“Thôi tôi đi về đây.”
Thanh quay mặt lại lấy tay bóp trán, lạnh lùng đáp:
“Anh về.”
Ra đến ngoài cửa hiệu, Ngọc vừa sung sướng lại vừa tức Thanh. Chàng cất tiếng hát:

Ăn cháo hoa, hay là... là ăn súp.”

Chàng biết mình đã làm Thanh khổ nhưng chàng vẫn cứ hát và hát thật to như có điều gì vui sướng lắm để cho Thanh khổ hơn và báo thù Thanh.
Khi Ngọc đã đi lâu rồi, Thanh vùng đứng dậy. Thấy cái gói của Ngọc vẫn để ghế, nàng vội chạy đến mở gói giơ ra cửa sổ coi. Quả nhiên đúng như nàng đoán, đó là một cái áo len còn mới nguyên chưa mặc lần nào.
“Đích thị là áo của Phương tặng Ngọc.”
Mặt tái lại, hai má mất hẳn sắc hồng. Thanh quăng mạnh chiếc áo qua cửa sổ. Bỗng chợt nghĩ ra điều gì Thanh lại xuống gác chạy vội ra vườn nhặt áo, đem lên gói lại cẩn thận và đặt vào chỗ cũ. Nàng vừa nghĩ ra là nếu Ngọc yêu Phương thì không bao giờ lại bỏ quên chiếc áo của người yêu mới tặng.
“Hay là Ngọc hát vui vẻ và chỉ nghĩ đến tình yêu của Phương thôi nên quên áo.”
Những ý nghĩ trái ngược nhau luẩn quẩn trong óc, Thanh không thể biết rõ đâu là sự thực.

*

Sau đó ít lâu, Ngọc nhận được lệnh của Hải ngoại Bộ phải lên ngay Côn Minh. Ninh có kèm thêm bức thư báo cho Ngọc biết là quân Nhật đã chiếm Liễu Châu, sắp tiến tới Độc Sơn, bóc lấy đường sắt, làm thiết lộ Liễu Châu – Nam Kinh mong nối liền con đường từ Mãn Châu tới Thái Lan để tiếp tế cho Đông Nam Á vì đường thủy bị Mỹ chặn. Một số anh em Việt Quốc và có thể một số anh em quân nhân Phục Quốc sẽ sang Côn Minh.
Ngọc bảo cho Thanh biết là chàng sẽ phải đi Côn Minh.
Cùng lúc đó Quân, người đứng đầu Việt Minh ở Vân Nam phái người xuống báo cho Thanh biết là Tứ và Nghệ từ khi về nước không thấy tăm tích đâu nữa. Thanh nói với đặc phái viên rằng nàng sẽ lên Côn Minh, cửa hàng ở đây tạm giao cho bà Su bên hàng xóm trông nom giúp vì nàng cần phải theo sát hành động của Ngọc. Đặc phái viên tán thành việc đó và dặn khi lên Côn Minh phải liên lạc chặt chẽ với Ngọc để xem vì cớ gì tự nhiên Ngọc lên Côn Minh và sẽ làm những gì trên đó.
Thanh nghĩ thầm, đôi mắt như cười:
“Ừ thì mình sẽ liên lạc với Ngọc, liên lạc thật chặt chẽ nữa là khác.”
Thế là tự nhiên Việt Quốc bảo Ngọc phải liên lạc chặt chẽ với Thanh còn Việt Minh thì ra lệnh bắt Thanh cũng phải liên lạc chặt chẽ với Ngọc.
Khi đặc phái viên đi khỏi, Thanh gục mặt xuống bàn để giấu một nụ cười:
“Bà Su mà pha thì có ma uống nổi. Còn Nghệ và Tứ? Bây giờ chỉ là hai bộ xương khô.”
Nàng lại nghĩ đến những lời Ngọc nói về Tứ và thương hại cho Tứ.
“Còn mình nữa chưa biết chừng mình không chết vì Việt Cộng thì cũng chết vì Việt Quốc.”
Trước khi đi, ngày nào Ngọc cũng lại nhà Thanh, có khi đến hai ba lần. Thanh hỏi:
“Anh đã đến từ biệt cô Phương chưa?”
“Đến rồi.”
“Cô ấy có buồn lắm không?”
“Buồn gì, đây với Côn Minh đi như cơm bữa, thỉnh thoảng tôi lại quay về Mông Tự. Có anh em làm Xếp tanh [6] đi lại có bao giờ mất tiền.”
“Thế bao giờ anh đi?”
“Ngày mai.”
Thanh chạy sang bên hàng xóm độ nửa giờ rồi trở về:
“Xong cả rồi.”
“Xong cái gì chị Thanh?”
“Mai tôi cùng đi với anh.”
Thanh nhìn Ngọc dò xét. Tuy trong lòng mừng lắm nhưng Ngọc cũng nhìn lại Thanh tỏ vẻ ngạc nhiên.
“Chị cùng đi với tôi. E không tiện.”
Thanh rất vui sướng khi nghe Ngọc nói “e không tiện” nhưng nàng làm như hiểu theo một nghĩa khác.
“Vì công việc có gì mà không tiện. Tôi đã nhận lời vào chi bộ mà anh làm chi bộ trưởng hôm nọ rồi; tuy anh chưa chính thức giới thiệu tôi với các anh em khác vì anh còn để tôi trong thời kỳ... thời kỳ gì nhỉ? À, thời kỳ thử thách. Cùng đi là một cơ hội rất tốt để anh thử thách tôi, tha hồ mà thử. Bây giờ tôi lại xuống pha một cốc cà-phê thật ngon. Ngay mai, bà Su pha thì có ma uống nổi.”
“À, thế ra lúc nãy chị sang bà Su để nhờ bà ta trông nom dùm cửa hàng cho chị. Chị chưa được chi bộ trưởng chấp thuận mà chị đã tự ý rời bỏ đi. Chị làm việc vô kỷ luật như vậy, tôi e thời kỳ thử thách của chị sẽ bị kéo dài thêm.”
“Cái đó tùy anh. Càng kéo dài thử thách càng hay.”
Một lúc sau Thanh đem một cốc cà-phê phin lên, vẻ mặt hớn hở:
“Mời anh xơi, kẻo ngày mai đến lượt bà...”
Ngọc cười tiếp theo:
“Bà Su pha thì có ma uống nổi.”
Thanh cũng bật cười theo:
“Thành thử tự nhiên tôi đặt ra một câu cách ngôn mới. À, này anh Ngọc, tôi còn nhớ hơn hai tháng trước anh có hứa sẽ đưa tôi theo khi anh đi công tác ở biên giới. Về biên giới vắng vẻ đi một mình với anh còn không tiện cho anh và nhất là cho tôi gấp mấy lần đi Côn Minh. Không về biên giới được thì ta đi công tác ở Côn Minh vậy. Khí hậu tốt hơn. Tôi cũng cần lên đấy nghỉ ngơi vì sau khi ốm thương hàn nặng, thần kinh suy nhược; hiện giờ tôi cũng chưa lại người hẳn. Vả lại tội gì anh phải đi boóng tầu hoả, lẩn lút khổ sở. Tôi sẽ lấy hai vé hạng ba ngồi thoải mái hơn. Anh nghĩ sao?”
Ngọc gật đầu:
“Chị thì bao giờ cũng có lý. Vậy ngày mai chị sửa soạn cho kịp chuyến từ Cơ Cầu về Pi-Tsi-Chai đón xe đi Khai Viễn. Ở Pi-Tsi-Chai có hàng bán phở chua ngon lắm.”
“Anh thì lúc nào cũng chỉ nghĩ đến ăn phở. Hết phở cừu đến phở chua. Anh có biết ở Pi-Tsi-Chai có thứ gì ăn đặc biệt không? Có một thứ chắc anh chưa nếm qua: con rận, chấy rận ấy mà. Pi-Tsi-Chai chữ Nho có hai nghĩa một là trại Bích Sắc tức là hòn ngọc sắc đỏ thắm, hai là chấy rận vì ở đấy nhiều chấy rận lắm. Anh tha hồ ăn.”
Chương mười bẩy
Thanh và Ngọc chọn hai chỗ ngồi đối diện nhau về phía tay trái. Thanh mặc chiếc áo Tàu xanh lam thẫm đã mặc hôm đi ăn ở Cổng Tây với Ngọc. Tuy đã nhiều lần qua lại con đường xe lửa men sườn núi rất đẹp ấy, nhưng lần này Thanh mới để ý đến phong cảnh. Tới một chỗ đường vòng, xe nghiêng hẳn đi, Thanh cho đầu ra ngoài cửa sổ, nhìn xuống vực sâu thăm thẳm tưởng như ở ngay dưới người mình. Gió thổi mạnh, tóc nàng bay tung xõa ra. Ngọc cũng nghiêng người nhìn xuống vực. Con đường xuống dốc nên xe chạy rất mau, Ngọc nghĩ đến một tai nạn đã xẩy ra trên cái dốc trước mặt Mông Tự quá ga Fai Si Long vì đường trơn xe bị trôi, hãm không được nữa. Chàng rùng mình một cái, lè lưỡi nhìn Thanh. Thanh hỏi:
“Anh mà cũng biết sợ chết à?”
“Tôi sợ là sợ người khác chết.”
“Anh sợ ai chết?”
Ngọc định nói sợ xe đổ Thanh chết nhưng chàng nói trạnh đi:
“Tôi sợ cho những người như anh Tứ.”
Thanh cau mày:
“Anh bị ám ảnh hay sao mà cứ nhắc mãi chuyện ấy. Thôi bây giờ ta ngắm cảnh. Anh có trông thấy dòng suối chảy ở tít dưới khe kia không? Ở sân cái nhà cạnh suối có hai người đi nhưng tôi chỉ nhìn thấy bóng không rõ người.”
Tuy mắt để ý tới phong cảnh ở dưới nhưng Thanh cũng biết là Ngọc đương nhìn mình. Ngọc ngắm nghía hàng lông mi cong và dài của Thanh hơi rung rung trước gió, đôi môi Thanh để lộ mấy chiếc răng trắng; mắt nàng mở to và ánh nắng từ phía bên kia xiên ngang qua, Ngọc tưởng như ánh sáng tự ở lòng con ngươi chiếu ra, khiến mắt nàng trông đẹp, sắc sảo nhưng lẩn ở trong ngầm có một vẻ dữ tợn gần như độc ác. Ngọc quay mắt đi và hơi có vẻ rờn rợn sợ.
Tới Bích Sắc Trại, trong lúc đợi chuyến xe lửa Khai Viễn chạy, Ngọc rủ Thanh vào một hàng quen thuộc cạnh ga và gọi hai bát phở chua. Thanh bất đắc dĩ phải ăn nhưng ăn mấy miếng nàng cũng thấy ngon. Ăn xong Ngọc định gọi cà-phê thì Thanh cản lại:
“Anh muốn tôi chết à? Cà-phê bà Su còn ngon hơn.”
Ngọc nói:
“Gần đây có đồng chí Vĩnh hay ta vào đấy uống cà-phê. Nhân tiện tôi giới thiệu chị.”
Thanh nghĩ đến chỗ cần biết nhiều nhà và tên các cán bộ của Việt Quốc, khi lên Côn Minh nói chuyện, Việt Cộng dễ tin hơn, nên nàng nhận lời ngay.
Đồng chí Vĩnh ở một con đường hẻm, cạnh ga, nhà chỉ có hai vợ chồng già; Vĩnh sang Vân Nam làm ở sở xe lửa có đến ba chục năm. Bà Vĩnh đương đứng ở cửa thấy Ngọc thì chạy ra đon đả:
“Lâu lắm mới gặp cậu. Xe lửa còn lâu mới chạy để tôi đi mổ con gà.”
Bà ta nhìn Thanh đi phía sau hỏi Ngọc:
“Cô Tàu nào đây? Xạ-Phang [7] mà trông người lịch sự nhỉ?”
“Không đồng chí đấy.”
Thanh vừa tới nơi cúi chào bà Vĩnh. Bà Vĩnh ngắm nghía Thanh một lúc rồi nói:
“Thế thì phải mổ gà.”
Thanh đặt tay lên vai bà Vĩnh ân cần hỏi vài câu. Thấy một bà hiền lành tính hơi lẩm cẩm mà cũng dự vào cách mệnh nàng không khỏi lấy làm lạ, mỉm cười tự nhủ: xe gần chạy còn nghĩ đến việc mổ gà, vặt lông, nấu nướng, nhanh cũng mất một tiếng đồng hồ.
Dẫu sao nàng cũng cảm động nói với bà Vĩnh:
“Nghe anh Ngọc nói bác pha cà-phê ngon lắm. Bác cho chúng cháu xin mỗi người một cốc là đủ rồi.”
Bà Vĩnh nói:
“Cậu Ngọc nói vậy thôi. Mời cô vào trong nhà.”
Thanh thấy căn nhà tuy nhỏ hẹp nhưng xếp đặt rất ngăn nắp và sạch sẽ ngoài sự tưởng tượng của nàng. Thanh hỏi:
“Bác trai đâu?”
“Nhà tôi phải đi làm ở nhà máy. Để tôi chạy đi gọi về.”
“Thôi, bác ạ, để lần khác, chúng cháu còn qua lại luôn. Cà-phê đâu, bác để cháu đun nước pha lấy cũng được. Bác thử chạy qua ga hỏi dùm xem đúng mấy giờ tàu chạy.”
Bà Vĩnh ra ga hỏi giờ tàu chưa về, Thanh đã bưng hai cốc cà-phê mời Ngọc uống. Ngọc lấy làm ngạc nhiên vì Thanh không hỏi bà Vĩnh về chỗ để các thứ. Nàng như đã vào nhà này nhiều lần biết ngay chỗ nào để củi, để nước, ấm đường, cái lọc cà-phê. Ngọc nhìn Thanh thoăn thoắt làm những việc đó, nghĩ thầm:
“Cán bộ như Thanh thật là hiếm.”
Lúc từ biệt để ra xe lửa, Thanh với bà Vĩnh đã trở thành hai người rất thân. Bà Vĩnh cứ đứng tựa cửa nhìn theo hai người rồi lẩm bẩm:
“Thật là tốt đôi.”
Bà không lẩm cẩm như Thanh tưởng.
Vì nghẽn đường nên chín giờ đêm xe mới tới Khai Viễn; Ngọc cho đó là một sự may vì ở Khai Viễn có Việt Minh chứ không như ở Mông Tự. Hai người đi sau trước cách nhau một quãng. Ngọc đưa Thanh đến nhà một nữ đồng chí, giới thiệu Thanh rồi từ biệt để đến trình diện và báo cáo với Hải ngoại Bộ lúc đó đặt trụ sở ở phố Hán Vũ.
Sáng hôm sau hai người ra xe sớm và cũng đi riêng. Ngọc sau khi đi hết toa nọ đến toa kia xem xét cẩn thận rồi mới đến ngồi gần Thanh. Dọc đường tới ga Pô Si lúc xe ngừng lại để hành khách ăn cơm, Thanh thấy năm sáu người lên xe kéo đến vây quanh lấy Ngọc. Ngọc nói:
“Lâu lắm mới gặp lại các anh.”
Một đồng chí già, má hóp, giữ về bưu điện và ở ngay trong ga chạy đi một lát rồi bưng lên cái khay có để trứng lập là, cà-phê sữa và một đĩa xôi với cái tỏi gà. Mọi người quây quần lại hỏi chuyện về sức khỏe của Ngọc và nhắc tới những chuyện vui buồn đã xẩy ra ở Pô-Si từ khi Ngọc đi đã sáu tháng nay. Thanh mua một cái bát cơm lạp xường của những người được phép vào ga bán. Nàng nhìn vào khúc lạp xường và mỉm cười. Ngọc cũng nhìn vào bát cơm, lấy tay che miệng. Hai người đưa mắt nhìn nhau rồi cùng mím môi để khỏi bật lên cười to.
Xe chạy, mọi người đứng nhìn theo Ngọc giơ tay vẫy. Xe đã ra khỏi ghi, Thanh cũng thò đầu ra và giơ tay vẫy những đồng chí chưa quen biết của nàng. Thanh trong lòng vui vẻ nhận thấy mọi người đều mến Ngọc, mến một cách thành thực như mến một người bạn rất thân. Không có gì tỏ ra trong sự vồn vã săn sóc ấy có một ẩn ý khác vì thực ra Ngọc chỉ là một liên lạc viên, cấp bậc nhỏ bé trong đoàn thể. Nàng không thể nào quên được cử chỉ của đồng chí già má hóp khi bưng khay đồ ăn lên và đứng nhìn Ngọc ăn, mắt đầy vẻ trìu mến như một người mẹ hiền nhìn đứa con yêu sau một hồi xa cách.
Thanh bĩu môi nhìn Ngọc thầm nhủ:
“Người thế kia mà giết người.”
Nàng hỏi Ngọc:
“Ở đây anh có nữ đồng chí nào không? Sao không thấy ra.”
Ngọc yên lặng không đáp rồi mỉm cười hỏi Thanh:
“Thế nào cô Xạ-Phang? Lạp xường có ngon không?”
Thanh cau mày, nói giọng nũng nịu:
“Cơm cũng tồi, lạp xường cũng tôi. Không ngon bằng ruốc. Tôi trông đĩa trứng và cốc cà-phê sữa của anh tôi thèm rỏ rãi nhưng đợi mãi không thấy anh giới thiệu. Mà sao anh ăn khỏe thế; xôi với tỏi gà anh không nghĩ đến gói lại để phần tôi. Anh chỉ nghĩ đến anh thôi và đến ăn thôi. Tôi xin rút lui ra khỏi chi bộ ích kỷ của anh.”
Ngọc đáp:
“Tôi quên hẳn chị. Tại đói quá. Ai lại hơn một giờ chiều mới ăn cơm. Mà phải đấy, chi bộ của tôi từ giờ trở đi gọi là chi bộ ích kỷ. Như thế kín đáo hơn. Chi bộ ích kỷ thì đến trời cũng không biết nó là chi bộ gì.”
“Trong lúc còn thử thách, anh với tôi hãy tạm lập một chi bộ lấy tên là chi bộ ích kỷ mà chi bộ chỉ có hai người thôi. Như vậy việc vẫn làm được mà chưa phải tuyên thệ gì cả. Nói thực với anh công việc giải phóng dân tộc thì tôi cũng hơi muốn làm nhưng tôi không thích đâm đầu vào cái ‘guồng máy’.”
Tuy chỉ là một lời nói đùa nhưng Ngọc cũng cảm thấy Thanh có một ẩn ý, không nói thẳng ra cho chàng biết; chàng thấy Thanh bí hiểm và phải thành thật thú nhận rằng giữa Thanh với chàng vẫn có một cái gì ngăn cách như xui giục chàng tìm hiểu Thanh hơn. Tự nhiên chàng nghĩ đến Phương một cô gái ngây thơ hiền hậu; tuy Phương có những sự ngập ngừng vì e dè nhưng chàng đều nhận thấy rõ ràng lắm. Phương như một hòn bi thủy tinh trong suốt còn Thanh thì như một viên kim cương chưa thành khí; dưới lớp quặng, trong sáng hơn thủy tinh nhưng chưa lộ hẳn mà chàng cũng không dám chắc rằng đấy là kim cương.
Hai người bàn tính về cách thức đến Côn Minh là nơi mà Việt Quốc và Việt Cộng rất đông; tuy hai bên đều có tổ chức bí mật nhưng khó mà phân biệt chắc chắn rằng ai là quốc gia, ai là cộng sản.
Đi khỏi Tây Trang, xe lửa chạy ngang qua cánh đồng trồng đào; hàng nghìn cây đào nở hoa, chỗ màu hồng nhạt chỗ màu hồng đậm. Về phía tay trái, ánh nắng chiếu làm sáng hẳn cả một vùng; hoa đào những khu vườn ở đấy nom không rõ, màu hoa đào lẫn vào trong ánh nắng trông như một làn sương màu vàng pha hồng lan dài trên những lá cây xanh đậm. Tuy đã nhìn thấy cánh đồng đào ấy nhiều lần nhưng Thanh và Ngọc đều ngồi yên lặng ngắm. Trong óc Thanh nẩy ra cái ý tưởng khi tới Côn Minh sẽ rủ ngay Ngọc đi chơi vườn đào; nàng tưởng tượng hai người sẽ cùng ngồi dưới bóng hoa sưởi nắng và nói chuyện. Nghĩ vậy nhưng Thanh bảo Ngọc:
“Để đợi khi đào chín, chúng mình sẽ xuống đây chơi. Chỉ việc trả một số tiền còn ăn tha hồ miễn là không được đem đi. Tôi chắc anh đã đến nhiều lần rồi, xem chừng anh thích ăn đào lắm.”
Ngừng một lát nàng tiếp theo:
“Cái gì mà anh chẳng thích ăn. Cả một cái tỏi gà lớn thế mà gặm một lúc xương đã sạch nhẵn.”
Ngọc nói:
“Đợi khi quả chín thì biết đến bao giờ. Hay mai kia ta đi xem hoa nở đi.”
“Tùy ý anh, hẹn trước anh chiều ngày mai nếu nắng trời.”
Hai người cũng đồng ý là khi tới Côn Minh thì làm như không ai biết ai. Thanh bảo cho Ngọc biết rằng nàng ở nhà một người bạn gái gần Tây Môn chỗ ngã ba đường có hiệu bán sách.
“Trưa mai anh đến ăn bò ở hiệu người Hồi giáo phía ngoài cổng. Nước dùng của họ ngọt hơn nước dùng ‘cô sèo mi siển’ nhiều. Ăn ngọt và thanh lắm. Đúng mười hai giờ trưa tôi sẽ tới đấy. Nếu tôi lỡ bận thì hẹn anh ở trên gác quán nước chè Si Mâu về phía trong Tiểu Tây môn. Chỗ ấy vắng và anh ngồi tha hồ cả ngày cũng được.”
Thanh đưa cho Ngọc một tập giấy bạc quan kim:
“Đây là tiền bán áo anh gửi tôi. Tôi đã trừ đi tiền mười hai cốc cà-phê anh chưa trả.”
Ngọc cho tiền vào túi, không đếm.
Xe đã vào ga Côn Minh. Thanh và Ngọc cùng đứng lên. Thanh dặn:
“Tôi đi ra ga trước còn anh, anh ở lại. Anh vào nhà mấy người quen làm trong ga. Anh thì thiếu gì người quen.”
Thanh sẽ gật đầu chào Ngọc rồi xuống sân ga.
“Tối hôm nay mình phải lại Phúc Chiêu Cái trình diện và báo cáo với Quân cho xong đi, để mai được rảnh rang.”


[1]Plasmodium: Vi trùng sốt rét.
[2]Para-typhoide: Một chứng nhẹ của thương hàn.
[3]Bacille d’Eberth: Vi trùng bệnh thương hàn.
[4]Lý Hoá Nhiên: Ba môn khoa học cần phải biết trước khi học thuốc.
[5]Năm thứ nhất hồi đó tức là lớp đệ thất bây giờ.
[6]Chef de train: Xa trưởng
[7]Tên những người ở các tỉnh khác bên Tàu và người Việt thường dùng để gọi người thổ dân Vân Nam.

Nguồn: Nhất Linh, Giòng sông Thanh Thủy, Đời Nay xuất bản, Sài Gòn 1961, Văn Mới tái bản tại Hoa Kỳ. Bản điện tử do ông Nguyễn Tường Thiết cung cấp. Bản đăng trên talawas với sự đồng ý của gia đình tác giả.

Nguồn: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=8929&rb=08

VĂN HỌC MIỀN NAM 54-75 (154): NHẤT LINH (7) - Giòng sông Thanh Thuỷ VĂN HỌC MIỀN NAM 54-75 (154): NHẤT LINH (7) - Giòng sông Thanh Thuỷ Reviewed by Phạm Thu Hương on 17:24 Rating: 5

Không có nhận xét nào: