VỀ VIỆC DẠY SỬ TRONG NHÀ TRƯỜNG (6): THỜI TÀN CỦA THỨ CHÍNH SỬ TRONG TRƯỜNG HỌC

Hà Thủy Nguyên

VTC News có trích đăng rất nhiều phát ngôn của GS Đào Trọng Thi, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện đang là Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng. Các phát ngôn này đều nhằm mục đích nhấn mạnh thông điệp mà VTC News giật tít: “Không cần sinh viên giỏi Sử, cần con người có lòng yêu nước”. Nếu tôi là người đặt câu hỏi phỏng vấn ông Thi, tôi chỉ muốn hỏi ông rằng: “Sinh viên cần được dạy về lòng yêu nước hay các ông muốn ép sinh viên phải học theo cách yêu nước của các ông?”. Đương nhiên, tôi rất thông cảm cho phóng viên của VTC News, vì miếng cơm manh áo sẽ không dám hỏi những câu như thế.

Sau khi thông tin về việc tích hợp ba môn Lịch sử, An ninh quốc phòng và Giáo dục công dân được công bố trên báo chí, từ các giáo sư cho đến các cộng đồng mạng đều phản đối phương án này. Các tranh luận đều đưa ra luận điểm là Bộ giáo dục đã đánh giá không đúng chức năng của môn Lịch sử. Môn Lịch sử không phải là bộ môn dạy về trách nhiệm với tổ quốc, đó là môn học để nhắc nhở người đời sau về quá khứ của một đất nước và của thế giới, qua đó để hiểu rõ hơn về thực tại. Người xưa có câu: “Ôn cố tri tân”, tức là học về quá khứ để biết về những gì đang diễn ra. Mọi việc xảy ra đều có nguyên nhân, có tiến trình của nó. Vậy thì, lịch sử còn là môn học về tiến trình quá khứ dẫn đến hiện thực ngày nay của một quốc gia và cả thế giới. Như thế, môn lịch sử còn là một phương pháp rèn luyện tư duy.

Việc dạy và học môn lịch sử ở Việt Nam hiện nay không đáp ứng được đúng các yêu cầu của một môn lịch sử. Sách giáo khoa lịch sử thì không đáp ứng đủ các dữ kiện lịch sử, phương pháp dạy không kích thích tư duy ở người học. Nhưng còn giữ môn lịch sử như một môn riêng biệt, những giáo viên tâm huyết vẫn có thể truyền cảm hứng và kích thích tư duy ở học sinh, sinh viên được.

Tuy nhiên, tôi rất cảm ơn ông Đào Trọng Thi đã phát ngôn thẳng thắn để dư luận biết được một cách công khai, minh bạch chủ trương của nhà nước. Vâng, cảm ơn ông vì đã nói thật: “Không cần sinh viên giỏi Sử, cần con người có lòng yêu nước”. Từ đó, người dân có thể hiểu nguyên nhân dẫn đến việc tích hợp ba môn An ninh quốc phòng và Giáo dục công dân là bởi vì nhà nước không muốn cho học sinh và sinh viên giỏi Sử.

Ông nói rằng ông chỉ muốn học sinh và sinh viên yêu nước. Tôi muốn hỏi ông đó là nước nào, nước của ai? Lòng yêu nước liệu có thể dạy được bằng những lời khuôn sáo của môn giáo dục công dân hay sự khoe mẽ các chiến công đánh giặc trong môn An ninh quốc phòng hay không? Lòng yêu nước trên thực tế đến một cách tự nhiên, từ việc người dân hiểu cặn kẽ về chính đất nước của mình, và người cai trị đất nước ấy khiến người dân có thể giữ được cảm giác thân thuộc như ở nhà. Lòng yêu nước đưa vào chương trình dạy học, là thứ lòng yêu nước khiên cưỡng và tẩy não, yêu một đất nước được vẽ nên bởi nhà cầm quyền, tức một đất nước tưởng tượng. Ông muốn áp đặt học sinh, sinh viên ảo tưởng về một mối ràng buộc giả dối với một đất nước hư ảo do chính ông và những người như ông dựng nên ư?

Tôi không phủ nhận nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đương thời khi nói những điều trên, cũng không phủ nhận vai trò của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Tôi chỉ muốn nói rằng, cái cách mà các ông đề xướng để nâng cao ý thức trách nhiệm với tổ quốc là một quan điểm sai lầm trong sách lược trị vì đất nước. Tôi có thể hiểu, với tư cách là Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, lại đã từng là Hiệu trưởng Đại học Quốc gia Hà Nội, ông và phe cánh chính trị của ông muốn tạo ra một thế hệ trẻ trung thành với đất nước, không xuống đường biểu tình, không đọc mấy trang chống Cộng, mà muốn nhất nhất tuân thủ mọi quyết định của Đảng và nước nước. Nếu đặt mình trong vị trí của một chính trị gia, tôi nói thật là cũng có mong muốn như vậy. Nhưng để chinh phục được “lòng yêu nước” của người dân, không phải cứ “tống tình” như cách thức các ông định làm mà được.

Người dân cần gì ở một nhà cầm quyền. Họ cần cơm no, áo ấm, đời sống đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần, cần cảm thấy được tôn trọng. Nếu nhà cầm quyền cho họ tất cả những điều này, đa số họ sẽ yêu nước, còn số còn lại không yêu cũng sẽ không có cớ gì để chống đối. Vì vậy, lòng yêu nước thiết thực nhất đến từ việc nhu cầu được đáp ứng thỏa mãn. Nếu tôi không nhầm, những gì tôi nói không vượt quá phạm vi của Chủ nghĩa duy vật mà chúng ta đều được học trong nhà trường. Còn về một lòng yêu nước xuất phát từ việc học về các truyền thống đấu tranh trong lịch sử, nói thật là việc ấy khiến tôi hình dung đến những anh lính về làng, khoe mẽ chiến công, diễu võ dương oai để tán gái. Thứ mà các gái làng yêu anh lính không phải anh lính mà là những tấm huân chương, huy chương. Và đó là thứ tình yêu không thật, giống như thứ lòng yêu nước trong nhà trường, một thứ tình cảm giả dối dành cho một thứ hư ảo.

Ông đã thẳng thắn thừa nhận rằng ông không cần sinh viên giỏi Sử, thiết nghĩ, với tư cách là một người dân, tôi không cần thiết phải nói thêm về lập luận hay lý lẽ với ông. Bởi một người không tư duy và phát ngôn dựa trên lý lẽ thì cũng không thể nghe được lý lẽ, và có thể ông cũng không đọc những bài tôi viết. Nhưng tôi viết cho những người đang cùng quan điểm với ông Đào Trọng Thi đọc, để họ hiểu rằng để trở thành độc tài tư tưởng không dễ dàng như các ông vẫn làm. Để bãi bỏ một môn Sử ra khỏi chương trình học không phải là Bộ giáo dục muốn làm thì làm, rằng người dân không phải ngu dốt và không dễ dàng để các ông biến thành những kẻ bị thiến hoạn tinh thần vì thứ yêu nước giả dối.

Bộ Giáo dục muốn tích hợp ba môn này vì muốn tạo ra những con người yêu nước. Ông Thi khẳng định rằng chức năng của giáo dục không phải là để giữ các môn học và không môn học nào “bắt buộc phải tồn tại cả”. Ông phát ngôn rất hùng hồn:

“Chúng ta cần phẩm chất năng lực, để có phẩm chất, kỹ năng phải có kiến thức và cách thức vận dụng kiến thức đó. Chúng ta có thể dùng nhiều phương pháp khác nhau tích hợp, liên môn. Cái nào đạt được mục đích giáo dục thì chúng ta làm. Nếu dạy độc lập không đạt hiệu quả thì môn học tồn tại độc lập không để làm gì.”

Nhưng ông có biết sách giáo khoa Lịch sử nhiều lần không đề cập đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa trên các bản đồ, lược đồ? Còn môn Lịch sử mà Bộ giáo dục đã lãng quên Hoàng Sa, Trường Sa. Nếu bãi bỏ môn Lịch sử bao nhiêu học sinh, sinh viên sẽ còn nhớ đến Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam nữa. Đừng nói với tôi rằng học sinh, sinh viên sẽ học được điều đó ở chương trình An ninh quốc phòng. Các ông sẽ dạy như thế nào về sự kiện Trung Quốc cắm giàn khoan ở biển Đông? Sẽ nói như thế nào về mối bang giao Việt Trung? Hay lại là các bài giảng chống diễn biến hòa bình của Mỹ và các chiến công đánh giặc cứu nước từ thuở xa xưa của cha ông.

Các ông nói rằng không bãi bỏ môn Lịch sử mà chỉ tích hợp với hai môn Giáo dục công dân và An ninh quốc phòng. Đúng, đó không phải là bãi bỏ, mà là môn học về bóp méo lịch sử theo chiều hướng có lợi cho nhà cầm quyền, một môn học thiến hoạn tư duy và tinh thần của người dân, một bộ môn khiến người dân yêu lầm một đất nước trong trí tưởng tượng của các ông chứ không phải đất nước của chính họ.

Nếu các ông bãi bỏ môn Lịch sử khỏi trường học, tôi tin rằng sẽ có rất nhiều, rất nhiều các chương trình dạy Lịch sử mới do chính cộng đồng tạo nên. Họ sẽ đưa ra các góc nhìn Lịch sử đa chiều hơn, hấp dẫn hơn. Người dân sẽ tìm đến các chương trình này. Và lúc ấy, họ sẽ càng không tin vào thứ đất nước mà các ông tưởng tượng ra, không tin vào các ông. Một khi lòng tin người dân đã mất, thì nền móng của chính quyền ấy cũng đến ngày tàn.

Vâng, một lần nữa chúng tôi cảm ơn ông Đào Trọng Thi, và Bộ giáo dục đào tạo Việt Nam, đã tự từ bỏ quyền nắm giữ chính sử của mình. Sẽ không còn thứ được gọi là chính sử từ nhà nước quy định, mà chúng ta chắc chắn buộc phải bước vào thời kỳ tự tìm tòi các mảnh ghép lịch sử để mỗi người dân có nhận thức lịch sử cho riêng mình. Cảm ơn chính sách kém cỏi của các ông, nhờ thế, quyền lực của nhà nước ngày càng suy giảm, và đó là lúc quyền lực của tinh hoa và tài năng sẽ lên ngôi.

VỀ VIỆC DẠY SỬ TRONG NHÀ TRƯỜNG (6): THỜI TÀN CỦA THỨ CHÍNH SỬ TRONG TRƯỜNG HỌC VỀ VIỆC DẠY SỬ TRONG NHÀ TRƯỜNG (6): THỜI TÀN CỦA THỨ CHÍNH SỬ TRONG TRƯỜNG HỌC Reviewed by Phạm Thu Hương on 16:59 Rating: 5

Không có nhận xét nào: