Lê Hồ Quang
Đọc thơ Nguyễn Bình Phương không dễ. Có thể nói, thơ ông có một thứ “ngôn ngữ” khác thường: thứ ngôn ngữ của mộng mị, của những ảo giác chập chờn, phi thực, hư ảo... Ngôn ngữ ấy “đòi hỏi” ta phải bớt đi cái tỉnh táo ráo riết của lí trí, gia tăng sự phiêu lưu của trí tưởng tượng, sự buông bắt xa lạ và ngẫu hứng của trực giác, nó buộc ta phải “buông thả” thật hoàn toàn trong tầng tầng liên tưởng và sự mơ hồ bất định của nó. Bởi vậy, việc “đọc” thơ Nguyễn Bình Phương là một hành trình tìm đường vào cõi lạ đầy nhọc nhằn, với nhiều cảm giác bất an, nghi hoặc. Nhưng dù có lúc cảm thấy mê man, đuối sức trên hành trình phiêu lưu vào thế giới ấy, ta vẫn khó phủ nhận vẻ đẹp đầy ma mị của nó. Nó đánh thức và mở ra những đường biên ranh giới khác, độc sáng, trong cách ta tri giác về thế giới.
Hãy bắt đầu từ những ấn tượng và cảm nhận chung nhất về thơ Nguyễn Bình Phương. Đó là một thi giới đầy những sự vật, hình ảnh lạ lùng, thậm chí kì dị, được kiến tạo từ một nhãn quan độc đáo. Nó xuất phát từ một nhu cầu cảm nhận và lí giải khác đi về hiện thực. Nó đem lại một mĩ cảm khác lạ:
Qua con mắt khép hờ
Mặt trăng đi thẳng vào giấc ngủ
Cuối đường gặp một ban mai bàng bạc
... Người đeo kính hết mọi nhớ mong
Những quên lãng lại hồi về trí nhớ
Con mắt khép nửa vời là cạm bẫy thờ ơ
Trong giấc ngủ đầy mộng mị
Trăng không thể bay ra...
(Mắt)
Ở đây, “con mắt khép hờ” (hay “con mắt khép nửa vời”) đã trở thành một công cụ thẩm mĩ đặc biệt, một thứ cầu nối để mở ra một thế giới khác, ở đấy, “mặt trăng đi thẳng vào giấc ngủ” và cũng ở đấy, “trong giấc ngủ đầy mộng mị/ Trăng không thể bay ra”... Trong khoảnh khắc, cái nhìn ấy đã làm lộ diện một thế giới khác, ẩn tàng sau bề mặt của thực tại. Trong khoảnh khắc, nó loại bỏ và tạo dựng, kiến thiết và phá hủy, kết hợp và xếp đặt lại tất cả hình ảnh hiện thực, biến chúng thành một “thực tại mộng mị”, hoang ảo mà sắc nét, bị/ được chế ngự bởi một sức mạnh nội tâm mãnh liệt và dị thường. Điều đáng nói là giữa chủ-thể-của-cái-nhìn và thế-giới-được-nhìn-thấy ấy không tồn tại tách biệt, đối lập mà tồn tại trong sự giao hòa và chuyển hóa. Ở đây, nội tâm và ngoại giới được kết nối trong một trạng thái đặc biệt, rất khó để nhận ra những dấu vết của đời thực, nói đúng hơn, những dấu vết cụ thể của đời thực trở nên mờ nhòe, mung lung, chỉ còn lại những đường nét ám gợi, tượng trưng mơ hồ.
Trong thế giới ấy, dày đặc những hiện tượng, sự vật khác thường: linh miêu, quạ vàng, con phượng đen, những con hươu ma, bầy nghê đá cười, khuôn mặt xanh, cây ngải vàng, cây cậm cam, cỏ trắng, ngôi sao màu hung, ngọn gió xanh, ngôi sao chết trắng, rừng tím, làn môi xanh, cơn mưa vàng, khu rừng ma...
Trong thế giới ấy, con người là những cái bóng kì dị: Cái bóng nhòa nhòa quẩn trong mơ/ Nhẹ tênh không va động; Họ đột ngột xuất hiện/ Tựa bóng ma thôi ra từ sương/ Đàn ông trên lưng ngựa đen/ Đàn bà mang bạc lạnh/ Không khí kêu trầm trầm quanh họ/ Như tiếng kêu của những con dao/ Gặp giấc mơ sát chủ...
Trong thế giới ấy, mọi sự vật, hình ảnh có thể biến đổi, chuyển hóa liên tục từ trạng thái này sang trạng thái khác, tạo nên những ảo cảnh lạ lùng, kì diệu:
Tiếng nói em màu lam chuyển dần sang màu lục
Và cuốn lên một cái cây chưa tỉnh táo
Cuốn lên những quả chuông vang reo trận mưa rào
Ngân nga giọng của trăng sao
(Em và hoa)
Trong thế giới ấy không có sự tách bạch rạch ròi giữa chủ thể và khách thể, không gian và thời gian, quá khứ và hiện tại... Cái tôi nhà thơ “từ tốn mơ màng” hòa lẫn vào ngoại giới. Tất cả là “nhất thể”:
Bay qua chim bay qua bay qua
Người vùi giữa nắng tiếng kêu mờ dần
Vườn trúc trong veo xào xạc lá rụng
(Xa thân)
Một sự phân rã và chuyển hóa lặng lẽ, những vờn đuổi nội tâm bất tận, những khoảng cách cảm giác vừa bí ẩn, huyền hoặc, thảng thốt vừa bâng quơ diệu vợi, như một nhói đau âm thầm... Đấy là trạng thái tinh thần thống ngự trong thơ Nguyễn Bình Phương. Nhà thơ dường như đã trình bày nguyên trạng cái trạng thái “xa thân” của chính mình để “hồi lại” trong một trạng thái hiện sinh khác, ở đó, mỗi “khách của trần gian”, nói theo cách của ông, có thể “mở lời” trong những “tiếng lạ”.
Từ đây, ta sẽ thấy trong thơ Nguyễn Bình Phương, “con người ngủ” (hoặc các biến thể của nó như người mơ, người say, người điên...) hiện lên như một motip hình tượng nổi bật. Ấy là một trạng thái sống đặc biệt, ở đó, tiếng nói bản năng, vô thức của con người trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Ngủ cũng là một trạng thái phổ quát của thế giới thơ Nguyễn Bình Phương. Đấy không phải là một sự tồn tại chết lặng, đông cứng. Đấy là cái trạng thái chuyển hóa đầy mơ màng (mơ màng là từ mà tác giả này rất ưa dùng) của một nguồn năng lượng thiên nhiên lớn lao và bí ẩn:
Mang xống áo mùa thu
Làm mùa thu
Nhớ giấc ngủ ngàn thu trong đài sen úa
Nhớ giọng nói mềm mại như bóng râm
Chảy vào căn nhà đổ
(Bài mùa thu đầu tiên)
Bằng lối diễn tả giàu tính tượng trưng, siêu thực, Nguyễn Bình Phương đã biến trạng thái ngủ (với những dạng thức khác của nó là mơ, mộng) trở thành một trạng thái hiện tồn phổ quát của chủ thể, trạng thái con người nằm giữa lằn ranh của tỉnh táo và mộng mị, ý thức và vô thức, sáng suốt và điên rồ, mê sảng... Cái tôi nhà thơ bị chi phối bởi những ám ảnh dị thường, những ảo giác, những cơn mộng du dữ dội, đứt nối, nhòe lẫn, không đầu không cuối, chẳng hạn ám ảnh về “Bãi tha ma Linh Sơn hoang vu/ Cây Cậm Cam rờn xám/ Cơn sốt dậy sắc hồng quái dị” với “một cái bóng xanh xao trùm qua đỉnh núi”; ám ảnh về người điên, sự điên dại: “Những người đàn bà điên/ Nở/ Những khuôn mặt xa vời trong ánh sáng màu hung buồn ủ rũ”; “những bà điên thân xác còm nhom”, “thằng bạn điên sớm tối chỉ cười”; ám ảnh về máu: “Máu đã ra ngoài cỏ/ Chảy men theo sườn đồi xuống hồ/ Máu không tắt không khô không ngơi nghỉ/ Chảy miên man qua thớ đất nâu/ Máu còn chảy, chảy mãi”; ám ảnh về sự chết chóc: “Ngày sinh viên đạn/ Chết trong nòng súng cỏ/ Chết trong nòng súng cỏ/ Một đứa trẻ nhoẻn cười”... Những ám ảnh dị thường ấy gợi nên rất rõ trạng thái bất toàn của hiện thực cũng như cảm giác bất an của con người về đời sống. Sự dồn nén cao độ đẩy tới tiếng kêu phá bỏ những lực cản đáng sợ vây bủa để tung mở cánh cửa của một “cõi khác”, giải phóng đời sống và chính mình:
Cuối cùng
Mùa hạ cũng giữ được cho mình một buổi chiều lành lạnh
Cuối cùng
Chiếc gương cũng trào ra những bóng hình ứ đọng
Cuối cùng ai đó kêu lên giữa cơn giông
Cửa đã mở
cửa đã mở
mở
mở
(Ở nơi không có cánh)
Ám ảnh về cái chết, sự phân rã, nỗi đau, sự bấp bênh, u trệ và vô minh của đời sống... trở đi trở lại trong thơ Nguyễn Bình Phương qua những biểu tượng lạ, khác thường. Có thể hiểu đấy như là sự “phản tỉnh” về đời sống từ một góc nhìn khác. Ở đó, cái trí năng tỉnh táo ngày thường dường như bất lực nhưng tiếng nói của vô thức, tiềm thức lại tỏ ra đầy năng sản. Khi tính chất dị thường ấy được đẩy tới cùng ý nghĩa tượng trưng và cùng với điều đó là sự mờ nhòe của các đường nét “tả thực”, chúng tạo nên sắc vị riêng, độc đáo của thế giới nghệ thuật này.
Cái xô bồ, bất trắc của hiện thực cùng với cảm giác hoang mang bất ổn của con người đã được diễn tả sắc nét bởi một thứ “ngôn ngữ” ma mị, đậm tính trực giác. Ngôn ngữ ấy đã tạo nên nhiều khoảng trống, khoảng trắng trong mạch thơ Nguyễn Bình Phương. Cách chuyển ý nhanh, đột ngột. Những cách nói như phi lí, bất chấp lôgic. Những liên hệ tạt ngang tùy hứng... Trên thực tế thơ Việt Nam, không phải đến Nguyễn Bình Phương mới sử dụng kiểu tổ chức lời thơ này. Những tìm tòi trong cách viết của Trường thơ Loạn, nhóm Xuân Thu nhã tập hơn nửa thế kỉ trước hay những nỗ lực cách tân của nhóm “dòng chữ” trong thơ đương đại là những minh chứng cho điều đó. Nếu dòng chảy vô thức (đã được ý thức này, dĩ nhiên!) được tái hiện một cách hiệu quả, nó sẽ hiện lên như một tiếng nói nội tâm trung thực, đem lại những nhận thức thẩm mĩ mới. Song mặt khác, nó rất dễ dẫn đến tình trạng lời thơ ông chẳng bà chuộc, tối tăm, vô nghĩa. Trong nhiều trường hợp, cái ranh giới phân định giữa sự tùy tiện hay có sự dẫn dắt, lựa chọn của một “linh giác” nào đó thật sự rất mong manh. Riêng ở trường hợp Nguyễn Bình Phương, sự bén nhạy trực giác và những nỗ lực tìm tòi kĩ thuật đã kết hợp với nhau khá ăn ý. Trên bề mặt, kết cấu văn bản thơ ông tương đối lỏng lẻo. Nhưng chính sự “lỏng lẻo” bề mặt đó có tác dụng tạo nên những chuyển dẫn, tương tác bất ngờ trong cảm xúc, nhịp điệu, hình ảnh. Do đó, ngay vào những chỗ tưởng chừng tối nghĩa, vu vơ, nhiều khi lại kích thích trí tưởng tượng và gây hiệu ứng ám gợi. Trong nhiều bài tưởng chừng miên man mà vẫn không “loãng”, vẫn tạo nên được tính chất “thôi miên”, mê hoặc rất lạ, chẳng hạn Bài mùa thu đầu tiên, Linh miêu, Xa thân, Mắt, Nhẹ, Tiếng lạ, Khuya nào, Mở lời, Cái bóng... Lỏng mà chặt, khép mà mở, tùy hứng mà vẫn khá nhất quán trong cái ấn tượng thẩm mĩ hướng đến, đó là điểm sáng trong kĩ thuật kết cấu của những bài thơ này.
Những suy ngẫm về đời sống - tồn tại như một “chủ âm” trong thơ Nguyễn Bình Phương - cũng hiếm khi được tổ chức theo kiểu luận đề lộ liễu, chúng chủ yếu được “trình bày” qua những hình ảnh, biểu tượng liên tưởng phóng túng, nhiều khi khá mơ hồ. Theo đó, những xúc cảm cá nhân không được đẩy lên bình diện thứ nhất trong mạch trữ tình. Chúng chỉ là những nhát cắt tượng trưng và dễ dàng bị “chen ngang”, bị xóa mờ bởi những liên tưởng hết sức trái ngược và xa lạ. Ngày đông là một ví dụ tiêu biểu, ở đó, tiếng nói nội tâm của con người hiện lên vừa chân thực vừa vẫn rất mông lung, hư ảo:
Những quả đồi lơ mơ tối
Lơ mơ vạt cỏ gianh
Ngôi nhà rét
Chiếc cần giếng cong queo
Và gió...
Gió đã từng đến reo
Em đã từng thờ ơ hoa trắng...
Ngoài chuồng trâu vọng tiếng cọ sừng
Một người nựng con
Phát con
Rồi ru
Một người xách đèn đi vào sương mù
Sức nặng của bài thơ trước hết nằm trong nghệ thuật sử dụng tính từ mô tả, chúng gợi chính xác cái trạng thái tĩnh lặng uể oải của sự vật trong ngày đông: quả đồi lơ mơ tối, lơ mơ vạt cỏ gianh, cần giếng cong queo... Thứ hai là tài dựng cảnh của tác giả. Ông đẩy cảnh tượng, sự việc, hành động lên thành bình diện thứ nhất, để chúng tự lên tiếng: Ngoài chuồng trâu vọng tiếng cọ sừng/ Một người nựng con/ Phát con/ Rồi ru/ Một người xách đèn đi vào sương mù... Rất ngắn gọn. Rất kiệm lời. Sinh động và kịch tính. Sự nối kết giữa những phân cảnh rời rạc này là một liên tưởng dường như cũng không mấy ăn nhập: Và gió/ Gió đã từng đến reo/ Em đã từng thờ ơ hoa trắng... Trong sự tĩnh lặng của khung cảnh, những hành động “giật cục” của con người, âm thanh của tiếng gió tạo nên những liên tưởng nghịch chiều giữa quá khứ và hiện tại, hạnh phúc và bất hạnh, tình yêu và nỗi đau, sự chịu đựng... Hình ảnh “Một người xách đèn đi vào sương mù” gợi nên một ẩn ức buồn bã.
Tuy nhiên, phải nói thêm rằng phần lớn thơ Nguyễn Bình Phương rất khó “cắt nghĩa” theo lối thông thường. Sự “nhảy cóc” và “đứt mạch” thường xuyên trong thơ ông là một thách đố thực sự đối với độc giả (và cũng dễ hiểu nếu có người xem đây như một nhược điểm). Thật ra, đấy là một sự “rối rắm” có chủ ý, nó cho thấy cái quan niệm của nhà thơ về trạng thái tồn tại thực sự của đời sống tâm linh, vô thức. Những rối rắm nội tâm ấy hiện lên trong thơ Nguyễn Bình Phương như một sự “tự trình bày”, đó vừa là cái nội dung được phản ánh, đồng thời cũng chính là cái hình thức tự biểu hiện của nó. Tuy nhiên, việc tôn trọng và cố gắng tái hiện chân thực cái dòng mạch của vô thức, tiềm thức (vốn tùy hứng, vô chừng mực) cũng vấp phải mâu thuẫn khi nhà thơ buộc phải trình bày nó trên một văn bản thơ (vốn bị hạn chế về câu chữ và phải tuân thủ những quy tắc ngữ nghĩa nhất định). Điều này đặt nhà thơ trước sự lựa chọn thao tác. Người đọc có thể nhận ra dấu vết của những thao tác kĩ thuật nhất định trong thơ ông. Chẳng hạn, đa dạng hóa hệ biểu tượng; sử dụng tiêu đề bài thơ như một câu đố ám gợi; chú ý khai thác những liên tưởng - ám dụ khác thường; thay đổi linh hoạt điểm nhìn và giọng điệu trữ tình... Nếu có lúc những thao tác kĩ thuật ấy chưa đạt đến cái “công năng” cần thiết, chúng còn được “hỗ trợ” bởi sức mạnh của hình ảnh. Thơ Nguyễn Bình Phương thường có những lát cắt nhanh, mạnh, bất ngờ về hình ảnh. Nhiều hiện tượng, cảm giác xa lạ, trái ngược được sắp đặt cạnh nhau một cách có chủ ý. Sự lược bỏ triệt để các từ ngữ tạo nên mối liên hệ logic càng tô đậm vẻ lạ lùng trong các tổ hợp hình ảnh, ngôn từ. Sự “tương giao” khác thường giữa những sự vật, tính chất này đã tạo nên những sắc thái thẩm mĩ độc đáo, chẳng hạn:
- Người yêu tôi nằm cạnh một con mèo
Cạnh một ánh trăng
Cả ba ho húng hắng
(Mở lời)
- Thiếu phụ quay đi xanh mơ màng
Bỏ lại hồ thẳm xanh
Tiếng xanh
Giữa vòm cây mận trắng
Cơn sốt dậy sắc hồng run rẩy
(Tiếng lạ)
- Linh Sơn mênh mông, Linh Sơn những rào mây xệch xoạc
Hỡi ai mà bỏ đi trăng lác đác
Bỏ đi trăng ướt mướt dưới cây vườn
(Cái bóng)
Riêng về điều này, tôi muốn nhấn mạnh rằng sự “lạ hóa” hình ảnh trong thơ Nguyễn Bình Phương không dừng lại trên cấp độ tu từ. Tính biểu cảm lạ lùng trong các hình ảnh nhân hóa, so sánh, ẩn dụ, cách dùng từ tượng thanh, tượng hình... ấy xuất phát từ một cảm quan mới về thế giới. Đó là một thế giới đầy cảm giác. Trong “cái nhìn nghiêng” đó, sự vật dường như đa sắc diện hơn, giàu ám thị hơn.
Quả thực trong thơ, Nguyễn Bình Phương dường như không chỉ muốn dừng lại ở cái hiện thực bên ngoài, mà còn muốn tìm đến cái hiện thực ở bề sâu bề xa, ẩn tàng sau bề mặt cái - được - nhìn - thấy. Thơ ông cho thấy những tìm tòi ráo riết về mặt kĩ thuật, chúng góp phần tích cực trong việc biểu hiện cái siêu thực tại theo quan niệm của tác giả. Không phải lúc nào nhà thơ cũng thuyết phục được độc giả, song tính chất mê dụ, huyền hoặc trong nhiều tác phẩm cho thấy ông đã vượt qua được sự “áp chế” của kĩ thuật bởi một tiếng nói nội tâm mạnh mẽ, đủ sức đồng hóa hiện thực theo một nguyên tắc mĩ học riêng, khá độc đáo. Qua gương mặt thi ca này, ta nhận ra dấu ấn đậm nét của xu hướng thể nghiệm và cách tân hình thức trong thơ Việt hiện đại. Ở đó, Cái mới, như là đích cuối của mọi hoạt động sáng tạo, đã thúc đẩy nghệ sĩ mạnh mẽ “Đập vụn mình ra mà ghép lại/ Nung chảy mình ra mà tìm lõi/ Xé toang mình ra mà kết cấu” (thơ Nguyễn Lương Ngọc). Và như một tất yếu, điều ấy đã tạo nên một sự kích thích đầy phấn hứng trong tiếp nhận của độc giả. Cho dù, đó cũng là một hành trình không hề dễ dàng...
Vinh, 6/6/2011
Không có nhận xét nào: