Một kiểu phạt mất nhân tâm

Nguyễn Văn Tuấn

19-11-2015

Chủ tịch tỉnh An Giang là Vương Bình Thạnh. Ảnh: Chinhphu

Chủ tịch tỉnh An Giang là Vương Bình Thạnh. Ảnh: Chinhphu

Nhân ngày 20/11 này (*), có lẽ nên dành vài dòng để nói về sự kiện một cô giáo ở An Giang bị phạt 5 triệu đồng chỉ vì chị ấy viết ra cảm nhận cá nhân (trên facebook) về thái độ của ông chủ tịch tỉnh (1). Sự kiện chỉ làm cho cái khoảng cách giữa quan và dân ngày càng xa hơn. Ngân sách vốn đã èo uột của Nhà nước có thể giàu thêm 10 triệu, và ông chủ tịch có thể hả dạ vì thắng cuộc, nhưng cái hố căm ghét đã được đào sâu thêm. Và, phe thắng cuộc của ông chỉ thất bại trong việc thu phục nhân tâm.

Câu chuyện thật là lí thú (và cũng dễ giận), nhưng vì báo chí viết lung tung, nên rất khó hiểu đầu đuôi ra sao. Tôi phải tự sắp xếp lại dữ kiện cho dễ hiểu, trước là cho tôi, sau là chia sẻ cùng các bạn:

· Ông chủ tịch tỉnh An Giang là Vương Bình Thạnh bị kiểm điểm vì yếu kém trong công việc;

· Cô giáo Thuỳ Trang viết trên fb nhận xét về ông chủ tịch như sau: “Ông chủ tịch này kênh kiệu, xa lánh dân nhất trong các thời chủ tịch An Giang” (2);

· Ông Huỳnh Nguyễn Huy Phúc là nhân viên điện lực vào fb nhấn nút “Like” cái note của cô Thuỳ Trang;

· Thế là bà Thuỳ Trang và ông Huy Phúc bị công an phạt. Mỗi người bị phạt 5 triệu đồng, vì tội “sử dụng thông tin nhằm xúc phạm uy tín, danh dự người khác.”

Nhưng một sự thật khác còn thú vị hơn và có thể liên quan hơn là nhà ông chủ tịch và nhà ba má ông Huy Phúc là kề cạnh nhau. Nhà ông chủ tịch là nhà cao tầng (4 tầng), còn nhà ba má ông Huy Phúc thì thấp hơn (2 tầng). Thời gian ông chủ tịch xây nhà làm hư hại và nứt tường nhà của ba má ông Huy Phúc, nhưng họ chẳng bồi thường gì cả, dù biên bản ghi rõ là ông chủ tịch có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình ông Huy Phúc. Ngoài ra, bên nhà ông chủ tịch còn gây ra vài phiền toái cho láng giềng, nhưng ba má ông Huy Phúc thì không dám phàn nàn ông chủ tịch (có lẽ vì sợ).

Câu chuyện là như thế. Phải nói là câu chuyện nghe qua có phần giống như kẻ bị trị, bị áp bức, phải sống và chấp nhận thân phận nhược tiểu trước giai cấp cai trị. Nó có cái motif của truyện của Nguyễn Công Hoan, và phần nào đó motif của vở cải lương Lá Sầu Riêng (mà trong đó con của tá điền phải lạy lục xin lỗi chủ điền). Nhưng sự việc đặt ra nhiều câu hỏi làm chúng ta phải suy nghĩ về xã hội ngày nay.

Thứ nhất là cái gọi là “xúc phạm”. Tôi tự hỏi cái nhận xét “kênh kiệu, xa lánh dân” của cô giáo Thuỳ Trang có phải là “xúc phạm uy tính, danh dự” của ông chủ tịch? Khách quan mà nói, tôi chẳng thấy câu đó xúc phạm gì cả. Nếu cô Thuỳ Trang nói ông chủ tịch là tham nhũng hay ăn chận thì may ra có thể xem là xúc phạm. Còn ở đây, lời nhận xét đó chỉ là một nhận xét về thái độ và phong cách lãnh đạo, và nhận xét đó hoàn toàn mang tính cá nhân. Như thế thì không thể nói là xúc phạm danh dự được. Nên nhớ rằng ông chủ tịch đã bị tổ chức đảng khiển trách vì làm không tốt việc. Cộng thêm những xích mích với người láng giềng, cho thấy có lẽ nhận xét cá nhân của cô Thuỳ Trang không phải là cái gì quá đáng hay thiếu cơ sở.

Thật ra, cái nhận xét “kênh kiệu” mà đối chiếu với những gì các vị lãnh đạo và trí thức viết về đối thủ chính trị trên báo, thì quả thật câu nhận xét đó … quá hiền. Trong một thời gian dài, những người trong hệ thống tuyên truyền ngoài Bắc gọi những đối thủ chính trị trong Nam bằng “thằng” (thằng Thiệu, thằng Diệm), và dùng những lời chửi thô tục ngay trên mặt báo. Cho đến nay, họ vẫn thỉnh thoảng gọi các sĩ quan và viên chức trong Nam trước 1975 là “nguỵ”. Đó mới là xúc phạm, nhưng chắc những người viết như thế không thấy xúc phạm (và người bị gọi như thế cũng chỉ mỉm cười). Ấy thế mà ông chủ tịch cảm thấy xúc phạm khi có người nhận xét là kênh kiệu và xa lánh quần chúng! Thật trớ trêu!

Thứ hai là cái vị thế và giai cấp của ông chủ tịch. Tôi tự hỏi nếu người mà cô Thuỳ Trang nhận xét không phải là ông chủ tịch, mà là một thường dân, thì có xảy ra vụ phạt hay không? Có lẽ là không, vì trong cái xã hội mà 9 người thì đã có 10 ý, chẳng ai quan tâm đến việc người ta nhận xét tốt hay xấu về mình. Một người làm đến chức chủ tịch tỉnh, tức là người của công chúng mà không có khả năng chịu đựng một nhận xét cá nhân, thì phải nói đó là biểu hiện của sự thiếu tin tưởng (lack of confidence). Vì thiếu tin tưởng, nên mới dùng biện pháp công an để làm khó người ta.

Ở đây còn có vai trò của công an. Ông chủ tịch chối là ông không có chỉ thị cho công an phạt cô Thuỳ Trang và ông Huy Phúc. Nhưng hình như khẳng định của ông không được mấy người thấy thuyết phục. Nếu người bị nhận xét tiêu cực không đến than phiền với công an thì làm gì có chuyện công an đến phạt tiền. Tương tự, nếu ông chủ tịch không phàn nàn hay nói công an biết, thì có lẽ công an chẳng phạt cô Thuỳ Trang. Do đó, ông chủ tịch chối rằng ông không có chỉ đạo cho công an thì rất khó thuyết phục dân chúng. Trong cái nhìn của dân chúng, công an hay toà án hay chủ tịch tỉnh đều là “họ” cả — là giai cấp cai trị — nên chỉ cần một cú điện thoại là xong. Do đó, vụ việc là một cảnh báo cho thường dân: Đừng có dại dột mà đụng đến chúng tao; chúng tao có đầy đủ phương tiện để làm cho chúng bây khổ suốt đời. Một cảnh cáo kiểu “giết gà để doạ khỉ”.

Thứ ba là cái vai vế xã hội của người phạt. Giả thuyết là cô Thuỳ Trang (và ông Huy Phúc) là những người thường dân hay nhân viên cấp thấp, nên bị quan chức ăn hiếp. Nhưng nếu họ là một nhà báo hay nhà văn nổi tiếng thì có bị công an phạt hay không? Có lẽ không. Chẳng hạn như có nhà báo trong nước viết hẳn một cuốn sách cho rằng ông cựu tổng bí thư Đỗ Mười mắc bệnh tâm thần, và nhiều thông tin động trời khác của giới lãnh đạo đảng. Nhưng hình như nhà báo này chẳng bị phạt tiền gì cả.

Đó là chưa kể đến những bài báo của đảng cộng sản Tàu trêu chọc, khiêu khích, đe doạ và xúc phạm giới lãnh đạo Việt Nam, nhưng phía VN có nói gì đâu. Không nói là đúng, vì chẳng lẽ phải hạ mình để tranh luận với những kẻ mắc bệnh tâm thần mãn tính. Không tranh luận cũng là cách giữ vị thế của mình.

Do đó, có lẽ có sự phân biệt trong đối xử ở đây. Nó giống y chang như truyện Nguyễn Công Hoan viết “Chà! chà! Béo ơi là béo! Béo đến nỗi giá có thằng dân nào vô ý, buột mồm ra nói một câu sáo rằng: ‘Nhờ bóng quan lớn’, là ông tưởng ngay nó nói xỏ ông. Tức thì, mặt bàn là một, mặt nó là hai, bị vả đôm đốp. Mà rồi thằng khốn nạn ấy, ông truy cho đến kỳ cùng, không còn có thể làm ăn mở mày mở mặt ra được. Bởi vì ông có sẵn trong tay hàng mớ pháp luật, thì ông ngại gì không khép thằng bảo quan béo vào tội ‘làm rối cuộc trị an’.” Ông chủ tịch An Giang sao mà giống với quan lớn trong truyện trên quá!

Do đó, công lí ở Việt Nam không đúng với ý nghĩa của danh từ đó, vì nó còn tuỳ thuộc vào “đối tượng”. Nói trắng ra là “dân đen” thì khó có thể có công lí trong cái hệ thống mà công lí là do đảng cầm quyền kiểm soát. Một ví dụ tiêu biểu là trường hợp ông Chu Văn Thưởng, giám đốc Sở Nông Nghiệp ở Hà Tây lái xe trong tình trạng say xỉn, gây tai nạn làm cho 2 người dân chết, vậy mà chỉ bị phạt 36 tháng tù, nhưng là … án treo! Lí do mà quan toà đưa ra là vì ông này có thành tích tốt và là … đảng viên. Bản án này chẳng những hài hước, mà còn là một phát biểu rõ rệt nhất về vị trí đứng trên pháp luật của đảng.

Nhưng điều đáng báo động nhất là khoảng cách giữa người bị trị và người cai trị. Xã hội Việt Nam ngày nay có thể ví von như là một xã hội phong kiến, với bản sắc chủ nghĩa Mao và Stalin (kiểu nhà nước cảnh sát trị), nhưng cũng hoà quyện với văn hoá tiểu nông Việt Nam. Ba đặc điểm phong kiến – Mao Stalin – tiểu nông đó giúp tạo nên một giai cấp ăn trên ngồi trốc, xa rời quần chúng, đúng như nhận xét của một vị tướng trong quân đội: “Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa.”

Có lẽ ông chủ tịch quên lời dặn cán bộ của Hồ Chí Minh là “tuyệt đối không được kiêu ngạo, công thần, tự cao, tự đại”, và “Cán bộ đảng viên phải nâng cao tinh thần phụ trách trước Đảng và trước quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Phải kính yêu nhân dân. Phải tôn trọng thật sự quyền làm chủ của nhân dân.” Ông cụ Hồ mà có sống lại và đọc được câu chuyện này chắc phải khóc. Thành quả của bao nhiêu năm “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về trung thực, trách nhiệm, gắn bó với Nhân dân” là đây.

Ông chủ tịch và các đồng chí của ông ở An Giang có thể hả dạ vì ghi bàn thắng 10 triệu đồng và đày đoạ được 2 cá nhân. Nhưng ở đời này, chẳng ai giàu ba họ và chưa ai khó ba đời; hôm nay ông có thể giàu và quyền thế, nhưng tiền và quyền đó sẽ không tồn tại mãi mãi. Mười triệu đồng có thể làm cho hai người dân kia đau khổ một thời gian và ngân sách An Giang giàu thêm một chút, nhưng số tiền đó cũng có hiệu quả rất tốt trong việc đào cái hố oán thù sâu thêm trong người dân, và khoảng cách giữa ông và người dân sẽ càng xa hơn. Nhìn như thế thì ông chủ tịch và cái hệ thống của ông là phía thua cuộc trong công cuộc thu phục nhân tâm. Và, đối với các nhà quan sát quốc tế, câu chuyện này là một minh chứng tuyệt vời cho cái khái niệm “tự do ngôn luận” của Việt Nam.

____

(*) Đúng ra, Ngày Nhà Giáo Thế Giới (World Teachers’ Day) là ngày 5/10 vì đó là ngày được UNESCO công nhận, và hơn 100 quốc gia trên thế giới tuân theo. Còn cái ngày 20/11 (cũng như nhiều “Ngày” khác) chỉ thuộc về phe xã hội chủ nghĩa cũ, tuyên truyền là chính, chứ nó không có ý nghĩa như người ta nghĩ.

(1) Bị phạt 5 triệu đồng vì nói xấu đồng nghiệp trên Facebook (PLTP).

(2) Bị chê trên Facebook, chủ tịch An Giang nói gì? (PLTP).

(3) Vụ nói xấu chủ tịch tỉnh trên Facebook: “Like” cũng bị… phạt (DV).

Trích: “Nhà ông Thạnh xây cao, trời mưa nước tràn qua nhà tôi, hai vợ chồng già lấy thau lấy xô tát nước ra ngoài. Nhà mình thấp, đành chịu. Ông Thạnh trồng kiểng, nhưng không có thời gian tưới, nên phân tro trong các chậu kiểng bị khô nên bay tứ tung, tôi cũng không dám nói gì. Bên đó hay nướng thịt, khói bay qua nhà, chúng tôi cũng không nói gì vì nhà mình không kín, mà con cháu nướng chứ ông chủ tịch cũng không có nướng. Nhà cửa giờ hư hỏng, chúng tôi cũng chưa dám gửi đơn thì con trai lẫn con dâu đều bị phạt” và “Hai vợ chồng tôi muốn dẫn con qua nhà ông chủ tịch, xin lỗi ông, năn nỉ ông bỏ qua.”

Trong đoạn trích trên, người dân dùng chữ “không dám” đến 3 lần để nói về vai vế thấp hèn của mình trước uy quyền của ông chủ tịch!

Nguồn: https://anhbasam.wordpress.com/2015/11/20/5870-mot-kieu-phat-mat-nhan-tam/

Một kiểu phạt mất nhân tâm Một kiểu phạt mất nhân tâm Reviewed by Phạm Thu Hương on 06:57 Rating: 5

Không có nhận xét nào: