CÁC “TAI NẠN VĂN CHƯƠNG” (41): “VÀO ĐỜI” (12):

7/7/1963. Báo “Cứu quốc”: Phùng Bảo Kim: Không! Chúng ta không vào đời như vậy.

Các bạn thanh niên chúng ta khi đã đến tuổi trưởng thành thường hay suy nghĩ: Mình sẽ vào đời như thế nào đây? Mình sẽ chọn hướng đi nào trong cuộc sống? Nỗi băn khoăn ấy rất chính đáng. Bởi vì bước vào đời là một bước quan trọng trong cuộc sống của con người, nó đóng vai trò quyết định trong tương lai của một con người. Cho nên khi có một cuốn sách nào đặt và giải quyết vấn đề “vào đời” là được tầng lớp thanh niên ta chú ý ngay.

Nhưng sau khi đọc cuốn “Vào đời” của Hà Minh Tuân thì chúng ta thất vọng. Vì sao? Vì cuốn sách không những không giải đáp được những yêu cầu của thanh niên ta mà nó còn có một tác dụng rất xấu.

Bước đường vào đời của cô Sen, nhân vật chính trong truyện không giống một chút nào với bước vào đời của hàng triệu thanh niên ta ở trên miền Bắc.

Sen vào đời lúc nào? Đó là những năm chúng ta khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, bước đầu cải tạo XHCN và xây dựng CNXH. Khó khăn rất nhiều. Nhưng những khó khăn ấy không giống những “sóng gió” mà Sen đã gặp.

Một cô nữ sinh lớp 8 chăm chỉ, hồn nhiên, tươi trẻ, bị cắt đứt với nhà trường vì chống lại “nghiêm lệnh” của cha mẹ: phải lấy một ông bác sĩ già, góa vợ, có bệnh viện tư. Cô đã bỏ nhà ra đi và thế là cuộc đời “sóng gió” bắt đầu. Hình như bao nhiêu khó khăn ở cuộc đời nàng, bao nhiêu cái rủi ro trong đời sống của con người đã được tác giả đổ dồn lên đầu Sen. Những ngày làm quen với chiếc đòn gánh tre đã làm cho bả vai cô “tưởng chừng đã biến thành một cái nhọt bọc kinh khủng” (tr. 15), những đêm khóc thầm suốt sáng, những ngày đau khổ vì mang cái hoang thai trong bụng, những chuỗi ngày ê chề bên cạnh một anh chồng lạc hậu, cục cằn, những đêm khóc sưng mắt vì con chết, v.v. Phải chăng đấy là những thử thách của cuộc đời đối với tầng lớp thanh niên chúng ta?

Trước những “sóng gió” đó, cô nữ đoàn viên Sen đã giải quyết bằng cách nào? Giải pháp cuối cùng của cô vẫn là: khóc; khóc cho “cặp mắt mờ đi”, “mí mắt đỏ mọng lên”. Những năm bước vào đời của cô Sen có mấy ngày vui? Ngay đêm giao thừa, cái đêm mà người ta vui đón một năm mới, một niềm hy vọng mới, cô Sen của chúng ta “lòng vẫn rầu rầu chua xót”. Nhất là những nỗi buồn ấy lại được tác giả đặt trong một cái phông bất di bất dịch: mưa to, gió lớn, trời lạnh, đêm dài, v.v. Rất ít thấy những ngày xuân tươi đẹp, những ngày thu nắng vàng có mặt trong tác phẩm.

Đó là cảnh. Còn người? Xung quanh Sen tác giả đã bố trí một “cuộc sống” thật là đáng sợ. Trong cuộc sống đó có những tên lưu manh chuyên nghiệp như Mai, Song tác oai tác quái, có những kẻ bất mãn như Hiếu luôn luôn gây gổ với mọi người, có những tên “vua liêu” mà mới trông cái mặt, cái “kính cóc gặm” người ta đã thấy tởm rồi… Còn những người tốt? Cuộc sống và việc làm của họ mờ nhạt quá, tâm tình của họ đơn sơ quá, con người của họ vụng về quá, không thể làm cho những người mới bước vào đời tin tưởng được.

Phải chăng đó là những nét điển hình của tầng lớp thanh niên nói chung (của thanh niên thành thị nói riêng) và của xã hội ta vào những năm 1957, 1958, 1959, 1960?

Không! Hoàn toàn không phải!

Như trên chúng tôi đã nói, đó là những năm chúng ta có nhiều khó khăn. Nhưng xã hội ta trong những năm đó đã có những chuyển biến rất căn bản. Sau cải cách ruộng đất, nông thôn ta đi vào con đường hợp tác hóa, hàng loạt nhà máy ra đời, hàng loạt công trình văn hóa được dựng lên, công cuộc cải tạo XHCN đã làm thay đổi bộ mặt của thành thị, bọn Nhân văn-Giai phẩm đã bị vạch mặt chỉ tên, một phong trào thi đua sôi nổi đang cuồn cuộn dâng lên, tầng lớp thanh niên đang hăng hái tiến quân vào khoa học để chiến thắng đói nghèo và lạc hậu, những trai gái Đại Phong, những kiện tướng xuất hiện trên trên các mặt trận sản xuất.

Được bước vào đời trong một xã hội như vậy thật là sung sướng biết bao!

Thế nhưng, Hà Minh Tuân đã để cho nhân vật bước vào đời trong một xã hội hoàn toàn khác xã hội ta trong những năm từ 1957 đến 1960. Người đọc có cảm giác rằng xã hội trong cuốn truyện là cái xã hội ở một thời xa lắc xa lơ nào đó, cái xã hội mà bọn lưu manh chuyên đi lừa người, cái xã hội mà những “ông chủ” muốn đuổi thợ lúc nào cũng được! Cái xã hội mà người ta gầm ghè với nhau, rình nhau từng miếng để gây gổ với nhau, dìm nhau xuống!

Rõ ràng đây là một sự bôi đen.

Còn cô Sen có phải là người tiêu biểu cho tầng lớp thanh niên bước vào đời trong những năm 1957 đến 1960 không? Không! Trước hết những khó khăn mà Sen gặp phải, những “thử thách cuộc đời” mà Sen phải trải qua chỉ là những khó khăn giả tạo được nặn ra bởi một cái nhìn sai lệch, một sự tưởng tượng chắp vá. Nhưng cứ giả thử rằng một số thanh niên bước vào đời có gặp những khó khăn như Sen thì họ cũng rất khác Sen ở cách giải quyết những khó khăn đó. Thế hệ thanh niên lớn lên cùng với cách mạng tháng 8 may mắn hơn cha mẹ họ rất nhiều. Mở mắt ra là họ đã trông thấy cách mạng, họ được sống trong những điều kiện tốt đẹp mà những thế hệ trước không thể nào có được. Khó mà tìm thấy trong con người họ những cái ủy mị, những cái nhẫn nhục một cách ngu xuẩn như Sen. Hơn nữa tập thể của họ luôn luôn ở bên cạnh họ và giúp họ thực sự bước vào đời. Sự giúp đỡ đó không phải chỉ như sự giúp đỡ của Trần Lưu khô khan và cứng nhắc, của bác Biền cho ăn cho uống, của chị Bổn cho ở nhờ nhà… Sự giúp đỡ của họ to lớn hơn thế nhiều và nhờ sự giúp đỡ đó mà rất nhiều thanh niên mới bước vào đời đã có những thành công rực rỡ. Lớp phát triển Đảng 6-1-1960, Đại hội liên hoan anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 3 đã chứng minh điều đó.

Chính vì không nhìn thấy điều đó nên tác giả đã vẽ cho Sen một tương lai rất mong manh. Gấp cuốn sách lại, người đọc vẫn hết sức băn khoăn: Cái cô Sen này rồi sẽ ra sao nhỉ? Liệu sóng gió của cuộc đời có tha cho cô ấy không? Và cô ấy có đủ sức mà vượt qua những sóng gió đó không?

Thật là khó mà trả lời được.

Hà Minh Tuân đã nhìn và mô tả xã hội ta, tầng lớp thanh niên ta vào những năm 1957 đến 1960 như thế đó.

Chưa nói đến những thiếu sót về mặt nghệ thuật như: bệnh sơ lược, bố cục chắp vá, từ ngữ dùng cẩu thả, nhiều câu văn sáo cũ như những cuốn sách xuất bản ở Hà Nội trong những năm bị tạm chiếm, chỉ nói đến một vài khuyết điểm nghiêm trọng về mặt nội dung: bôi đen hiện thực, người ta đã có thể khẳng định rằng: “Vào đời” là một cuốn sách rất xấu.

Vạch những cái xấu đó ra, nghiêm khắc lên án nó, đó là một việc làm rất cần thiết.

PHÙNG BẢO KIM

Nguồn:

Cứu quốc, Hà Nội, s. 3127 (7.7.1963), tr.13.

9/7/1963. Báo “Lao động”. Đặng Chính (công đoàn nhà máy tơ Nam Định): Bàn thêm với Hà Minh Tuân tác giả “Vào đời”: Cần phải đánh bại những loại tư tưởng ngược dòng ấy!

“Vào đời”, cái tên khá hấp dẫn đối với lứa tuổi mười tám, hai mươi mới bước vào đời. Đọc xong “Vào đời”, gấp sách lại, người đọc chỉ thấy cuộc đời một nữ thanh niên học sinh (Sen) bỏ gia đình đi công trường vì một chuyện ép duyên, rồi bị hiếp dâm và chịu nhiều cay đắng trong cuộc đời lao động. Người đọc còn thấy cảnh hỗn độn phức tạp, lừa dối phỉnh phờ, côn đồ lưu manh hoành hành, phá phách máy móc, đánh phó giám đốc chảy máu mồm, dọa bắt giám đốc bỏ dọ… và những cán bộ quan liêu từ trên xuống dưới ở ngay giữa thủ đô Hà Nội vào những năm 1957 đến 1960!

Sự thực có phải như thế không? Nếu những hành động xấu ấy được phát triển, thử hỏi trong mấy năm qua làm sao ta thu được những thắng lợi vĩ đại liên tiếp trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế?

Những ngôn ngữ, hành động mà tác giả xây dựng gán ghép cho các nhân vật biểu hiện nhân sinh quan của giai cấp tư sản đã bị đánh lui và đang bị tiêu diệt định luồn qua văn học nghệ thuật để khích động và đầu độc nhân dân, nhất là tuổi trẻ.

“Vào đời” còn tệ hơn nữa là làm cho nhụt chí khí thanh niên, nhất là nữ, trong lúc Đảng đang kêu gọi họ cùng với nhân dân lao động đi xây dựng quê hương mới, làm giàu cho tổ quốc. Thông qua “Vào đời” của Hà Minh Tuân, họ chỉ thấy cuộc sống lao động ở những nơi đó là khổ ải. Tác giả đã không nhìn thấy sự thật: ở ngay thủ đô Hà Nội có hàng ngàn nam nữ thanh niên hăng hái tự nguyện nghe theo tiếng gọi của Đảng, của Đoàn, từ giã thủ đô yêu quý đi khắp các nẻo đường tổ quốc, đem khối óc, bàn tay lao động ngày đêm không mệt mỏi làm giàu cho đất nước quê hương. Những chuyện ấy có xa lạ gì đâu mà không biết?

Tác giả còn thông qua nhân vật Hiếu, một quân nhân chuyển ngành, gợi lại những sai lầm trong cuộc cải cách ruộng đất (tr. 164-165) để rồi muốn hay không, có thể làm khó khăn cho việc cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp hiện nay, một chủ trương lớn của Đảng tiến hành trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Đồng thời cũng thông qua nhân vật Hiếu, đã làm giảm giá trị phẩm chất của người quân nhân cách mạng, xúc phạm tới lòng trìu mến yêu thương của nhân dân đối với quân đội.

Trong cuốn “Vào đời”, tác giả đã hiểu và thể hiện người công nhân quá mờ nhạt, yếu ớt. Bác Biền là một chi ủy viên, công nhân lâu năm, đã biết rõ bọn lưu manh quá khích có âm mưu chống phá làm cho sản xuất phải ngừng trệ. Tác giả đã dùng mấy tiếng “Bác Biền rủ rỉ” bàn với Lưu xong lại bỏ đi làm. Không! Công nhân chúng tôi không như thế! Chúng tôi kiên quyết vạch trần bộ mặt của bọn đó ra trước dư luận quần chúng, trước pháp luật. Chúng tôi không dung tha những hành động công khai ngang nhiên chống phá sản xuất, chống phá lãnh đạo. Chúng tôi có đủ khả năng bắt bọn họ phải tuân theo pháp luật, làm ăn lương thiện, không thể hung hãn côn đồ như Hà Minh Tuân đã quan niệm và viết lách. Hiện nay chúng ta phải đấu tranh chống quan liêu để làm cho công cuộc xây dựng CNXH đạt nhiều thắng lợi, đó là đường lối đúng đắn của Đảng. Nhưng trong “Vào đời”, tác giả đều cho: hễ là cán bộ lãnh đạo là quan liêu tất; ông nọ đi ông kia về cũng cứ quan liêu (!). Mà về bệnh quan liêu trong tác phẩm, nhà văn chỉ nêu có mỗi việc đuổi công nhân, sự việc nêu một cách “ú ớ”, chẳng có đầu đuôi xuôi ngược ra sao cả.

Một tác phẩm đã thiếu tính đảng sẽ mất phương hướng, không tìm ra lối thoát. Chính vì thế mà cuốn “Vào đời” đã đi từ sai lầm nọ đến sai lầm kia.

Trước những hành động ngang nhiên công khai của bọn Hiếu, Mai, Song,…, chủ trương của Đảng, của công đoàn, Đoàn thanh niên đối với những phần tử ấy ra sao, không được tác giả miêu tả rõ nét. Chỉ nêu bật cá nhân Trần Lưu, mà nêu cũng chưa trung thực. Như vậy chứng tỏ tác giả hiểu quá ít về các chức năng của tổ chức quần chúng ở các xí nghiệp, công trường. Tệ hơn nữa, lại nói: bọn lưu manh, bất mãn lôi kéo được đặc phái viên của Trung ương Đảng, và thành ủy cũng tán thành sai lầm của Cư, Chiến về việc đuổi người, thì thật là hồ đồ (tr. 213 đến 217)

Còn một khía khác, chỉ một đoạn ngắn thôi, tác giả đã nhắc tới lời của tên lưu manh Mai nói với Hiếu, chồng Sen, về quan điểm đối với phụ nữ. Tác giả viết: “… tôi thì tôi cho rằng ở đời này không có người đàn bà nào trung thành với chồng suốt đời cả” (tr. 195). Cho dù là lời lẽ của tên lưu manh, người ta vẫn thấy cách đem ra của tác giả thật là quái gở kỳ lạ! Nếu đem đoạn này đọc cho vợ tác giả nghe, tất chị ấy cũng phải chau mày, bảo xé đi.

Rõ ràng “Vào đời” là một tác phẩm xấu có hại, có tác dụng bôi đen chế độ. Nó đã biểu lộ rõ quan điểm, lập trường của tác giả thông qua ngôn ngữ, hành động của nhân vật. “Vào đời” không có tác dụng giáo dục, mà còn khích động lứa tuổi trẻ và khơi lại những gì không lành mạnh của quá khứ.

Thế mà trước tình hình ấy, trong “Văn nghệ” số 9, bạn Trần Hữu Thung viết bài phê bình chỉ nặng về phần nghệ thuật trong tác phẩm, chưa vạch rõ những sai lầm về quan điểm, lập trường của tác giả.

Kiểu vào đời như Hà Minh Tuân mô tả, chính là kiểu làm tôi tớ cho tư tưởng phản động lỗi thời mà chúng ta trước đây đã có dịp lên án. Bây giờ đây lại càng cần phải đánh bại không cho những loại tư tưởng xấu xa ấy ngóc đầu dậy hoành hành trong nền văn học XHCN tươi trẻ, lành mạnh của chế độ ta.

ĐẶNG CHÍNH

(công đoàn nhà máy tơ Nam Định)

Nguồn:

Lao động, Hà Nội, s. 1234 (9.7.1963), tr.3.

9/7/1963. Báo “Quân đội nhân dân” /Ý kiến bạn đọc về cuốn “Vào đời”/: Nguyễn Thiều, Võ Xuân Viên (hòm thư 4108 Hanoi): “Vào đời” của Hà Minh Tuân đã xuyên tạc bản chất truyền thống của quân đội

Gần đây dư luận rộng rãi của báo chí đã và đang nghiêm khắc phê phán cuốn “Vào đời” của Hà Minh Tuân, coi đó là một tác phẩm có nội dung tư tưởng rất có hại. Vì trong tác phẩm này của mình, Hà Minh Tuân đã mô tả không chân thực một số hiện tượng xấu ở công trường xí nghiệp và thủ đô Hà Nội trong quãng thời gian 1956 đến 1960, làm cho người đọc có một ấn tượng toàn cục sai lệch về xã hội miền Bắc; có một sự hiểu biết sai lệch về truyền thống bản chất tốt đẹp của quân đội nhân dân.

Ở đây chúng tôi không phân tích toàn diện cuốn “Vào đời” của Hà Minh Tuân, mà chỉ muốn đi vào xem Hà Minh Tuân đã mô tả truyền thống vẻ vang của quân đội, mô tả các quân nhân phục viên và chuyển ngành trên mặt trận kinh tế cải tạo và xây dựng CNXH ở miền Bắc thế nào.

Ở một đơn vị pháo binh mà chúng tôi đang công tác, những người đã đọc “Vào đời” đều tỏ ra hết sức phẫn nộ vì nội dung tư tưởng nguy hại của quyển truyện, đều cho là tác giả đã có những quan điểm tư tưởng mơ hồ lệch lạc, xuyên tạc và bôi nhọ truyền thống của quân đội và của các cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân phục viên và chuyển ngành.

Được Đảng Tổ chức, giáo dục và rèn luyện trong thực tế của cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, quân đội chúng ta đã có một truyền thống hết sức vẻ vang: tuyệt đối trung thành với cách mạng, với nhân dân, dũng cảm ngoan cường trong chiến đấu, có tinh thần tổ chức và kỷ luật cao, quân dân đoàn kết rất chặt chẽ… Nhân dân ta rất tự hào về quân đội cách mạng của mình. Từ ngày hòa bình được lập lại, hàng vạn cán bộ và chiến sĩ, theo tiếng gọi của Đảng, đã rời tay súng sang chiến đấu trên mặt trận sản xuất, ở khắp miền Bắc nước ta, từ miền xuôi đến miền ngược, ở đất liền cũng như hải đảo, ở đâu cũng có bộ đội phục viên chuyển ngành, ở đâu khó khăn gay go nhất Đảng cần tới bộ đội phục viên chuyển ngành là những anh em đó sẵn sàng có ngay. Các quân nhân phục viên chuyển ngành đã anh dũng vượt mọi khó khăn, giữ vững và phát huy truyền thống, bản chất của quân đội cách mạng, lập được nhiều thành tích xuất sắc trên mặt trận kinh tế, cùng với toàn dân góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục sản xuất và bắt đầu xây dựng CNXH, củng cố miền Bắc vững mạnh làm cơ sở cho đấu tranh thống nhất nước nhà. Nhiều đồng chí giữ những trọng trách của Đảng và Nhà nước, nhiều đồng chí đã trở thành anh hùng hoặc chiến sĩ thi đua. Ngay đơn vị pháo chúng tôi cũng có một quân nhân phục viên làm chủ nhiệm hợp tác xã đã được tuyên dương anh hùng lao động: đồng chí Lê Văn Toán.

Hãy xem truyền thống vẻ vang ấy của quân đội ta đã được thể hiện như thế nào trong tác phẩm “Vào đời” mà đối tượng là một công trường “già nửa là quân nhân chuyển ngành”?

Hà Minh Tuân là một cán bộ cũ của quân đội, – hẳn là phải có một số vốn hiểu biết về quân đội đáng tin cậy, – đã dành phần khá lớn tác phẩm “Vào đời” nói về quân nhân phục viên chuyển ngành.

Trong tiểu thuyết “Vào đời” của Hà Minh Tuân có hai vai chính diện và phản diện của quân nhân chuyển ngành đáng chú ý là vai Đặng Đình Hiếu và Trần Lưu.

Ở phần đầu cuốn sách, Hà Minh Tuân đã giới thiệu Đặng Đình Hiếu là một đại đội trưởng đã qua rèn luyện và thử thách trong chiến đấu, được một số giấy khen và 1 huân chương chiến sĩ hạng ba, chuyển ngành học kỹ thuật rồi về công trường nhà máy cơ khí. Nói chung thì đó là một cán bộ tốt. Thế nhưng sau đó, khi tả Hiếu sa ngã, tác giả đã mô tả Hiếu thành một phần tử hoàn toàn sa đọa không còn mảy may giữ lại được một chút phẩm chất của người quân nhân cách mạng. Tác giả đã tỏ ra “thông cảm” với Hiếu, quy mọi sự sa đọa của hắn là do sai lầm của cải cách ruộng đất gây nên. Hiếu đã tuyên truyền phủ nhận thành quả của cải cách ruộng đất, hằn học đối với lãnh đạo, tụ tập những phần tử xấu nhiều lần chống đối lại tổ chức, gây ra bè phái chia rẽ trong nội bộ nhà máy. Nhìn vào thực tế, ta thấy như thế nào? Trước sai lầm cải cách ruộng đất, một số cán bộ chiến sĩ ta cũng có một vài thiệt thòi nhưng hầu hết đều tỏ ra tin tưởng ở Đảng, nhiều đồng chí còn tự nguyện đi tham gia sửa sai một cách tích cực. Hiếu là một cán bộ quân đội tương đối tốt lại có thể có nhiều tư tưởng hành động chống đối vậy hay sao? Rõ ràng là một sự xuyên tạc nghiêm trọng.

Về nhân cách con người cách mạng, Hiếu đã tỏ ra là một con người xấu xa đầy tội lỗi, phục tùng một cách ngoan ngoãn tên Mai, tên Song (lưu manh, côn đồ chui vào nhà máy), sống hủ hóa trụy lạc, lừa dối bạn, tống tiền, tống tình,… Đối với vợ con thì ghen tuông, giằn vặt vợ, làm cho Sen phải sống rất cực khổ. Đối với trẻ em ngây thơ – cháu Hồng, con riêng của Sen – Hiếu đã tỏ ra độc ác phũ phàng. Được Đảng giáo dục, các cán bộ chiến sĩ quân đội ta có một vũ khí sắc bén để đấu tranh tư tưởng, đó là phê bình và tự phê bình để xây dựng cho bản thân và giúp đỡ bạn và đồng chí tiến bộ. Ở Hiếu từ đầu đến cuối không có một sự đấu tranh tư tưởng nào hợp với bản chất của quân đội. Tác giả đã tả Hiếu ngày càng sa đọa và không còn lương tri nữa.

Ta hãy nghe tác giả tả nguồn gốc của tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân đội ta qua miệng của Sen: “Toàn thân anh rõ ràng đang toát ra một sức mạnh hừng hực, một sức mạnh hỗn độn, mông muội như sức mạnh của dã thú. Phải chăng anh đã biết sử dụng chính cái sức mạnh ấy trên các trận địa quật vào đầu giặc?... Tại sao chồng chị chẳng còn biết sử dụng đúng đắn cái sức mạnh ghê gớm ấy vào lao động xây dựng như trong chiến đấu trước kia, tại sao chính cái sức mạnh quý giá ấy lại quay lui làm hại ngay cả những giờ phút êm đẹp của gia đình và bản thân” (tr. 235)

Ai cũng biết sở dĩ quân đội ta là vô địch chính vì nó có một trình độ giác ngộ cách mạng cao. Chẳng nhẽ tác giả không thấy rõ điều đó hay sao, mà cho một đại đội trưởng đã được Đảng rèn luyện giáo dục bao nhiêu năm trời chiến đấu với một bản năng súc vật như thế hay sao? Trong miệng của nhân vật Sen, tác giả đã nâng niu trân trọng cái sức mạnh “mông muội” của “dã thú” đó, coi nó là một sức mạnh “quý giá”, là cơ sở của hành động hy sinh, dũng cảm trong chiến đấu, và là cơ sở của tinh thần lao động trong hòa bình. Tác giả đã phân trần cho những hành động đê tiện của Hiếu, coi những hành động xấu xa đó chẳng qua chỉ là sự đi lạc hướng của cái “sức mạnh quý giá” ấy mà thôi. Cái thứ “triết lý” ấy, nếu không cho nó là một sự xuyên tạc trắng trợn thì ít nhất phải đánh giá nó là một thứ “triết lý” rẻ tiền, rập theo luận điệu của giai cấp tư sản.

Đối với nhân vật chính diện là Trần Lưu thì những hình tượng tác giả mô tả như là tích cực thì đều nhạt nhẽo, nhiều chỗ lố lăng. Ví như thái độ cương trực đấu tranh của Lưu đã bị tác giả bóp méo đi, mô tả sự lãnh đạo của người bí thư chi đoàn thanh niên này thành khắt khe, lạnh lùng, mô tả thái độ của Lưu thành ra những hành động ngờ nghệch làm trò cười cho mọi người. Tác giả đã tả Sen khi gặp khó khăn thì không được sự giúp đỡ của Đoàn, nhưng khi có khuyết điểm về tư tưởng thì Trần Lưu “lấy tập thể, lấy nguyên tắc ra dọa” (tr. 38). Tác giả đã tả Lưu như một con người chuyên môn đi “xây dựng” cho người khác một cách lố lăng, và đặt anh ta vào những hoàn cảnh không lấy gì làm đẹp đẽ lắm: một lần đi “xây dựng” cho một bọn cao bồi đá bóng phá rối trật tự, đã bị chúng đánh sưng mặt; một lần “xây dựng” cho một mụ béo chua ngoa bị mụ ta chửi lại; một lần “xây dựng” cho một công nhân nát rượu hay đánh vợ và bị anh ta vác dao bầu đuổi chém; đi báo cáo với đại diện chính quyền thì không đâu người ta nghe anh… Trong việc đấu tranh vạch mặt bọn lưu manh phá hoại thì Trần Lưu thường tỏ thái độ bực dọc tiêu cực. Nghiêm trọng hơn là khi Lưu đã trở thành một chiến sĩ thi đua được nhiều người ca ngợi và khi sắp kết cuốn truyện, thì dưới chiêu bài đấu tranh với khuyết điểm, tác giả đã để cho Lưu phát ngôn những câu phủ nhận thành tích vĩ đại của nhân dân ta trong sự nghiệp cải tạo và xây dựng XHCN, nhìn Hà Nội với một con mắt hậm hực, bất mãn, và chỉ toàn thấy một màu đen xám. Cái gọi là “thái độ phê phán đối với khuyết điểm” ấy mang tính chất đả kích chứ không phải xây dựng. Đây toàn là cách nhìn của những hạng người bất mãn, bực dọc chứ không phải là cách nhìn của Trần Lưu chất phác thuần hậu như tác giả đã giới thiệu lúc đầu. Chính sự phát triển thiếu lô-gich của nhân vật Trần Lưu này đã nói lên cả một mâu thuẫn nghiêm trọng trong quan điểm và lập trường của tác giả. Có thể nói ở đây lập trường tư tưởng tư sản đã giành lấy phần thắng, nó chồm lên trong con người viết và thống trị ngòi bút của anh rồi.

Tác giả dùng nhân vật Trần Lưu để tiêu biểu cho con người bộ đội phục viên chuyển ngành, nhưng kết quả đã phản lại ý muốn của tác giả: nhân vật chính diện đã được thể hiện ra nhu nhược, máy móc, dại dột, lố lăng, thậm chí có những tư tưởng lạc hậu nghiêm trọng khiến cho người đọc thương hại anh ta, giận anh ta hơn là có cảm tình.

Đọc toàn bộ cuốn sách chúng tôi không tìm thấy một hình ảnh nào tiêu biểu cho bản chất và truyền thống của quân đội. Trong một tập thể công trường lớn như vậy, trong nhà máy cơ khí Tháng 8 mà một nửa là bộ đội chuyển ngành, mà trước sự ngỗ ngược phá hoại của bọn lưu manh côn đồ, tuyệt nhiên không thấy bóng một anh bộ đội nào lên tiếng phản ứng hoặc có những hành động đập lại ngoài Trần Lưu phản ứng một cách yếu ớt ra. Bản chất quân đội ta là luôn luôn đề cao ý thức tổ chức và kỷ luật, đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, lẽ nào những anh em bộ đội phục viên ở đây lại có thể thờ ơ để mặc cho tụi phá hoại hoành hành phá rối trật tự xã hội, phạm vào đời sống tình cảm của nhân dân, phá hoại tổ chức của nhà máy, công trường?

Người ta lại thắc mắc tên Nguyễn Mai là một tên cảnh sát ngụy quyền, lưu manh côn đồ, tại sao được tác giả đưa vào câu chuyện và khoác cho nó một cái áo bộ đội phục viên, khiến cho người đọc có thể nghi ngờ tính chất chặt chẽ của tổ chức quân đội? Tác giả đã thông qua mồm tên Mai đưa ra thứ triết lý về cuộc sống rất phản động nhưng lại không thể hiện được một nét gì đáng kể để đập tan thứ nhân sinh quan phản động ấy. Đây là gì nếu không phải là một thái độ đầu hàng về tư tưởng?

Tóm lại trong cuốn “Vào đời”, Hà Minh Tuân không những đã không nói lên được sự đóng góp lớn lao của anh em quân nhân chuyển ngành và phục viên vào mặt trận kinh tế, không những đã không khẳng định được bản chất và truyền thống tốt đẹp của quân đội, mà trái lại, Hà Minh Tuân đã bôi nhọ xã hội miền Bắc tốt đẹp, đã thông qua những hình tượng nghệ thuật của mình xuyên tạc bản chất và truyền thống quân đội.

Về điểm này mà nói, có cái gì khả dĩ bênh vực nổi cho tác giả không? Chúng tôi được biết Hà Minh Tuân không phải là thiếu vốn hiểu biết thực tế về con người bộ đội, về truyền thống quân đội. Cái chủ yếu ở đây là do quan điểm lập trường lệch lạc nghiêm trọng của tác giả. Đọc “Vào đời” chúng ta thấy tư tưởng xấu quán xuyến từ đầu đến cuối câu chuyện. Ngoài một số cái tốt rất mờ nhạt, còn mọi sự việc, con người của tác giả nêu ra đều sặc sụa mùi vị tư sản. Tác giả đã mô tả lãnh đạo khắt khe, quan liêu, đối lập quần chúng với lãnh đạo, lao động nặng nề cực nhọc quá mức, xã hội miền Bắc đen tối đầy cạm bẫy.

Những tư tưởng sai lầm của Hà Minh Tuân là rất tai hại. Đối với các nhà văn, mỗi lời nói đều phải cân nhắc kỹ lưỡng: có những lời nói cổ vũ nhiệt tình cách mạng, có những lời nói làm giảm lòng hăng hái, gây bi quan tiêu cực và hoài nghi. Chúng ta không sợ nói khuyết điểm, nhà văn có quyền viết khuyết điểm, nhưng phải có quan điểm lập trường giai cấp vô sản rõ ràng để động viên cổ vũ quần chúng tiến lên.

Hiện nay hàng vạn thanh niên đang hăng hái vào đời, đang đi trên con đường rộng thênh thang đầy ánh ban mai của CNXH. Họ sẽ nghĩ gì khi đọc “Vào đời”? “Vào đời” mang lại cho họ được nghị lực gì hay chỉ làm lung lay tinh thần họ? Còn đối với những kẻ thù của chúng ta đang lợi dụng mọi cơ hội để tuyên truyền nói xấu miền Bắc, thì chắc đây là dịp tốt để chúng mở rộng giọng lưỡi tuyên truyền xấu của chúng.

Riêng đối với quân đội ta, nơi Hà Minh Tuân đã sống lâu dài, nơi Hà Minh Tuân đã được nuôi dưỡng và trưởng thành, chúng tôi đợi tác giả nhận rõ bài học đau đớn và đáng hổ thẹn về thái độ vô trách nhiệm của anh sau khi ra ngoài quân đội đã trở lại viết về những đồng đội của mình như trong tác phẩm.

NGUYỄN THIỀU và VÕ XUÂN VIÊN

(Hòm thư 4108 Hà Nội)

Nguồn:

Quân đội nhân dân, Hà Nội, s. 1225 (9.7.1963), tr.3, 4.

CÁC “TAI NẠN VĂN CHƯƠNG” (41): “VÀO ĐỜI” (12): CÁC “TAI NẠN VĂN CHƯƠNG” (41): “VÀO ĐỜI” (12): Reviewed by Phạm Thu Hương on 17:14 Rating: 5

Không có nhận xét nào: