[Từ “ngựa” của thơ trẻ đến “bò” của Lam Hạnh]
Inrasara
Đồng hóa lối thơ ngổ ngáo, lên gân cố ý gây sốc; đồng hóa lối thơ hũ nút làm ra vẻ bí hiểm, cả lối làm thơ câu dài ngắn, nhịp chỏi nhưng thiếu mất nhịp điệu nội tại… với sự cách tân thơ, từ đó nảy ra bao nhiêu lời tụng ca, là một nhầm lẫn tai hại của không ít nhà phê bình xu hướng cấp tiến. Ở chiều ngược lại, phần đông nhà phê bình thủ cựu khi chê thơ trẻ ưa nhấn vào ngôn từ thô thiển, thi ảnh thiếu chất thơ với giọng thơ theo kiểu văn nói… của nó. Chỉ thế thôi, chúng ta cũng đủ đóng dấu chết/ sống cho một tập thơ hay một nhà thơ!
Theo tôi, nếu nhà phê bình chịu khó truy tìm hành trình sáng tạo của một tác giả, với bao cái hay, điều bất cập ở chính tác phẩm của tác giả đó một cách cụ thể, phơi bày nó ra trước người đọc, thì sẽ sẽ ơn ích cho sự phát triển của văn học hơn nhiều,.
1. Dấn mình khai phá cái mới, cái lạ; dũng cảm thử nghiệm loại thơ mới với hình thức thể hiện mới - hay lắm! Thế hệ thơ trẻ hơn chục năm qua, đã làm được công cuộc mạo hiểm nhưng cần thiết đó. Và không phải họ không có thành tựu. Thế nhưng đâu phải cái mới nào cũng độc đáo. Thơ trẻ hôm nay đã từng dẫm đạp lên nhau, lặp lại nhau và lặp lại chính mình. Do lười lao động nghệ thuật, cái mới rất dễ đánh lừa người đọc rằng nó độc đáo, khi nó chỉ lo khác cái cũ thôi mà không tính tới công đoạn còn lại là: nó phải khác với chính nó.
Đó là sự hời hợt và đồng bộ trong cái mới [hay cái ra vẻ mới] của thơ hôm nay. Các tác giả trẻ trang bị thứ tâm lí rất kì lạ, vừa khao khát khác thơ thế hệ trước đó bên cạnh vừa sợ khác các bạn đồng hành. Thế là lặp lại nhau, vô thức hay có ý thức. Rõ hơn cả, không chỉ ở ngôn ngữ thơ mà, ở chính hình ảnh và tứ thơ.
Các bạn trẻ “đi tìm mình”, “dám là mình”, “là chính mình”… hay lắm! Thế nhưng dăm năm trước, Ly Hoàng Ly đã “đi tìm mình” rồi thì thôi, sao các bạn đi sau vẫn cứ đi tìm mình - không khác nhau phân tấc.
lọt qua kẽ tay
tôi muốn nhoài người ra biển lớn
tìm mình.
(Trương Gia Hòa, Sóng sánh mẹ và anh, NXB Văn nghệ, 2005, tr. 88)
Tôi tìm lại mình trong những giấc mơ cong queo hình vỏ quế
(Khương Hà, “Lẩn thẩn”, Dự báo phi thời tiết, NXB Hội Nhà văn, 2006, tr. 42)
Em là ai mà chưa chính mình?
(Nguyệt Phạm, “Chữ gọi mùa đam mê”, Dự báo phi thời tiết, NXB Hội Nhà văn, 2006, tr. 87)
Thời đại hôm nay không chấp nhận sự đồng bộ trong lối nghĩ/ lối sống, không chịu vong thân giữa cộng đồng bầy đàn như đã. Là ý hướng tốt, đáng xoa đầu khen ngợi lăm lắm. Nhưng đó là nói chuyện đời; còn trong thơ thì khác. Trong sáng tạo nghệ thuật, “bắt chước là tự sát” - ai đã nói thế? Bạn phải nỗ lực khai phá tìm tòi thi ảnh lạ, tứ thơ mới. Hoặc, ví có xài hàng cũ, thì thái độ ứng xử với chúng phải khác, trên tinh thần khác: đùa xíu chẳng hạn. Chứ thế hệ thơ hôm nay vẫn còn nghiêm nghị căng thẳng bật máu quá xá. Vô hình trung chúng ta đang rập khuôn người đi trước và, rập khuôn bạn thơ ở ngay thế hệ mình!
2. Thi ảnh “ngựa” nữa. Ngựa từ Vi Thùy Linh, Trần Lê Sơn Ý… cứ thế mà vô tư ngựa!
Thức dậy đi hỡi chú ngựa non của đồng ngực trẻ
Thức dậy và tung bờm cất vó
Phóng như điên…
Thức dậy đi ơi chú ngựa
đã ngủ sâu trong đáy tim nhiều năm tháng.
(Trần Lê Sơn Ý, “Bài ca ngựa non”, Thơ hôm nay, NXB Đồng Nai, 2003, tr. 213)
Đến tận Đinh Thị Như Thúy, ngựa chưa bao giờ vắng mặt:
Trái tim tôi là con ngựa bất kham
Sải vó dài trên đồng cỏ.
Gió ngùn ngụt gió.
(Đinh Thị Như Thúy, “Một ngày tháng sáu”, vanchuongviet.com, 2006)
Rồi khi nhóm Ngựa Trời với năm nhà thơ nữ trẻ đột ngột xuất hiện, ngựa đã thành một cuộc [mốt] chơi không biết đâu là cùng tận:
Em là con ngựa bất kham vừa chạy trốn vừa chạy theo những ám ảnh…
(Khương Hà, “Bên trái là đêm”, Sđd, tr. 32)
Nếu ngựa Xuân Diệu biểu hiện nỗi ngây thơ, mơ mộng đẫm chất lãng mạn:
Và hồn tôi như ngựa trẻ không cương
Con ngựa chiến ngất ngây đường viêu viễn
Hoặc ngựa của Hoàng Hưng là ngựa cô độc đầy kiêu hãnh lạc giữa tập thể bầy:
Em là con ngựa non thon vó
Giữa rừng người hoang vu
thì ngựa của các bạn thơ nữ trẻ hôm nay nhất tề hô khẩu hiệu đòi tháo cũi sổ lồng, giải phóng mình khỏi buộc ràng phép nhà xã hội. Tất cả – một giuộc!
Ừ, không có gì phải bàn cả. Đó là tâm thế chung của phụ nữ thời đại. Cần phải đạp đổ tinh thần phân biệt đối xử trong giới tính, từ đó khẳng định tính dân chủ trong hành xử xã hội. Nhưng tại sao lại cứ rập khuôn trong sáng tác văn chương? Tại sao không nỗ lực tìm thi ảnh mới, khác hơn các bạn thơ đồng trang lứa? Tại sao cứ là… ngựa, mà không là thi ảnh khác? Mà Việt Nam đâu phải xứ sở của ngựa!
Vậy “ngựa” không là ước lệ mới của loài thơ hôm nay sao? Một ước lệ mà các nhà thơ thế hệ mới vô tư nhai lại.
Làm sao thoát khỏi nỗi nhai lại?
Câu chuyện. Trong buổi nói chuyện về thơ, tôi nói với các bạn trẻ làm thơ tình khó, làm thơ tình hay càng khó hơn. Vậy mà các bạn trẻ cứ lao vào thơ tình. Cũng được đi, nhưng đôi mắt người yêu sao cứ như “sao sáng” mà không là “đôi mắt cá ươn”, dáng thì không chịu gầy như “con chó ốm” mà phải là gầy “vóc hạc”, còn tóc phải là “tóc mây” chứ không thể là “demi garcon” là sao, thêm món “gót sen” với “má đào” nữa cũng không chừa. Vân vân.
Các bạn trẻ cãi: Thế thì làm sao mà nên… thơ. Tôi nói, vậy mà có người đã biến chúng thành thơ, mà là thơ vô cùng độc đáo nữa. Tôi đọc đoạn thơ “Nga” của Nguyên Sa:
Hôm nay Nga buồn như con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
Để anh giận sao chẳng là nước biển…
Các bạn, à hén!
Tại sao? – Bởi Nguyên Sa đã thoát khỏi nỗi nhai lại?
3. Như “bò” của Lam Hạnh ở Mornington (Ngực cỏ, NXB Hội Nhà văn, 2008) mức độ nào đó - đã dứt được nỗi nhai lại “ngựa” đồng bộ của thơ trẻ hôm nay.
“Mornington - bình minh dậm dật những đôi chân” phồn sinh sẵn sàng đón đợi cuộc tình mới, một cuộc tình thôi làm màu mè phấn son, “không còn ngọng nghịu giả vờ” tán tỉnh với những thề non hẹn biển đã sáo mòn; kẻ tình nhân dám quẳng hết mọi nỗi trang nghiêm trí tuệ [rởm], trang trọng đạo đức [giả] ở lại phía sau, để nhập cuộc. Như cặp tình [nhân] bò trong bình minh Mornington phóng dật kia.
Nó chưa hay, nhưng nó dám khác, và đã khác… ngựa.
MORNINGTON - BÌNH MINH DẬM DẬT NHỮNG ĐÔI CHÂN
Mornington
ban mai chạy tới chân mây rắc bạc
gặm bình minh nở gặm cỏ non tơ
lốm đốm trắng những chú bò đực kiêu hãnh
cuống họng hoài thai dăm ý tưởng tồn sinh
giai âm đỏ hỏn bản năng nguyên thủy
Lưỡi quẹt thèm khát
hương tràn lên vũ điệu phồn thực
Mornington
ban mai xanh cháy lên nguồn cơn khát dục
tình yêu vẽ lên thân bò cái vàng rực
nước chấm tình đẫm bộ lông sậm óng
căng cứng không gian chiếc bụng tròn phỡn
búp son bầu dục hé
mặt trời há mồm cười mặt trời hú
ò ò ò
Chạy vòng quanh bò đực chạy vòng quanh
hào hển móng bấm vào mùa dâu chín
tiết tấu man rợ và âm thanh liếm láp
không cần ngọng nghịu giả vờ yêu em và
khốn khổ mơ màng nhìn ngắm đầy hâm mộ
vòng ức vòng ngực vòng mông no đủ
Chạy vòng vòng thiếu nữ bò cái chạy vòng vòng
quẳng tất cả lễ nghĩa đúm đùm một gói
bên đường
không cần quá nhiều trí tuệ phẩm chất để yêu và
làm tình
khi âm dương khuấy chung trong cùng một cơn khát
tứ tượng biến mất mọc thành hai chân hiện sinh
nhị nguyên viên thành nhất nguyên khi đàn bò yêu nhau
trên căn bản của hai chân sau
đủ sinh thành
bình minh trên Mornington dậm dật những đôi chân…
Nỗi khát yêu và kêu đòi giải phóng tình dục như kiểu này, không mới. Đã xảy ra mươi năm qua, ở thơ nữ. Đậm đặc nữa là khác. Khác chăng, Lam Hạnh dám cắt đứt hình tượng “ngựa” để quay về với hình ảnh “bò” lạ mà quen. Với lối nhìn cận cảnh, khá độc đáo. Tại điểm này, người đọc bắt gặp giọng thơ Lam Hạnh – một giọng thơ “không quê mùa, không hiện đại” nhưng không vì thế mà nó không có sức hút riêng. Sức hút ấy – chính là hình tượng [cũ mà] mới và cách nhìn mới.
Không có nhận xét nào: