Hướng dẫn tập Yoga - Bài 2

http://htx.dongtak.net/spip.php?article831

Thứ Hai 2, Tháng Bảy 2007, BTV: DT

Việc thực hành yoga phải bắt đầu từ thái độ của bạn đối với nó. Đừng vội vàng, hãy dành chút thời gian để đọc kỹ và tìm hiểu những thứ tưởng chừng như nhỏ nhặt nhưng lại có thể mang tới hiệu quả lớn này. Điều đó sẽ giúp cho sự hiểu biết và kết quả tập luyện được trọn vẹn hơn.

Xem tiếp: Ngày 3

Những điều cần biết khi tập Yoga

1. Vấn đề quy tắc

- Thời gian tập thích hợp là vào trước buổi sáng hoặc buổi chiều.

- Chỉ nên tập khi bụng đang rỗng hoặc 3 giờ sau bữa ăn chính, 2 giờ sau bữa ăn nhanh.

- Khi mới bắt đầu, tốt hơn cả nên tập ít, nhưng đều đặn mỗi ngày. Tránh dồn lại nhiều để tập một hoặc hai lần trong tuần.

- Nên mặc đồ lót vừa vặn và các loại quần áo thoải mái để không gò bó cử động hoặc sự chuyển động của hơi thở.

- Nên tắm hoặc rửa mặt mũi tay chân... trước khi tập.

- Phòng tập hoặc nơi tập phải có không khí thông thoáng và trong lành, để khi hít thở người tập phải cảm nhận được sự thoải mái hoàn toàn.

- Nên tập trên tấm thảm, đệm chuyên dùng hoặc chiếu. Không tập trên nền đất trống vì dễ gây cảm lạnh và những chất do cơ thể tiết ra đều có thể bị phá hủy.

- Chỉ tập khi cả hai lỗ mũi đều thông thoáng.

- Móng tay móng chân cần được cắt ngắn gọn gàng.

- Đừng gắng sức để làm được như người khác.

- Không được để bất cứ động tác nào gây đau đớn cho bạn. Nếu cảm thấy đau, hãy giảm sức ép. Nếu thấy đau ở ngực, nhịp tim không đều, chóng mặt hay thở dốc, thì phải ngưng tập ngay.

- Nên thực hành một tư thế đồng đều cho cả hai bên thân người.

- Không tiếp xúc ngay với nước ít nhất là 10 phút sau khi tập.

- Nên đi bộ ở nơi yên tĩnh một lúc.

- Nếu phải đi ra ngoài, khi nhiệt độ cơ thể chưa xuống mức bình thường, hoặc nhiệt độ trong phòng khác với nhiệt độ bên ngoài thì cần mặc quần áo cẩn thận. Hãy hít sâu vào khi trong phòng và thở ra lúc ra ngoài, làm như vậy sẽ tránh được cảm lạnh.

- Nếu bị đau, cảm cúm thì không nên tập.

- Trong thời kỳ kinh nguyệt, mang thai, sau khi sinh, không nên tập luyện các bài tập nặng.

2. Vấn đề ẩm thực

Thiếu hụt năng lượng có thể biểu hiện qua các tư thế sai lệch của cơ thể: bước đi kém sức bật, độ nhún nhẩy, dễ bị nhiễm lạnh hay ốm vặt... Về mặt cảm xúc rất dễ gây cáu gắt, ghen tuông và ganh tị... Trường phái yoga khuyến khích bạn ăn uống chừng mực, đạm bạc, ăn càng nhiều các thức ăn tươi sống, tự nhiên càng tốt. Ý thức hơn về thói quen ăn uống sẽ hỗ trợ tiêu hoá thức ăn hiệu quả hơn.

- Ăn thức ăn mới nấu chín.

- Thức ăn sống có nhiều khả năng tạo ra một cuộc sống sinh động, khoẻ mạnh.

- Dùng các bữa cách nhau khá lâu. Vì tiêu hoá là một quá trình phức tạp, và vì mỗi loại thức ăn chỉ được tiêu hoá trong một môi trường hóa học riêng, nếu ta dùng những loại thực phẩm khó tiêu hoá có thể làm đảo lộn và ngưng trệ quá trình tiêu hoá.

- Không nên đọc báo, xem phim trong khi ăn.

- Không nên dùng bữa lúc đang giận dữ hoặc buồn phiền. Chỉ ăn khi thư giãn và bình tĩnh. Khi cơ thể bị các xúc cảm tác động thì sự tiêu hoá cũng bị cản trở.

- Ăn từng miếng nhỏ và nhai kỹ thức ăn. Các bữa ăn vội vã và sự căng thẳng thần kinh kèm theo sẽ dẫn tới tình trạng không tiêu hoá.

- Uống thật nhiều nước. Một lượng nước thích hợp sẽ giúp bạn đảm bảo loại các chất bã, điều hoà thân nhiệt và giúp ích cho tiêu hoá. Tuy vậy, không nên uống quá nhiều nước trong vòng nửa giờ trước, sau các bữa ăn, vì việc này có thể làm loãng dịch tiêu hoá, dẫn đến tiêu hoá và hấp thụ không hoàn toàn. Trong bữa ăn cũng không uống nhiều nước hoặc dùng các chất lỏng khác.

3. Vấn đề sức khoẻ

- Không nên để đầu ở vị trí thấp hơn tim, nếu bạn bị cao huyết áp, có vấn đề về tim, tăng nhãn áp hay bong võng mạc.

- Nếu bị cao huyết áp hoặc bệnh tinh mạch, bạn chỉ nên giữ những tư thế đứng mạnh mẽ hay nằm sấp trong một thời gian ngắn. Ngoài ra, đối với chứng cao huyết áp, hãy lót 2 cánh tay dưới đầu.

- Nếu bị chứng huyết áp thấp, nên thoát khỏi các tư thế lộn ngược một cách chậm rãi.

- Nếu bị các chứng về lưng và đau thần kinh toạ, hãy tránh các động tác gập hay vặn người có thể gây đau đớn hoặc dẫn đến các triệu chứng khác như ngứa ran hoặc tê cứng chân. Có thể cong đầu gối lại khi thực hiện các động tác gập người về phía trước.

- Nếu bị chứng thoát vị nào đó hay từng trải qua một cuộc giải phẫu vùng bụng thì không nên tạo sức ép lên vùng bụng.

- Nếu bị viêm khớp, chỉ nên vận động các khớp ở phạm vi ngoài vùng bị đau. Nhưng hãy để chúng nghỉ ngơi khi đang bị viêm tấy.

- Nếu bị viêm khớp cổ hay các vấn đề về cổ, tránh việc ngửa đầu trong các tư thế ngửa người ra sau và phải rất thận trọng với các động tác nghiêng và xoay cổ.

- Trong lúc có kinh, mức năng lượng sẽ uống thấp hơn mức bình thường, nên thực hiện các tư thế một cách nhẹ nhàng hơn. Tránh các tư thế lộn người và tư thế áp lực cho vùng khung chậu.

Có thể bạn không biết

1.Yoga thích hợp với tất cả mọi người từ trẻ tới già, cho mọi tình trạng thể lực. Thậm chí phụ nữ trước và sau khi sinh đều có những bài tập riêng bổ trợ rất tốt cho sức khoẻ và vóc dáng.

2. Tương tự như trong võ thuật, các tư thế trong yoga phỏng rất nhiều động tác của các loài vật và tự nhiên: con bướm, con quạ, con rùa, rắn hổ mang, sư tử, cái cây, bánh xe, máy bay liệng cánh...

3. Tất cả chúng ta, từ khi sinh ra, ngày nào cũng thực hành 1 tư thế cơ bản của yoga: nằm ngửa, 2 gót chân cách nhau khoảng 50 cm, bàn chân ngả tự nhiên sang 2 bên, cánh tay cách thân người khoảng 45 độ, lòng bàn tay ngửa, nhắm mắt và nằm bất động. Tên gọi của nó là tư thế... xác chết. Công dụng của tư thế này là chuẩn bị cơ thể về mặt tinh thần và thể chất cho các bài tập tác động đến vùng đầu, đồng thời nguồn năng lượng phát sinh giữa các bài tập có thể luân chuyển tự do và giúp loại bỏ tạp chất ra khỏi các cơ bắp đang căng cứng.

4. Namaskar trong tiếng Ấn Độ là lời chào thông thường. Nhưng trong yoga, khi nói câu này chúng ta phải chắp tay vào nhau đưa từ trên trán (tâm hồn) xuống ngang ngực (tim) để biểu thị ý nghĩa trọn vẹn của lời chào: “Tôi chào ý thức tối cao trong con người bạn với tất cả vẻ đẹp tuyệt trần của tâm hồn tôi và tất cả tình yêu và sự thân ái của trái tim tôi”.

Dành cho người bắt đầu tập yoga

5 “không”

1. Không bỏ sót, hoặc nhảy cách 5 bước: Thiền – Khởi động – Tập các asana – Xoa bóp – Thư giãn.

2. Không nên ăn 3 tiếng trước khi tập các asana. Kết thúc buổi tập 30 phút mới được dùng thức ăn đặc, với thức ăn dạng lỏng thời gian cho phép là 15 phút.

3. Không tiếp xúc với nước trong vòng 5 phút sau buổi tập.

4. Không thắp nhang khói (hay bất kỳ dạng khói nào khác) trong phòng tập.

5. Không bật nhạc ồn ào trong phòng tập, tránh nơi có gió lùa, không tập nơi đông đúc, ồn ào.

5 “nên”

1. Đi khám bác sĩ để biết tổng quan về sức khoẻ của mình trước khi bắt tay vào tập yoga.

2. Tập có thầy, không nên tập qua sách hay ti vi...

3. Nên tập ngoài trời, chọn nơi thoáng khí, yên tĩnh. Rèn thói quen tập yoga mỗi ngày. Tuy nhiên cần tránh gò ép bản thân quá mức. Ở mỗi tư thế phải cảm nhận được sự thoải mái. Trong khi đang giữ nguyên tư thế, nên kiểm soát xem có nơi nào trong cơ thể đang bị đau hoặc gò ép không để điều chỉnh và thư giãn.

4. Tập đủ độ: Thời gian thích hợp cho buổi tập là 90 phút, mỗi buổi tập không quá 7 asana. Giữa các asana phải có thời gian thư giãn.

5. Tập đều cả 2 bên thân người. Chú ý trong cuộc sống hàng ngày có nhiều hoạt động, chúng ta chỉ sử dụng tập trung một số bộ phận hoặc một bên thân người. Các bài tập yoga tác động đều lên cả 2 bên trái và phải của mỗi nhóm cơ bắp để đạt tới sự thăng bằng.

(theo Đẹp)





Hướng dẫn tập Yoga - Bài 2 Hướng dẫn tập Yoga - Bài 2 Reviewed by Phạm Thu Hương on 19:38 Rating: 5

Không có nhận xét nào: