Thánh địa của tư bản
SGTT.VN - Sau một cuộc họp dài suốt ngày, tôi cáo lỗi với đối tác, đi ăn một mình và thả bộ trên đường phố. Tôi chợt nhận ra là mình đang đứng giữa lòng Las Vegas, buổi tối thứ bảy, nhộn nhịp đám đông, xe cộ và muôn ánh đèn màu rực rỡ. Người ta nói nhiều đến sinh thái năng động của các thành phố Á châu mới nổi, nhưng tôi chắc chắn rằng không đâu có thể sánh bằng Vegas. Đủ mọi sắc dân Âu Á Phi, đủ mọi mầu da đen trắng vàng, đủ mọi loại tuổi, mọi loại quần áo phong cách và mọi loại thể hình mập ốm cao lùn. Nhưng họ đều chia sẻ một mẫu số chung: ngất ngây với mùi tiền, mùi tham và mùi vội vã.
Vở Alice ở xứ sở thần tiên ở nhà hát Le Rêve, tại khu nghỉ dưỡng – sòng bạc Wynn Las Vegas. Ảnh: TL |
Tôn giáo nào cũng có những vị thánh và những thánh địa để giáo dân hướng tâm tư và làm những cuộc hành hương tỏ lòng tôn kính. Người Thiên chúa giáo tìm về Jerusalem đi lại con đường Thập tự giá của Chúa Jesus, người Hồi giáo có Mecca và giáo chủ Mohammed, người Phật giáo quỳ dưới cây bồ đề của Phật Thích Ca ở Patna. Tôn giáo tư bản có đôla và Las Vegas. Người ta nói nhiều đến New York, nhưng đây chỉ là chỗ để kiếm tiền, muốn hành hương để tìm biểu tượng cho sức mạnh của đồng tiền và những thú vui từ đôla, ta phải đến Las Vegas.
Người ta cũng hay nói về Macau, đỉnh mới của cờ bạc, nhưng vài ba sòng bài lớn và những số tiền khổng lồ thu từ các đại gia Trung Quốc (bao nhiêu là tiền rửa?), không thể cho Macau một phong cách của tư bản đại chúng, đa dạng mà sang trọng như Vegas. Một buổi tối cuối tuần ở Vegas sẽ phô bày tất cả xấu đẹp, sẽ phản ánh mọi đúng sai của triết thuyết tư bản.
Tôi đến Vegas lần đầu vào năm 1964 khi đi một vòng xứ Mỹ du lịch ba lô với vài sinh viên cùng trường. Một con đường lớn giữa sa mạc mênh mông, vài ba sòng bài như ốc đảo, tôi vào Desert Inn, Dunes, Hacienda… như một anh nông dân Cà Mau bước vào Hyatt, Sheraton ở Sài Gòn. Ấn tượng và lạ, nhưng không có gì để say mê hay cuốn hút (có lẽ tại tôi rất dửng dưng với cờ bạc). Qua các thập niên kế tiếp, tôi đến Vegas khá thường xuyên, vì khi mời các đối tác làm ăn về Los Angeles họp hành, họ không mặn mà lắm. Nhưng ở Vegas, nơi họ có thể ăn chơi cờ bạc, tiệc tùng trác táng và trừ phí tổn thua lỗ vào thuế, ai nấy đều hăng hái. Rồi đến các doanh nhân Trung Quốc vào những năm đầu mở cửa, Vegas là nơi phải dừng chân.
Đế chế Mỹ càng mạnh thì Vegas càng phát triển. Tôi chứng kiến một cuộc đua không mệt mỏi qua năm tháng của các công ty cờ bạc. Wynn tạo danh tiếng với Mirage, Treasure Island rồi cuối cùng là màn khiêu vũ nước hàng đêm ở Bellagio. Adelson trả lời với Venetian sau khi xây Sands thành một trung tâm hôi nghị lớn nhất nhì xứ Mỹ. Harrah nhập cuộc với những thâu tóm ngoạn mục dọc The Strip (con đường chính của Vegas) như Bally, Paris, Planet Hollywood, Imperial. Nhiều tên tuổi hàng đầu ngày xưa như Circus Circus, Stardust,… thua cuộc và tụt hậu thảm hại. Nhiều tay chơi vừa nhập cuộc tạo ấn tượng mới với Cosmopolitan, Trump, Aria, City Center, Mandarin, Mandalay Bay. Một cuộc đua thật hấp dẫn và sáng tạo để dành thị trường và lợi nhuận, hoàn toàn tự phát kiểu tư bản đại chúng. Dubai, Macau, Shanghai, Singapore… cũng có những cuộc đua, nhưng chỉ là một xếp đặt của giới cầm quyền và cầm tiền, kết quả thường được định đoạt qua “nghị quyết” nên không gì ngạc nhiên, và do đó, không gì đáng kể. Giống như một trận đá bóng, không ai buồn tham dự hay đi coi nếu nhà tổ chức đã xếp đặt sẵn người thua kẻ thắng.
Một thực tế phải hiểu là trong lịch sử loài người, luôn luôn có một đẳng cấp thống trị nhỏ nhoi, cố gắng lợi dụng quyền lực và tiền bạc của mình để áp đặt “giải pháp” của mình trên đại đa số quần chúng. Từ các bộ lạc xa xưa, qua các triều đại phong kiến, thực dân, đến các quốc gia Tây phương hiện tại hay các xã hội “bình đẳng” như Liên Xô, Trung Quốc… giải pháp thường đem lại một cuộc sống “ngon lành” hơn về đủ phương diện cho giai cấp cầm quyền này. Chế độ tư bản cũng không khác gì. Lợi dụng công sức và tài sản của quần chúng “ngu ngơ” để làm đầy túi tiền cá nhân và phe nhóm mình là thủ thuật tinh vi mà các chính trị gia và đại gia đều thông thạo.
Mục đích như nhau nhưng cách làm thì giới tư bản đã đẩy lên hàng nghệ thuật. Những chế độ dùng roi vọt gông cùm để thúc đẩy ép buộc người dân đang đi dần vào quá khứ. Indonesia của Suharto hay Hàn Quốc của Park Chung Hee ngày nào chỉ còn là dư âm. Tunisia, Lybia, Egypt, Syria… đang được sắp xếp lại. Ở các xã hội tư bản, người dân làm nô lệ với tinh thần hoàn toàn tự nguyện. Hai lý do: lòng tham cố hữu của con người và những món nợ ngập đầu.
Triết thuyết tư bản vẽ ra một cuộc chơi hào hứng là ai cũng có thể thắng và đem về một phần thưởng đẹp như mơ. Đây là tiền đề của Las Vegas, của tư bản. Dĩ nhiên, ai cũng biết là xác suất cho thấy người thua bạc chiếm đến 95% người tham dự. Ngoài xã hội, cũng không thiếu những người nhận chân ra điều này. Tuy nhiên, giới tư bản còn một tuyệt chiêu khác: mua trước trả sau. Không nơi nào mà một người tay trắng có thể mua nhà, tậu xe, sắm sửa tiêu xài như ở xứ Mỹ. Có thể bạn không muốn nợ, nhưng chắc chắn là vợ con và đa số thành viên gia đình bạn bè sẵn sàng “shop” dùm bạn. Đòi hỏi duy nhất: bạn phải có việc làm và phải nô lệ nghiêm túc. Mất việc làm là mất tất cả.
Vì lòng tham và vì cái dây xích nợ vô hình này, cả trăm triệu nô lệ Mỹ đã đẩy nền kinh tế và xã hội Mỹ lên đỉnh cao thế giới dưới danh nghĩa “thị trường và tự do”. Trong khi đó các xã hội “phong kiến cổ hủ” phải trì trệ trong đống bùn vì ngu xuẩn. Các lãnh đạo nơi đây không hiểu rằng con ngựa sẽ chạy nhanh hơn nếu bạn treo trước đầu nó một củ cà rốt tươi ngon; chứ không thể dùng roi siết cương suốt chặng dường dài.
Cuối cùng, Đặng Tiểu Bình và cận thần hiểu được điều này. Họ đã dùng lòng tham và miếng mồi tư bản giàu có để kích thích cả tỉ nô lệ sửa đổi định mệnh Trung Quốc và củng cố tài sản cũng như quyền lực của đẳng cấp thống trị. Họ thành công vượt mơ ước, nhưng vẫn phải núp mình dưới nhiều tên gọi nghe trái tai. Thực sự, Trung Quốc là một quốc gia tư bản gấp nhiều lần so với Mỹ, nếu bạn xem xét kỹ các chương trình phúc lợi xã hội hay quyền lực của các nhóm lợi ích của xứ này.
Nhất là trong thời điểm hiện tại khi xứ Mỹ phải chi tiêu cả ngàn tỉ đôla mỗi năm cho các nô lệ nghèo và già (vì lá phiếu của dân chủ); chưa nói đến cả ngàn tỷ đôla khác để bảo vệ hình ảnh của đế chế (Iraq, Afghanistan) và quyền lợi của tư bản (các công ty đa quốc). Trung Quốc không bị gánh nặng này. Cho nên, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu trong vòng 20 năm nữa, thánh địa của tư bản sẽ được dời qua một địa điểm nào tại Trung Quốc. Nhưng không phải loại tư bản đại chúng, muôn màu và đa dạng như Vegas, mà là loại tư bản của phe nhóm, ích kỷ, tàn nhẫn và đơn điệu với chút quê mùa.
TS Alan Phan
Chủ tịch quỹ Đầu tư Viasa
Không có nhận xét nào: