GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT DÂN SỰ

Võ Văn Thôn (Nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM)

Tôi góp ý theo thứ tự các điều của dự thảo:

1- Đ.2.-Bảo đảm quyền dân sự: Khoản 2.< Quyền dân sự của cá nhân và pháp nhân chỉ có thể bị….>Trong điều luật nầy cho rằng cá nhân và pháp nhân đều có quyền như nhau. Tôi hoàn toàn không đồng ý, con người là một thực thể đặc biệt, là chủ nhân của quốc gia, là một công dân. Trái lại Pháp nhân không phải là một công dân, không phải là chủ nhân của đất nước, không được đi bỏ phiếu bầu cử quốc hội.v.v... Pháp nhân là con người ảo, mọi hoạt động đều thông qua đại diện là con người cụ thể. Mỗi pháp nhân khi hình thành đều có đạo luật riêng của nó, chỉ rõ phạm vi quyền hạn.v.v… Pháp nhân hoàn toàn không phải là chủ thể của luật dân sự. Pháp nhân chỉ là một bộ phận của luật dân sự. Tôi đề nghị bỏ ba từ : và pháp nhân trong điều 2.

Ngoài ra tôi đề nghị thêm khoản 3:< Quyền dân sự của cá nhân không bị lệ thuộc quyền chính trị>. Cần phải có qui định nầy để tránh sự lợi dụng đàn áp công dân.

2- Đ.6: Nguyên tăc tôn trọng đạo đức, truyền thống tốt đẹp. Nội dung nầy là một lời khuyên, một nguyên tắc xây dựng luật, không phải là một điều luật. Luật là phải cụ thể, một là một, hai là hai, không thể suy diễn thế nầy thế kia. Nguyên tắc xây dựng luật là phải luật hóa các đạo đức, phong tục, tập quán v.v… có liên quan. Không phải tất cả tập quán, đạo đức… đều được luật hóa hết. Đề nghị bỏ đ.6 nầy.

3- Đ. 8: Nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự: đề nghị sửa lại mấy từ cuối: <nếu không tự nguyện thực hiện có thể bị cưỡng chế thực hiện theo quy định của pháp luật.> thành:<… theo một bản án của tòa án>. Từ pháp luật là chỉ luật pháp nói chung, có thể hiểu lầm bằng một văn bản chỉ đạo hay một thông tư, nghị định v.v… Một cá nhân chỉ bị cưỡng chế bởi một bản án của tòa án.

4- Đ.21: Bảo vệ quyền dân sự…: Dự thảo nầy là tiến bộ, vì tòa án là tổ chức xét xử các tranh chấp trong nội bộ nhân dân, nhầm bảo đảm an ninh trật tự cộng đồng xã hội. Nếu thẩm phán từ chối có nghĩa là xã hội không có luật lệ, chính quyền thiếu trách nhiệm. Nếu các tranh chấp bị từ chối, có thể họ phải giải quyết theo luật rừng:mạnh được yếu thua, xã hội thiếu an ninh trật tự. Tôi đề nghị đổi hai từ Tòa án ở khoản 2 thành Thẩm phán. Vì tòa án là một tổ chức xét xử, không thể chấp hành, thực hiện và cũng không thể chế tài nếu không chấp hành khoản 2 đ. 21 nầy. Trong tòa án, thẩm phán là con người, chủ thể của tòa án, là nhân vật trung tâm, quyết định mọi hoạt động của tòa án, có quyền từ chối thụ lý hay không. Để bảo đảm điều nầy được thực hiện nghiêm túc, tôi đề nghị thêm cụm từ: <nếu không, phải chịu trách nhiệm hình sự; tội từ chối thụ lý>

5- Đ.25: Không hạn chế năng lực…: <….trừ trường hợp luật định> đề nghị chỉnh lại :<… trừ trường hợp có bản án của tòa án>. Đối với cá nhân, phải có một bản án mới chế tài, thực hiện được, Dùng từ luật định quá khái quát, có thể hiểu lầm là một quyết định hành chánh. Còn nếu hiểu là có một đạo luật khác hạn chế gì đó về quyền hạn dân sự thì không cần phải có điều nầy, mọi người cũng đều phải chấp hành.

6- Đ. 29: Mất năng lực hành vi dân sự.

a/ Khoản 1: Tôi đề nghị bỏ bớt cụm từ cuối: <… trên cơ sở kết luận của HĐGĐ pháp y tâm thần>.Cụm từ đó làm mất vai trò của tòa án. Hoạt động của Tòa án không phải như cơ quan hành chánh là 2 cộng 2 là phải 4 mà có xem xét hoàn cảnh,tình trang.v…v…và còn có ý kiến biện hộ của luật sư. Kết quả đôi khi là 3 hoặc 3,5 cũng có khi là 2 v.v…Viết như dự thảo thì cần gì phải có tòa án, đã có pháp y tâm thần rồi thì kết luận là mất năng lực hành vi dân sự.

b/ Khoản 2: Tôi đề nghị thêm vào: <…hoặc do người đã bị tòa án ra quyết định….thực hiện>. Phòng bị, vì lý do nào đó, người đại diện không đề nghị, trong khi người nầy đã phục hồi, trở lại bình thường, có khả năng viết đơn.

7- Đ.33: Quyền về họ, tên: Khoản 2 cần chỉnh lại dòng thứ 2 như sau:<Họ của cá nhân được…..theo sự thỏa thuận của cha mẹ có hôn thú; nếu không có hôn thú thì họ của con do người mẹ đẻ quyết định.>.Trong điều nầy tôi có phân vân về hai từ cha đẻ, tôi đề nghị nên dùng là cha trong hôn thú dù có hơi dài nhưng nó đúng luật, vì trong thời gian hôn thú, nếu người đàn ông không phản bác thì vợ đẻ, đứa bé là con của anh.

8- Đ.39: Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín: Nhiều năm nay chúng ta vi phạm điều nầy ghê gớm, nhưng sao ít người phản ứng. Đó là các tổ dân phố tô nhân dân đánh giá và Phường xã cấp giấy gia đình nầy có văn hóa hoặc gia đình kia không được cấp giấy. Từ văn hóa chỉ dùng cho người, con vật thì không có văn hóa. Con người thì luôn có văn hóa, nhưng có người cao, người thấp, tuyệt đối không có người không có văn hóa. Trong văn hóa có văn hóa lành mạnh và văn hóa không lành mạnh. Đánh giá và chưa cấp giấy là gia đình văn hóa là vi phạm điều 37 luật dân sự trước đây và nay là điều 39

9- Đ.44: Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở: Đề nghị thay cụm từ luật qui định bằng cụm từ <có quyết định của Viện kiểm sát>. Từ luật qui định là quá rộng không cụ thể cho trường hợp cá biệt khám xét nhà, chỗ ở.

10- Đ.45. Quyền tự do, tín ngưỡng, tôn giáo: Tôi đề nghị bỏ tất cả phần từ:<hoặc lợi dụng…….của người khác.> ở khoản 2. Nguyên tắc của luật pháp là: Công dân có quyền làm tất cả mọi việc mà luật không cấm. Luật phải khuyến khích mọi người năng động, phát triển. Không có luật cấm thì mọi người được làm, sao gọi là lợi dụng. Một dân tộc luôn luôn đột phá, sáng tạo là một dân tộc thông minh, tiên phong. Luật pháp phải khuyến khích, không được làm thui chột tinh thần sáng tạo, vượt lên phía trước. Một dân tộc chỉ chờ đợi luật pháp vạch đường chỉ lối, mới hành động là một dân tộc lạc hậu hoặc sắp tiêu vong.

11- Đ.46. Quyền tự do đi lại và cư trú: Tôi đề nghị thay cụm từ cuối bằng cụm từ; <và chỉ bị hạn chế bởi một bản án của tòa án> Luật được ban hành để thực hiện cho nhiều người, trường hợp để thực hiện đối với một người cụ thể thì phải bằng một bản án của tòa án.

12- Đ. 48. Quyền tự do kinh doanh: Tôi đề nghị thay hai từ tự do bằng hai từ đăng ký. Viết như dự thảo là không đúng với hiện tại, không cần đăng ký cấp giấy phép mà tự do, tự ý mở của hàng kinh doanh, mua bán, không cần xin giấy phép.

14- Đ. 49. Quyền tiếp cận thông tin: Tôi đề nghị bỏ cụm từ cuối <Việc thực hiện quyền nầy do pháp luật qui định>. Đã là luật dân sự rồi mà dùng lại cụm từ: pháp luật qui định của Hiến pháp, là lẫn quẩn. Bác bỏ hoặc hạn chế quyền nầy bằng một điều luật khác thì nói làm gì. Điều 25 Hiến pháp qui định <Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.>. Một cá nhân bị hạn chế quyền nầy thì phải bằng một bản án của tòa án.

15- Đ. 220. Tài sản thuộc sở hữu toàn dân. Điều luật nầy nói không chỉnh và sai luật. Nếu nhà nước là đại diện của sở hữu toàn dân, thì nhà nước phải thực thi quản lý, sử dụng. Người đại diện không có quyền giao cho người đại diện khác nếu không có ý kiến của chủ sở hữu là toàn dân. Hơn nữa nhà nước và chính phủ là hai pháp nhân hoàn toàn khác nhau. Nhà nước theo hán việt là quốc gia. Theo Larousse là: <Một thực thể chính trị được lập ra trên một lãnh thổ, được xác định bởi các đường biên giới, bên trong đó có dân cư sinh sống và thực thể đó có quyền lực được thể chế hóa>. Theo Học viện hành chánh quốc gia là:<là một tổ chức quyền lực chính trị gồm một bộ máy đặc biệt để phục vụ xã hội và thực hiện những chức năng quản lý đối với một quốc gia> bao gồm 3 thành phần: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đối với nước ta còn có Đảng cộng sản. Trong bộ máy nhà nước có chính phủ là bộ máy hành chánh nhà nước gồm có chính phủ và các chính quyền địa phương, Trong luật pháp không thể lẫn lộn giữa chính phủ với nhà nước.

Tôi đề nghị thêm hai từ chính phủ trước từ nhà nước ở khoản 1:<Chính phủ nhà nước CHXHCNVN là…>. Các điều luật kế tiếp trong mục nầy nên xem xét chỉnh sửa các từ nhà nước thay bằng chính phủ.

GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT DÂN SỰ GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT DÂN SỰ Reviewed by Phạm Thu Hương on 13:01 Rating: 5

Không có nhận xét nào: