Hoàng Minh Tường
16. SỬ THẦN NGÔ SỸ LIÊN
Dưới công danh đeo khổ nhục
Trong dầu dãi có phong lưu.
(Ngôn chính thi-2 - Quốc âm thi tập - Nguyễn Trãi)
Bấy giờ khắp kinh thành Đông Kinh như có loạn. Cơn gió độc “Nguyễn Thị Lộ giết vua” lan đi, làm dựng tóc gáy mọi người.
Tiếp đến là tin sét đánh: Nguyễn Trãi đang bị giải từ Côn Sơn về kinh. Ngày 16 sẽ tru di ba họ.
Không biết từ đâu, xầm xì một truyện hãi hùng: “Rắn báo oán”.
Chuyện rằng:
Hồi cha Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh mở trường dạy học tại Trại Ổi, Nhị Khê, ông cùng học trò phát cỏ trong vườn để dựng lớp học. Đêm ấy, ông nằm mộng thấy một người đàn bà dẫn đàn con lít nhít năm sáu đứa đến vừa khóc lóc vừa cầu xin ông hãy thư thả cho vài hôm, vì bận con mọn nên chưa kịp dời nhà. Nguyễn Phi Khanh nhận lời. Sáng hôm sau ông định bảo học trò hãy khoan dọn cỏ vườn. Nhưng đã muộn. Lũ học trò đã phát hiện ra ổ rắn, đập chết bầy rắn con, đuổi rắn mẹ bị thương lủi đâu mất. Nguyễn Phi Khanh rất hối hận. Nửa đêm ông ngồi đọc sách, bỗng có con rắn trườn trên xà nhà, nhỏ xuống một giọt máu, đúng ngay chữ “tộc”, thấm qua ba lớp giấy, ứng với “tam tộc”. Con rắn ấy, về sau thành tinh, ngầm mang thù oán, mới đầu thai thành Nguyễn Thị Lộ, tìm gặp con trai Nguyễn Phi Khanh là Nguyễn Trãi, xướng hoạ thơ với chàng, kết thành vợ chồng. Rồi cơ hội báo thù đã đến. Nguyễn Thị Lộ theo vua Lê Thái Tông đến Lệ Chi Viên để giết vua, trả thù ba họ nhà Nguyễn Trãi…
Câu chuyện quái dị, nhưng ai cũng tin đó là món nợ tiền kiếp. Ngay cả đám tiến sĩ tân khoa, như bọn Lương Nhữ Hộc, Nguyễn Như Đổ, Ngô Sỹ Liên… cũng nghĩ rằng không một bậc đại khoa nào có thể sáng tác ra được.
Lại nói về Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân Ngô Sỹ Liên. Ông người làng Ngọc Hoà, huyện Chương Đức, phủ Ứng Thiên, từng tham gia nghĩa quân Lam Sơn cùng với Nguyễn Nhữ Soạn, em cùng cha khác mẹ của Nguyễn Trãi, từng giữ chức thư ký trong quân doanh. Ngô Sỹ Liên vốn là bạn đồng môn với Nguyễn Khuê, con trai cả Nguyễn Trãi, hơn Khuê ba tuổi. Vào tuổi bốn mươi, nhưng khi thấy triều đình mở khoa thi Tiến sĩ đầu tiên, Ngô Sỹ Liên vẫn quyết chí ứng thí. Và ông đã đỗ đầu hàng tam giáp 23 người, là người lớn tuổi nhất trong đám tân khoa tiến sĩ.
Vốn là người của triều đình, lại có mối quen biết rộng, có uy tín trong đám văn thần, ngay sau khi thi đỗ, Ngô Sỹ Liên đã được nhận vào Quốc sử viện. Ông mơ ước mình sẽ như một Thái Sử Bá nước Tề xưa, uy vũ bất năng khuất, chỉ biết thờ phụng sự thật. Dù gươm kề cổ bắt ông viết khác sự thật, cũng không bao giờ. Tham vọng của ông là sau này sẽ nối chí sử thần Lê Văn Hưu thời Trần, viết bộ “Lê triều bản kỷ”để nối vào bộ “Đại Việt sử ký”của Lê Văn Hưu, như bộ kỳ sử của Tư Mã Thiên thời Hán bên Tàu, truyền mãi đến muôn đời. Vì thế trong suốt thời gian tham gia nghĩa quân Lam Sơn, dù trong những thời khắc ngặt nghèo,ông vẫn miệt mài ghi chép không bỏ sót một sự kiện, một nhân vật, một diễn biến lịch sử nào.
Được theo hộ giá vua Lê Thái Tông trong chuyến tuần du miền Đông và duyệt binh ở thành Chí Linh, Ngô Sỹ Liên càng nhận rõ thiên chức sử gia của mình. Có ba nhân vật trong chuyến đi này khiến ông vô cùng cảm phục và kính trọng, mà ông đã dành những dòng bất hủ trong những ghi chép nhật trình, đó là đức vua Lê Thái Tông và vợ chồng quan Thừa chỉ Hành khiển Nguyễn Trãi.
Cho nên, việc bà Nguyễn Thị Lộ bị vu tội trong cái chết đột ngột của nhà vua và Nguyễn Trãi bị vạ lây, sẽ bị giết ba họ trong những ngày tới, khiến Ngô Sỹ Liên vô cùng phẫn uất, như chính ông và những kẻ sĩ Long Thành bị bức tử. Rõ thật là những mưu toan vu cáo trắng trợn. Một thảm oan tày trời. Kẻ tiếm quyền là Nguyễn Thị Anh và Lam Sơn hội đã gây ra cái chết của vua Lê Thái Tông để lấy cớ diệt vợ chồng quan Thừa chỉ Hành khiển để mong đưa giọt máu khác loài lên ngôi báu. Là người “nằm trong chăn”, hằng ngày ra vào tam cung lục viện, sao Ngô Sỹ Liên không biết rõ cái tổ con chuồn chuồn? Ông quá biết rõ Lê Nguyên Sơn và cái chết tức tưởi trên lưng ngựa của ông ta. Ông thường lui tới nhà quan Đại Tư mã Đinh Liệt, đàm đạo văn chương và tìm lời hát xướng cho Ngọc Kiều phu nhân, nên phong thanh đã hiểu những lời bóng gió của đôi vợ chồng này về dòng dõi Bang Cơ. Ông đã ghi lại toàn bộ những lời đồng dao của bọn trẻ Kẻ Mui, Kẻ Bưởi, ngõ hầu để người đời thấu hiểu những mưu mô quyền lực đen tối…Không ai có quyền, không thế lực nào có thể bắt ông uốn cong ngòi bút, viết trái sự thật. Dù tim óc ông lầy đất, da thịt ông bị bọc trong da ngựa, thì sự thật và chân lý vẫn phải được sáng tỏ.
Không ngờ tâm trạng của Ngô Sỹ Liên cũng trùng hợp với nỗi lòng của đám tân khoa tiến sĩ. Cả bọn xì xầm rỉ tai nhau. Cả bọn bức xúc như đàn kiến bò quanh chảo lửa. Rồi họ tìm cớ để tụ tập nhau, làm một việc gì đó. Ngô Sỹ Liên đưa ra diệu kế:
- Tai mắt Hoàng hậu đang cài khắp kinh thành. Bất cứ cuộc tụ bạ vô cớ nào đều có thể ghép vào tội phản nghịch. Chúng ta phải tìm một lí do để che mắt bọn thám mã…Ngày mười một kị nhật ông nội tại hạ. Mời các vị đến ăn giỗ tại tư dinh …
Lương Nhữ Hộc như kẻ vớ được vàng:
- Chí phải. Nhưng ngày mười một thì lâu quá. Việc gấp lắm rồi. Hay huynh trưởng làm giỗ sớm lên đi…
Cả bọn đều cho là phải.
Trưa ấy, tân Trạng nguyên Nguyễn Trực, dù đang chịu tang cha ở Bối Khê quê nhà cũng mặc áo trắng, đi dày cỏ ra kinh đô.Tin Ức Trai tiên sinh đã bị bắt đang trên đường giải về triều, khiến Nguyễn Trực thất kinh. Đang dâng lễ cúng cơm cha, chàng đánh rơi khay rượu, người lạnh toát. Đêm qua, khi thấy một ngôi sao rực sáng ở phương đông rơi xuống, Nguyễn Trực đã biết trước một điềm gở, nhưng không ngờ lại vận vào Ức Trai tiên sinh, người mà chàng kính trọng và biết ơn như một người cha, một người thầy. Sinh thời thân phụ chàng là Tiến sĩ Nguyễn Thời Trung, từng nói với chàng rằng:“Nếu con học được Ức Trai tiên sinh một chữ, con sẽ có một thiên sách trong đầu. Con người này là nguyên khí quốc gia mà không phải thời nào cũng có được”. Chính lời dạy của cha đã hướng đường cho Nguyễn Trực tìm đến thụ giáo Ức Trai ngày ông thất sủng về mở trường ở Kẻ Mai, Khuyến Lương. Và chàng đã được hạnh ngộ với Ức Trai phu nhân tại đó. Kỳ thi Hương đầu tiên năm Giáp dần (1434) mà chàng đỗ đầu khi mới mười hai tuổi, chính là nhờ một năm được thụ giáo Ức Trai. Nhất tự vi sư, bán tự vi sư. Huống chi Ức Trai tiên sinh là đại sư biểu của chàng. Bài sách văn thi đình của chàng được vua Thái Tông khen ngợi và được điểm cao tuyệt đối chính chàng đã lấy cảm hứng từ Ức Trai, một tài năng lỗi lạc, một nhân cách cao vời. Vậy mà khi vầng thái dương vừa khuất, nguyên khí đã bị vùi dập. Thái Tông vừa nằm xuống, Nguyễn Trãi liền bị hại. Đau đớn thay! Những kẻ hậu sinh như Nguyễn Trực nếu không tìm cách giải cứu quan Thừa chỉ Hành khiển và quan Lễ nghi Học sĩ cùng ba họ…thì còn mặt mũi nào sống trong trời đất!
Hầu như cả ba mươi ba tiến sĩ khoa Nhâm tuất đều lục tục đến tư dinh tiến sĩ Ngô Sỹ Liên.
Có một người khách từng ghi danh dự thi khoa tiến sĩ, nhưng đến phút chót, vì mẹ ốm, đành rời trường thi về phụng dưỡng mẹ, đó là giám sinh Thân Nhân Trung(1), người Yên Dũng, Bắc Giang. Thân Nhân Trung vốn là bạn thân với Ngô Thế Dụ, người Kim Hoa, Bắc Giang. Nhận tin nhắn của các bạn, chàng vội mang theo một bình rượu, ba thẻ hương, khăn gói đi ngay.
Hăng hái nhất là hai vị đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân Trịnh Thiết Trường và Nguyễn Nguyên Chẩn. Thiết Trường người Yên Định, Thiệu Thiên. Nguyên Chẩn người Thanh Lâm, Nam Sách, văn tài lực học hơn người, tin chắc kỳ thi vừa rồi sẽ giành ngôi tam nguyên, nhưng khi xướng danh chỉ đỗ hạng tam giáp, ngang với bọn Ngô Sỹ Liên, Nguyễn Duy Tắc, Phạm Viên, Bùi Hựu…Hai người tự ái, không nhận sắc phong của nhà vua, và xin được ghi danh dự thi tiếp kỳ sau(2). Biết tin có buổi kỵ nhật ở nhà Tiến sĩ Ngô Sỹ Liên, Trịnh Thiết Trường và Nguyễn Nguyên Chẩn là người đến góp giỗ đầu tiên.
Triều đình cấm hội hè, nêm đám gia nhân nhà Ngô Sỹ Liên phải làm cỗ từ đêm hôm trước. Một con lợn hai người khiêng được thịt sẵn từ quê, lại thuê thợ giò chả Ước Lễ trổ tài pha chế. Mang tiếng là giỗ cha, rồi bàn chuyện cứu thầy, lại kết hợp khao các bạn đồng khoa, không thể lúi xùi. Tùng tiệm cũng phải mười mâm.
Trong nghi ngút khói hương và cỗ bàn bày trên những lá chiếu cạp điều, Ngô Sỹ Liên mở đầu câu chuyện:
- Thưa các huynh đệ đồng khoa. Hôm nay nhân ngày kỵ nhật ông nội kẻ hèn mọn này, xin có chén rượu nhạt kính cáo tổ tiên và cũng là duyên cớ họp mặt các huynh đệ…
Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân Trần Văn Huy, người Bất Bạt, Thao Giang vội đứng lên khoanh tay xin nói:
- Huynh trưởng Ngô Sỹ Liên không cần phải rào đón trước sau. Sự có mặt của các tiểu đệ hôm nay đã nói hết cả rồi. Điều chúng ta cần bàn là phải làm gì để cứu tính mạng của Ức Trai tiên sinh cùng Lễ nghi Học sĩ và ba họ. Cứu người như cứu hoả. Thời gian chỉ còn tính từng ngày
Trần Đương, người Đông Yên, Khoái Châu nói:
- Chưa có lý do gì để bắt tội Ức Trai tiên sinh. Nếu bà Nguyễn Thị Lộ mắc tội giết vua thì chỉ mình bà Lộ chịu tội chết. Hà cớ gì liên luỵ đến Nguyễn Trãi?
Có tiếng ai đó thì thào:
- Nghe nói “Nguyễn Thị Lộ người rất đẹp, văn chương rất hay,vua thích gọi vào cung phong làm Lễ nghi Học sĩ, ngày đêm hầu bên cạnh”(3). Khi đón xa giá ở Côn Sơn, bà Lộ nghe theo lời xúi bẩy của Nguyễn Trãi quyết đòi theo vua về triều. Nửa đêm ở Lệ Chi Viên, bà Lộ lẻn sang phòng vua vầy vuộc mây mưa. Vua ham của lạ, bị đột tử ngay trên bụng người đẹp…
- Thế là phạm phòng rồi các huynh ạ - Nguyễn Nguyên Chẩn, người trẻ tuổi nhất bọn, nhưng tỏ ra thông thạo chuyện phòng the, vội nói - Dân gian gọi đây là bệnh phạm phòng, người đàn ông quá hăng hái, bị kiệt sức, có thể chết trên bụng người đàn bà. Thế cho nên, trước khi con gái vu quy, bà mẹ phải dạy con cách cứu chồng và không quên tặng con gái một cái trâm, lúc nào cũng giắt trên búi tóc. Trong trường hợp phạm phòng, người đàn bà phải thật bình tĩnh, ôm chặt lấy người tình, rồi rút trâm, ấn vào đốt xương cùng của người đàn ông. Chắc chắn “vị chiến binh của chúng ta” sẽ được cứu sống…
Nhiều tiếng cười cố nén. Lúc khác chắc đã vỡ nhà. Rồi ai đó bình luận:
- Chắc bà Lộ vội quá không mang trâm theo.
Ngô Sỹ Liên hốt hoảng xua tay:
- Không được buông tuồng phạm thượng. Chỉ có kẻ vô đạo mới dám nói như vậy. Chúng mình là kẻ sĩ, phải uốn ba tấc lưỡi trước khi nói. Không thể bịa đặt trắng trợn như thế được. Nói vậy rõ ràng là đã ghép cho quan Lễ nghi Học sĩ tội khi quân, dùng mỹ nhân kế để hãm hại quân vương.Thực tế, quan hệ giữa Hoàng thượng và quan Lễ nghi Học sĩ là quan hệ vua tôi, thậm chí trò với thầy, con với mẹ. Bởi vì, tại hạ biết rất rõ, hồi nghĩa quân Lam Sơn còn ở miền tây Nghệ An, Thanh Hoá, khi đó Hoàng tử Nguyên Long còn nhỏ, mới ba, bốn tuổi, bà Lộ từng ẵm bế, tắm rửa, cho ăn, bảo ban dạy dỗ Hoàng tử như người nhũ mẫu. Rất nhiều câu ca dao, chuyện cổ tích mà Hoàng thượng thuộc và nhớ là do bà Lộ truyền dạy. Nhà vua mất mẹ từ ba tuổi, nên khao khát tình mẹ. Chúng ta không được phép xúc phạm tình cảm thiêng liêng ấy…Vả lại, Hoàng thượng vốn là học trò của Ức Trai, luôn coi Ức Trai tiên sinh như nghĩa phụ, kính trọng tôn vinh không sao kể xiết. Lẽ nào một đấng quân vương như Nguyên Long, luôn sẵn có hàng trăm mỹ nữ cung tần vây quanh, lại làm chuyện loạn luân ấy được? Bịa tạc như vậy là phỉ bang hoàng tộc, bôi nhọ triều đình. Tội đáng chém..
Mọi người lặng đi, thấm thía những điều Tiến sĩ Ngô Sỹ Liên vừa nói.
Bỗng có tiếng đập trán đánh bốp. Một giọng uất nghẹn cất lên:
- Đại loạn. Nhà có gia pháp. Nước có luật pháp. Giết một mạng người đâu phải chuyện dễ. Huống chi quan Thừa chỉ Hành Khiển là một trọng thần, có công khai quốc? Chỉ riêng áng thiên cổ hùng văn “Bình Ngô đại cáo” đã làm cho tác giả của nó bất tử. Ai dám xử tội Ức Trai? Tiểu đệ tuy tài hèn sức mọn nhưng sẽ quyết sống mái với kẻ nào dám làm việc phản đạo đó.
Nhìn dáng người lẻo khẻo và vẻ hung hăng tức cười của Trần Đương, nhiều kẻ cười ồ.
Bùi Lôi Phủ người Phú Xuyên, Thường Tín trừng mắt nhìn bọn người vừa cười:
- Sao lại cười Trần huynh? Bọn chúng ta tuy trói gà không nổi, nhưng rất cần tráng khí như Trần huynh. Chỉ cần có tráng khí, mỗi chúng ta đều có thể trở thành một Kinh Kha. Chúng ta đang bàn cách cứu Ức Trai tiên sinh. Vậy thì phải hành động chứ không thể nói suông. Các huynh hãy bàn cách nào để cứu bằng được Ức Trai tiên sinh.
- Tiểu đệ có một kế sách.
Mọi người đổ dồn mắt về phía người vừa nói và nhận ra một người mặt đỏ như chu sa, dáng cổ quái như một võ tướng. Đó là Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân Hoàng Sằn Phu, người Vũ Ninh, Thiệu Thiên.
- Kế sách gì? - Ngô Sỹ Liên sốt ruột.
Hoàng Sằn Phu ngó quanh, thấy cửa đã đóng kín, bèn hạ giọng:
- Ta có thể đưa quân các đạo về triều giải cứu Ức Trai. Trong các đạo, Bắc đạo và Đông đạo là nơi chịu ơn Nguyễn Trãi nhiều hơn cả. An Bang đang là đất dụng binh của Thái uý Trịnh Khả và Tư khấu Trịnh Khắc Phục. Vả lại người đang giữ binh quyền trấn Nam Sách hạ là Đô uý Trịnh Bá Nhai, con trai Tư khấu Trịnh Khắc Phục…
Trịnh Thiết Trường lắc đầu, ngửa mặt lên trời than:
- Hoàng tiên sinh đang đòi với sao trên trời. Đã có lệnh phong toả các ngả về kinh đô rồi. Các đại tướng Lê Ê, Lê Hiệu, Lê Bôi, Lê Bí, Lê Khuyển, Lê Ngang, Lê Thọ Vực cùng Lam Sơn hội đang thống lĩnh binh mã bảo vệ các điểm xung yếu. Hàng trăm trạm gác điếm canh mọc như nấm khắp các ngả đường về kinh. Những ai là người thân tín của Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ đều bị theo dõi. Tại hạ là người trong họ Trịnh, đang lo cho tính mạng của quan Thái uý Trịnh Khả và quan Tư khấu Trịnh Khắc Phục khó vẹn toàn kỳ này. Các huynh không biết rằng, ngay trong đêm đưa xa giá về nội cung, Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh đã ép quan Tổng quản Hành quân Trịnh Khả và Tư không Trịnh Khắc Phục không được dời di hài nhà vua nửa bước. Cả đội quân thánh dực do Tư mã Lê Ê và Tư khấu Lê Hiệu thống lĩnh lúc nào cũng kèm hai ngài như cặp chả. Họ đã bị bắt giữ làm con tin cả rồi.
Ngô Sỹ Liên nói:
- Người mà chúng ta kỳ vọng nhất là quan Thái phó Đinh Liệt và quan Đại đô đốc Nguyễn Xí, cũng đã bị khống chế. Thâm độc nhất là Thái hậu đã bắt ép Thái phó Đinh Liệt phải nhận chức Chánh pháp quan toà Đại hình để xử Ức Trai tiên sinh…
Nguyễn Đạt, người Thanh Đàm, Thường Tín, bỗng nêu câu hỏi:
- Xin hỏi huynh trưởng Ngô Sỹ Liên. Nghe nói, lúc đức Vua lâm chung, quan Tổng quản hành quân Trịnh Khả là người túc trực bên giường ngự, đúng không?
Ngô Sỹ Liên nói:
- Chuyện hơi dài dòng, nhưng xin kể vắn tắt. Số là, sau khi thuyền ngự dời Côn Sơn xuôi cửa Lục Đầu vào sông Thiên Đức,“ qua mộ Bạch Sư ở cầu Bông, xã Đại Toàn, huyện Quế Dương thì thuyền ngự không đi lên được. Các quân hết sức kéo dây cũng không nhúc nhích, hình như có người giữ lại.Vua bèn sai trung sứ đi hỏi khắp những người già cả xứ ấy xem chỗ này có vị thần nào. Các cụ già bảo: “Ngày xưa có người tên là Bạch Sư, khi còn sống rất tinh thông pháp thuật. Sau khi mất chôn ở ven sông, thường có hiển linh, người xứ này vẫn tế thần long trọng lắm”. Trung sứ hỏi: “Tế bằng thứ gì?” Người già nói: “ Tế bằng nghé”.Trung sứ đem việc ấy về tâu. Vua sai đem nghé non đến tế thần. Bấy giờ thuyền ngự mới đi được.”(4)
- Điềm gở rồi – Vũ Lãm, người Kim Động, Khoái Châu nói chen ngang - Lẽ ra nhà vua nên quay lại thành Chí Linh đợi ngày tốt hãy về triều.
- Từ lúc ấy, ngọc thể của nhà vua bất an - Ngô Sỹ Liên nói tiếp - Khi về đến vườn vải huyện Gia Định, tức là Lệ Chi Viên, nhà vua bỗng gặp cơn cảm mạo. Khi ấy, Nội quan Nguyễn Phù Lỗ và Hữu hình viện đại phu Trần Phong do Hoàng hậu lệnh chỉ, đã mang theo các cung tần thị nữ và bốn quan ngự y thuộc Quảng Tế Lệnh từ kinh đô xuống, cùng với quan Tổng quản hành quân và Nội quan Tạ Thanh, bọn giám quan Lương Dật, Đinh Phúc, Đinh Thắng… túc trực chăm sóc sức khoẻ cho Hoàng thượng. Tối ấy, dân làng Đại Lại tổ chức lễ khao quân, dâng ngự thiện. Nhà vua tuy hơi mệt, nhưng rất vui, ban yến và ngự tửu cho các quan và các phụ lão. Quan Lễ nghi Học sĩ cũng được vua ban ngự tửu như tất cả mọi người. Tiệc tan, mọi người về chỗ nghỉ, đám văn thần thì tụ tập nhau ngoài vườn Quỳnh ngâm thơ , thù tạc . Bọn võ quan thì túm tụm từng chiếu uống rượu, hút thuốc và chơi bài bạc. Nửa đêm thì bỗng có tin báo: Đức vua đang nguy kịch. Khi ấy, quan Tổng quản hành quân đang hầu giá bên Hoàng thượng…
- Vậy là đã rõ – Tiếng ai đó nấc lên – Không có chuyện bà Nguyễn Thị Lộ giết vua. Càng không có chuyện bà Lộ ngủ với vua. Bằng cớ là từ lúc vua mắc bệnh nguy kịch, quan Tổng quản hành quân Trịnh Khả hầu hạ thuốc men không dời lúc nào.(5) Rồi Nội viện Nguyễn Phù Lỗ, Nội quan Tạ Thanh, Hữu hình viện Trần Phong phái các cung phi thị nữ và bốn quan ngự y túc trực chăm sóc. Bậc đế vương trẻ tuổi giữa ly cung đèn nến sáng trưng, mỹ nữ cung tần túc trực vòng trong vòng ngoài, quân cấm vệ gươm giáo đằng đằng, trăm tai nghìn mắt chĩa vào, làm sao lại để một mình quan Lễ nghi Học sĩ chăm sóc để rồi lựa thời cơ ngủ với Vua? Rõ là vu cáo trắng trợn. Một màn kịch vụng về, kinh tởm.
Mọi người cùng nhao nhao:
- Nhà vua bị trúng phong từ mộ Bạch Sư, nửa đêm bất đắc kỳ tử.
- Có kẻ mưu giết vua rồi vu cho bà Lộ.
- Một mũi tên mà trúng hai đích.Thâm độc thay!
Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân Phạm Cư, người Thượng Phúc, Thường Tín, vừa lau nước mắt, vừa nói:
- Việc khẩn cấp lắm rồi. Bây giờ không phải là lúc tìm nguyên nhân. Các sư huynh, làm cách nào để cứu Ức Trai tiên sinh?
Mọi người đổ dồn mắt vào Trạng nguyên Nguyễn Trực.
Nguyễn Trực chắp hai tay xá mọi người, rồi nói:
- Tiểu đệ bận việc tang cha, không được hộ giá nhà vua về Côn Sơn thăm Ức Trai như các sư huynh. Đó là niềm nuối tiếc không nguôi. Nay, Vua đột ngột băng hà, quan Lễ nghi Học sĩ và Ức Trai tiên sinh đang có nguy cơ bị bắt tội chết. Không ai tin rằng hai nhân vật đáng tôn kính bậc nhất nước Nam này lại có âm mưu hãm hại Vua. Giết Vua để làm gì? Vì sao phaỉ giết Vua?Câu hỏi này, nếu đặt vào trường hợp tráng sỹ Kinh Kha nước Vệ thì quá dễ trả lời. Bởi vì Tần Thuỷ Hoàng là một bạo chúa. Không giết Tần vương thì muôn dân rên xiết, trăm họ điêu linh. Nhưng đức vua Thái Tông ta thì khác. Nhà vua đang bắt đầu một thời kỳ hùng lược. Chưa bao giờ Người nhìn rõ tầm vóc và giá trị của Ức Trai tiên sinh và quan Lễ nghi Học sĩ như bây giờ, cũng như chưa bao giờ nhà vua đặt kỳ vọng vào bọn kẻ sĩ tân khoa chúng ta, những học trò yêu của Ức Trai, và coi chúng ta như lớp người cùng thế hệ, đồng tâm, đồng chí…cùng nhà vua chấn hưng đất nước. Các huynh thử nghĩ xem, nếu như quan Thừa chỉ Hành khiển già nua, miệng nói không ra hơi, chân đi không vững và chịu nằm an trí ở Côn Sơn, nếu như quan Lễ nghi Học sĩ chịu ở lại Côn Sơn với chồng, thì sự việc sẽ ra sao? Có thể nhà vua vẫn băng vì cảm đột tử. Nhưng khi ấy tình thế sẽ khác. Vua mới 20 tuổi, lại bị đột tử thì làm gì có di chiếu? Khi ấy, ai sẽ là người nối ngôi đại thống? Chắc chắn sẽ không phải là Thái tử Bang Cơ, người đang có những dị nghị về nhân thân. Khi ấy, Nguyễn Trãi sẽ về triều. Và biết đâu triều đình sẽ cho tìm lại Quốc vương Tư Tề, hay Hoàng tử Lê Tư Thành…
- Công Dĩnh nói chí lý lắm - Tiếng một người nào đó.
- Xin để tiểu đệ tiếp lời – Nguyễn Trực nói - Chúng ta thấy rõ một sự vô lý: Nếu bà Lộ mắc tội thì tại sao lại đổ vấy cho cả Nguyễn Trãi và ba họ? Bởi cái đích họ nhằm tới là Ức Trai tiên sinh. Quýt làm nhưng cam chịu, chính là thế này đây. Nhưng đây là chủ mưu của kẻ đang nắm quyền lực. Giết Nguyễn Trãi, mọi việc sẽ êm xuôi. Nguyễn Trãi là cái gai, là khối u đang nổi lên, làm cản bước tiến của kẻ muốn thâu tóm quyền lực.
- Xứng danh bậc nhất tam khôi - Nhiều tiếng vỗ tay.
Nguyễn Trực nghẹn giọng:
- Chỉ còn một cách cứu Ức Trai, là đánh thức lương tri của tất cả các quan trọng thần. Lũ chúng ta mang danh kẻ sĩ, lại là lớp tân khoa, nếu chúng ta hoặc là sợ hãi không dám nói, hoặc quá bảo mạng cầu an mà im lặng, thì còn ai dám cứu Ức Trai? Tiểu đệ nghĩ, chúng ta phải có một tờ biểu. Tất cả chúng ta đều ký và vận động các bậc đại thần, những người bạn chí cốt của Ức Trai như Nguyễn Mộng Tuân, Lý Tử Tấn, Trình Thuấn Du…
- Công Dĩnh nói chí phải…
Hàng chục cánh tay cùng vung lên:
- Gia nhân mang giấy bút ra đây…
- Phải thảo ngay một “thất trảm sớ” để ngăn bàn tay đẫm máu.
Ai cũng tranh nói. Ai cũng sắc khí đằng đằng.
Tiến sĩ Ngô Sỹ Liên nhìn các bạn đồng khoa rưng rưng xúc động. Thế mới đáng mặt kẻ sĩ chứ. Trong đầu ông như vang lên bài thơ “Bữa tiệc đầu người” của Nguyễn Biểu, viết chửi vào mặt giặc Minh ba mươi năm trước.(6) Các bạn đồng khoa của ông đây, ai cũng có khí phách của kẻ dám ăn bữa tiệc đầu người. Ông với tay lên án thư lấy một tờ biểu đã được soạn sẵn, trịnh trọng thưa với mọi người:
- Thưa các huynh đệ. Những lời tâm huyết vừa rồi của quan Trạng nguyên tân khoa Nguyễn Trực là tiếng nói chung của anh em chúng ta. Tại hạ tuy tài hèn sức mọn, nhưng cũng đã mạo muội thảo sẵn tờ biểu này để dâng lên ngôi chí tôn, xin Hoàng Thái hậu tha tội chết cho quan Thừa chỉ Hành Khiển và quan Lễ nghi Học sĩ, cùng ba họ.Tại hạ muốn nhờ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, đệ nhị danh Nguyễn Như Đổ, người có giọng tốt sẽ đọc tờ thảo này. Mọi người sẽ góp ý, sau đó cùng ký tên.
Trong khi Nguyễn Như Đổ đang lấy giọng chuẩn bị đọc, một người bỗng vụt đứng lên:
- Ký tên làm gì? Sao lại gửi cho Hoàng Thái hậu? Bà ta coi chữ ký của lũ chúng ta chỉ là trò con trẻ... Lẽ phải và sự thật bao giờ cũng thuộc về kẻ quyền thế. Không bao giờ bọn gian tà chịu nghe lẽ phải. Chỉ có cách điều binh về triều, hay cướp ngục may ra mới cứu được Ức Trai…
Mọi người nhìn ra xem người vừa nói là Trịnh Thiết Trường hay Thân Nhân Trung, thì ngoài cổng bỗng có tiếng ngựa hí, tiếng người huyên náo. Một võ quan triều đình mặt đen sắt như Thiên Lôi, cưỡi ngựa, dẫn một toán lính cấm vệ hùng hổ tiến vào.
***
Cuộc nghị sự lập tức biến thành bữa đánh chén, kẻ uống người say tuý luý. Có ai đó nhanh tay giật lấy tờ biểu mà Bảng nhãn Nguyễn Như Đổ đang cầm. Rồi tờ biểu luồn qua tay một ai đó, cuối cùng được dúi vào tay tiến sĩ Hoàng Sằn Phu. Vị này đưa ngay lên mồm nhai nhồm nhoàm cùng với món nhắm vừa gắp. Trong chớp nhoáng, những con chữ thánh hiền đã nằm yên trong bụng bọn tân khoa tiến sĩ. Thế là phi tang.
- Quan tiến sĩ Ngô Sỹ Liên coi trời bằng vung - Tiếng viên võ quan như hổ gầm - Hoàng Thái hậu đã có lệnh cấm tụ tập.Vậy mà ông lại kéo bè đảng đến đây định làm chuyện phản nghịch.
Mặt Ngô Sỹ Liên không còn một giọt máu. Ông lập cập chạy ra.
- Bẩm quan vệ uý. Hôm nay là ngày kỵ nhật ông nội tôi. Tôi mời các quan tân khoa tiến sĩ…
- Kỵ nhật à? Các vị tiến sĩ định họp bàn lật đổ hay tiếm ngôi chứ giỗ chạp gì?- Viên võ quan túm lấy một vị tiến sĩ - Có đúng không? Ông hãy nói ta nghe.
Vị tiến sĩ run bắn như cầy sấy, khua hai tay rối rít:
- Không… không… Tôi không biết…Chúng tôi chỉ đến ăn cỗ…
Viên võ quan lại gầm lên, tóm tóc một vị tiến sĩ khác:
- Thám mã vừa báo cho ta biết. Ông này, nói đi. Các ông vừa bàn chuyện cứu tên Trãi phải không?
- Bẩm…Không… - Vị tiến sĩ sợ rụt lưỡi không nói lên lời.
Võ quan cười hơ hớ, chỉ mặt các tân khoa tiến sĩ:
- Các ông to gan lắm. Nhưng quyền chức các ông, cái gan các ông đã to bằng ông Hành khiển Nguyễn Trãi chưa? Tưởng bọn hủ nho như tên Trãi lùa dê không xong, vậy mà lại dám giết vua. Ghê quá. Chuyện động trời từ thiên cổ tới nay chưa hề có. Hoàng Thái hậu đang cho quân về Nhị Khê, về Côn Sơn, về Chi Ngải, về Hải Triều… bắt ba họ nhà Trãi và Thị Lộ. Chuyến này sẽ chém đầu mấy trăm mạng. Bọn ta đang đi lùng bắt tên Nguyễn Khuê con trai trưởng của Nguyễn Trãi. Ông Liên, người ta bảo Cống Khuê từng là bạn đồng môn của tiến sĩ Ngô Sỹ Liên, đúng không?
Các tiến sĩ nhìn nhau rồi lại nhìn Ngô Sỹ Liên. Có ai đó nhanh tay bưng đến một ly rượu. Người khác đưa ra một đĩa sứ trên có nén bạc. Ngô Sỹ Liên đỡ lấy, đưa mời quan vệ uý:
- Chẳng mấy khi ngài đến, lại gặp dịp kỵ nhật ông nội tại hạ. Mời ngài xơi chén rượu nhạt…
Quan vệ uý cười khẩy, thấy bọn tiến sĩ đều khúm núm, kính cẩn, nghĩ cũng chẳng nên căng làm gì, liền dịu giọng:
- Các ông phải biết cái phận mình. Đến như tên Trãi uy danh sánh ngang Tiên đế mà còn không giữ được cái đội mũ, huống lũ hủ nho chùi đít không sạch các ông.
Nói rồi quan vệ uý nhanh tay nhón nén bạc, quát quân lính rút lui. Trước khi đi, còn dặn nhỏ tiến sĩ Ngô Sỹ Liên:
- Hoàng Thái hậu có lệnh triệu ông. Đầu buổi chầu chiều nay ông phải có mặt.
***
Suốt từ đó, Ngô Sỹ Liên đứng ngồi không yên.
Hoàng Thái hậu cần gặp có chuyện gì? Thái hậu đã biết Liên này là người đầu têu thảo sớ đòi tha tội cho Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ chăng? Ai báo cho Thái hậu biết?Trong đám tân khoa tiến sĩ chắc chắn có tai mắt của Thái hậu cài vào? Người đó phaỉ là kẻ ghen ăn tức ở, mượn gió bẻ măng. Ai nhỉ? Không có ai cả. Bọn sĩ phu Hà Thành tuy hèn nhưng không đến mức đểu, táng tận lương tâm. Hay là…Thái hậu cần gặp để bàn chuyện… quốc sử?
Một niềm hy vọng mơ hồ được nhen lên, xua tan mối lo âu ở quan tiến sĩ. Gặp Nội quan Tạ Thanh ở ngoài sảnh điện, mối lo của Ngô Sỹ Liên được giải toả hoàn toàn.
Tạ Thanh nói:
- Thái hậu đang chờ quan tân khoa tiến sĩ. Cờ đến tay ngài rồi. Đừng quên công tiến cử của kẻ hầu cận này đấy nhé. Thái hậu hỏi phải tìm ai vào chức sử quan sắp tới, tại hạ bảo rằng: Ngoài tiến sĩ Ngô Sỹ Liên ra, không còn ai khác.
Tạ Thanh nháy mắt cười tinh quái, rồi khoát tay bảo Ngô Sỹ Liên vào.
Đã một hai lần gặp Thần phi, rồi Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh, nhưng đây là lần đầu tiên Ngô Sỹ Liên đối mặt với Hoàng Thái hậu, người đàn bà uy lực nhất triều Hậu Lê này. Thật lạ, sau cái chết của vua Lê Nguyên Long mà thần sắc và vẻ đẹp của Hoàng Thái hậu lại rực rỡ và lộng lẫy hơn bao giờ hết. Ngô Sỹ Liên bỗng nhớ đến câu thành ngữ: “Gái một con trông mòn con mắt”. Huống chi đây lại là gái mười tám, sắc nước hương trời. Không dám nhìn Thái hậu, nhưng Ngô Sỹ Liên cảm thấy đôi ánh mắt sắc dao cau đang như phanh phui, lọc lũa mình.
- Dạ thưa Thái hậu, hạ thần Ngô Sỹ Liên có mặt.
Thái hậu cười nửa miệng:
- Khanh hãy bình thân. Nghe nói sáng nay đám Tiến sĩ các ông có cuộc họp kín bàn gỡ tội cho Nguyễn Trãi và ả Thị Lộ có phải không?
Tóc Ngô Sỹ Liên như dựng đứng, muốn hất văng cả mũ.
- Bẩm Thái hậu. Thần có buổi kỵ nhật…
- Tai mắt Lam Sơn hội của ta như thiên la địa võng, một con ruồi cũng không lọt - Thái hậu dằn từng lời - Nhưng thôi, không chấp lũ sĩ dởm vặt lông gà không xong. Ta chỉ muốn hỏi ông…
Ngô Sỹ Liên căng óc, tưởng đứt các mạch máu.
- Câu hỏi này ta không muốn hỏi các quan Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, bởi các ông ấy còn non lắm. Ông mới là người chín chắn sâu sắc, kiến văn sâu rộng. Tuy ông chỉ đứng đầu hàng tam giáp, nhưng ta đánh giá cao hơn bọn Nguyễn Trực, Nguyễn Như Đổ, Lương Nhữ Hộc. Xin lỗi ông, bọn ấy ta bảo gì phải viết nấy. Ngay cả Phan Phu Tiên cũng cổ hủ lắm rồi. Ông mới thực là một đại sử gia của Lê triều ta…
- Dạ bẩm… Thần không dám nhận lời khen tặng…
Thái hậu Nguyễn Thị Anh bỗng trừng mắt:
- Mới được khen mà đã sợ rồi à? Đừng giả vờ khiêm cung. Hãy thành thật trả lời ta: Nếu ông là sử quan, thì ông sẽ chép việc cái đêm Hoàng thượng bị đột tử ở Lệ Chi Viên thế nào?
Một câu hỏi mà câu trả lời có thể hoặc bị chém đầu, hoặc được thăng tiến như diều.
Mồ hôi đầm đìa, ướt đẫm vai áo tiến sĩ Ngô Sỹ Liên, khiến Thái hậu bỗng bật cười khanh khách.
- Việc gì phải toát hết mồ hôi như thế? Trông quan tiến sĩ như một gã nhà quê đang đi cày. Ta hỏi vậy thôi,chứ không ép kẻ sĩ Long Thành phải trả lời. Ta nói thẳng để bọn kẻ sĩ các ngươi rõ: Các ngươi dẫu có oán giận ta giết Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ thì không vì thế mà ngôi Hoàng đế của Bang Cơ con trai ta có thể trao cho kẻ khác được. Ngài tiến sĩ nên nhớ, Hoàng đế Lê Nguyên Long khi lên ngôi vì không có mẹ đành phải nhờ đến các ông Lê Sát, Lê Ngân và bọn hủ nho các ông phò tá, chứ Bang Cơ con ta thì không cần nhờ cậy một ai, ngoài ta. Chính ta sẽ cai quản triều đình, gây dựng vương nghiệp. Ngay ngày mai, sau lễ đăng quang của Bang Cơ, ta sẽ nói cho bọn tân khoa Tiến sĩ và cả bọn cựu văn thần Thăng Long các ngươi biết, ai theo mẹ con ta thì sống, ai muốn theo tên Trãi và ả Thị Lộ thì cứ việc…
Ngô Sỹ Liên chạnh nghĩ đến Thái sử bá nước Tề, định ngẩng cao đầu, toan tìm lời nói lại, nhưng Thái hậu Nguyễn Thị Anh chừng như đọc được điều đó, nàng mỉm cười xoa dịu:
- Ta nói vậy để khanh hãy tin vào ta, xem ả gà mái gáy sớm này là người thế nào? Tiến sĩ Ngô Sỹ Liên, khanh đã nghe Nội quan Tạ Thanh nói gì với khanh chưa? Ông ta muốn tiến cử tiến sĩ vào Ngự sử đài. Nhưng ta thấy ông ấy vẫn còn đánh giá thấp về khanh. Ngay sau lễ đăng quang, ta sẽ thay mặt Hoàng thượng phong cho khanh chức Đô ngự sử, Triều liệt đại phu kiêm Quốc tử giám tư nghiệp. Giao quốc sử cho một người như khanh, ta hoàn toàn yên tâm.
Ngô Sỹ Liên bàng hoàng. Ông tưởng mình nghe nhầm.
Vốn là kẻ quê mùa ở Ngọc Hoà, Chương Đức, xuất thân tầm thường, hơn mười năm đi theo Lê Lợi, nằm gai nếm mật, phục dịch chốn quân doanh, tam thập vẫn bất nhi lập, vẫn chân thư ký quèn. Hơn mười năm tiếp theo vừa làm thư lại chốn nha môn vừa miệt mài kinh sử, bạc mặt với chữ thánh hiền, may kiếm tấm bằng tiến sĩ, nhưng tứ thập vẫn nhi hoặc, khó đoán định tương lai... Giờ không ngờ, bỗng hào quang chói rạng, phúc phúc trùng lai, thấm nhuần ơn mưa móc. Giờ như người trong đêm tối bỗng gặp ánh thái dương…
Ngô Sỹ Liên run rẩy nhìn lên. Bắt gặp một đôi mắt đen thăm thẳm, một nụ cười mê đắm. Ông như thấy mình bay lên trên chín tầng mây, bồng bềnh trong cõi hư vô bất định. Vậy là ông đã đặt chân tới chốn cửu trùng, ông hạnh phúc vô bờ khi được tin cậy và dâng hiến cho người đàn bà mà trí thông minh, sắc đẹp và quyền lực có thể sánh ngang với Võ hậu Tắc Thiên đời Đường.
Chú thích:
(1) Mãi tới khoa thi năm Kỷ sửu (1469), Quang Thuận năm thứ 10, triều Lê Thánh Tông, khi Thân Nhân Trung 50 tuổi, ông mới đi thi và đỗ Tiến sĩ. Sau này ông tham gia “Tao đàn nhị thâp bát tú”do vua Lê Thánh Tông là Tao đàn chủ suý và Thân Nhân Trung làm Tao đàn phó suý. Ông là người soạn thảo văn bia Tiến sĩ khoa thi 1442, trong đó có câu nổi tiếng: “Hiền tài là nguyên khí Quốc gia”.
(2) Khóa thi sau, năm Thái Hoà thứ 6 (1448), Trịnh Thiết Trường thi tiếp, đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, đệ nhị danh ( Bảng nhãn). Nguyễn Nguyên Chẩn cũng thi tiếp khóa này, nhưng vẫn chỉ đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.
(3)Đại Việt sử ký toàn thư.
(4)Đại Việt sử ký toàn thư
(5)Đại Việt thông sử - Lê Quý Đôn
(6) Nguyễn Biểu, người Nghệ An, đỗ tiến sĩ cuối triều Trần, tham gia khởi nghĩa Trùng Quang thời Hậu Trần. Năm 1413, ông đi sứ gặp Trương Phụ để bàn kế hoãn binh. Trương Phụ dọn cỗ đầu người, ông ăn ngon lành và còn làm bài thơ “Cỗ đầu người” để tỏ khí phách. Trương Phụ vừa kính nể vừa khiếp phục,muốn giết ông để trừ hậu hoạ, đã bắt trói ông dưới chân cầu thành Nghệ An để nước triều nhấn chìm ông.
17. CHỦ NHIỆM ĐẠO TÙNG
Thế sự trai yêu thiếp mọn
Nhân tình gái nhớ chồng xưa.
(Bảo kính cảnh giới - 52 - Quốc âm thi tập - Nguyễn Trãi)
Chương“Sử thần Ngô Sỹ Liên” vừa dịch xong đã gây chấn động trong “Nguyễn Trãi Club”. Mặc dù Đỗ Chí Cao và Ngô Tháp rất nguyên tắc, kiên quyết bảo vệ bản quyền và chỉ cho lưu hành khi sách được chính thức xuất bản, nhưng ông Huỳnh Đạo vẫn có cách “đi đêm riêng” để “Thọt bỉ nhân” gửi cho mình một bản làm tư liệu cho cuộc sinh hoạt Câu lạc bộ sắp tới.
Hầu như ít có một tổ chức xã hội tự nguyện nào lại bao chứa được nhiều loại người, nhóm người với những sở thích, chính kiến, quan điểm khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau như “Nguyễn Trãi Club”. Có thể nói, đây chính là điển hình của sự thống nhất trong đa dạng. Chỉ bằng hệ thống mạng internet, qua các Bloggers, Facebookers, Twitters…, hàng trăm chi nhánh “Nguyễn Trãi Club” các tỉnh, các châu lục có thể liên hệ với nhau, thông báo cho nhau những thông tin, bài viết, tư liệu liên quan đến Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ. Có người nói vui với ông chủ nhiệm Huỳnh Đạo rằng, sau này “Nguyễn Trãi Club” thậm chí có thể phát triển thành một tôn giáo, gần giống với đạo Phật, đạo Cơ đốc, hay đạo Hồi, đạo Cao Đài, Hoà Hảo... Khác chăng là, tín đồ của các tôn giáo kia là quảng đại quần chúng, và phần đông là tấng lớp bình dân, thì “Nguyễn Trãi Club” lại hầu hết là giới trí thức. Từ giới trí thức cận thần, bổng lộc quyền lợi gắn với giới chóp bu quyền lực và các nhóm lợi ích, tới giới dân chủ dấn thân mà lý tưởng là tự do và dân chủ, công bằng cho mọi người, tiến tới xây dựng một đất nước hùng cường…, đều tìm thấy ở Ức Trai, từ con người đến sự nghiệp thơ văn, một danh nhân văn hoá kiệt xuất, một tấm gương sáng chói, một nhân cách tuyệt vời.
Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ, tất nhiên, là nơi hội tụ nhiều tên tuổi trí thức lớn có đủ cả các thành phần, các khuynh hướng chính trị, tư tưởng. Họ hầu hết là các vị lão thành cách mạng, trí thức đầu ngành, chuyên viên cao cấp nghỉ hưu. Các vị này phần lớn có học hàm học vị, từng giữ các cương vị cao, trọng trách lớn. Có vị bổng lộc đầy mình, vợ con viên mãn, hạ cánh an toàn. Có vị cuối đời bị thất sủng, hoặc bị tai nạn nghề nghiệp, hoặc ngộ ra sự lạc lối…Có thể nói họ khác nhau như nước với lửa, như hai cực âm dương, vậy mà họ lại có khả năng dung hoà, thống nhất. Có nguyên nhân thuộc về những mối quan nhệ xã hội, mà chỉ ở Việt Nam mới có. Đó là sự dằng dịt dây mơ rễ má, anh em chú bác, nội ngoại, thông gia, đồng môn, đồng tuế, đồng hương… Nhưng điều này mới là cơ bản: Họ khác nhau, đối nghịch nhau nhưng không hề triệt tiêu nhau, bài xích nhau, vì tất cả, giờ đây, không ai có quyền lực, không ai phải bảo vệ cho một nhóm lợi ích nào. Ở họ đều có chung tình yêu Tổ quốc, lòng tự hào dân tộc, chất “kẻ sĩ” thời đại. Trong họ, ai cũng thấy mình có một phần Ức Trai, đau đáu về vận mệnh của Dân tộc, về số phận của Nhân dân, về con đường hưng vong của Đất nước,về sự toàn vẹn, độc lập, tự chủ Quốc gia. Đó chính là chất keo gắn kết, hội tụ, mà không có một thứ xi măng siêu mác nào, một chủ nghĩa, một học thuyết nào có được.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ, ông Huỳnh Đạo, có lẽ là người có địa vị xã hội thấp nhất trong ban lãnh đạo. Nhược điểm lớn nhất của ông là đã bằng lòng cho một sự mạo nhận: Ngày thành lập Câu lạc bộ, người ta làm cho ông một hộp cacvidit. Ông giận tím mặt, cương quyết không nhận, chỉ vì trong chức danh ghi ông là “nhà sử học”. Ông cho rằng có ai đó đã ngầm chơi ông, phỉ báng ông. Các vị trong Ban chủ nhiệm phải giải thích mãi, rằng đây là mỹ danh để đi làm việc, liên hệ công tác, rằng ông là cử nhân sử học, thầy dạy sử cấp 3, gọi là nhà sử học có sao đâu? Khối người không có tác phẩm công trình lịch sử nào mà cũng được gọi là nhà sử học. Vả lại, lãnh đạo một “Nguyễn Trãi Club” phải cần có một nhà sử học. Cuối cùng thì ông Huỳnh Đạo đành thoả hiệp. Nhưng đi giao dịch các nơi, ông vẫn thường dùng chức danh chủ nhiệm cho giản dị.
Cho đến cuối đời, Huỳnh Đạo vẫn giữ vẹn nguyên phẩm chất một người lính. Trong cuộc kháng chiến 9 năm, ông là chiến sỹ giao liên Đại đoàn Đồng Bằng, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ khi mới mười sáu tuổi. Kháng chiến chống Mỹ, ông là người đầu tiên trong đường dây 559, mở tuyến đường Trường Sơn. Bị thương ở mặt trận Khe Sanh, ông chuyển ngành, trở thành thầy giáo dạy sử cấp ba, nhà thơ nghiệp dư, cho đến khi nghỉ hưu. Mọi người tín nhiệm bầu ông là Chủ nhiệm Câu lạc bộ, vì ở ông, cùng với năng lực tổ chức tuyệt vời, là tinh thần trách nhiệm cao, đức hy sinh, xả thân vì việc chung. Ông sẵn sàng bỏ thời gian, tiền bạc, lăn lộn hàng tháng trời lo hàng trăm thứ công việc không tên: Đi phát triển hội viên ở các tỉnh; Liên hệ với địa phương các thủ tục về đất đai, giải toả, kinh phí để tu sửa đền thờ, đúc tượng; Tổ chức hội thảo, in tài liệu, in sách, tạp chí về Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ… Tất nhiên, để trở thành một tiểu Mạnh Thường Quân kiêm “mõ làng”, số phận đã cho ông một người vợ siêu phàm: Chỉ bằng bốn sào ao rau muống ở Hoàng Cầu, những năm đầu đổi mới, bà đã chuyển đổi thành ba cơ ngơi bề thế cho các con và một nhà hàng bia hơi, kiêm ẩm thực, đủ cho ông có thể “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.
Những thành viên khác trong Ban chủ nhiệm “Nguyễn Trãi Club”, là những nhân vật “vua biết mặt, chúa biết tên”, tiếng tăm nổi như cồn trên các phương tiện truyền thông, báo chí.
Tỷ dụ như hai ông phó chủ nhiệm. Một ông là giáo sư, tiến sĩ cầu đường Phan Công Tại, thường gọi là ông “Sổ hưu”. Một ông là Ngô Tuyên, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học, viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Liên Xô, mọi người quen gọi là ông “Quá độ”. Những ông khác trong ban chủ nhiệm như ông “ Lỗi hệ thống”, ông “ Văn Giang”, ông “Bôxít”, ông “Tiên Lãng”, đều được gọi bằng bí danh, biệt danh… Đó cũng là một đặc tính tự trào của các vị trí thức khi đã đến tuổi lão thực. Dường như càng về già các vị càng ưu thời mẫn thế, trong lòng lúc nào cũng chứa chất nhiều uẩn khúc. Vì thế, thú vui nhất của các vị hằng ngày là tụ tập bàn chuyện phiếm. Nhiều cụ sinh nghiện, mỗi ngày không “tráng miệng” dăm câu chuyện thời sự là ăn không ngon, ngủ không yên.
***
Ví như hôm nay, tự dưng ông “Quá độ”, nhân việc vợ con đi du lịch, vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm, liền phôn cho các bạn đến chơi, thưởng thức lộc xuân.
Ông “Sổ hưu” cầm tờ báo Tiền Phong hua lên:
- Các vị có thấy anh -Mianma thay đổi quyết liệt không? Cho phép tư nhân ra báo rồi đây này. Giỏi quá, mở rộng dân chủ đến thế này thì ông Thein Sein liều thật, dũng cảm thật.
- Không phải liều mà quá tài giỏi - Ông “Lỗi hệ thống” nói và nhìn ông “Sổ hưu” như phát hiện ra ông bạn đồng hương vừa mới mọc sừng.
Ban đầu Giáo sư Phan Công Tại được các bạn đặt cho biệt danh là ông “Siêu tốc”, bởi ông chính là tác giả của dự án đường sắt siêu cao tốc xuyên Việt một dạo bị Quốc hội bỏ phiếu phủ quyết. Cả đời ông Tại làm kỹ thuật, ít quan tâm đến những vấn đề xã hội, chính trị. Ông từng có hai năm sang nghiên cứu tại Nhật và Trung Quốc về mô hình đường sắt siêu tốc. Đến khi lãnh đạo bảo ông làm dự án để xin tài chợ của Nhật, ông thực hiện ngay. Nếu dự án được phê duyệt, có thể ông sẽ được phong hàm Thứ trưởng, bất chấp tuổi tác. Ấy là cấp trên bảo thế. Khi dự án phá sản , ông về hưu, và hầu như vẫn hồn nhiên không quan tâm gì đến những vấn đề xã hội và thời cuộc. Đến khi đi nghe giảng nghị quyết, thấy một vị giáo sư nói rằng các thế lực thù địch được nước ngoài cấp tiền lương hằng tháng để chống phá cách mạng. Nếu bọn chúng thắng thì mọi sổ hưu của các vị mất hết. Vì thế bảo vệ cách mạng chính là bảo vệ cái sổ hưu. Giáo sư tiến sĩ “Siêu tốc” sợ quá, về loan truyền với vợ con và bạn bè. Mọi người cười ồ, lấy biệt danh“ Sổ hưu” để thay cho biệt danh “Siêu tốc”.
- Các ông có nhớ Thống tướng Than Shwe, anh bạn vàng của ta không? - Ông “Lỗi hệ thống” nói - Quân phiệt, độc tài kiểu ấy chỉ đưa đất nước Mianma đến vực thẳm. Ông Thein Sein mới là người anh hùng cứu nước. Rõ ràng là quay một trăm tám mươi độ nhé. Nhưng người anh hùng thực sự của đất nước Mianma, theo tôi phải là bà Aung San Suu Kyi, người được giải thưởng Nobel vì hoà bình. Nước Miamma rồi sẽ tiến xa. Không khéo rồi mình đuổi không kịp…
- Anh Triều Tiên sao không sang Mianma mà học kinh nghiệm nhỉ? - Ông “Sổ hưu” nói - Tay Kim Jong Un còn liều hơn cả bố. Nó mới doạ chơi hạt nhân mà khối thằng sợ vãi đái.
Ông “Quá độ” lắc đầu ngán ngẩm:
- Nó có hạt nhân, lại máu Chí Phèo, không chừng nó làm thật.
Mọi người đổ dồn mắt về Phó giáo sư Ngô Tuyên.
So với các bạn cùng trang lứa, con đường học vấn và sự nghiệp của Ngô Tuyên khá hanh thông. Vào bộ đội, vừa luyện tập ba tháng cơ bản để đi chiến trường thì Tuyên có danh sách đi du học Liên Xô. Sau này anh mới biết, số anh có quý nhân phù trợ. Ông bác ruột anh làm lãnh đạo ở Cục quân lực đã can thiệp để anh không phải ra mặt trận. Ở Liên Xô,Tuyên lại trúng tiếp số độc đắc: Vào học tại trường A- on,(1) trường dành riêng cho các hạt giống đỏ. Du học sinh Việt Nam học các trường đại học ở các nước cộng hoà thuộc Liên bang Xô Viết, học bổng mỗi tháng chỉ 120 rup, riêng sinh viên trường A-on được 180 rup, hơn hẳn chục cái bàn là hoặc hai nồi áp xuất. Luận án Kandidat ( phó tiến sĩ) của Tuyên được đánh giá cao, anh được ở lại làm tiếp Docter (tiến sĩ khoa học), với đề tài kinh điển: “Thời kỳ quá độ tiến lên Chủ nghĩa Xã hội ở Việt Nam”. Ấy là năm 1976, khi Ngô Tuyên vừa tròn 30 tuổi. Đó cũng là thời kỳ nước Việt Nam vừa thống nhất, đang bừng bừng khí thế đi lên Chủ nghĩa xã hội.
Luận án của Ngô Tuyên đưa ra dự báo: Hai mươi năm nữa, tức năm 1996, cùng lắm là đến năm 2000, Việt Nam sẽ tiến hành xong thời kỳ quá độ và bước vào giai đoạn Chủ nghĩa Xã hội phát triển. Luận điểm này từng xuyên suốt trong các giáo trình đại học một thời gian dài. Vậy mà cho tới giờ, chúng ta vẫn còn đang loay hoay ở chặng đầu của thời kỳ quá độ.
Nghe mấy vị nhắc đến Kim Jong Un, Phó giáo sư Kinh tế học Huỳnh Cao Đoàn, người ít lâu nay lúc nào cũng nhức nhối về vụ tranh chấp đất đai ở Tiên Lãng, Hải Phòng, được mọi người tặng biệt danh là ông “Tiên Lãng”, gật gù:
- Đói ăn vụng, túng làm liều. Nó vừa đói vừa túng, hơn hai triệu người xứ sở sâm Cao Ly đang ngậm bã rễ sâm cầm hơi. Mà cái ả Hàn Quốc bên cạnh nhà thì cứ hơ hớ như con gái mười tám, nó ngứa mắt, nó cứ bấm bừa nút hạt nhân thì các ông tính sao?
Ông “Lỗi hệ thống” cười khẩy:
- Doạ thế thôi, chứ cho ăn kẹo cũng không dám chơi hạt nhân. Anh Tàu cũng ngãng ra rồi. Thằng Mỹ thì đang ra sức khích lệ anh Hàn. Chỉ ba bẩy hai mốt ngày là lại xuống thang ngay ấy mà. Nếu sai cứ bắc bếp lên lưng tôi mà đun…
Cái tay “ Lỗi hệ thống” này nổi tiếng là nhà chiến lược, bao giờ cũng có những đánh giá sắc sảo - Ông “Bôxít”, bí danh của nhà văn Phùng Nghiệp, người cắt ngón tay lấy máu viết đơn lên Quốc hội đề nghị cho dừng dự án Bôxit Tây Nguyên, vừa rít thuốc lào sòng sọc, vừa nghĩ thầm.
Ông “Lỗi hệ thống”, biệt danh của Luật sư Trần Lê. Tốt nghiệp Đại học Luật ở Cộng hoà Dân chủ Đức, nhưng từ khi ra trường, Luật sư Trần Lê chưa hề bào chữa cho một thân chủ nào, cũng như ông hầu như không sử dụng gì đến chuyên môn. Nghề của ông là làm thư ký riêng cho các nguyên thủ. Thành tựu sáng giá nhất trong đời công chức của Luật sư Trần Lê là vào năm cuối, trước khi nghỉ hưu thì ông phát hiện ra sự quanh co, luẩn quẩn trong quá trình phát triển của nước ta chính là do “lỗi hệ thống”. Phát hiện này lập tức được đồng chí Q, một vị lãnh đạo tối cao, ông chủ mà Trần Lê đang phục vụ, vô cùng đắc ý. Nhưng đồng chí Q là một người chín chắn, khôn ngoan. Không dại gì đồng chí phát ngôn khi còn đương chức. Chỉ đến khi nghỉ chức vụ, hạ cánh an toàn, đồng chí Q mới cho đăng tải trên một vài tờ báo và trả lời phỏng vấn các báo chí nước ngoài. “ Lỗi hệ thống” trở thành một phát hiện sáng giá. Bạn bè thân thiết, biết Trần Lê mới chính là tác giả của luận điểm nổi tiếng kia, liền đặt cho ông cái biệt danh: Ông “lỗi hệ thống”.
- Anh Nga có vẻ cũng ngả theo Mỹ, không ủng hộ Kim Jong Un – Ông “Bôxít” thủng thẳng. Khôn nhất là anh nhà mình. Cứ im thin thít, chẳng ủng hộ anh Hàn, mà cũng chẳng phản đối anh Bắc Triều Tiên…
Ông tộc người “Tà ru”, từ nãy vẫn lặng lẽ đọc tập bản thảo dịch, bây giờ mới góp chuyện:
- Thì cái máu ý thức hệ nó thế. Chẳng gì, cả thế giới còn mấy anh em đồng sàng với nhau, phải cưu mang nhau …
Ông tộc người “ Tà ru” ít nói, nhưng đã nói là sâu cay. “Tà ru” là tiếng nói lái của “tù ra”. Tên ông, Võ Hoài, nguyên Tổng biên tập báo “Ngôi sao”, từng nổi như cồn trong giới văn nghệ báo chí một thời. Ông là đồ đệ số một của triết gia tài danh Trần Đức Thảo, nói cùng lúc tiếng Anh, tiếng Pháp như gió, thông kinh sử làu làu. Thế rồi từ chủ nghĩa giáo điều cuồng tín, ông quay ngoắt sang phe dân tộc cấp tiến. Rồi bị vướng vào vụ xét lại, bị vu là thân Liên Xô. Từ đó thân bại danh liệt. Hồi ở trại tù Tiền Giang, có nhiều câu chuyện đồn thổi về ông. Tỷ như ông quyết không khai những gì giám thị áp đặt. Tra hỏi bao lần, ông vẫn lì ra, viên giám thị liền không nói gì, lẳng lặng mang chiếc rọ sắt đến bắt ông chui vào, rồi cho lăn xuống ao thả cá tra. Ba lần như thế, Võ Hoài sợ chết ngất mỗi lần thấy mang rọ đến. Một lần, phẫn uất quá, ông quyết tuyệt thực. Giám thị mang cơm ngon, thịt béo, canh ngọt đến dụ mãi không nghe, họ đâm chán, lại gặp ngày chủ nhật, giám thị liền bỏ về nhà. Nhân đấy, Võ Hoài tha thẩn ra cổng trại hóng gió. Thấy mấy cậu thanh niên trong xóm thui chó bằng rơm nếp, rồi họ pha thịt, nướng chả thơm phức. Đám thanh niên làng có vẻ cảm thông với Võ Hoài, rủ ông thử vài miếng. Vừa thèm, vừa thấy mấy sắp nhỏ dễ thương, thiệt tình, Võ Hoài nhập cuộc, đánh chén ngon lành. Hôm sau, giám thị trại gọi Võ Hoài lên, cho xem ảnh và máy camera quay cảnh ông đang xơi thịt chó ngon lành. “Đó, ông thấy chưa? Bất cứ việc gì ông làm, chúng tôi biết hết. Đừng giả vở đóng vai nhà dân chủ làm gì. Bọn trí thức các ông hèn lắm.” Viên giám thị làm Võ Hoài vừa xấu hổ,vừa nhục, cúi gằm mặt, khai hết.
Từ ngày ở tù ra, ông tộc người “Tà ru” Võ Hoài đã trở thành một con người khác. Nhiều lúc ông ngây ngây dại dại. Cả ngày có khi chẳng nói câu nào. Nhưng đã nói là như có máu, có muối, có ớt bật ra.
Câu chuyện của các cụ đại loại như vậy. Thường thì các vị đến Câu lạc bộ Rồng Bay, gọi là bơi lội, bóng bàn, cầu lông cho có việc, rồi kéo nhau vào quán bia hơi, hai vị chung một vại vì sợ tiểu đường, gọi thêm đĩa lạc, con mực, rồi chuyện phiếm cho qua ngày. Nhưng hôm nay ông “Quá độ” nhân có tí nhuận bút bài thơ đăng số Tết trên báo “Cây cao bóng cả”, muốn khao các bạn.
- Có chuyện này - Ông “Quá độ” cầm tập bản thảo huơ lên cho các bạn thấy - “ Long thành tạp ký” có chương viết về sử gia Ngô Sỹ Liên hay lắm. Những tư liệu lần đầu tiên được phát hiện. Hoá ra giới trí thức Việt gần sáu trăn năm sau cũng chẳng khác gì các ngài tiến sĩ thời Lê sơ…
Ông “Văn Giang” tủm tỉm cười lấy từ trong ngực ra mấy tập phô-tô, phân phát cho mọi người.
- Nhà sử học Huỳnh Đạo mới gửi cho tôi. Tôi vội phô-tô tặng các vị đây. Thế mới biết quyền lực thời nào cũng vậy. Nó có thể giết chết một đại công thần, một vĩ nhân như Nguyễn Trãi mà không cần xét xử. Nó có thể biến một sử gia danh tiếng thành kẻ nô bộc, một tiến sĩ tài năng thành kẻ bồi bút.
- Bây giờ ông mới biết điều đó à? - Ông “Bô xít” tròn mắt nhìn ông “Văn Giang” - Tôi tưởng ông bênh vực hai phóng viên bản Đài Trung ương khi họ kiên quyết phản đối dự án Ecopark, thì ông phải thấm thía điều đó chứ. Rõ ràng bọn côn đồ hành hung hai phóng viên muốn đến phanh phui sự thật giúp người nông dân Văn Giang, mà các cơ quan công quyền thì làm ngơ, còn hàng trăm tờ báo lề phải cả nước thì im thin thít. So với bây giờ thì tiến sĩ Ngô Sỹ Liên chỉ đáng là học trò ngành lịch sử và báo chí... Đau nhất là mang tiếng kẻ sĩ. Biết. Xấu hổ. Nhục nhã …mà không dám nói.
Ông “Quá độ” bỗng vỗ trán, nói:
- Hồi tôi học ở Matscơva, các bạn Nga quí sinh viên Việt Nam lắm. Các bạn luôn nói một câu cửa miệng: “Esli bư ia Vietnames, Ia budu Viettcôngom” (Nếu tôi là người Việt Nam, tôi sẽ là Việt cộng”. Bây giờ cánh sử gia, cánh trí thức chúng ta cũng có thể nói: “Nếu tôi là nhà người viết sử, tôi cũng sẽ là sử gia Ngô Sỹ Liên”…
- Hay. Quá hay - Ông bộ tộc “Tà ru” và ông “Văn Giang” cùng giơ ngón tay cái lên - Câu nói hay nhất trong ngày.
Mọi người đều như thấy mình có lỗi, khi ông “Bô xít” bỗng rơm rớm nước mắt.
- Thôi, chuyển sang đề tài khác đi - Ông “Tiên Lãng” nói với các bạn, khi vừa thoáng thấy trung tá Philip đi xe máy ngang qua - Quái, sao giờ này mà Ông Huỳnh Đạo vẫn chưa đến nhỉ? Ông Ngô Tuyên, ông không mời Chủ nhiệm câu lạc bộ à?
Ông “Quá độ” nhìn đồng hồ:
- Chúng ta đợi mấy phút nữa. Ông ấy đang kẹt đường.
Một người mới đẩy cửa bước vào. Đó là ông “Chủ thuyết”, tức Giáo sư Tiến sĩ triết học, Viện sỹ Viện hàn lâm Khoa học xã hội Lã Đức Phú, nguyên Viện trưởng viện Phương Đông. Ông và cộng sự vừa hoàn thành 8560 trang công trình khoa học cấp Nhà nước trị giá 250 tỷ về Chủ thuyết phát triển. Hoàn thành, nghiệm thu xong thì ông “Chủ thuyết” vừa tròn tuổi 70 và nhận sổ hưu. Ông tham gia“ Nguyễn Trãi Club” là để dấm sẵn chức Hội trưởng, khi “Hội những người yêu kính và bảo vệ Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ” được thành lập.
Ông “Lỗi hệ thống” vội thông báo:
- Các ông có đọc tin mới không? “ Tàu lạ” vừa bắt hai tàu của ngư dân đảo Lý Sơn đang đánh cá ở Hoàng Sa.
Ông “Sổ hưu” nói:
- Làm gì có chuyện đó? Lãnh đạo cấp cao hai nước anh em vừa gặp nhau hôm kia. Lại luận điệu của các thế lực thù địch. Ngày nào tôi cũng đọc báo, xem tivi, thấy Biển Đông hoàn toàn yên tĩnh.
Ông “Văn Giang” nói:
- Muốn biết tin tức, các ông phải vào mạng. Cũng như muốn biết về thực chất vụ án Lệ Chi Viên thì đừng đọc Ngô Sỹ Liên mà hãy đọc “Long Thành tạp ký”.
Mọi người cười ồ lên. Cũng là lúc ông Chủ nhiệm Huỳnh Đạo nhễ nhại mồ hôi cùng với giáo sư Hoàng Nguyên đi vào.
Các nhà trí thức cùng ào đến bắt tay dịch giả “Long Thành tạp ký”.
- Quí hoá quá. Hân hạnh được gặp.
- Nghe tin Mạc Ngôn được Nobel văn học phải không ông? Hàng chục người dịch Mạc Ngôn, nhưng chỉ bản dịch của ông là tuyệt bút…
Giáo sư Hoàng Nguyên chỉ biết chắp tay và cười hiền:
- Cám ơn các vị. Xin các vị cho tôi làm thành viên “Nguyễn Trãi Club”…
Ông Huỳnh Đạo lấy trong cặp một xấp tài liệu, phân phát cho mọi người.
- Xin lỗi các vị. Tôi phải tạt qua hiệu photo và đến đón giáo sư Hoàng nên đến muộn. Đây là những chương mà giáo sư Hoàng Nguyên và “Thọt bỉ nhân” vừa chuyển cho tôi. Vị nào chưa có thì xin mời.
Giáo sư Hoàng nói:
- Còn một chương kết nữa. Đây là chương sẽ đưa địa vị của “Đoàn gia văn phái” sánh ngang với “ Ngô gia văn phái”. Chúng tôi đang dịch gấp..
Ông “Lỗi hệ thống” nói:
- Tôi hi vọng một ngày nào đấy sẽ tìm thấy “Tam triều bản kỷ” của cụ Ngô Sỹ Liên. Chắc ở cuốn sử này cụ Ngô mới dám viết hết sự thật.
Ông “Tà ru” tiếp lời:
- Cuốn ấy vĩnh viễn chỉ là mơ tưởng.Vừa viết xong thì Thái hậu đã có “công văn” thu hồi và cho nghiền ra giấy vụn để tái chế…
Ông “Chủ thuyết” nói:
- Nhân việc xuất bản cuốn sách này, tôi đề nghị câu lạc bộ chúng ta hoàn thành gấp các thủ tục tiến hành đại hội thành lập “Hội những người yêu kính và bảo vệ Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ” ngay trong năm nay.
Chủ nhiệm Huỳnh Đạo nói:
- Báo cáo Viện sỹ Lã Đức Phú, Ban chủ nhiệm chúng tôi lúc nào cũng canh cánh về việc này. Các chi nhánh ở Canada, Mỹ, Pháp, Đức, Ostraylia…không ngừng tăng số hội viên và tháng nào cũng thúc giục. Họ sẵn sàng tài trợ kinh phí… Họ đã cử luật sư tham gia phiên toà lịch sử tuyên trắng án cho Ức Trai tiên sinh và Lễ nghi Học sĩ. Nhưng chúng ta còn phải chờ Quốc hội thông qua luật lập hội, luật biểu tình…
Ông “Sổ hưu” nói:
- Hội yêu kính Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ, thì không có gì phức tạp lắm. Nhà nước sẵn sàng ủng hộ thôi. Nghe nói cùng một lúc ông Huỳnh Đạo lại muốn đệ đơn xin thành lập “ Hội thơ lục bát” nữa, thì phức tạp đấy. Dính đến thơ phú, văn chương là rắc rối to. Dân chủ, tự do cũng phải có định hướng. Chúng mình được tụ bạ nhau ở đây để nói lăng nhăng thế này là tự do dân chủ quá rồi. Thử đọc “Long Thành tạp ký” mà xem.Tiến sĩ Ngô Sỹ Liên vừa mời các bạn tân khoa đến ăn giỗ, liền bị Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh cho người đến giải tán tắp lự. Nói thế để thấy đừng có lợi dụng tự do, dân chủ quá trớn, các vị ạ…
- Nói đến thế thì đành… bó tay chấm com. - Ông “Tiên Lãng” nói - Thưa Giáo sư Tiến sĩ Phan Công Tại, ông có biết ngay sau khi cách mạng Tháng 8 thành công, cụ Hồ Chí Minh đã cho thông qua Hiến pháp 1946, trong đó có Luật biểu tình không? Vậy mà cho tới bây giờ, sau 68 năm, các đồng chí và hậu duệ của Cụ Hồ vẫn treo luật này cao chót vót…, thì quả là một cuộc kéo lùi lịch sử khủng khiếp. Chúng ta làm cách mạng Dân tộc Dân chủ, nhưng mới xong một nửa, tức là mới hoàn thành cách mạng Dân tộc, đã đòi lên Chủ nghĩa Xã hội. Thế hệ chúng ta và con cháu chúng ta còn nợ dân tộc này một nền Dân chủ cho đến bao giờ?
Ông “Quá độ” nói:
- Thôi, xin quí vị đừng chạm vào nỗi đau của chúng tôi… Các vị đọc “Long Thành tạp ký” có thấy Nguyễn Trãi đã soạn xong “Quốc triều Hình luật” trong những ngày về Côn Sơn ở ẩn không? Vậy mà thời Thái hậu Nguyễn Thị Anh nhiếp chính, tức là suốt 19 năm triều vua Lê Nhân Tông, bộ quốc luật này bị vứt vào sọt rác. Phải đợi mãi đến thời vua Lê Thánh Tông , “Quốc triều Hình luật” mới được ban hành dưới tên “Bộ Luật Hồng Đức”. Đây là bộ luật vĩ đại nhất của Đại Việt ta cho đến bây giờ. Các vị ơi, đừng mộng mơ, ảo tưởng ở những bộ óc bã đậu, trái tim đen tối. Chỉ có vua sáng mới hội tụ được hiền tài, giữ được nguyên khí quốc gia.
Ông “Quá độ” chưa nói dứt lời thì trung tá Phillip đã lấp ló ở cửa.
Qua cặp kính đen, các vị trí thức hàng đầu như đọc thấy thông điệp: “ Các vị làm gì, chúng tôi biết hết. Đừng quên giữ lấy cái sổ hưu, các vị nhé”.
***
Nhờ bản dịch “Long thành tạp ký”, “ Thọt bỉ nhân” Bùi La Việt đã tìm ra ngày tháng Lê Lợi và mười tám vị công thần đã hội nhau ở Lũng Nhai để làm lễ tế trời đất khởi binh tiễu trừ giặc Minh.
Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Năm Mậu tuất,(1418, Minh Vĩnh Lạc năm thứ 16), mùa Xuân, tháng Giêng, ngày Canh thân, vua khởi binh ở Lam Sơn”. “Long Thành tạp ký” ghi rõ hơn: “ Sau lễ hạ cây nêu, nhằm ngày 8 tháng Giêng, Lê Lợi tụ hội hào kiệt, mở hội ăn thề ở Lũng Nhai, khởi binh diệt giặc Ngô”. Vậy là, tính đến mồng 8 tháng Giêng năm Quý tỵ, 2013, hội thề Lũng Nhai vừa tròn 595 năm.
Buổi sáng mùa Xuân, Ban chủ nhiệm “Nguyễn Trãi Club” tổ chức lễ dâng hương tại tượng đài Vua Lê bên bờ hồ Hoàn Kiếm, để kỷ niệm 595 năm Hội thề Lũng Nhai.
Đối diện với tượng đài vua Thái tổ Lý Công Uẩn ở phía đông hồ mới được dựng để chào đón một nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, tượng đài vua Lê nằm khuất phía mé tây hồ, tại số nhà 16, phố Lê Thái Tổ. Đó là một pho tượng nhỏ bằng đồng, cao 1,2 mét, dựng trên một trụ đá cao vút, có đế choãi ra như một trống đồng. Hiếm có một pho tượng cổ đẹp như thế còn lại ở trung tâm Thăng Long bao phen chìm nổi. Nhà điêu khắc tạc vua Lê trong bộ áo hoàng bào, thắt đai lưng, đầu đội mũ bình thiên, tay trái chống vạt áo, tay phải cầm kiếm hơi chúc xuống, đứng uy nghiêm nhìn về phương bắc.
Sử liệu Thăng Long còn ghi lại rằng, nơi đây vốn là đất của làng Kiếm Hồ, tổng Tả Túc huyện Thọ Xương . Thời Lý, hồ có tên Lục Thuỷ, rồi hồ Thuỷ Quân, thời Lê đổi tên Tả Vọng, ăn thông ra sông Cái ở Bến Đông. Sau sự tích Lê Lợi trả gươm cho rùa thần, hồ đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm, hay Hồ Gươm. Để ghi nhớ công ơn Lê Lợi, sau khi vua mất, dân làng Kiếm Hồ lập đền thờ ngài. Hằng năm, vào ngày giỗ ngài, 22 tháng 8 âm lịch, dân làng Kiếm Hồ và Nam Hương thường tổ chức tế lễ và tái hiện sự tích trả gươm với các nghi thức lễ hội tưng bừng. Nơi đây từng ghi bút tích và thơ văn của các danh sỹ Vũ Tông Phan, Nguỵ Khắc Thuần, Nguyễn Văn Siêu, Lê Đình Diên... Tiến sĩ Lê Quý Thích (1760 – 1825) từng có bài văn tế Lê Thái Tổ Cao Hoàng đế và còn lưu lại đôi câu đối treo tại đền:
“Hồ tâm dạ phát linh kim khí
Miếu mạo xuân hàm dị mộc hương”
( Lòng hồ đêm đêm vẫn phát ra khí gươm linh thiêng
Miếu điện ngày xuân vẫn thấm đượm hương thơm kỳ lạ).
Ai là tác giả bức tượng Lê Thái Tổ, vẫn còn là một ẩn số. Chỉ biết, cụm tượng đài được dựng trên đất ngôi đền thờ xưa theo lệnh của vua Thành Thái triều Nguyễn và có bia đá do quan Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải khắc ghi vào năm 1894, trong thời gian chính quyền bảo hộ Pháp cải tạo vùng hồ Hoàn Kiếm thành khu phố Tây.
Khi chủ nhiệm Huỳnh Đạo và các thành viên trong ban lãnh đạo “Nguyễn Trãi Club” đến tượng đài vua Lê Thái Tổ thì quanh Hồ Gươm vẫn còn thưa vắng người. Những hàng cây như còn ngái ngủ. Mặt hồ mờ ảo hơi sương, tưởng như khí thiêng Thăng Long còn đang ngưng tụ nơi đáy hồ, đang bao bọc gìn giữ những xưa cũ, cổ kính của mọi thời.
Ông “Chủ thuyết” đứng chống tay nhìn ngôi nhà bên cạnh khu tượng đài vua Lê, nay đã thành trụ sở của một cơ quan văn hoá, nói với các bạn:
- Các ông có nhớ Hội Khai trí Tiến đức ngày trước không? Năm tôi mười bốn tuổi, đã được theo ông anh họ vào đấy, nghe mấy ông Việt Quốc, Việt Cách diễn thuyết. Rồi chửi nhau loạn xạ…
Ông “Văn Giang” nói:
- Tôi thì lại nhớ hồi Câu lạc bộ Thống Nhất còn đặt trụ sở ở đây. Vị nào cũng nóng lòng đòi về Nam chiến đấu. Ba ông bạn tôi đều viết đơn xin đi B một ngày. Chỉ hai năm sau, cả ba cùng nằm lại dọc Trường Sơn…
Ông “Quá độ” nhìn pho tượng vua Lê đứng khuất lấp sau vòm cây và những khu nhà xung quanh, nhìn những bậc thềm rêu phong trầm mặc, bỗng nhớ đến bài thơ thi sỹ Chế Lan Viên viết về những năm đầu thế kỷ XX, khi thầy giáo Nguyễn Tất Thành trong vai anh Ba xuống con tàu Đô đốc Latouche Treville rời cảng Nhà Rồng đi tìm đường cứu nước. Ông chợt cảm khái về thế thái nhân tình, khẽ ngâm nga:
“Quanh Hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê
Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ…”
Câu thơ khiến ông “Bô xít” đứng ngẩn, bấm đốt ngón tay nhẩm tính, chợt kêu lên:
- Thôi chết rồi. Thế mà không nhớ ra. Hôm nay là ngày 17 tháng 2 dương lịch các vị ạ. Ngày 17 tháng 2 năm 1979, các vị có nhớ là ngày gì không? Trời ơi, 34 năm rồi. Chúng ta đã bỏ quên. Lịch sử đã bị bỏ quên. Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ cả rồi. Chúng ta vô ơn bội nghĩa với hàng vạn liệt sỹ đã bỏ mình ở biên cương phía bắc. Liệu chúng ta có-còn-là-người-không?
Ông “Tiên Lãng” giơ hai tay lên trời cao:
- Chao ôi, người ta muốn bỏ quên lịch sử thì người ta cũng tạo dựng nên được lịch sử. Cho nên bà Nguyễn Thị Lộ bị vu là ngủ với vua, rồi giết vua, Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc, có gì lạ.
- Đừng trách chi sử gia Ngô Sỹ Liên. Các sử gia hôm nay cũng bẻ bút hết cả rồi. Hơn ba mươi năm trôi qua mà không có một dòng trong sách giáo khoa, không có một dòng trong chính sử… - Ông “Bô xít” bỗng khóc nấc lên, khiến các bạn ông cùng sụt sịt theo.
Một thanh niên mang vòng hoa và hương tới.
Chủ nhiệm Huỳnh Đạo và ông “Tiên Lãng” như cùng đồng thanh:
- Cháu làm ngay cho các ông một vòng hoa nữa và ghi thêm một tấm băng, đề “Đời đời nhớ ơn các liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ Quốc”.
Ông “Tà ru” nói:
- Ghi rõ là “hy sinh tại mặt trận Biên giới phía Bắc”.
Ông “Sổ hưu” xua tay:
- Ghi hy sinh chung chung thôi, kẻo làm phật lòng bạn…
Anh thanh niên chẳng biết nghe ai, vội phóng xe đi.
Trong khi mọi người dâng hương trước tượng đài vua Lê Thái Tổ, ông “Chủ thuyết” bỗng đề nghị:
- Không nên đặt lễ ở đây. Chúng ta phải mang vòng hoa đến tượng đài liệt sỹ Bắc Sơn thắp hương mới phải lẽ, các ông ạ.
Mọi người tán thành ngay.
Cùng lúc đó có tiếng còi xe cảnh sát réo vang. Các rào chắn đã được kéo ra ngăn ngang đường Lê Thái Tổ. Phía bên kia hồ, nơi quảng trường tượng vua Lý và đền Bà Kiệu đã có mấy trăm người tập trung. Thấp thoáng có cờ đỏ, băng rôn.Tiếng hát từ đám đông trầm hùng cất lên: “ Biển Đông của ta đâu có phải ao nhà của chúng nó…” Rồi có tiếng còi cảnh sát. Mấy chiếc xe bus cùng chạy đến kéo người lên. Tiếng hô khẩu hiệu.Tiếng hò la. Tiếng kêu cứu như xé rách mặt hồ.
- Lại biểu tình về Biển Đông rồi - Ông “Chủ thuyết” nói.
Ông “Văn Giang” bảo:
- Hình như họ cũng kỷ niệm ngày 17 tháng 2 trước tượng vua Lý. Hay chúng ta cùng kéo nhau sang cả bên ấy.
Ông “Sổ hưu” dãy nảy:
- Đừng sang. Các ông không thấy công an và thanh niên xung kích đang dẹp bọn người quá khích đấy à?
- Thế thì đi Bắc Sơn - Ông Huỳnh Đạo quả quyết.
Cũng vừa lúc vòng hoa được anh thanh niên ban nãy mang đến.
Mọi người lên taxi, đem theo vòng hoa có dòng băng đỏ, chữ vàng: “Đời đời ghi nhớ công ơn các Liệt sỹ hy sinh vì Tổ Quốc”.
Dọc đường đi, ông “Tiên Lãng” phát hiện ra trung tá Phạm Tê vận thường phục, đeo kính đen, đuổi xe theo. Hình như Phillip đang ra sức gọi mọi người quay lại.
Lái xe nói:
- Đường lên lăng Bác bị chặn ở ngã tư Cột Cờ.
Ông “Bô xít” bảo lái xe:
- Cứ phóng thẳng đường Điện Biên Phủ. Nếu bị chặn thì rẽ đường Nguyễn Tri Phương.
Từ xa đã thấy người vây đặc kín khu đài liệt sỹ Bắc Sơn. Hình như có sự giằng co giữa một đám đông thanh niên và những người đến dâng hương. Đám thanh niên không rõ là bọn lưu manh côn đồ hay thanh niên phường, người nào cũng cầm theo dùi cui. Họ ngăn tất cả những ai mang vòng hoa, hương nến, băng rôn đến đặt dưới chân tượng đài. Tiếng mấy ông cựu chiến binh cùng gào lên:
- Các anh là ai? Bọn phản động à? Sao lại cấm nhân dân đến thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ chống quân bành trướng?
Một thanh niên đứng trên bậc tam cấp nói vào chiếc loa pin:
- Đề nghị đồng bào giải tán. Không có giấy phép của thành phố, không được tự tiện đến thắp hương đài liệt sỹ…
Tiếng la ó:
- Ai ký giấy phép? Yêu nước cũng phải xin phép à?
- Mở mạng mà xem. Hôm nay ông bạn vàng mở đại lễ kỷ niệm chiến thắng dạy cho Việt Nam một bài học đấy. Cờ đỏ rợp trời bên Trung nguyên kia kìa…Bạn thì kỷ niệm tưng bừng còn ta thì cấm là cớ làm sao?
- Đả đảo… Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống…
Mấy người vác vòng hoa cứ ào lên. Những bó hương cháy bùng như đuốc.
Một xe màu trắng đến giải tán đám đông. Hai xe bus được điều đến. Những người hăng hái xông lên đài tưởng niệm thắp hương đều bị bắt đẩy lên xe bus.
Chủ nhiệm Huỳnh Đạo và các vị trong Ban chủ nhiệm “Nguyễn Trãi Club” bị chặn xe từ góc đường Hoàng Diệu.
Trung tá Phillip như từ trên trời rơi xuống, chắp hai tay nài nỉ:
- Con xin các bố… Các bố về đi cho con nhờ… Mọi việc đã có Đảng và Nhà nước lo…
Ông Huỳnh Đạo gạt tay Phillip, kéo ông “Bô xít” :
- Chúng ta cứ vào thắp hương. Lúc này là lúc chúng ta phải thể hiện lòng yêu nước.
Đi một đoạn, ông “Bô xít” và ông chủ nhiệm Huỳnh Đạo bỗng thấy hẫng phía sau. Quay nhìn lại. Không thấy “ Chủ thuyết”, “Sổ hưu”, “Tiên Lãng”, “ Tà ru”, “ Văn Giang”… đâu cả. Mọi người đã lủi đâu mất.
Phía chân đài tưởng niệm, cuộc vây bắt đang hồi quyết liệt. Huỳnh Đạo bỗng kêu thất thanh khi thấy một người đang tập tễnh nhảy từ trên xe bus xuống. Nhưng ngay lập tức hai thanh niên cầm dùi cui nhào theo bắt lại.
- Kìa, “Thọt bỉ nhân”! Không được bắt dịch giả Bùi La Việt!
- Không được bắt người yêu nước lên trại Lộc Hà.
Ông Huỳnh Đạo và ông “Bôxít” kêu toáng lên.
Đúng là chủ trang Web “Thọt bỉ nhân” Bùi La Việt đang như một Triệu Tử Long tả xung hữu đột. Anh đang cố nhoài người khỏi hai thanh niên đội mũ dân phòng. Nhưng không thể thoát bốn cánh tay vạm vỡ như hai gọng kìm.
“Thọt bỉ nhân” bị lôi xềnh xệch, tống lên xe.
Chú thích:
(1) Viết tắt tiếng Nga: AOH – Akademic Opchatstvenưk Nauki - Viện hàn lâm khoa học Xã hội, trực thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô.
Không có nhận xét nào: