(trích)
HÀ XUÂN TRƯỜNG
Tạp chí Cộng sản, Hà Nội, s. 3/1980
[…] Trong quá trình phục vụ cách mạng, đã bao lần sống trong xáo động và mỗi lần vượt qua, anh chị em chúng ta lại lớn thêm, vững thêm. Năm qua quả là một trong những thời gian lịch sử có nhiều xáo động lớn trên thế giới, và đặc biệt ở trên đất nước chúng ta, lịch sử như muốn thử thách một lần nữa sự vững vàng, tinh thần cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Trước thử thách mới, Đảng đã tiến hành giáo dục trong toàn Đảng để phân rõ chủ nghĩa Mác chân chính và chủ nghĩa Mác giả hiệu, phê phán chủ nghĩa Mao. Một số vấn đề cũ còn đó chưa được sáng tỏ, những vấn đề mới lại đặt ra, chồng chéo lên nhau, trong lúc bộ máy tâm lý chiến của Mỹ, Trung Quốc và các loại phản động quốc tế khác với đủ các mánh khóe tinh vi và nham hiểm tác động hàng ngày qua nhiều con đường; tình hình phức tạp ấy làm cho một số ít người không khỏi bối rối, thậm chí dao động, tưởng chừng như mọi thành quả phải được đánh giá lại, mọi giá trị phải được xem xét lại. Một số người tìm nguyên nhân những khuyết điểm, nhược điểm trong quá trình trưởng thành của nền văn nghệ ta trước tiên không phải ở trách nhiệm của một người văn nghệ sĩ, mà ở đường lối, chủ trương.
Thậm chí có đồng chí như Hoàng Ngọc Hiến chỉ “đọc một số tác phẩm” đã vội vàng “xác định những đặc điểm văn học nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua”, là các “tác giả dường như quan tâm đến sự phải đạo nhiều hơn là tính chân thật” (4) gần như là phủ định những thành tựu văn học và nghệ thuật của ta cả một giai đoạn vừa qua mà nét nổi bật là tập trung ca ngợi cái cao cả của cuộc chiến đấu giải phóng Tổ quốc và tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, là tính đảng của đội ngũ văn nghệ sĩ được tôi luyện trong chiến đấu, nghiêm chỉnh thực hiện đường lối của Đảng. Hoàng Ngọc Hiến cho văn nghệ của ta thiếu tính nghệ thuật vì “ảnh hưởng tiêu cực của xu hướng cao cả”, không theo “quy luật vận động của nghệ thuật từ cái cao cả đến cái đẹp”, không chân thật vì theo “chủ nghĩa hiện thực phải đạo”, cho nguyên nhân sâu xa của các thứ bệnh công thức, minh họa, v.v. còn lại ở cái xã hội đầy rẫy những quan điểm, cách thức thưởng thức máy móc, một chiều, như theo một sự chỉ huy kiểu Mao-ít. Bài của Hoàng Ngọc Hiến còn mắc những sai lầm về mỹ học, về việc áp dụng khập khiễng và mù quáng một số khoa học đang thịnh hành ở châu Âu vào việc nghiên cứu văn nghệ ở nước ta. Tất nhiên cách nhìn nhận thiển cận và thiếu khoa học ấy đã bị phê phán. Nhưng điều đáng nói là, từ bài báo của Hoàng Ngọc Hiến, cần chú ý ngăn chặn khuynh hướng mơ hồ mà tưởng sáng suốt, phi khoa học mà tưởng khoa học, dễ rơi vào thứ “phi Mao hóa” hiện nay ở Trung Quốc mà cứ tưởng đang chống chủ nghĩa Mao.
Để thúc đẩy phong trào văn nghệ vươn tới những đỉnh cao mới của nghệ thuật, cần phê phán mọi sự trì trệ trong nhận thức và trong sự chỉ đạo, cần đưa công tác lý luận tiến lên những bước mới đủ sức giải đáp những vấn đề mới, nhưng không được rời bỏ những quan điểm cơ bản đã làm cơ sở cho đường lối của Đảng. Phê phán việc vận dụng một cách máy móc và thiển cận nguyên tắc “văn nghệ phục vụ chính trị” là cần thiết, nhưng đồng thời cũng cần làm cho mỗi người nhận rõ tình hình đấu tranh chính trị gay gắt và hết sức phức tạp trên thế giới cũng như trong nước, đòi hỏi lúc này hơn bao giờ người văn nghệ sĩ cách mạng phải nắm vững mục tiêu đấu tranh chính trị của Đảng. Cần khắc phục triệt để bệnh công thức, sơ lược, không quan tâm đến chức năng của văn nghệ, cần phê phán mọi quan niệm thô thiển về văn nghệ, nhưng đồng thời phải khẳng định mạnh mẽ văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa dù dưới phong cách nào, dù theo thể loại nào, đều phải từ chính đời sống để cải tạo và xây dựng đời sống. Phát huy và bảo đảm cá tính, phong cách của người nghệ sĩ là yêu cầu chính đáng của văn nghệ; nhưng trong chế độ xã hội chủ nghĩa cá nhân gắn liền với tập thể theo phương châm “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”, tự do cá nhân là sự nhận thức được sự tất yếu ấy. Vì vậy tự do của người văn nghệ sĩ thể hiện trước tiên ở sự nhận thức tự giác đối với những quy luật của xã hội, chứ không phải thể hiện ở “sự giải phóng của con người” với tư cách cá nhân như đòi hỏi của chủ nghĩa nhân văn chống lại mọi ràng buộc phong kiến thời kỳ đầu sau cách mạng tư sản.
Sự chuyển động của cách mạng thường gây nên sự chuyển động trong văn nghệ, lĩnh vực tinh tế và nhạy cảm nhất của xã hội. Có sự chuyển động vươn tới, thuận chiều, nhưng cũng có sự chuyển động ngược chiều. Khác với những bối rối những năm trước đây, những bối rối lần này ở một số đồng chí đã sớm được khắc phục. Điều đó chứng tỏ đội ngũ văn nghệ sĩ của chúng ta đã được rèn luyện qua nhiều thử thách là chỗ dựa đáng tin cậy của Đảng, phong trào văn học và nghệ thuật của ta đang chuẩn bị những điều kiện mới cho những bước phát triển mới. Tình hình chính trị và xã hội đang có nhiều thuận lợi nhưng cũng đang có nhiều khó khăn và nhiều phức tạp. Cuộc đấu tranh tư tưởng trên lĩnh vực này còn là vấn đề hàng ngày, chúng ta cần tỉnh táo, nhưng cũng đừng sợ nó. Cuộc đấu tranh thông qua những hình thức từ thấp đến cao, từ thảo luận, hội thảo đến luận chiến là tất yếu của mọi quá trình phát triển.
[…….]
Chú thích
(4) Báo Văn nghệ, số 23, ngày 9 tháng 6 năm 1979.
Nguồn:
Tạp chí Cộng sản, Hà Nội, s. 3 (tháng 3/1980), tr. 28-30.
Không có nhận xét nào: