Trần Đức Tài
Qua cánh cửa sổ lớn và vuông mái lợp tôn nhựa trong, ánh sáng dội vào tường trắng tràn ngập không gian xưởng vẽ trên tầng lầu nhà riêng của Tuấn. Khung toan lớn chiếm ngự một bức vách chờ đợi những nhát sơn sinh thành cho tác phẩm tương lai. Những bức đã hoàn tất treo kín các bức tường còn lại. Trong không gian sáng sủa ấy, những bức tranh là niềm u ám rực ngời cộng hưởng bao sắc màu thẩm đen bức bối.
Từ những con người bình thường thuộc mọi tầng lớp xã hội cho đến cả những thánh tích, thần tượng đều bị Tuấn đặt nghi vấn dưới nhát cọ. Tất cả thường là không có đầu hay không mang gương mặt. Ở chỗ lẽ ra là nhân dạng để xác định cảm xúc cho người xem lại là những mảng đen đặc quánh hay những nếp quần áo bao quanh một con người vô hình. Bối cảnh có khi cũng bị dìm ngập trong màu đen, không chi tiết, không manh mối. Những hành vi bị cưỡng đoạt khỏi môi trường sống của nhân vật hay bị bứng lìa khỏi bối cảnh lại âm thầm toả sáng trong cái không gian bế tắc ấy như một dấu hỏi lớn lơ lửng.
Những dấu hỏi ấy là động lực sung mãn cho sáng tạo của Tuấn. Loạt “Tranh Đen” Tuấn vẽ trong năm năm 2007-2011 gồm 100 bức hầu như không có mặt người như thế. Những nghi vấn gắn liền với một hiện trạng xã hội đầy phi lý càng khiến Tuấn không thoả mãn với những gì mình đã vẽ. Từ 2011, anh lại trăn trở với những giá trị đầy mâu thuẫn trong loạt tranh “Di sản”. Khác với những nhân vật “Tranh Đen” – những con người trống rỗng bị đày ải trong một thế giới vô định hình – nhân vật trong “Di sản” lại được Tuấn bố trí trong những cảnh trí chi tiết và âm u nhưng chẳng có liên quan gì đến xuất thân của những con người trống rỗng không đầu ấy.
Tuấn nói: “Bóng tối luôn chứa đựng điều huyền bí và ẩn số. Bóng tối khơi gợi sự tò mò của mọi người để họ bước vào trong tìm kiếm một sự thật đang bị che giấu, nhưng nó cũng tạo nên những lo lắng và nhiễu loạn.” Tuấn đi tìm sự thật và đối mặt với những lo ngại vô hình bằng cách tạo hình những u uất ấy thành tranh.
oOo
Không phải ngẫu nhiên mà những nghi vấn về cuộc đời gắn liền với sáng tạo của anh. Cuộc đời anh cũng là một chuỗi dài chứng kiến và trải nghiệm sự phi lý. Điều phi lý đầu tiên anh kinh qua ngay trong 10 năm ấu thơ chính là chiến tranh. Tuấn sinh năm 1965 tại Quảng Trị. Tuấn lên ba thì xảy ra biến cố Tết Mậu Thân 1968. “Cả gia đình tôi phải chạy đi ẩn nấp ở một vùng khác, không ai bị thiệt mạng nhưng khi trở về thì nhà cửa tài sản đã bị cháy tan hoang, phải bắt tay làm lại từ đầu.”
Gallery Primae Noctis tại Lugano (Thuỵ Sĩ) sẽ khai mạc vào ngày 28.5.2015 một triển lãm cá nhân của Nguyễn Thái Tuấn - một hoạ sĩ ở Đà Lạt. Đây là triển lãm cá nhân thứ hai của anh ở châu Âu. Trước đó, Gallery Primo Marella ở Milan (Ý) cũng đã có triển lãm tranh Nguyễn Thái Tuấn từ ngày 7.12.2014 đến 31.1.2015 và xuất bản tập sách tranh để quảng bá hơn 80 tác phẩm của anh cùng với bài giới thiệu của nhà phê bình mỹ thuật Demetrio Paparoni. |
Chỉ vài năm sau, lại xảy ra biến cố Mùa hè đỏ lửa 1972. “Đại lộ kinh hoàng” nằm sát bên làng của Tuấn, nơi có biết bao nhiêu người phải bỏ mạng trên đường trốn chạy vì nằm giữa trận đánh của đôi bên. “Cả nhà phải gồng gánh ra đi, một năm sau trở về lại chứng kiến nhà tan cửa nát vì bom đạn, chẳng còn lại thứ gì. Ruộng vườn tiêu điều xơ xác, hố bom chằng chịt khắp nơi.”
Cuộc sống vừa mới ổn định lại thì đến mùa xuân 1975. Một lần nữa cả cả gia đình Tuấn lại phải chạy vào Nam. Sau những ngày hãi hùng trên biển cả, vừa đặt chân tới đất liền thì Sài gòn đã giải phóng, cả nhà đành phải tìm đường trở lại quê nhà. “Lần này thì nhà cửa vẫn còn nhưng tài sản thì mất sạch, may mắn là không có ai trong gia đình thiệt mạng.” Một cuộc đổi thay bắt đầu với những năm gian khó nhất.
Dấu ấn chiến tranh và tuổi thơ chạy loạn vẫn hiện diện trong sáng tác của Tuấn sau bao nhiêu năm. Hình tượng đe doạ của những chiếc xe tăng, trực thăng và máy bay oanh tạc cùng những phế tích vì bom đạn và nạn nhân chiến cuộc được Tuấn khắc hoạ trong nhiều tác phẩm của mình. Những di sản của lịch sử dưới gam màu u uẩn đặt lại những câu hỏi muôn thuở về sự phi lý của chiến tranh và thân phận của một thế hệ lạc lõng thời hậu chiến.
Bản thân anh cảm nhận được sự lạc lõng ấy rất sớm. Thích vẽ từ nhỏ, Tuấn được người cha vốn là người yêu thích nghệ thuật tạo điều kiện tối đa trong hoàn cảnh nghèo khó của gia đình để anh mày mò tự học vẽ. Nhưng chính cha lại không đồng ý cho Tuấn thi vào trường mỹ thuật khi anh học xong cấp ba. Tuấn bỏ nhà đi. Đi một mạch lên Đà Lạt! Trong hành lý của cậu học sinh này là cuốn “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học” của Phạm Công Thiện. Tuấn mê Đà Lạt chính vì những gì Phạm Công Thiện viết về Đà Lạt trong cuốn sách đó. Và vì động lực nỗi loạn sáng tạo mà cuốn sách ấy -- như đã từng -- ươm cấy.
Ở Đà Lạt chỉ được mấy ngày, Tuấn không tìm được việc làm mưu sinh nên lưu lạc sang Bà Rịa-Vũng Tàu, rồi Bình Dương làm đủ thứ việc nương rẫy nhọc nhằn để sống qua ngày. Sau một năm nếm trải bụi đời, anh về lại Quảng Trị và tự ý thi vào hệ trung cấp trường Mỹ thuật Huế không cần hỏi ý kiến người cha. “Tôi chỉ được học ba năm trung cấp, vì một lý do nào đó người ta không cho tôi tiếp tục thi lên hệ đại học dù tôi tốt nghiệp điểm rất cao.” Anh lại đối đầu với một phi lý khác.
Sự phi lý cũng có lý do của nó. Cha mẹ Tuấn đều là nhà giáo. Năm 1968 cha anh bị động viên đi lính khoảng một năm thì trở về dạy học lại cho đến năm 1975. Gọi là đi lính nhưng ông không hề cầm súng! Sau năm 1975 thì mẹ anh được tiếp tục đi dạy nhưng người cha thì phải đi học tập mấy tháng rồi trở về nhà làm ruộng và các công việc khác để nuôi sống gia đình. Ông không được phép đi dạy lại.
oOo
Không được thi lên đại học là một cú sốc lớn. “Tôi đành phải ra trường năm 1987 và tìm kiếm việc làm để sống”. Đà Lạt vẫn là nơi Tuấn khát khao muốn đến, muốn sống ở đó. Sống để vẽ! Anh lại đi Đà Lạt ngay. Thành phố này hợp với cá tính của anh vốn thích cuộc sống nhẹ nhàng yên tĩnh và ít giao du. Sau một thời gian khoảng tám năm làm việc sản xuất hàng mỹ nghệ, trang trí và vẽ tranh cổ động cho một cơ quan văn hoá của nhà nước, Tuấn nghỉ việc để bắt đầu một cuộc sống tự do dồn hết tâm trí cho hội hoạ.
Tuấn nói: “Tôi không học được gì nhiều trong ba năm ở Trường Mỹ thuật Huế”. Anh chỉ được dạy một số cách vẽ bằng bút chì, chì than, bột màu căn bản cùng với một ít kiến thức về thiết kế đồ hoạ để chứng minh khả năng làm công tác tuyên truyền. Tuấn phải tự học hỏi để tìm ra một ngôn ngữ tranh riêng cho mình. Anh sống ẩn dật trong ngôi nhà kiêm xưởng vẽ. Ít ra ngoài trừ đôi lúc gặp gỡ vài người bạn hiếm hoi nên anh không có nhu cầu đi xe máy hay dùng điện thoại di động. Anh đóng cửa ở nhà sáng tác theo bản năng, hoạ chính mình thành nhân vật trong tranh dưới nhiều vai trò khác nhau. Anh tự vẽ mình trong niềm khắc khoải về những điều phi lý và trong nỗi nhọc nhằn kiếm tìm sự khẳng định bản thân bằng tác phẩm.
Khi tuổi càng chín hơn thì quan niệm về nghệ thuật và sáng tác của anh cũng dần dần thay đổi. Thay cho những màu sắc ửng ngời của tuổi ba mươi, tranh của Tuấn từ từ xẩm tối. Loạt “Tranh Đen” bắt đầu từ 2007 đánh dấu một giai đoạn phát triển của hoạ sĩ này. Bắt đầu từ bức tranh vẽ chính bà nội thương yêu của anh.
“Đó là một bức tranh chân dung bình thường, nó tách khỏi loạt tranh tôi đã vẽ sau này, nhưng tôi vẫn đặt nó vào vị trí đầu tiên như là một dấu mốc của một giai đoạn.” Tuấn là anh cả trong một gia đình có bảy anh chị em. Lương tiền của bố mẹ chẳng được bao nhiêu, phần lớn là nhờ vào bà nội tôi và mấy mảnh ruộng vườn. Lúc nhỏ, Tuấn đi học vừa theo bà đi làm ruộng. Có thể nói bà là người đã ảnh hưởng nhiều nhất đến cuộc đời của anh.
Anh đã chụp ảnh bà tại Quảng Trị, và dùng bức ảnh để vẽ lại khi vào Đà Lạt. Khi đó bà nội anh đã 87 tuổi. “Bà đã mất hết trí nhớ, không nhận biết được ai, không nhận biết cả thời gian và không gian xung quanh. Hằng ngày bà cứ ngồi yên hàng giờ, mặt hướng ra cửa, với khuôn mặt vô hồn.” Trong khi vẽ bà, điều đầu tiên mà anh cảm nhận được đó là sự trống rỗng, và anh đã hình dung như có một bóng đen bao trùm lên ký ức của bà, xoá bỏ tất cả mọi thứ. Bà ngồi đó, nhưng chỉ còn lại cái dáng vẻ, còn con người của bà không tồn tại. Những khái niệm “trống rỗng”, “bóng đen” và “sự xoá bỏ” đó cứ ám ảnh trong tâm trí người hoạ sĩ.
Kỹ thuật thể hiện của Tuấn cũng thay đổi. Với bức chân dung bà nội, đây là lần đầu tiên Tuấn có ý thức về việc sử dụng nhiếp ảnh như là một phương tiện trung gian để đưa vào cái nhìn riêng của mình. Anh vừa sáng tác vừa học hỏi từ cách vẽ đến cách tiếp cận các sự kiện chính trị xã hội và các vấn đề lịch sử qua nguồn tư liệu ảnh của hai bậc thầy đương đại là hoạ sĩ Đức Gerhard Richter (sinh 1935) và hoạ sĩ Bỉ Luc Tuymans (sinh 1958). Giữa những đợt sáng tác triền miên, Tuấn lại về quê nhà Quảng Trị hay đi xa một chuyến mang theo máy ảnh tìm kiếm chất liệu.
Sau 100 bức “Tranh Đen”, những chiêm nghiệm về sự phi lý lại thôi thúc anh thay đổi cách thể hiện. Loạt tranh “Di sản” thực hiện từ đầu năm 2012 lại tập trung vào những cuộc hôn phối gượng ép của quá khứ và hiện tại…
Mỗi bức tranh với riêng Tuấn lại là một cuộc chiến đấu để xoá bỏ hai cái bóng khổng lồ Richter và Tuymans đã ảnh hưởng anh.
oOo
Trong tầng lầu làm xưởng vẽ đầy tranh và sách, Tuấn đứng lặng trước khung toan trắng áp đảo. Lấp đầy sự trống rỗng màu trắng đó là thách thức âm thầm chờ đợi anh thường trực. Căn nhà trong hẻm nhỏ ở Đà Lạt như dường đang nứt rạn vì những ý tưởng bức bối đang tìm cách vùng thoát khỏi tâm tư người hoạ sĩ ẩn dật này. Chiếc cọ chém một nhát màu đầu tiên lên mặt vải sần, khơi nguồn cảm hứng cho một bức tranh mới. Tuấn lại vẽ, lại lấp đầy khung vải trắng với những hoà sắc của bóng tối.
Nguồn: http://nguoidothi.vn/vn/news/van-hoa-giai-tri/san-khau-my-thuat/4653/hoa-sac-cua-bong-toi.ndt
Không có nhận xét nào: