THƯ ĐẦU NĂM, TÁI BÚT
CHẾ LAN VIÊN
Văn nghệ Tp. HCM., s. 157 (23.01.1981)
Văn nghệ, Hà Nội, s. 8 (21.02.1981)
L.T.S. –
Trong tình hình văn nghệ gần đây, có những ý kiến, những quan điểm của một số
anh chị em cần được phân tích, thảo luận để phân biệt đúng sai. Tuần báo VĂN
NGHỆ đã đăng một số bài, trong đó có bài THƯ
CUỐI NĂM ĐỌC LÚC ĐẦU NĂM của đồng chí Chế Lan Viên (số 2 năm 1981).
Nay xin
đăng tiếp bài THƯ ĐẦU NĂM, TÁI BÚT. Bài
này, theo yêu cầu của tòa soạn Văn Nghệ, tác giả có sửa đôi chỗ để những ý kiến
phát biểu tập trung vào việc thảo luận quan điểm.
Tuần báo
Văn Nghệ, trên tinh thần tôn trọng quyền phát biểu ý kiến của các tác giả, mong
sẽ được tiếp tục đăng những ý kiến khác nữa để cuộc thảo luận đạt kết quả tốt.
TUẦN
BÁO VĂN NGHỆ, HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM
Ghi chú của người sưu tầm:
Do yêu cầu của tòa soạn
báo Văn Nghệ (Hội nhà văn VN) như
trên, tác giả CHẾ LAN VIÊN đã sửa một số câu đoạn, nên có những chênh lệch về
văn bản giữa bản đăng Văn Nghệ Tp. HCM. và
bản đăng Văn Nghệ (Hội nhà văn VN).
Trong bản đánh máy này, người sưu tầm tạm quy ước: các phần chữ màu đen là đều
có ở cả 2 văn bản; những đoạn chữ màu xanh
là chỉ có ở bản đăng Văn nghệ Tp. HCM.; những đoạn chữ màu nâu là chỉ có ở bản đăng Văn Nghê (Hội nhà văn VN). Các tên riêng, bản
đăng Văn nghệ Tp.HCM. để theo nguyên
dạng latin, bản đăng Văn Nghệ (Hội
nhà văn VN) ghi phiên âm; bản điện tử ở đây ghi nguyên dạng latin để tiện cho
việc tra cứu. – L.N.Â.
Chị Kim Nga,
Tôi thú thực cùng chị rằng tôi không quan trọng hóa các sai
lầm trong giới chúng tôi về triết học. Chẳng phải bản thân tôi cũng từ những
duy tâm, siêu hình mà đến với Đảng sao? Năm 1942 khi tôi viết Vàng Sao tôi rất xa với Sao Vàng. Huống
nữa, giới chúng tôi là giới viết văn, bận làm văn làm thơ là chính, có mấy thì
giờ mà lo các việc triết đó. Có người nghĩ sai nhưng khi viết vẫn đúng, là vì
khi nghĩ, chỉ có một phần của bộ não họ nghĩ, chứ khi viết thì cả cuộc đời của
họ viết, mà đời họ thì lại gắn với nhân dân, với Đảng. Tôi tiếc là [anh Hiến và anh X.] [một
số anh có quan điểm sai đã] quá kiên trì giữ ý kiến sai của mình. Sai thế
chứ sai nữa, miễn khi có ai bảo “sai rồi”, mình giật mình một cái, − cười xòa nữa
– vứt cái không đúng của mình đi, thì thôi chứ sao? Đạo Phật chả có cái thuyết
người phạm tội sát sinh, vứt dao đi rồi thì lập tức thành Phật đó sao? Đằng
này, đã ngót nghét không hai năm thì cũng mười tám tháng trời, đâu vẫn cứ đấy.
Chị cứ hình dung có hai người cãi nhau, một bảo hai với hai là bốn; một bảo bốn
chính là ba cộng một kia. Cả hai cùng đúng cả. Nhưng kéo dài tranh luận độ
hai năm như vậy, làm cho các nhà văn cũng tranh luận theo, trong các trường đại
học, ở giữa quán bia đều bàn về hai hai
và ba một thì sẽ ra sao? Kể ra mình
có một cái thuyết mà ai nấy đều bàn tới, anh bạn trẻ bên cạnh nhà tôi không hay
biết, không đọc đến cũng ủng hộ, cũng hoan hô, − kể thế cũng thích. Nhưng tình
hình có đế quốc Mỹ, có bành trướng Bắc Kinh, có trăm thứ lộn xộn khác, mà dài
dài lý luận như vậy, thì chị tính là hay hay dở? Huống hồ ở đây phải đâu các
anh ấy đúng.
Nói đến đế quốc, bành trướng, sợ chị lại cho tôi là mao-ít,
liệu cãi lý không xong, bèn đem tình hình quốc tế ra hù dọa. Vậy thôi, ta gác
chuyện có đế quốc, có địch sang một bên, không bàn về chính trị nữa, mà chỉ thuần
bàn về học thuật. Nhưng trong học thuật ngày nay có chuyện ông Sartre, ông
Camus, ông Garaudy, ông Kant… không đấy? Cái gì của các ông ấy ta tiếp thu, cái
gì ta cần phê phán, hay dù không phê gì, phê ai đi nữa, thì ít ra ta cũng rạch
ròi. Và điều mà tôi không thích ở [hai bài đề dẫn,
đề cương, luận đề, lý luận chị thích] [trong
các luận điểm chúng ta đang tiến hành phê phán kia], trước hết chính là
sự không rạch ròi.
II
Đầu tiên là các anh không rõ ràng, rạch ròi về chữ nghĩa. [Nhất là bài anh X. rối rắm quá, đọc nhiều lần mới hiểu.
Anh Hiến thì có vẻ khoa học, học viện hơn – chứ không phải học viện dân gian –
những cũng không rõ. Phân vân]. Ví dụ: Một mặt, anh
phê văn học của ta là giả, là phải đạo, là mang dấu ấn của cái cao cả, là cái
phải tồn tại lấn át cái đang tồn tại. Nhưng cách đó mươi dòng, [lại tán thành] [anh
viết:] “… Trong ý niệm sâu xa của
người Việt Nam ta, hiện thực của văn học có khi không phải là cái hiện thực
đang tồn tại, mà là cái hiện thực mọi người đang hy vọng”. Thế thì đó là đặc
điểm đáng quý của dân tộc, của Việt Nam mình rồi, đáng khen rồi! [Anh X. rất hay] [Hoặc
giả trong một số trường hợp khác, đã có sự] lẫn lộn trong cách dùng chữ.
Ví như lẫn lộn làm chủ và làm chủ tập thể. Cũng không phải lẫn lộn.
Chính [anh] [ra
là người lập luận] thích dùng làm chủ nhiều hơn. Tôi làm chủ ngôi nhà này, vậy tôi là ông chủ,
là cá nhân tôi đòi quyền lợi. Nhưng nếu tôi làm
chủ tập thể ngôi nhà này thì lại là ngoài tôi ra, còn đồng chí, còn đồng đội,
ngoài cá nhân còn xã hội, tôi vừa có quyền ở vừa có nghĩa vụ phải quét nhà. Nhớ
có lần anh Tố Hữu [có] nói: “Đảng đang nói đẹp
nhất là làm chủ tập thể, sao lại nói đẹp nhất là cá nhân?” Có thể mượn câu ấy
vào đây được. Sự không rõ ràng về văn trên, có nguyên do hay không ở sự không
rõ ràng, phân vân ở trong ý, trong tình cảm. Các anh khen văn học cách mạng, nhưng cả giai đoạn, nhưng mười năm gần đây thì… Các anh ca tụng hiện thực, nhưng ca tụng xong thì… Các anh tán
thành hiện thực xã hội chủ nghĩa, nhưng… Các
anh có nói chút ít về phản ánh, nhưng… Lại
cũng nhưng ! – Và chức năng phản
ánh lại là… – Và sau những thì, những nhưng, những lại là đó, lại
là chuyện khác. Cái cũ đã yêu, giờ còn đáng yêu như cũ không? Cái mới ta gặp,
ta tìm, có thể sai, nhưng có nên cảnh giác thái quá không? “Bước đi một bước giây giây lại dừng”. Vế này bước lên vế kia dừng
lại. Thôi nói gì chúng ta. Chúng ta chỉ phân vân trong lòng. Chứ Sartre thì
trong lòng dằng xé nữa kia. Sartre viết: “Chúng
ta sinh ra trong giai cấp tư sản và giai cấp đó dạy cho chúng ta biết giá trị của
những thắng lợi của nó: tự do chính trị, tự do thân thể. Nhưng đồng thời tính lịch
sử lại thúc đẩy chúng ta đi theo giai cấp vô sản để xây dựng một xã hội không
có giai cấp. Chúng ta ở vào tình trạng của những người trọng tài, bị dằng xé giữa
một giai cấp này và giai cấp kia, và chúng ta phải chịu đựng thứ yêu sách hai mặt
đó như là chịu đựng một sự khổ nạn...”.
Có người vì muốn thoát khỏi yêu sách hai mặt đến từ hai
phía đó, liền nghĩ ra đường lối thứ ba. Giữa rượu vang trắng và rượu vang đỏ, họ
pha chế một thứ nhờ nhờ. Ở đây không có chuyện đó nên không bàn vội. Nhưng tôi
hơi phiền là các anh không rạch ròi. Các tên tuổi đó, Kant cách đây mấy thế kỷ,
Sartre, Camus mất rồi, Garaudy ở xa ta hàng vạn cây số, vậy mà từng giờ từng
phút họ vẫn tấn công ta. Tấn công trên tất cả các vấn đề mà ta đề cập: nhận thức,
phản ánh, hiện thực, con người, v.v. Các anh đã phản công chưa? Hay ít ra đã rạch
ròi với họ chưa? Khi các anh phát ngôn là phát lên giữa một môi trường đã có những
tiếng nói của họ, vậy các anh đã lọc những tạp âm ấy ra chưa?
Thế nhưng đã có những sự trùng hợp giữa các anh với họ rất
là kỳ! Như khi anh Hiến viết: “Mỗi cá
nhân, như chúng ta biết, bao giờ cũng gắn với nhiều tập hợp, những tập hợp quen
thuộc trong số này thường vẫn được nêu lên trong lý lịch văn học dưới các mục:
thành phần giai cấp, dân tộc, tôn giáo, giới tính, nghề nghiệp, Đoàn, Đảng …
Nhưng, như chúng ta biết, [số cộng] [số phận]
(1) những thuộc tính đó không
tạo ra được cá nhân con người, không thuyết minh được cá tính riêng, bản lĩnh độc
đáo và bộ mặt đặc sắc của nó.” Thì
tôi nhớ ngay đến đoạn văn của Sartre viết gần y như vậy. Sartre ca tụng hết lời:
“Không còn nghi ngờ gì nữa, quả thực chủ
nghĩa Mác xuất hiện ngày nay như là học
thuyết về nhân loại (anthropologie) duy nhất có thể đồng thời vừa có tính lịch
sử, vừa có tính cấu trúc…” Hoặc: “Sau khi đã thu hút chúng ta về phía nó như
mặt trăng thu hút nước thủy triều, sau khi đã làm thay đổi mọi tư tưởng của
chúng ta, sau khi đã thủ tiêu trong ta những phạm trù của tư tưởng tư sản…”
Sau khi đã đưa chủ nghĩa Mác lên mây như
thế, ông ta hạ luôn một đòn xuống đất. Ông ta cho chủ nghĩa Mác có “một lỗ hổng”
là đã lãng quên, bỏ sót con người. Và
“Chủ nghĩa hiện sinh có thể sống lại và
giữ vững bởi vì nó khẳng định thực tế của Con Người”. Thế là trong ngôi lầu
của chủ nghĩa Mác mà Sartre ca tụng hết lời, chỉ than phiền là nó vắng người,
ông đã đưa Người của ông vào cho nó làm giặc, à quên, cho nó làm chủ! Sartre
cho là chủ nghĩa Mác quên thân phận cá nhân, tước bỏ các chi tiết, chỉ ham nói
các khái niệm, các phạm trù: “Các khái niệm
mở ra của chủ nghĩa Mác đã khép lại, đấy không còn là cái thìa khóa (mở ra) nữa”;
hoặc: “Từ các mẫu kỳ quái và hóa
thành bái vật ấy, chủ nghĩa Mác, nói như Kant nói, đã biến ra các khái niệm cấu
thành của kinh nghiệm”; hoặc: “Chủ nghĩa Mác có những cơ sở lý thuyết, nó
bao gồm tất cả hoạt động của con người, nhưng nó không biết gì nữa. Các khái niệm
của nó, giờ là sức mạnh cưỡng bức. Mục đích của nó không còn là thâu thập các
kiến thức, mà là tự biến mình thành Tri Thức tuyệt đối một cách “tiên thiên”… Anh
Hiến viết gì? Lại khái niệm, lại Kant, lại “tiên thiên” ấy, anh viết: “Nhiều khi đứng trước những hiện tượng không
lý giải nổi, chúng ta bèn vội vàng khẳng định bản chất bằng những câu nói quen
thuộc: căn bản là tốt, ưu điểm là căn bản, bản chất là tốt đẹp, v.v.” Anh
cũng nói: “Cung cách nhận thức này rất gần
với phương pháp nhận thức “tiên thiên” (của Kant). Khác chăng, là Sartre
thì nói đó là lỗi của trí thức mác-xít: “Trong
nhiều năm, các trí thức mác-xít đã ngỡ phục vụ Đảng mình bằng cách cưỡng bức
các sự kiện, coi thường các chi tiết rầy rà…”
Còn [anh Hiến] [các anh] thì bảo đó là do “tác phong thường thấy,
nhất là ở những cán bộ có nhiệm vụ làm công tác tư tưởng”. [Và anh X. thì]
[Hoặc] bảo là do “sự thô thiển dung tục kéo
dài của giới phê bình”.
Có thể nói các anh đã không rạch ròi, lại còn nhập một với
các triết gia tư sản kia ở nhiều chỗ. Khi Kant nói: “Cái bi kịch của sự hiện diện của con người có phải là không thể nào vượt
qua nổi chăng?” Khi Kierkegaard gọi
đó là bi kịch, Sartre gọi đó là lo âu, thống khổ, thì anh X. cũng lại nói: “Song cũng từ đây bắt đầu tấn bi kịch kéo
dài hàng vạn năm của lịch sử con người”. Khi Sartre nói: “Địa ngục là kẻ khác”. Mình bị hành hình
dưới con mắt cái nhìn của đồng loại mình. Thì [anh
X. viết] [có
anh lại nói] : “Lịch sử con người
là lịch sử càng ngày càng quyết liệt với chính đồng loại của nó, cuộc đấu tranh
lâu dài của cá thể với số đông, của mỗi con người với toàn xã hội…” Khi bác
bỏ phản ánh khách quan, đề cao sáng tạo độc đáo chủ quan, Sartre cho rằng chủ
quan con người đã có nhận thức thì nó nhìn thẳng sự vật chứ cần gì sự vật phản
ánh vào óc nữa khiến con người chỉ là sản phẩm, là thụ động. Và Sartre viết: “Vậy thì người ta có thể xóa bỏ cái phản ánh
(reflet) như một trung gian vô ích và sai lầm…” Và các anh, trước họ, không
dám nhấn mạnh lý luận phản ánh nữa, hoặc nói trớ ra rằng phản ánh là phản ánh
cái quy luật huyền diệu, kỳ diệu, bí ẩn, v.v. Sợ họ cho mình là chụp ảnh, chụp
hình.
Khi Sartre nói:“Lý luận
về nhận thức vẫn là điểm yếu nhất của chủ nghĩa Mác” vì Mác nói: “việc đầu tiên của con người không
phải là tư tưởng”. Còn Sartre thì nói: “Chúng
tôi không đặt cái ý thức như là khởi nguyên của hành động… Hành động trong quá
trình hành động tự cho mình ánh sáng”, nhưng (lại nhưng !) “cái thực tiễn ấy
đòi hỏi một cách bức thiết một sự khởi đầu có suy nghĩ…” Thì anh Hiến
[các anh] lại đề cao nhận thức, hơn thế, tự nhận
thức. [Còn anh X. viết] [Chẳng phải các anh đã có người nói rằng]: “Khi con người bắt đầu xuất hiện thì lập tức
nghệ thuật cũng xuất hiện. Bởi vì nghệ thuật chính là một hành động của con người
tự nhận ra chính mình”. Lại “tự”, v.v.
Có thể nói các anh đã nhìn sai về mặt đối nội cũng như đối ngoại của con người. Đối ngoại, các anh xem con người hình như
chỉ có trong nó một khuynh hướng tự khẳng định mình, tách mình ra khỏi đồng loại.
[Anh X. viết:] [Ta
hãy xem lại luận điểm này:] “Cái
yêu cầu tự phân biệt, tự khẳng định mình đó là yêu cầu bức thiết, có tính người,
ngay từ buổi đầu, và diễn ra trong suốt quá trình lịch sử… Cứ mỗi bước con người
tiến lên tự khẳng định mình… đồng thời cũng là một bước nó đối lập với bầy đàn ngày
xưa của nó…” Không đúng. Con người là một con vật vừa xã hội
vừa phi xã hội. Vừa tách ra, vừa đòi hỏi nhập vào. Và cái phần nhập vào còn mạnh
gấp mấy cái phần tách ra. Cái phần hướng
tâm át cả cái phần ly tâm. Từ bầy
đàn thoát lên thành người, khẳng định cá nhân, thì việc đầu tiên của cá nhân ấy
là lấy vợ, tìm bạn, đẻ con… Nghĩa là thành ngay quần thể xã hội rồi. Đưa tay chỉ
mặt trăng để tách mình ra, phân biệt chủ thể và khách thể, thì đồng thời đứa bé
cũng muốn chủ thể mình vồ lấy khách thể mặt trăng. Con người và tự nhiên làm một.
Trong và ngoài làm một.
[Anh X.] [Tác giả của luận điểm ấy] đã tuyệt đối
hóa cái phần tách rời, cái phần bi kịch, cái phần chống đối cùng đồng loại, để
rồi cuối cùng giao cho Đảng chiếc gậy thần, Đảng sẽ giải quyết tất cả. Trước
khi có Đảng là bi kịch như vậy, sau này Đảng giải phóng cá nhân thì hạnh phúc
tuyệt vời. Trước khi có Đảng là zéro, sau khi có Đảng là vô tận. Làm sao Đảng
giải quyết được điều này? Nhất là bây giờ còn phải lo chạy cơm chạy gạo nuôi
ta, lo chống đế quốc, lo đề phòng bành trướng Bắc Kinh. Và đòi tuyệt đối như thế,
đến khi Đảng chỉ có thể giải quyết tương đối thôi, thì dễ sinh hờn oán.
Con người có thực sự là phi xã hội, cá nhân có thực sự là
đối phó với xã hội không? Vì Sartre đưa microphisyque
(vi vật lý) ra để nói rằng: “Cái lý thuyết
về nhận thức có thể có giá trị ngày nay là lý thuyết dựa trên vi vật lý (vật lý
vi mô về nguyên tử). Người thể nghiệm là thành phần của hệ thống thể nghiệm”. Sartre
đề cao vai trò của Người. Thế thì tôi cũng xin nói rằng vi xã hội học, xã hội học
vi mô (micro-sociologie) ở Pháp và Mỹ ngày nay cho rằng: trong Người không phải
chỉ có cá nhân mà có xã hội, cấu trúc xã hội. Một nhà triết học Pháp thế kỷ trước,
không thấy điều đó. Ông nói xã hội gồm bằng cái gì có tính chất xã hội như đôi
lứa gia đình. Xã hội không thể gồm bằng những cá nhân như mặt phẳng không thể gồm
bằng các đường và những đường không thể gồm bằng những chấm. Sau hai thế kỷ, [anh X.] [có người
ngày nay] còn dẫm lên cái sai của người xưa. Emile Bréhier cho ta biết: “Chính cái lỗ trống đó (lỗ trống giữa cá
nhân và xã hội, giữa con người và tự nhiên – C.L.V.) mà xã hội học ngày nay đã có công lớn xóa đi. Về lý luận chung, xã hội
học chỉ rằng, cá nhân, nhìn một cách cụ thể, có ở nó một cấu trúc xã hội, hoặc
để dùng một từ của Marcel Mauss, con người toàn diện chứa ở nó cái gì xã hội
toàn diện chứa”.
Đúng vậy, khi Bác sửa cái khẩu hiệu cũ “trung với vua, hiếu
với bố mẹ” ngày xưa, thành “trung với nước, hiếu với dân” bây giờ, là Bác đã
nhìn thấy cái hướng ngoại từ xưa của
con người, nó trung với một cái gì ngoài nó, hiếu với cái gì ngoài nó, chứ nếu
từ hồng hoang, con người chỉ trung với bản thân mình, nó chỉ hiếu với nó, thì
làm sao ta có thể cải hoán nó được?
Gurvitch viết: “Càng
ngày người ta càng quan niệm ra sự căng thẳng giữa ba cực – Tôi – Kẻ khác –
Chúng ta – như là một khía cạnh cơ bản của mọi ý thức. Đòi tách rời Tôi, Kẻ
khác, Chúng ta ra, tức là đòi hủy hoại bản thân cái ý thức nó vốn là sự căng thẳng
giữa ba thứ ấy…” Găng thì găng, vẫn
quấn lấy nhau mà. Gurvitch cho rằng người ta đã sai lầm khi tách rời ý thức về
cá nhân, ý thức về kẻ khác và ý thức tập thể ra khỏi nhau.
Xã hội học hiện nay cho rằng xã hội có trước cá nhân.
Đúng thế. Từ bầy đàn lên người là hàng vạn hàng vạn người một lần chứ! Khác
nhau một chữ có khi đi xa nghìn dặm. [Mác] [Nếu] không nói xã hội gồm có cá nhân. Mác nói xã
hội gồm có Những Cá Nhân (mà việc đầu
tiên không phải là tư tưởng). Nói Những tức
là có hàng nghìn hàng vạn cá nhân, và thế đã là thành xã hội rồi.
Chúng ta có lúc say mê “người Việt Nam mình”, lại có lúc
chế diễu “người Việt Nam mình”. Chúng ta nên đọc câu này của Emile Bréhier: “Trong khi cái Chúng Ta đối với các nhà tâm
lý học chỉ là kết quả của việc nội tâm hóa cái quan hệ Tôi – Kẻ Khác, thì trái
lại, đối với các nhà xã hội học, cái Chúng Ta là giả định, nhờ nó mà quan hệ
Tôi – Kẻ Khác có thể có một ý nghĩa xã hội. Chính trong các cái khung như người
Pháp Chúng Ta, người Châu Âu Chúng Mình, Chúng mình, những tín đồ của một đức
tin, v.v. mà cái quan hệ Tôi – Kẻ Khác trở thành quan hệ xã hội”.
Theo Gurvitch thì Tôi, Kẻ Khác, tôi, chị, anh Hiến, v.v.
đều có cái Việt Nam mình làm nền, nhờ
đó mà chúng ta mới có quan hệ với nhau. Đối ngoại
là như vậy. Còn đối nội, trong vi
mô, trong cấu trúc của nó, cá nhân chứa đựng nó, chứa đựng Kẻ Khác, và chứa đựng
Chúng Mình, xã hội ở trong. Thực là đoàn kết. Bởi vậy, khi đồng chí Lê Duẩn định
nghĩa cuộc đời có Cá Nhân – Gia Đình – Xã
Hội ; sự sống là gồm có Một Người
– Hai Người – Tất Cả Mọi Người thì
đó là một định nghĩa chân xác và sáng tạo.
Đấy, như thế đấy, mà không thấy lịch sử loài người từ hồng
hoang đến nay là lịch sử hình thành xã hội, là lịch sử người đoàn kết với người
trong đấu tranh giai cấp, trong đấu tranh giải phóng dân tộc, đấu tranh để
thoát khỏi áp bức, bóc lột, bất công… để chỉ thấy có mỗi một khía cạnh hình
thành khẳng định cá nhân thôi thì thật là vô lý. Tách cá nhân ra khỏi xã hội,
trong cá nhân lại tách ý thức, nhận thức đưa lên trước, lên trên, rồi đem cá
nhân ấy làm điều kiện đánh giá xã hội, nếu nó không được phát triển, ý thức nó
không được tự do, thì xã hội đó là không chân chính! Thế thì lại càng vô lý
hơn. Anh X. [Chúng
ta còn nhớ trong số các anh có người đã] viết: “Chủ nghĩa xã hội [và] [là] chỉ có thể thật sự là chủ nghĩa xã hội chân
chính nếu có đảm bảo sự phát triển tự do và toàn diện của mỗi con người…”
Trong hoàn cảnh hiện nay ta chưa đảm bảo được sự phát triển
tự do toàn diện đó, thì không biết chủ nghĩa xã hội ta có chân chính hay không?
Mác nói: “Quyền của một công dân riêng lẻ,
đó là một điều vô nghĩa, khi các quyền của Nhà nước không được thừa nhận…” Thực cứ y như bây giờ mỗi nhà văn đòi Hội Nhà
Văn phải cấp cho mình một căn phòng, một cái bàn và tự do viết mọi chuyện trên
đời! Lê-nin gọi sự suy nghĩ tuyệt đối hóa như trên là “một sự phát triển thái quá, một sự sưng tấy phù lên… tách khỏi vật chất,
khỏi giới tự nhiên”. Và ở đây chính [hai anh X.
và anh Hiến] [các anh] đã tách khỏi
điều kiện hiện nay của đất nước mình. Có lẽ sai lầm bắt đầu từ đấy, chị Kim Nga
ạ!
Kant rất là vĩ đại nên [nếu
tôi] bảo rằng các anh lấy của Kant, tôi nghĩ có lẽ cũng không làm phiền,
làm hại gì đến các anh. Sau khi nhận định rằng các thời kỳ sáng tạo về triết học
rất hiếm, Sartre nói: “Giữa thế kỷ 17 và
18, tôi chỉ thấy có ba thời kỳ mà tôi chỉ ra bằng các tên tuổi lẫy lừng: ấy là
giai đoạn của Descartes và Locke, giai đoạn của Kant và Hegel, sau cùng là giai
đoạn của Marx”. Sartre cũng là rất lớn. Tiếc thay ông có nhiều điểm đối lập
với Mác. Mác định nghĩa con người là tổng
số thành của các quan hệ xã hội. Còn ông thì đề cao cá nhân nên định nghĩa con người là tổng số thành của các hành động
của chính mình. Ông vừa là bạn, lại vừa là kẻ thù của Đảng Cộng sản Pháp. Mặc
dù thế, khi ông chết, Đảng Pháp đã đề cao ông những mặt đáng đề cao. Tôi nhớ một
ngày giữa năm 1968, các anh Hoàng Minh Giám, Nguyễn Minh Vỹ và tôi đã đến thăm
Sartre tại nhà. Ông cảm ơn Việt Nam đã đánh thắng Mỹ. Ông nói: “Các anh thắng
là lương tâm thời đại thắng”. Rồi ông hỏi đột ngột: “Sao các anh không gọi
tôi là đồng chí?” Biết trả lời làm sao bây giờ? Tôi đã ôm hôn ông làm anh Giám
anh Vỹ cũng hôn theo. Móc túi còn cái trâm làm bằng xác máy bay Mỹ, tôi gửi tặng
bà Simone de Beauvoir – vợ ông hoặc người bạn gái của ông – ông vô cùng cảm động.
Buổi chia tay rất là lưu luyến. Sau này biết có lúc ông ủng hộ bọn mao-ít Pháp,
có lúc phê phán ta về vấn đề nhân quyền, nhưng nghĩ rằng ông đau mắt bị mù, lại
lớn tuổi, lầm lạc là thường, nên đâu nỡ trách? Nhớ Sartre vẫn là nhớ tấm lòng
ông đối với ta ngày đánh Mỹ, nhìn ta giữa bụi trần ai. Ngày ông mất đi, tôi định
viết vài dòng. Thế nhưng nay những dòng đầu tiên viết về ông, tôi lại phải viết
thế này. Biết làm sao được, chị Kim Nga? Một là các vĩ nhân tư sản dù vĩ nhân,
làm sao khỏi có vô số sai lầm? Hai là, ta đi vác của họ về, thì vác cái hay, chứ
vác cái sai lầm về làm gì cho sinh chuyện?
III
Hôm gặp anh Hiến, tôi đã gợi với anh một số câu hỏi, nay
xin ghi lại đây cho chị rõ, mười câu cho ra vẻ thập điều.
1/ Anh Hiến cho là trong văn học hiện nay sự miêu tả cái
phải tồn tại lấn cái đang tồn tại, lý
tính lấn cảm tính, nội dung lấn hình thức, bản chất lấn hiện tượng, những tập hợp quen thuộc
như thành phần giai cấp, dân tộc, tôn giáo, giới tính, nghề nghiệp, Đoàn, Đảng...
lấn cá nhân, v.v.
Xin hỏi là nếu có lấn
thì sự lấn đã toàn diện, sít sao
đến khủng khiếp thế không? Ở một thời kỳ cách mạng thay cũ đổi mới, ta lấn tới,
địch lại lấn lui, cái mới muốn lấn đi, cái cũ đòi lấn về… thì văn học có thể
hài hòa cân đối ngay như anh Hiến muốn được không? Thế tất phải có cái gì lấn cái gì ở trong văn học như ở ngoài sự
vật. Trong tình trạng ấy, nếu trong ba mươi lăm năm nay, cá nhân lấn cái tập hợp Đoàn, Đảng, giai cấp,
dân tộc; nếu hiện tượng lấn bản chất,
hình thức lấn nội dung… nói tóm lại,
lấn ngược, thì sẽ hay hay dở? Xin hỏi anh về cái “hướng” như vậy.
2/ Cộng tất cả các cái
lấn ấy thành một tổng số thành, anh cho đó là chủ nghĩa hiện thực phải đạo.
Tùy anh. Nhưng sao cộng tất cả các cái ấy lại thành ra là cái cao cả được nhỉ?
Chị Kim Nga này, ví như chị ở thực tế về, kể nhiều chuyện tiêu cực. Tôi ở nhà,
ngồi bàn giấy, tôi bảo là không có, rằng mọi việc trên đời vẫn đẹp, và tôi đưa
lý luận ra, tôi gắt chị, thì đó là [tôi] có
tính hay cáu, là tôi quan liêu, là tôi thiếu thực tế, chứ sao lại là tôi cao cả
nhỉ? Chả lẽ cộng năm con gà lại ra một con hổ? Anh Hiến đem sự việc ra cộng là
đúng, nhưng số thành thì lại nhầm.
3/ Gộp tất cả các cái lấn
ấy thì thành cao cả, rồi cao cả lại là phải đạo, và phải đạo lại là không chân
thật. Cái này có là cái khác như thế không? Thế là suy tư hay suy diễn nhỉ? Vì
sao cao cả lại là không chân thật? Hễ khi cao cả là lên gân, là giả, còn khi
chùng gân, khi thấp hèn mới là chân thật ư? (2)
Nguyên nhân của cái giả trong văn chương ấy, theo anh Hiến
là do trong xã hội cũng có giả: “Nói tóm
lại, chúng ta viết văn như vậy, làm nghệ thuật như vậy và “thế thái” cũng phảng
phất như vậy.” Và tiêu biểu cho lối
sống giả, gặp việc gì khó là đưa ngay các điều cao cả ra giải thích: “khẳng định bản chất bằng những câu nói quen
thuộc: căn bản là tốt, ưu điểm là căn bản, bản chất là tốt đẹp, v.v. và v.v.” Là “tác
phong thường thấy, nhất là ở những cán bộ có nhiệm vụ làm công tác tư tưởng”.
Xin hỏi: vì sao một xã hội giả lại đánh được Pháp thật, Mỹ
thật, bành trướng Bắc Kinh thật, lại tạo ra vô vàn những người thật việc thật
tuyệt vời? Khi Engels nói về thời đại Phục hưng: “Ở Ý, ở Pháp, ở Đức một nền văn học mới đã xuất hiện, nền văn học hiện
đại đầu tiên…” và đó là “thời đại cần
có và đã sản sinh ra những con người khổng lồ, khổng lồ về năng lực suy nghĩ, về
nhiệt tình và tính cách, khổng lồ về mặt có lắm tài, lắm nghề, và về mặt học thức
sâu rộng. Tất cả đều được cái tinh thần phiêu lưu của thời đại họ cổ vũ…”
Ta có những người thật việc thật khổng lồ như thế không, hay thế giới từ Engels
đã bước giật lùi? Xin hỏi, nếu cái phải đạo cao cả, cái giả ở trong văn học lại
gốc ở ngoài đời, thì giải quyết bằng biện pháp gì để cứu văn học?
5/ Anh Hiến cho rằng lúc nào quan hệ biến thành quan điểm
cân bằng, hài hòa thì sẽ có cái đẹp.
Ví dụ A cân bằng B là đẹp. Nhưng cái gì cũng AB cả thì có
nghèo không? Có thể có những phối hợp lấn,
kiểu ABA, AAB, BAB, BBA, AAAB, BBBA không? Cái nhánh có sáu lá, Hopkins cho nó
đẹp vì nó hài hòa, cân bằng mỗi bên ba lá. Cái nhánh bảy lá, Hopkins cũng cho
là đẹp, vì nó không hài hòa (Hopkins viết từ 1865 kia). Đẹp là sự tổng hợp giữa
hài hòa và so le, đứt và nối, cân đối và không cân đối, anh Hiến nghĩ thế nào?
Nếu nói đùa, tôi xin nhắc anh ở xu hào thì củ lấn, ở súp-lơ thì hoa lấn,
ở bắp cải thì lá lấn, mỗi cái lấn đó đều đem đến một vị riêng cho thẩm
mỹ… của lưỡi. Nếu nói nghiêm túc thì thơ Thịnh Đường, văn-tình ngang nhau, thơ
Sơ Đường, tình lấn văn, thơ Vãn Đường, văn lấn tình. Thơ đời Đường phong phú vì
lẽ ấy.
6/ Theo anh, muốn cho hay là phải hạ cái cao cả xuống cái
đẹp. Nói nôm là cao cả ở dưới đẹp, thua đẹp. Cũng độc đáo đấy!
Anh Hiến nghĩ gì về đoạn văn nổi tiếng này của Diderot,
cho rằng đẹp là việc của những tài
thường, còn cao cả mới là dấu ấn của
thiên tài: “Cái khiếu thẩm mỹ (goût) và
thiên tài thường xa nhau… Cái khiếu thẩm mỹ bám vào việc hiểu biết nhiều luật lệ
đã quy định sẵn hay giả định, cái khiếu thẩm mỹ tạo ra những cái đẹp thường là
công thức…” Cái luật lệ hài hòa cân
đối theo thẩm mỹ của anh Hiến có ở trường hợp này không? Diderot nói tiếp: “Để cho một sự vật trở nên đẹp theo cái luật
lệ của khiếu thẩm mỹ thì sự vật ấy phải tao nhã, hoàn chỉnh, gia công mà chẳng
lộ ra, nhưng muốn là thiên tài thì sự vật ấy phải là không trau chuốt, không đều
đặn, gập ghềnh, hoang dại (hoặc rừng rú) nữa… Cái cao cả và thiên tài ngời chói
trong Shakespeare giống như chớp trong đêm dài, Racine thì mãi mãi đẹp, Homère
thì đầy thiên tài, còn đầy tao nhã là Virgile. Những phép tắc, những luật của
khiếu thẩm mỹ ràng buộc thiên tài, thiên tài phá vỡ các phép tắc, luật lệ để
bay đến với Cao Cả, với xúc động mãnh liệt, với cái gì lớn lao…” Diderot còn cho rằng thiên tài làm ta thích
thú ở chỗ gây ngạc nhiên, và gây ngạc nhiên bằng cả nhược điểm nữa. Anh Hiến có
cho phép các thiên tài phạm nhược điểm không hài hòa cân đối không?
7/ Anh Hiến tấn công vào lý trí, vào sự suy nghĩ bằng trí
óc, đề cao con tim, trái tim. Rất thánh trái tim bao giờ chả quý! Nhưng không đề
cao lý trí, trí tuệ, có mở đường cho Phi
Lý đến không? Ở thế kỷ 20, khi bằng Trí Tuệ, Lý Trí, con người bay vào vũ
trụ, tìm được các bí mật trong tế bào, vậy ta có thể sang trọng mà dè bỉu lý
trí không? Ai là những thi sĩ của thế kỷ 21? Có người đáp là những nhà toán học.
Éluard ca tụng là “Aragon Có Lý”. Tố Hữu, nhà thơ cảm xúc nhất, lại nói: “Tôi
không tán thành tình cảm chủ nghĩa trong văn chương”. Ngay các thi sĩ siêu thực
về sau cũng đưa khẩu hiệu “surréaliste – surrationaliste” (siêu thực và cực duy
lý). Tất cả những điều ấy có nghĩa gì? Và có thể nào những nhà thơ mác-xit lại
không dám để điện đi trước một bước? Lý trí đi trước một bước, để rồi cùng Tình
cảm sánh đôi sau?
8/ Anh Hiến viết: “
ta biết được những thuộc tính chung của thành phần giai cấp, thành phần nghề
nghiệp, của cộng đồng [dân tộc, cộng đồng] tôn giáo… [của nó], nhưng chính bản
thân [nó] cá nhân, (3) tức là cá tính và bản lĩnh của nó, những sở
trường sở đoản của nó, sự tự nhận thức của nó… thì ta lại không nắm được.”; “Trong tác phẩm nghệ thuật “đẹp”, thế giới
hiện tượng phong phú và phức tạp được mô tả trong tác phẩm tự nó bộc lộ đầy đủ
và sinh động bản chất ưu việt của cuộc sống mới”. Nghĩa là trong tác phẩm
nghệ thuật cao cả thì không có các thứ ấy chứ gì? Nói thuộc tính, nói mô tả,
nói hiện tượng làm tôi nhớ Husserl. Husserl mô tả hiện tượng run rẩy của lá cây
trong gió chả hạn, thì ông “treo, gác, giảm, trừ, cúp điện, bỏ vào dấu ngoặc” các
quy luật của gió, của ánh sáng, các kiến thức, khái niệm về vật lý, chỉ để mô tả
hiện tượng trực tiếp là sự run rẩy của lá thôi. Cũng có cái lý sáng tạo của nó.
Nhưng chưa nói nghiên cứu cá nhân con người, ngay nghiên cứu động vật, thực vật
lại không cần biết nó họ gì, loài gì ư? Cứ hiện tượng thì lươn phải thuộc tập hợp
rắn, thế nhưng nó lại là bà con với cá. Cây
san hô đâu có phải là cây?
Còn điều này nữa là ranh giới của anh Hiến, nhà lý luận
mác-xít, ở đâu, khi Sartre chửi rủa ta trên điểm ấy: “Sự tìm tòi tổng hợp đã nhường chỗ cho [một
kinh viện] [một thứ kinh nghiệm] về
cái tổng hợp. Cái nguyên lý “tìm tòi toàn thể thông qua bộ phận” trở thành cái
thực hành khủng khiếp: thủ tiêu các đặc điểm riêng”.
9/ Trong thế giới của anh Hiến có chuyển hóa hay không
chuyển hóa, lý có thể biến thành tình không, nội dung có thể biến thành hình thức
không? Hay tuyệt đường bay tuyệt lối về, dứt điểm lại qua giữa sự vật này, qua
sự việc kia, giữa phạm trù này đến phạm trù khác?
Dó lâu năm, dó cũng thành kỳ *
Hòn đá kia lăn lóc có khi thành vàng
(* Cây dó lâu ngày hóa ra trầm thơm, ra kỳ thơm – C.L.V.)
Nguyên tử tự nó đã thành nguyên tử cho
ta chạy nhà máy điện kia mà.
Nhà triết học Nga nào nhỉ, nói đá với lá cùng một chất.
Cái chính trị lý luận khô khan ấy khi chuyển vào hồn ta thì nó hóa ra thơ mềm mại
không chừng. Sự việc có quá trình
không? Quá trình có làm sự vật chuyển hóa
không? Hay A là A mà B cứ vĩnh viễn là B ?
Nhân anh Hiến bàn thật – giả, tôi [nhớ]
[xin nhắc lại] một câu của Montesquieu khi
ông nói về cái giả. Ông định nghĩa chế độ dân chủ dựa trên đạo đức, chế độ bạo
chúa dựa trên sợ hãi, còn chế độ quân chủ dựa trên danh dự, nhiều khi là danh dự
giả. Ông viết: “Quả thật, triết lý ra mà
nói, đó là một thứ danh dự giả… nhưng cái danh dự giả đó có ích cho công chúng.”,
v.v. Tôi nhớ một tên Việt gian bị người ta kêu là Việt gian, nó rất ức. Khi
theo giặc Pháp vào thành, nó ngồi trên xe tăng đeo một cái băng lớn trên ngực,
đề “Việt gian đại nguyên soái”. [Nó bắt được người
của ta] nọc [chúng ta] ra mà đánh, vừa
đánh vừa hét “Việt gian đánh Việt ngay”, − thật biết chừng nào! Tôi cũng nhớ ở
làng tôi có một ông giận vợ, giả lên chùa, sau thành chân tu và hòa thượng thật.
Bên cạnh các chiến sĩ tòng quân vì yêu nước, đi B, có anh đi vì cả xã cả huyện
người ta đi, không lẽ mình không đi, nhưng khi đến chiến trường đã trở nên anh
hùng thật. Tính con người còn phải tính cái môi trường chuyển hóa con người. Nhưng
hình như anh Hiến đã nghi ngờ cả môi trường.
10/ Anh Hiến đánh giá thế nào về tư cách các nhà văn Việt
Nam? Anh trọng họ hay không trọng họ? Họ có phải là những người mà trên bảo đạo
nào thì theo ngay đạo ấy, hay họ có sự suy nghĩ của mình khi tìm đạo? Có những
người a dua, theo thời thượng, giả, cơ hội, sợ sệt cấp trên…, nhưng đặc điểm của
cả một giai đoạn mà đa số các nhà văn đều sống như thế cả, viết như thế cả, thì
một là, thật đáng buồn, các anh quá cô đơn, hai là, có lẽ anh đã viết nhầm nghĩ
nhầm về giới của mình rồi đấy.
Tôi đặt mười câu cho nó gọn, chứ còn có thể hỏi nhiều nhiều.
Là nhà văn ta, tiếng thế, cũng giản dị thôi, việc gì mà phải triết học với anh
em từ thuở bầy đàn, hồng hoang, nguyên thủy, nói nào những toán học cao cấp,
tiên thiên… để quên đi những nhiệm vụ trước mắt? Hai là, cái khoa học nào bàn về
nguyên lý, bàn cho mấy rồi cũng để ứng dụng. Nếu ứng dụng các nguyên lý của các
anh, nào giải phóng toàn diện cá nhân, nào phản ánh các quy luật huyền diệu,
v.v. thì nó sẽ có kết quả gì? Hẳn là các anh tin sẽ mở ra một giai đoạn mới nên
các anh mới kiên trì đến vậy.
Riêng tôi muốn nói một điều về câu chuyện cao cả. Đó là việc
tôi thấy nhói nhiều. “Cảm ơn thời đại, mở
mắt cho ta nhìn cao cả…” Câu này của
tôi đăng từ 1975, ba năm trước khi biết anh Hiến hạ cái cao cả kia. Cũng ở thời
kỳ đi trên Trường Sơn, nhìn các nấm mộ anh hùng mà chẳng ra thơ, tôi tự trách
mình:
Anh ấy điếc không
nghe tiếng rên thầm của máu,
Và điếc ư ? Thì sẽ câm
trước các điều cao cả của đời
Suốt mấy nghìn năm, văn [chúng]
[chương] ta bi lụy hơn là cao cả. Ngay Nguyễn
Trãi, ngay Lý, Trần, rời các bài Bình Ngô, bài Hịch ra, đâu có được mấy bài cao
cả như ngày nay? Ta được thế nhờ ta có Đảng phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng,
“Nhà thơ cũng phải biết xung phong”. Chỗ
mạnh nhất của ta trong giai đoạn vừa qua, chỗ nó đóng góp vào lịch sử chính là
chất thép cao cả đó. Thế nhưng trong con mắt [anh
X. và anh Hiến lại xem] [của một số các anh
thì] đó là chỗ yếu. Sau chiến tranh lâu kia,
xa kia, thì có thể xảy ra điều ấy, như ở Pháp khi giải phóng xong thì có người
dè bỉu các tác phẩm kháng chiến của Éluard, của Aragon được ca tụng thời chống
Đức chiếm đóng. Chứ ở ta đang còn hàng triệu người vì cao cả mà ra đi, hàng chục
triệu người nhờ cao cả mà vượt qua mọi gian lao, sao lại hạ thấp phản ánh, xem
nhẹ giáo dục và dè bỉu cao cả sớm quá vậy?
Có người bảo tôi đây là học thuật chứ không phải chính trị
và đáng lẽ chê [anh Hiến] [các anh] thì phải khen là đã khám phá, tìm tòi.
Tôi dám chắc anh Hiến là người đã động đến chữ tiên thiên của Kant, sẽ không nhận vinh dự đó mà nhường lại cho
Kant. Kant là khổng lồ, là vĩ đại, thì Kant cũng biết trả lại cho Burke. Burke
đối lập Đẹp và Cao Cả từ 1756. Cảm xúc Đẹp theo Burke là “một tình cảm thích thú tích cực làm nảy sinh tình yêu và thoải mái bắp
thịt, thoải mái thần kinh”. Trái lại,
cảm xúc “cao cả là dính với sự căng thẳng,
co lại cực độ của thần kinh và bắp thịt”. “Cao cả gây ra một thứ đau đơn tốt lành, cao cả dính với cảm giác trống
không, với khủng khiếp, với bóng tối, với cô đơn, với yên lặng”. Burke quan
niệm vậy.
Giải phóng Berlin bởi Hồng quân, giải phóng Sài Gòn bởi
hàng chục vạn nhân dân và quân đội. Cô đơn quá nhỉ! Tối tăm quá nhỉ! Có khủng
khiếp, nhưng là với Hitler, với Thiệu, chứ sao lại với chúng ta?
Kant thì đối chọi Cao cả với Đẹp một cách tinh tế hơn. Ví dụ
cái đẹp là có mục đích nhưng không lộ liễu. Cái cao cả trái với mục đích. Cái đẹp
có hình thể làm xúc động, vừa là cảm giác chủ quan, vừa là có sự vật, sản phẩm
khách quan. Còn cái cao cả chủ yếu là cảm giác chủ quan thôi. “Cái đẹp làm thích thú. Cái cao cả làm thích
thú ngay nhưng ngược lại với quyền lợi của giác quan mình”. Vô vàn những
câu như vậy. Nhưng điển hình và dễ hiểu nhất là câu này: “Cái đẹp chuẩn bị cho ta yêu một cái gì, ngay cả thiên nhiên. Cái cao
cả chuẩn bị cho ta quý nó, ngay cả khi trái với lợi ích (xúc cảm) của ta”. “Kính
nhi viễn chi”, kính mà xa đó. Hoặc như câu định nghĩa cao cả là cái gì “bởi sự vĩ đại của nó (cao cả theo toán học)
hoặc bởi sức mạnh của nó (cao cả theo động lực)” có thể tỏ ra “bất hòa với khả năng phán đoán của chúng
ta, khả năng biểu hiện của chúng ta, đồng thời “làm hung” với sức tưởng tượng của
ta nữa”. Nói tóm lại, nó vượt quá sức chịu đựng của con người.
Vì sao Kant đối lập Đẹp với Cao cả? Vì Mendelssohn
(1729-2786) đấy! Xưa các nhà triết học chỉ thấy có hai cực là ham muốn và hiểu biết. Mendelssohn tìm ra một cực thứ ba: sự khoái cảm của tâm hồn. “Giữa cái biết và cái muốn, nằm một tính năng
nhận ra khoái cảm của tâm hồn”… Câu ấy đã thức tỉnh Kant vì Kant lúc đầu
không nói khoái cảm, và từ đó về sau, lúc nào ông cũng nói khoái cảm, khoái cảm
mà thôi. Kant viết: “Để phân biệt là một
vật đẹp hay không đẹp, người ta không đem so sự biểu hiện vật ấy với vật ấy bằng
trí năng để hiểu biết, mà so với chủ thể và với tình cảm thích hay không thích…”
Trong bốn tiêu chuẩn đánh giá cái đẹp của Kant thì ba cái
là thích hay không thích, khoái cảm hay không khoái cảm rồi:
Tiêu chuẩn 1 − Chất lượng: “Khiếu
thẩm mỹ là tính năng phán đoán một vật hay một phương thức biểu hiện bởi sự thỏa
mãn hay sự bất như ý một cách hết sức vô tư. Người ta gọi là Đẹp đối tượng của
sự thỏa mãn ấy.”
Tiêu chuẩn 2 – Số lượng: “Là Đẹp cái gì làm thích thú một cách phổ biến,
không khái niệm”. Nghĩa là nhiều người cùng thích với ta.
Tiêu chuẩn 3 – Phương thức: “Là Đẹp cái gì được thừa nhận như đối tượng của một sự thỏa thích bức
thiết mà không khái niệm”. Trọng tâm là ở chỗ không khái niệm, nhưng vẫn là thỏa thích và thỏa thích cần thiết, bức
thiết nữa kia.
Tiêu chuẩn 4 – Quan hệ: “Đẹp
là hình thức của mục đích của một vật, với chừng mực là vật ấy được cảm giác mà
không biểu hiện mục đích”. Có mục đích nên người ta mới thích nhưng lộ ra
thì lại giảm khoái cảm, mất thích đi.
Kant là người đối lập Cảm Tính và Lý Tính, cho rằng: “nhờ Cảm Tính mà ta biết sự vật, nhờ Lý Tính
mà ta Tư Duy sự vật” . Thế thì cái Cao Cả về lý thì đúng, nhưng về tình, nó
làm ta sợ (Burke còn khiếp nữa), thích làm sao được?
Tôi thường nói đùa Kant nhưng còn phải Quand (bao giờ, đọc là căng) và Où (ở đâu) nữa. Thời xa xưa thì các nhà thơ thiên tài thật, [du nguyệt điện] [duy
nguyệt diệu] hay vồ trăng bằng trái tim hay bằng trí tưởng tượng tự do,
nhưng thời nay Lý Trí đã đưa người lên trăng bằng quy luật. Kant mà ở Việt Nam
chắc Kant cũng nghĩ khác về Cao Cả. Kant [xưa]
khi luận về Cao Cả không đưa cái gì trong xã hội, trong thiên nhiên, mà thường
nói trong hồn người. Ví dụ trước cái cao cả của bể đang điên, thì hồn người thấy
mình cao cả hơn. Chứ còn ở Việt Nam ta, ở Việt Nam mình thiếu gì cao cả? Chả lẽ
thời xa xưa còn có người khổng lồ như Engels nói đó: “Những người anh hùng thời ấy, những người tham gia chiến đấu, người
thì dùng lời nói và cây bút, người thì dùng lưỡi kiếm và cả hai”…, mà thời
ta, Việt Nam ta lại giật lùi không có à?
Cách mạng là ngày hội của quần chúng. Công xã Paris là
cao cả. Ấy thế nhưng những nhà văn xuôi lớn của Pháp, trong đó có Flaubert con
mắt tinh tường thì lại cho là khủng khiếp. Chỉ có vài chàng thi sĩ “lơ mơ” như
Rimbaud, Verlaine, Baudelaire, Hugo… là có cảm tình, và nhờ đó nhìn ra một phần
chân lý. Lạ chưa?
Chúng ta thưa với vong hồn bất tử của Kant là ngày nay ở
Việt Nam, không ai sợ cái cao cả. Người ta yêu nó vì người ta yêu Tổ quốc. Cái
đáng sợ hơn, là mất nước. Cái cao cả ở đây nó biểu hiện dưới dạng bình thường –
bình thường mà vĩ đại – cụ già, em nhỏ, bà mẹ… đều làm được và họ làm không phải
bằng Lý Trí mà bằng Trái Tim, “có những lý mà Lý chưa từng biết”. Họ làm ở mức
Siêu Trái Tim, nó cũng là Siêu Lý Trí. Ở đây cao cả không phải là một tháng, một
ngày mà suốt ba mươi lăm năm. Không phải một người, hai người mà năm mươi triệu,
nên nó đâu có cái dạng của bể đang điên, nó được tổ chức rất khoa học vì có Đảng
lãnh đạo (hãy nhìn một chiến dịch). Đấy, hai thế kỷ sau khi Kant mất, hiện thực
Việt Nam bổ sung cho Kant là như vậy. Chúng ta cũng cần hiểu thêm là Kant
đâu có dè bỉu cao cả. Kant viết: “Bởi vì
cũng như ta trách một người dửng dưng trước một vật trong thiên nhiên mà ta thấy
đẹp, là người ấy thiếu khiếu thẩm mỹ, cũng như vậy, chúng ta bảo người nào
không xúc động gì trước cái cao cả, là người ấy không tri giác”. Kant nói
tiếp: “Chúng ta đòi hỏi hai điều ấy ở mọi
người, và đoán rằng họ có các điều ấy [ở họ]
nếu họ có ít nhiều văn hóa, chỉ có [điều] khác
nhau [thế này], [là]
ta đòi khiếu thẩm mỹ [ngay] [tức khắc] ở mọi người, còn ta đòi [xúc động vì] [lòng
yêu] cao cả chỉ [với] [ở] điều kiện chủ quan này, là sự hiện diện của
tình cảm luân lý ở nơi họ…”
***
Chị Kim Nga thân mến,
Không hiểu tôi đã đủ sức giải thích cho chị và đủ sức
thuyết phục anh Hiến không? Nhưng thôi nhé, dù tôi làm thơ có yếu đi, chị cũng
phải cho tôi trở về với thơ chứ, vì tôi đâu phải nhà lý luận? Chẳng qua tại chị,
tại [anh Hiến, tại anh X.,] [các anh ấy] mà tôi phải làm cái việc vừa lý sự vừa
lục sự, lục sách tầm chương trích cú này. Viện sách ông này ông kia vì sợ một
mình mình không thuyết phục nổi. Tôi chỉ thắc mắc một điều, cái anh bạn thơ trẻ
có tài của tôi, từng hết sức ủng hộ các bài kia và bảo triết lý trong các bài ấy
hay tuyệt (mặc dầu anh bạn chỉ nghe nói thôi chứ cũng chưa đọc) lần này có thèm
đọc bài của tôi không, và nếu đọc thì sẽ ủng hộ tôi hay là phê phán?
Hà Nội, cuối năm 1980
Thành phố Hồ Chí Minh, đầu năm 1981
CHẾ LAN VIÊN
Nguồn:
Văn Nghệ Tp. HCM., s. 157 (23.01.1981), tr. 3, 6-7.
Văn nghệ, Hà Nội, s. 8 (21.02.1981), tr. 2-3, 9, 11.
● Chú thích của người
sưu tầm:
Lưu ý chung: Như báo
Văn Nghệ viết rõ: Do yêu cầu của tòa soạn báo Văn Nghệ (Hội nhà văn VN) tác giả Chế Lan Viên đã sửa một số câu đoạn,
nên bài này có những chênh lệch về văn bản giữa bản đăng Văn Nghệ Tp. HCM., và bản đăng Văn
Nghệ (Hội nhà văn VN). Trong bản đánh máy này, người sưu tầm tạm quy ước:
các phần chữ màu đen là đều có ở cả 2 báo; những đoạn chữ màu xanh là chỉ có ở bản đăng Văn nghệ Tp. HCM.; những đoạn chữ màu
nâu là chỉ có ở bản đăng Văn Nghê (Hội nhà
văn VN).
(1) Chỗ này nguyên văn của H. N. Hiến là ”số cộng”, bài Chế Lan Viên, cả 2 bản
đăng, đều chép lầm là ”số phận”.
(2) Ở cả hai bản
đăng báo chỗ này đều kết thúc câu hỏi 3 rồi chuyển sang câu hỏi 5, không rõ câu
hỏi 4 ở đâu? Ở phần sau câu 3 hay bản thảo tác giả gửi đến 2 tờ báo đều bị mất
một đoạn? Đọc kỹ lại, người sưu tầm tạm đoán: nội dung câu hỏi 4 có thể nằm
ngây trong câu hỏi 3, phần hỏi về cái giả trong văn học; vì vậy người sưu tầm đưa
xuống dòng từ câu “Nguyên nhân cái giả trong văn chương ấy…” trong khi ở nguyên
văn cả 2 báo đăng đều không xuống dòng.
(3) Ở chỗ này, những từ đặt trong ngoặc vuông là vốn có trong nguyên văn của
Hoàng Ngọc Hiến mà bài Chế Lan Viên đã lược bỏ đi khi dẫn lại.
CÁC «TAI NẠN VĂN CHƯƠNG» (17): «VỤ 79» (6)
Reviewed by Phạm Thu Hương
on
17:24
Rating:
Không có nhận xét nào: