Nguyễn Đức Dương
“KHUẤT MẮT TRÔNG COI” chả có nghĩa gì cả vì mắt một khi đã bị khuất lấp rồi thì đâu còn nhìn thấy được gì nữa mà “TRÔNG” với lại chả “COI”!
Cho nên, phải đổi “TRÔNG” thành “KHÔN”, và nói KHUẤT MẮT KHÔN COI mới mong đưa câu trên trở về với nhóm những câu có nghĩa. Thật vậy, do KHÔN có nghĩa là ‘khó mà’, nên ‘Mắt hễ bị che khuất rồi thì khó mà COI (= trông nom, coi sóc) được gì’.
Thế thì cái gì đã ngăn chúng ta thay vì nói KHUẤT MẮT KHÔN COI lại nói chệch thành KHUẤT MẮT TRÔNG COI?
Trả lời câu hỏi đó, không ít người cho rằng nên coi cả hai đều là “hợp chuẩn”. Vì theo luồng ý kiến này, KHUẤT MẮT TRÔNG COI đã trở thành “lời cửa miệng”của hầu hết người Việt chúng ta từ bao năm qua. Nên so với KHUẤT MẮT KHÔN COI, thì KHUẤT MẮT TRÔNG COI nghe có vẻ “thuận miệng” hơn khi đọc lên thành tiếng. Hơn nữa, “KHÔN” hiện kém thông dụng hơn “KHÔNG” gấp bội, tuy cả hai có vẻ là “đồng nghĩa của nhau”.
Mấy lí do vừa nêu, tiếc thay, đều hoặc là nghèo sức thuyết phục, hoặc là chả mấy xác đáng.
Thật thế, cả KHUẤT MẮT KHÔN COI lẫn KHUẤT MẮT TRÔNG COI đều có vỏ âm gần như y hệt nhau, tức là có âm hưởng đọc lên nghe như nhau. Điều đó buộc chúng ta không thể bỏ qua cảm giác “thuận miệng”. Tương tự, các cụm, như SÁT NHẬP, CHUNG CƯ, THỐNG KÊ cùng nhiều cụm khác nữa, đều có tần suất sử dụng rất cao, tức cũng hết sức “thuận miệng”, tuy ai cũng biết mười mươi rằng đó đều là những cụm “bất ổn” về từ nguyên: SÁT NHẬP thực ra là dạng “nói chệch” của SÁP NHẬP, CHUNG CƯ là dạng “nói chệch” của CHÚNG CƯ, còn THỐNG KÊ là dạng “nói chệch” của THỐNG KẾ).
Câu “tục ngữ nhại” CÁI KHÓ LÓ CÁI KHÔN cũng có tần suất sử dụng ngày càng cao hơn, nhưng đây lại là câu “hết sức bất ổn” cả về ngữ pháp lẫn phong cách, như học giả An Chi, GS Phương Lựu và nhà ngữ học Cao Xuân Hạo từng chỉ ra và chê trách chẳng chút e dè.
Ngẫm kĩ các trường hợp vừa nêu dẫn chúng ta đến một nhận xét nhỏ: sức nặng của thói quen quả tình thật đáng nể, ngay cả trong địa hạt ngôn ngữ!
Nhân đây, xin nêu thêm một dẫn liệu nữa để minh chứng cho lẽ thật ấy. Như mọi người đều biết, ai trong chúng ta cũng quen gọi vua Lê Hoàn là LÊ ĐẠI HÀNH. Ấy thế nhưng ĐẠI HÀNH là một cụm chưa bao giờ được giới am hiểu lịch sử coi là cái tên đích thực của vị vua sáng lập nên nhà Tiền Lê cả. Tại sao thế? Bởi ĐẠI HÀNH trong tiếng Hán vốn có hai nghĩa: (1) Đi xa (tức “ đi về cõi vĩnh hằng”, một uyễn ngữ [euphemism] rất hay được dùng để thay cho “CHẾT”); và (2) ‘Còn đang quàng, chứ chưa kịp đưa đi chôn (do còn chưa được đặt thuỵ hiệu).
Và vua Lê Hoàn sở dĩ bị “kẹt” trong tình cảnh “khốn khổ” ấy chung quy chỉ vì sau ngày tạ thế, ngài đã bị kẻ nối ngôi là Lê Ngoạ Triều cư xử bất hiếu: không lo mời các quan đại thần và các bậc học rộng tới ngay để đặt thuỵ hiệu, như lệ thường.
Tất cả những gì vừa trình bày trên đây cho thấy: Tính thông dụng chả phải bao giờ cũng đi đôi với tính xác đáng. Tuy nhiên, trong ngôn ngữ phẩm chất đầu trong khá nhiều trường hợp lại lấn lướt hẳn phẩm chất sau do người dùng chả mấy khi (nếu không nói là chả bao giờ!) “thèm” để ý đến chuyện gốc gác các từ. Nói cách khác, bất chấp tính xác đáng vượt trội của câu KHUẤT MẮT KHÔN COI, người dùng bao giờ cũng bị thói quen chi phối. Đó chắc hẳn là lí do buộc ta phải coi KHUẤT MẮT TRÔNG COI là dạng “CHUẨN”!
Không có nhận xét nào: