Chương 5
Doãn Quốc Sĩ
Hai nhánh sông gặp gỡ
Tuy Thiệu thấy lòng bớt thắc mắc vì chàng đã biết tự an ủi: “Đau khổ tự nó vô trách nhiệm, điều cần là liệu mình có trưởng thành trong đau khổ không? Nhưng suốt bốn tháng trời liền, Thiệu không dám cầm đến bút sơn.Chàng thêm một cuộc sống hồn nhiên có ý thức mà chưa đạt được.
Bỗng một ngày kia, phải ngày đó Thiệu nhớ lắm, ngày 15 tháng 9 năm 1954, Lũy – bạn Thiệu – mang lại cho chàng một lá thư. Phong thư này đề theo địa chỉ trường cũ. Trường đã giải tán từ lâu chỉ còn Lũy – ông hiệu trưởng cũ - ở lại, vì một lẽ giản dị trường sở là nhà của Lũy. Nhìn tên người gởi mắt Thiệu sáng lên.
Trời ơi, thơ của chị Hoa!
Sài Gòn, ngày 12 tháng 9 năm 1954
Em Thiệu yêu quý của chị,
Chị chẳng hiểu em có còn ở địa chỉ cũ không, hay đã lang bạt đi đâu rồi, hay đã… nhưng thôi chị cứ gửi thư này theo địa chỉ cũ. Chị chưa muốn viết gì hơn vì chưa biết số phận lá thư này ra sao. Nếu cầu Trời, cầu cha mẹ phù hộ mà thư này đến tay em thì em trả lời chị ngay theo địa chỉ kèm đây. Chị hiện mở hiệu bán sách.
Chị của em
Hoa
Số… đường 20… Sài Gòn
Đã từ bốn tháng nay Thiệu thấy tâm hồn héo hắt, chàng nghĩ đến màu úa vàng của ruộng mạ gặp kỳ đại hạn, Thiệu chờ mưa, cơn mưa từ đâu tới, cơn mưa như thế nào, chàng không rõ. Lá thư chị Hoa, người chị ưu tư, hiền hậu của Thiệu đã là cơn mưa chờ đợi. Cơn mưa đã đến, cỏ cây hồi sinh
Và đây là lời nói của một tâm hồn hồi sinh:
Huế ngày 15 tháng 9 năm 1954
Chị Hoa yêu quý của em.
Nhận được thư của chị em quên tuổi chị ạ, em tưởng như ngày nào còn bé dại ham ra bến phà, ham leo lên đê chơi để về chị phải giặt quần áo bê bết đất cát của em. Đã có lần chị ủ em vào lòng và giơ lưng ra che đòn cho em. Nhận được thư này chị đừng viết thư cho em nữa, em đương thu xếp mọi công việc để về Sài Gòn ở gần chị.
Có lẽ em về gặp chị trước khi thư này đến nơi.
Em của chị
Thiệu
Cùng với là thư gởi cho chị Hoa, Thiệu viết một lá thư cho Tạo: Tạo là người bạn duy nhất của Thiệu ở Sài Gòn mà chàng vẫn thường liên lạc bằng thư. Thiệu quen thân Tạo từ thủa chàng trình bày tờ tuần báo của Tạo ở Hà Nội trước thời kháng chiến.Thiệu quý Tạo ở chỗ Tạo có tâm hồn phóng khoáng nghệ sĩ.Tạo còn chơi dương cầm khá giỏi, mà Thiệu vốn ưa nghe dương cầm.
Thiệu còn nhớ chiếc “chìa khóa nghệ thuật” đã mở tình thân cao quý cho đôi bạn là bản Simple aveu của Francis Thomé. Hôm đó, lần đầu tiên tới nhà Tạo, Thiệu yêu cầu Tạo đàn cho nghe. Tạo liền giới thiệu một bản mà Tạo thích lắm: bản Simple aveu; Tạo cho mở đĩa hát bản Tình Ca không lời đó – (Romance sans parole) – rồi ngồi vào piano dạo theo. Ý Tạo muốn dùng tiếng violon và tiếng violoncello trong đĩa hát làm cho nổi giai điệu để Thiệu cảm thấy hết cái vẻ đẹp uyển chuyển của nét nhạc.Quả nhiên Thiệu đồng với Tọa và mê ngay bản nhạc.
Simple aveu – Thiệu nghĩ thầm – lời thú thật đơn giản, đây dĩ nhiên là lời thú thật tình yêu.
Chàng yêu bản nhạc đến nỗi lần nào đến thăm Tạo, chàng cũng bắt Tạo đàn bài đó cho nghe ít nhất là một lần, rồi chàng nhẩm thuộc, rồi chàng làm lời ca cho bản nhạc – mặc dầu nguyên tác là bản… “tình ca không lời!” Lời ca cũng âm thầm cũng réo rắt như nét nhạc:
Ánh trăng muôn trùng xa… mờ
Ngàn cây cùng lên tiếng chơi vơi
Khiến lòng xao xuyến bâng khuâng
Hồi tưởng nhớ bao năm…thời thơ ấu
Êm đầm biết bao nhiêu tình thương…buồn…
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Làm lời xong, hát đi hát lại Thiệu mới giật mình thấy rằng chàng hoàn toàn viết theo tiếng nói của mối tình lở dở với Yến:
Êm đềm biết bao nhiêu tình thương…buồn…
…Khiến lòng xao xuyến bâng khuâng
Hồi tưởng nhớ bao năm…thời thơ ấu
Và mỗi khi ngậm ngùi nhớ đến Yến, Thiệu hát khẽ để tự xoa dịu, tự an ủi, tự vỗ về chính mình. Chàng thấy như chàng vừa là kẻ chèo thuyền vừa là kẻ nằm giữa khoang thuyền để nghe thấy mình trôi nổi bình bồng trên từng lớp sóng...từng lớp sóng xô dồn của biển cả mênh mông.
Có lần Tạo bảo Thiệu:
- Hay là nếu họa sĩ thích nhạc thì tôi xin dạy.
Thiệu lắc đầu:
- Nghe anh chơi rồi giữ lấy âm thanh đó trong lòng, như thế đẹp hơn nhiều. Anh có biết chuyện người Nhật tấu nhạc tế thần?Họ cầm ống tiêu làm điệu thổi nhưng không thổi thánh tiếng vì họ e tiếng tiêu thật không thanh khiết bằng tiếng tiêu phát lên tự tâm hồn.
Tạo lắc đầu:
- Anh lãng mạn quá lắm!
Lần này cùng với lá thư gửi cho chị Hoa, Thiệu viết cho Tạo một lá thư yêu cầu bạn tìm ngay công việc cho mình ở Sài Gòn.
Chị Hoa nhận thư được hai hôm thì Thiệu lù lù tới.
Chị Hoa khóc – thì bao giờ chị chẳng khóc – chị vừa khóc vừa nắm lấy tay Thiệu:
- Giời ơi! Em tôi!
Biền, ông anh rể, đã bắt tay Thiệu ân cần hỏi han mấy câu về việc đi đường.
Hai cháu, một gái, một trai còn đứng ngơ ngác trên thềm: Trang đã mười hai, năm nay bắt đầu học đệ thất, Thụy lên năm học vỡ lòng.
Chị Hoa cố giữ giọng bình tĩnh, kể tiếp cho Thiệu hay chú thím Hai có tuổi rồi, không di cư. Chú thím bảo chẳng lẽ đi cả, nên tình nguyện ở trông nom mồ mả tổ tiên.
Chị bỗng chăm chú nhìn Thiệu hơn, yên lặng giây lâu mới nói:
- Em tôi đã hơn ba mươi tuổi đầu rồi mà… ừ kể ra cùng có già đi một chút nhưng trông vẻ người thì còn y như ngày nào…
Thiệu cười:
- Tại em còn độc thân, chẳng lo lắng gì nên trẻ thôi.
Chị Hoa lườm:
- Để rồi chuyến này tôi bắt cậu lấy vợ, không thể lông-bông mãi thế được, hư người ra.
- Vâng, thì anh chị cưới vợ cho em. Bây giờ em không còn đồng xu nào. Tiền máy bay đến đây là em vay của bạn…
Chị Hoa ngắt lời:
- Cậu không phải lo điều đó.
Anh Biền hỏi:
- Cậu năm nay bao nhiêu tuổi rồi nhỉ?
- Em ba mươi hai.
- Phải – lời chị Hoa – cậu ấy băm hai, tôi băm bẩy, tôi hơn cậu ấy năm tuổi mà.
Thiệu được chị Hoa cho biết tiểu gia đình anh chị Tín hiện được chia ruộng ở Cái Sắn. Ngày hôm sau, Thiệu cùng chị Hoa đi Cái Sắn. Tiểu gia đình anh Tín đông người hơn. Anh chị Tín đã có bốn cháu cứ một trai lại một gái và tên theo thứ tự sau: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí. Anh chị Tín đều khen Thiệu còn trẻ. Riêng Thiệu, chàng nhận thấy cả anh Tín lẫn chị Tín, cả chị Hoa lẫn anh Biền đầu già đi nhiều.
Ngay chiều hôm ấy chị Hoa trở về Saigon, nhưng Thiệu còn ở lại với anh chị Tín đến một tuần sau. Trở về Sài Gòn, Thiệu vừa đặt chân vào hiệu sách, chị Hoa đã rối rít:
- Không biết có nhà ông nào đến đây tìm cậu mấy bận, dáng băn khoăn, có để lại bức thư này.
Thiệu đọc thư – thư của Tạo:
Thiệu mến, nhận được thư cậu đề ngày 15-9-1954 ở Huế, có trả lời ngay nhưng thư quay về với dòng địa chỉ mới của cậu tại Saigon ghi ở góc phong bì. Chắc là ông chủ nhà mách giúp.Tôi đã đến đây ba lần mà cậu chưa về.Có việc cần tới cậu lắm đấy.
Thân ái,
Tạo
Ngay chiều hôm đó Tạo đến.Đôi bạn chí thiết gặp nhau nói cười bô bô như trong nhà chẳng có ai. Tạo kéo Thiệu đi ăn ở Chợ Lớn. Chiếc xe của Tạo kiểu Fiat Millecento, chỗ ngồi thì rộng mà dáng thì xinh. Trong lúc ăn, Tạo kể chuyện vừa xin được giấy phép tuần báo Nguồn Việt, hiện đã có trụ sở riêng cho tờ báo. Tạo muốn Thiệu không những trông nom trình bày tờ báo mà còn giữ luôn chân Tổng thư kí tòa soạn. Có chiếc xe 2 chevaux để Thiệu toàn quyền sử dụng.
Thiệu nhận lời và đến ở tòa báo ngay.Nguồn Việt số đầu đã kịp ra mắt đúng kỳ hẹn nửa tháng sau.
Tính ham giao du của Thiệu sau mười năm bị đứt quãng nay được dịp “chồm” dậy. Báo vẫn ra đúng hẹn, trình bày đẹp, nhưng Tạo chỉ có thể “bắt” được Thiệu ở nhà in mà chẳng bao giờ gặp được Thiệu ở tòa báo. Hình như Thiệu chỉ tạt về để thu nhặt những thư từ, bản thảo các nơi gửi tới mà người đưa thư đã quẳng bừa bãi qua cửa sắt. Tạo biết xe 2 chevaux của Thiệu nhiều khi ngồi lên tới năm sáu “văn nghệ sĩ” để hoặc đi rong phố, hoặc ra tiệm trà đường Catinat, hoặc ra khỏi thành phố tiến về bất cứ một vùng quê nào, một tỉnh nhỏ nào. Vì tiền ét-săng nhất định Thiệu đòi trả lấy nên Tạo chịu không thể ước lượng số lí-lô-mét Thiệu đi hàng tháng.
Một ngày hạn hữu kia, Tạo cùng mấy anh bạn qua tòa soạn thấy cánh cửa sắt ngỏ.
Bước qua ngưỡng cửa Tạo gọi:
- Thiệu có nhà không?
Thiệu đương gội đầu trong buồng tắm, mắt còn nhắm nghiền vì sợ bọt xà-phòng lọt vào mà cũng nghển cổ đáp liền:
- Ờ được, chờ một tí rồi đi. Xong rồi đây!
Mọi người cười ồ, Tạo lắc đầu:
- Mình đến thăm nó chứ có đến rủ đi chới đâu mà nó đã nghiễmnhiên ra lệnh: chờ một tí rồi đi.
Nhưng khi Thiệu ra thì cả bọn quyết định đi chơi thật.
Vừa lái xe, Tạo vừa nói:
- Chính sách Pháp bắt đầu thay đổi ở đây!
Thiệu hỏi:
- Thay đổi gì?
- Khá lắm – Tạo đáp – hiện tòa Đại Sứ Pháp công bố sẵn sàng cấp một số học bổng cho sinh viên qua Pháp học về đủ các ngành: Sư Phạm, Khoa Học, Âm Nhạc, Hội Họa…
Thiệu ngắt lời:
- Cả Hội Họa nữa à?
Tạo gật đầu:
- Chỉ phải nộp cho tòa Đại Sứ Pháp hai bức tranh sơn dầu của mình.
- Sao phải nộp thế?
- Để họ gửi về Pháp, một hội đồng giám khảo sẽ quyết định sinh viên đó có được nhập học không và nếu có thì vào năm thứ mấy.
Thiệu vỗ vào thành xe cuống quýt:
- Cậu cho tôi về!
- Về làm gì, về lấy hai bức tranh à?
- Không, về vẽ hai bức tranh.
Cả xe cười ầm, Tạo điềm nhiên nhận ga cho xe đi nhanh hơn:
- Thôi hãy đi chơi đã, chẳng mấy khi được gặp cậu thế này.
Thiệu đành nén sự nóng lòng sốt ruột và ngồi điềm nhiên như không.Thiệu biết chỉ có cách ấy mới khỏi bị Tạo trêu trả thù.Nhưng sau buổi đi chơi chỉ ba ngày sau Thiệu đã đem đến tòa Đại Sứ Pháp hai tác phẩm sơn dầu của mình. Khi trở về, yên trí rồi, Thiệu đỗ xe ở góc đường Bonnard, vào một tiệm trà giải khát. Lúc trở ra ánh nắng vừa tắt, đường phố về chiều hầu như rộng thêm và hiền hòa chào đón. Thiệu chưa ra xe vội, chàng rảo theo hè phố. Phía trước và bên trong các cửa hàng đã bật điện. Thiệu qua một vùng ánh sáng nhấp nháy, chàng ngẩng lên thì thấy giữa khoảng đèn xanh, trắng nhấp nháy đó là hình chữ thập đỏ: một hiệu bào chế! Thiệu đưa mắt nhìn vào phía trong: ngồi ở quầy hàng là một người đàn bà đẹp. Đôi mắt chàng thoạt dừng ở bất cứ khuôn mặt đẹp nào.
Người đàn bà trả tiền lẻ cho khách xong cũng vừa ngẩng lên nhìn ra. Hai đôi mắt gặp nhau, Thiệu có cảm tưởng chàng vừa bị gáo nước lạnh dội lên người và chảng nhanh theo dọc xương sống.
Chàng thốt gần như reo:
- Yến!
- Anh Thiệu!
Nỗi vui mừng đến bất ngờ quá làm Thiệu lúng túng. Giây lâu Thiệu mới hỏi:
- Cửa hàng này của chị Yến?
Yến gật đầu:
- Vâng, mới khai trương được ba hôm nay. Tôi di cư vào đây đã hai tháng rồi, mất một tháng đi tìm nhà, may mà thuê được căn này.
- Thế là giỏi lắm đấy! Chị còn lạ gì hiện giờ Sài Gòn khan nhà đến mực nào!
- Vâng, quả có thế.
Thiệu nhìn quanh làm như ngắm nghía, sự thật chàng chẳng ngắm gì cả rồi nói:
- Rộng đất chứ chị? Rộng lắm!
Tiếng Yến:
- Chả rộng đâu anh ạ, mở “Pharmacie” mà thế này gọi là tạm đủ thôi.
Thể xã giao vấn đáp đó còn kéo dài thêm mấy câu nữa. Buồn tẻ vì bàng hoàng hay vì bàng hoàng mà buồn tẻ? Mấy lần Thiệu nhìn Yến chăm chú, khi Yến nhìn lại hai người cứ để vậy mà “gặp” nhau trong giây lâu rồi hoặc Thiệu quay đi, hoặc Yến quay đi.
Mãi sau Thiệu mới cất lời hỏi câu đáng lẽ chàng đã phải hỏi từ lâu:
- Chị Yến được mấy cháu rồi, anh làm việc ở ngay Sài Gòn hay ở lục tỉnh?
Yến chợt cúi mặt buồn rầu:
- Cảm ơn anh, tôi được hai cháu; nhà tôi mất đã hai năm nay.
Thiệu đứng sững nhìn Yến không nói. Hình như cùng một lúc Thiệu nghĩ đến nhiều điều trái ngược và cũng vì rất nhiều điều trái ngược đến cùng một lúc nên Thiệu có cảm tưởng là mình chẳng nghĩ gì cả,
Thấy khách tới quầy trả tiền đông, Thiệu cúi chào Yến:
- Xin phép chị tôi đi, để khi khác thong thả.
Yến trở lại vui niềm nở:
- Vâng, lần sau anh đến bất cứ lúc nào tôi cũng có nhiều thì giờ. Anh nhớ đây là “Pharmacie de garde” nên ngày thường mở cửa từ sáu giờ chiều trở đi, còn chủ nhật cùng các ngày lễ thì mở cửa suốt ngày.Đặc biệt chiều nay tôi phải ngồi quầy thay cho cô “caissière” bị nhức đầu.Xin lỗi anh nhé.
Ra đến xe, mở cửa vào ngồi trước tay lái rồi Thiệu mới bớt bàng hoàng và ôn lại hình ảnh Yến. Thiệu thấy rằng Yến hơi đẫy hơn trước, Yến không cả xinh lẫn đẹp như xưa, Yến là đàn bà, Yến chỉ còn đẹp. Nhưng – có lẽ đây là điều đáng buồn cho Thiệu – nếu Yến không còn xinh thì Yến lại đẹp quyến rũ lên bội phần.
Thiệu đặt tay lên trán nhắm mắt, suy nghĩ rồi tự nhủ thầm:
- Phải, Yến đẹp quyến rũ lên bội phần thật!
Chàng về ngay tòa báo, khóa trái cửa lại, vào buồng nằm.Tâm trí chàng ngột ngạt hình ảnh Yến.Chàng biết rằng cả đêm hôm đó chàng sẽ chỉ nghĩ đến Yến.Thốt nhiên ôn câu chuyện cũ nhớ việc Yến lấy chồng mà không phải lấy mình, Thiệu thấy trong cùng thẳm tâm hồn còn chút gì hờn giận tuy vô lý nhưng rờn rợn có thực.
Bên ngoài có tiếng cửa xe đóng, rồi Tạo gọi:
- Thiệu có nhà đấy chứ?
Thiệu lặng thinh.
Tiếng Tạo càu nhàu:
- Quái, xe để trước cửa mà nó đã đi đâu rồi.
Tiếng một anh bạn khác:
- Chắc hắn chỉ quanh quẩn gần đây thôi.
Tạo càng càu nhàu:
- Có thánh mà hiểu được nó!
Tiếng máy nổ. Tiếng bánh xe lăn xa dần rồi im lặng. Thiệu nhỏm dậy tắt đèn rồi nằm thảnh thơi để nghĩ đến Yến cùng những kỷ niệm thời thơ ấu bên bờ sông quê hương. Sau cùng Thiệu trở về nghiền ngẫm ý nghĩ: Yến đã là đàn bà, Yến không còn xinh, nhưng Yến lại đẹp quyến rũ lên bội phần.
Thiệu chợp ngủ lúc nào không biết. Trong giấc mơ Thiệu nhớ đến một người đàn bà đẹp trong Đông Chu Liệt Quốc: nàng Tức Vỉ. Nàng Tức Vỉ hình như là vợ ông vua Sở nào thì phải. Mà vua Sở cũng cướp lại nàng từ tay một ông vưa nước nhỏ nào thì phải. Nàng đẹp lắm, má lúc nào cũng đỏ hồng nên vua Sở gọi yêu nàng là “Đào hòa phu nhân!” Vẫn trong giấc mơ Thiệu nhất định “Đào hòa phu nhân” là Yến mà chàng vừa gặp ban chiều, bởi Yến cũng có đôi má ửng hồng như vậy.
Hôm sau, Thiệu ngồi ở bàn giấy tòa báo cả ngày. Cũng là vô tình Tạo qua tòa báo hai lần, lần nọ cách lần kia ba tiếng đồng hồ. Tạo trợn tròn mắt vì thấy Thiệu vẫn ngồi nguyên chỗ cũ. Khi Tạo vào, Thiệu nhờ chuyển tập bài đến nhà in cho thợ sắp chũ
- Cậu ốm đấy à? – Tạo hỏi.
Thiệu lắc đầu:
- Không!
- Không đi chơi à?
- Không!
Ra đến xe rồi, Tạo còn ngoái nhìn Thiệu một lần nữa khẽ chúm môi rồi nhún vai lắc đầu nói thầm:
- Có mà thánh hiểu được thằng này!
Buổi chiều Thiệu lái xe lên đườngh Bonard đậu chỗ hôm trước, nhưng khi thủng thỉnh tới gần hiệu bào chế của Yến thì chàng dừng lại bụng bảo dạ: “Mới hôm qua đến, hôm nay lại đến nữa sao tiện!”
Thiệu trở về xe. Khi xe qua đấy, nhìn vào, chàng thoáng thấy bóng Yến ở trong xùng, đang xem một đơn thuốc của khách hàng.
Chiều hôm sau nữa Thiệu cũng đi qua. Ô-tô nối đuôi nhau chiếc nọ sau chiếc kia thành dãy dài. Đèn đỏ ngã tư bật lên đúng lúc xe Thiệu vừa tới xế hiệu bào chế của Yến. Thiệu chậc lưỡi lái xe vào sát vỉa hè, mở cửa bước ra, Yến nhận thấy chàng ngay.
Thiệu chào Yến rồi nói:
- Chị cho tôi một tube Aspirine.
Yến chăm chú nhìn Thiệu:
- Anh bị nhức đầu?
Thiệu gật đầu liền:
- Vâng, chả hôm qua tôi thức khuya quá.
Yến chỉ về phía xe 2 chevaux:
- Xe của anh?
Thiệu cười:
- Của bạn đấy chị ạ.
Rồi Thiệu vui vẻ kể cho Yến nghe công việc hiện thời chàng làm.
Chàng kết luận vui hơn:
- Tôi thực ra là công chưa thành, danh chưa toại, nghèo rớt mùng tơi, nhưng mà thôi, điều đó chẳng đáng kể, miễn là nặng tình yêu nghệ thuật và giàu tình cảm là được rồi có phải không chị?
- Anh nói đúng!
Cả hai cũng cười.Câu chuyện thật đậm đà. Khi đã lên xe ngồi, Thiệu mới sực nhớ ra hai điều cùng đáng trách cả. Điều thứu nhất: chàng quên chưa trả tiền tube Aspirine. Điều thứ hai: cách chàng nói chuyện vui vẻ và tỉnh táo chẳng có vẻ gì là một anh nhức đầu sắp phải uống Aspirine.
Chiều hôm sau, Thiệu đến xin lỗi Yến để trả tiền, Yến gạt đi nhưng Theiẹu không chịu. Chàng nói:
- Đời tôi còn ốm nhiều, chị làm như vậy thì lần sau tôi không dám đến đây mua thuốc nữa.
Rồi để lấp câu chuyện, Thiệu chỉ chiếc xe Consul đậu ngay trước cửa:
- Có phải xe của chị đấy khôgn?
Yến gật đầu:
- Vâng, tôi phải có xe để đi lấy hàng cho tiện và còn đưa hai cháu đi học nữa.
- Chị mượn tài xế?
- Tôi lái lấy anh ạ. Có gì đã có garage ngay gần đây.
Thiệu cười:
- Trông xe của tôi bên xe chị như cũng một lúc thấy hai vừng trăng: một trăng hạ tuần và một trăng rằm.
Yến nói:
- Ấy thế mà tôi thích đi xe 2 chevaux đấy, ngồi bùng nhùng nhưng êm.
- Nếu vậy mai tôi đến đón chị lại thăm tòa báo của tôi.
- Rất hân hạnh!
- Độ mấy giờ nào?
- Mười giờ anh nhé!
- Vâng mười giờ. Nhưng chị nhớ là phải ngồi xe của tôi.
- Nhất định rồi!
Mời giờ hôm sau, Thiệu tới đón Yến đến tòa báo, Yến chăm chú xem tranh của Thiệu treo ở tuòng.
- Chị Yến ạ.
Yến quay lại.
Thiệu tiếp:
- Yến chẳng thể nào hiểu được ngày xưa tôi dã yêu Yến đến mực nào.
Yến cúi xuống mỉm cười xa xôi.
Vẫn lời Thiệu tiếp:
- Cho nên ngày nay gặp Yến, tôi có cảm tưởng gặp lại một người đã nợ mình rất nhiều mà chưa trả gì cả.
Yến cười thành tiếng khẽ:
- Trời ơi, anh còn đòi nợ tôi làm gì?
Mặt Yến chợt buồn. Thiệu vội vàng chuyển câu chuyện:
- Nếu Yến thong thả tôi đưa Yến đi Thủ Dầu Một xem mấy xưởng sơn mài.
- Vâng đi.
Suốt dọc đường hai người nói chuyện hiện tại, trao đổi những nét dí dỏm.Câu chuyện vui.Nhưng mỗi khi Thiệu nhắc nhở vài nét dĩ vãng, Yến chỉ chớp mắt không trả lời.
Sau buổi cùng nhau đi chơi, Thiệu được dịp hiểu Yến hơn: ngày nay Yến có cái phóng khoáng của người chịu ảnh hưởng Tây học và giao thiệp rộng, lại có cái tế nhị đặc biệt của người miền Bắc.
Thiệu nhớ đến chuyện “Hằng Nga ngủ trong rừng”. Sau giấc ngủ trăm năm đợi Hoàng tử đến, khi nàng Công chúa tỉnh dậy nàng vẫn tươi đẹp như xưa. Thời gian có trôi nhưng sắc đẹp và tuổi trẻ của nàng chỉ ngưng đọng.Tình của Thiệu đối với Yến cũng chỉ ngưng đọng, nay thì đã bừng tỉnh để cuồn cuộn dồn như con sông Đuống vẫn cuồn cuộn xô dồn vào những mùa nước lên.
Cuộc sống của Thiệu tuy hồn nhiên nhưng sự thực bên trong chẳng bao giờ Thiệu quên những vết thương cũ: vết thương tình đầu tiên với Yến, vết thương xe quê hương lang bạt ở miền Trung, vết thương của kẻ bị lừa trên trường chính trị điên đảo. Những vết thương đó trước đây vẫn âm thầm bỏ ngỏ, kể từ ngày Thiệu nhận được thư của chị Hoa rồi về Sài Gòn, chàng tự coi như đã được băng bó, đến nay gặp Yến, tình yêu nồng nàn trở lại, Thiệu chợt thấy được đắm mình trong một dòng suối thần tiên và các vết thương tâm hồn lành lại như chưa hề bao giờ có.
Ba hôm sau, Thiệu đến tìm Yến hỏi Yến có bằng lòng để chàng vẽ cho nàng một bức sơn dầu?Yến vui vẻ ưng thuận. Hình như lúc nào Yến cũng sẵn sàng ưng thuận một cách trang nhã theo ý chàng đề nghị.
Thiệu hỏi:
- Yến định hôm nào bắt đầu?
Yến đáp:
- Anh cho ba ngày nữa, vì mai và mốt hàng về tôi phải cho đi lấy và ghi vào sổ.
Thiệu tần ngần:
- Yến nhỉ.
Vẻ nhìn của Yến cũng bâng khuâng:
- Dạ?
- Chúng mình xa nhau đến mười năm rồi!
- !
- Ngày nay gặp Yến, cái đam mê mười năm trước cháy lại trong lòng tôi, Yến ạ. Bắt đền Yến đấy.
Yến mỉm cười buồn rầu.
Thiệu tiếp:
- Cũng là tại cái số tôi không thoát khỏi tay Yến làm khổ.
Yến nói khẽ:
- Sao lại khổ?
- Vì với trạng thái đam mê của tôi thì mỗi khi yêu, dù được yêu lại, tôi vẫn cảm thấy mình mất mát đi nhiều lắm.
Yến giữ nguyên nụ cười xa xôi.
- Đã bao giờ Yến nghĩ đến việc trả món nợ tình cảm như núi như non của tôi chăng?
Yến ngước mắt nhìn Thiệu rồi cúi xuống ngay, nàng đáp:
- Thôi anh Thiệu ạ!
Thiệu nhìn Yến chăm chú hơn, mỉm cười. Chàng nghĩ đến mười lăm năm trước đây khi trao bức thư tình đầu tiên cho Yến, sau đó Yến trả lời: “Đừng anh Thiệu ạ!” Đến nay trong cảnh tái ngộ “hoa xưa ong cũ mấy phân chung tình” Yến lại đáp: “Thôi anh Thiệu ạ!”
Nhưng rồi Thiệu quyết định ra về.Chàng nghĩ dầu sao cũng là một chuyện quan trọng không nên ép Yến trả lời ngay. Còn thừa thì giờ mà!
Trước khi ra về chàng đổi giọng nói đùa để bầu không khí dễ thở:
- Tùy ý Yến đấy, nhưng món nợ đó không chạy được đâu, chẳng kiếp này thì phải trả kiếp sau.
Thấy Yến ngẩng nhìn, Thiệu tiếp:
- Thiết tưởng bà nên trả ngay kiếp này đi cho sòng phẳng!
Thiệu, Yến nhìn nhau giữ nụ cười im lặng. Cả hai cùng bàng hoàng như đôi trai gái hò hẹn và gặp nhau trong một đêm sáng trăng suông.
Rồi chia tay.
Ra đến ngoài đường nắng vàng phơi phới. Thiệu có cảm tưởng quanh mình có hàng ngàn vạn những cánh hoa vàng vô hình rơi rụng, Thiệu cho xe theo đường qua Cầu Quay sang Khánh Hội mặc dầu chàng chẳng có việc gì phải sang Khánh Hội. Nhìn con đường nhựa mịn màng chui qua cầu Mống, Thiệu nghĩ Yến mai đây cũng sẽ nằm nép dưới cánh tay chàng. Khi xe trở về trung tâm điểm chợ Bến Thành, nhìn các ngả đường song song gặp nhau, Thiệu nghĩ đến những dòng sông đã phân ngành rồi những ngành sông chợt tìm được nhau cất tiếng reo vui trước khi lao mình ôm quyện lấy nhau để hào làm một.
VĂN HỌC MIỀN NAM 54-75 (95): DÒNG SÔNG ĐỊNH MỆNH
Reviewed by Phạm Thu Hương
on
17:43
Rating:
Không có nhận xét nào: