THƠ TADEUSZ RÓSEWICZ
Szymborska ra đi năm 2012. Cũng như
Solzhenitsyn, Pilinszky, Popa, Holan, Holub, Seifert, Wat, C. Milosz, Brodsky, Z.Herbert…,
các chứng nhân lớn của Auschwitz và Gulag đã lần lượt ra đi. Rồi mùa xuân 2014 đến
lượt Tadeusz Rósewicz (sinh năm 1921 tại Radomsko, Nam Ba Lan), gương mặt còn
sót của một nền văn học ra đời từ bạo lực và tội ác do Stalin với Hitler tiến
hành khắp Âu châu. Như một phép mầu, kẻ từng viết mấy câu thơ:
Năm hăm bốn tuổi
bị đưa đến lò sát sinh
tôi sống sót
trong LO ÂU (1947) - thi tập khai mạc thơ Ba Lan hậu chiến - vẫn làm chứng nhân và sáng tác liên tục cho
đến lúc ra đi. Là tiếng nói khắt khe nhất trong các nhà thơ cùng thời, Rósewicz
không ưa bọn làm dáng văn chương (littérateur) vì ông không bao giờ tách đạo lý
khỏi ngòi bút và trang giấy. Từng tai nghe mắt thấy những năm tháng máu lửa
kinh hoàng có một không hai trong lịch sử, ông đặt ra yêu cầu mới cho nhà thơ -
chứng nhân. Là người sáng lập dòng phản-thi (anti-poetry) sau 1945 ở Trung Âu,
ông yêu cầu nhà thơ dùng ngôn ngữ trong sáng để ghi chép các kinh nghiệm của
con người chống các thói cầu kỳ lập dị avant-garde. Nhắc lại lời Norwid - nhà
thơ Ba Lan tiền bối: “Dùng đúng chữ để gọi tên sự
vật”, Rósewicz đã phục hồi sự chính danh cho thơ và đã ảnh hưởng sâu rộng
trên các thế hệ thi sĩ , không riêng gì ở Ba Lan, trong hậu bán thế kỷ 20. Ngoài
thơ ông còn viết kịch; thi sĩ Mỹ Edward Hirsch đã ca ngợi ông là “Samuel
Beckett của thơ hiện đại Ba Lan”.
CHÂN PHƯƠNG giới thiệu và tuyển dịch
KẺ SỐNG SÓT
Năm hăm bốn tuổi
bị đưa đến lò sát sinh
tôi sống sót
Mớ nhản hiệu này rỗng tuếch và đồng nghĩa
người và thú
bạn và thù
yêu với ghét
âm với dương
Con người bị giết như thú vật
tôi từng thấy:
các cỗ xe kéo đầy thi thể bị chặt bằm
không bao giờ còn cứu được
ý niệm chẳng qua là chữ
đạo đức và tội ác
can đảm và hèn nhát
xấu đẹp
giả chân
Tính tốt với tật xấu cân
nặng bằng nhau
tôi từng thấy:
một kẻ vừa đạo đức
vừa gian trá
Tôi đi tìm bậc thày và sư
phụ
xin người khôi phục cho tôi
khả năng nhìn nghe nói
xin người một lần nữa đặt
tên cho sự vật và ý niệm
xin người phân biệt ánh sáng
cùng bóng tối
Năm hăm bốn tuổi
bị đưa đến lò sát sinh
tôi sống sót
CÁI CHẾT CỦA MỘT CÔNG DÂN TỐT
Không phải cái chết đột
ngột
Không phải cái chết của người lính
bị một cú đấm đại bác
té bật ngửa nhìn trời
Cũng không phải cái chết của lão nông dân
yên lặng trở vào ruột đất
như trở lại mái nhà
Một ngày kia
một ngày như bao nhiêu ngày
y hệt giống nhau
tương tự hai giọt nước
dưới ánh mặt trời
hay giữa đêm khuya
bắt đầu cơn hấp hối
Không phải một cái chết đột ngột
Ngày lại ngày
khi mi không còn
biết
yêu biết ghét
khi mi khám phá được cách sống chừng mực quí giá
cơn hấp hối bắt đầu
GỐC CÂY
Hạnh phúc làm sao
các thi sĩ thuở nào
Trần gian giống một gốc cây
và họ cũng như đám trẻ
Các người muốn tôi treo thứ gì
trên cành nhánh
khi thép rơi như mưa quanh gốc cây
Hạnh phúc làm sao
các thi sĩ thuở nào
quanh gốc cây
họ múa nhảy như con trẻ
Các người muốn tôi treo thứ gì
trên cành nhánh
khi cây cháy tận rễ
và không bật lên tiếng hát
Hạnh phúc làm sao
các thi sĩ thuở nào
dưới tán lá sồi
họ ca hát tựa trẻ con
Nhưng cây của bọn tôi
trong đêm kêu răng rắc
cái xác bị làm nhục
còn treo trên đó
KỂ TỪ MỘT DẠO
Đã nhiều năm rồi
tiến trình tử vong của thơ
càng lúc càng tăng tốc
chú ý tôi thấy
sự phân hủy của những vần thơ mới
in trên các tuần báo
diễn ra trong vòng hai ba tiếng đồng hồ
các nhà thơ quá cố
ra đi chóng vánh hơn
bọn còn sống
gấp gáp tung ra
những tập sách mới
như thể điều họ mong ước
là trám lấp lỗ hổng
bằng giấy
MẤY TẤM MÀN
TRONG CÁC VỞ KỊCH TÔI
Mấy tấm màn
trong các vở kịch của tôi
không kéo lên
chẳng rơi xuống
không che giấu
chẳng phơi bày
chúng han gỉ
hư hoại kêu rên
rách toang hoang
tấm màn đầu làm bằng thép
tấm thứ hai bằng giẻ
tấm thứ ba bằng giấy
chúng rơi ra
từng mảnh
trên đầu
diễn viên và khán giả
mấy tấm màn
trong các vở kịch của tôi
treo phủ
trên sàn gỗ
quanh thính đường
nơi phòng gửi nón áo
sau khi vãn tuồng rồi
chúng còn quấn vướng cẳng chân
chúng thầm thì
hoặc rít lên như chuột
LỐI VÀO
Lasciate ogni speranza
Voi ch’entrate
hãy vứt hết mọi hi vọng
kẻ nào bước vào đây
đấy hàng chữ ghi trước lối vào địa ngục
trong Commedia Divina của Dante
can đảm lên!
qua cổng vào
chẳng có địa ngục đâu
các nhà thần học
với chuyên gia tâm phân
đã tháo hủy địa ngục
biến nó thành dụ tượng
vì các lý do giáo dục
và nhân đạo
can đảm lên!
qua khỏi lối vào
cái đã từng biết sẽ lặp lại thêm
hai gã đào huyệt say mèm
ngồi bên mép lỗ
nhậu bia với khúc dồi
họ nháy mắt với chúng ta
vừa đá bóng
với sọ đầu Adam
dưới thập giá
miệng huyệt chờ sẵn
người sắp chết hôm sau
thây ma đang trên đường
can đảm lên!
tại đây chúng ta đợi
sự phán xét sau cùng
hố đất bị ngập úng
vài mẩu tàn thuốc lá lênh đênh
can đảm lên!
bên kia cổng
sẽ không có lịch sử
thiện ác hoặc thơ ca
vậy thì có gì
hỡi kẻ lạ kia?
sẽ có đá
đá
chồng lên đá
trên tảng này
là tảng khác
đá đè
đá
CON TÀU MA
ngày ngắn dần
thái dương biểu bất động
dưới mưa
từ những đám mây
viện điều dưỡng trồi lên
như một con tàu chở khách
xuyên đại dương
từng hàng cột cây đen đúa
ướt sũng nước với ánh trăng
trong sương mù tháng mười
một
viện điều dưỡng lắc lư trôi
xa
các cửa sổ lần lượt tắt đèn
chìm vào bóng tối
vào giấc ngủ
trong khi
dưới lòng đất sâu
ác quỉ đã nhúm lửa lò
trong quán “Tiểu Âm Phủ”
đừng hoảng sợ
đó chỉ là một tiệm cà phê
mở cửa khuya
gò má ửng hồng
bọn được cứu rỗi và đám mắc
đọa
cùng liếm láp những gì còn
lại
của cuộc đời
nhiệt độ tăng lên
mọi thứ quay cuồng
trong vũ điệu tử thần
um die dunklen Stellen
der Frau*
con tàu ma
tông vào ghềnh
mắc cạn
* đến chốn tăm tối của
đàn bà ( C.P.)
CHỮ
thiên hạ đã tận dụng chữ
nhai chữ như kẹo cao su
trong các miệng trẻ đẹp
thổi phồng chữ
thành bong bóng trắng
bị bọn chính khách làm giảm
giá
dùng chữ để súc miệng
và làm trắng răng
khi tôi còn trẻ con
chữ dùng để băng bó vết
thương
hoặc làm quà
tặng người yêu
chữ ngày nay
mất giá
gói trong giấy báo
vẫn lây nhiễm bốc mùi
vẫn tạo khổ đau
giấu trong đầu
giấu trong tim
giấu dưới váy phụ nữ
giấu trong kinh sách
chúng nổ tung
chúng giết người
NGÓN TAY TRÊN MÔI
miệng của chân lý
khép kín
ngón tay trên môi
bảo chúng ta rằng
đã đến lúc
im lặng
sẽ không còn ai
trả lời câu hỏi
chân lý là gì
người biết câu trả lời
người trước kia từng là chân lý
đã biệt tăm
Các bài thơ dịch trên đây
được trích tuyển từ:
-THE SURVIVOR, Princeton U.P.
1976, bản Anh ngữ của Magnus J. Krinski và Robert A. Maguire.
-SOBBING SUPERPOWER,
Trzeciak.
Reviewed by Phạm Thu Hương
on
17:30
Rating:
Không có nhận xét nào: