Doãn Quốc Sĩ
Chương
2
I
Tiếng súng lác đác vào những ngày tiền cách mạng. Tiếng
súng dồn dập dần kể từ ngày quân Pháp tái chiếm Nam Bộ. Và dân chúng cũng quen
với tiếng súng. Rồi chiến tranh toàn quốc… và từ những cứ điểm cũ chiến tranh
ngày một lan rộng, ngày một thảm khốc. Đàn ông bị giết bằng súng hoặc bằng lưỡi
lê, đàn bà bị hãm hiếp, nhà cửa bị đốt cháy.
Ngót một năm sau, bộ đội của Tài và Hiển từ mặt trân
Sông Cầu, miền Nam Trung bộ, chuyển ra Bắc. Tài và Miên được dịp tái ngộ, lần đầu
ở quê hương, nhưng trong cảnh tang thương đỏ lửa ấy, hoa cỏ còn chẳng mọi được
nữa là nụ cười với lời hứa đi Bỉnh Di lên núi Sáng thăm khu rừng lau!
Sau hai ngày ở lại quê, Tài đi Tuyên Quang, chàng dự
trận Sông Lô ở đấy rồi hoạt động khắp miền Đông Bắc, Hiển đi lên mặt trận Tây Bắc,
sau này dự chiến dịch Nà Sản. Còn Miên, nàng giúp việc cho quân y viện, thiết lập
ở ấp họ Đỗ tận sau trong rừng thẳm, tuy vẫn thuộc huyện Lập Thạch nhưng rất xa
Bỉnh Di nơi có núi Sáng và khu rừng lau!
Khu rừng lau! Khu rừng lau!
Miên cũng không hiểu sau khu rừng lau đó ám ảnh nàng
hoài. Nàng hầu như thường xuyên mang hai mối hận: thứ nhất hận làm sao khu rừng
để đó không phải là rừng mía mà là rừng lau; thứ hai, hận làm sao mình không xa
khu rừng đó là bao mà vẫn chưa có dịp lên tận nơi để được đi vào khỏa màu xanh
cẩm thạch đó.
Giữa cao trào đoàn kết cứu quốc, giữa không khí tưng
bừng tranh đấu nhuộm màu hy sinh quả càm, Miên vinh dự và kiêu hãnh có một người
anh ngoài tiền tuyến, tuy thâm tâm không khỏi nhiều khi thấy lo âu. Và nhất là
nàng thấy nhớ vô cùng giọng kể chuyện cổ tích đầy thương mến của anh. Nàng luôn
nghĩ rằng nàng còn là trẻ thơ.
Có phong trào thi đua ba tháng, rồi phong trào thi
đua sáu tháng, thi đua toàn diện. Lần nào cũng vậy. Thoạt những khẩu hiệu thi
đua nêu lên Miên thấy dửng dưng, không phải Miên lãnh đạm với công tác, trái lại
nàng vẫn nổi tiếng là cần mẫn nhất cơ quan, nàng chỉ thấy những khẩu hiệu nêu
ra chẳng có gì đặc sắc làm to chuyện. Nhưng rồi đi đâu cũng đọc thấy, rồi những
buổi học tập liên tiếp. Miên dần dần thấy những khẩu hiệu đó quả có quan trọng
tuy đều là những khẩu hiệu mà hàng ngày nàng đã thực hiên. Rồi với phong trào
thi đua nàng thấy như mọi phần tử của đất nước đều bị hút vào một hấp dẫn lực
duy nhất dẻo co mọt nè nép hoạt động đều đặn và nhiều hiệu quả.
Hội Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam - gọi tắt là Liên Việt
- được thành lập đã từ lâu, vị Hội Trưởng đó là một nhân sĩ quen thuộc cả vùng:
cụ Cử Hứa. Đó là một ông già trên năm chục tuổi phì nộn. Cụ Cử Hứa là một trong
số địa chủ giàu nhất huyện Lập Thạch. Cụ đỗ Cử nhân khoa cuối cùng, năm đó cụ mới
hai mươi tuổi. Người trong huyện vẫn thường xì xào bàn tán về cái vô giá trị của
thứ cử nhân ân khoa đó. Theo con mắt quan sát của Miên thì quả thực ở cụ Cử Hứa,
không hề có phong độ một nhà nho chân truyền. Cụ có nhiều cử chỉ lố lăng nhiều
khi sàm sỡ. Cụ thật đã đứng tuổi, nhưng lại có lắm ra vẻ ta đây trẻ trung bằng
cách đưa đẩy những chuyện trai gái. Đôi khi cụ đọc thơ, thứ thơ Đường luật đã cạn
dòng, lời sáo ý rỗng do cụ sáng tác. Cụ đi đâu cũng có một tên cắp điếu và tráp
theo hầu. Cái điếu ống cần trúc thật là dài, mỗi lần cụ ngồi vắt vẻo giơ tay
vít xuống là anh người nhà khúm núm mang tới bằng hai tay miếng trầu cau tươi
hoặc thứ cau khô thật mềm gọi là cau đậu. Ấp cụ Cử Hứa cách ấp họ Đỗ - trụ sỡ
Quân y viện - chưa đầy một cây số, vì vậy mỗi lần đi họp ban chấp hành hàng huyện
- mà họp luôn - cụ thường rẽ vào Quân y viện, coi đó như trạm nghỉ chân. Miên
được nhiều dịp quan sát cụ là thế.
Con trai cụ mới hai mươi bốn tuổi mà đã năm con vì lấy
vợ từ năm mười sáu; anh có theo học trại trường Bảo Hộ, đã một lần thi trượt
thành chung thí tác chiến, hiện anh là chủ tịch hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác - xít
huyện.
Ấp họ Đỗ đã rộn, ấp cũ Cử Hứa còn rộng gấp bốn (là
theo sự ước lượng của các tá đền), và có chăn nuôi đủ các thứ trâu bò, dê, lôn,
gà vịt, bồ câu… lại có ao rộng, thả cá mè, cá trôi, cá chép. Trước đây thời
Pháp thuộc, cụ Cử đã có lần mời được “Quan
Công Sứ” về ấp dự tiệc; bộ đồ ăn tây (đồ sứ Limoges, dao, nĩa, muỗng bằng bạc)
mà dạo đó cụ mua để thù tiếp “Quan Công Sứ” nay vẫn còn. Ngày nay Tân là kẻ thù
của dân tộc thì khác quý ngang với “Quan Công Sứ” ngày xưa là chủ tịch Liên
khu. Mâm cơm thết vị chủ tịch Liên khu vực là chọn lọc vịt hầm, gà rán, chim
quay. Khi họp các cán bộ đội du kích hoặc chính quy tạm đóng ở ấp có thể cụ cho
vật một con bò.
Trong các đợt thi đua, anh em tuyên truyền xung
phong đi khắp các hang cùng ngõ hẻm, giải thích về định nghĩa hai chữ” nhân
dân”, anh em rất ưng đến dừng chân ở ấp cụ Cử vì chắc chắn sẽ được thù phụng tử
tế.
“Nhân dân gồm có nông dân, tiểu tư sản, tư sản dân tộc,
địa chủ và thân hào nhân sĩ do giai cấp công nhân lãnh đạo.”
Cụ Cử có đọc kỹ định nghĩa đó thấy mình vừa là chủ vừa
là thân hào thân sĩ, tựa như là người đặt chân lên nền móng khác nhau nhưng
cùng vững chắc như nhau. Còn do giai cấp công nhận hay do ai lãnh đạo đi nữa cụ
có cần gì.
II
Tám tháng sau ngày Hiển đi mặt trận Tây Bắc có hôm
không hiểu vì sao Miên sốt ruột quá. Nàng ngờ rằng cứ như lời hẹn của anh trong
một bức thư nàng mới nhận được cách đó ít lâu thì có thể Hiển đã về làng mà
chưa có cách nào báo tin cho nàng hay. Sớm hôm sau, chủ nhật, Miên xin phép cơ
quan, lòng khấp khởi mừng sẽ được anh: Nàng đã mừng hụt. Cũng từ đấy nàng thắc
mắc về tin tức của anh luôn. Thẳng hoặc nàng có tiếp tục nhận được thu Hiển thì
từ ngày Hiển gửi đến ngày Miên nhận khoảng cách là ba bốn tháng vì đường giao
thông không có cũng có, vì ba bao nhiêu chặng cơ quan kiểm tra duyệt cũng có,
Miên vui thì được dòng chữ của anh chứ nội dung thư nào có gì.
Lần về Hạc Thủy không gặp anh đó, Miên theo thường lệ
sang thăm bà Quản. Ngày nay bà Quản đã già đi nhiều, mới tám tháng qua, mà hình
dung bà đổi khác tưởng như tám năm qua, mắt kém hẳn, không phải vì tiền của sa
sút mà vì mối lo tinh thần: lo cho Tài. Bà chỉ có một tài là trai mà Tài cũng
như Hiển từ ngày ra đi, chưa một lần về thăm nhà, không những thế, Tài lại
không hề viết một bức thư nào về nữa. Bà Quản chỉ còn biết cặm cụi làm việc để
giải khuây. Bà dậy sớm, thái thân cây chuối băm làm rau để nấu với cám cho heo
ăn, bà đích thân ra ruộng điều khiển công việc, bà đích thân quay vựa đổ thóc… Tối
đến bà lại mang theo chiếc đèn dầu ra đình theo lớp học bình dân học vụ, hoặc
đi họp với toàn thể cứu quốc tới mười hai giờ mới về. Trông thấy mẹ gầy, già, mắt
kém đi như thế chẳng ngày nào là cô Nhơn - cô lấy chồng làng - không khuyên mẹ
nên nghĩ ngơi tịnh dưỡng; cô Nẵng đôi khi tự quê chồng làng bên về thăm cũng
khuyên mẹ như cô Nhơn, nhưng bà Quản chỉ ừ ừ ào ào cho xong rồi bà lại dậy thật
sớm nấu cám cho heo, làm lụng suốt ngày và đi học, đi họp đến 11, 12 giờ khuya.
Nhiều hôm đi học nhìn vào trang sách i- tờ bà thấy lòa chữ phải giơ tay trái
lên nâng trán rồi nhắm nghiền mắt một phút cho tỉnh trí. Những lúc đó bà lại thấy
vang lên trong trí câu bà vẫn hỏi thành lời hoặc tự hỏi thầm hằng ngày: “Không
biết thằng Tài bây giờ ở đâu nhỉ?”
Bác Hỳ, người đàn bà góa hàng xóm, trước đây vào năm
đói có chịu hàm ơn bà Quản, thường ngày cũng sang thăm bà luôn. Bác không biết
khuyên và Quản như cô Nhơn, thường bác chỉ đưa mắt xét xem có thể thu dọn nhà cửa
hoặc đỡ đần được việc gì là bác làm liền. Bác lanh chân lanh tay dọn dẹp chỉ một
loáng là gọn ghẽ đâu vào đấy. Bà Quản không ngăn - bà biết ngăn cũng chẳng được
- bác làm xong việc, bà cám ơn.
Khi Miên đến thăm bà Quản, bà vừa sửa lại cọc chuồng
lợn vừa tiếp chuyện Miên. Câu chuyện trong có nửa tiếng đồng hồ mà tới năm sáu
lần Miên thấy bà hỏi: “Không biết thằng Tài nhà tôi bây giờ nó ở đâu cô nhỉ?”
Miên chỉ cười an ủi. Nàng biết trả lời sao? Miên lại ăn cơm chiều với bà Quản rồi
khi trăng rằm lên, Miên trở lại cơ quan cho kịp mai làm việc sớm.
Trăng sáng vàng vạc, nền trời xanh mịn đắm ánh trăng
thành một màu nhung biêng biếc huyền ảo nhiều khi sầu vời vợi như cái nhìn của
mỹ nhân xưa ở chốn thâm cung. Để thích ứng với cảm giác u huyền đó, trong tâm
linh Miên nhớ lại bốn câu thơ dịch của vị giáo sư Việt văn đã dạy nàng xưa nhân
khi ông giảng đến điển tích “Lá thắm” giữa
chàng Vu Hựu với cung nhân Hàn thị:
Thâm cung ngày tháng thanh nhàn,
Nhìn xem nước biếc muôn vàn chảy xuôi.
Giã từ lá đó người ơi,
Lá đi cho khéo ra chơi cõi ngoài.
Những chuyện gì buồn buồn xa xôi như vậy thì nàng nhớ
lâu. Số kiếp nàng thế chăng?
Qua làng Thạch Trục, đi vào một bóng thôn, Miên vẳng
nghe có tiếng đàn lục huyền cầm Tây Ban Nha lẫn tiếng hát và tiếng xì xào nói
chuyện. Ngẩng nhìn ngay sườn đồi, Miên thấy thấp thoáng bóng một số thanh niên
quần áo nâu có, quần áo trắng có: đó là các sinh viên trường Luật của Chính phủ
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Khi Miên đi qua, tiếng một sinh viên nói khẽ: “Nàng
tiên đi dưới trăng!”
Ô hay! - Miên mỉm cười nghĩ thầm - vô tình anh chàng
sinh viên đó đã gặp Tài. Những linh hồn lớn gặp nhau!
Miên có bao giờ ngờ tới: nàng với chàng sinh viên đó
sau này còn dịp gặp gỡ nhau trong duyên nợ.
Tiếp theo lời chàng sinh viên, tiếng lục huyền cầm bỏng
như một chùm sương reo nặng xuống chân đồi trăng cùng với tiếng hát phổ nhạc
bài “Nhị Hồ” của Xuân Diệu vừa âm thầm vừa lắng lo:
Tôi yêu Bao Tự mặt sầu bi,
Tôi yêu Ly Cơ hình nhịp nhàng.
Tôi tưởng tôi là Đường Minh Hoàng,
Đang đêm nhớ nàng Dương Quí Phi.
Lòng tràn ngập hân hoan thơ mộng, Miên cúi đầu mỉm
cười rảo bước đi vào bóng cây rừng, tiếng hát còn láy lại như cố đuổi theo, cố
nài xin cho được vuốt ve “nàng tiên đi dưới trăng”.
Đang đêm nhớ nàng Dương Quí Phi,
III
Miên thấy vẻ đẹp tưng bừng những ngày đầu kháng chiến
bắt đầu suy giảm. Nguyên do sự tàn tạ có lẽ vì nền kinh tế bế tắc và sự đói khổ
đã hiện lên rõ rệt trong dân chúng.
Lịch sử sự tàn tạ đó đã thể hiện trên một chiếc giây
thép phơi quần áo của một gia đình tản cư nọ gần cơ quan quân y của Miên. Người
cha gia đình là công chức sở Tài chính thời Pháp theo Chính phủ kháng chiến tới
đây và cũng được Chính phủ kháng chiến dùng trong cơ quan Tài chính Liên khu.
Người mẹ là một bà nội trợ đảm đang, dưới gối có bốn đứa con đều là trai cả, đứa
lớn nhất lên mười, đứa nhỏ nhất lên hai. Lương người cha không được là bao
nhưng gia đình này còn để dành được số tiềng cộng thêm ít đồ vàng trang sức của
người mẹ. Ba tháng đầu mâm cơm gia đình có món xào, món nấu và trên giây thép
giữa sân phơi la liệt nào áo phin nõn của người mẹ, nào áo lót mình poleline
xanh của các con… Sáu tháng nữa qua đi, tiền để dành hết dần, mà kháng chiến
xem ra có vẻ trường kỳ thật, mâm cơm gia đình ngày sang nhất chỉ có trứng tráng
cà chua và những chiếc áo phơi ngoài giây thép giờ đây đều đã nhuộm nâu vào
bùn. Sáu tháng nữa qua đi, người mẹ giải quyết vấn đề kinh tế bằng cách tăng
gia sản xuất. Bà thuê được mấy mẫu ruộng màu, thuê người cày, thuê người gánh
phân bón, b2 gieo đỗ xanh. Cả nhà đều đã mắc bệnh sốt rét, nặng nhất là thằng lớn
vì nó có báng.
“Có cấy có trông, có giồng có mong!” Kết quả tuy khá
nhưng không bù được những khoản hao hụt lớn trong ngân quỹ gia đình. Đồ vàng
bán dần đã hết. Các bữa cơm đều đã ăn độn ngô chan với canh rau khoai nấu muối.
Ngoài giây thép giờ đây phơi những chiếc áo mỏng màu kỳ quái. Nguyên do đó là
những chiếc áo màu của người mẹ cắt sửa lại; có chiếc áo chăn bằng vải cẩm châu
hồng, bà mẹ cũng phá ra máy áo vào vụ rét vừa rồi; tất cả những hàng vải màu đó
khi nhuộm nâu đều biến thành những màu kỳ quái, vải xanh biến thành màu nâu
đen, vải đỏ biến thành màu cánh gián xỉn. Người cha thỉnh thoảng mới từ cơ quan
cách đấy hai mươi cây số về thăm gia đình, thường khi ra đi có để lại số dành dụm
còn lại của tiền lương. Mỗi lần về thăm chứng kiến cảnh vợ con ốm đau, đỏ rét
chắc là ông đau lòng lắm.
Miên thường đến thăm gia đình này và giúp đỡ thuốc
men. Miên biết những người mới sa sút như vậy, họ khổ lắm và Miên vẫn thích có
mặt ở những cảnh khổ đó để được tận tình giúp đỡ mà vui với mình.
Một ngày kia người cha về thăm gia đình, mấy ngày
sau Miên còn thấy ông ở nhà, rồi một buổi sớm kia, ông sách dao rựa cùng đứa
con lớn lên đồi chặt củi sim và những cây chổi sề về đun; Chính phủ kháng chiến
vì muốn tiết kiệm công quỹ nên phải giản chính một số công chức, ông ở số phải
giản chính đó. Sự thực lý do việc giản chính nặng về chính trị hơn là vì kinh tế.
Chính phủ muốn sa thải một số công chức cũ, thay vào đã có số đảng viên tín nhiệm!
Nhưng Miên hiểu sao được những khúc mắc chính trị đó.
Một buổi chiều, người mẹ hớt hải đến tìm Miên tại cơ
quan nhờ nàng tới thăm ngay cho thằng bé lớn bị ngất.
Vừa ban chiều nó đi kiếm củi sim với bố, nó tham
gánh nặng quá sức, đến khoảng đồi dốc kia bị trượt chân quảng đòn gánh và ngã
lăn mấy vòng. Người cha vực con về nhà thằng bé vừa đi khom lưng vừa ôm bụng tới
một lúc không chịu đau được nữa, nó thét lên một tiếng rồi ngất.
Miên ngờ nó bị rập lá lách. Nàng cho cáng nó ngay
vào quân y viện, nhưng không kịp, nó tắt thở giữa đường.
Một tháng sau gia đình này, quầy gánh lên đường, nói
là xuống chợ Me để xoay nghề buôn bán, sự thực là về thẳng tỉnh lỵ Vĩnh Yên rồi
tìm đường vào Hà Nội.
Còn lại nấm mồ của thằng bé giữa khoảng ruộng màu mà
trước đây nó đã tra phân và gieo đỗ xanh cùng mẹ với em.
Miên chỉ biết vẫn gọi gia đình đó là gia đình ông bà
Tư và thằng bé can đảm sớm biết thương cha thương mẹ nằm dưới mồ kia tên là
Lân. Thỉnh thoảng Miên vẫn đến thăm mộ thằng bé. Trong thâm tâm nàng thương nó
và coi nó như em ruột mình.
IV
Đầu năm 1952, sau chiến thắng Cao - Bắc -Lạng thấy
tình hình đã vững chắc hơn xưa, Đảng Cộng sản quyết định công khai ra mắt quốc
dân lấy tên là Đảng Lao Động Việt Nam. Một đại hội vô cùng rầm rộ và trọng thể
được tổ chức trên sườn một ngọn núi cao ở Tuyên Quang. Bò, dê, lợn, gạo tẻ, gạo
nếp được sửa soạn mang lên địa điểm này từ hơn một tháng trước. Còn công việc của
hàng ngàn dân công đến đó để lắp đất cuốc có dựng nhà tất nhiên phải kể từ mấy
tháng trước ngày đại hội khai mac. Họ dựng một số nhà lớn nào là hội trường,
nào là nơi lưu trú của các đảng viện đại biểu, nào là nhà ăn nhà bếp… Tất cả những
nhà lớn đó đều kiến trúc bằng tre và nứa rất công phu. Một cơ quan ngôn luận địch
vận bằng Pháp ngữ của Đảng lúc bấy giờ đã ca ngợi công trình kiến trúc đó bằng
câu: “C’est là, toute une symphonie de bamboo” (Đó là cả một bản hòa tấu của
tre nứa!) Dự đại hội có đủ các đảng phái quốc gia, ngoài ra còn có đại biểu của
phe Issarack Cao Miên và phe Issale Lào tới để thành lập mặt trận Việt – Miên -
Lào.
Bài diễn văn khai mạc vẫn là những lời ca ngợi đoàn
kết, đoàn kết để thực hiện việc giải phón đất nước.
Cùng một lúc với tiếng súng nổ ngoài tiền tuyến, các
chiến sĩ ngã gục, cùng một lúc với bao người dân vật lộn với cuộc sống với bệnh
tậ và biết bao người ngã xuống câm lặng như em bé Lân xấu số của gia đình ông
bà Tư, thì trên sườn núi thuộc địa phận Tuyên Quang này các cán bộ nghe lời
tuyên truyền đậm đà của đoàn kết và thưởng thức những bữa ăn đậm đà không kém với
bò non, dê béo. “Vì có sự chết nơi kia mới có sự sống nơi này và vì có sự sống”
sáng suốt “nơi này mà có sự chết nơi kia sẽ có ngày được tái sanh trong vinh
quang”. Phải chăng đó là thứ lý luận biện chứng chói lọi vàng son của những con
người cố giữ cho lương tâm yên ổn?
Từ giữa năm 1950 những trọng trách Miên đảm nhiệm
trong quân y viện được tước bớt dần cho đến cuối năm đó nàng chỉ còn là một y
tá thường. Nàng biết các nữ đảng biên trong cơ quan đương qua một lớp cải tạo vất
vả cực nhọc lắm. Đó là phong trào học tập chung của Đảng. Miên mang máng cảm thấy
bên cuộc kháng chiến ngày một gay go còn một cái gay go hơn nữa trong nội bộ Đảng.
Mỗi lần các đảng viên ở phòng họp tan ra gương mặt họ phờ phạc, đôi mắt dại đi,
nụ cười như một con vật đáng thương bị săn đuổi ráo riết cho trốn biệt tích khỏi
đôi môi.
Miên chẳng hề oán trách cấp trên sao lại tước hết trọng
trách của mình. Nàng nghĩ thầm: Đảng giữ trách nhiệm to tát lãnh đạo cuộc kháng
chiến, nay cuộc kháng chiến càng ngày càng gay go thì những địa vị tương đối
quan trọng lẽ cố nhiên phải dành cho các đảng viên. Miên mang máng cảm thấy bên
cuộc kháng chiến ngày một gay go còn một cái gì gay go hơn nữa trong nội bộ Đảng.
Tuy không phải là người của Đảng dù ở một địa vị tầm thường nhưng đem hết khả
năng ra để phục vụ, Miên cho rằng như vậy nàng cũng đã góp phần đích đáng vào
công cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Nữ đảng viên phụ trách nàng đã nhiều
lần ngỏ ý khuyến khích nàng nên tỏ thái độ thuận tiện để được dung nạp vào Đảng.
Nhưng nàng nhu mì từ chối. Nàng từ chối vì nhiều lý do: thứ nhất vì theo ý nàng
nhất định không phải cứ là đảng viên mới phục vụ đắc lực được tổ quốc; thứ hai,
xem lề lối làm việc của các nam nữ đảng viên thì kỷ luật của Đảng quả là kỷ luật
thép, nàng tự lượng còn quá giàu, quá thiện, quá đề cao tình cảm nên khó thể
kham được.
Từ đầu năm 1950 Miên có nhận được thư Hiển báo sẽ về
thăm nàng. Miên mừng và thấy mình trẻ lại. Phải công nhận trong khoảng ba năm
xa anh, Miên già đi trước tuổi rất nhiều, phần vì e ngại cho tính mạng anh, phần
vì nàng luôn luôn lo lắng sao cho tròn trách nhiệm tại quân y viện liên khu
này, quân viện đã từng chiếm giải nhất trong kỳ thi đua toàn diện vừa qua.
Niềm hy vọng được gặp anh mòn mỏi với tháng ngày, chẳng
bao lâu đã tới ngày cuối cùng của năm 1950, dân y viện và quân y viện liên khu
hợp làm một, công việc của Miên vì thế càng thêm bận.
Trong cơ quan đã bắt đầu có sự hiện diện của các cố
vấn Tàu. Họ ở riêng một căn nhà dựng trong rừng với một ban cấp dưỡng đặc biệt.
Mỗi lần Miên tới liên lạc với ban cố vấn, nàng phải qua căn bếp, mùi bánh nhân
thịt từ lò nướng tỏa ra ngào ngạt cùng hơi than ấm. Đó là thứ bánh bày ở bàn
làm việc để các cố vấn xơi, còn đối với các cán bộ người Việt chĩ những ngày quốc
lễ họa may mới có. Thứ gạo cố vấn dùng là gạo dự trắng, thơm, mềm. Ngoài cửa bếp
thường xuyên có mấy lồng gà chồng lên nhau, khi một luồng gió mạnh lùa tới, những
long tơ chẽ ra, cùng với tiếng kêu keng kéc khẽ, Miên nhận thấy lớp da ánh mỡ
vàng. Có lần nhận chỉ thị xong quay về, Miên gặp đồng chí cấp dưỡng bưng lên một
khay lớn bày ra ba con gà giò quay tròn xinh để nguyên cả con của ba cố vấn.
V
Hình như việc tước hết trọng trách của Miên là một
thủ đoạn chính trị, một đòn tâm lý của chi bộ quân y này. Hình như ban chấp
hành chi bộ muốn rằng vì thế Miên sẽ thấy chạm tự ái và tìm cách cư xử thuận tiện
để được vào Đảng. Chi bộ đã tính nhầm nước cờ! Người con gái trong sạch đó chỉ
biết vui với sự tận tâm làm việc chứ không hề chú ý đến những danh từ chỉ chức
tước. Nữ đảng viên phụ trách Miên đành bày một thế cờ khác, coi Miên như đã ở
giai đoạn chuẩn bị vào Đảng và cắt cho Miên một công tác theo dõi một “nữ y tá
quần chúng” khác tên Linh.
Thoạt Miên cũng không hiểu “nữ y tá quần chúng” là
gì, nữ đảng viên phải giải thích “quần chúng” là dnh từ dùng chỉ chung những
người chưa phải là đảng viên.
Miên nói lại:
Chị xem, em đã là đảng viên đâu?
Nhưng thái độ tích cực công tác - lời nữ đảng viên -
của đồng chí, đủ để chúng tôi tín nhiệm coi đồng chí như một đảng viên thực thụ.
Công tác điều tra quần chúng tôi giao cho đồng chí, lần này giản dị thôi, đồng
chí chỉ việc tỏ tình thân mật với đồng chí Linh và trong khi gần gũi như vậy đồng
chí hãy gợi chuyện đồng chí Linh để hiểu về tình trạng gia đình, cùng nguyện vọng,
tư tưởng đồng chí đó.
Miên không hiểu rằng, những chi tiết trên về lý lịch
Linh, chi bộ đã biết rõ từ lâu. Nữ đảng viên bảo nàng điều tra lại chỉ là cách
vực nàng trên con đường công tác do thám cho Đảng. Miên đã nhận lời để làm vui
lòng nữa đảng viên (Miên không muốn mất lòng bất cứ một người bạn nào trong cơ
quan).
Nhưng đến khi tiến tới gần Linh, Miên mới cảm thấy hết
cái bỉ ổi của công tác.
Thế này mình là một tên do thám bạn rồi còn gì! Nàng
nghĩ thầm thế và xấu hổ với chính mình. Cả buổi sáng hôm đó Miên giúp Linh thật
sự như để chuộc lỗi. Nàng cũng có hỏi qua bạn về quê quán về tình trạng gia
đình cha mẹ còn sống hay chết, có mấy anh chị em, hiện tản cư nơi đâu… Nghĩa là
những câu hỏi thường thức trong bất cứ cuộc giao thiệp thân hay sơ nào.
Với con mắt sành sỏi giàu kinh nghiệm, nữ đảng viên
kia hiểu Miên…
VĂN HỌC MIỀN NAM 54-75 (101): BA SINH HƯƠNG LỬA (trích)
Reviewed by Phạm Thu Hương
on
14:05
Rating:
Không có nhận xét nào: