Trọng Thành
Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khu vực cơ quan trung ương, Hà Nội, 16/05/2015. Ảnh Trần Nhương: tranlao.blogspot.fr.
Đầu tháng 5/2015 vừa qua, giới văn chương chứng kiến một sự kiện chưa từng có trong lịch sử nước Việt Nam cộng sản: gần 20 văn sĩ – trong đó có nhiều cây bút tên tuổi – tuyên bố rút khỏi Hội Nhà văn, tổ chức chính thức duy nhất cấp quốc gia của những người sáng tác văn chương. Vì sao Hội Nhà văn Việt Nam, vốn được coi là “ngôi đền của văn chương” trong nước, lại bị nhiều nhà văn đồng loạt lánh xa như vậy? Xuyên qua vấn đề đi hay ở là những ám ảnh lớn đối với văn giới Việt Nam hiện nay: quyền tự do sáng tác, ý nghĩa của hội đoàn và mối quan hệ giữa văn chương và chính trị, một liên đới tiềm ẩn và hệ trọng, nhưng ít có dịp được thảo luận công khai và cặn kẽ trong nước. Tạp chí Việt Nam trong dòng thời sự tuần này giới thiệu với quý vị các quan điểm đa chiều về những vấn đề nói trên.
Ngày 11/05, 16 nhà văn ra Tuyên bố từ bỏ Hội Nhà văn Việt Nam tiếp theo sự kiện nhiều hội viên – thành viên Ban vận động Liên đoàn độc lập – bị tước quyền “tham gia Đại hội lần IX” tại một Đại hội cấp địa phương khu vực miền Nam (Tuyên bố từ bỏ này còn nêu thêm tên bốn nhà văn khác – vốn trước đây cũng là thành viên Ban vận động – nhưng hai
vị đã quyết định ra khỏi nhóm từ nhiều tháng trước, và hai vị ra trong đợt này). Biến cố đặc biệt nói trên gần như rơi vào im lặng, báo chí
chính thống trong nước bặt tăm, ngoại trừ một bài viết ngắn trên trang
Vnexpress.net, một trang tin chính thống, ngày 13/05, tuy nhiên ngay sau đó, đã
bị tờ báo mạng này rút xuống.
Văn đoàn Độc lập Việt Nam, những tố cáo của một số nhà văn bị áp lực, hay đe dọa, do tham gia Ban vận động hay hiện tượng bỏ hội mới đây... là các chủ đề khó nói đối với nhiều người. Khi chúng tôi liên lạc với nhà văn Phong Điệp (Hà Nội), chị đã từ chối, không muốn bày tỏ thái độ. Trường hợp của nhà văn Phong Điệp có lẽ không phải là duy nhất.
Sự kiện phức tạp, trong lúc thông tin rất ít ỏi trên báo chí chính thức, và cũng không nhiều trên các trang mạng cá nhân, dường như đã khiến cho biến cố nói trên trở nên không dễ hiểu với công chúng, ngay cả với nhiều người trong văn giới. Ban lãnh đạo Hội Nhà văn, cho đến nay, chưa đưa ra thông báo chính thức gì về vấn đề này.
Theo một số nhân chứng, Ban vận động Văn đoàn độc lập Việt Nam, ra đời cách nay hơn một năm với tôn chỉ “góp phần tích cực xây dựng và phát triển một nền văn học Việt Nam đích thực, nhân bản, dân chủ, hiện đại, hội nhập với thế giới”, ngay từ đầu đã chịu nhiều nghi ngờ, quy kết và kể cả áp lực, khi công khai, lúc kín đáo (có thể xem bài “Tâm sự của một nữ sĩ [nhà văn Dạ Ngân] phải rút khỏi Văn đoàn Độc Lập”). Một số nhà văn cho biết Ban lãnh đạo Hội Nhà văn cho lưu hành một dự thảo điều lệ của hội, cấm hội viên tham gia vào các “tổ chức bất hợp pháp”, một phần để ngầm chỉ Ban vận động Văn đoàn Độc lập. Tuy nhiên, nhiều thành viên của nhóm vẫn kiên định con đường này, mặt khác họ cũng không từ bỏ cương vị hội viên Hội Nhà văn. Vì sao các nhà văn trong Ban vận động lại chọn thời điểm hậu “bầu chọn” để thông báo quyết định ra khỏi Hội?
Tạp chí Việt Nam 18/05/201518/05/2015Nghe
Hai cách nhìn về một biến cố
Sau đây mời quý vị theo dõi phần giải thích của nhà thơ Hoàng Hưng (TP Hồ Chí Minh), thành viên Ban vận động Văn đoàn Độc lập, nhưng không phải là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam:
“Trong những năm gần đây, càng ngày người ta càng thấy rõ tính chất nghề nghiệp của Hội Nhà văn bị chìm xuống dưới, mà nổi lên là tính chất của một tổ chức chính trị nhiều hơn. Cũng không phải mới đây, rất nhiều nhà văn trong Hội đã phản đối tình trạng đó. Những nhà văn của Hội Nhà văn tham gia Ban vận động này họ cũng không đả kích gì Hội Nhà văn cả, chỉ có điều họ không thích thì chắc họ cũng bỏ bê không sinh hoạt tham dự công việc của Hội Nhà văn thôi.
Nhưng mà đến khi để chuẩn bị cho Đại hội mới của Hội Nhà văn đã công khai đưa ra một chỉ thị là không được bầu cho những người trong Ban vận động Văn đoàn này, làm đại biểu đi dự Đại hội. Cái đó phải nói là họ quá tùy tiện. Bản thân cái việc đó đã vi phạm điều lệ của Hội Nhà văn rồi. Và đối với danh dự của những nhà văn trong Ban vận động Văn đoàn, đa số là những nhà văn lão thành, đáng kính, và rất có uy tín trong xã hội, thì phải nói đó là hành động quá phũ phàng, và phải nói là quá xấc xược. Cho nên, với danh dự của người cầm bút, anh chị em họ không chịu nổi nữa, họ buộc phải tuyên bố từ bỏ Hội Nhà văn. Cái đó tôi thấy hoàn toàn hợp tình, hợp lý, không thể chê trách được họ việc nào cả”.
Từ một góc nhìn khác, nhà thơ Đặng Huy Giang – hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (từ Hà Nội) – nhận xét:
“Mình cho rằng, việc lựa chọn vào Văn đoàn Độc lập hay Hội Nhà văn Việt Nam, đấy là quyền tự do của mọi người thôi. Cái chuyện người này vào hội này sang hội kia, cũng là bình thường. Thật ra tham gia hội đoàn đúng là nó không loại trừ lẫn nhau, nhưng mà có việc: khi Văn đoàn độc lập ra đời, tức là đang vận động thôi chứ chưa ra đời, thì khi tuyên bố lại to tiếng quá. Họ đứng ra họ nói là: chúng tôi sẽ làm thay đổi văn hóa, thay đổi văn học Việt Nam, rồi là chúng tôi sẽ bảo vệ quyền lợi vật chất, tinh thần cho hội viên.
Khi anh ra đời mà anh tuyên bố như thế là đã bắt đầu chạm đến phía bên kia rồi. Nhưng mà ở Việt Nam từ lâu người ta không quen cái kiểu vào hai hội, vẫn quen vào Hội Nhà văn, vào trong một tổ chức Nhà nước, nên người ta nghe một tổ chức này, tổ chức khác, như Văn đoàn Độc lập, người ta có vẻ ngại”.
Sự im lặng của các hội viên: sợ hãi hay băn khoăn?
Nhìn cụ thể hơn về sự kiện đã dẫn đến việc gần 20 văn sĩ quyết định từ bỏ Hội Nhà văn, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho biết ông cảm thấy “buồn” trước thái độ của những đồng nghiệp văn chương khu vực phía nam, có mặt tại buổi bỏ phiếu truất quyền tham gia Đại hội của nhiều thành viên Ban vận động.
“Ngoài đời, người ta vẫn chơi với nhạu, bạn bè thân thiết, nhưng khi vào đây, đặt trong khuôn khổ đó, nỗi sợ hãi chính trị đã khiến cho tất cả im lặng, không dám lên tiếng, mặc dầu nó là quyền lợi, trách nhiệm của mình, với tư cách là hội viên”.
Về vấn đề này, nhà thơ Đặng Huy Giang nói nếu có mặt ông
sẵn sàng chất vấn, nhưng ông cũng có một câu hỏi khác.
“Mình tiếc là mình không có mặt trong Đại hội trong đấy. Chứ nếu có, mình sẽ đứng lên mình hỏi là: Ai chủ trương, ai có lệnh này? Nhưng mình cũng nêu một trường hợp, như anh Bùi Minh Quốc. Anh ấy cũng đi dự để được đi họp tại Đại hội đại biểu, nhưng anh ấy không trúng, thì anh ấy về anh ấy xin ra. Nếu anh đã không thích nó, thì sao anh đến ngồi đấy?!”.
Anh không thích nó, thì anh đừng tham dự, khi tham dự không được bầu, thì anh lại xin ra”.
Nhà thơ Bùi Minh Quốc dường như là thành viên đầu tiên của Ban vận động có tuyên bố riêng chi tiết về vấn đề này, phê phán trực diện các hành xử mang tính “áp đặt” của lãnh đạo Hội Nhà văn, ngay tại đại hội của Hội Nhà văn Việt Nam khu vực miền Đông Nam Bộ và Đồng Bằng sông Cửu Long họp tại Mỹ Tho, ngày 04/05/2015. Quan điểm của ông được thuật lại qua bài “Nhà thơ Bùi Minh Quốc tuyên bố từ bỏ Hội Nhà văn Việt Nam” ngày 10/05, đăng tải trên trang Văn việt, trang blog của Ban vận động).
Không muốn xì-căng-đan, nhưng…
Vì sao lại có sự lưỡng lự đi ở, nhà văn Nguyên Ngọc, nguyên là một lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, Trường ban Ban vận động thành lập Văn đoàn Độc lập, giải thích:
“Trong thực tế, đã hơn mười năm rồi tôi không dính dáng gì đến Hội Nhà văn Việt Nam, mặc dầu tôi chưa ra. Là vì tôi muốn không gây ra những gì gọi là xì-căng-đan. Ở Việt Nam người ta hay nghĩ như thế.
Nhưng càng ngày tôi càng thấy thế này: cái điều quan trọng nhất, đó là cái quyền tự do sáng tác, tự do đưa tác phẩm đến công chúng, và công chúng có quyền tiếp cận tự do với tác phẩm. Cái Hội Nhà văn qua bao nhiêu năm nay đã không làm được việc đó.
Chúng tôi mong có một tổ chức (để) anh em gần gũi nhau, thân thiết với nhau, hỗ trợ nhau trong sáng tác, và đặc biệt là cùng nhau đấu tranh cho quyền tự do sáng tác. Cái đó là sinh tử đối với người viết văn. Những hành động của Hội Nhà văn, cách xử trí của Hội Nhà văn, ví dụ như đối với những tác phẩm bị đối xử không đúng đắn, thì họ không hề lên tiếng bảo vệ, và thậm chí còn hùa thêm vào cái việc vùi dập các tác giả đó nữa. Cái việc đó làm cho một số anh em chúng tôi thấy càng ngày không thể ở trong cái hội như thế được nữa.
Thực ra cái khi chúng tôi làm một ban vận động Văn đoàn Độc lập là chúng tôi cũng đã muốn tách ra khỏi Hội Nhà văn đó rồi, nhưng chúng tôi cũng còn suy nghĩ, cân nhắc thế này, thế khác”.
Đi ở: Quen rồi chẳng có vấn đề gì
Từ Quảng Ngãi, nhà thơ Thanh Thảo, một hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, thì lại có một cái nhìn nhẹ nhõm, khác hẳn:
“Cái này mình coi nó là một chuyện bình thường đi! Đừng có nghĩ nó là cái gì ghê gớm, gây sốc!... Có ở Hội, ra Hội thì cũng thế thôi, vấn đề cuối cùng là tác phẩm của anh, nhân cách của anh. Không có hội đoàn nào quyết định anh cái gì cả. Cái này là toàn thế giới, chứ không phải riêng Việt Nam.
Bởi vì Việt Nam chưa quen chuyện có nhiều hội đoàn. Cái gì mà pháp luật không cấm thì có thể làm được. Mình cũng nên bình thường hóa, đừng có chính trị hóa… Theo tôi như thế thì dễ hiểu hơn. Trong hội nghị miền Trung cũng có một vài ý kiến, vài nhà văn lên án (những người theo Ban vận động Văn đoàn Độc lập). Tôi nghĩ, tại sao lại lên án những chuyện như thế. Chẳng hạn như ở Pháp bây giờ, có biết bao nhiêu hội nhà văn?! Bởi vì ở mình chưa quen. Tôi nghĩ chưa quen thì không nên trách, khi quen rồi, thì lúc đó chẳng có vấn đề gì cả”.
Hội Nhà văn: nơi khẳng định vai vế trong xã hội
Thực tế của việc tham gia hay không vào Hội nhà văn đối với nhiều người hoạt động văn chương ở Việt Nam dường như có một ý nghĩa hết sức hệ trọng, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên (vốn không phải là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng lại là Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội) nhận xét:
“Người ta vẫn quan niệm rằng, có vào những hội này mới được gọi là nhà văn, nhà thơ. Hội Nhà văn Việt Nam đang có rẩt nhiều người xin vào, đơn xếp dài, Hội Nhà văn Hà Nội cũng vậy. Họ coi như đấy là Hội chính thống, chính thức, và khi được kết nạp vào là coi như là được công nhận.
Người ta kể câu chuyện một anh đến khi được kết nạp, đã rước thẻ hội viên về, cúng gia tiên, cúng họ hàng, khao cả làng, mời mọi người. Nếu như anh ở các địa phương, thì danh giá nhà văn có vẻ cũng được trọng vọng hơn”.
Về vấn đề này, nhà thơ Hoàng Hưng cho biết thêm:
“Có hiện tượng có nhiều người, người ta chả tha thiết gì với Hội Nhà văn, chả tham gia hoạt động gì đâu, nhưng người ta phải vào Hội Nhà văn, phải phấn đấu vào Hội Nhà văn. Nếu những người viết lách ở địa phương mà là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, ở địa phương họ sẽ nể trọng hơn, họ không làm khó khăn, và có thể có nhiều quyền lợi đi kèm theo”.
Trường hợp nữ văn sĩ Nguyễn Ngọc Tư sau khi bị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đảng CS tỉnh Cà Mau yêu cầu kỷ luật (hồi đầu năm 2006), do cuốn tiểu thuyết “Cánh đồng bất tận” được lãnh đạo Hội ủng hộ từ sớm, và cuốn tiểu thuyết được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam vào tháng 10/2006, cho thấy định chế Hội Nhà văn từng có vai trò tích cực trong việc bảo vệ người viết, ít nhất cũng là trước áp lực của chính quyền địa phương.
Hội Nhà văn có bảo vệ quyền tự do sáng tác hay không?
Về tự do sáng tác – một vấn đề cốt lõi gây bất đồng –, nhà thơ Hoàng Hưng cho biết ý kiến:
“Cái hội đoàn khi tập hợp lại, nếu như làm được nhiệm vụ bảo vệ, khuyến khích đấu tranh cho quyền đó, thì nó sẽ có tác dụng rất tốt, đối với sáng tác. Không phải ‘‘automatique’’, nghĩa là khi làm điều đó, thì sẽ có ngay tác phẩm xuất sắc đâu! Nhưng chắc chắn, nếu nó có một tác động tốt, để tạo ra một bầu không khí tự do, dân chủ trong xã hội, đối với các nhà văn, thì chắc chắn là các nhà văn sẽ có sự tự tin, và có sức mạnh phấn khích để sáng tác. Và chắc chắn như thế, không trước thì sau, cũng có những tác phẩm xuất sắc! (Nhưng) Hội Nhà văn không quan tâm đến những việc đó. Mà cái quan tâm của Hội Nhà văn người ta thấy rất rõ là chỉ quan tâm đưa các nhà văn vào đúng định hướng gọi là ‘‘xã hội chủ nghĩa’’ của Đảng lãnh đạo”.
Có tài, không rào nào cản được
Không đồng tình với quan điểm cho rằng các hội viên bị ban lãnh đạo hội định hướng, nhà thơ Đặng Huy Giang giải thích:
“Mình vẫn cho là Hội Nhà văn là tương đối thoải mái. Không khí sáng tác cởi mở hơn ngày xưa rất nhiều. Ví dụ như bây giờ in thơ, in rất thoải mái. Ngay cả quyển “Trại súc vật” thì cuối cùng cũng có cấm đâu (xin
xem thêm ở phần dưới). Đương nhiên để bắt kịp được những nước văn minh hơn, tiên tiến hơn, cũng phải có thời gian. Nếu anh hay thật, thì anh không in trong nước, anh in ở nước ngoài cũng được chứ sao. Còn Hội Nhà văn họ không chỉ đạo cái gì không. Anh Hữu Thỉnh anh ấy vẫn nói là làm sao viết cho hay. Mà làm sao chỉ đạo được các nhà văn, các nhà văn có nghe ai đâu mà chỉ đạo họ được. Nhà văn là khó chỉ đạo nhất đấy, có lẽ không phải chỉ riêng Việt Nam đâu”.
Tiểu thuyết "Thời
của Thánh Thần" của Hoàng Minh Tường do NXB Hội Nhà văn Việt Nam ấn hành
năm 2008, bị Bộ Thông tin Truyền thông ra lệnh thu hồi ngay sau đó. Sách dịch qua tiếng Pháp, được NXB Les Editions
de La Fremillerie phát hành năm 2014, với tên gọi "Le temps des génies
invincibles".
Về
‘‘Trại súc vật’’ : Cuốn “Animal Farm : A Fairy Story (của nhà văn George Orwell), dịch sang tiếng Việt
với tên gọi “Chuyện ở nông trại”, được NXB Hội nhà văn kết hợp với công ty Nhã
Nam xuất bản năm 2013. Tuy nhiên sau đó
có tin cuốn sách bị thu hồi (xem bài “Sách bị cấm phát hành vẫn “nhơn nhơn”
giữa chợ sách”, trang Dân Việt ngày 10/02/2015, trích báo Phụ nữ Thủ đô). Trước
đó (năm 2010), NXB Giấy vụn – một nhóm
xuất bản tư không cần cấp phép của Nhà nước - đã in cuốn sách này với tên
"Trại súc vật".
Gì sợ bằng văn dở lên ngôi
Tự do sáng tác, nhưng tự do trong không khí xã hội nào, công chúng nào. Tự do công bố tác phẩm nhưng công chúng tiếp nhận ra sao. Nhà văn Nguyên Ngọc lo ngại, môi trường văn hóa nói chung hiện nay, không chỉ văn học, sự vinh danh những gì tầm thường đang là một mối tai họa ghê gớm.
“Nghệ thuật mà dở thì rất có hại. Chứ không phải là nghệ thuật xấu – như người ta hay nói – về mặt tư tưởng, hay sai về mặt tư tưởng. Nghệ thuật dở có khi còn hại hơn. Cái đó Hội Nhà văn này cũng không quan tâm. (Không biết) vô tình hay cố ý mà khuyến khích cái loại đó, thì càng ngày càng làm cho cái thị hiếu, cái thưởng thức của người xem càng ngày càng thấp, và như vậy những tác phẩm hay, những tác phẩm cao cả không đến được.
Lâu nay người ta hay nói đến những cản trở có tính chính trị, thường người ta hay quan tâm đến cái đó, nhưng theo tôi, tôi cho cái quan trọng hơn là sự cản trở bằng cái dở, làm cho cái hay, cái tốt, đẹp, cái cao cả, không đến được. Người ta chai lì, thì cái đó cực kỳ nguy hiểm.
Hội Nhà văn biểu dương ông Hoàng Quang Thuận, xúm nhau lại mà ca ngợi ông Hoàng Quang Thuận, từ ông Tổng thư ký và một số người ở các cơ quan lãnh đạo, liên quan đến văn hóa, văn nghệ. Chỉ riêng việc đó thôi, Hội Nhà văn không còn ra Hội Nhà văn nữa”.
Về sự tầm thường hóa lên ngôi, đáng nhớ có khổ thơ hóm hỉnh của Nguyễn Vũ Tiềm, “Được chăn dắt quá kĩ càng/Văn bò sát, thơ bầy đàn phổng phao/”Ra ngõ là gặp đỉnh cao”/Bằng khen giải thưởng ồn ào hàng năm…” (“Văn đàn bi tráng”, 2009). Trả lời RFI qua điện thoại, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm (Sài Gòn) cho biết, ông không tin là người ta lại có thể ngăn chặn được các tác phẩm có giá trị đích thực, bởi những tác phẩm này bao giờ cũng sẽ được đánh giá đúng mức. Hiện tượng “thơ Hoàng Quang Thuận” chỉ là “một phút vô tình, không tỉnh táo”, không thể qua mắt được tất cả mọi người. Về nguyên tắc, theo ông, tự do là khao khát lớn, nhưng trong một xã hội không thể có tự do tuyệt đối…
Thỏa hiệp là tự cắt bớt tự do
Trở lại vấn đề tự do sáng tạo văn học trong bối cảnh hiện nay tại Việt Nam, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nêu ra một khía cạnh tinh vi của việc tự do sáng tạo bị cắt giảm.
“Một khi đã thỏa hiệp, tức là anh cũng tự cắt bớt tự do của mình rồi. Anh phải viết những cái gì an toàn, ở mức an toàn. Cho nên lâu nay, ngay cả cấp quản lý cũng thấy, họ cũng biết là văn học, văn học không có tác phẩm lớn, văn học cũng còn lờn vờn ở bên ngoài hiện thực, là bởi vì các nhà văn, các nhà thơ, cũng ngại ngùng, cũng né tránh.
Tôi nói ví dụ như: trước đây viết về cuộc chống Pháp được, viết về cuộc chống Mỹ được, nhưng viết về cuộc phía Bắc là không được, vì Trên không cho viết. Không (được) đụng gì đến, cả văn chương, cả báo chí, cả dư luận, không nói gì đến cuộc chiến tranh phía Bắc với Trung Quốc. Nhà văn chúng ta không viết, vì vẫn mang tâm lý, viết là để in, mà không in được thì không viết. Cho nên, chúng tôi vẫn hay nói với nhau là: có rất ít tác phẩm để ‘‘ngăn kéo””.
Về nguồn gốc của sự thỏa hiệp, nhà thơ Đặng Huy Giang có đưa ra một giải thích rõ ràng:
“Bất cứ một hội nào ở đất nước Việt Nam này đều nghe quen một câu “Đảng lãnh đạo toàn diện”, cho nên Hội Nhà văn cũng là người của Đảng thôi, thì làm thế nào được nữa, cũng phải làm theo định hướng thôi… Trong một đất nước như thế này, cũng phải chấp nhận thế thôi! Hội Nhà văn cũng là một bộ phận thôi, thì làm sao, làm gì thay đổi được?! Bởi vì nếu anh làm thay đổi, thì anh bị văng ra thôi!”.
Đã gần 10 năm kể từ khi Nguyễn Khải công bố tiểu luận “Đi tìm cái tôi đã mất”, phanh phui những uẩn ức của mình về một chế độ - mà một đời ông phục vụ -, được rất nhiều người khen, nhưng bị không ít chê trách nghi ngờ, đặc biệt từ nhiều đồng nghiệp cùng thời biết rõ ông. Sự phản tỉnh muộn màng của Nguyễn Khải, cho dù chưa hoàn toàn thành thực theo một số đánh giá, hay sự chia tay dứt khoát từ sớm của Nguyễn Minh Châu có thể vẫn còn có ích đối với nhiều người cầm bút hiện nay, ở Hội Nhà văn hay kể cả đã là thành viên Ban vận động Văn đoàn Độc lập, đang có nhu cầu đối diện với chính mình, với một lối sáng tác mang tính minh họa hay tính công cụ, dù dưới hình thức này hay hình thức khác.
Ước mơ một đời sống văn học có nhiều trường phái
Trong phần cuối của tạp chí, chúng tôi giới thiệu một suy nghĩ khác của nhà văn Nguyên Ngọc. Sự ra đời trong tương lai của một văn đoàn độc lập, hay nhiều tổ chức văn nghệ khác, có quy mô nhỏ, cho phép ông nuôi tiếp ước mơ về một chuyển biến căn bản của sáng tác, đoạn tuyệt với thực tại đáng buồn hiện nay.
“Tôi mong có một tổ chức, mà nay mai có thể có thêm các tổ chức văn học, nghệ thuật khác nữa, nhỏ thôi, và độc lập, để nó (đời sống văn học) đa dạng đi.
Một người lãnh đạo văn nghệ rất giỏi là ông Trần Độ. Có hôm ngồi, nói chuyện xong, tôi bảo, cố gắng làm thế nào để nâng cao cái nền chung của cái văn học của mình, để hy vọng rằng, trong mấy chục năm nữa có những đỉnh cao. Thì ông ấy nói một câu rất hay. Tôi không ngờ ông ấy nói.
Ông bảo: “Muốn có được đỉnh cao mới, phải có trường phái mới, mà cái kiểu Hội Nhà văn như thế này, thì làm sao mà có trường phái mới. Tổ chức đời sống văn học như thế này làm sao có được trường phái mới?! Sẽ cào bằng hết. Mà trong văn hóa, cào bằng là tai họa”.
Không khí cào bằng trong văn hóa, văn học, để cái dở lên ngôi, tình trạng tự kiểm duyệt, giả dối phổ biến, khiến không ít nhà văn thở dài châm biếm: « viết hay làm sao được giải!», « muốn được giải phải viết làng nhàng vô hại, tuyệt đối không được sâu sắc! » hay « chưa bao giờ nhà văn bị coi thường như bây giờ! »… Có lẽ không thể không đặt câu hỏi: Hội Nhà văn – tổ chức tự coi là đại diện cho văn đàn Việt Nam – có trách nhiệm gì trước thực trạng bi hài hiện nay ? Mỗi hội viên Hội Nhà văn có phần trách nhiệm nào?
***
Ba mươi năm sau bài “Hãy đọc lời ai điếu cho
một giai đoạn văn nghệ minh họa” (tiểu luận Nguyễn Minh Châu năm 1987), đời
sống văn chương Việt Nam đã có rất nhiều thay đổi. Văn chương Việt Nam dù tiến
một bước dài, nhưng hiện vẫn đang trong tình trạng tranh tối, tranh sáng. Dường
như không còn thế lực nào can thiệp trực tiếp khống chế thô bạo quyền tự do
sáng tác của mỗi cá nhân nhà văn như trước. Dường như thị trường, thông qua các
nhà xuất bản, đang ngày càng đóng vai trò chủ chốt trong việc lựa chọn những
tác phẩm hấp dẫn để đưa đến với công chúng. Tuy nhiên, theo một số nhà văn ủng
hộ Văn đoàn Độc lập, cũng
như không ít nhà văn khác, quyền tự do sáng tác ở Việt Nam tiếp tục bị
hạn chế nặng nề, đôi khi công khai (trang mạng của Ban
vận động Văn đoàn Độc lập – cũng như một số trang văn học có quan điểm khác với
chính quyền - bị tường lửa ngăn chặn, những người cộng tác với Ban vận động
thường bị răn đe bằng nhiều hình thức khác nhau), nhưng thường là rất
tinh vi.
Sự ra đời của ban vận động thành lập một tổ chức mới của những người sáng tác – phê bình – nghiên cứu văn chương là một liều thuốc thử cho thấy xu thế vận động hiện nay và sắp tới của nền văn học Việt Nam. Theo một số người trong cuộc, chủ trương chống phá các thành viên Ban vận động Văn đoàn Độc lập từ cấp lãnh đạo Hội Nhà văn, hoặc cấp cao hơn, được thi hành lúc mềm, lúc rắn, lúc đánh, lúc xoa, tùy theo thời tiết chính trị, và thái độ của Ban vận động (sau khi bị phản đối dữ dội sau Đại hội nhà văn khu vực phía nam, lãnh đạo Hội nhà văn đã thay đổi thái độ. Theo “Những tiếng vỗ tay cảm động”, ghi chép của Trần Kỳ Trung về Đại hội nhà văn khu vực miền trung và Tây Nguyên khai mạc vào sáng ngày 07/05/2015, và “Đại hội Hội nhà văn khu vực trung ương hội”, Trần Nhương, ngày 16/05/2015). Không khí nghi ngại, nghi kỵ vẫn còn khá nặng nề trong văn giới. Tình cảm này sở dĩ có được đất sống một phần quan trọng là do tình trạng thiếu thông tin, thông tin không minh bạch và nhiều bất đồng không được làm sáng tỏ, dễ gây ngộ nhận - cơ sở thuận lợi cho các tuyên truyền bóp méo sự thực, reo rắc
không khí phó mặc, hoài nghi, bất bình, thậm chí thù ghét. Quan niệm thế nào là tự do sáng tác là một trong những điểm chủ yếu có thể gây bất đồng hay thậm chí gây đối kháng giữa những người ủng hộ cách hoạt động của Hội Nhà văn hiện nay và những người chủ trương Văn đoàn Độc lập muốn đoạn tuyệt với cách làm cũ, đáng tiếc điều này dường như lại chưa được trao đổi rốt ráo.
Qua các chia sẻ của một số văn sĩ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam hay Ban vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam, chúng tôi nhận thấy đa số đều công nhận rằng: một bầu không khí cởi mở, thân ái, tôn trọng và đối thoại giữa các quan niệm khác biệt rất có lợi cho không khí sáng tạo. Điều đáng mừng là: có vẻ như ngày càng có nhiều người hơn thừa nhận quyền thành lập, quyền tham gia các tổ chức ái hữu văn học chuyên nghiệp tự nguyện, độc lập với các tổ chức do Nhà nước chỉ đạo, bất chấp việc họ có ủng hộ đích danh Ban vận động Văn đoàn hay không.
Việc công nhận các tập thể tự nguyện, đồng nghĩa với việc tôn trọng những quan niệm khác biệt, rất có lợi cho những đối thoại thực sự. Mà đối thoại, giao lưu là cơ sở của sáng tạo.
RFI xin cảm ơn các nhà văn Nguyên Ngọc, Hoàng Hưng, Thanh Thảo, Đặng Huy Giang, Nguyễn Vũ Tiềm và Phạm Xuân Nguyên.
Việt Nam: Vì sao nhiều văn sĩ đồng loạt bỏ Hội Nhà văn?
Reviewed by Phạm Thu Hương
on
18:17
Rating:
Không có nhận xét nào: