7/1
Tình hình Hội nhà văn
sau đại hội ? Một thể bùng nhùng. Con người thường mong thay đổi. Nhưng có thay
đổi được không nếu cái hôm qua đã là bản chất của họ!
Nhìn vào trường hợp ông
Vũ Tú Nam. Ông vào văn học từ những ngày kháng chiến hỗn mang. Bây giờ đã là
một giá trị chưa ? Bảo là đã cũng đúng, bảo là chưa cũng đúng. Có lúc hình như
ông muốn đổi mới (thời ông Ngọc), lúc ông ta không muốn đổi mới (thời ông Thi).
Và chính cái phất phơ ấy làm cho ông có thế mạnh. Vào Ban chấp hành, rồi
lại trở thành Tổng Thư ký không ai ngờ.
Hàng ngày ông Tổng thư
ký phát biểu trước vua quan trong nước và khách nước ngoài, như một đại diện
của nền văn học. Báo Văn Nghệ đã nịnh Vũ Tú Nam ra mặt. Mục
sổ tay người yêu thơ mang bài Cơ nhỡ ra bình. Nhất là tuần nào
cũng yêu cầu Vũ Tú Nam viết bài thời sự. Còn gì nhạt hơn !
Nguyên Ngọc bảo Ân:
- Vừa rồi, ông Nam trả
lời các báo có nhiều điểm phải nói lại. Đấu tranh với nhau không phải dễ.
Ngọc kể về cuộc
họp Ban chấp hành. Chính Nguyễn Quang Sáng cho là báo Văn nghệ đang
chống lại Đại hội.
Ban chấp hành phê bình
báo Văn nghệ vì sự xuống cấp của nó, và tự phê bình về việc
chỉ đạo tờ báo. Chỉ thị là sắp tới báo sẽ họp anh em viết văn, và ban chấp hành
sẽ dự.
Ngọc cũng nói là
thể nào cũng phải lấy lại tờ Tác phẩm Văn học của ông Thi.
Ngọc có vẻ náo nức
lắm, náo nức với sinh hoạt của Ban sáng tác mà ông là trưởng ban, Nguyễn Khải
và Xuân Thiều làm phó ban. Náo nức với tờ tạp chí mà người ta định giao cho
ông. Sẽ làm những số chuyên đề. Những số bàn sâu về lý luận…
...Nhưng sau khi nghe kỹ
về tình hình thì thấy cũng chẳng có gì đáng phấn khởi.
Muốn hay không muốn thì
bây giờ Ng Ngọc đã thành người một bộ máy chứ không phải một mình một cõi
như hồi làm báo.
Có cái lạ, lúc này
Nguyên Ngọc và Nguyễn Khải vẫn làm việc được với nhau. Nguyên Ngọc giải thích
căn bản là Nguyễn Khải quá nhạy với các tai vạ.
Nguyên Ngọc bảo với tôi,
tại sao trước khi họp Đại hội Nguyễn Khải lại viết cái bài chửi ông Độ và cánh
đổi mới nhảm nhí vậy ? Vì ở Sài Gòn, lúc ấy người ta lo lắm. Người ta nghĩ rằng
phen này đại hội hỏng hết rồi.
Ý Nguyên Ngọc muốn nói nếu
có một người vững vàng bên cạnh thì Nguyễn Khải vẫn là người có thể dùng được.
23/1
Nguyên Ngọc bảo
tôi, báo Văn nghệ coi như là bỏ. Thỉnh nó yếu quá, chả
vực lên nổi đâu.
Tạp chí Tác phẩm
mới (do Tác phẩm văn học chuyển thành) thì sẽ gồm có
Vũ Tú Nam làm Tổng biên tập, Nguyên Ngọc và Nguyễn Khải làm phó tổng biên tập.
Chuyện các hội đồng – cụ
thể hội đồng lý luận phê bình.
Ban chấp hành mới đã chỉ
định các thành viên Hội đồng phê bình gồm Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn
Đăng Mạnh, Hà Minh Đức, Phan Hồng Giang, và Nguyễn Khải.
Nguyên tắc cấu tạo là tạo ra đối trọng. Dĩ nhiên trước tiên phải có Hà
Minh Đức là loại “chung chung gian gian”. Rồi lấy Ng Đăng Mạnh để cân đối với
Hà Mình Đức. Rồi để thêm bảo thủ, phải có Phan Hồng Giang (có vẻ biết điều hơn,
và chắc chắn là khôn ngoan hơn, so với loại cấp tiến như Lại Nguyên Ân). Phải
cân nhắc nhiều, là Nguyễn Văn Hạnh. Có đáng ngại không? Đáng ngại đấy! Thế là
Nguyễn Khải xung phong vào, để tôi vào, tôi đối trọng với ông Hạnh, Nguyễn
Khải nói.
Nghe
tin có Nguyễn Khải trong Hội đồng phê bình, Ngô Thảo chửi um cả lên. Việc gì
lão cũng dây phần thế này, không để chỗ cho ai cả.
Còn tôi, tôi thấy việc đưa PHG vào là vô lý, vì mươi năm nay, PHG
không viết phê bình gì hết. Vì mải đi dịch cũng có, mà vì khiếp nhược cũng có,
ấy là không kể thực chất PHG luôn luôn chạy theo quan chức.
Ai đó
kể với tôi rằng lúc họp Ban chấp hành Hữu Thỉnh đề nghị Phương Lựu nhưng
bị bác đi. Thảo nào mà kỳ này, Ph Lựu cũng chửi Hội đông phê bình rất ác.
29/1
Báo Tiền Phong có
bài Trần Xuân Bách nói có vẻ rất rộng rãi mới mẻ.
Đài đọc, TV đọc. Tôi bảo
sao báo Văn nghệ không đăng đi? Đăng lên trang nhất cơ,
rồi tổ chức thảo luận xem?
Không.
Tôi nghĩ đến một tâm lý
văn nghệ, nó đã thành căn bệnh của một thời.
Khi nào trên chửi mắng,
đánh đập, là ngay lập tức, tát nhau, đánh vào mặt nhau.
Ngược lại, khi trên mở
rộng cửa, thì tất cả đều ngập ngừng. Cũng muốn ra, nhưng lại sợ những kẻ khác nhảy ra trước mình, nên chành choẹ nhau ngăn cản nhau hơn là lo bàn việc.
Sáng tai họ, điếc tai
cày, tâm lý ấy thành bệnh
rồi, trong cái bọn gọi là trí thức văn nghệ.
9/4
Hôm nọ, liếc mắt nhìn
lên Tác phẩm văn học, thấy chỉ có ông Thi ngồi một mình. Trong
cơn thất thế cụ đã chạy đôn chạy đáo, mà vẫn chẳng thấy chỗ nào gọi đi làm
việc. Đâu xin cả làm đại sứ ở Pháp, nhưng không được.
Mẹo của Thi xưa nay, vẫn
là khi thất thế, thì về cố thủ một tờ báo, từ đó mà dấy nghiệp. Nhưng lần này
thì nghe chừng ngón võ đó không ăn nữa rồi. Thi xin làm thêm mấy số Tác
phẩm văn học - bây giờ gọi là Tác phẩm mới, nhưng chả thấy tờ
báo nổi lên được. Ông Nguyễn Vĩnh ở tổ dịch báo văn nghệ bảo: đấy là kiểu làm
báo của Tự Lực Văn Đoàn, cổ rồi.
Không biết phen này
Nguyên Ngọc có nắm được Tác phẩm Văn học hay không đây.
Ngọc Trai cho biết bọn
Hữu Mai đang tung tin khắp nơi là Ngọc sẽ không phải phó, càng không phải phó chính của Tác
phẩm Văn học đâu.
Ân cũng bảo bọn
Xuân Thiều, Ngọc Tú muốn báo về tay họ.
Ý của Ngọc Trai là muốn
bảo tôi nên nói điều này với ông Ngọc.
Tôi nghĩ chả dại
dây vào làm gì!
Ngọc Trai kể:
a/ Cánh bên kia cho
Triều Dương tiếp tục đánh Ngọc vu cho Ngọc là hối lộ lão Khải từ Sài Gòn ra
họp, lấy tiền Văn Nghệ mua vé cho Khải (sự thực là Ngọc làm
theo chỉ thị của Hội. Lại vu cho Ngọc lấy tiền Văn nghệ chữa
nhà.)
b/ Hữu Mai phá hội nghị
phê bình của Hội. Chính ban thư ký ký điện buộc hoãn.
Đúng là không chơi với
cánh quan chức được. Quan chức số một như ông Nam cuối cùng cũng chả được việc
gì, nhìn người chả ai ra ai cả.
Để có một ý niệm chung
về Hội nhà văn hãy xem việc sau đây.
Trước khi có Nghị
quyết 8, các nơi phải góp ý kiến với Đảng. Ý kiến khá sắc sảo. Nhiều người bảo
rằng phải viết lại đề cương đi, ai lại viết thế, cổ lỗ như hồi kháng chiến.
Nhưng ông Bùi Hiển thì, trên báo Văn nghệ, trong một số tháng 3/89 phát biểu rằng bản
đề cương này hay lắm rồi, có giá trị lắm rồi, như cương lĩnh vậy.
Vũ Tú Nam và
Nguyên Ngọc vào công tác ở Sài Gòn. Ý Nhi kể ông Nam chả dám đi
đâu, chỉ ru rú ở trụ sở Tác Phẩm Móo. Đi đâu cùng Ngọc, được hoan nghênh, Vũ Tú Nam hiểu
ngay là người ta hoan hô Ngọc chứ không phải hoan hô mình.
Ở Hậu Giang, sau khi
tiếp Vũ Tú Nam một tỉnh uỷ viên bảo với Dạ Ngân: Bọn tao cho mày tiền đi Đại
hội nhà văn để bầu ra một lão như thế à. Thật phí cả tiền.
Có tin ở Sài Gòn, Nguyễn
Mạnh Tuấn xin ra hội, Vũ Hạnh xin ra hội, và ở ngoài này, Vũ Đình Liên cũng xin ra
hội.
Đúng là phải thế thôi,
người ta biết hy vọng gì ở các cái hội như thế này!
Đâu cả Mai Ngữ cũng xin
ra Hội nữa. Sau khi chửi Nguyễn Huy Thiệp thế, mà người ta vẫn cho Nguyễn Huy
Thiệp vào hội, nên M N cảm thấy bị xúc phạm và đã xin ra hội. Nếu thế thì lại
là tốt.
5/5
Từ tháng 2, Hội đồng phê
bình báo là sẽ có hội nghị phê bình vào cuối tháng 4 và làm ở cả miền Nam nữa.
Ở Đà Lạt.
Rồi thay Đà Lạt bằng Sài
Gòn. Đầu tháng 3, bọn tôi còn nhận được 30 ngàn, do ở trong Sài Gòn gửi ra, để
gửi bài vào.
Rồi cả Thành phố
Hồ Chí Minh và hội nghị ngoài này cũng hoãn nốt. Ông Trần Trọng Tân điện xuống,
bảo rằng để anh em học Nghị quyết 8 đã, rồi hãy họp.
Trên xiết lại nhiều
việc.
Trong khi trên thế
giới, người ta ra lệnh cấm nhân viên phát thanh truyền hình, nói chung là các
phương tiện thông tin đại chúng, không được ở trong bất cứ một tổ chức nào, thì
ở Việt Nam, người ta quyết định lập lại Đảng đoàn Hội nhà văn, cùng lúc với
việc lập lại hệ thống chính uỷ trong quân đội, và khôi phục phòng chính trị ở
các trường Đại học.
Một thứ chủ nghĩa Lôi
Phong mà không có Lôi Phong ở đây.
Nghe nói Đảng đoàn mới
được dự kiến sẽ có Anh Đức, Bằng Việt. Họ còn to hơn các uỷ viên ban chấp hành,
dù họ không được bầu vào ban chấp hành.
Có tin trên (?) đã dự
kiến một danh sách các cuốn sách cần phải đánh trong đó đứng hành đầu phải là Ly
thân của Trần Mạnh Hảo có thế là cả Những mảnh đời đen trắng của
Nguyễn Quang Lập, cả Đám cưới không có giấy giá thú của Ma Văn
Kháng.
Đánh đấm thời nay không
thể hiệu quả như cũ.
Một ngày thứ 7 trong
tháng 4 báo Nhân Dân đăng một bài của Trần Hữu Tòng đại ý “đổi
mới không phải là để chửi những người đương thời.”
Báo Công an nhân
dân có bài của Đỗ Văn Khang, nhằm tố cáo những Nguyễn Huy Thiệp,
Dương Thu Hương, Nguyễn Duy, Trần Mạnh Hảo là lợi dụng dân chủ.
Nhân ngày 30/4, nghe có
tin Việt kiều ở Mỹ biểu tình trước sứ quán Việt Nam, chửi bới các ông già ù lì,
cố đấm ăn xôi.
Mỹ muốn viện trợ, nhưng
là viện trợ cho nhân dân Việt Nam, chứ không phải cho chính phủ Việt Nam.
Đài Hoa Kỳ, đài BBC nhắc
tới Ly thân của Trần Mạnh Hảo, bênh vực việc nói về cái xấu
trong xã hội. Tôi cho là chất lượng văn học của Ly thân không
tốt lắm, nhưng thôi, cũng được.
Cuộc đấu tranh sẽ quyết
liệt đến cùng. Trên phải ra tay thôi. Còn như bên này thì cũng không thể quay
lại nữa rồi.
Tạp chí Khoa học
và đời sống số 3 có bài của Quang Đạm, chửi Thép Mới, bốc thơm Lê Duẩn
(trong hồi ký cuộc đời), tấn công cả Lê Đức Thọ (thực chất là quảng cáo
rùm beng cho nhau), nhắc lại rằng trong lịch sử Đảng, còn nhiều điểm bất minh,
như cách viết về vụ chỉnh Đảng trong cuốn lịch sử 50 năm hoạt động của Đảng.
Ở Hội Nhà văn, mọi
chuyện cứ lẳng lặng chả hiểu ra sao cả. Ông Nam trông thấy tôi lờ lờ không nói
gì. Tôi cũng không nói gì.
Trước đây, ông Ngọc nói
là sẽ về tờ Tạp chí Tác phẩm mới. Ngọc còn kể sáng thứ hai
23/4, Vũ Tú Nam đã gọi Bùi Bình Thi đến, tuyên bố là từ nay, Ngọc nắm.
Nay mới biết trong
khi Ngọc đi Sài Gòn, thì ở ngoài này, bọn nó đảo chính.
Nguyễn Đình Thi bàn giao
cho Ngọc Tú chứ không phải cho Ngọc.
Có tin là hội đã có trụ
sở mới ở 9 Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Hôm nay 5/5, Ân có nói
hai câu hóm hỉnh.
Một là nhân chuyện
Nguyễn Đình Thi được dựng lại vở Con nai đen, Ân buột miệng Con
nai bây giờ mới thật đen.
Hai là nghe Ân kể Hội
nhà văn có một trụ sở mới ở 9 Nguyễn Bỉnh Khiêm, cơ quan chưa dọn về, người còn
vắng.
Một lần Ân đi qua,
thấy có ai viết phấn ở cổng bán xi măng. Về bảo với bà Phương ở văn
phòng, bà Phương giậm chân:
--Thôi chết, hôm qua đã
xoá đi rồi cơ mà. Hôm nay thằng nào nó lại viết lên đấy.
Mình thầm nghĩ, biết đâu
người viết chả dùng mấy chứ đó để ngầm nói rằng Hội nhà văn là một thứ thành
luỹ của bảo thủ.
17/5
Cuộc học tập Nghị quyết
8 (ra khoảng tháng 4/90) đâu đã bắt đầu từ cuối tháng 4. Ở Hội nhà văn, có 2
người đi họp là Vũ Tú Nam và Hữu Thỉnh. Nghe nói có hai Nghị quyết. Một 8a về
tình hình quốc tế, có cả việc phê phán Liên Xô và Trung Quốc. Một 8b, sự liên
hệ với quần chúng.
Có tin là các tổng biên
tập báo được một mật lệnh. Sẽ không đăng các bài viết của Dương Thu Hương và về
Dương Thu Hương.
Ở Cửa Việt số
2 ông Trần Độ có bài kiên trì trình bày quan niệm của mình về định
hướng rộng. Lúc này ông vẫn bảo vệ ý kiến ấy. Ông cho rằng việc đọc lá thư
của ông ở Đại hội nhà văn lần thứ tư chả có gì là sai cả.
Nhưng, có tin đồn, rồi
có chuyện xảy ra thật. Ông Nguyễn Văn Hạnh mất chức phó ban văn hoá, trở về làm
chuyên viên nghiên cứu ở Viện Văn học, kiểu như Đỗ Đức Dục trước đây 30 năm.
Còn nhớ hồi ở Liên Xô,
cậu Ph. đã nói bây giờ bọn nó hay dựa vào cái tâm như trước kia dựa vào lập
trường tư tưởng vậy.
Ở Sài Gòn, in ra nhiều
sách cũ trước 1975 và cũng đã có trường hợp bị coi là đi quá đà, ví dụ Khung
rêu của Thuỵ Vũ.
Nhà xuất bản Hội nhà văn
định in lại Túy Hồng (cuốn Bướm khuya) nhưng hỏi CA, họ bảo
bà này đang ở Mỹ, chửi mình lắm đấy, thông tin vậy đấy, các anh có in thì in.
Thế là thôi.
Vào lúc này đây, các Nhà
xuất bản đang giành nhau xin in lại Quỳnh Dao. Nhưng chưa Nhà xuất bản nào được
giấy phép. Có lẽ bọn Bộ Thông tin còn chờ tính xem con mồi nào mập nhất chăng ?
Ân đã nói trong một buổi
họp LLPB:
-- Sách thương mại chính
là đồng minh của sự trì trệ chính trị.
Nhưng mấy thằng bảo thủ
thì lại bảo ngược lại. Không, nó là kết quả của đổi mới đấy, cụ thể là đổi mới
sai, đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng thì sẽ không có chỗ cho loại đó.
Hôm nay, 11/6 báo Hà
Nội mới có bài phê văn nghệ sĩ là đòi đa nguyên, đòi đánh giá lại
quá khứ.
Báo Nhân Dân chủ
nhật ra 10/6 đã có bài Bùi Công Hùng, tấn công vào Trần Độ, vào cái mà họ gọi
là văn chương mạt sát, văn học phá bĩnh.
Lời lẽ trong đó toàn là
có tính chất dí điện. Đục ngầu những mưu đồ, những ám chỉ.
16/6
Ngày hôm nay, thứ
bảy, báo Nhân Dân có bài của Mai Ngữ trong đó có cái ý
nói rằng phê bình văn học ở ta thật nhảm nhí. Hôm qua chỉ một chiều, hôm
nay lại một chiều ngược lại.
MNgữ nói tiếp phê
bình hôm nay không lừa được ai nữa, cả bạn đọc lẫn các nhà văn, và hôm nay họ
đã trưởng thành. Trong sáng tác, có 2 loại, sáng tác ngược hôm qua và sáng tác lâm ly rẻ tiền. Ban chấp hành Hội Nhà văn có bao nhiêu việc phải làm,
tại sao lúc nào cũng đi tổ chức hội thảo.
Tôi không dễ dàng dứt
khỏi ý nghĩ về con người Mai Ngữ.
Có phải là khi trong
thiên nhiên mãi mãi tồn tại con gián, con chuột, thì trong loài người – và cả
trong mỗi chúng ta nữa -- cũng có tình trạng như thế. Không hy vọng gì có thể
làm sạch thế giới này hết.
Báo Nhân Dân 16/6
còn đăng bài phê phán Những mảnh đời đen trắng của Nguyễn
Quang Lập. Nhân Dân chủ nhật ngày 17/6 có truyện
ngắn Sơn Ca của Mai Ngữ chửi Dương Thu Hương. Lại có bài Phạm
Tường Hạnh tranh cãi với một bài của Thanh Thảo trên Tuổi trẻ chủ
nhật. Những nhận xét về thời sự văn học của Mai Quốc Liên thì được đăng
trên Văn nghệ.
Nghĩ lại cũng thấy cám
cảnh: loanh quanh mấy bộ mặt đó. Phạm Tường Hạnh, Mai Quốc Liên, Mai Ngữ, Đỗ
Văn Khang... Chỉ còn Phương Lựu là chưa xuất hiện.
Bởi vậy, cấp trên
có vẻ vẫn chưa bằng lòng với tình hình phê phán hiện nay. Còn đang muốn tuyển
thêm lính.
Một người như Trần Bảo Hưng kể:
-- Một tờ báo lớn đặt tôi đả Đám cưới không có giấy giá thú.
Nhưng tôi vừa viết bài khen. Vậy thì tôi không thể chê nó
ngay được. Hãy chờ xem đã.
21/6
Bùi Việt Sĩ kể,
Nghiêm Thanh ở báo Nhân Dân nói rằng đi đặt người viết về Ly
thân của Trần Mạnh Hảo mà mười ngày nay, chưa đặt nổi. Trên Bộ biên
tập doạ: nếu không lấy người khác về làm biên tập vậy. Thế là phải cố đi đặt
nữa.
Vẫn theo Nghiêm Thanh,
phải trị bằng được cái tam giác quỷ Đám cưới không có giấy giá thú - Những
thiên đường mù - Ly thân.
Chi bộ Hội Điện ảnh chưa
họp để kiểm điểm Dương Thu Hương được. Hương chần chừ, mà những người kiểm điểm
cũng không muốn.
Ở Sài Gòn, chi bộ
của ông Nguyễn Quang Sáng cũng có lệnh phải kiểm điểm Trần Mạnh Hảo, rồi tìm
cách khai trừ Hảo ra. Ông Sáng trả lời công an là chi bộ toàn những bà đánh
máy, nấu cơm, vậy thì khai trừ nhà văn sao được. Theo tôi, các ông cứ lấy gái
mà bẫy nó. Thằng Hảo này cũng hám gái lắm, rồi ra khai trừ nó được ngay.
Lại có tin có một cuộc
họp ở Hội nhà văn thành phố (hoặc phân hội Hội nhà văn thành phố Hồ Chí Minh)
thảo luận chuyện của Hảo. Nguyễn Quang Sáng chủ trì. Mời cả Anh Đức, Nguyễn
Khải, và nhiều người khác.
Nhưng Hảo khôn lắm, lên nó chửi phủ đầu tuốt (kể
cả chửi Anh Đức, nói rằng trong Hòn đất có chi tiết này chi
tiết kia không chịu được). Thế là trong buổi họp Anh Đức im. Chỉ có Khải lên
nói. Khải bảo sách đọc không được, tôi đọc 70 trang phải bỏ (trước đó, hồi đại
hội nhà văn, Khải bảo quyển này chống cộng bằng mấy Dương Thu Hương và Nguyễn
Huy Thiệp).
Hảo phản công luôn: Anh không đọc thì anh không có quyền phê
phán.
Khải im. Nguyễn Lộc, Lê Đình Kỵ, theo Mai Liên kể -- lại khen Ly
thân…
Sau việc này Khải có vẻ
buồn.
3/7
Đại hội Đảng bộ
Hội Nhà văn.
Trương Vĩnh Tuấn: anh
Nguyên Ngọc, tại sao lại được như thế? Đảng uỷ phải điều tra.
Nguyễn Đình Thi: Trước
đại hội nhà văn, và phải kể là từ 1987 Ban văn hoá văn nghệ nêu định
hướng rộng là chỉ đạo sai. Ban can thiệp quá sâu vào Hội. Sử dụng báo, sử dụng
cốt cán, sử dụng quần chúng như hồng vệ binh. Từ lúc ấy, đã lấy Đông Âu làm
mẫu.
Sau đại hội:
a/ lập đủ thứ hội đồng.
Hội đồng lập ra theo định hướng cũ của Ban văn hoá văn nghệ mà không lấy nhiều
hướng. Nhất là không kiên quyết đưa hội đồng vào định hướng mới.
b/ báo Văn nghệ đăng
những tin có tư tưởng như anh em văn nghệ phải đùm bọc lẫn nhau.( Chỗ này
ý ông Thi muốn nói tới vụ mấy anh em chúng tôi định làm một Ban bảo trợ
di sản văn học của Nguyễn Minh Châu – chú thích 11-6-2015).
c/ cũng Văn
nghệ có những bài có tranh luận không hay, không cần.
Anh em không tín nhiệm
tờ báo của Hội nữa (dẫn ý anh Mạc Phi).
Ban chấp hành có vẻ đoàn
kết một chiều. Có những người họp ở chỗ này không nói, nhưng lại đi làm
những việc khác. Bây giờ có hiện tượng không nói gì hết, nhưng lại cứ đi hoạt
động ngược lại.
Cuộc hội thảo ở thành
phố Hồ Chí Minh không làm là đúng. Cái đáng ngại là người ta lợi dụng.
Một số ý kiến khác.
Xuân Thiều cho là Nguyên
Ngọc gần với anh em.
Đào Vũ:
-- Nói hội thảo nói
Nguyên Ngọc; nói rao giảng nói Nguyên Ngọc.
-- Cử Nguyên Ngọc phụ
trách Ban sáng tác - cơ quan đầu não là không nên. Vì Nguyên Ngọc xa
quan niệm của Đảng.
Không tán thành việc Ban
kiểm tra của Hội kết luận về Bùi Minh Quốc (có công trong kháng chiến, có công
trong đổi mới, hoạt động của Bùi Minh Quốc là xứng đáng đi họp đại hội) để
chọi lại tỉnh uỷ Lâm Đồng sau đó, chọi lại Đảng.
Tại sao BCH lại thông qua
việc đó (báo cáo của Xuân Cang).
Đào Vũ nhấn mạnh không
được đơn giản việc Nguyên Ngọc.
Ngoài ra còn tố thêm.
--Việc Bùi Minh Quốc
không công nhận BCH Hội nhà văn và đề nghị các hội địa phương lập ban
trù bị.
Bùi Minh Quốc đấu tranh
cho dân chủ ngoài tổ chức của Đảng, lấy đủ các loại ý kiến, rồi dùng làm áp
lực.
Tổ chức phải có Đảng
lãnh đạo. Đảng lãnh đạo thì dân chủ.
-- Ngoài đại hội có vận
động sinh viên, kéo sinh viên đến đại hội.
Việt kiều hỏi Văn nghệ
sĩ có sẵn sàng trở thành lực lượng chống bảo thủ? Có dám dùng phương thức đấu tranh
chính trị tạo ra một số thế lực chống đối?
Đào Vũ cũng phê
phán tình trạng họp hành hồi trước. Đảng uỷ tổ chức họp cho anh em nói, rồi mặc
kệ Ban thư ký. Như thế là dân chủ không có lãnh đạo.
Kim Lân:
1. Trong chi bộ trong
đảng bộ, anh Ngọc không nghiêm túc. Đến họp chỉ nghe qua quýt rồi bỏ đi
làm việc. Đại hội hôm nay không đến.
Đây không phải nói về
nhà văn mà đây nói những gì ngoài nhà văn.
Thí dụ việc chuyển thư
của Pháp cho anh Thiệp. Nay mai kiểm điểm sao?
2. Nhiều ý của Ng
Ngọc chống lại đường lối của Đảng đánh vào tổ chức liên tục. Không được keo này
bày keo khác. Đứng trước anh em ngồi yên, anh em quay đi lại tiếp tục.
Trong khi đó, BCH lo
đoàn kết, lo cứng rắn, lo làm thế mất dân chủ... không dám đấu Ngọc.
Đáng lẽ phải dứt khoát.
Cái đa nguyên đa đảng
hiện nay đánh vào Đảng mạnh nhất.
Trong Đảng này nay không
có kỷ luật. Liên tục có những chuyện chống Đảng. Những anh đã đa nguyên đa đảng
thì phải xét lại tư cách đảng viên.
Những người ở chỗ nào
cũng chửi tại sao ta không làm nghiêm?
Đào Vũ nói thêm về tổ
chức. Có phải Đảng đoàn là hầu hết lấy từ Ban Chấp hành (cả 9 người), vậy 6
đồng chí BCH quan niệm sao về Đảng đoàn.
Các đảng viên trong BCH
đã vững vàng cả chăng?
Vương Linh:
Tôi không
thể chịu được việc Nguyên Ngọc ôm hôn Nguyễn Đình Thi.
12 tên chống BCH lúc ấy
có bàn tay Nguyên Ngọc.
Trong các buổi họp ở chi
bộ hội, anh em rất kêu Nguyên Ngọc.
Hồi chống Mỹ Nguyên Ngọc
đã vừa ôm hôn vừa đâm dao găm vào ta.
10/7
Có thêm những tin tức
sau:
* VNQĐ họp cộng tác
viên. Ông Thi thoạt đầu lên dạy dỗ là phải tin vào mình, phải lấy tình cảm, con
tim của mình làm thước đo chính… Đừng có tin vào ông ốp ép nào cả.
Nghe nói, Trần Đình Sử
lên bác lại, Sử bảo thời này không thể nói như vậy được.
Thế là ông Thi lại đứng
lên bào chữa, lại xoay ra chửi Ban văn hoá văn nghệ cũ.
Lúc bấy giờ, ông không
có vai nhà văn hoá nữa, mà lại tỏ ra là một cán bộ cách mạng từng trải, có kinh
nghiệm.
* Lại có một cuộc họp
nữa, cuộc họp ở báo Nhân Dân, để báo động về tình hình hiện nay và
động viên mọi người lên tiếng đấu tranh.
Cái giống nhau của
những hội nghị này là có chung một số cốt cán: Bùi Công Hùng, Nguyễn Văn
Lưu, Mai Ngữ v.v..
Chẳng thấy có thêm ai
gia nhập vào đám ấy nữa.
Nhưng như thế, cánh cốt
cán ấy tha hồ viết.
Ví như Bùi Công Hùng,
Hùng viết ở Hà Nội mới (chửi cả Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy), cả Lao
động, cả Nhân Dân chủ nhật.
Ví như Nguyễn Văn Lưu.
Lưu có bài chửi âm tính dương tính ở Văn nghệ phụ
san, có bài khen Nam Hà và nhân đó, chửi Nguyễn Huy Thiệp. Nghe nói Lưu còn có
bài bác lại Đỗ Đức Hiểu.
Có tin Sông
Huơng, Cửa Việt bị phê phán dữ, các nơi đó (Tỉnh uỷ Thừa Thiên,
tỉnh ủy Quảng Trị họp vài ngày liền về các tạp chí đó).
Sử đưa tin là Cửa
Việt số 3 đã in xong. Nhưng do cánh Hoàng Phủ Ngọc Tường làm kiểm điểm
chưa tốt, nên chưa được phát hành. Phải kiểm điểm nữa.
Ma Văn Kháng kể với
Nguyễn Phan Hách. Có tin đồn là quyển Đám cưới không có giấy giá thú của
ông ta bị trên truy lắm. Nhưng toàn nhắn nhe, còn chưa ai
chính thức nói với Kháng điều gì cả.
Cái chết của bọn nhà xuất
bản của Kháng là lúc này họ vừa in cuốn Ác mộng của Ngô
Ngọc Bội. Cuốn sách viết về cải cách ruộng đất, viết "phi nhân" rõ
ràng. Để nguyên cho sách nó ra không sao. Ông Bội lại mang nó, đi in trên Văn
nghệ, trên Đất Quảng, để thiên hạ đồn ầm cả lên rằng sách lôi
thôi về chính trị đấy.
Thành thử NXB của Kháng
ở vào thế tiến thoái lưỡng nan: bây giờ mà phát hành ra thì sợ mà không phát
hành thì tiếc. Nhờ trên ban Văn hoá tư tưởng đọc hộ họ đâu có đọc, họ bảo không
biết, thế mới ngán.
- Dạo này báo chí (cả Nhân
Dân, cả Quân đội nhân dân) đều có bài chửi Hà Sĩ Phu với bài
Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ (hình như
đăng ở Sông Hương số 1, bộ mới).
Trong các bài phê,
người ta không dám đề rõ bài Hà Sĩ Phu đăng ở đâu nữa, vì nói ra lại sợ dân đổ
xô đi đọc, còn đánh thì vẫn cứ đánh. Mỗi bài đánh là một bài đọc thuộc lòng,
nhắc lại kiến thức mà người ta đã dạy nhau ở truờng tuyên huấn.
Lâu này, cứ tưởng những
đợt đánh phá này chỉ là do bọn thư ký các ông to gây ra.
Nay không phải như vậy.
Chính các ông to nói rõ tên từng nhà văn ra một, yêu cầu đánh.
22/7
Sau cuộc Hội thảo
về phê bình ở Hà Nội, báo Văn nghệ số 29, đăng thông báo của
Ban chấp hành Hội nhà văn điểm tình hình trong đó nhận định rằng: Hội thảo LLPB
có vấn đề.
Hội thảo bộc lộ hai
khuynh hướng ngược nhau
- đổi mới trên cơ sở nền
văn học cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng
- đổi mới trên cơ sở đòi
dân chủ hoá tuyệt đối văn học mà không thấy chỉ đạo để
phê phán cái sai vốn đã kéo dài lâu nay.
Báo Nhân Dân cũng
có bài của Lê Xuân Vũ công kích một số luận điểm của cuộc hội thảo về LLPB (Văn
nghệ sau cách mạng chỉ là nối tiếp dòng văn học cách mạng trước 45, là văn học
minh hoạ…)
Ân kể rằng ông Nguyễn
Kiên nói với Ân.
- Bây giờ ông Mai nắm
tất cả. Với mấy đồng bạc ở Ban công tác hội viên ông mang chia tiền cho mấy ông
già, thế là tha hồ được các ông già khen.
Với trẻ thì ông ta cho
họ vào Hội, thế là đủ để định nghĩa ông ta tức là Hội rồi.
Ngọc Trai còn bảo bây
giờ, Hữu Mai đang lấy lòng mọi người để lúc nào đó, trở thành Tổng thư ký.
- Việc tặng giải thưởng.
Như ở Hội đồng văn xuôi chẳng hạn, thì Hội đồng đã thử phác ra một danh sách.
Nhưng vừa phác ra với nhau thì đã có người phản đối. Sao lại không có Ông
cố vấn, sao không có Xuân Thiều, không có Khuất Quang Thuỵ. Rút lại, toàn
thấy kiểu ý kiến giống nhau của một phe nhóm.
Thế là danh sách đáng
tặng bây giờ lên tới hàng chục.
Ông Kiên bảo: Nếu loạn
quá, cuối cùng tôi sẽ thôi, không ủng hộ cái gì nữa, ngoài cuốn Cỏ
lau.
Theo cách nói của
Bùi Việt Sĩ báo Lao Động thì cấp trên cảm thấy có một
tam giác quỷ, mỗi cái thâm độc một đường, phải đánh bằng được.
- Ly thân đánh
ta về tư tưởng
- Những thiên
đường mù đánh ta về lý tưởng
- Đám cưới không có giấy
giá thú đánh ta về tổ chức
Bùi Việt Sĩ nói có một
bài báo rất dài từ trên gửi xuống chửi Đám cưới không có giấy giá thú thậm
tệ, và báo Nhân Dân nhất định sẽ đăng. Sở dĩ người ta căm ghét
Ma Văn Kháng vậy, vì Ma Văn Kháng chửi cán bộ ta là toàn loại mõ, loại ăn mày
cả.
Tôi nói với Ân:
Nếu ông Vũ Tú Nam có
lương tri, tự trọng thì không bao giờ thông qua cái bài viết của Hội ở báo Văn
nghệ vừa rồi, hoặc sau khi thấy báo đăng ra, phải cải chính.
Còn nếu ông ấy cũng
nhận thức như thế, hoặc thấy người ta viết thế cũng phải, thì việc quái
gì chúng mình phải đi báo động thêm cho mệt.
Ân cho rằng việc này chỉ gây
thêm hận thù, chia rẽ.
Trần Bảo Hưng kể: Các
ông không được nghe ông Thi nói ở Văn nghệ quân đội. Nghĩa là ông ấy ỏn thót, chúng ta kêu gọi những anh em có sai lầm quay trở về với đường lối của Đảng,
chúng ta hoan nghênh sự nhận thức lại vậy.
Cứ y như lời lẽ của một
gã kêu gọi chiêu hồi vậy (xúi bỏ người ta từ bỏ chính mình để trở về với những
nguỵ tín).
Cũng qua cách cắt nghĩa
của Nguyễn Đình Thi, thì dường như đang có một nhóm chống Đảng, nhóm đó do Trần
Độ cầm đầu.
( còn tiếp)
Nhật ký văn nghệ 1990
Reviewed by Phạm Thu Hương
on
02:35
Rating:
Không có nhận xét nào: