Ngày càng nhiều bệnh nhân mắc bệnh gút ở độ tuổi 30. Bệnh dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khớp khác, khó chẩn đoán.
Gút là bệnh rối loạn chuyển hóa dẫn đến tình trạng tăng axit uric trong máu. Hậu quả của quá trình này là sự lắng đọng của tinh thể muối urat ở khớp và các mô trong cơ thể. Đa số bệnh phát sinh trong tuổi 40 đến 60, nhưng mấy năm gần đây, ngày càng có nhiều bệnh nhân ở độ tuổi 30.
Bác sĩ Hồ Phạm Thục Lan, Trưởng khoa Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Nhân Dân 115 cho biết, khi mới được phát hiện, gút được ví von là “bệnh nhà giàu” hay “bệnh của vua”, vì bệnh nhân thường là người giàu có, nhưng quan điểm này rất sai lầm, vì trong thực tế, bất cứ thành phần kinh tế nào cũng mắc bệnh gút. Bệnh gây đau đớn, làm giảm hoặc mất năng suất lao động, chức năng vận động.
Hơn 90% các trường hợp gút là nguyên phát, tức không rõ nguyên nhân, 10% còn lại là thứ phát sau một số bệnh khác hoặc dùng thuốc. Bệnh thường gặp ở nam nhiều hơn nữ. Bệnh thường phát sinh sau khi sử dụng các thuốc lợi tiểu, kháng lao, aspirine... hoặc sau các bệnh suy thận, béo phì, tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn chuyển hoá lipid máu, bệnh ác tính cơ quan tạo máu.
Bệnh đang có chiều hướng gia tăng nhanh trong mấy năm gần đây.
Theo thống kê của khoa nội Cơ Xương Khớp Bệnh viện Nhân dân 115, bệnh gút chiếm khoảng 10% các bệnh khớp điều trị tại khoa. Do đời sống kinh tế xã hội phát triển, lối sống và thói quen ăn uống của người dân những năm gần đây có chiều hướng thay đổi, chuyển từ ăn rau củ sang ăn nhiều thịt cá, thực phẩm nấu sẵn và ít vận động. Bên cạnh đó, với lý do cần gặp gỡ đối tác, rượu bia đang trở thành thức uống thông dụng, làm cho tần suất bệnh ngày càng tăng cao.Bệnh thường khởi phát đột ngột ở một khớp, hay gặp nhất là khớp bàn ngón 1 bàn chân, khuỷu, gối, cổ chân. Đau thường về đêm, cường độ tăng nhanh trong 24-48 giờ, có thể kèm theo sốt lạnh run. Khớp bị ảnh hưởng sưng nóng đỏ rõ rệt. Không cần điều trị, bệnh kéo dài vài ngày rồi tự khỏi hoàn toàn, có thể có ngứa và bong vẩy ở da vùng khớp bị ảnh hưởng. Càng về sau đợt viêm khớp càng kéo dài, không tự khỏi, khoảng cách giữa các đợt ngày càng ngắn lại, các cơn viêm khớp xảy ra liên tiếp dần dần đưa đến gút mãn, biểu hiện bằng sự xuất hiện của nốt tophy, bản chất là sự lắng đọng của tinh thể urate ở phần mềm quanh khớp, kèm với di chứng cứng khớp, biến dạng khớp, mất chức năng vận động.
Theo bác sĩ Thục Lan, hầu hết chẩn đoán bệnh gút hiện nay tại các cơ sở y tế tại TP HCM đều dựa vào nồng độ axit uric trong máu. Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp tăng axit uric trong máu là bị gút. Axit uric là một sản phẩm của quá trình chuyển hóa đạm, do đó khi chúng ta ăn các loại thực phẩm có đạm đều có thể làm tăng nồng độ chất này trong máu. Tuy nhiên, không chỉ tinh thể urat trong dịch khớp mới gây ra viêm khớp cấp, các loại tinh thể canxi như calcium pyrophosphate cũng gây ra các triệu chứng giống như bệnh gút được gọi là bệnh giả gút. Điều này lý giải cho các trường hợp xét nghiệm axit uric bình thường trong máu nhưng vẫn có triệu chứng của bệnh gút.
Bác sĩ Lan nhấn mạnh, hiện nay kính hiển vi phân cực là phương pháp duy nhất có thể giúp dễ dàng phát hiện ra tinh thể urat trong dịch khớp từ đó có thể đưa ra chẩn đoán một cách chính xác nhất bệnh gút.
Một số lưu ý trong điều trị bệnh
- Cũng như những bệnh rối loạn chuyển hoá khác, khâu đầu tiên trong điều trị bệnh gút là cần thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt để giảm các yếu tố nguy cơ. Hạn chế các thức ăn nhiều đạm động vật bao gồm thịt đỏ, cá, tôm cua, tim, gan, thận, óc, hột vịt lộn..., hạn chế uống rượu bia, năng vận động, giảm cân nặng.
- Cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ nhằm khống chế các đợt viêm khớp cấp, làm hạ và duy trì axit uric máu ở mức cho phép, kiểm soát tốt các bệnh kèm theo. Để giảm viêm trong điều trị đợt gút cấp có thể lựa chọn các thuốc hiện hành như colchicine, NSAIDs, corticoid toàn thân hay tại chỗ, tùy vào cơ địa mỗi người.
- Để làm hạ và duy trì axit uric máu ở mức cho phép, có thể sử dụng các thuốc có tác dụng giảm tổng hợp axit uric như allopurinol, befuxostat, pegloticase hoặc các thuốc làm tăng thải axit uric khỏi cơ thể như probenecid hoặc sulfinpyrazone.
- Luôn cần thiết kiểm soát tốt các bệnh kèm theo như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hoá lipid máu.
Trương Dương
Nguồn vnexpress.net
Những món ăn giúp làm giảm bệnh gút
Reviewed by Phạm Thu Hương
on
23:30
Rating:
Không có nhận xét nào: