(Rút từ facebook của Lưu Trọng Văn)
Nhà thơ Chế Lan Viên chê tướng Trần Độ khi làm thứ trưởng bộ Văn hóa (thực chất quyền như bộ trưởng) đã đem cách điều hành mệnh lệnh trong quân đội vào trong điều hành một cơ quan quản lý văn hóa. Tính của Chế Lan Viên thường châm chích cay nghiệt, ông bảo với gã, muốn gặp ông Độ phải báo cáo qua từ anh tiểu đội trưởng...
Rồi nghe cha gã kể, một lần có việc cha gã đến bộ Văn hóa ở đường Ngô Quyền để nói với ông thứ trưởng về tình hình văn hóa nghệ thuật theo cha gã là đang bê bết. Gặp ông Độ ở cầu thang, cha gã đi lên, ông thứ trưởng đi xuống, ông Độ hỏi sẵng, việc gì? Cha gã tức khí gắt lên, có việc với anh đấy.
Gã rất hiểu tính cha gã. Có lần cha gã đã đập bàn với ông Trường Chinh vì ông phê phán Nguyễn Tuân khi Mỹ ném bom thảm sát Hà Nội lại chỉ viết chuyện về... phở.
Khi ông Lê Duẩn như cụ Huỳnh Thúc Kháng xưa, bảo truyện Kiều của Nguyễn Du là dâm thư, cha gã đã gân cổ bảo vệ nàng Kiều. Khi trong cuộc họp bàn về kỷ niệm 600 năm Nguyễn Trãi toàn các trí thức tên tuổi cả, ông Võ Nguyên chắp tay sau đít cứ đi đi lại lại, cha gã bảo ông Giáp, anh ngồi xuống như anh em đi.
Thực ra tướng Trần Độ cùng trong một guồng máy quá lâu không thể không nhiễm cái thói quen của hầu hết các vị lãnh đạo tự cho mình có chức là đương nhiên ngồi trên đầu bất cứ ai.
Gã không thích cái thói ấy. Đến bây giờ gã vẫn nói như Phùng Quán, không thích thì bảo là không thích.
Nhưng rồi đám tang của ông, từ Sài Gòn chân ướt chân ráo ra, gã đã đến dự. Nắng gắt lắm. Cả cái sân Nhà Tang lễ như đổ lửa. Gã đến không hề vì tò mò, không hề vì muốn ta đây tỏ một thái độ chống đối này nọ mặc dù chống đối... đang là mốt thời thượng.
Vậy mà đã 13 năm trôi qua rồi.
Hôm nay 9.8 ngày ông Trần Độ mất.
Gã xin thắp nén nhang tưởng nhớ ông. Và cái ngày nắng gắt ấy gã cũng đã khóc chia tay ông cùng một nén nhang.
Không thích một việc, đó là cái thói đời, thương cho những người như ông cũng bị nhiễm. Nhưng lại có nhiều cái thích khác lớn hơn, đè khuất cái gờn gợn không thích kia.
***
Vòng hoa của đại tướng Võ Nguyên Giáp, và vòng hoa của gia đình đại tướng Lê Trọng Tấn, đại tướng Hoàng Văn Thái bị ách lại chưa được đưa vào viếng trung tướng Trần Độ. Tình hình rất căng thẳng, đại tá Huyên, trợ lýcủa đại tướng Võ Nguyên Giáp nói sẽ điện về xin y kiến của đại tướng.
Lý do là trên băng tang đề dòng chữ “vô cùng thướng tiếc” trung tướng Trần Độ. Chỉ thị từ cấp cao nhất, không để lọt bất cứ “vô cùng thương tiếc” nào mà chỉ được, “kính viếng” hoặc “viếng” thôi.
Gã ngồi bệt vỉa hè dưới tán cây phượng với ông Nguyễn Kiến Giang, một người mà gã kính yêu. Khi ông Độ trên đỉnh cao quyền lực hoặc dẫn đầu đoàn quân xung trận thì ông Nguyễn Kiến Giang bị nhốt trong tù.
Một lần cà fê với ông dưới gốc đa già công viên Lý Tự Trọng bên hông báo Lao Động, ông Giang kể gã nghe vì sao ông bị đích thân ông Lê Đức Thọ tống ông vào tù. Rồi trong tù hai ông đã tranh luận thế nào về con đường phát triển của đất nước.
Gã thích ông Giang ở lòng nhân ái bao la của ông, ông không hề hằn học tức giận những người đã cho ông vào tù và ông tôn trọng quan điểm lập trường của những người chống ông. Sau này tìm hiểu về ông Mandêla của Nam Phi gã thấy tấm lòng nhân ái của ông Giang chả khác ông Mandela.
Chính vì yêu mến ông Kiến Giang mà gã có cái nhìn khác đi về tướng Độ. Một người như ông Giang sẵn sàng đứng dưới cờ của tướng Độ, thì chắc chắn phải có lí do. Và gã được biết ông Giang chính là nhà tư tưởng của nhóm tướng Độ, thế là gã cảm mến ông Độ vì không phải tự dưng lại chọn ông Giang. Thế đấy. Dắt dây. Sợi dây tình cảm. Suốt đời của gã, gã chỉ chấp nhận cho sợi dây tình cảm xỏ mũi mình.
Nói thế, là, gã đến dự đám tang tướng Độ, người gã chưa hề gặp ngoài đời, hoàn toàn không vì ông là người chống chế độ.
Gã cứ ngồi bệt thế trên vỉa hè với ông Nguyễn Kiến Giang. Thỉnh thoảng gã lấy tờ báo quạt quạt cho ông. Mồ hôi. Oi. Không khí tang. Buồn. Tức. Đủ chuyện.
Khi thấy ông Giang, bất cứ ai quen biết, kính trọng ông khi đi qua đều đon đả tới chào ông. Dương Thu Hương, Hoàng Minh Chính... hầu hết là những nhân vật bất đồng chính kiến. Trong nhiều người đến chào ông Giang nhà tư tưởng của nhóm tướng Độ, gã biết một số người cơ hội. Gã nói thẳng với ông Giang, ông Giang khẽ cười, cậu nói số ít à, theo mình là không ít đâu. Giọng ông nhẹ tênh coi chuyện kẻ cơ hội trong một phe nhóm nào đó là... đương nhiên.
Gã nhớ lại cũng lần dưới gốc đa ở Sài Gòn ấy, gã đã hỏi thẳng ông Giang rằng anh có cảm thấy có sự nhầm lẫn về ngọn cờ, về thủ lĩnh chưa xứng tầm không?
Gã nghĩ mình hỏi câu hỏi có ý xúc phạm ấy sẽ làm ông Giang khó chịu. Nhưng thật không ngờ, ông chỉ cười, vẫn nụ cười rất chân thành, mộc mạc, mà hiếm có một nhà tư tưởng, một triết gia hàng đầu đất nước như ông có được. Ông nói, có những cái vì việc lớn mình phải chấp nhận thôi.
Gã thực sự xúc động và càng thương yêu ông vì cái nụ cười và câu nói ấy. Ông bảo, Văn ạ, cậu sướng hơn mình rất nhiều. Mọi quyết định thay đổi của cậu có thể chỉ trong ba mươi giây, còn mình phải mất ba mươi năm đấy.
Gã đủ không ngốc lắm để hiểu thông điệp mang tính khoảng cách các thế hệ vô cùng tinh tế này. Ông Trần Độ cũng thế thôi, có khi để có quyết định thay đổi ông đã phải mất hơn cả cái thời gian dằng dặc ba mươi năm ấy nữa.
Thế rồi ông Giang không phải tự dưng kể cho gã nghe câu chuyện khi ông bị bắt giam, mẹ ông một nữ anh hùng cuộc Khởi nghĩa Xô Viết Nghệ Tĩnh, một đảng viên cộng sản năm 1930 đã tuyên bố từ ông.
Ông đau đớn lắm. Ông cảm giác cái nỗi đau của ông từ Đảng, Đảng mà cả tuổi trẻ của ông theo đuổi, phấn đấu hy sinh cũng không thể bằng nỗi đau của mẹ ông khi mẹ ông từ ông. Và càng không thể bằng nỗi đau của chính ông khi bị mẹ khước từ tình mẹ con.
Gã nhận thêm thông điệp nữa, ông Trần Độ cũng có những quặn đau như thế.
Dám từ bỏ một niềm tin, hơn thế nữa niềm tin ấy lại hun đúc bằng cả tuổi thanh xuân, bằng cả bao xương máu thành đức tin, thì chỉ chuyện ấy thôi cũng phải biết trân trọng những con người như ông Giang, như ông Độ rồi.
Gã vỡ lẽ ra nhiều điều. Bây giờ gã mới hiểu hết nỗi đau của cha gã khi gã hoặc thằng Ninh em trai gã đem chuyện tiêu cực xã hội, những bất công xã hội, những tha hoá xã hội ra kể. Có lần cha gã quăng đũa, bỏ cơm. Cha ơi con xin lỗi cha. Ngàn lần xin lỗi. Vì con đã làm cho cha buồn.
Thương quá một thế hệ chiến đấu vì lý tưởng cách mạng như ông Giang, như cha gã. Và từ tình thương này gã dắt dây thương những người như ông Trần Độ. Nhà cao cửa rộng. Gia đình êm ấm, con cái tử tế, bổng lộc không thiếu, uy danh có thừa, nhưng đã bỏ tất cả.
Đúng sai không bàn.
Dấn thân là trả giá.
Ông Nguyễn Kiến Giang kể: Sau này, bà mẹ của mình từ quê ra tìm mình, bà ôm lấy mình, khóc, bà nói, con ơi, con đúng, mẹ xin lỗi con.
***
Đã tới giờ làm lễ tang tướng Trần Độ.
Ông Giang đứng dậy, khẽ đọc cho gã nghe mấy câu thơ của ông Độ.
Những mơ xóa ác ở trên đời
Ta phó thân ta với đất trời
Ngỡ ác xóa rồi thay cực thiện
Ai hay, biến đổi ác luân hồi.
Gã và ông Giang bước vào hàng những người vào viếng lần cuối. Lúc này bên cạnh gã là nhà văn Xuân Cang, nữ đạo diễn sân khấu Phạm Thị Thành và rất nhiều tướng tá, sĩ quan quân đội, rất nhiều trí thức nổi tiếng, rất nhiều những khuôn mặt của lực lượng dân chủ.
Gã hỏi ông Giang câu nói nào của ông Trần Độ mà ông nhớ nhất. Ông Giang nói: Có hai câu.
Một. Văn hóa mà không có tự do là văn hóa chết.
Hai. Mọi sự độc quyền, độc tôn đều đưa đến thoái hóa, ruỗng nát.
Gã đã run run thắp nén nhang cho tướng Trần Độ, khói nhang như hai câu nói kia cứ quẩn quanh gã.
Gã lẩm bẩm như nói với tướng Độ, ở tuổi 27 tôi đã nhiều tháng ngày cùng trung đoàn Sông Lô mà ông từng làm chính ủy khi ông 27 tuổi, tiêu diệt bọn diệt chủng tàn ác Khmer đỏ.
Cái ác phải bị tiêu diệt.
Bản nhạc Hồn tử sĩ vang lên. Hơn một ngàn con người đứng im mặc niệm tướng Trần Độ.
Gã thấy vòng hoa của đại tướng Võ Nguyên Giáp không hiểu ai đã... lén đặt lên bên quan tài của tướng Trần Độ, dòng chữ “vô cùng thương tiếc” không bị bóc bỏ.
Và rồi ông Vũ Mão, chánh văn phòng Quốc hội, nơi ông Trần Độ từng là phó chủ tịch, lên đọc điếu văn. Giọng ông hùng hồn ngợi ca công lao của ông Độ đối với đất nước, dân tộc. Nhưng đến kết thúc điếu văn giọng ông tự dưng tụt âm lượng, tiếc rằng, cuối đời đồng chí đã phạm những sai lầm...
Cả khán phòng im lặng sững sờ vì “nghĩa tử là nghĩa tận” theo truyền thông dân tộc Việt xưa nay, vậy mà một ông đại diện cho Quốc hội lại cố tình bất chấp...
Gã cảm nhận như ông Vũ Mão biết cái gì sẽ xảy ra. Đọc xong điếu văn ông lặng lẽ đi xuống mà không nhìn vào mặt bất cứ ai. Ông đứng sát bên gã ở hàng đầu bên phải. Mồ hôi đầm đìa khuôn mặt vốn luôn khá cởi mở của ông.
Gã thú thật gã vốn có cảm tình với ông khi chứng kiến ông, bí thư thứ nhất trung ương Đoàn đã say sưa hát cho công nhân Công trình Thủy điện Sông Đà nghe bài hát mà chính ông sáng tác nói về tình yêu tuổi trẻ. Bây giờ thì ông chuẩn bị đón chờ bão tố đấy. Ông liên tục lấy khăn tay lau mồ hôi. Gã nghe được cả tiếng thở phập phồng của ông.
Và bão tố đã nổi khi Trần Thắng, con trai của tướng Trần Độ thay mặt gia đình: Chúng tôi không công nhận lời điếu văn của ông Vũ Mão. Những tiếng hò hét, những tiếng vỗ tay vang dội ủng hộ lời tuyên bố kia.
Một người đàn bà mặc áo nâu sồng nét quê kệch gào lên: Ối anh ơi là anh ơi, anh chết rồi mà người ta vẫn không để anh yên.
Gã thấy một loạt tướng tá, cựu chiến binh huân chương đầy ngực từng là đồng đội vào sinh ra tử khắp các chiến trường từ Điện Biên Phủ đến chiến trường Nam bộ, chiến trường Trị Thiên vây lấy ông Vũ Mão. Họ chỉ chỏ vào mặt ông Vũ Mão chửi thậm tệ. Trước khi chửi họ đều xưng họ tên cấp bậc từng chiến đấu ở chiến trường nào.
Gã biết đa số trong họ có thể không tán đồng tư tưởng chọn lựa con đường khác như ông Trần Độ, nhưng họ hơn ai hết hiểu cái tấm lòng yêu nước xả thân của người từng là chỉ huy hoặc đồng đội của mình.
Gã ké một câu hỏi, ai buộc anh cho cái đoạn phê phán ông Trần Độ vậy?
Ông Vũ Mão lấy một ngón tay chỉ lên... trời.
***
Năm 2007, ông Vũ Mão có viết một bức thư rất chân thành, ông kể lại sự kiện ông bị phân công đọc điếu văn mà chính ông không muốn.
Ông nói rằng, ông rất khổ tâm về điều này vì có thể có các quan điểm khác nhau “nhưng nghĩa tử là nghĩa tận, đặc biệt trong tang lễ đọc cả điều thiếu sót là điều tối kỵ”.
Và ông thanh minh, là ông đã xúc động thật sự khi cố tình dõng dạc kể công lao của ông Trần Độ, và ông chủ động xuống giọng khi nói tới sai lầm, thiếu sót.
Gã ghi nhận điều ông nói là sự thật. Và hôm nay, sau 13 năm cái sự kiện lần đầu tiên trong một đám tang nhà nước có cuộc vỗ tay phản đối điếu tang, gã xin kể cho ông Vũ Mão, người mà bây giờ thích được gọi là nhà thơ, hay nhạc sĩ hơn bất cứ chức danh lãnh đạo nào mà ông từng nắm giữ, một sự thật mà chắc chắn ông không hề biết, đó là, khi ra khỏi Nhà Tang lễ, nhà cách mạng chân chính Nguyễn Kiến Giang đã đọc hai câu thơ của ông viết tặng tướng Trần Độ ngày 17.3.1993.
Vì dân vì nước anh hiến dâng cuộc đời
Anh là đóa hoa hồng đẹp tươi.
Rồi người đồng chí gần gũi thân thiết nhất của tướng Trần Độ ấy đã nói, đừng trách Vũ Mão.
Cuối cùng thì sự khác biệt của những nhà cách mạng thực sự vì dân vì nước với những ai khác cũng chỉ là cái tình và cái dám chiến đấu, dám tù đày, hy sinh vì cái tình ấy.
Lúc này, khi viết những dòng cuối cùng này, gã thú thật gã chẳng còn nhớ đến ông Trần Độ, thậm chí cả ông Nguyễn Kiến Giang nữa.
Mà gã nhớ đến hình ảnh bà mẹ của ông Giang sau nhiều năm vật vã đau đớn trăn trở đã ôm người con trai của mình mà vì niềm tin, đức tin của mình đã từ bỏ:
Mẹ xin lỗi con!
9.8.2015.
Không có nhận xét nào: