Phạm Thị Hoài
Nếu là người Kazakhstan, chắc bạn không phải buồn hay tủi, hổ thẹn hay nhục nhã, thất vọng hay phẫn nộ như là người Việt những ngày vừa rồi. Bạn sẽ ngẩng cao hơn công dân rất nhiều nước khác ít nhất nửa cái đầu. Niềm tự hào dân tộc sẽ xoa mật ngọt lên lòng tự ái lúc nào cũng mênh mông cay đắng của bạn. Lửa tự tin luôn ở chế độ tiết kiệm điện của bạn sẽ bùng lên trong vầng sáng quốc gia. Vì pavilion của Kazakhstan tại Expo năm nay ở Milano thật thành công và ấn tượng, tôi nghe nói thế.
Pavilion Kazakhstan tại Expo Milano 2015
Tôi chỉ biết Kazakhstan nhiều nhất qua bộ phim Borat với diễn viên hài Sacha Baron Cohen, bị chính quyền nước này cấm chiếu. Ngoài ra tôi được biết thành tích tham nhũng và tiêu diệt tự do báo chí của Kazakhstan cũng ngang ngửa với Việt Nam, nhà văn bất đồng chính kiến ở đó cũng bị bỏ tù nhiều năm, nhà báo độc lập cũng bị hành hung man rợ, nhà hoạt động đối lập bị ám sát, trong khi nhà độc tài Nursultan Nazarbayev, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Kazakhstan, đã kịp thu vén một tài sản chừng 7 tỉ dollar cho mình và gia đình, nhân tiện trở thành tổng thống từ hai mươi lăm năm nay, chỉ thua bậc trưởng lão cuối cùng trong những mùa Thu cách mạng hoàn vũ Fidel Castro và nhà chuyên quyền châu Phi José Eduardo dos Santos. Sau rốt tôi còn biết rằng 56% hộ gia đình ở Kazakhstan có thu nhập ít hơn 171 Euro một tháng, trong khi đất nước hậu Xô-viết này thuộc hàng giàu tài nguyên thiên nhiên nhất hành tinh.
Tất nhiên Kazakhstan có quyền kể một câu chuyện hoàn toàn khác về mình trước thế giới, ở Expo Milano. Thì đấu xảo là nơi tốt khoe ra, xấu xa đậy lại. Và trong tay các nhà tiếp thị dày dạn, với tất cả các phương tiện của kỹ thuật và công nghệ ngày nay, với sự trợ thủ đắc lực của nhiều ngành mỹ thuật và thậm chí với sự cộng tác hăng hái của cả những ngành khả kính như nhân học và triết học thì, xin lỗi, những cánh đồng chết của Khmer Đỏ cũng có thể đì-siêu-dai thành một pavilion mang tên Fields of Spirits cho một Expo với chủ đề Hơn cả Sự sống chẳng hạn. Trung Quốc đã cung cấp bản mẫu: Xứ sở của sữa bột trẻ em trộn melamine và những thực phẩm đầu độc cả thế giới này điềm nhiên trương biển Land of Hope, Food for Life. Đỉnh cao của mỉa mai? Không, business as usual. Ở trường đấu xảo thời nay, hơn nhau chỉ ở nghệ thuật khoe khoang và đánh bóng. Áo mới của tôi. Lợn cưới của anh. Tất cả đều phô, đều phồng, đều rướn, đều ưỡn, đều đặc sản.
Kazakhstan cũng như Việt Nam còn chưa kịp học giỏi nghệ thuật tự đăng quang ấy. Song không hề gì. Ngoài hàng xa xỉ và vũ khí thì cố vấn thương hiệu, chiến lược gia quảng cáo và thợ xây dựng hình ảnh nhà nghề là những thứ mà thế giới thứ nhất bán chạy nhất ở thế giới thứ ba. Toàn bộ thương hiệu Kazakhstan tại Expo Milano là một sản phẩm trọn gói, không những made in Germany từ A đến Z - từ thiết kế pavilion đến những nội dung trong đó, chi li và phối hợp đến tận ứng dụng cho điện thoại thông minh và sự hiện diện trên các mạng xã hội – mà có thể gọi luôn là product of Germany, rất có thể cả các nhân viên trông lúc nào cũng tận tình chăm chỉ ở đó tuy gốc Kazakhstan, nhưng là công dân Đức. Đóng góp duy nhất của Kazakhstan là mở hầu bao. Và mở rất hào phóng. Gấp cả chục lần con số ba triệu Mỹ kim mà Việt Nam phung phí cho tre, nghê, rối nước và nón lá ở Expo. Rốt cuộc thì chứng vĩ cuồng ở Trung Á cũng to hơn chứng vĩ cuồng ở Đông Nam Á cả chục lần. Ở thủ đô mới của Kazakhstan, những công trình xây dựng tân kỳ nhất, tráng lệ nhất, bom tấn nhất của những kiến trúc sư phương Tây lừng lẫy nhất mà Hà Nội không thể nằm mơ vẫn tiếp tục mọc lên qua đêm. Chỉ riêng lễ khai trương Khan Shatyr, Đại Trướng Hoàng gia khổng lồ ngự trên một diện tích gấp 14 lần một sân vận động, lại một công trình của Norman Foster ở Astana, nhân sinh nhật lần thứ 70 của Tổng thống Nursultan Nazarbayev đã ngốn hết 10 triệu dollar. Và sau Milano, Expo 2017 sẽ diễn ra ở đó. Tôi đoán ngài Nursultan Nazarbayev sẽ chọn dự án quy hoạch tổng thể của Zaha Hadid. Tất cả các nhà độc tài, tiêu tiền và tài nguyên quốc gia không cần hỏi dân chúng, đều say mê Zaha Hadid và Norman Foster, những kiến trúc sư đắt nhất hành tinh.
Khan Shatyr của Norman Foster tại Astana, 2010
Mô hình quy hoạch tổng thể cho Expo 2017 tại Astana của Zaha Hadid
Muốn thế nào, quả thật giấc mơ Kim Tự tháp của các kiến trúc sư lỗi lạc từ phương Tây dân chủ dễ thành hiện thực nhất ở những xứ sở của các pharaon thời nay. Cho nên ở Expo Milano, Daniel Libeskind, vốn mạnh miệng phê phán các đồng nghiệp đi xây cho độc tài, bỗng dựng cho tập đoàn bất động sản khổng lồ Vạn Khoa của Trung Quốc một pavilion đỏ rực sắc rồng, như để tuyên chiến thẩm mỹ với pavilion còn đỏ hơn của Coca Cola ngay đối diện. Norman Foster, lại Norman Foster, xây cho Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất một pavilion tất nhiên là vô cùng ấn tượng. Simmetrico, Ý, lo hoàn hảo từ A tới Z cho Azerbaijan, quốc gia lần đầu tiên đi đấu xảo quốc tế, trong khi Italo Rota, cũng Ý, chăm sóc Kuwait. Bahrain chọn mặt các kiến trúc sư Hà Lan để gửi vàng, trong khi Oman mua kiến trúc sư Do Thái và Angola thuê kiến trúc sư Ý. Trung Quốc thực ra là sản phẩm của một văn phòng kiến trúc sư New York, trong khi Nga được nhào nặn chủ yếu từ London.
Pavilion Vạn Khoa của Daniel Libeskind (trái) và Pavilion Coca Cola (phải)
Giữa hội chợ phù hoa mang chủ đề dinh dưỡng, ngợp trong bữa tiệc nửa haute cuisine, nửa fast food, với các món tuy gắn biển đặc sản nước này nước khác nhưng phần lớn đều do đầu bếp phương Tây xào nấu đó, riêng ngôi nhà tre đã là một điểm son cho Việt Nam. Thẩm mỹ là chuyện khó bàn. Có thể vì tôi luôn rất mến các công trình của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa. Cũng có thể vì tôi gần như chia sẻ sự thành thật bất đắc dĩ của pavilionViệt Nam, dù hội chợ hoàn vũ không phải là nơi chấm điểm trung thực. Tất nhiên nó lạc đề, vì lạc đề thuộc về bản sắc Việt Nam. Người Việt, bất kể ai, đều có một năng khiếu kỳ lạ là không bao giờ trả lời đúng vào câu hỏi, dù chỉ là hỏi ăn cơm chưa. Chúng ta lạc đề một cách bền bỉ, nhất quán, có hệ thống. Thời Tự Đức người Việt mang khảm xà cừ đi đấu xảo thì nay vẫn cứ khảm xà cừ. Thời Phạm Quỳnh người Việt khoe trống chiêng, hát bội thì nay vẫn cứ hát bội, trống chiêng. Expo có ra đề "Chinh phục vũ trụ" thì Việt Nam sẽ lẩm bẩm cái gì đó trời tròn đất vuông, bánh chưng bánh dày, để rồi vẫn cương quyết trả bài với gốm Bát Tràng, tranh Đông Hồ, tò he, lu sành, gáo dừa, tranh sơn mài, khăn thêu, giỏ tre, thổ cẩm, mục đồng chăn trâu thổi sáo, nữ sinh áo dài nón trắng, đàn bầu đàn đáy đàn t’rưng, quan họ dân ca hầu bóng, và nem và phở, và mỳ xào miến xào phở xào. Tất nhiên nó giống một sạp hàng xén, vì hàng xén thuộc về bản sắc Việt Nam, thậm chí chùa chiền lễ hội của chúng ta cũng bày ra nguyên chất cảnh hàng xén. Tất nhiên nó nhếch nhác, cẩu thả, vì tinh thần chủ đạo của sự tồn tại Việt Nam cho đến nay là như thế, từ trên xuống dưới, hễ gặp một điều gì made in Vietnam không nhếch nhác, không cẩu thả, chúng ta thường không tin ở mắt mình. Tất nhiên nó rẻ tiền đến đau đớn – trời ơi, hãy nhìn những ma-nơ-canh trong đó! –, vì ngay cả dinh thự vàng son của những người đàn ông quyền lực nhất và áo xống xa hoa của những người đàn bà mỹ lệ nhất của chúng ta cũng bốc mùi rẻ tiền. Tất nhiên nó lẫn lộn của ta, của Tàu, vì cả cái bóng của người Hoa lẫn nỗ lực bước ra khỏi đó đều thuộc về bản sắc Việt Nam. Và tất nhiên nhân viên của nó khó thương, vì đó mới chính là đặc sản của chúng ta: nhân viên nhà ga thì khó đăm đăm, nhân viên bưu điện thì ngồi ngoáy tai, nhân viên Vietnam Airlines thì dấm dẳn. Vậy vì sao bạn lại xấu hổ vì Nhà Việt Nam ở Expo? Chẳng lẽ bạn xấu hổ vì thấy mình đúng là mình? Chẳng lẽ bạn muốn mình là Kazakhstan hơn? Tôi xin mách rằng trong Tháp Bayterek ở Astana, tất nhiên là thiết kế của Norman Foster, có một tác phẩm điêu khắc là nguyên vẹn khuôn bàn tay phải của Nursultan Nazarbayev, dát vàng, bạn đặt tay vào đó và thầm cầu nguyện thì Quốc ca Kazakhstan sẽ vang lên, tay bạn sẽ nằm gọn trong tay ngài Tổng thống và điều ước của bạn sẽ thành hiện thực. Lăng Hồ Chí Minh chưa sản xuất được một phép màu tương tự.
Pavilion Việt Nam tại Expo 2000, Hannover
Pavilion Việt Nam tại Expo 2015, Milano, của Võ Trọng Nghĩa
Để khỏi phải lặp lại nỗi hổ thẹn thấy mình đúng là mình, chúng ta có hai lựa chọn cho những Expo sắp tới. Thứ nhất, theo gương Kazakhstan. Khoán trắng từ A đến Z, cho Norman Foster chẳng hạn. Cẩn thận hơn thì gài thêm vài cố vấn từ hàng ngũ trí thức Việt kiều yêu nước. Chi phí sẽ rất lớn, nhưng người Việt dĩ nhiên không tiếc điều gì cho sĩ diện quốc gia. Thứ hai, không tốn một xu nào, đơn giản là không tham dự. Vì sao tuần chay nào chúng ta cũng phải góp nước mắt, hoặc nước mắt nhạt thếch của mình, hoặc nước mắt long lanh do người khóc hộ? Đấu xảo, chốn hành hương mà bái vật là hàng hóa theo lời Walter Benjamin, đã hoàn thành vai trò lịch sử của nó từ lâu. Ở thời đại toàn cầu hóa và internet hôm nay, nó chỉ còn là một sự hoài cổ tốn kém và vô nghĩa.
Phạm Thị Hoài
21/8/2015
Không có nhận xét nào: