Đây là vụ án hi hữu có một không hai trong lịch sử tố tụng Việt: Toà án tuyên buộc bị cáo bằng một loại “tội” không có trong bộ Luật Hình sự.
Sau gần 3 tháng ổn định gia đình và kiểm tra sức khoẻ, hôm nay 21/8/2015 tôi chính thức phát đơn yêu cầu kháng nghị để xét xử giám đốc thẩm vụ án Trương Duy Nhất.
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập- Tự do- Hạnh phúc
_______________
ĐƠN YÊU CẦU KHÁNG NGHỊ XÉT XỬ GIÁM ĐỐC THẨM
Kính gửi:
- Chánh án Toà án nhân dân tối cao.
- Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Tôi là Trương Duy Nhất, sinh ngày 31/1/1964, thường trú tại số nhà 25, đường Tống Phước Phổ, phường Hoà Cường Bắc, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.
Là người bị Toà án nhân dân thành phố Đà Nẵng xử sơ thẩm với bản án 2 năm tù giam theo điều 258 Bộ luật hình sự (bản án số 03/2014/HSST ngày 4/3/2014), Toà phúc thẩm tối cao tại Đà Nẵng tuyên y án (bản án số 240/2014/HSPT ngày 26/6/2014).
Căn cứ điều 273, 274, 275, 277, 278, điều 11, 18, 19, 50, 191, 193, 217, 218 Bộ luật tố tụng hình sự và các qui định khác của pháp luật, tôi yêu cầu Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị để xét xử lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm.
Căn cứ để yêu cầu kháng nghị xét xử giám đốc thẩm đối với vụ án: Việc điều tra xét hỏi tại phiên toà (cả sơ thẩm và phúc thẩm) phiến diện, không đầy đủ, thiếu khách quan (khoản 1 điều 273 Bộ luật tố tụng hình sự); có sự vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng từ giai đoạn điều tra đến truy tố, xét xử (khoản 3 điều 273 Bộ luật tố tụng hình sự); có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật hình sự (khoản 4 điều 273 Bộ luật tố tụng hình sự):
- Mặc dù bị cáo và luật sư đã nhiều lần yêu cầu triệu tập các đối tượng bị hại, các thành viên hội đồng giám định, nhưng toà án đã không tiến hành triệu tập bất kỳ ai. Vì vậy việc tiến hành xét hỏi đã không đầy đủ, thiếu khách quan, thậm chí ngăn cản không cho luật sư tiến hành hỏi bị cáo. Vì vậy đã không chứng minh được hành vi gọi là “phạm tội” của bị cáo.
- Xét xử công khai nhưng lại cản ngăn, không cho phép đầy đủ thân nhân và dân chúng vào dự.
- Trong quá trình xét xử (cả sơ thẩm lẫn phúc thẩm), Hội đồng xét xử đã tiến hành sai, thậm chí bỏ bớt nhiều thủ tục, bị bị cáo nhắc nhở nhưng bất chấp.
- Quá trình tranh tụng tại cả hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm đều bị xâm hại, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc xét xử. Phần bào chữa của luật sư và cả phần tự bào chữa của bị cáo bị cắt, ngăn cản, hăm doạ không cho luật sư và bị cáo bào chữa. Thậm chí tại phiên phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã không cho bị cáo nói lời sau cùng trước khi nghị án.
- Toàn bộ hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm xét xử đều có máy quay của truyền hình, công an và toà án ghi lại đầy đủ. Đó chính là bằng chứng rõ ràng cụ thể nhất về những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng này.
- Điều cực kỳ nghiêm trọng hơn: Toà án nhân dân thành phố Đà Nẵng, với bản án sơ thẩm đã tuyên kết tôi vào một loại tội không có trong Bộ luật hình sự. Bản án số 03/2014/HSST ngày 4/3/2014 của Toà án nhân dân thành phố Đà Nẵng tuyên phạt tôi phạm tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích của tổ chức, công dân”. Trong khi điều 258 Bộ luật hình sự chỉ có tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Tức chỉ khi hành vi đó xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân khác thì mới bị coi là có tội. Chứ giả sử có xâm phạm nhưng là xâm phạm đến quyền và lợi ích không hợp pháp (thậm chí là lợi ích phi pháp) thì không bị coi là hành vi phạm tội. Tôi đã tố cáo việc toà sơ thẩm kết tội bằng một loại tội không có trong Bộ luật hình sự này tại phiên xử phúc thẩm, nhưng Hội đồng xét xử phúc thẩm đã bỏ qua, thậm chí không cho bị cáo trình bày. Đây là một sai phạm cực kỳ nghiêm trọng về nhận thức tội phạm và hiểu biết pháp luật của Hội đồng xét xử. Còn giả nếu cho rằng đấy là sai sót nhầm lẫn trong khâu đánh máy, thì cũng là một sai phạm cần phải huỷ ngay bản án để xét xử lại. Sai sót nhầm lẫn đó có thể xảy ra trong công thư của một quan chức chính phủ, hay thậm chí trong một văn bản, một nghị quyết, nghị định nào đó cũng có thể cho qua được, nhưng không được phép xảy ra trong bản án kết tội một con người.
Với những căn cứ trên, tôi yêu cầu Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiến hành kháng nghị để xét xử lại theo thủ tục và trình tự giám đốc thẩm vụ án của tôi.
Đà Nẵng, ngày 21 tháng 8 năm 2015
TRƯƠNG DUY NHẤT
Nơi gửi:
- Như trên.
- Luật sư Trần Vũ Hải.
Nguồn: https://www.facebook.com/nhabaotruongduynhat/posts/156620501338772
Không có nhận xét nào: