“CHỜ CON NƯỚC LỚN”

Truyện ngắn

Kinh Bắc

Đương mùa nước nổi, Tuyên về miệt Tứ giác Long Xuyên thăm mấy tên bạn nghèo rồi tẻ xuốngTrần Văn Thời- Cà Mau kiếm ông bạn già kí giả nghỉ hưu giờ chạy xe ôm ở thị trấn Sông Đốc.

Vừa thấy mặt Tuyên y mừng, la bài hãi như có giặc rồi biểu lên xe chở thẳng về nhà kêu vợ con làm đồ nhậu gấp. Y hỏi sao mày biết tao về đây mà tìm? Tuyên nói ông có chạy lên trời người ta cũng biết chớ chi cái hóc bà tó đây. Sài Gòn giờ có mấy đứa Cà Mau, Bạc Liêu lên viết báo làm văn nghệ tùm lum. Tụi nó thành thổ địa xứ đó, không thứ gì không rành.

Tuyên kể, hồi tháng trước đang đi ngoài đường bỗng gặp một thằng kêu ê rồi nắm tay nói nhớ tui hông? Tui là Tư Giang, nhà thơ Đất Mũi nè. Mình thiệt không nhớ nhưng đúng là dòm mặt cũng thấy quen quen nên làm bộ nói A, vậy hả! Lâu quá không gặp; giờ sao rồi? Y chụp chuyện, nói qua lại một hồi rồi kéo vô quán nhậu uống tới mặt trời lặn, xỉn muốn phá chòi.

Tư Giang khoe năm rồi ra được bốn năm tập thơ, anh em văn nghệ quê nhà yêu mến đặt “người con Đất Mũi”. Tuyên ngạc nhiên hỏi một năm mà ông ra tới mấy tập thơ; viết chi mà lẹ dữ vậy! Y cười khịt khịt móc bị lấy ra bốn cuốn thơ nhỏ như cái bàn tay rồi cầm cây bút kí rẹt rẹt: “Thân thiết tặng nhà thơ Năm Tuyên để kỉ niệm…”.

Tuyên nói ủa, tui đâu có làm thơ mà ông ghi vậy? Y cười, nói chưa làm thì mai mốt làm. Giờ in thơ dễ lắm. Đưa nhà xuất bản ít tiền cho nó ra giấy phép, đứng tên là xong; miễn đừng có viết gì lùm xùm “chánh chị chánh em”. Thứ đó đại kị.

Tại cái bữa nhậu bất ngờ đó Tư Giang mới cung cấp địa chỉ của nhà văn nhà báo Khánh Bình Tây là ông đó. Sáu Tây cười, nói đù mẹ thằng Tư Giang này nói láo dữ lắm. Nó mà thơ phú gì. Tuyên nói thì đó, mấy bữa sau giở ra đọc đâu năm bảy bài xẩm mặt muốn té ghế. Đứa con gái lớn chêm vô ba mà đọc thơ ông này, coi chừng lên máu nghen!

Tuyên nói Sáu Tây nhưng mà cũng phải cảm ơn cái thằng con Đất Mũi đó, bởi nhờ y mà tui mới biết ông giờ về núp bên vợ ở cái xóm chợ Sông Đốc này.

Sáu Tây móc điện thoại di động “Nó kìa” kêu thêm mấy đứa em cùng hội xe ôm, trong số có thằng có cái tên nghe rất ấn tượng: Năm Dái Ngựa! Tuyên hỏi sao chú mày đẹp trai tướng tá ngon lành quá mà tên tuổi kì cục? Y cười, mặt đỏ rần.

Tên vậy; song nhậu một chặp thấy vui vì cứ đứa này Năm Dái đứa kia Năm Dái, sai biểu này nọ khiến Tuyên thấy làm như bữa rượu này có khí thế là nhờ cái tên của nó! Sáu Tây chắc biết ý nên tới lúc hơi phừng phừng, y hỏi mày nhớ cái Kinh Mười L và cái rạch Mười Một Địt ở CL không? Cũng như xứ này có thằng Năm Dái Ngựa vậy. Cứ nhìn nhận nó như những danh xưng của một thời khẩn hoang mở cõi. Giữa u u minh minh mịt mùng nê địa thì con người ta cũng như cái cây hoang, cục gốc lặn dưới sình chưa cần son phấn, chưng diện. Tên là để gọi, để phân biệt người này người kia thế thôi. Tên được đặt dựa trên tính cách, đặc điểm sinh hoạt, nghề nghiệp của mỗi người cùng cả sự mê tín dị đoan nữa.

Tỉ như nóng tánh: kêu Hai Lửa; có tật chân: Tư Dẹo; chủ lò gạch: Tám Lò gạch. v.v. Rồi những cái tên xấu nhứt, dị hợm bậy bạ nhứt như Đực, Cái, Chó, Cặc lớn, Cặc nhỏ…Đặt tên xấu đặng khỏi bị ma bắt!

Sáu Tây, tức nhà văn nhà báo Khánh Bình Tây- bút danh lấy theo tên một cái xã thuộc huyện Trần Văn Thời- Cà Mau nơi mà y sanh ra cách nay trên sáu chục năm.

Hồi xưa Tuyên với Sáu Tây là bộ đội chủ lực Khu 9. Trong trận đánh chống địch lấn chiếm bình định vùng U Minh Thượng tại kinh Họa Đồ, An Biên, Sáu Tây bị thương khá nặng phải nằm quân y cả năm trời. Thời gian này không biết y đọc sách vở chi hay được ai bày vẽ mà sanh tật làm thơ viết báo này nọ.

Thơ Sáu Tây lúc đó kiểu “ba rọi”, còn mấy bài viết thì toàn người tốt việc tốt như Đồng chí anh nuôi đảm đang của đơn vị, hoặc Một chiến sĩ trinh sát mưu trí, dũng cảm… không biết có được báo quân khu đăng không hay bị liệng bỏ hết, nhưng Sáu Tây vẫn kiên trì viết. Y viết tối ngày sáng đêm trong suốt thời kì an dưỡng. Kết quả là tới khoảng năm bảy mốt bảy hai, Sáu Tây được rút về trên làm báo. Có mấy tay lính nói thằng Sáu Tây về phòng chánh trị quân khu là do cha nó, chớ coi mấy bài văn “đàn bà giá cũng chê” của nó thì biết. Nó mà viết lách mẹ gì!

Chuyện đó chẳng biết thực hư thế nào, song đúng ông già Sáu Tây là chánh ủy trung đoàn đã mấy lần tính đưa nó về làm cơ yếu ở bộ tư lệnh, nhưng Sáu Tây không chịu. Nó nói cha không cho tui đánh giặc, là tui đi chiêu hồi!

Thiệt tội, đâu phải cha nó thiên vị muốn ưu tiên gì cho nó mà bởi lý do ổng chỉ có hai đứa con trai, thì thằng anh Sáu Tây đã hy sinh rồi, chỉ còn mình nó là cái hạt giống nối dòng nên ổng muốn bảo vệ nó. Lúc này Sáu Tây mới mười lăm mười sáu nhưng tánh nó trời gầm, cứ đòi ăn thua đủ với kẻ thù. May mà xảy ra cái vụ… làm thơ, nó mới chịu buông cây súng.

Từ đó Tuyên với Sáu Tây cách biệt. Tới cuối năm bảy ba, Tuyên được chọn bổ sung cho đội bảo vệ của một đơn vị thuộc mặt trận Sài Gòn. Và đó chính là cái cơ duyên biến anh từ một tay nông dân thứ thiệt vùng đầm lầy U Minh, thành một nhà báo ở đất Sài  Gòn.

Năm bảy bảy khi đang học trường bổ túc văn hóa công nông, một buổi tối thấy buồn buồn Tuyên lấy ve rượu thuốc ra uống lén mấy chung, bỗng thấy người lâng lâng hưng phấn rồi nhớ xa xôi những kỉ niệm xưa hồi  ở quê nhà. Lúc đó Tuyên còn nhỏ. Chỉ nội mấy con kinh làng hay kinh điền Tây đào đối với Tuyên cũng như một giải ngân hà, huống chi những đường nước lớn như kinh xáng Chắc Băng, kinh Phó Sinh, sông Ba Đình. Nhất là con sông Cái Lớn mênh mông như biển. Nó là vị Thần Thủy của người dân U Minh.

Từ những hồi ức đó, Tuyên viết thành các mẩu chuyện về vùng đất Nam Cà Mau mà anh từng ở qua, gởi cho báo. Vậy mà họ đăng! Kế, có mấy anh em văn nghệ nói Tuyên có năng khiếu viết văn nên xúi xin chuyển công tác qua nghề báo. Cuộc đời nghĩ cũng ngộ, một thằng mới học lớp sáu lớp bảy như Khánh Bình Tây mà rồi cũng thành nhà văn nhà báo. Còn Tuyên, trung học cơ sở bổ túc, nhỏ lớn chỉ quen nghề giăng câu đặt trúm rồi cầm súng, chớ ít khi nào dòm thấy cuốn sách truyện hay tờ báo. Vậy mà giờ… viết báo. Người ta nói cách mạng làm thay đổi cuộc đời con người. Phải chăng Tuyên và Sáu Tây là những kẻ thuộc diện đó, được cách mạng… đổi đời!

Tuyên hỏi Sáu Tây kinh tế gia đình sao mà nghỉ nghề rồi phải chạy xe ôm? Y đáp cũng bình thường nhưng phải chạy thêm bởi thời buổi kinh tế suy thoái, vật giá leo thang mắc mỏ làm không đủ ăn. Với lại tánh tao hồi nào giờ ưa độc lập, mình kiếm mình xài chớ không nhờ vợ con. Hỏi rồi lương hưu khá không? Y cười, từ hồi nghỉ chưa làm chế độ. Làm mắc công quá, đi tới đi lui muốn bịnh.

Chiến đấu, công tác mấy chục năm, lý lịch lại thứ dữ, quá “đỏ”. Vậy mà không có đảng. Sáu Tây nói tại tánh tao cứng đầu, ưa cãi nên mấy lần đưa xét đều bị bãi. Có đứa còn chọt vô nói thằng Sáu Tây đi thực tế lấy tư liệu có một phần, còn ba phần nó đi “quạt” mấy mẹ chết chồng, ai mà biểu quyết cho nó. Thiệt là bất nhơn!

Kể xong, y vỗ đùi cười ha hả coi bộ sảng khoái. Cái tánh Sáu Tây thế đó. Chịu chơi, nghĩa khí, sống với bạn hết mình. Vậy mà cũng có đứa ghét. Đúng con người ta là khó chiều hơn cả. Chó mèo còn dễ biết chớ lòng dạ con người thì vô phương!

Sáu Tây coi chuyện đời bất kể lớn nhỏ, như cục đất khô xứ Cạnh Đền mà thôi. Hồi còn làm thì lương quên lãnh, nhuận bút cũng không nhớ. Còn giờ có nhúm lương hưu còm lãnh đem về phụ vợ con, mà y kêu làm mắc công.

Thế nhưng có nhậu dai nhậu dài, uống say quéo lưỡi thì rồi anh hùng hay kẻ hèn rút cục cũng lòi đuôi.

Khi chiều gần mãn cuộc, chỉ còn hai mái đầu bạc “thời chín năm”, Sáu Tây mới quàng tay ôm vai Tuyên ngậm ngùi nói tao có một chuyện buồn mà hồi nào tới giờ ráng giấu không kể với ai. Bởi có ai thân thiết cỡ mày đâu mà trút bầu. May mà có thằng nhà thơ Đất Mũi Tư Giang nó đưa đường chỉ lối mày ghé nên tiện tao nói luôn. Tao có hai đứa con thì thằng trai hồi đó bị tai nạn giao thông chết, lúc đó mày có biết. Giờ còn đứa con gái xấp xỉ ba mươi mà… chưa chồng!.. Tuyên nói ủa, hình như nó tên An Biên phải không? Lâu quá không gặp, nhưng tui nhớ con nhỏ coi khá gái lắm mà sao…

Ế chớ gì? Khánh Bình Tây gặt gẽo. Phải, nó đó. Con Ba An Biên. Tao đặt tên để kỉ niệm cái trận tập kích lính đồn Chi khu Thứ Mười Một (An Biên) năm sáu chín mà tao sém chầu ông bà ông vải. Nó học Cao đẳng Sư phạm ra đi dạy, có đủ mấy đức tánh là nhan sắc trên trung bình, hạnh kiểm tốt và làm cô giáo nữa. Vậy mà giờ vẫn… ở không!

Tuyên hỏi tại sao? Sáu Tây nói không phải nó ế, mà bởi nó không chịu người ta. Nhưng mày nghĩ coi, ngay tao cũng lắc đầu mấy đám đó. Có thằng y sĩ, có thằng thầy giáo, rồi cũng kỹ sư, cán bộ này nọ; có cả con chủ đáy chủ tàu nữa. Giàu bạc tỉ lận. Song không có thằng nào là không uống rượu. Mà đâu phải chỉ uống khi có đám tiệc, tụi nó nhậu hằng ngày. Như thằng thầy giáo, cứ buông cục phấn, ra khỏi cổng trường là ráp mối nhậu. Tại sao cái xứ này đàn ông con trai nhậu dữ vậy cà?! Tuyên cười khì, nói tại ông làm báo nhỏ, báo địa phương chỉ loanh quanh trong tỉnh nhà nên “tầm mắt chưa rộng”, chớ tui đây đi cùng khắp cái chữ “ếch” này thì tui có thể nói cho ông hay là ở đâu cũng nhậu nhiều hết trơn, có nơi nhậu còn banh chành chớ không êm như cái xứ Trần Văn Thời với thị trấn Sông Đốc này đâu. Nhưng rồi cũng phải kiếm một đứa chớ không lẽ “đứng một mình” hoài? Sáu Tây nói bởi, nên tao mới rầu.

Tuổi già. Tiền tài như phấn thổ. Vậy mà chỉ thao thức một nỗi con gái chưa chồng. Cái sự làm cha mẹ xưa rày nó như vậy. Hồi chiến tranh đi chiến đấu, sống tập thể, mọi chuyện có “tổ chức” tính. Còn nhớ ở đơn vị có mấy bà xấu thấy ớn mà chẳng suy nghĩ gì, cứ hồn nhiên ngây thơ như “ghệ” mười tám. Thứ nhứt là bởi đàn ông con trai thì quá đông mà đờn bà còn gái chỉ mấy que, thường công tác bên cơ yếu, văn phòng hoặc đi giao liên. Sau nữa là dù có “mệnh hệ nào” thì cuối cùng tổ chức cũng lo cho tới nơi tới chốn. Nghĩa là cũng dàn xếp, cũng “gợi ý” sao đó để “cáp” cho một anh chàng xứng đôi vừa lứa. Còn bây giờ độc lập thống nhứt, hòa bình rồi đâu ai ở tập thể, đơn vị cũ rã gánh, chuyện đời riêng mạnh ai nấy ẵm nên các chị em ta phải… tự lực cánh sinh. Đa phần các cô có học có nghề lại xinh gái thì chuyện kiếm một tấm chồng đâu phải là quá khó. Con gái Sáu Tây thuộc diện này. Ngặt nó bị cái vụ “môi trường khách quan”. Một đàng rượu chè quá ể, một đàng nông dân rặt thì hợp sao đặng!

Hết chuyện con cái, tới chuyện thơ văn viết lách. Ngoài kia, mặt nước sông Đốc đượm ánh trăng hạ rằm loang loáng chập chờn mờ tỏ. Xa tít tắp phương trời nào, khuất tầm mắt song vẫn cứ như dòm thấy được bờ vịnh Thái Lan mênh mông biển nước. Mây mù loang lổ. Ai đi cứ đi. Ai sống cứ sống và dĩ nhiên ai chết là xong. Đời người như con nước lớn ròng, nhưng với Sáu Tây và Tuyên hình như cuộc đời không bao giờ là con nước lớn, nó bình bình phẳng lặng và dồn dập bị cuốn trôi đi cùng rác rưởi lẫn phù sa. Sáu Tây nói trong tiếng nấc nghẹn của sự buồn đau và cay đắng: Đù mẹ! Tao với mày mà thơ phú văn chương báo bổ đéo gì. Đồ mắc dịch! Có năm ba chữ chó ỉa nhót mà viết này viết nọ. Giờ coi lại mắc cỡ. Phải chi lúc sau bảy lăm về làm ruộng mẻ cho rồi, khỏi “ai oán lương tâm”.

Tuyên nói sao ông bao đồng quá, cuộc đời cứ để nó trôi, tới đâu hay đó. Ông không viết thì đứa khác viết. Ông không làm thì có người khác làm. Nhứt là giờ, ông thấy đó, toàn là hụ hợ khen bòn cho có bài có chữ, chớ tư cách gì. Hồi đó anh em mình ít chữ nhưng còn chút lương tâm, chớ giờ khỏi cần chi hết. Có thằng nhỏ hồi đó nói tụi em đưa anh tài liệu anh tới hù bọn nó (doanh nghiệp) một phát là chúng phải xùy tiền cho anh. Nhà báo giờ vậy đó. Sau thằng này đi tù, khi về còn bày đặt viết hồi ký kể lể này nọ như thể nó là người cầm bút chân chính đi tù do thời cuộc, bị trù dập, oan sai…

Sáu Tây nghe, cười rổn rảng nói mày nhớ cái vụ đi điều tra theo đơn thư bạn đọc tao kể không? Tao với thằng kia trên đường đi tới nhà dân oan để điều tra hư thực. Giữa chừng gặp đám nhậu. Mấy thằng còn nhỏ mà bặm trợn, sức vóc. Nó kêu ê, mấy cha đi đâu? Tao nói tụi tui đi điều tra… Một thằng to đùng sấn tới gỡ cái máy ảnh trên cổ tao rồi thêm mấy thằng nữa bủa vây, nói mấy ông đứng dựa lưng vô tường kia coi. Lạng chạng “oắn” chết mẹ.

Hai đứa tao đứng dựa tường. Tụi nó uống xây tua. Cứ thằng xong một ly là nhắm ngay tao hoặc đứa em đi cùng chọi cái cảng. Vừa chọi nó vừa nói “Đù mẹ, điều tra. Cho mày điều tra nè!..”. Tao phản ứng nói mấy chú làm gì hành hung nhà báo, bộ du côn hả? Có thằng đáp trả “Đù mẹ; nhà báo nói láo!..”.

Buổi chiều, có mấy người dân hỏi sao không báo công an? Sáu Tây mặt buồn rượi than, mấy đứa đó chắc say xỉn nhưng mà tụi nó nói cũng có phần trúng. Làm báo mà nói láo, nói ngược bị chọi chưa bể đầu là còn phước.

Cách mạng “đổi đời” cho Sáu Tây và Tuyên, nhưng là đổi từ cái cuộc đời đáng lẽ hiên ngang, phong phú và vui vẻ qua cái kiếp bọt bèo cơ khổ bởi chính vì cái sự cầm bút tréo ngoe không giống ai. Sáu Tây nói thiệt ra là không có chó thời bắt mèo..; chớ tao với mày mà văn chương gì. Hồi đó tự nhiên tao mê viết, rồi được về phòng chánh trị làm báo. Song từ khi hòa bình, tao thấy sự viết lách thiệt không đơn giản chút nào- nếu muốn viết cho đàng hoàng và cho hay. Nghề báo lại còn phải học hành đến nơi đến chốn, có kiến thức cùng tâm địa tử tế chớ đâu phải cứ ráp từng mẫu tự A, B, C… như thợ in sắp chữ rồi đưa đăng báo. Tao hồi đó viết hoài theo “công thức” mở bài-thân bài-kết luận như con nít tiểu học làm luận văn. Mà viết là phải có hậu, viết phải khen chớ chê bai nọ kia hoặc bị hiểu lầm là có ngày ăn đòn…riết tao bẻ bút luôn.

Như hồi xưa tao có làm bài thơ dài ngoằng về chiến tranh, trong có câu “Trường giang cách mạng lạnh lùng trôi” gởi báo tỉnh. Ít bữa tay trưởng ban tuyên huấn gọi lên hỏi tao viết câu thơ đó có ý gì? Y nói cách mạng là cao quý tốt đẹp, dưới sự lãnh đạo… ta đánh bại kẻ thù xâm lược, kẻ thù giai cấp đem lại ấm no hạnh phúc..; Tại sao đồng chí nói lạnh lùng? Lạnh lùng trôi là dẹp bỏ tất cả à, là không vì đảng vì nhân dân à? Tao bí. Với cái kiểu “lục vấn” đi ngang cổng chuyên chính mà không giở nón đó thì  thôi, tao chịu thua chả luôn. Mà đâu êm được! Y bắt phải làm kiểm điểm tới lui cũng cả tháng. Từ đó tao vĩnh viễn bỏ làm thơ- cái món mà tao đam mê nhứt từ hồi mười lăm mười sáu tuổi.

Sáu Tây là thằng lính lì lợm, cả đời đánh giặc chưa lần nào chun công sự. Vậy mà khi rượu vô lại hay khóc và cứ lải nhải ca tới ca lui bài ca binh vận: “Đã mấy mùa lúa chín, kể từ khi anh giam thân đi làm lính Cộng Hòa. Dzìa đi anh, dzìa đi anh có em đưa đường chỉ lối. Dzìa đi anh, cho kịp tối giăng mùng!..”. Tối giao thừa nhưng ba thằng bộ đội rắn mắt sửa thành giăng mùng. Vậy mà riết ai cũng ca theo.Thậm chí mấy diễn viên đoàn văn công quen miệng cũng…giăng mùng luôn!  

Y là kẻ bom đạn chừa, chớ không phải vì may mắn. Có lần Tuyên hỏi sao ông gan quá vậy? Y cười nói sống chết có số. Nhưng vậy chớ thằng nào nhát quá thì số nó kêu sớm a. Đừng giỡn!

Đó. Cái thằng đó. Y đó. Bữa nay lại khóc. Nhưng y không còn ca cái câu gái dụ trai về với Việt Cộng nữa, mà y khóc cho thế sự, cho cuộc đời và cái thân phận mỏng manh ghẻ chốc của y. Hồi đấu tranh chánh trị ở miền Nam xưa, có cha luật sư la làng: Cái đất nước (VNCH) bây giờ như một con điếm thân thể ghẻ lở thúi hoắc hết rồi, làm sao còn chữa trị vá víu gì được nữa. Giờ nếu còn sống chắc chả mắc cỡ lắm, vì nay có một con đĩ còn bị tới Sida nữa kìa!

***

Ở chơi hai ngày rồi Tuyên, Sáu Tây chia tay. Sáu Tây đưa ly xây chừng nói tao mày không biết khi nào mới gặp lại? Giờ già rồi. Mà tuổi già thì ưa… bất tử lắm. Nhiều khi ngủ rồi đi luôn. Giọng y nghẹn ngào xúc động. Tuyên nói đọ, xấu miệng nữa đi. Nói xui. Có lâu la gì. Sắp tới con An Biên nó lấy chồng, ông nhắn tin là tui xuống liền. Nghe câu đó Sáu Tây cười chúm chiếm, làm như lời Tuyên đã là sự thực. Con người ta ai cũng vậy, đang hy vọng cái gì, mà nghe nói điều an ủi, lọt tai cũng đều mừng hết thảy. Như hồi năm 1997 bị cơn bão số 5 (Linda), ghe cộ tanh bành, kẻ chờ chồng chờ con ngồi túm tụm ở cửa Khánh Hội- U Minh khóc thôi hết nước mắt. Vậy mà lâu lâu có người đưa một cái tin bâng quơ như nghe nói mấy cái tàu xứ mình dạt vô đảo được hết. Đảo nào? Ở đâu? Báo đài nào đăng?.. Không ai hỏi mà cũng không ai giải thích. Vậy chứ trong khoảnh khắc, ai nấy đều hân hoan vui vẻ.

Xế trưa, giang ghe Chủ Hơn về Cà Mau. Sáu Tây nói cha này chủ đáy, bạn nhậu tao. Y nhắm con Biên cho Tư Tẻo con chả mà ngặt thằng này mới học tới lớp ba, giờ đêm đêm uống rượu thức canh hàng đáy. Sớm biển vô thì cân cá rồi làm tài công, đi bạn cho cha nó. Làm đủ thứ. Vậy sao con Biên nó ưng! Chủ Hơn rầu lắm song cũng biết điều. Mấy lần chả than thở phải chi hồi đó “kêu” nó học kha khá, thì giờ này tui với Sáu Tây đã thành sui gia rồi.

Chủ Hơn nói nghe tức cười. Học mà kêu được thì chắc thiên hạ thành tiến sĩ  hết. Còn cuộc đời mà kêu được, muốn được chắc Sáu Tây đã không có sự ai oán lương tâm ở cái tuổi răng đã mòn tóc đã bạc này.   

Đứng trên mui chiếc ghe cào dòm ngược lại phía chợ Sông Đốc, Tuyên như thấy Sáu Tây vẫn còn đứng đâu đó trên khúc bờ kè. Cái thân mình to đùng đen nhẻm của y trông tựa như cái dấu chấm hỏi lớn của cuộc đời. Tuyên sực nhớ câu vọng cổ trong bài ca Tình anh bán chiếu: “Khuya đêm nay tôi nằm chờ con nước lớn, mà nỗi niềm đau vẫn canh cánh bên lòng!...”.

Đó là cái niềm đau lỡ tình lỡ bậu riêng tư của anh chàng bán chiếu với một cô gái. Còn Sáu Tây lại khác. Rất khác. Nỗi niềm của y to lớn và đắng cay hơn nhiều. Chúng như con nước tràn bờ vô đồng vô ruộng, thấm trong đất để không bao giờ còn quay trở lại ra sông ra biển. Nó là vụng nước trong đìa mãi mãi không bao giờ còn nổi lên, thành con nước lớn…

27-01-2015

“CHỜ CON NƯỚC LỚN” “CHỜ CON NƯỚC LỚN” Reviewed by Phạm Thu Hương on 17:02 Rating: 5

Không có nhận xét nào: