(Thời biến đổi gien)
Kỳ 23
Bùi Ngọc Tấn
*
Đại hội nhà văn đã thành công tốt đẹp!
Có đại hội nào không thành công tốt đẹp. Đó là câu nói của tiến sĩ Huỳnh Công Hoà, thứ trưởng kiêm tổng giám đốc xí nghiệp Liên Hợp Thủy Sản mà tôi làm thi đua ở đó. Ông Huỳnh Công Hoà tức tiến sĩ Huỳnh trong Chuyện kể năm 2000 luôn báo trước kết quả các đại hội trong xí nghiệp dù nó chưa khai mạc, dù cái thằng thi đua là tôi còn đang gò cổ làm trang trí hội trường, cắt khẩu hiệu và chuẩn bị ăm-li, loa đài: Đại hội sẽ thành công tốt đẹp! Và cười: Có đại hội nào không thành công tốt đẹp!
Bế mạc đại hội nhà văn, tôi không về Hải Phòng ngay mà còn lên Bắc Giang. Với Lam Luyến, Hằng Thanh, Đình Kính. Ba người lên viết chân dung các nhà giáo ưu tú. Tôi làm suất ăn theo. Bắc Giang hấp dẫn tôi. Vùng trung du ấy tôi đã sống trong những năm chống Pháp.
Lục Ngạn. Tôi đứng lặng nhìn Bến Chũ vắng vẻ, nghèo nàn, nhỏ hẹp. Địa danh này vang dội tuổi thơ tôi qua bác lái Vảo, người lái đò dọc quê tôi, thường đến nhà chuyện với bố mẹ tôi sau mỗi chuyến đi cùng với những tảng đường nâu thẫm vuông vức như hòn gạch gọi là đường Chàng mà mẹ tôi cẩn thận lấy rơm quấn chung quanh, cho vào thùng sắt tây gác trên gác bếp. Hay những bao củ nâu sần sùi, lấy dao chặt khẽ một nhát là vỡ làm đôi, nhựa ứa ra đỏ như máu. Rồi măng khô, rồi củ khúc khắc... Hôm nào bác lái Vảo đến cũng mang theo biết bao nhiêu chuyện và cùng với bác là hơi hướng của những dòng sông, những bến đò, những cánh rừng, những miền đất lạ. Tôi đã vượt Lục Đầu Giang lên Chàng Chũ đầu năm 1947, khi là một cậu bé mười ba tuổi. Cái đêm vượt sông hằn sâu vào não tôi. Tôi đã thể hiện những gì tôi thấy tôi nghe tôi nghĩ đêm hôm ấy trong một truyện ngắn trong tập Đêm Tháng Mười nhà xuất bản Văn Học in năm 1962. Đêm đen. Sương đêm ướt đầm hai vai áo lạnh buốt. Vết xích xe tăng trên đường chúng tôi đi. Một đốm lửa bùng lên phía xa, ma quái và đe dọa. Chúng tôi cùng nhiều người nữa im lặng đi về phía sông. Chênh chếch sau lưng sừng sững hai ngọn núi Nam Tào, Bắc Đẩu của Đền Kiếp Bạc. Tôi lúc đó là bé nhất nhà, đi giữa bố và mẹ tôi. Hai em tôi, Bùi Thị Ngọc Cầm, Bùi Ngọc Thiệu chưa đến mười tuổi vừa qua đời mấy hôm trước vì bệnh đậu mùa ở Phục Thiện, Đông Triều trên đường đi tản cư. Kinh hoàng trước hai cái chết liền nhau của hai đứa con nhỏ, chiến sự lại sắp lần tới, bố mẹ tôi ngược Đông Triều lên Bắc Giang. Nhà ngang cửa dọc, nhà trên nhà dưới nhà ngói cây mít bao nhiêu đời tích cóp gây dựng từ thời ông nội, lính Pháp đã đốt phá, chỉ còn một đống tro tàn bỏ lại sau lưng, tài sản là những bị bọc tay nải khoác trên vai, rời quê hương đi theo kháng chiến, theo lời kêu gọi của cụ Hồ. Hai người con lớn cầm súng ra mặt trận, hai đứa con nhỏ nằm lại dọc đường, bố mẹ cùng hai đứa con giữa là tôi và anh Bùi Ngọc Chương dắt díu xuống thuyền.
Dòng Lục Đầu Giang mênh mông đen đặc như dầu lại sóng sánh chung quanh tôi, tiếng mái chèo quẫy đều đều lại óc ách bên tai tôi. Những người trên thuyền ngồi gục đầu im lặng như những mô đá. Ca nô tuần tiễu của Pháp có thể ập đến bất kỳ lúc nào... Đứng trên bến đò Chũ, tôi sống lại đêm hôm ấy, đau nỗi đau của bố mẹ tôi ngày ấy khi bỏ lại hai nấm mộ con còn chưa xanh cỏ ở quê người đất khách, bỏ lại nhà cửa ruộng vườn, với hai bàn tay trắng vượt vòng vây ra vùng tự do theo cụ Hồ. Rồi Bình An. Rồi Cảnh Thụy... Ngược lên: Phủ Lạng Thương, Bố Hạ, Cao Thượng, Nhã Nam. Đi đò dọc trên sông Thương một đêm trăng sáng. Và đi bộ trên những con đường nhựa bị đào, cuốc ngoằn ngoèo chữ chi để chống lại xe cơ giới Pháp.
Những rừng thông lấy nhựa rì rào, những đồi dẻ la đà ngày ấy đã biến mất từ lâu. Tất cả đều trở thành đồi trọc đồi hoang khi là tài sản xã hội chủ nghĩa, do nhà nước và hợp tác xã quản lý.
Thật vui mừng biết bao, hôm nay trước mắt tôi, những vùng đồi hoang núi trọc lại phủ kín lá xanh, kín những cây ăn quả. Vải thiều đang nhú quả non. Xoài, quả đã bằng cái chuôi liềm. Một vùng đất đã hồi sinh. Việc cắt lìa dân với đất đai, bắt dân đói trên mênh mông đất hoang đã chấm dứt. Một cuộc sống no đủ đang bắt đầu.
Trong một buổi làm việc với sở Giáo Dục Bắc Giang, chợt Hằng Thanh ngẩng lên:
– Có ai nói gì về Chuyện kể năm 2000 ngoài kia kìa.
Tôi lắng nghe. Đúng là có người đang nói đến Chuyện kể năm 2000 ở cái vùng Bắc Giang xa xôi này. Tôi bước ra sân. Giữa sân, mấy người đang nói chuyện. Một người đầm đậm quen quen bước lại phía tôi, thân mật:
– Tôi dặn anh cái gì anh nhớ nhé. Có khó khăn trong việc xuất hiện, anh cứ gửi cho tôi.
Thấy vẻ ngờ ngợ của tôi, anh rút trong túi ra một cái các vi-dít:
– Đã đưa anh một cái rồi. Đưa thêm cái nữa đây.
Nguyễn Quang Hà, tổng biên tập tạp chí Sông Hương, một tạp chí có uy tín, người vừa gặp và chuyện trò cùng tôi trong đại hội nhà văn. Tôi cám ơn anh, nhưng không có ý định làm phiền anh. Tôi biết từ nay tên tôi trở thành một cái gai đối với nhiều người quyền chức. Tôi không cần in trong lúc này. Tôi cũng chẳng cần nhuận bút. Các con tôi nuôi vợ chồng tôi tàm tạm. Với lại chúng tôi có đòi hỏi nhiều đâu. Nhưng cử chỉ của Nguyễn Quang Hà làm tôi rất vui.
Trở về Huế, Nguyễn Quang Hà gọi điện tới tôi nhiều lần. Tôi không có gì để anh in thì anh mời tôi vào Huế chơi. Rồi anh ra Hải Phòng thăm tôi cùng một số anh em khác. Cảm động làm sao khi anh rụt rè hỏi:
– Cho tôi lên xem gác lửng một tí có được không?
Cái gác lửng của tôi. Công trình thế kỷ của tôi. Bàn thờ Phật. Bàn thờ bố mẹ tôi. Những thùng các tông tổng kho của vợ chồng tôi. Bản thảo, sách trong tủ sách và sách không chỗ để, xếp trên sàn — nhà đã có gần trăm quyển sách từ khi tôi viết văn trở lại. Quần áo, ruột chăn bông, chiếu, chai lọ… Nơi chứa tất cả những thứ không dùng đến nhưng vất đi thì tiếc của chúng tôi. Tóm lại, gác lửng của những gia đình nghèo, chật chội bao giờ cũng phơi bầy cuộc sống thật, cả tinh thần lẫn vật chất, những thói quen sinh hoạt của chủ nhân. Trên gác lửng không có sự che đậy.
Tôi nhìn nét mặt Nguyễn Quang Hà lúc đó mà thấy yêu quá:
– Lên đi. Thoải mái lên đi.
Hẳn anh đánh giá cao sự đồng ý của tôi. Đó là lòng quý mến và tình thân thiết. Như một cuộc khám phá, Hà đang bước vào cuộc sống thực của chúng tôi. Những gì rất riêng tư trong sinh hoạt đời thường của vợ chồng tôi. Anh đứng nghênh ngó, ghi nhận một lát rồi bước xuống với vẻ mặt thoả mãn trước những cặp mắt tươi cười chờ đón có pha lẫn ghen tị của những người bạn Huế đi cùng. Anh dõng dạc tuyên bố:
– Tôi mời hai anh chị vào Huế chơi. Tiêu chuẩn của anh chị là được mang theo một người thứ ba. Anh chị không phải ở nhà ai hết mà ở khách sạn. Đi chơi có ô tô đưa đi. Tất cả Nguyễn Quang Hà lo. Anh chị chưa vào Huế bao giờ chứ gì. Vậy thì vào đi. Không vào là một thiếu sót...
Không chỉ một lần anh nói vậy. Lần nào gặp hoặc gọi điện anh cũng nhắc lại lời mời. Huế với chúng tôi, nhất là với vợ tôi, người không bỏ lỡ một cơ hội nào để đến với những đền chùa, di tích, đã như một hẹn ước.
Thế mà vì những bận bịu đời thường, chưa một lần chúng tôi đến được Huế. Để gặp Huế.
Gặp Nguyễn Quang Hà. Gặp Nguyễn Khắc Thạch. Và gặp Mai Khắc Ứng. Mai Khắc Ứng chưa biết mặt với những bức thư ngắn làm tôi cười lặng lẽ một mình:
Huế 2-8-2003
Thưa nhà văn Bùi Ngọc Tấn.
Tôi chưa một lần được gặp anh
Anh lại càng không biết tôi.
Nhưng nếu anh cùng tuổi Giáp Tuất (1934) thì quả thật có vài điều đáng để ta quan tâm.
Một, là lần “giải lao” thứ nhất, tôi cũng làm lính bên tạm thắng hiệp 1, về tiếp quản Hà Nội rồi ra quân. Ít lâu thì bị “quản chế” phần hồn. Có lẽ 27 năm của anh chỉ bị phần xác thôi.
Ấy là Giáp Tuất vậy.
Năm 1980 tôi được “giải phóng.” Và, như tôi đã nói sẽ làm lại” đàng hoàng hơn.” Tôi dạt về Huế. Có nhà hẳn hồi. Đẹp nữa. Gạo không nơm nớp mất bữa. Thời gian thì dồi dào... Nói vậy có nghĩa là: Nếu anh chị vào Huế được, tôi xin lo phần ăn ở, di chuyển tại Huế không giới hạn thời gian.
Trời tính tháng tính năm với ta.
Xin đừng bận tâm điều đó.
Kính
MAI KHẮC ỨNG.
Địa chỉ:….Điện thoại: .... Email……
Nhà 22 Hàn Thuyên cho thuê để các cháu lại thuê nhà nơi khác. Coi như hoà cả làng. Nhà trên núi xây dựng làng văn hoá về nguồn, khánh thành rồi không ở, chỉ để thỉnh thoảng đón bạn nhâm nhi nhìn sông Hương trôi không mỏi.
Hai vợ chồng già hiện trú tại 142. A2 Nguyễn Phúc Nguyên. Đây là đất xóm An Lạc làng Xuân Hoà.
Trích ngang: Tôi đi lính vào Sư 316. Ra quân tại Nho Quan. Công nhân đắp đê quai Hữu Bị, Mỹ Lộc, Nam Định 1955. Nhân viên khảo sát thủy lợi Sơn Tây, Hà Tĩnh 1956–1960. Học tổng hợp Sử. Về Bảo Tàng – vào Huế năm 1980. Nay hưu.
Lộc nước chưa dư, tự kiếm nhà,
Phố phường không ngái chợ không xa
Trước sông láo nháo dăm lồng vịt,
Sau núi xôn xao mấy ổ gà.
Vườn đủ bốn mùa rau lẫn củ,
Đất dư năm tháng quả lèn hoa.
Của nhà thứ thiệt không tem phiếu
Đón Bác chuông chùa riêng đãi ta.
(Tôi xin phép cụ Tam Nguyên Yên Đổ rồi.
Bác yên tâm.)
MAI KHẮC ỨNG
Thư gửi theo địa chỉ Hội Văn Nghệ Hải Phòng. Một bức thư chỉ đọc thôi cũng đã muốn gặp ngay người viết! Nhưng cũng như với Nguyễn Quang Hà, cho đến bây giờ tôi vẫn chưa một lần tới Huế để làm thượng khách của ông bạn đồng niên Giáp Tuất Mai Khắc Ứng
Lang thang ở Bắc Giang ba ngày sau mới trở về Hải Phòng. Vợ tôi rất vui đưa cho tôi những tấm ảnh tôi chụp với các anh Lê Sơn, Thành Chương ép plastic do Lê Sơn gửi và cho tôi biết ngay sau khi bế mạc đại hội, tưởng tôi đã về Hải Phòng, Hồ Ngọc Đại xuống thăm, “ngó căn buồng anh chị ở” và kể chuyện gặp tôi ở trên ấy.
Những người đầu tiên đến nhà gặp tôi hỏi chuyện đại hội là ba người trong đó có hai người đã đến nhà tôi một lần và một người lạ hoắc. Người còn trẻ chưa gặp bao giờ được giới thiệu là “ở đài phát thanh trên Hà Nội làm về ăng ten.” Tiếng ăng ten trong tù có nghĩa là chỉ điểm. Chẳng lẽ lại hài hước công khai trắng trợn thế hay sao? Ba người hỏi tôi về đại hội nhà văn, điều mà tôi tin rằng họ không quan tâm, lại càng không thể quan tâm đến mức chẳng có mối quan hệ bạn bè nào mà tôi từ đại hội lên Bắc Giang ba ngày họ cũng biết và vừa về đến nhà họ đã đến ngay.
Tôi cố lấy giọng hiếu khách, thậm chí còn niềm nở tiếp mấy ông khách đầy nghi vấn này. Nhưng cuộc viếng thăm hình như đánh mạnh vào hệ thần kinh suy nhược của vợ tôi. Vợ tôi lánh vào bếp, ngồi một mình trong đó.
Giờ đây bình tĩnh suy nghĩ, có thể chúng tôi đã nghĩ sai về ba người khách, nghi ngờ lòng quý mến của họ. Tôi mong là như vậy và tôi xin được ngàn lần xin lỗi. Hãy tha thứ cho chúng tôi, những con thú bị săn đuổi, bị dồn ép, sợ hãi tất cả.
Sau cuộc viếng thăm ấy là cuộc thăm viếng hoàn toàn trái ngược của Lê Thị Oanh, một bạn đọc cũng từ Hà Nội và cũng mới gặp lần đầu.
Vừa đi cắt tóc về nhà Giáng Hương ở ngõ liền bên, thấy vợ tôi đang ngồi với một phụ nữ còn bé nhỏ hơn cả vợ tôi. Cô Oanh độc giả. Vợ tôi bảo vậy. Lê Thị Oanh chuyện với tôi như với một người bạn quen từ lâu lắm rồi. Em ở Hà Nội. Em là phóng viên báo Hàng Không. Trước em là trưởng đại diện Thông Tấn Xã Việt Nam tại Ấn Độ. Em biết địa chỉ nhà anh là qua anh Bầu. Em đến hỏi anh Bầu. Anh Bầu bảo nhưng nó ở Hải Phòng cơ. Em bảo thì em biết anh Tấn ở Hải Phòng chứ làm sao không biết. Hải Phòng là cái gì với em. Đà Nẵng em cũng đi. Chỉ có Sài Gòn là em chịu thôi. Em đến thăm anh chị vì đã đọc sách anh viết thì không thể không đến. Hồ Anh Thái định đi với em từ lâu rồi. Nhưng em bảo nó là để chị đi một mình trước đã — Ít ngày sau Hồ Anh Thái xuống thăm tôi, cùng với Trần Thị Trường. Em đến thăm anh không phải vì anh là nhà văn đâu. Nước mình có nhiều nhà văn lắm. Em đến để cảm ơn anh chị. Và chuyện với anh chị. Anh viết chân thật quá. Làm chúng em sống lại những ngày ấy, cái thời ấy. Trưa nay em ăn ở đây với anh chị. Anh chị cho em ăn cơm. Nhưng để em đi mua thêm cái bánh chưng đã. Chúng tôi cười ầm về ý nghĩ mua thêm bánh chưng vì sợ thiếu cơm của Oanh. Oanh lấy từ trong túi ra tập truyện ngắn đương đại Mỹ mà Oanh là một dịch giả, tặng tôi. Và một tờ tập san Hàng Không, nơi Oanh làm biên tập. Lê Minh Khuê cũng thích xuống thăm anh lắm nhưng chưa đi được. Em đến, chị giật mình, không biết em là ai. Em có sách của anh là do Hồ Anh Thái. Thái mua nhiều lắm. Đã lâu lắm mới đọc một bộ sách chân thật như vậy, hay như vậy. Cái đoạn anh viết về bao cấp, đong gạo đúng quá. Nhà em, sáng sớm bốn giờ mẹ em đã ra xếp hàng. Tới năm giờ bố em ra thay để mẹ em về nấu cơm. Rồi em ra thay. Rồi chồng em. Cả con em nữa. Nghĩ lại mà sợ. Sao lại không được phép viết về những ngày bao cấp nhỉ. Mà đúng là các cô bán gạo ý thức được bậc thang giá trị cao chót vót của mình. Nhiều người nói là tập sách của anh được đề nghị giải Nobel. Tôi cười: Họ nói thế thôi. Cũng là một thứ thăm dò thái độ. Cũng có người nói để nhấn mạnh tác hại của việc xuất bản. Có người nói vì yêu nó. Đã dịch đâu mà Nobel. Oanh bảo: Xứng đáng Nobel lắm. Tập sách nội dung đã thích. Anh viết lại đúng là văn chương. Tôi bảo: Tại anh gửi đi đâu cũng không được in. Gần mười năm cứ đánh bóng mạ kền. Oanh lắc đầu: Không phải. Đánh bóng nhiều quá nó lại xước ra ấy chứ. Nhưng sao anh lấy tên là Chuyện kể năm 2000 mà không lấy là Mộng Du. Anh Bầu nói trước có tên Mộng Du. Đúng là Mộng Du. Cả đời Mộng Du.
Ăn cơm trưa bên nhà Giáng Hương xong, chúng tôi về căn phòng gác hai hơn nửa thế kỷ của chúng tôi vì Oanh thích thế. Em phải biết căn phòng anh chị đã sống.
Như nhiều người khác, Oanh nhận xét căn phòng tôi ở giống tôi tả trong tiểu thuyết nhưng đẹp hơn, kết quả của việc chúng tôi thường xuyên tu bổ nó. Làm gác lửng — công trình thế kỷ của chúng tôi. Trong thời buổi không thể đào đâu ra dầm sắt cũng như dầm gỗ thì tôi mua được năm ống thép tròn, nguyên là ống dẫn am-mô-ni-ác của nhà máy lạnh đã ngừng hoạt động mà xí nghiệp tôi đang rỡ bỏ. Gỗ thùng lát sàn mua tận một ngõ ngoắt ngoéo dưới Lạch Tray. Một phân xưởng thuộc xí nghiệp Cơ Khí sửa chữa của Halong Fiscom giúp tôi cái lan can sắt. Và mấy tháng sau, khi làm được chiếc thang gỗ, gác lửng của chúng tôi thật là hoàn chỉnh, tiêu chuẩn hoá. Tuyệt vời gác lửng! Gác lửng muôn năm! Như bỗng nhiên có thêm một buồng nữa. Và mặc dù trên gác lửng rất nóng vì gần sát mái ngói, chúng tôi vẫn cứ leo lên đó ngồi, nằm, nhìn ngắm cái sàn gỗ thông phẳng phiu rộng tám mét vuông, chiếc lan can lửng đầu gối chắn ngang được căng rèm, cảm thấy rõ rệt cuộc sống được nâng cao một bước, ước mơ bấy lâu đã được thực hiện, rằng từ nay mình đã có một nơi riêng biệt, kín đáo, không tô hô tênh hênh, phô bầy ra tất cả trước những con mắt soi mói của những đoàn kiểm tra hộ khẩu, mình đã có được một nơi hoàn toàn là của mình. Nơi này nhiều công dụng, đa năng. Vừa là gian thờ, vừa là tổng kho, vừa là buồng ngủ của chủ nhà mỗi khi có khách.
Sau khi hoàn thành gác lửng, một công trình làm cùng thời với thủy điện Sông Đà và quan trọng ngang tầm thuỷ điện Sông Đà trong nền kinh tế quốc dân, là những đợt xin sơn, sơn cửa, bỏ tiền mua kính, lắp kính, quét vôi, chạy lại dây điện...
Căn buồng trông cũng vui mắt. Oanh rất phấn khởi: Em không ngờ nhà anh chị được như thế này. Rồi cũng như nhiều người khác, Oanh hỏi về thằng Dương, con Nguyệt, anh Chân, anh Thân, về những nguyên mẫu ngoài đời của những nhân vật trong truyện. Bộ sách của em bao nhiêu người tranh nhau mượn. Chờ mãi không được tập một thì đọc tập hai trước. Em bảo tập sách này cho mượn là phải duyệt lý lịch cẩn thận. Em bày trên giá sách đàng hoàng. Buồn cười thật. Tối hôm qua em và Hồ Anh Thái đến thăm một cô bạn học trường Nguyễn Ái Quốc, sáng nay em về thăm tác giả một bộ sách bị cấm. Oanh nói Oanh thích cái sự hài hước của tôi trong Chuyện kể năm 2000, đặc biệt là cái hài hước trong Một Thời Để Mất, đoạn ông Xuân Diệu nói bên Mỹ mặc quần áo ni lông và đoạn tôi trích thơ của anh hùng lao động Trịnh Xuân Bái: Liên Bang Xô Viết / Thú tự do ao ước bấy lâu nay / Kìa hồng quân thuyền thợ với dân cày / Đệ nhất sướng hỏi rằng đây có phải. Hồ Anh Thái bảo đọc xong Chuyện kể năm 2000 yêu anh Bầu quá. Em bảo: Thằng một mắt. Mình chưa đọc quyển này cũng thấy anh Bầu đáng yêu rồi. Tiếng cười của anh ấy mới thích chứ. Anh ấy không cười thế thì anh ấy chết. Anh ấy khổ quá. Vừa chuyện Oanh vừa xem đồng hồ:
– Bốn giờ là em về. Còn bao nhiêu người chờ em ở nhà. Chờ em về kể chuyện em gặp anh chị. Tối nay họ tập trung cả ở nhà em.
Bốn giờ, Oanh định đi xe ôm ra bến Tam Bạc.
Nhưng Công Nam đến.
Công Nam đèo Oanh ra bến xe.
*
Tôi nhận được rất nhiều thư. Thư của bạn đọc viết trong niềm xúc động khi lần đầu tiên vừa đọc xong tập sách. Thư viết sau khi đã đọc đi đọc lại Chuyện kể năm 2000, đã “nhiều lần đi du lịch cùng tác giả” như vợ chồng Nhã Nam, con gái Nguyên Hồng nói vậy cùng tôi. Và cả thơ. Rất nhiều thơ. Có những bài thơ mãi chín năm sau tôi mới nhận được không phải từ bưu điện, như bài thơ Nguyễn Đỗ viết tặng tôi từ Mỹ. Bài thơ đã được in, được xuất bản ở Hà Nội, nhưng tôi chưa được đọc. Biết tôi đang thăm Liên Bang Nga, từ Mỹ anh đã gửi đăng lại trên trang báo Người Bạn Đường của Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam tại Nga và tôi đọc nó ở nhà Bùi Hoài Hương, Mạc Tư Khoa:
Không đề 48
– Tặng Bùi Ngọc Tấn
không phải từ ngươi, từ ai, từ ánh nắng kia
thẩy vào ta những lởm chởm đau khổ
mỗi ngày soi gương vào mảnh trời cao nho nhỏ
khuôn mặt ta bào dần trong tín hiệu yahoo
cỏ xanh thật là xanh, cảm ơn, như viên thuốc
giảm đau
nhưng trái tim ta không bóng mát
ta đã từng gào trong ký ức tắc tiếng
nhưng tiếng kêu chẳng thể nẩy mầm
bấn loạn trong đêm đo mọi chiều cạnh xác thân
mình
ta như cái lỗ bé tíu tiu của khoảng không
mà chỉ cần nhích người là bóng đêm vùi kín
không biết cách nào nữa
đành nhìn căn nhà số mệnh cháy tận sợi cuối cùng
Như người ăn xin già liều mình ăn cắp
Trượt chân tiếng trẻ cười
— bowling greeen, sunday 6-6-2000
Khi viết Cái Đẹp Và Con Thú ở Miến Điện, Timothy Garton Ash cho biết ông không thể viết tên những người mà ông đã gặp, bởi làm như vậy là đưa họ vào tù (…) Cẩn thận như vậy chưa đủ. Khi viết về họ, ông bỏ mọi chi tiết. Bởi vì “nó sẽ nói.”([1]) Những bức thư trích dưới đây, tôi cũng đã loại bỏ mọi điều sẽ nói:
Anh Chị kính mến
Trước hết em xin tự giới thiệu em là một độc giả của CKN 2000. Em tên là H, là người đã gọi điện cho anh chị từ Hà Nội hồi cuối tháng Tám vừa rồi.
Em rất thích đọc sách, hồi ở nhà em thích đọc Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp... Gần đây, qua Diễn Đàn Forum, em được biết đến Chuyện kể năm 2000 của anh. Một người bạn đã cho em mượn cuốn sách này do nhà Thanh Niên xuất bản. Em đã đọc say sưa và xúc động. Sau đó em đã đặt mua qua Diễn Đàn Forum. Nhận được sách xong chưa kịp đọc lại thì em về Việt Nam. Do một sự tình cờ em bắt được liên lạc với T. Nhờ vậy em biết được điện thoại và địa chỉ của anh chị, điều mà em rất muốn biết trước đó nhưng khi em hỏi Diễn Đàn Forum họ bảo là không biết. Có thể họ ngại. Thật tiếc là hồi về nhà, em có ít thời gian quá nên không thể đến thăm anh chị được. Em vẫn hy vọng một ngày nào đó em sẽ có vinh dự ấy.
Hồi những năm 70 em học đại học ở Ba Lan, sau đó về nước làm việc rồi lại sang Ba Lan. Từ bấy đến nay em vừa làm khoa học lại vừa làm kinh tế. Chồng em cũng ở Ba Lan.
Trước kia cũng như nhiều học sinh khác, em rất vô tư và tin tưởng tuyệt đối vào những gì người ta tuyên truyền. Sang đây vào thời gian sau này, được đọc Hoa Xuyên Tuyết của Bùi Tín, Đêm Giữa Ban Ngày của Vũ Thư Hiên và nhiều bài viết của Diễn Đàn Forum (chúng em vẫn đặt báo này đều đặn mấy năm nay), rồi qua Internet, gần đây nhất là Chuyện kể năm 2000, chúng em mới dần dần biết được bộ mặt thật của một chính quyền, một chế độ chúng em đã từng tin tưởng và kính trọng. Cũng cần nói rõ với anh chị rằng chúng em đều là đảng viên, ba em là một người cộng sản chân chính, suốt đời sống liêm khiết chí công vô tư. Nên em rất buồn và thất vọng trước thực trạng hiện nay, đã có lúc em tự hỏi mình tại sao vẫn ở trong đảng nhỉ. Có thể tại em không đủ can đảm rời bỏ một thói quen, hay em vẫn còn bám víu một chút hy vọng vào những gì tốt đẹp mà em đã từng nhọc công phấn đấu..., em cũng không biết nữa. Nhưng suy cho cùng, những thứ đó giờ cũng chỉ là hình thức mà thôi. Em rất kính phục ngưỡng mộ những người như Anh. Các Anh các Chị không những chỉ là những người tài năng mà còn rất dũng cảm. Nhờ các Anh, các Chị mà chúng em biết được những điều xưa nay vẫn bị giấu kín.
Năm ngoái chúng em có may mắn được gặp anh Vũ Thư Hiên khi anh ấy sang Ba Lan. Hôm trở sang đây, qua một anh bạn em mới được biết là anh ấy cũng vừa sang đây. Thật tiếc là em không có dịp gặp anh ấy. Qua lời kể của anh bạn, em mới được biết rõ hơn việc xuất bản cuốn Chuyện kể năm 2000 của anh và nghe nói mọi người đang quyên góp để giúp anh thanh toán với nhà xuất bản Thanh Niên. Chúng em bàn với nhau và định gửi biếu anh chị 100 USD. Em đã nhờ T chuyển giúp cho anh chị. Chúng em mong là chút quà mọn đó sẽ góp phần giúp anh chị giải quyết những khó khăn trước mắt và thành thực cầu chúc anh chị mọi điều tốt lành. Chúng em tin rằng những người trung thực luôn ở bên cạnh anh chị. Không biết chúng em có thể làm được gì nữa để giúp anh chị?
Hiện giờ anh có viết gì không ạ? Nếu như chúng em muốn đọc các tác phẩm khác của anh thì làm cách nào? Anh có thể “mách” dùm chúng em được không?
Thôi có lẽ trong lá thư đầu tiên em chỉ viết chừng đó. Em sẽ rất vui mừng nếu nhận được hồi âm từ phía anh chị. Em đã nhờ T. đưa địa chỉ của chúng em cho Anh Chị. Xin Anh Chị thông cảm vì em đã không gửi trực tiếp địa chỉ của mình vào đây để tránh phiền toái về sau.
Một lần nữa chúng em xin kính chúc Anh Chị vui khoẻ, nhiều nghị lực và gặp nhiều may mắn.
Chúng em mong tin Anh Chị
Em H.
Nhận thư H, tôi viết thư trả lời ngay.
Và đây là bức thư thứ hai của H.
Anh Chị kính mến!
Chúng em đã nhận được thư anh. Sau bao ngày mong đợi, thư anh đã mang đến cho chúng em một niềm vui lớn lao. Em thật không dám mong là những tâm sự của mình được anh chị đón nhận với một tình cảm trân trọng như vậy. Thực ra chính chúng em mới là người phải cám ơn anh chị đã cho chúng em có dịp được bầy tỏ lòng ngưỡng mộ và chia xẻ (dù có muộn mằn) với anh chị những gì anh chị đã trải qua.
Sau một thời gian cho bạn bè mượn Chuyện kể năm 2000 mà chúng em đặt mua từ Paris, em đã đọc lại sách này trước khi được thư anh. Chồng em đã cười em vì câu nói: “Đọc lần thứ hai lại còn thấy hay hơn cả lần đầu” mà em đã thốt lên khi đó. Có thể có người sẽ không tin nhưng đó là sự thật. Em rất nhất trí với một bài viết đăng trên báo Diễn Đàn Forum (tác giả Vĩnh Xương) rằng “cuốn sách chỉ là câu chuyện tù với những oan khiên với những nhục hình... Thế sao lại xúc động đến thế!” Em không có khả năng phân tích, phê bình một tác phẩm. Em chỉ cảm nhận tác phẩm bằng chính trái tim mình. Và Chuyện kể năm 2000 đã để lại trong em một dấu ấn sâu đậm. Nếu anh hỏi đoạn văn nào em thích nhất trong tác phẩm, em sẽ trả lời là đoạn viết về cuộc viếng thăm người tù Ngụy Như Cần của anh. Cứ như là một câu chuyện cổ tích vậy. Còn điều làm em cảm động nhất, kính phục nhất xuyên suốt cuốn sách là tình người mà nổi bật lên là tình yêu của anh chị. Em phải thú thực với anh chị là em không yêu chồng được như chị. Có thể do hoàn cảnh, có thể do cá tính, em vẫn thấy rằng chúng em không hy sinh cho nhau được như thế. Một lần nữa em xin bầy tỏ lời cám ơn anh chị vì những bài học về lòng can đảm, nghị lực sống, đức hy sinh chịu đựng và lòng khoan dung...
Thư trước em chưa dám hỏi, nhưng em vẫn rất quan tâm đến số phận các nhân vật trong Chuyện kể năm 2000 về sau này. Cuộc sống của họ ra sao? Có đỡ hơn không? Anh chị có liên hệ với họ không? Vì sao anh đặt tên sách là Chuyện kể năm 2000? Ngay cả tên thật của chị và Hiệp, Thương, Nguyệt, Dương là gì em cũng chưa được biết. Anh có thể cho chúng em biết được không ạ?
Vừa qua em có đọc trên internet bài “Thương tiếc Hoàng Hữu Nhân (nhân vật Hoàng trong Chuyện kể năm 2000?), một người cộng sản chân chính, tận trung với nước, tận hiếu với dân” mới càng rõ hơn việc làm của con người đáng kính đó. Đã có ai dịch Chuyện kể năm 2000 ra tiếng Anh chưa anh? Nếu có rồi thì là việc đáng mừng. Nếu chưa thì theo em đây là một trong “những việc cần làm ngay” hiện nay. Anh có mối quan hệ rộng, anh có thể đề nghị chuyện này để cho thế giới biết rõ hơn về Việt Nam, để cho họ biết được vì sao Việt Nam mình nhiều người tài đến như vậy mà lại tụt hậu quá xa so với thế giới. Và biết đâu nó sẽ là candidat của giải Nobel văn chương thì sao. Có thể anh cho rằng em lạc quan tếu. Em biết rằng anh không có tham vọng gì lớn — in và phổ biến được Chuyện kể năm 2000 để nó gây được tiếng vang như hiện nay là một thành công lớn của anh, nhưng mọi cái đều phải thử mới biết được chứ, phải không ạ?
Còn về chúng em thì mọi việc đều bình thường, chuyện làm ăn có lúc thế này thế khác, nhưng nhìn chung vẫn chấp nhận được. Người Việt Nam mình bên này nhiều người làm ăn giỏi, rất giầu có nhưng đa số vất vả lắm. Chúng em thuộc loại nhàng nhàng, “nhìn lên chẳng bằng ai, nhìn xuống chẳng thấy ai bằng mình.” Điều quan trọng là mình biết hài lòng với những gì mình có, phải không anh chị? Mà chúng em cũng dễ thoả mãn lắm. So với những năm 70, 80 được thế này là tốt lắm rồi. Bây giờ chúng em chỉ có một ước nguyện là cho cháu học hành đến nơi đến chốn. Đó là một trong những lý do để chúng em còn ở lại bên này lâu dài, chứ nhiều lúc cũng thấy buồn chán và muốn về lắm. Vả lại chúng em đã quen sống tự do, về nhà tù túng có khi không chịu được. Thôi, thư đã dài, em dừng đây. Chúng em kính chúc Anh Chị luôn mạnh khoẻ và nhiều may mắn.
Chúng em mong thư Anh Chị
H.
Tôi chép tại đây một bức thư nữa của một độc giả đã tự làm mờ mọi chi tiết về mình, cũng bởi vì nó sẽ nói. Sự cẩn thận ấy rất cần thiết trong cuộc sống đầy tráo trở, đầy bất trắc này. Phong bì ghi tên và địa chỉ người gửi: Hoàng Diệu, Ba Đình Hà Nội. Thư viết trên máy vi tính.
Kính gửi bác Tấn.
Tôi sinh sau bác hơn chục tuổi (theo lý lịch của Hắn) coi là thế hệ thứ hai nhưng là người yêu thích văn chương, có đọc Chuyện kể năm 2000 của bác. Tôi thật sự cảm động và cảm phục. Cảm động vì những nhân vật theo tôi là có thật, như Ngọc (vợ của Hắn) một lòng chung thủy cao cả, một trái tim nhân hậu và một cuộc đời chịu đựng. Những người như thế thật anh hùng, thật đáng trân trọng. Có lẽ trời ban Ngọc cho hắn hay ban hắn cho Ngọc là ban cho họ niềm hạnh phúc vô cùng. Ngược lại Ngọc quá tin quá yêu một người chồng, một tài năng mà có sức mạnh vượt qua bao điều tưởng sẽ sớm bị gục ngã vì nó. (Xin lỗi, tôi hơi xẵng theo nhân vật chứ bà Ngọc ngoài đời cũng thuộc bậc bề trên của tôi rồi.) Như ông Hoàng thương hắn, muốn giúp hắn nhưng... Như già Đô, như Ngụy Như Cần được tự do mà không biết đi về đâu, phải tìm đến chốn phiêu diêu. Người ta đã sợ cả hai chữ Tự Do. Khiếp sợ vì phải trở lại nơi quá xa lạ với đời mình!
Tôi cảm phục vì tác giả là người tài hoa cương trực. Tài hoa trong hoạt động xã hội, tài hoa trong văn chương. Văn của hắn càng đọc càng thấy hay, lấp lánh. Cương trực vì trước sau như một, luôn đòi hỏi sự công minh của pháp luật và công bằng xã hội, muốn được cống hiến, cống hiến hết mình và sòng phẳng.
Vừa đây trong cuộc họp Quốc Hội, ngành tư pháp thừa nhận còn rất nhiều án oan sai. Điều trớ trêu là những người lương thiện thì phải chịu án oan sai. Ông ạ, hiện nay trình độ cán bộ các ngành đã có tiến bộ, đã có nhiều tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân còn oan sai nhiều thế huống hồ vào những năm tem phiếu. Cho nên “con ong cái kiến kêu gì được oan” có gì là lạ.
Chuyện kể năm 2000 là một tiếng nói dõng dạc về nhân quyền. Bây giờ cuốn sách chưa được phổ biến rộng rãi nhưng số phận của một tác phẩm sẽ được định đoạt do quyền phán xét của dân chúng, của thời gian. Cái nghiệp văn chương sẽ không cho bác dừng lại đâu. Tôi tin ngòi bút của bác còn tràn đầy sức sống lắm. Hy vọng sẽ còn nhiều điều của quá khứ, hiện tại và của tương lai đang chờ đợi và thúc giục bác kể chuyện chào thiên niên kỷ mới.
Tôi xin được dừng lời, chúc bác và gia đình đón một cái tết cổ truyền vui vẻ, một năm mới an khang thịnh vượng. Mong ở bác có nhiều tác phẩm mới. Và chờ đợi một cuộc hạnh ngộ.
Một độc giả yêu văn chương
— N.T.N.V.
NTNV nói rất đúng: Số phận một tác phẩm được định đoạt bởi bạn đọc, bởi thời gian. NTNV cũng đã đoán trước được số phận của tôi: Cái nghiệp văn chương không cho tôi dừng lại. Tôi còn phải vất vả vì nó, khốn khổ vì nó. Cho đến bây giờ tôi vẫn chờ mong một cuộc hạnh ngộ với NTNV — là nam hay nữ? — hay đã gặp mà tôi không biết.
Nhiều thư. Những bức thư rải rác hàng ngày. Những bức thư từ nước ngoài tập trung trong mùa lễ hội saison des fêtes vào dịp Noel, tết Tây, tết Ta. Tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp từ Nhật, Mỹ, Canada, Úc, Đức… Những bức thư kín cả trang giấy, và những bức thư trên carte postale chúc năm mới, chúc an khang thịnh vượng, chúc an lành, có phong bì, và không có phong bì… kéo dài nhiều năm sau đó. Gửi đến tôi, đến số 10 Điện Biên Phủ, đến căn buồng của chúng tôi.
B.N.T.
([1]) Theo Nguyễn Quốc Trụ.
(Xem tiếp kỳ sau)
Không có nhận xét nào: