Inrasara: Bảo tồn văn hóa Chăm và những thách thức

Anh Vũ thực hiện, RFA, 7-8-2015

[chú ý: Nghe đầy đủ bài phỏng vấn 3 người; riêng ở phần dẫn luận, TTV Anh Vũ có 2 nhầm lẫn: 1. “Dân tộc Chăm là cư dân của quốc gia Chăm pa cổ từng tồn tại trong khoảng thế kỷ thứ IV đến đầu thế kỷ XIX, từ Quảng Bình đến Ninh thuận”, và 2. “Cộng đồng người Chăm với nhiều tín ngưỡng tôn giáo khác nhau, như tín ngưỡng dân gian, Ấn độ giáo, Hồi giáo Bà ni, Hồi giáo Balamon”.

Sau đây là bài trả lời phỏng vấn đầy đủ của Inrasara:

1. Xin ông hãy trình bày một cách khái quát nhất về lịch sử và văn hóa của dân tộc Cham ở VN hiện nay?
Inrasara: Dân tộc Cham ở Việt Nam có gần 20 vạn người, cư trú ở hơn mười tỉnh thành khác nhau, tập trung nhiều nhất ở Ninh Thuận và Bình Thuận. Ở hai tỉnh này hiện có 110.000 người Cham sinh sống; còn một cộng đồng Cham khác ở An Giang, Tây Ninh, TPHCM, Long Khánh với khoảng 50.000 người nữa; ngoài ra người Cham Hroi ở Bình Định và Phú Yên có số dân trên dưới 30.000 người.
Nếu người Cham Hroi ở miền Trung theo tín ngưỡng dân gian, hay người Cham Tây theo Islam còn được gọi là Hồi giáo chính thống, thì đại đa số người Cham ở Ninh Thuận và Bình Thuận theo hai tôn giáo chính là Ấn giáo và Hồi giáo Bà-ni (hay Cham Awal). Đông nhất là cộng đồng Cham Ấn giáo còn gọi là Cham Ahier với 68.000 người; Hồi giáo Bà-ni là Islam được Cham hóa để trở thành thứ tôn giáo dân tộc rất độc đáo với 38.000 tín đồ; số còn lại theo Hồi giáo chính thống được truyền vào Ninh Thuận vào thập niên 60 cùng vài tôn giáo mới du nhập gần đây như Công giáo, Tin Lành.
Dân tộc Cham là cư dân của vương quốc Champa cổ, nhưng không như các dân tộc thiểu số khác ở Việt Nam, đại đa số người Cham sống ở vùng đồng bằng theo từng đơn vị palei, sống xen cư và cộng cư với người Việt. Dù có bộ phận nhỏ buôn bán lẻ hay làm công chức Nhà nước, người Cham làm ruộng nước là chính, đặc biệt người Cham ở Ninh Thuận hiện tồn tại ba làng nghề nổi tiếng, là: làng gốm Bàu Trúc, làng thổ cẩm Chakleng và làng Phước Nhơn chuyên nghề thuốc nam.
Ngay từ thế kỉ thứ 4, dân tộc Cham đã có chữ viết. Đó là thứ chữ vay mượn từ Ấn Độ qua nhiều biến thái để trở thành chữ Cham ngày nay, tiếng Cham gọi là Akhar thrah. Người ta có thể tìm thấy các văn bản gồm văn học, lịch sử, truyền thuyết, các lễ nghi tôn giáo và nhiều tư liệu giá trị khác được thể hiện bằng chữ viết này trên các loại lá buông hay giấy bản. Cộng đồng Cham còn sở hữu nhiều lễ hội dân gian với các làn điệu dân ca, các điệu múa được thể hiện rất sinh động.

2. Theo anh, đâu là đóng góp sáng giá nhất của văn hóa cộng đồng Cham vào nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam?
Inrasara: Kiến trúc và điêu khắc, đương nhiên. Các ngôi tháp Chàm đứng phơi mình giữa đất trời trải dọc suốt dải đất miền Trung Việt Nam là chứng tích một thời huy hoàng của văn minh Champa, trong đó thánh địa Mỹ Sơn được UNESCO vinh danh là Di tích Văn hóa – Lịch sử nhân loại.
Thế nhưng điều ít ai đề cập nhất, là hải sử và văn hóa biển Cham. Nó xa lạ ngay cả với giới nghiên cứu, đó là điều lạ. Bởi suốt 17 thế kỉ tồn tại, người Cham đã sở hữu nền hải sử dài và sâu, qua đó truyền thống văn hóa biển được dựng nên, mà dấu ấn của nó hiện nay vẫn còn in sâu vào đời sống và tâm thức dân tộc này. Chính hải sử và văn hóa biển Cham làm đầy lịch sử và nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam, bởi về căn bản người Việt thiếu mảng này.
Cũng không thể không nhắc đến nền văn học Cham, cả văn học dân gian lẫn văn học viết. Nền văn học với các sử thi, những trường ca thế sự và trữ tình, gia huấn ca, tụng ca vân vân. Tất cả bổ khuyết cho nền văn học Việt Nam – một nền văn học vắng bóng dòng sử thi lớn lẫn tác phẩm mang đậm dấu ấn xung đột tôn giáo.

3. Do diễn biến của lịch sử cũng như tác động nhiều mặt của xã hội đã khiến người Cham đã để mất đi những gì? Bà con ta đã làm gì bảo tồn được nền văn hóa truyền thống của ông bà mình?
Inrasara: Mất nhiều, khá nhiều, cho dù tinh thần văn hóa dân tộc Cham có sức đề kháng rất mạnh. Vài thập niên qua, trước sự đô thị hóa cấp tập và tùy tiện, môi trường nông thôn Cham – cả môi trường tự nhiên lẫn môi trường xã hội – bị phá vỡ, truyền thống văn hóa Cham bị mai một và bị bào mòn khá nhiều. Tạm nêu ba ưu điểm rõ nhất của chế độ mẫu hệ Cham. Mới nửa thế kỉ trước thôi, hiện tượng ăn xin và đĩ điếm trong xã hội Cham không có, càng hiếm thấy đàn ông Cham mù chữ mẹ đẻ, nhưng nay đã khác rồi. Dù Cham vẫn giữ truyền thống dạy chữ cho con em, và cho dù cộng đồng này được Bộ Giáo dục phổ cập chữ mẹ đẻ qua cấp Tiểu học, tỉ lệ mù chữ Cham vẫn khá phổ biến. Giáo dục truyền thống bị đứt mạch, cha mẹ Cham hoàn toàn phó mặc con cái cho nền giáo dục nhà trường. Còn các tệ nạn xã hội khác, ai biết sẽ ra sao ngày sau?
Dẫu sao không phải tất cả đều phó mặc tới đâu hay tới đấy. Các thế hệ nhà nghiên cứu Cham lần lượt xuất hiện và cho ra đời nhiều công trình giá trị. Về ngôn ngữ, về văn học, về lễ hội dân gian hay phong tục tập quán, về ca múa nhạc, về ngành nghề truyền thống, vân vân. Mỗi người mỗi chuyên ngành khác nhau, họ làm việc cật lực để níu giữ văn hóa truyền thống tồn tại.

4. Theo ông, hiện nay nguy cơ nào khiến ông lo ngại nhất? Ông và cộng đồng người Cham có kế hoạch gì để ngăn ngừa nó?
Inrasara: Nguy cơ về sự lai tạp, sau đó là biến mất của tiếng nói. Tôi xin nhấn mạnh, tiếng nói chứ không phải chữ viết. Bởi tôi xin lấy ví dụ, nếu một khu di tích bị phá hủy hay vùi lấp, các chuyên gia có thể phục chế, tôn tạo để người đời sau thưởng lãm; hay nếu một nền văn học bị lãng quên, các nhà nghiên cứu vẫn có thể sưu tầm và dịch thuật làm ra các bộ sách đặt vào thư viện hay mang giảng dạy trong nhà trường cho thế hệ con cháu thưởng thức; ngược lại nếu tiếng nói một dân tộc mất đi – phục hồi nó là điều bất khả. Vào 21-2 năm nay, UNESCO đã cảnh báo với số liệu rất đáng lo ngại, rằng gần một nửa trong số 6.000 ngôn ngữ nhân loại có nguy cơ biến mất vào cuối thế kỉ này.
Trong khi đó mấy năm gần đây sự lai tạp của tiếng Cham ngày càng lan rộng, đến nỗi thế hệ đàn anh đàn chị tôi ở quê nói độn tiếng Việt đến 50-60% trong ngôn ngữ ngày thường. Đó chính là điều đáng lo nhất. Tiếng nói chỉ có thể tồn tại và phát triển qua sáng tác thơ văn, ca khúc, nhất là qua việc sử dụng nó hàng ngày. Các lớp dạy tiếng và chữ Cham đã được trí thức Cham mở ra nhiều nơi. Riêng tôi, tôi đã chủ biên đặc san Tagalau để thế hệ trẻ Cham tập viết bằng tiếng mẹ đẻ, biên soạn Từ điển bỏ túi để mọi người có thể tra cứu dễ dàng.

5. Bảo tồn không thôi là chưa đủ, cần phải tiếp nhận và và làm cho nền văn hóa kia phát triển, vậy thế hệ Cham hiện đại đã làm được chuyện đó chưa?
Inrasara: Vâng. Tôi không nhìn truyền thống ở thể tĩnh, mà là ở thể động. Ông bà Cham đã tạo nên một truyền thống văn hóa phong phú và độc đáo, và điều đó làm nên niềm hãnh diện chung của mỗi sinh linh Cham đang sống hôm nay. Còn thế hệ trẻ hôm nay, họ có nghĩ đến việc cần phải làm cái gì đó cho con cháu họ ngày mai hãnh diện không? Họ có phải biết sáng tạo nên một truyền thống mới, khác với những gì ông bà họ từng làm không?
Mức độ nào đó, ở vài thế hệ qua, người Cham đã làm được. Cham đã có các nhà văn, nhà thơ, đã có nhạc sĩ, họa sĩ của mình. Thử xem, cả vùng Tây Nguyên rộng lớn là thế, rất khó khăn để tìm được một nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc thiểu số là người bản địa, trong khi đó Cham ngược lại, trong cộng đồng này nảy ra nhiều, rất nhiều nhà nghiên cứu đầy triển vọng. Nhưng nghiên cứu để làm gì, nếu chúng ta không biết và không dám sáng tạo cái mới? Sáng tạo để làm nên một truyền thống khác, ở thì tương lai.
Theo tôi, đây cũng là một câu hỏi cấp thiết không kém đặt ra cho thế hệ Cham hôm nay.

Nguồn: http://inrasara.com/2015/08/08/can-lam-gi-de-bao-ton-van-hoa-dan-toc-cham-o-vn-hien-nay/

Inrasara: Bảo tồn văn hóa Chăm và những thách thức Inrasara: Bảo tồn văn hóa Chăm và những thách thức Reviewed by Phạm Thu Hương on 16:58 Rating: 5

Không có nhận xét nào: