Chuyển ảnh thơ quay nhìn Bùi Giáng

Ngu Yên

Càng suy nghĩ về chuyển dịch thơ, tôi càng có cảm giác, có lẽ chuyển dịch bằng hình ảnh sẽ giải quyết được phần nào vấn nạn: Khó hiểu hoặc khó cảm của một bài thơ dịch.

Vấn nạn căn bản nhất là từ vựng mang ý nghĩa tương đương trong từ điển, như từ peace tương đương với từ hòa bình. Ở một đất nước chiến tranh liên miên, nội dung hòa bình được cảm nhận khác với nội dung hòa bình ở một đất nước yên ổn và an lành. Chính sự cảm nhận ý nghĩa của chữ sẽ tạo ra thơ; bản thân ý nghĩa của chữ chỉ dùng để viết đơn từ và bạch văn. Cho nên, đôi khi ngưng bắn được cảm thấy như hòa bình; hoặc sự khao khát khiến cảm tưởng không có chiến tranh đã là hòa bình. Lấy một ví dụ khác, chữ kỳ thị, mang biết bao nhiêu màu sắc và cường độ khác nhau, tùy màu da, vị trí xã hội và địa lý. Ông Nelson Mandela và ông Geoge W. Bush cùng nói cụm từ kỳ thị chủng tộc chắc chắn tâm tình và kinh nghiệm về ý nghĩa kỳ thị của hai ông khác hẳn nhau. Chính kinh nghiệm và tâm tình này tạo ra thơ. Bàn chi xa vời, nội chữ liên hệ, người Nam 75 kẻ Bắc 75 dùng khác nhau; trước và sau 1975, liên hệ có ý nghĩa khác nhau, lẫn lộn với liên quan, liên lạc. Người ngoại quốc dịch chữ liên hệ này tất gặp khó khăn. Ngôn ngữ nào cũng có nhiều trường hợp tương tự. Nếu một từ ngữ là sinh ngữ hoặc tử ngữ thì dễ nhận ra. Nếu từ đó là "bệnh ngữ" hoặc "hấp hối ngữ" thì khó biết ý nghĩa ra sao. Và nếu căn cứ quyết liệt vào từ điển, thi sĩ Bùi Giáng nói rằng: cưỡng bức.

Vấn nạn tiếp theo là ý thơ. Nếu ý của chữ đã không thể tương đương thì ý thơ của câu, của bài, diễn ra từ chữ ngoại sang chữ nội, lại càng mất thăng bằng. Bùi Giáng nói rằng: cưỡng bức triệt để.

Lấy ví dụ: "Trăm năm trong cõi người ta / Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau / Trải qua một cuộc bể dâu / Những điều trông thấy mà đau đớn lòng". Bốn câu lục bát của Nguyễn Du được dịch giả René Crayssac đưa vào Pháp ngữ, phải mất mười hai câu mới diễn hết ý:

“Cent ans-le maximum d’une humaine existence!

S’écoulent rarement sans qu’avec persistance

Et comme si le Sort jalousait leur bonheur,

Sur les gens de talent s’abatte le malheur.

Subissant l’âpre loi de la métamorphose,

On voit naître et mourir si vite tant de choses!

Bien peu de temps suffit pour que fatalement

Surviennent ici-bas d’étranges changements,

Pour que des verts mûriers la mer prenne la place

Tandis que, devant eux, ailleurs, elle s’efface!

Or, dans un temps si court, ce que l’observateur

Peut bien voir ne saurait qu’endolorir son cœur.” (*)

Làm sao thấy Kiều và Nguyễn Du trong mười hai câu thơ này? Nếu chúng ta lấy mười hai câu này dịch lại tiếng Việt, bài thơ xuất hiện kiểu nào đây?

Lại một cưỡng bức khác khi dịch, cố ép một thể thơ ngoại vào một thể thơ nội, dù hai thể thơ rất so le, vì dịch giả muốn nhịp điệu và thanh vần như thơ dân tộc. Thơ Việt thông dụng thường là bảy chữ, tám chữ, năm chữ, lục bát... đã được mài giũa âm nhịp, tiết tấu, tròn trịa, đọc lên du dương; đôi khi vì cố theo "định mệnh nhân tạo" mà từ vựng thiếu chính xác trong phong cách diễn tả. Chưa kể những chữ nghĩa, câu cú chải chuốt, điểm trang, thường không múa hát, chỉ nhoẻn miệng cười.

Nhét bài thơ ngoại vào một khung thơ định sẵn, thường phải bỏ bớt nhiều ý tứ, thường phải thêm vào những thứ của người dịch. Cứ tưởng tượng như một người cao lớn, cố mặc một bộ áo quần vừa ngắn vừa chật. Rồi lấy vải khác đắp lên cho dễ xem. Trông mặt mày khôi ngô nhưng nhìn toàn diện, không khỏi cảm thán.

Nhưng sự cần thiết của dịch khiến cho người dịch phải can đảm cưỡng bức một cách nhu mì và đam mê.

Nhu mì vì biết hài lòng nhận lỗi. Vì dịch đã là lỗi.

Đam mê vì biết lỗi vẫn tiếp tục làm.

Những khó khăn trong văn chương sẽ được vượt qua đẹp đẽ khi tài hoa biến hóa tài tình. Thử đọc vài câu thơ dịch của Trương Tam Vũ chuyển thơ Nguyễn Du:

Trăm năm trong cõi người ta

Nghịch lữ nhân sinh bách tuế trung

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau

Mệnh tài lưỡng tự xảo tương xung

Trải qua một cuộc bể dâu

Nhất kinh thương hải tang điền biến

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

Mục kích tâm thương kỷ vãng tung. (*)

Tài hoa và tài tình. Không còn gì để nói.

Một ví dụ khác, hầu hết những ai yêu văn chương Việt đều đồng ý; đó là bản chuyển thơ độc đáo của Đoàn Thị Điểm từ Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn.

Dĩ nhiên, có những dịch giả thơ rất nghiêm túc và rất tài năng, ví dụ như nhà văn Diễm Châu, ông là một trong những người dịch thơ tài hoa. Một số dịch giả khác mà tôi ngưỡng mộ ví dụ như nhà văn Thân Trọng Sơn, nhà văn Nguyễn Nam Trân, nhà văn Hoàng Ngọc Biên, thi sĩ Hoàng Hưng, thi sĩ Chân Phương, nhà văn Nam Dao, nhà thơ Thái Linh, nhà văn Phan Huy Đường v.v.; những bạn dịch của tôi như nhà thơ Lý Ốc BR, nhà thơ Nguyễn Hoàng Nam, nhà thơ Thận Nhiên, v.v. và còn nhiều dịch giả nữa nhưng không thể viết hết tên vào bài viết ngắn này – những người dịch đã bỏ công mang đến cho văn chương Việt biết bao lời hay ý đẹp hữu ích, giúp cho người không có thời giờ, không có cơ hội, không am tường sinh ngữ, những món ăn tinh thần hiếm quí.

Nhưng đa phần những bài thơ ngoại, khó hiểu, khó cảm không phải vì người dịch mà vì bản thân bài thơ mang nhiều ý tưởng, nhất là hình ảnh, xa lạ đối với người đọc Việt ngữ. Cá tính ngôn ngữ ngoại về văn phạm và cách diễn đạt theo phong thái ngoại vẫn là trọng tâm tranh cãi của chuyển dịch. Nhất là truyền thống văn phạm của mỗi ngôn ngữ; cách truyền thông theo tập quán và thói quen của mỗi dân tộc, sẽ là trở ngại hầu như muôn thuở cho chuyển dịch, nhất là dịch thơ. Dịch sát những cá tính này, người Việt khó cảm cho dù có thể hiểu bài thơ.

Từ kinh nghiệm của hội họa và nhiếp ảnh, hình ảnh là một loại ngôn ngữ toàn cầu. Yếu tính này cho thấy hình ảnh diễn tiến trong câu thơ, bài thơ qua chữ nghĩa là một đoạn phim câm trong tưởng tượng. Xem phim câm do Charlie Chaplin đóng. Đâu có ai nói gì, vậy mà tích cực cười say mê quên hết bao phiền muộn rồi mang về những băn khoăn tự vấn.

Từ tầm nhìn căn bản nói trên, tôi đi tìm cách chuyển dịch thơ qua chuyển dịch hình ảnh.

Dĩ nhiên tất cả hình ảnh nói trên, đều cưu mang trong văn tự hoặc câu cú diễn đạt. Dĩ nhiên không phải lúc nào cũng cần phải chọn lựa hình ảnh. Những câu thơ THƯỜNG, đọc xong, hiểu liền. Chỉ phải suy tư khi gặp những câu thơ THẤM và câu thơ THẤU. Nhất là những câu thơ Thấm, thường phải dụng hình, dụng biểu tượng, dụng tượng trưng, dụng ẩn dụ. Những ẩn ngữ hoặc ẩn tứ trong câu thơ Thấm khiến cho việc chuyển dịch thường gặp trắc trở. Những câu thơ Thấu, có khi rất dễ nhưng có khi rất khó vì nó đến từ trực giác của mỗi dân tộc, thể hiện qua ngôn ngữ. Ví dụ câu thơ của Nguyễn Du, "Đoạn trường ai có qua cầu mới hay." Chuyển dịch câu này qua ngôn ngữ khác, không phải là chuyện dễ thực hiện. Vì vậy, sự chính xác trong dịch thơ quan trọng nhưng chưa quan trọng bằng sự cảm và nhận bài thơ.

Dịch đúng chữ chưa hẳn là dịch đúng tứ thơ. Dịch tứ thơ trong một đoạn, thường khi gặp chữ trong câu, nếu dịch sát nghĩa sẽ không phù hợp, hoặc không nói được điều muốn nói. Đôi khi phải chọn trường hợp viết lại câu thơ cho hợp với tứ thơ trong đoạn. Như vậy đưa đến hoàn cảnh, tứ thơ và hình ảnh trong câu thơ phải thay đổi, như trường hợp dịch giả René Crayssac, đã dẫn bên trên.

Ngẫm nghĩ về một bài thơ, ví dụ như:

Bài thơ Niespodziane Spotkanie của thi sĩ Wislawa Szymborska, được vài bản dịch qua Anh ngữ, so với bản chính tiếng Ba Lan, cho thấy:

1- Bản dịch Anh ngữ có nhiều chỗ khác nhau. Nhưng diễn tiến và câu chuyện vẫn cho người đọc một cảnh nhìn chung. Ý nghĩa trong vài chi tiết có thể dị biệt, nhưng tổng thể vẫn như vậy.

Câu hỏi là vì sao các dịch giả thành danh lại chọn cách diễn đạt khác nhau từ một câu thơ chính?

Vì mỗi dịch giả khác nhau, từ cách cảm nhận ý và tứ thơ cho đến cách diễn đạt trở lại. Qua màn lọc trí tuệ, kinh nghiệm và cá tính của mỗi dịch giả, không thể không có sự dị biệt hoặc đôi khi, hoàn toàn khác biệt.

Mỗi dịch giả sẽ có một phương pháp chuyển dịch, hoặc một số từ ngữ quen thuộc hay ngôn từ địa phương hoặc cách chọn chữ diễn tả, mà một người khác đọc vào sẽ luôn luôn thấy khuyết điểm hoặc không vừa ý. Vì vậy, dịch thuật là một nghệ thuật công phu mà bạc bẽo.

hầu như không dịch giả nào hoàn toàn đồng ý với dịch giả khác trên cùng một bản dịch. Những chỉ trích và chê khen lẫn nhau, đôi khi làm tác giả, nếu biết được, sẽ lắm ngạc nhiên.

Và chắc chắn hai dịch giả tài ba cùng dịch một bài thơ sẽ có nhiều dị điểm trong hai bài thơ dịch.

Nói cho rốt ráo, lấy một bài thơ khó, đưa cho các danh gia dịch ra nhiều thứ ngôn ngữ: Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức... lấy thêm Trung Hoa cho có mặt Đông Tây, người đọc sẽ ngạc nhiên về sự khác biệt. Dĩ nhiên thỉnh thoảng cũng có sự đồng nhất, nhưng thường là bài thơ ngắn hoặc dễ hiểu.

2- Đọc một bài thơ ngoại ngữ, có lẽ, sẽ không bao giờ lãnh hội toàn diện sự sâu sắc, thâm trầm của bài thơ, nhất là bài thơ của những tác giả lớn. Đừng nói chi đến thưởng thức văn phong, đúng nghĩa từng chữ theo từ điển, chuyện này dường như hiếm hoi. Đòi hỏi này thuộc về một tài năng phi thường.

Đọc thơ ngoại, có lẽ để thưởng thức ý tưởng và tâm tình của thi sĩ, nhất là những thi sĩ thành danh. Tìm gặp những khía cạnh lạ lùng và sâu thẳm trong tâm tư của họ. Ngoài ra, còn thưởng thức cách diễn tả của mỗi cá tính và bản lãnh của mỗi thi sĩ. Được ít nhiều như vậy, đã không uổng công.

3- Theo ý riêng của tôi, chuyển dịch là cố gắng cảm nhận và tìm hiểu, áp sát ý nghĩa và tâm tình của thi sĩ trong từng câu thơ, đoạn thơ và bài thơ. Chỉ gần sát thôi, sẽ không bao giờ nhập vào được. Sau đó, chọn cách diễn đạt lại. Dịch sát nghĩa hay dịch thoát là do sự chọn lựa của người dịch, tùy bài, tùy từng câu thơ.

4- Qua những bản dịch khác nhau so với bản chính, thấy ra dịch thơ khác hơn dịch văn xuôi ở chỗ: Cảm nhận của người dịch và người đọc rất quan trọng. Nếu dịch một bài thơ mà người đọc không hiểu được, bài thơ dịch đã không hoàn tất mục đích của dịch. Nếu người đọc hiểu được nhưng không cảm nhận điều hay lẽ đẹp trong bài thơ, nhất là những bài thơ giá trị, nổi tiếng của các thi sĩ lớn, thì dịch không đáp ứng được giá trị của nghệ thuật.

5- Dịch tự nó mang bản chất phi lý, mâu thuẫn nội tại: Dịch thông thường là không thể đúng, chưa nói tới có người cho rằng dịch là phản, nhất là dịch thơ. Ngược lại, dịch lại cần thiết để "thông ngôn" trong thế giới. Có thể chấp nhận một cách tương đối: Dịch là thông ngôn không hoàn chỉnh nhưng cần thiết. Nói một cách khác, biết dịch là phải đối diện với sai lầm, cho dù công kỹ tới đâu, nhưng vẫn dịch vì sở thích và nhu cầu. Kẻ dịch, cố gắng tránh sai lầm. Người đọc thơ dịch biết sẽ phải lượng thứ những chỗ không đúng. Như vậy là đủ cho ý thức về dịch thơ.

Đó là lý do chính mà tôi muốn chọn hình ảnh, một loại ngôn ngữ toàn cầu, dễ nhận ra, dễ cảm thấy, dù không chính xác theo nghĩa từ điển của mỗi chữ.

Vì đã có nhiều dịch giả đúng đắn và tài hoa làm công việc chuyển dịch thơ đến người đọc, việc đi tìm một cách chuyển dịch theo ý riêng chỉ vì tò mò muốn xem giới hạn của ngôn ngữ và văn chương, vì muốn thử nghiệm những suy tư trong sáng tác. Xin lượng thứ những sai lầm.

(Ghi chú trước khi đọc bài thơ Chuyện không ngờ khi họp mặt.

Hàng 1: Bản chính.

Hàng 2: Chữ trong ngoặc là bản dịch của Stanislaw và Clare Cavanagh. Trích trong Wislawa Szymborska, Poems New and Collected 1957-1997, New York: Harvest Books, 1998.

Hàng 3: Bản dịch trích J. D. McClatchy (ed.), The Vintage Book of Contemporary World Poetry, Vintage Books, 1996, trang 137.

Hàng 4: Chuyển thơ vào tiếng Việt.)

Niespodziane Spotkanie

Jesteśmy bardzo uprzejmi dla siebie,

(We treat each other with exceeding courtesy;)

We are very polite to each other,

Chúng tôi đối xử với nhau rất lịch sự,

twierdzimy, że to miło spotkać się latach.

(we say, it's great to see you after all these years.)

insist it's nice meeting after all these years.

chào rằng, rất vui khi gặp lại sau năm tháng cách xa.

Nasze tygrysy pija mleko.

(Our tigers drink milk.)
Our tigers drink milk.

Bạn cọp uống sữa.

Nasze jastrzębie chodzą pieszo.

(Our hawks tread the ground.)
Our hawks walk on the ground.

Bạn diều hâu đi trên đất.

Nasze rekiny toną w wodzie.

(Our sharks have all drowned)
Our sharks drown in water.

Bạn cá mập ngâm dưới nước.

Nasze wilki ziewają przed otwartą klatką.

(Our wolves yawn beyond the open cage.)
Our wolves yawn in front of the open cage.
Bạn chó sói ngáp trước chuồng mở cửa.

Nasze żmije otrząsneły się z błyskawic,

(Our snakes have shed their lighting,)
Our serpents have shaken off lightning,

Bạn rắn lủi đầu tránh tia chớp sáng,

małpy z natchnień, pawie z piór.

(our apes their flights of fancy,

our peacocks have renounced their plumes.)
monkeys inspiration, peacocks feathers.

bạn khỉ – hứng khởi, bạn công – khoe sắc lông.

Nietoperze jakże dawno uleciały z naszych włosów.

(The bats flews out of our hair long ago.)
The bats long ago now have flown out of our hair.

Bạn dơi bay quấy nhiễu đã lâu rồi

Milkniemy w połowie zdania

(We fall silent in midsentence,)
We fall silent in mid-phrase,

Chúng tôi rơi vào im lặng giữa lúc chuyện trò,

bez ratunku usmiechnięci.

(all smiles, past help.)
smiling beyond salvation.

cười ruồi không cứu vãn được tình thế.

Nasi ludzie

(Our humans)

Our people

Dân ta

nie umieją mówić z sobą.

(don't know how to talk to one another.)
have nothing to say.

không biết nói chuyện với nhau.

Chuyện không ngờ khi họp mặt

Chúng tôi đối xử với nhau rất lịch sự

chào nhau tử tế sau bao năm cách xa

Bạn cọp uống sữa

Bạn diều hâu dạo bộ loanh quanh

Bạn cá mập trầm mình trong nước

Bạn chó sói ngáp trước chuồng trống không

Bạn rắn lủi đầu tránh tia chớp sáng

Bạn khỉ hứng chí, bạn công khoe sắc xòe lông

Bạn dơi quen thói bay gây phiền nhiễu

Giữa lúc chuyện trò chợt rơi vào im lặng

Nhìn nhau ái ngại cười ruồi.

Dân ta

không biết cách nói chuyện.

Một trong những ý niệm quanh quẩn trong tôi mỗi khi nghĩ về chuyển dịch thơ, đó là "hình ảnh quen thuộc".

Từ những hình ảnh xa lạ hoặc khó hiểu trong câu thơ ngoại, làm sao tìm ra những hình ảnh quen thuộc hơn đối với người Việt hoặc / và cách ráp nối những hình ảnh này theo đường lối thông thường để người Việt theo dõi dễ dàng.

Vi dụ: Bài thơ của thi sĩ Ấn Độ Siddharth Anand, All or Nothing, chuyển sang tiếng Việt: Tất cả hoặc không có gì cả hay là Được tất cả hoặc mất tất cả. Dĩ nhiên, người Việt hiểu được. Thử chuyển All or Nothing thành Ăn cả ngã về không, có lẽ sự cảm nhận sẽ khác hơn.

Một bài thơ khác của ông, Me and My Stranger, Tôi và kẻ xa lạ trong tôi, có lẽ sau khi đọc toàn bài thơ, ý nghĩa toàn bài sẽ làm cho ta nghĩ đến: Tôi và tôi nhị trùng.

Tuy nhiên chuyển những hình ảnh xa lạ, biết mà không quen hoặc chuyển những dãy ảnh ngoại, dàn dựng theo lối ngoại ra hình ảnh quen thuộc hoặc cách dàn trải sắp xếp quen thấy, quen hiểu, không phải lúc nào cũng làm được. Có hai việc cần suy tư:

- Nếu không tìm được hình ảnh hoặc cách diễn tả quen thuộc thì phải làm gì? Chọn lựa ra sao?

- Nếu có được hình ảnh hoặc cách diễn tả quen thuộc thì sự xa cách với bản chính như thế nào? Cách bao xa thì còn chấp nhận được?

Từ từ suy nghĩ và thí nghiệm, chưa có câu trả lời.

Nghĩ về dịch thơ không thể không quay lại nhìn một nhân vật tài hoa: Bùi Giáng. Được xem là người thông thạo tiếng Pháp, Anh, Đức và tiếng Hán. Dịch những tác giả lớn như: Shakespeare, Albert Camus, André Gide; những tác phẩm dịch: Khung cửa hẹp, Cõi người ta, Trăng tỳ hải, Hoa ngõ hạnh, Othello... Qua những tác phẩm dịch và những bài thơ dịch, người đọc nhận ra, về sau, Bùi Giáng đã rời bỏ lối dịch thông thường và chọn một lối dịch bất thường. Có lẽ, vì ông nhận ra sự "cưỡng bức." Bùi Giáng khẳng định:

"Từ trong tinh thể nó, Dịch là làm điều cưỡng bức. Dịch văn xuôi là điều cưỡng bức. Dịch thơ lại càng là cưỡng bức triệt để hơn nữa.

Dừng nói chi tới sự vụ dịch thơ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Chỉ thử hỏi: Có thể nào đem thơ Việt, dịch ra trở lại làm thơ Việt được không? Có thể nào đem thơ lục bát dịch ra làm thơ thất ngôn, hoặc ngũ ngôn, hoặc song thất lục bát, hay là thơ tám chữ?

Nói triệt để hơn nữa: Có thể nào đem thơ lục bát dịch trở lại thơ lục bát? Chính ông Nguyễn Du, ông có thể nào tự mình đem thơ lục bát của mình dịch trở lại làm thơ lục bát?

Không. Lời thơ kia chỉ hiện ra một lần trong phong thái riêng biệt của anh hoa phát tiết một lần. Buộc nó phải hiện ra trở lại trong phong thái khác, thì anh hoa tài tử có thể cho phát tiết một lần nữa, nhưng lần sau không còn là lần trước.

[…]

Luôn luôn trong vạn vật cũng như trong sinh hoạt tâm linh, có một trận tái tạo không ngừng. Phải chấp nhận sự đó như là điều hiển nhiên, thì mọi cuộc dịch di mới có thể còn chút gì chính đáng trong cơn liên tồn cưỡng bức.

Trái lại, nếu quan niệm hẹp hòi, nếu cho rằng dịch phải thật "sát", không được cưỡng bức dịch dy, thì mặc nhiên người ta đã cưỡng bức một cách không chính đáng. Vì cuộc cưỡng bức nọ không đưa tới tái tạo tinh hoa, mà dẫn tới nô lệ ngục tù, nghĩa là sát phạt tinh hoa […]" (*)

Giữa nhu cầu đọc thơ thế giới bằng tiếng Việt và cuộc cưỡng bức ngôn ngữ của Bùi Giáng, tôi chọn lối dịch của ông Nguyễn Hiến Lê. Ông dịch thơ bằng cách viết ra văn xuôi về ý tứ và những ẩn mật của thơ. Viết sáng sủa gọn gàng. Nếu đã có ai dịch bài đó hay, ông trích dẫn thêm cho hào hứng. Ông đã mang rất nhiều bài thơ Trung Hoa và thơ Pháp đến cho tôi từ thời còn là học sinh. Càng lớn lại càng cảm kích. Tôi cũng xin làm như vậy, chuyển thơ để hiểu trước khi thành thơ hay. Nếu có hay được, đó là duyên và hên vậy.

Ngu Yên

Houston, tháng 5, năm 2015.

(*) Trích Thi ca tư tưởng của Bùi Giáng, trang 57, ấn hành bởi cơ sở An Tiêm, tái bản Paris, 1998.

Chuyển ảnh thơ quay nhìn Bùi Giáng Chuyển ảnh thơ quay nhìn Bùi Giáng Reviewed by Phạm Thu Hương on 16:22 Rating: 5

Không có nhận xét nào: