(Rút từ facebook của Vương Trí Nhàn)
Có những lúc trong đầu óc người ta nảy sinh ra một vài ý nghĩ chính mình cũng không ngờ, lại thấy như là kỳ cục, không hiểu sao nó lại tìm tới mình để rồi mọc rễ trong đầu, muốn gạt đi cũng không nổi.
Thuộc loại cái “ý nghĩ khi khỉ” đó – chữ của Nguyễn Công Hoan – xuất hiện nơi đầu óc tôi ngay trong những năm chiến tranh là một chút khó chịu với chiếc xe đạp.
Hồi đó Hà Nội nghèo lắm, nhìn ra đường chỉ thấy xe đạp, và cái món “tự hành xa” này lúc đó cũng còn ít, mỗi con phố hẹp Hà Nội lưa thưa vài chiếc.
Với những thanh niên mới vào đời như một số bạn bè tôi lúc đó, việc mua được một chiếc xe là một sự kiện lớn. Tôi như biết bay trên con ngựa sắt của mình.
Vậy mà đôi lúc, tự nhiên thấy nó kỳ cục, ý tưởng sao mà lạ vậy...
Cho đến lần tôi được đọc truyện ngắn "Người trong bao" của nhà văn Nga A. Tchekhov. Trong truyện có cái cảnh hai người giáo viên, một nam một nữ, mặt đỏ gay, cưỡi xe đạp phóng qua một ngọn đồi vùng quê, lại còn trò chuyện với nhau ầm ĩ. Trong con mắt nhân vật chính Belikov, cái cảnh ấy kỳ quái tới mức không thể tưởng tượng nổi. Hắn bảo với một người khác: “Cái gì lạ thế? Hay là tôi lóa mắt? Chẳng lẽ giáo viên trung học và đàn bà con gái lại có thể cưỡi xe đạp sao tiện?”.
À ra thế, không phải riêng mình mà hóa ra nhiều người đã thấy buồn cười khi nhìn vào một xã hội mỗi người nhông nhông một chiếc xe đạp, tôi tự nhủ. Chẳng qua không còn có cách nào nên đành chịu vậy!
Thì bây giờ lại đến xe gắn máy!
Vài chục năm gần đây, cái phương tiện này đã dính vào con người xứ mình. Sự có mặt của nó gây nên một khí hậu sống. Có lúc tôi muốn gọi nước mình là “xe máy quốc”.
Nhìn vào nhiều gia đình Hà Nội thấy nó chình ình ngay đầu giường. Mở mắt ra là thấy có tiếng xe gắn máy rú ga trong ngõ. Mỗi buổi sớm có dịp nhìn lên cầu Chương Dương, tôi phát ngán vì lớp lớp xe gắn máy ken đặc và khói xả khét lẹt.
Và đáng sợ nhất là những nét mặt người ngồi trên xe, người nào mặt mũi cũng hằm hằm khó chịu, con mắt chăm chăm tìm chỗ hở để luồn lách đi tới.
Nhiều lần chứng kiến một đám thanh niên châu đầu xe gắn máy tán chuyện giữa đường, tôi cảm thấy như các chiến binh thời xưa mỗi người một ngựa sẵn sàng ra roi phi thẳng vào vùng chiến địa.
Ngồi lên xe là tự nhiên cái ngông nghênh trong con người mình nổi dậy, muốn vượt lên thật nhanh, muốn cả thiên hạ phải nhìn theo khâm phục. Khoái lắm chứ!
Một thanh niên đã giải thích cho tôi như vậy. Nó là tâm sự của cả mấy thế hệ từ chỗ chỉ có cái xe đạp kẽo kẹt, nay có trong tay một phương tiện cơ giới sản xuất từ các nước phát triển. Ta có ảo tưởng là ta đã trở thành con người hiện đại.
Có biết đâu tình trạng cả triệu chiếc xe cùng rồ máy bóp còi chen lấn chỉ tố cáo một tình trạng xã hội cổ lỗ, manh mún, mới dừng lại nửa vời trên đường hiện đại.
Những ngày Hà Nội mưa dầm rả rích, trời đất tôi tối mờ mờ, từ sở trở về, nhìn hàng xe ken chặt các con phố hẹp trong tiếng loa phường văng vẳng, người hay mủi lòng cảm thấy một không khí thực sự trung cổ.
Thêm một chuyện nữa khiến tôi càng không dứt bỏ nổi sự khó chịu nói trên. Mấy chuyến du lịch bụi cho tôi tận mắt thấy bên Trung Quốc, sự lưu thông xe gắn máy ở các thành phố lớn hạn chế đến mức tối thiểu. Họ bảo lắm xe gắn máy chỉ làm loạn thành phố. Làm ăn kinh tế ở họ rộn rã nhưng trong trật tự. Ai cần dùng phương tiện cơ giới, xin mời đi xe buýt. Ai thích riêng tư, trước khi sắm cái ô tô của mình, hãy cứ bằng lòng với cái xe đạp. Các đường phố vận hành như một cỗ máy khổng lồ. Con người hiện ra với vẻ đẹp của sự bình thản tự tin.
Làm sao để có ngày dân ta thoát khỏi chiếc xe gắn máy bây giờ? Một câu hỏi như thế đến với tôi từ mấy năm nay và càng ngày càng cảm thấy không có lời giải đáp. Thoát khỏi xe máy với nghĩa tổ chức lại mối quan hệ giữa người với người trong xã hội. Để sự giao lưu thông thoáng. Mà cũng để mang lại những quân bình trong tâm lý con người. Mỗi cá nhân sẽ không loay hoay cạnh tranh với người đi bên cạnh mình. Ta biết phối hợp với người khác để làm việc. Và cả xã hội sẽ nhịp nhàng vận động về phía trước.
Vừa nghĩ tới, đã thấy xa xôi lắm, cái sự giải thoát đó! Nỗi buồn phiền ngán ngẩm với ngày hôm nay lặp đi lặp lại hóa nhàm, sự sùng bái hiện tại đang là phương thuốc làm dịu lòng người, ai hơi đâu mà trăn trở về cái chuyện vặt là chiếc xe gắn máy?
Trong lúc nghĩ ngợi lẩn mẩn nhìn sang Trung Hoa, tâm trí tôi lại còn nảy ra một câu hỏi khác:
Cũng xuất phát từ những thành phố ken đặc xe đạp như ta, sao họ lại sớm có cái quyết định thông minh như vậy?
May quá lần này tôi không bí nữa. Câu trả lời cho tôi đã nằm sẵn trong cuốn "100 danh nhân có ảnh hưởng đến lịch sử Trung Quốc" (Nguyễn Văn Dương dịch, 2002) phần viết về Triệu Ung.
Ông này là vua một nước nhỏ thời Chiến quốc, chủ trương nhiều cải cách, trong đó có lối ăn mặc.
Nguyên trước đó, dân Triệu cũng như dân Hoa Hạ nói chung sống theo một nhịp thong thả chậm chạp. Họ mặc lối cổ, áo dài tay, thân rộng thùng thình và đề lên thành lễ nghi. Ăn mặc như thế để cưỡi ngựa bắn cung thật hết sức bất tiện.
Trong khi đó quân Hồ – một dân tộc thiểu số phía Bắc – quần chẽn, áo ngắn, ôm chặt lấy người. Y phục gọn gàng, nên thiện chiến cũng không phải lạ.
Sau khi khảo sát kỹ càng, Triệu Ung buộc từ người lính ngoài chiến trường tới văn võ bá quan trong triều, phải thay đổi phục trang ăn mặc theo kiểu người Hồ.
Nên biết là trong trường hợp này, người cải cách chịu áp lực lớn từ chung quanh. Có người nói: “Mặc y phục phương xa, làm mất nền giáo hóa cổ, làm thay đổi đạo lý”. Theo họ, phong tục xưa đã vậy, nay không có quyền thay đổi.
Triệu Ung đáp lại: “Vì lợi ích của đất nước, bất tất phải theo phép xưa”.
Và trong bàn tay nhào nặn của ông, nước Triệu trở nên một xứ sở khác.
Mẩu chuyện trên thường trở đi trở lại trong tâm trí tôi bởi lẽ nó cho thấy sự đồng bộ của đời sống. Một thời đại thường được đánh dấu bằng những tư tưởng mà người ta phát biểu, bằng những phát minh sáng kiến lớn lao. Nhưng chính những chuyện tưởng là nhỏ nhặt như ăn mặc, đi lại, cùng là nhu cầu thay đổi tìm ra cái tối ưu trong những phương thức sinh hoạt... cũng là một thứ chỉ số cho thấy người ta đang ở chặng đường nào của lịch sử.
Danh nhân một nước thường được hiểu là các nhà hoạt động chính trị, quân sự, các nhà triết học, nhà tư tưởng, văn gia, thi gia… Nhưng trong cuốn "100 danh nhân có ảnh hưởng đến lịch sử Trung Quốc" nói ở đây, bên cạnh những cái tên như Tần Thủy Hoàng, Khang Hy, Càn Long, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Lỗ Tấn… tôi đọc thấy có một vài trường hợp lạ như Công Thâu Ban, tổ sư nghề mộc và nghề xây dựng, hoặc Hoàng Đạo Bà, là người có công cách tân hệ thống công cụ dệt vải, nâng cao kỹ thuật dệt.
Và tôi đọc thấy trường hợp Triệu Ung.
Các nhà sử học sau này ghi tên ông vào lịch sử như một người mang lại biến đổi đánh dấu một thời đại, do đó đáng gọi là vĩ nhân.
Tôi không ghi được xuất xứ, nhưng nhớ có một bài báo đã viết rằng một trong những phát minh lớn nhất của nhân loại hiện đại là phát minh ra cái hố xí tự hoại.
Người Trung Hoa cũng có lối nghĩ thiết thực tương tự.
Còn ở ta thì sao? Các đầu óc ưu tú của nước ta thường chỉ tập trung vào đánh giặc và làm thơ. Từ xưa đến nay, bao thời đã vậy. Nói một chuyện nhỏ: có lẽ trừ vài nghề đặc biệt như nghề dệt, còn ở các làng thủ công Việt Nam, người ta thường bày ngay đồ nghề trên nền nhà, và ngồi trên những chiếc ghế lè tè sát mặt đất mà hành nghề. Bao nhiêu nước chảy qua cầu, chưa thấy ai nghĩ chuyện thay đổi.
Không có nhận xét nào: