Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long






Thụy Khuê





 Chương 18: Olivier de Puymanel (1768-1799)





Phần
I: Khởi hành





Olivier de Puymanel và Laurent Barisy là hai khuôn mặt đáng mến, đã giúp
vua Gia Long nhiều việc, phục vụ vua đến lúc mất và đã không phản bội. Nhưng sự
tôn vinh đồng loạt và tột đỉnh của các sử gia thuộc địa về Olivier de Puymanel,
như vị "kỹ sư đầu tiên" của nước Việt, là "ông tổ" xây dựng
các "thành đài Vauban", là người "hình thành quân đội" Việt
Nam, đã tạo ra một Olivier khác hẳn, không giống với thực tế, thể hiện qua những
thư từ, tài liệu của gia đình, và những thành tích đích thực mà Olivier đã thực
hiện trong thời gian ở Nam Hà. Olivier "tân tạo" này, sau cùng được
Wikipédia Pháp thăng chức Tướng (Général) với lời tổng kết như sau:


"Olivier de
Puymanel (1768-1799) là, một người Pháp, một nhà xây dựng và một nhà tổ chức
quân đội Việt Nam dưới triều Nguyễn"
. Gắn liền với
"công trạng" này, là bản đồ thành bát quái Gia Định "của Le
Brun", do Puymanel "xây" và hình ảnh thành Diên Khánh, cũng là
"công trình" của Puymanel. Wikipédia tiếng Anh dịch từ tiếng Pháp.
Wikipédia Việt, còn thêm vào những câu: "Puynamel được ghi nhận là đã
huấn luyện 50.000 quân Nguyễn",
"người có vai trò khá quan
trọng trong lịch sử Việt Nam".


Vậy, đâu là sự thực?
Chúng ta thử tìm lại hành trình thật sự của Puymanel, từ đầu.








Trình độ học vấn





Ở tuổi 12, Olivier de Puymanel đã viết thư xin cha cho phép đổi trường "vì
con không chịu nổi ở đây nữa. Sáng nay, người ta đã định quất roi vì tội con
không thuộc bài"
(Thư viết trong nội trú một trường ở Roanne, đề ngày
22/11/1780, Taboulet,  I, t. 248-249).


Chín năm sau, Olivier de Puymanel viết thư cho M.
Letondal, quản thủ (procureur) tu viện Macao, bắt đầu bằng câu:


"Je regrette touts les jours de n'avoir
pas été à Macao où j'aurois pu faire tout ce qui eut dépendu de moi pour mariter
d'être connu de vous"
[Je regrette tous les jours de ne pas avoir été à Macao où j'aurais pu
essayer de tout faire pour mériter votre confiance-  Con tiếc hoài đã không ở Macao, nơi con có thể
làm hết sức mình để xứng đáng được cha tin cậy] (Thư viết ngày 15/7/1789, Cadière,
Les français au service de Gia Long, Leur correspondance, BAVH,
1926, IV, t. 363). Ba lá thư của Puymanel được Cadière sưu tầm và in lại trong bài
Leur correspondance (Thư từ) này, BAVH, 1926, IV, các trang 363, 365 và
369; đều đầy lỗi như thế.


Nhìn câu, chữ trên đây, ta thấy Puymanel, ở tuổi 21, vẫn còn phạm những
lỗi: chính tả, từ vựng, văn phạm, cấu trúc câu và sự diễn đạt ý tưởng; vậy mà
Taboulet viết: "... cuối cùng anh hoàn thành việc học ở Louis Le
Grand"
(Taboulet, I, t. 247). Louis Le Grand là trường trung học nổi
tiếng của Pháp, chỉ nhận những học sinh ưu tú. Một người viết tiếng Pháp, trình
độ như Puymanel, chắc chắn không thể được nhận vào trường Louis Le Grand.


Năm 1922, trong bài diễn văn đọc trước Thống Chế Joffre, học giả Cadière
cũng đã gián tiếp so sánh Puymanel với thống chế Joffre, xuất thân trường
Polytechnique, là trường đào tạo kỹ sư nổi tiếng nhất nước Pháp. Hơn 20 năm
sau, Taboulet, thêm vào tiểu sử Puymanel vinh hạnh "cựu học sinh Louis
Le Grand",
để "kiện toàn nền học vấn" của "kỹ sư"
Puymanel.


Đó là manh mối câu chuyện người ta đã nhào nặn một cậu bé, từ nhỏ đã không
ưa việc học, đến 21 tuổi vẫn thất học, trở thành kỹ sư, rồi nhà xây dựng thành đồn
và nhà xây dựng quân đội cho cả một dân tộc!


  





Gia thế





Victor-Louis-Joseph-Cyriaque-Alexis Olivier, sinh tháng 4 năm 1768 tại
Carpentras [Vaucluse, Pháp], con Augustin Raymond Olivier và Françoise Louise
Vitalis, [theo di chúc của Olivier, in trong La Cochinchine Religieuse của
Louvet, t. 561]. Olivier de Puymanel có những tên Victor, Alexis... (người Âu có
nhiều tên); họ là Olivier. Còn Puymanel là tên mảnh đất của gia đình Olivier ở
gần Carpentras, trên bản đồ quân sự ghi là Plumanel. Victor Olivier sinh ngày
8/8/1768 (theo Taboulet, I, t. 245). Trong gia đình, để phân biệt với các anh,
Olivier de Puymanel thường được gọi là Victor hay Puymanel.





Trong lá thư viết tại Avignon ngày 9/12/1937, gửi cho tập san Đô Thành
Hiếu Cổ, bác sĩ L. Gaide cho biết: ông được vị quản thủ thư viện Carpentras cho
bản sao 2 lá thư của người anh ruột, Vitalis-Ignace, là tu sĩ, viết cho người
cha về việc Puymanel. Hai thư này, đăng trên BAVH, 1938, I, t. 63-67, đề ngày
28/11/1787 và  30/11/1787, tức là một tháng
trước khi Puymanel lên tầu ở Lorient để đi Ấn Độ và Nam Hà, trong đó linh mục
Vitalis kể lại sự tình người em Victor Puymanel. Ngoài ra, bác sĩ Gaide còn
cung cấp thêm một số thông tin về gia đình Puymanel, như sau:


Victor-Louis-Alexis Olivier de Puymanel, sinh trong một gia đình thế giá,
cha làm chưởng ấn tại Tối cao pháp viện Carpentras; có hai anh: anh cả, Gabriel
Raymond, sinh ngày 10/2/1753, học luật, đỗ tiến sĩ ở Avignon năm 1778. Năm
1790, được bầu làm dân biểu quốc hội. Sau cùng, làm thẩm phán toà thượng thẩm
Nimes.


Vitalis-Ignace, sinh ngày 13/2/1764, tại Carpentras, đi tu, trở thành chanoine
(chức sắc trong hàng giáo phẩm) tại thánh đường Sainte Siffen, Carpentras. Chỉ
hơn Puymanel có 4 tuổi, nhưng vị linh mục này cư xử và lo lắng cho em không khác
gì cha vậy. Nhờ hai lá thư của ông viết vào đúng thời điểm Puymanel sắp lên tầu
đi Ấn Độ, mà chúng ta biết khá rõ đầu đuôi câu chuyện viễn du của Puymanel, về
tính tình, hạnh kiểm và tại sao, sinh trưởng trong một gia đình thế giá như vậy,
mà lại phải đầu quân tình nguyện làm lính thuỷ.








Thư của linh mục Vitalis, đề ngày 28/11/1737 [in nhầm, thực ra là 1787]





Lá thư này chia làm hai phần, cách nhau một hàng chấm chấm, có thể là
hai thư chắp lại, vì có chủ đề khác nhau. Phần thứ nhất, vị tu sĩ cố gắng giải thích
cho cha về chuyến đi Ấn Độ sắp tới của em mình.


Thời đó, đối với Châu Âu, Á Châu là Ấn Độ; và Nam Hà là một phần của Ấn
Độ. Người Âu thường hình dung Ấn Độ, trong đó có Nam Hà, với những tiểu vương đầy
quyền uy, bạc vàng châu báu. Lối ăn mặc của Hoàng tử Cảnh khi sang Pháp: áo gấm
đỏ, hoa vàng, đầu đội khăn xếp, thắt nơ, trông giống một "tiểu vương Ấn Độ",
được ghi lại trong bức họa chính thức của hoàng gia Pháp. Hoàng tử Cảnh là một đứa
bé đẹp và sang trọng, sau này Shihõken Seishi, thủy thủ Nhật, khi sang Gia Định,
được vào yết kiến vua, đã viết: "Thái tử độ trạc hai mươi tuổi, rất đẹp
và sang trọng không ai sánh nổi. Trong tất cả các nước mà tôi ghé qua trên
đường trở về
[Nhật], chúng tôi chưa thấy ai đẹp như ông".


Trong khung cảnh xa hoa của Versailles, cậu Cảnh đã trở thành le
petit prince
, và, theo những báo săn tin sốt dẻo của hoàng triều thời đó,
được Faure chép lại, thì người ta thích thú theo dõi các trò chơi của hai hoàng
tử cùng tuổi, con Louis XVI và con Gia Long, trong vườn thượng uyển Versailles.
Léonard, người thợ chải tóc nổi tiếng cho hoàng hậu Marie-Antoinette, đã
"cảm hứng" từ chiếc khăn lạ của hoàng tử Cảnh, để sáng tạo lối chải
tóc "kiểu hoàng tử Nam Hà" cho các ông và "búi tóc kiểu
Tầu" cho các bà hoàng phái (Faure, t. 120-121).


Cậu hoàng tử nhỏ bé Cảnh, trong bối cảnh đó, thực sự đã là một
"đại sứ" cho cha ở trời Tây. Và khi gửi hoàng tử trở về nước với giám
mục Bá Đa Lộc trên tầu Dryade, vua Louis XVI đã ra lệnh cho thuyền trưởng hiệp
sĩ De Kersaint phải đối đãi theo đúng nghi lễ, để Hoàng tử, vị Giám Mục và đoàn
tháp tùng dùng bữa với các sĩ quan trên tầu. (Launay, III, t. 177).


Không khí "linh đình" như thế, khiến linh mục Vitalis cho việc
em mình, được đi cùng tầu với hoàng tử Nam Hà, là một vinh dự, một giấc mơ
"ngàn lẻ một đêm", để đến một đất nước "giầu có" ở phương Đông,
mà cậu hoàng tử bé nhỏ kia, chính là hình ảnh trong sáng phản ánh quyền năng, bạc
vàng, mà em mình có thể dễ dàng đạt được. Nhất là người em này, không phải là một
người con mẫu mực, năm trước đã phạm một lỗi lớn, tức là bỏ nhà đi hoang ở Le
Havre, và hiện ông đang còn phải bù đắp trả nợ cho em về chuyến đi hoang này.


Bức thư như sau: 





Cha kính mến,


"Trong khi con đang lo bù đắp cho xong những
phí tổn của chuyến đi Le Havre
[chỉ vụ Puymanel bỏ nhà trốn đi Le Havre], thì cơ hội may mắn tình
cờ đến, con vội chụp ngay, đó là ông bá tước de Capellis, mà con đã sưởi ấm tình
bạn và ý muốn làm gì hữu ích cho quê mình, đặc biệt cho cha mẹ và gia đình ta
[Lời
giáo đầu để giải thích tại sao đã lo cho em xung vào lính thuỷ tình nguyện].
Hiện nay con rất bận nên không thể kể hết chi tiết những lý do đã khiến con giúp
đỡ em con khi nó nhất quyết định đi sang Ấn Độ, đặc biệt vùng Nam Hà; nó đã chỉ
ở lại Paris có bốn ngày, và khi mà cha nhận được lá thư này, thì nó đã đi Lorient
với Giám Mục Adran và hoàng tử Nam Hà rồi. Chuyến đi này không phải là sự bất
cẩn như lần trước
[ý nói vụ trốn nhà đi Le Havre năm ngoái], nó đi với tư
cách sĩ quan tình nguyện thuỷ binh
[ở đây linh mục Vitalis tưởng lầm là em
mình có thể được vào lớp sĩ quan tình nguyện], và nó rất sung sướng được
xuống tầu của vua, cùng với hoàng tử.
[Tầu Dryade của vua Louis XVI, được lệnh
đưa hoàng tử Cảnh về nước với tất cả những vinh dự dành cho một hoàng tử]. Ông
De Kersaint thuyền trưởng tầu này, sẽ lo cho nó, dẫn nó đi và đưa nó về, trừ
khi nếu được thăng tiến thì nó sẽ ở lâu, dưới sự che chở của các quyền lực mạnh
mẽ ở Ấn Độ, hay nó làm sáng giá những điều nó biết và những điều nó sẽ học
được. Nó sẽ được gởi gấm kỹ càng cho ông De Kersaint và ông sẽ cần kiệm cung
ứng cho nó trong mọi trường hợp, những gì nó cần dùng; có thể, chỉ trong vài năm
nó sẽ được huân chương La Croix de Ste-Louis
[Huân chương quân đội] và mang
về rất nhiều tiền, nếu có hạnh kiểm tốt.


Tầu này chở nhiều sinh viên sĩ quan trẻ của
ông Capellis và ông sẽ giới thiệu nó với họ và nó cũng muốn có thư giới thiệu
với tất cả các quan trấn thủ các nơi mà nó sẽ ghé lại; con nghĩ nghề nó chọn là
tốt, trừ những hiểm nguy không thể tránh được mà con đã chỉ rõ cho nó, con cũng
đã cố gắng kéo nó chọn một dịch vụ ít động tác hơn, và con đã để cho nó tự
quyết định lấy một mình; nó sẽ ra đi với sự chu toàn bổn phận của một con chiên.


Con viết thư này, chính là để nhờ cha đến xin
ông d'Entrecasteaux viết thư ngay cho em ông ấy hiện làm quan trấn thủ Ile de France,
để thành khẩn gửi gấm Puymanel và xin ông ấy hết lòng giúp nó những gì mà ông
ấy có thể giúp được. Con đã giao hẹn với ông de Capellis rằng  ông sẽ đưa cho em con một lá thư cho quan trấn
thủ, báo với quan trấn thủ rằng ông d'Entrecasteaux
[anh] sẽ gởi gấm người thanh niên này cho
ông
[em], trong lá thư sắp tới.


Cha cũng nên viết thư cho bá tước de Capellis,
triều đình Louvre, để tỏ lòng biết ơn của gia đình mình đối với sự hết sức ưu
ái mà ông bá tước đã dành cho em con và đã tạo phương tiện
để nó có được sự thăng tiến
nhanh, và cha cũng còn phải cám ơn ông ấy về những gì ông đã làm để ngăn nó
không cho nó làm chuyện khởi hành bất cẩn ở Le Havre, mà một lần khác con sẽ kể
cho cha nghe chi tiết hơn về vụ này. Con hôn cha mẹ các anh chị em. Khí hậu ở Nam
Hà tốt.


Puymanel sẽ viết thư cho cha trước khi rời
Lorient và
[nếu] M.
d'Entrecasteaux
[anh] đưa thư của ông ấy cho cha ngay, thì có thể lá thư
này sẽ đến Lorient trước khi em con đi. Cha chỉ cần bỏ thư trong phong bì, đề địa
chỉ M. de Versine, sĩ quan Pháo binh tại Lorient, Bưu điện lưu trữ (poste
restante); trong trường hợp hợp mà em con đã đi rồi, thì ông de Versine sẽ lo
liệu gửi thư này cho ông d'Entrecasteaux
[em].





Người anh tu sĩ này đã làm hết sức để gửi gấm em, và Olivier de
Puymanel thực sự là một loại "con ông cháu cha" có nhiều ân sủng, đã được
hưởng mọi sự giúp đỡ che chở, của gia đình và những người quen biết, làm lớn,
trong xã hội thời ấy.


Sau đó, lá thư bị bỏ dở hoạc bị cắt ngang, với nhiều chấm...


Rồi đến đoạn tiếp theo, dưới đây, linh mục Vitalis giải thích tại sao ông
lại chọn cho em con đường tình nguyện lính thủy, (có lẽ vì ông de
Capellis đã cho biết Puymanel không thể học lớp "sĩ quan"), trong khi
có thể chọn con đường chỉ đi viễn du, rồi ở lại nơi nào có của cải và có việc làm
tốt. Ông giấu em, không nói đến chuyện có thể chọn sự viễn du, vì ông chưa thấy
một đề nghị cụ thể nào về ngành công binh mà ông muốn người em đi vào. Ông viết:





"Chúng ta nói chuyện về em con, nó nói với
con rằng, nếu nó muốn đi Nam Hà, thì chuyến đi đã xong, Giám mục Adran phải đi
ngày thứ năm, rằng đó là một cơ hội tốt (...) 
con phải đến ăn chung bữa với nó, để nói cho nó biết những đề nghị của
ông de Capellis và cho nó 24 giờ để suy nghĩ. - Nó cũng chẳng cần đến ngần ấy
thời gian, khi biết ông de Capellis đã dàn xếp xong tất cả, nó bị kích động
ngay cho đến ngày hôm sau. Dù vận hội này đem lại cho em con những lợi ích, có
thể con đã giấu nó khả năng được lựa chọn giữa việc chỉ đi viễn du hay là làm
lính thuỷ tình nguyện đi Ấn Độ, nhưng vì chưa có gì chắc chắn, dẫn nó tới ngành
công binh, mà cơ hội thì khẩn cấp, cần phải quyết định ngay tức khắc, hoặc là
nắm lấy hoặc là kéo dài tình trạng không dứt khoát của thằng nhỏ này, mà sự thiếu
kiên nhẫn là tính khí hàng đầu của nó.


Con biết rằng nghề lính thuỷ tình nguyện có
lợi ở chỗ là thời gian đi biển sẽ được tính tăng gấp đôi, đối với những người
nhắm được huân chương La Croix de St-Louis, con cũng biết rằng trong những
chuyến đi trường kỳ, cả lần đi, lẫn lần về, chỉ một món hàng rất nhỏ được phép
mang theo cũng kiếm được một món hời
[những thuỷ thủ đi biển ngày trước, được phép   mang theo một gói hàng nhỏ gọi là pacotille,
để bán]. Ông de Capellis nói với con rằng thằng nhỏ này là đứa tiêu tiền như
phá, đi bể thì nó không có gì để tiêu xài, tiền lương rất ít, nhưng đã không
phải trả tiền ăn và tiền phòng. Sau cùng, con đã quyết định giúp nó được đi xem
các xứ xa xôi trong một chuyến đi hiếm hoi đưa đến một xứ sở giầu có, và tình
thân của giám mục Adran có thể giúp ích rất nhiều cho nó".


    





Thư thứ nhì của linh mục Vitalis, viết ngày
30/11/1787





Hai ngày sau khi viết là thư trên, linh mục Vitalis gửi cho cha lá thư
thứ nhì sau đây. Thư này cũng chia làm hai phần. Phần đầu, ông tỏ ý hết sức hối
hận về quyết định đã ghi tên cho em vào lính tình nguyện và nói với người cha:
Nếu cha muốn thì cha có thể bãi bỏ hết:  


Gửi Ông Olivier, Chưởng ấn toà Thượng thẩm
Carpentras,


Đêm qua, con đã đưa em Puymanel lên xe ngựa
đi Rennes và nó sẽ tới nơi trong ngày thứ năm; còn phải mất hai ngày nữa nó mới
tới Lorient. Mặc dầu cha đã cho con toàn quyền đối với đứa em này, mặc dù con
đã dẫn dắt nó như một người cha, nhưng ngay sau khi nhận được thư này, cha có
thể viết thư cho nó, gửi tới bưu điện lưu trữ ở Lorient thì rất có thể nó còn
nhận được; và cha còn kịp huỷ bỏ hoàn toàn những gì con đã làm. Con có cảm tưởng
rằng chuyến đi lâu dài như thế này sẽ làm cha mẹ buồn, và nếu vì hoàn cảnh khiến
cha thấy cần phá bỏ những điều con đã thoả thuận trước, con sẽ tự trách mình là
đã dám trộm quyền cha mẹ để định đoạt."





Phần kế tiếp, linh mục Vitalis mới giải thích tất cả các lý do đã khiến
ông hành động như vậy, việc này liên quan tới hạnh kiểm của em ông, những lời gần
như tuyệt vọng của vị linh mục sau đây nói lên những khó khăn và đau khổ của một
người anh, trước một người em vô hạnh mà giáo dục gia đình đành bó tay, phải để
cho trường đời dạy dỗ:





"Có những trường hợp khiến ta không thể chờ
đợi lời khuyên, mà cha sẽ thấy qua câu chuyện nhỏ sau đây: Victor đi Le Havre, như
cha đã biết, nó thực hứng khởi về chuyến đi này cho nên bao nhiêu lá thư với
lời lẽ ngọt ngào của ông de Bonneuil, mà trong vài ngày nữa con sẽ chuyển cho
cha, trong đó ông đã ca tụng tình yêu của cha mẹ, cũng chẳng làm cho nó động lòng.
Đến nỗi, trong lúc ở lại tu viện này, nó còn tìm cách đánh lừa ông Bonneuil,
chỉ cho ông cách xếp đặt
[cho nó] về Paris, để nó trở lại tự do. Nhưng nó đã đi [Le
Havre] và biết tất cả các mối hiểm nguy mà nó phơi mình, bằng cách đến nơi với
ít tiền, không trương mục, không lời giới thiệu, chỉ có mưu mẹo là vài quyển
sách, ít dụng cụ toán học và quần áo để bán, những nguồn lợi mà trong những xứ đắt
đỏ, cách xa 2000 dặm, sẽ bị cạn kiệt. Cha xét xem, sau đó, nó đã công nhận với
con những hiểm nguy đó, và con muốn tin rằng, như nó đã nói với con, là nó
không dám nhìn mặt gia đình và bạn bè, sau cái việc xấu xa mà nó vừa làm, để
Thượng Đế xét xử nó. Tuy nhiên de Bonneuil lại dàn xếp cho nó, và cuối cùng, nó
lại trở về nhà con, con để cho nói thoải mái, cho nó bớt xấu hổ vì chuyện nó đã
làm, cho nó hồi hương với những người bạn bị nó lừa. Việc dại dột phải được
quên đi để sửa lỗi lầm, trong lúc con muốn thoả thuận với nó để trả ít hơn, một
số hoá đơn. Con đã nói với nó rằng, những bộ quần áo đắt tiền, tiêu phí phạm,
con sẽ không trả tiền cho người sản xuất, mà bắt nó phải bán lại; nó trả lời,
chẳng còn bộ nào; con lờ sự bực bội của nó, đợi một lúc khác, hỏi nó về số tiền
300 ls
[300 Louis] mà Thiébault nói chắc; nó bảo đảm đã đưa rồi. Con vặn
hỏi, nó bối rối, sau cùng nó thú thực là nó chưa nhận được. Con nói với cha những
việc này không phải để kết tội nó mà để cho cha biết, trong vòng có một tháng
mà thằng này đã mất hết tính thật thà, nó đã bao lần nói dối tất cả mọi người, cả
sự nó muốn cắt đứt với gia đình, nó mua một xe ngựa hai bánh giá 30 Louis để
biếu BO, bán đồng hồ đeo tay 8 Louis cho BVS. Bức tranh này làm con khá đau lòng,
nhưng vì cái nền
[của nó] vẫn còn tốt, con nghĩ rằng cứ nhẹ nhàng [khuyên
bảo], mặc dù nó có tánh quyết định và khó bảo, con hy vọng, nó sẽ trở về với
những đức tính ban đầu. Chủ đích của con là thử nghiệm đắp cầu công binh với
những mảnh vụn lượm lặt được
..."


Lá thư kết thúc dở dang ở đây. Lời thư kín đáo quá, nhiều khi không rõ,
úp mở, hoặc nói chưa hết ý, cũng cho ta mường tượng vụ trốn nhà lên Le Havre năm
1786, nhưng bị chận lại của Puymanel là nặng nề, và có những điểm không thể tha
thứ được. Có thể là việc lấy trộm của gia đình vài quyển sách, ít dụng cụ
toán học và quần áo để bán,
và có thể, ý định sẽ từ Le Havre vượt biển đi rất
xa, cho nên Vitalis mới viết: "những nguồn lợi mà trong những xứ đắt đỏ,
cách xa 2.000 dặm, sẽ bị cạn kiệt".
Dù sao chăng nữa, người anh linh mục,
vì mất hết tin tưởng vào em hư hỏng, nên đành phải chọn cho em con đường
"lính thuỷ tình nguyện", và cuối cùng ông đã hối hận, muốn  cha quyết định lại số phận cho em.


Tuy nhiên, Puymanel chính thức được nhận vào lính tình nguyện binh nhì
ngày 15/12/1787, như vậy, cha đã đồng ý với người anh linh mục, không sửa đổi chương
trình sang Ấn Độ và Nam Hà của Puymanel, nhưng tầu chưa khởi hành ngay, phải đợi
một tháng sau mới đi được, vì không thuận gió mùa.








Thư của Gabriel Olivier viết ngày 21/12/1787





Lá thư, do người anh cả Gabriel Olivier viết cho cha ngày 21/12/1787, sau
thư của linh mục Vitalis gần một tháng, cho biết đến ngày 21/12/1787, Victor vẫn
chưa đi vì tầu còn phải đợi cơn gió Bắc, thuận chiều, mới có thể giong buồm khởi
hành. Trong thư, đoạn đầu, viết về sự hồ hởi của Victor về chuyến đi này, và an
ủi cha, rằng ông de Kersaint đã đưa nó đi, thì thế nào cũng phải đưa nó về tới
bến, đó là bổn phận của người thuyền trưởng, vv...


Đoạn sau ông viết:


"Đúng là Victor có dự định ở lại Nam Hà
để tìm một sự thăng tiến lớn nhất. Nó đã hứa với con là chỉ dừng lại ở đấy, nếu
nó chắc chắn bảo đảm là kiếm được của cải. Tuy nhiên, để theo đúng ý cha, con
đã nhờ ông de Capelis
[Capellis]
viết thư cho ông de Kersaint dặn ông này -là người chỉ huy thuỷ thủ đoàn, không
ai được rời tầu mà không có nghiêm lệnh của ông- chỉ cho phép nó
[rời tầu]
trong trường hợp có sự thăng tiến lớn lao và bảo đảm mà người ta cống hiến cho nó.
Một mặt khác, con còn nhân danh cha, viết thư cho Giám Mục Adran, để năn
nỉ ông theo đúng như ý cha, mà khuyên nhủ nó. Ở đầu kia trái đất, nó vẫn còn
giữ được mối liên lạc với quyền uy hoà dịu của cha là điều rất tốt cho nó, dù xa
xôi cách trở hai ngàn dặm"...
 
(Taboulet, I, t. 246).


Lá thư này nói rõ quyết định của Puymanel đi Nam Hà là để tìm cải. Người
anh cả, không rõ lắm về quy chế lính tình nguyện: bởi nếu Puymanel đã đăng lính
tình nguyện rồi, thì không thể tới nơi nào, có việc tốt, muốn xuống thì xuống. Vì
vậy, khi đến Côn Lôn, Puymanel xuống cùng với những người trong nhóm pháo binh,
và ở lại, anh sẽ trở thành lính đào ngũ.








Ngày khởi hành





Ngày tầu Dryade khởi hành, ngoài sổ hành trình của tầu, còn được xác nhận
qua hai thư sau: 


Thư ông Thévenard gửi bộ trưởng Montmorin, viết từ Lorient ngày
28/12/1787:


"Hai tầu Méduse và Dryade cuối cùng đã
khởi hành hôm qua, vào lúc 2giờ 30 chiều, theo ngọn gió đông bắc đầu tiên, và
chắc nó sẽ tiếp tục thổi mạnh.


Đức giám mục Adran, hoàng tử Nam Hà, phân
đội pháo binh
và những hành khách khác cùng với hành lý, đều có mặt trên
hai tầu này đúng như chỉ thị của ông
[bộ trưởng]." (Launay, III, t.178).


Thư Bá Đa Lộc ngày 14/4/1788:


"Tôi vừa tới Ile de France, sau 102 ngày
vượt biển... Tầu Méduse đi cùng với chúng tôi đến Hảo Vọng Các (Cap de
Bonne-Espérance), rồi đi trước để đưa tin, thế mà vẫn chưa đến. Chúng tôi sợ nó
đã bị buộc đỗ lại ở Hảo Vọng Các..."
(Launay, III, t. 178).





Như vậy, ta biết chắc Puymanel khởi hành từ Lorient (Bretagne) ngày
27/12/1787, trên tầu Dryade, như binh nhì tình nguyện. Trên tầu, ngoài
phái đoàn Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh, còn có một phân đội pháo binh. Chính
những người lính trong đội pháo binh này, sẽ chỉ dẫn cho Puymanel biết về ngành
pháo, việc này sẽ giúp đỡ rất nhiều cho anh, khi đến giúp vua Gia Long. Một số trong
bọn họ sẽ đào ngũ cùng Puymanel ở Côn Lôn tháng 9/1788.








Hải trình của tầu Dryade và sự tiến thân của Olivier
de Puymanel





Theo sự ghi chép của Faure, thì, tầu Dryade do hải quân đại tá hiệp sĩ Kersaint
điều khiển, rời Lorient ngày 27/12/1787, chở Hoàng tử Cảnh và giám mục Bá Đa Lộc
cùng đoàn tùng về Pondichéry. Sau đây là sổ hành trình của tầu Dryade, từ
27/12/1787, khởi hành ở Lorient, đến 23/8/1790 về tới Brest:


Đi từ Lorient ngày 27/12/1787, đến Ile de France và ở lại từ (8-26/4/1788).
Đến Pondichéry, ở lại từ (18/5- 15/8/1788). Để giám mục Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh
ở lại. Ba tháng sau, đi Côn Lôn và ở lại từ (15-19/9/1788). Olivier và 8  pháo binh đào ngũ tại đây. Tầu Dryade tiếp tục
hành trình đi Phi Luật Tân, đỗ ở Cavite và Manille (7/10-29/11/1788). Về Macao
(13-29/12/1788). Được lệnh Conway từ trước, [thư Conway gửi bộ trưởng Luzerne,
Launay, III, t. 192] tầu sẽ từ Macao về Nam Hà để do thám tình hình: Tới Đà Nẵng
(8-13/1/1789); Cham-Callao [Cù Lao Chàm] (14-16/1/1789); Cham-Chen [?] (17-18/1/1789);
Cambir [?] đất liền (18-19/1/1789); Côn Lôn và Phú Quốc (24-27/1/1789); Poulo-Yang
(28/2-1/2/1789); Côn Lôn (10-20/2/1789). Tới Malacca (19-22/2/1789); Pondichéry
(13/3-12/4/1789); Trinquemale (12/4-15/5/1789); Pondichéry (37/5-11/7/1789);
Ile de France (3/8-6/12/1789); Brest (23/8/1790) (Faure, t. 242).





Faure cho biết thêm chi tiết về những người lính đào ngũ ở Côn Lôn:


Olivier de Puymanel, tình nguyện binh nhì (chức nhận ngày 15/12/1787),
đào ngũ ở Poulo-Condor (Côn đảo) ngày 19/9/1788, cùng với: Pierre-Marie, lính
pháo hạng hai (2e canonier); Lemerle (François), thuỷ thủ (matelot), Maume
(Dominique), thuỷ thủ; Lauzy (Charles), thuỷ thủ khuân vác; Le Tousse
(Charles), thủy thủ coi buồm; Quermorvant (Francçois), thuỷ thủ khuân vác;
Corré (Corentin) thuỷ thủ khuân vác; Terray (Jean-Baptiste) thuỷ thủ nhỏ (Faure,
t. 242- 243).





Về Olivier de Puymanel, Faure viết:


"Tầu Dryade tới Côn Lôn ngày 15/9/1788,
để lại đây cha Paul Nghị
[Hồ Văn Nghị], người thân cận của Bá Đa Lộc và 10 lính thuỷ Nam Hà
được đưa
[từ Pondychéry] về xứ. Tầu cũng để lại một ngàn súng được mua
từ Pháp cho vua Nam Hà. Tầu mất ở đây một lính tình nguyện binh nhì, ông
Olivier de Puymanel
đào ngũ cùng mấy thủy thủ pháo binh. Người lính
tình nguyện trốn thoát ngày (19/9/1788) ở Côn Lôn, chẳng bao lâu sẽ nổi tiếng ở
Nam Hà, sẽ trở thành Vệ uý Olivier de Puymanel."
(Faure, t.199).





Đó là những thông tin đứng đắn, có thể tin được; nhưng Faure còn đưa ra
những tin hoàn toàn dựng đứng, như: "người [Bá Đa Lộc] không
ngần ngại trao cho anh
[Olivier] những nhiệm vụ quan trọng của vị Tham
mưu trưởng quân đội Nam Hà"
(Faure, t. 200); "Sau
[khi đã thành lập xong] hải quân, đức giám mục Adran lo tổ chức quân
đội Nam Hà
, tới lúc đó chỉ là những băng đảng. Người thanh niên
Olivier, về mặt này, là đại diện đặc trách và trực tiếp những quyết định của Đức
Cha, một loại Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội dưới quyền điều khiển của Đức
Cha
"
(Faure, t. 221)."Olivier de Puymanel lại hân hạnh
được đức cha chọn điều khiển trường võ bị tổng hợp này, ở đó phát
xuất những sĩ quan và hạ sĩ quan người bản xứ, đã học về quy luật trận địa, họ
sẽ thể hiện giá trị và kinh nghiệm ấy trên chiến trường"  
(Faure, t. 221-222).


Những lời lẽ biạ đặt này, sẽ được người ta chép lại dưới hình thức này
hay hình thức khác, và sẽ đi vào "lịch sử".





Trở lại với thực tế của Olivier:


1- Trên đường đến Nam Hà, Olivier de Puymanel may mắn đã được gặp linh
mục Hồ Văn Nghị. Hồ Văn Nghị, như chúng tôi đã nhiều lần nhắc đến, là người thân cận của Bá Đa Lộc, đã cứu Nguyễn
Ánh thoát chết khỏi tay Nguyễn Huệ ngày trước, cho nên ông là người thân tín
của cả Bá Đa Lộc lẫn vua Gia Long. Trong suốt thời gian Bá Đa Lộc đem hoàng tử
Cảnh sang Pháp, ông đã được vua sai đi về nhiều lần giữa Macao và Ấn Độ, để săn
tin hoàng tử và làm những nhiệm vụ khác như mua vũ khí cho vua. Khi tầu Dryade
chở hoàng tử và Bá Đa Lộc về đến Pondichéry, linh mục Hồ Văn Nghị cũng đã ở đấy.


Chắc chắn rằng, với chủ đích sang Nam Hà để tìm của, Puymanel đã làm
quen với Hồ Văn Nghị trong thời gian ba tháng tầu đỗ ở Pondichéry. Ngoài ra,
trước khi rời Pháp, Olivier còn được người anh Gabriel, thay cha, viết thư gửi
gắm cho giám mục Bá Đa Lộc; vậy cũng có thể chính vị giám mục đã "gửi gắm
lại" Puymanel cho Hồ Văn Nghị. Con đường tiến thân mà người anh linh mục
Vitalis mong cầu cho em mình, đã không xa sự thực.


2- Cái may thứ nhì của Olivier, là tầu Dryade, khi đi từ Pondichéry về
Côn Lôn, từ 15/8 đến 15/9/1788, lại chở cả linh mục Hồ Văn Nghị cùng với 10
lính thủy Nam Hà và "tầu cũng để lại một ngàn súng được mua từ Pháp cho
vua Nam Hà".
1000 khẩu súng này chắc chắn do Hồ Văn Nghị mua của đại lý
Pháp ở Pondichéry về cho Gia Long. Như vậy, ngoài chuyện quen được Hồ Văn Nghị,
Puymanel còn may mắn đi cùng tầu với Hồ Văn Nghị về Côn Lôn.


3- Ngày 19/9/1788, Olivier cùng 8 lính khác, đào ngũ và ở lại Côn Lôn.


4- Tại Côn Lôn, đã có sẵn đường dây do Nguyễn Ánh thiết lập từ trước, giao
cho Hồ Văn Nghị trông nom, để hướng dẫn và giúp đỡ những thuyền bè ngoại quốc tìm
lối vào Gia Định.


5- Vì thế, Puymanel khi đào ngũ, đã có đường tiến thân trực tiếp với
vua Gia Long, và chắc chắn rằng: chính Hồ Văn Nghị đã thu nhận Puymanel và những
người lính đào ngũ; đã đưa Puymanel về Sài Gòn yết kiến vua Gia Long, như một
thanh niên con nhà gia thế, được đức giám mục Bá Đa Lộc bảo lãnh.








T.K.


(Còn tiếp)


 




  


Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long Reviewed by Phạm Thu Hương on 05:44 Rating: 5

Không có nhận xét nào: