TÌNH NGƯỜI SOI DẶM ĐƯỜNG, BI KỊCH CỦA MỘT NHÀ THƠ KHÔNG CHỊU… ĐÁNH MẤT MÌNH












Đặng Văn Sinh


Vào nửa cuối những năm 50 của thế kỷ XX, nhà thơ Hoàng Yến sở hữu một lý lịch mà những văn nghệ sĩ cùng thời với ông, cho dù nằm mơ giữa ban ngày cũng không có được. Đó là một hồ sơ cá nhân, xét từ góc nhìn của các nhà tổ chức mẫn cán, nó được đảm bảo bằng vàng ròng bởi những tên tuổi lớn, từng góp phần tạo dựng nền móng cho chế độ mới sau năn 1945, chẳng những giác ngộ, dẫn dắt Hoàng Yến vào con đường Cách mạng mà còn giới thiệu, kết nạp ông vào Đảng, cùng hoạt động với ông trong tổ chức. Trong số những nhân vật lẫy lừng ấy có thể kể đến Huỳnh Ngọc Huệ (em mẹ nhà thơ), Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Võ Quảng, v.v. Vì thế, Hoàng Yến tham gia hoạt động phong trào Thanh niên dân chủ từ năm 1938 lúc mới 15 tuổi. Ông cùng người em ruột, Lê Xuân Mai từng làm giao liên cho Huỳnh Ngọc Huệ, Nguyễn Duy Trinh hồi hai ông vượt ngục Đắc Lây về. Rồi hai anh em cùng tham gia vệ quốc, cùng thoát ly ra khu IV từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Lê Xuân Mai theo đoàn văn công, từng làm lãnh đạo đoàn, Lê Hoàng Yến từng làm thư ký toà soạn báo Cứu quốc khu IV, thư ký riêng cho đồng chí Nguyễn Chí Thanh, rồi tham gia sư đoàn 304 suốt từ chiến dịch Hoà Bình, đến chiến dịch Điện Biên Phủ…


Cũng như những thanh niên học sinh yêu nước thời kỳ Tiền khởi nghĩa, Hoàng Yến được học hành khá bài bản, có bằng diplôme là thứ rất cần thiết cho sự nghiệp canh tân đất nước trong tương lai. Hoàng Yến học giỏi, có ý chí vươn lên, giàu bản lĩnh và luôn có chủ kiến trong cách nhìn cuộc sống. Chính vì vậy, ta không lạ gì khi mà nhà thơ luôn dị ứng với hội chứng bầy đàn vốn được hình thành từ thứ học thuyết giáo điều chỉ đề cao vai trò tập thể trừu tượng mà hạ thấp những nỗ lực của những sáng tạo cá nhân.


Hoàng Yến nhận thức Cách mạng như một sự giải phóng thân phận dân tộc nô lệ cùng với việc giải phóng mỗi cá nhân con người bởi những ràng buộc về tư tưởng cổ hủ, lạc hậu trong đó có tình yêu nam nữ. Và, kết quả của công cuộc “giải phóng” có một không hai ấy là mối tình đầy phong vị lãng mạn của chàng trai hào hoa xứ Quảng với nàng công nữ thuộc hàng danh gia vọng tộc triều đình nhà Nguyễn. Thật là “thiên tải nhất thì”, một mối lương duyên không thể nào đẹp hơn nếu ta nhìn dưới con mắt của người dân bình thường khi mà não trạng chưa bị ám ảnh bởi chủ thuyết đấu tranh giai cấp. Không còn nghi ngờ gì nữa. Cặp đôi Hoàng Yến – Lan Châu là thiên tình sử đầy cảm hứng. Nói cách khác, từ việc cưới một Công Tằng Tôn Nữ, Hoàng Yến đã đem ngọn lửa Cách mạng và lòng yêu nước thổi vào gia đình nhà vợ, đến nỗi, không lâu sau, cuối năm 1946, cả chín chị em của nữ sĩ Lan Châu đều dắt díu nhau rời khỏi kinh thành Huế. Đây là cuộc ra đi không tiền khoáng hậu phảng phất niềm bi tráng của Chinh phụ ngâm để rồi cuối cùng trở thành bi kịch…


Các Công nữ quý phái, thân gái dặm trường, với muôn vàn nỗi thống khổ trầm luân trên hành trình đi tìm chân lý, nhưng khi vừa đặt chân đến vùng đất “kháng chiến”, không lâu sau họ đã hiểu ra, mình còn đâu là “lá ngọc cành vàng” mà chỉ như những thân phận lạc loài, những “công dân” thuộc đối tượng cần theo dõi, quản lý!


Tình yêu lãng mạn bay bổng giờ đây là nguyên nhân biến Hoàng Yến thành kẻ “tội đồ”, thậm chí “phản bội”, chẳng những với người con gái hiền thảo xứ Huế mà còn cả với đàn con mà họ vừa sinh ra…


1- Từ bài phê bình “Tập thơ Việt Bắc có hiện thực không” trên tuần báo Văn nghệ số 65 (11- 20/3/1955)


clip_image002[1]


Trang 3, báo Văn nghệ số 65 (11- 20/3/1955)


clip_image002[3]


Trang 4, báo Văn nghệ số 65 (11- 20/3/1955)


Đây là bài viết của Hoàng Yến trong loạt bài phê bình tập thơ Việt Bắc đăng trên tuần báo Văn Nghệ, và tiếp đó, báo Nhân Dân (Đọc thơ Việt Bắc của Tố Hữu, ba kỳ, 3,4 và 5/4/1955). Trước đó, báo Nhân Dân, số Tết Ất Mùi đăng bài của Xuân Trường, rồi báo Văn Nghệ đăng bài của nhà thơ Xuân Diệu (2 kỳ), âm hưởng chủ đạo là ca ngợi, nhưng đến Hoàng Yến thì giọng điệu khác hẳn. Bài phê bình ra đời cách ngày nay đúng 60 năm. Nó như một quả bom tấn nổ tung giữa vùng trời văn nghệ, chẳng những làm cho tác giả, đang giữ ngôi chủ soái trên thi đàn, người từng đặt mình ngang hàng với Nguyễn Du (Khúc vui lại muốn so dây cùng người), choáng váng, mà còn như một gáo nước lạnh, hạ nhiệt rất nhanh cơn sốt lên đồng của cả một thế hệ độc giả công nông đang mê mẩn thơ Tố Hữu như một hội chứng. Tuy nhiên, cảm phục khí phách của Hoàng Yến chỉ vị nghệ thuật, không sợ cường quyền một, thì người đọc cảm phục “con mắt xanh” của nhà thơ gấp mười lần. Ông sớm nhận ra những chỗ chưa phải là thơ của tác giả Việt Bắc trong khi những người khác lại ca tụng hết lời, nâng Tố Hữu lên tầm cỡ “thi hào” có thể sánh ngang với những Maiakovsky, Aragon…


Trong bài viết của mình, cho dù Hoàng Yến chỉ dẫn ra một số bài thơ mà ông cho là “chưa hiện thực”, tuy nhiên, sau khi đọc kỹ những đoạn phân tích khá thấu đáo của ông dưới quan điểm “văn nghệ sĩ phản ánh hiện thực cuộc sống”, người ta ngầm hiểu ra rằng, thơ Tố Hữu có khá nhiều bài sáo rỗng, dễ dãi cả về cấu tứ lẫn nội dung biểu đạt, thậm chí có những bài chỉ dừng lại ở trình độ… vè! Phải thừa nhận, cho dù là nhà thơ, nhưng Hoàng Yến có phong cách của một cây bút phê bình sắc sảo với nhãn quan thấu thị, phát hiện ra những bất cập trong tập Việt Bắc qua các bài Phá đườngLên Tây BắcLại về, và nhất là bài Việt Bắc được xem như một trường ca nổi tiếng một thời làm nên tên tuổi Tố Hữu sau chiến thắng Điện Biên.


Điều làm người đọc thích thú là, khi phê bình tập Việt Bắc, Hoàng Yến đứng trên lập trường quan điểm của mỹ học Marxism, dùng tiêu chí “hiện thực cách mạng” để soi xét nội dung và hình thức tác phẩm. Với Hoàng Yến, không loại trừ khả năng, khi viết bài phê bình, ông đã lờ mờ nhận ra, “hiện thực cách mạng” cũng chỉ là một thuật ngữ duy ý chí, vốn không có căn cơ và không hề tồn tại như một phạm trù thẩm mỹ đối với thi ca. Nó là sản phẩm của hệ ý thức đấu tranh giai cấp được di thực sang địa hạt văn chương, mà phải nửa thế kỷ sau, khi đã có một độ lùi thời gian đủ dài, chúng ta mới nhận ra chân tướng của nó phía sau những ngôn từ đẹp đẽ. Đó là một quan niệm thô thiển, ấu trĩ được hợp thức hóa từ Bài nói chuyện ở Diên An sặc mùi sắt máu của Mao Trạch Đông với phương châm “văn học phục vụ chính trị”, biến một loại hình nghệ thuật mang tính tự do sáng tạo của cá nhân thành công cụ truyên truyền, cổ xúy cho đường lối chính trị phiêu lưu. Những bài gọi là “phê bình” trên các diễn đàn văn học nghệ thuật do sự chỉ đạo của Ban Tuyên huấn Trung ương phê phán nhóm “Nhân văn – Giai phẩm” vào cuối thập kỷ năm mươi của thế kỷ trước, thực chất là chiến dịch đánh hội đồng, dùng thành phần “công nông binh” làm chiêu bài để triệt hạ những văn nghệ sĩ không chịu tuân theo đường lối sáng tác của Đảng.


Cho nên, nếu chịu khó đọc kỹ bài viết của Hoàng Yến, người đọc tinh ý sẽ nhận ra ngay, cái tiêu chí “hiện thực cách mạng” mà ông nói chỉ là cái cớ để che mắt thế gian, còn nội hàm của nó lại nhân danh những đặc điểm thẩm mỹ phổ quát của loại hình thi ca đích thực. Thật là một thủ pháp cao tay: “dĩ độc trị độc”.


Ta hãy nghe Hoàng Yến phê bình tập Việt Bắc qua bài thơ Phá đường:


“Đoạn sau tác giả mô tả cảnh phá đường bao trùm trong không khí phấn khởi thi đua làm việc. Đây cũng lại là những cảnh lao động thông thường chung chung mà người ta thường bắt gặp bất kỳ ở hậu phương hay tiền tuyến, trong công tác phá hoại hay kiến thiết. Cái đặc trưng của tình cảm phá đường vẫn chưa được lột tả.


Cách đây không lâu, tôi nhớ có đọc một bài thơ của người anh em mô tả cảnh đắp đường. Nội dung, bố cục cũng giống na ná như bài Phá đường. Tuy cách nói có khác nhau nhưng ý tình cũng vẫn là: “Nhà em con bế con bồng/ Em cũng theo chồng đi (đắp) đường quan”, cũng: “Hì hà, hì hục, lục cục, lào cào”, cũng thi đua phấn khởi: “Anh tài thì em cũng tài/ Đường dài ta (lấp) sức dai ngại gì”.


Tôi bỗng tự hỏi, thế thì tình cảm của con người “phá đường” trong kháng chiến và “đắp đường” trong hòa bình khác nhau ở chỗ nào? Câu hỏi ấy, tác giả bài Phá đường trong một vài câu đơn để vào đoạn cuối:


Thằng Tây mày cứ vẩn vơ


Có hố này chờ chôn sống mày đây…


Ớ anh, ớ chị nhanh tay


Nhanh tay ta cuốc chôn thây quân thù


chưa giải đáp được thỏa đáng.


Dĩ nhiên trong hai sự việc ấy, trông bên ngoài đều có những hiện tượng, những động tác giống nhau. Lưỡi cuốc phá đường chặn giặc và lưỡi cuốc đào mương khai nước cùng là một lưỡi cuốc. Nhưng trong mỗi sự việc, có những tình ý khác nhau, những tâm tư khác nhau… Tình cảm phá đường là tình cảm tiêu biểu trong một giai đoạn kháng chiến… Cái ý chí diệt thù, người dân phá đường đem trút lên từng nhát cuốc, đường gân. Có thế, cái khía cạnh tích cực của tình cảm phá đường mới khơi động được sâu sắc. Cái khía cạnh tích cực của tình cảm ấy, cái đau xót chân thành ấy tôi tưởng đã lột tả được trong mấy câu mở đầu của một bài ca dao kháng chiến ở Liên khu Năm:


Lấy búa mà bửa chân trời


Lấy dao mà chặt lìa đôi nhịp cầu


Thà rằng cách trở sông sâu…


Con đường ấy, cái cầu ấy thường ngày đã in bao dấu vết của cuộc sống thân yêu, thế mà bây giờ phải lấy dao mà chặt lìa đôi nhịp cầu. Và thà rằng đó đây có cách trở sông sâu đi nữa, còn hơn là để cho giặc có cầu giặc qua.


Một câu thơ phá đường khác của một người du kích Nam Bộ nói lên tình cảm ấy một cách gọn ghẽ, trọn vẹn và tài tình hơn:


Con đường số Bảy của tao


Nó đi theo giặc tao đào nó đây.


Tay đào con đường mà lòng tưởng như phải giết chết một người thân yêu phản bội đi theo giặc. Có thế mới phản ánh được cuộc sống sinh động muôn vẻ, muôn màu. Có thế mới gợi lên được những tình cảm vĩ đại kết tinh từ máu lửa… trong cuộc kháng chiến anh dũng trường kỳ”.


Về bài Lên Tây Bắc, Hoàng Yến phát hiện ra, hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ trong thơ Tố Hữu quả là đẹp, nhưng đó chỉ là cái đẹp bên ngoài mà không diễn tả được vẻ đẹp tâm hồn người chiến sĩ: “Nhưng đó là cái đẹp bên ngoài, cái đẹp hiên ngang, bóng dài trên đỉnh dốc, trong ánh nắng chiều…. Trước ‘cái vô cùng gian khổ’, cái gian khổ cao độ và trường kỳ của những người lính chiến đấu, mấy câu thơ trên quả là bàng quan bất lực.


Và ở đây tôi cũng lấy làm lạ tại sao tác giả đã cùng chiến sĩ đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, trong hành quân, lúc chiến đấu đã từng “vắt cơm thấm nước, tàu lá lót lưng” mà không hề đả động đến mối tình ruột thịt ấy”. Ngay sau đó, Hoàng Yến nhận xét sâu hơn: “Nhưng một khi nhà thơ không đi sâu vào tâm hồn mà trở lại làm người khách của bộ đội để ‘chúc anh pháo binh bắn thẳng vào đồn cho đúng’, để ‘anh đại bác, tôi chờ anh để hát’ thì dòng thơ lại trở nên dửng dưng, thiếu sinh khí… Đọc xong bài ‘Bắn’ chúng ta thấy không gợi được một cảm giác gì, không để lại một ấn tượng gì dù là không sâu sắc. Con mắt nhìn đồi địch trên khoảnh đồi đỏ ‘ngon như miếng thịt bò tươi’ thì thật là xa lạ với chiến sĩ… Không kể đoạn giữa bài thơ mô tả một cách tự nhiên và thô sơ cảnh trông đợi khai hỏa và cảnh chào cờ trong đồn địch, ngay đoạn tác giả gợi căm thù cũng rất chung chung, đại khái, không sôi sục được lòng người đọc:


“Bao đồng chí của ta bay đã giết


Chặt đầu cắm cọc phơi khô


Chị em ta, bay căng thịt lõa lồ


Con em ta bay quẳng chân vào lửa


Lúa ngô ta bay cướp về cho ngựa


Xóm làng ta bay đốt cháy tan hoang…”


Tác giả đã nói đúng và đủ. Nhưng chất thơ không phải ở chỗ đúng và đủ. Đặc tính của thơ là nói ít mà gợi nhiều. Có thể nói tác giả đã tổng kết sự việc trên tài liệu chứ chưa kinh qua thực tế cuộc sống để tổng kết chất thơ… Cái nhược điểm trên đây đã làm một số bài thơ trong tập Việt Bắc ít rung cảm được người đọc và làm yếu tác dụng hiện thực đi nhiều.


Đọc xong Việt Bắc, hình ảnh để lại trong lòng ta là những hình ảnh đèm đẹp, ý nhị, nhẹ nhàng. Khía rung động sâu sắc nhất là khía mến thương thắm thiết, tâm tình, phần lớn đều có dáng dấp hiền lành dìu dịu.


Đối chiếu với cuộc sống mãnh liệt đi băng băng như con ngựa phi, cuồn cuộn như dòng thác đổ, thơ Tố Hữu còn bước những bước đi thong thả, dòng thơ còn trôi chảy lặng lờ, đôi lúc cũng có xông xáo những chỉ là những sóng nhỏ vỗ bờ”.


Nhận định về bài thơ Việt Bắc trong tập thơ này, Hoàng Yến viết: “Nhưng khi Tố Hữu nói đến cái Việt Bắc oai hùng, cái đất thần thánh, thiêng liêng của Cách mạng thì hơi thơ đuối, khí thơ đoản, cái nhiệt tình nóng chảy trên kia tưởng như giảm sút đi. Những câu:


“Những đường Việt Bắc của ta


Đêm đêm rầm rập như là đất rung


Quân đi điệp điệp trùng trùng


Ánh sao đầu súng, bạn cùng mũ nan


Dân công đỏ đuốc những đoàn


Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay”.


Và những đoạn như:


“Ai về ai có nhớ không


Ta về ta nhớ Phủ Thông, Đèo Giàng


Nhớ sông Lô, nhớ phố Ràng


Nhớ từ Cao Lạng, nhớ sang Nhị Hà…”


chưa dựng được trong lòng ta cái Việt Bắc tôn kính, khởi điểm của Cách mạng, chủ não của kháng chiến, miếng đất lịch sử đã ghi những chiến thắng lịch sử quyết định bước chuyển biến của cả một giai đoạn chiến tranh”.


Ở một đoạn khác Hoàng Yến viết: “Tôi nghĩ rằng thơ thời đại phải dựng được cái quá trình sinh thành của những tình cảm mới. Điểm này thơ Tố Hữu chưa tiêu biểu một cách đầy đủ”. Bài Việt Bắcđược xem là điểm nhấn của cả tập thơ, một trường ca đưa Tố Hữu thành ngôi sao sáng chói (không có đối thủ) trên văn đàn công nông binh lúc bấy giờ bị nhà thơ xứ Quảng điểm trúng huyệt đạo: “Khác với câu thơ lục bát trong sáng hồn nhiên trong bài Bầm ơi!, câu thơ trong bài Việt Bắc uốn éo với một lời duyên dáng nửa cũ nửa mới thiếu thành thực. Kỹ thuật thơ trong bài Việt Bắc rất điêu xảo nhưng nội dung tình cảm rất yếu đuối và có chiều đi xuống”.


Sau này, những người thấu hiểu thế thái nhân tình khi ấy hiểu rằng, bằng hai bài phê bình tập thơViệt Bắc trên báo Nhân Dân và báo Văn Nghệ, Hoàng Yến đã tự cáo chung cho đời thơ của mình. Vả lại, làm sao khác được, khi nhà thơ xứ Quảng không thể dấu nổi mình, không thể sống khác mình? Ông thừa hiểu rằng, sau hai bài ngợi ca của Xuân Trường, Xuân Diệu, còn hàng chục bài ngợi ca khác của những Minh Tranh, Vũ Đức Phúc, Nguyễn Viết Lãm, Hoài Thanh, Đông Hoài, Vũ Đình Liên, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung Thông… đang xếp hàng chờ ở các toà soạn. Và cũng chính nhờ dũng khí, “điếc không sợ súng”, thậm chí nói một cách thô thiển nhưng chính xác hơn là dám “ mó dái ngựa”, mà Hoàng Yến đã khích lệ những Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phan Cự Đệ, Nguyễn Văn Phú… dám đồng cảm với mình, làm một cuộc sinh hoạt học thuật dân chủ đầu tiên của thi ca kháng chiến. Tất nhiên, Hoàng Yến không thể hiểu rằng cái giá phải trả cho nền dân chủ (mà lại là dân chủ trong văn hoá văn hoá văn nghệ) khốc liệt, đau đớn thế nào. Rằng ông, chứ không ai khác, đã hé mở cho vị chủ soái văn nghệ nhận ra rằng có một lực lượng văn nghệ sỹ nhân danh tự do sáng tác, nhân danh dân chủ học thuật, đang công khai chống lại mình. Và vị chủ soái, chẳng cần phải giăng bẫy hay rung chà cá nhảy gì. Ông chỉ mỉm cười, nheo mắt khích lệ: Cứ nhảy múa, cứ reo ca nữa đi, cứ “ trăm hoa đua nở” và cứ Giai phẩm các loại mùa nữa đi… rồi sẽ đến lúc “chim treo trên lửa, cá nằm dưới dao…” (!).


Và kịch bản tiếp theo: Vụ Nhân văn Giai phẩm đã diễn ra như thế nào, hậu thế đều biết rõ.


2- Đến “Tình người soi dặm đường…”


Năm 1957, Hoàng Yến cho ra mắt bạn đọc tập thơ Tình người soi dặm đường do nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Đây là tập thơ mỏng, vẻn vẹn chỉ có 10 bài, nhưng ngay sau khi phát hành nó đã gây ra những phản ứng khác nhau ở cả hai phía: công chúng yêu văn chương và các nhà phê bình chỉ điểm thuộc trường phái “văn học phục vụ chính trị”. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam vào nửa cuối thập kỷ năm mươi, thế kỷ XX, nói cho công bằng, thì Tình người soi dặm đường chẳng khác gì một văn bản “nghệ thuật vị nghệ thuật” trêu ngươi, một thi phẩm lạc lõng trong giàn hợp xướng công nông vốn lấy tiêu chí tụng ca làm chủ đề quán xuyến. Nó giống như hiện tượng “thơ tự do không vần” của Nguyễn Đình Thi năm 1948 nhưng mức độ nghiêm trọng hơn dưới góc nhìn nghiêm khắc của Ban Tuyên huấn Trung ương. Quả vậy, Tình người soi dặm đường không lấy quan điểm “đấu tranh giai cấp” từ cuộc Cải cách ruộng đất để “người cày có ruộng”, hay tố cáo bọn “đế quốc sài lang” làm đề tài, qua đó biểu hiện lòng yêu Đảng, yêu Tổ quốc, căm thù chế độ Ngô Đình Diệm độc tài phá hoại sự nghiệp thống nhất đất nước… mà lại viết về tình yêu đôi lứa, về tình cảm vợ chồng, về cái đẹp trong cảm quan nghệ sĩ thông qua những suy tư, trăn trở đầy chiêm nghiệm. Lại nữa, trong khi các nhà thơ đầu đàn thuộc trường phái thơ “cổ động” luôn sử dụng hình thức dân tộc như lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể mang âm hưởng ca dao làm phương thức chủ yếu diễn đạt tư tưởng, tình cảm trong sáng tác, thì Hoàng Yến lại vận dụng một lối thơ hết sức xa lạ với quan điểm thẩm mỹ của quần chúng nhân dân lao động lúc bấy giờ. Nhớ lại năm 1948, khi mà Nguyễn Đình Thi công bố một số bài thơ “tự do” có tính thể nghiệm, ngay sau đó, Hội Văn nghệ Việt Nam tổ chức mấy cuộc hội thảo, thực chất là kiểm điểm để chấn chỉnh hiện tượng lêch lạc, đi chệch đường lối văn nghệ của Đảng. Trong vụ này, đầu lĩnh ngành tuyên huấn còn chỉ đạo cả những văn nghệ sĩ có tên tuổi “đánh” tác giả “Vỡ bờ” khiến cho ông Tổng thư ký Hội Nhà văn, đến mấy chục năm sau, trong Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ ba có Tố Hữu đến dự, đã trịnh trọng tuyên bố câu nói để đời “Các nhà văn chúng ta…là những hạt bụi lấp lánh ánh sáng của Đảng”. Thế nhưng, Hoàng Yến không phải là quan chức văn nghệ như Nguyễn Đình Thi nên hiển nhiên không muốn làm hạt “bụi lấp lánh” phản chiếu ánh sáng từ một tinh cầu mờ nhạt. Ông muốn thắp lên ngọn lửa thi ca lấp lánh từ chính trái tim mình. Cho nên, cùng viết về Cách mạng và cuộc hành trình dài dằng dặc của nó, trong khi các nhà thơ đương thời đồng ca một giọng điệu, thậm chỉ một âm vực khẳng định “kháng chiến nhất định thành công”, thì Hoàng Yến lại có cách lý giải riêng:


“Chưa biết đường đi bao lâu


Chỉ biết cuộc đi bắt đầu


Chưa biết đường xa hay gần


Chỉ biết đường mang dấu chân


Một người dân


không nô lệ


19 tháng 12


Từ ngày ấy


Tôi đi vào Tổ quốc


Như đi vào


bí mật


của tình yêu”.


(19 tháng 12 – Hoàng Yến tuyển tập, nxb Hội Nhà văn, 2007)


Với bài Đường đi mặt trận mở đầu tập thơ, Hoàng Yến có cách diễn đạt tâm trạng không phụ thuộc vào hoàn cảnh hiện thực trực tiếp với thời gian, không gian vật lý, không nói đến cái háo hức của người chiến binh muốn cầm súng xả đạn vào quân thù, mà tác giả lại nhớ đến người vợ trẻ như một ẩn dụ về hiện thực của chiến tranh:


“Đường đi mặt trận


Sắn khoai vừa giồng


Vợ nhà vừa cưới


Bóng trăng theo chồng


Đường đi mặt trận


Nước đồng gợn trăng


Gió tre hoa bóng


Gợi tình chiếu chăn


Đường đi mặt trận


Đi qua ngõ nhà


Ríu chân dồn bước


Trăng sáng nõn nà


Bóng trăng người vợ


Gửi người đi xa


Đường đi mặt trận


Đẩy lùi lại sau


Mối thương lận đận


Của buổi ban đầu”.


Đọc Tình người soi dặm đường, ta chợt nhận thấy còn rất nhiều điều Hoàng Yến không tiện nói ra. Ông gửi tâm trạng mình vào giữa những dòng chữ như một thứ ám dụ về chiến tranh, về nhân tình thế thái qua khung cảnh buồn man mác khi mà đôi lứa phải chia ly. Bên cạnh những câu thơ bộc lộ niềm nhớ thương người vợ trẻ vốn là tình cảm tự nhiên của con người, tác giả cũng có những bài tự sự về Tổ quốc, nhân dân, trong đó ông nhấn mạnh đến tư cách kẻ sĩ một khi đối diện với lương tâm mình:


“Nàng thơ bỗng cười to


Chỉ tay vào ngực


Nơi sự thật không trang sức


Một gã làm thơ công chức


Bôi bẩn mực giấy


trắng lương tâm


Lại đòi làm cây trầm


đứng thơm cả núi.


Tôi cúi đầu


Nếu có một lần sau


Dù phải kiếp ngựa trâu


Xin yêu người


trong vô thức


Viết bằng mực


của trái tim đau”.


(Nếu có lần sau – Hoàng Yến tuyển tập, nxb Hội Nhà văn, 2007)


Thế là đủ. Phải nằm phục những hai năm giờ mới có cớ để ra tay. Tập thơ Tình người soi dặm đườngchẳng khác gì giọt nước tràn ly. Ngay cái tên cũng đã ngứa mắt, sao không phải là “cách mạng soi đường ta đi” mà cứ phải “tình người”? Có cái gì đó vẫn còn rơi rớt của chủ nghĩa cá nhân tiểu tư sản ở đây! Kế sách dụ rắn ra khỏi hang kiểu “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” của bác Mao triển khai bước đầu đã thành công. Chứng cứ rõ ràng bằng giấy trắng mực đen, còn chờ gì nữa mà không xếp cây bút phản động này vào cùng một rọ với bọn Nhân văn – Giai phẩm, sau đó sẽ bật đèn xanh để các “dư luận viên” mẫn cán phát động quần chúng công nông, dằn mặt cho hắn biết thế nào là dám vuốt râu hùm! Nhận xét về “vụ” Tình người soi dặm đường, nhà văn Huy Phương viết: “Ở cái thời điểm sôi bỏng của văn học nghệ thuật những năm 1957- 1958 ấy, tập thơ nhỏ của anh, với giọng điệu đa cảm của nó, đã vấp ngay phải phản ứng của một vài cây bút phê bình đang ráo riết canh giữ tính chiến đấu và lạc quan của thơ văn. Một vài bài viết hoặc phát biểu thẳng thắn của anh trước đó trên mặt báo và trong những cuộc thảo luận về thơ là cái ngòi đã châm sẵn. Và tập thơ khiêm tốn ấy đã trở nên giọt nước rơi vào cốc nước sắp tràn…”.


Từ đây là những tháng ngày trầm luân đối với đời thơ Hoàng Yến. Ông bị đình chỉ công tác tại Phòng Văn nghệ Quân đội, bị điều đi cải tạo trên nông trường Vân Lĩnh, Phú Thọ, bị “bức” phải li dị vợ con, rồi sau đó bị “phát vãng” sang Bộ Văn hoá làm công tác văn hoá quần chúng. Cái tên Hoàng Yến không báo nào, nhà xuất bản nào chịu in, đành lấy bút danh Thạch Tiễn, Hoàng Đức Anh… và bán tên cho người khác để kịch bản được dàn dựng.


Thế nhưng, thời gian là vị giám khảo công bằng nhất đối với những gì là văn chương đích thực. Với Hoàng Yến, thơ của ông nặng về tình người cùng với những suy ngẫm về thân phận con người trong chiến tranh hơn là những lời tuyên ngôn nặng mùi sắt máu. Bài thơ Một giọng đàn, một dòng sôngHoàng Yến viết vào năm 1957 là một trong số đó:


“Tiếng đàn bên tai tưởng trong cơn mê sảng


Ánh đèn đường hay sáng bóng trăng


Mưa bụi rơi không tiếng trên thềm


[…]


Đã từ lâu tôi có biết khóc đâu


Mỗi tiếng đàn đưa tôi xuống một chiều sâu


Đi về những dặm chim


Những con đường hôm qua máu rỏ


Lãng quên chưa hề mọc cỏ…”


Thơ ấy là thơ tâm trạng, là tiếng lòng của một tâm hồn tinh tế đã chuyển hóa một cách tài tình qua những tín hiệu ngôn ngữ tạo thành một văn bản nghệ thuật mang tính đặc thù, riêng một phong cách làm thổn thức bao trái tim đa cảm nhưng không hòa nhịp được vào dàn hợp xướng công nông binh vừa thoát nạn mù chữ qua phong trào “Bình dân học vụ” lúc bấy giờ. Đây cũng chính là bi kịch của những nhà thơ đi trước thời đại.


Theo quan điểm ấu trĩ của các nhà tuyên huấn, những người có trách nhiệm chăm sóc “phần hồn” cho văn nghệ sĩ, cách mạng là sự nghiệp lớn lao của cả một dân tộc, gia đình chỉ là thứ yếu, thậm chí không là gì cả, vì vậy, người chiến sĩ phải hy sinh tình cảm cá nhân để có được tình cảm cách mạng. Thế nhưng, Hoàng Yến lại làm trái với quy trình trên, khi mà trên đường hành quân ông viết về cho người vợ thân thương với hình ảnh sông Hương, đường Kim Long phượng đỏ ngày nào, những dòng thơ tràn đầy nỗi nhớ nhung:


“Em ơi em có biết


Rời bàn tay tạm biệt


Là lúc trời xanh biếc


Chân anh vướng chân em.


Em ơi em có biết


Mưa đông chiều chiến dịch


Mùi nhớ nặng trong hồn


Có pha chút hoàng hôn.


Em ơi em có biết


Em đã thành người vợ


Mẹ của Tùng-Thu-Phương


Nhưng em vẫn em Nương


Của anh vẫn người thương


Đường Kim Long phượng đỏ…”.


Viết về Hoàng Yến, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn trong bài “Thi nhân trên ngã ba mây”, đăng trên tuần báoVăn ghệ số 13 năm 2009, đã nhận xét khá chính xác về tư cách nghệ sĩ của ông: “Một nhà thơ đích thực dù che đi lý lịch, che đi địa vị thì diện mạo vẫn hiện ra trong thơ… Hoàng Yến không có thái độ cách tân thơ bằng hình thức cầu kỳ. Ông thay đổi thẩm mỹ thơ bằng chính nội dung. Do đó, Hoàng Yến viết được nhiều thể loại một cách mới mẻ. Thơ lục bát của Hoàng Yến xa vắng: “Giấc xưa bỏ ngỏ chờ em/ Lầu xưa vẫn đợi trăng lên mặt người/ Em xuôi bến lạ tìm mơ/ Thuyền côi cắm mục hai bờ sông mưa”. Thơ ngũ ngôn của Hoàng Yến lắt léo: “Ôi! Cái nhìn vạn lý/ Vụ ly dị trường thành/ Trời viết mây hồi ký/ Cây tòa án vẫn xanh”. Thơ chia mỗi khổ bốn câu theo lối truyền thống của Hoàng Yến vẫn không cho phép vần điệu che mờ cảm xúc: “Thần ái tình chết từ đầu thế kỷ/ Lứa đôi nay không thể bóng trăng xưa/ Tình chung thủy là món hàng xa xỉ…/ Sao ngõ hẹn một đời anh vẫn đứng đợi mưa?”.


Cách tiếp nhận và biểu đạt các dạng thức tình cảm trong thơ Hoàng Yến rất đa dạng với những biến thái bất ngờ làm người đọc đương thời đôi khị bị “choáng”. Ông không cầu kỳ chọn câu chữ mà liên kết câu chữ trong một tập hợp tối ưu tạo thành sự bùng nổ ngôn từ. Cấu trúc thơ Hoàng Yến là loại cấu trúc phức hợp kết hợp với kỹ năng ngắt nhịp linh hoạt. Ông không mấy quan tâm đến vần điệu nhưng lại đặc biệt chú ý đến nhạc điệu nên câu thơ lúc nào cũng sinh động tạo nên lực hấp dẫn mê hoặc các thế hệ độc giả. Tuy nhiên, kỹ xảo cho dù điêu luyện đến mấy cũng chỉ là hình thức bên ngoài. Điều đáng chú ý vẫn là cái thần thái từ nơi sâu thẳm tâm hồn Hoàng Yến lúc ẩn lúc hiện qua mỗi dòng chữ như có ma lực dẫn dụ người đọc. Hoàng Yến độc hành trên con đường thi ca đầy trắc trở, vậy mà có những lúc ông cảm thấy như mình đang bồng bềnh “Trên ngã ba mây”. Vào những năm năm mươi của thế kỷ trước, không ai diễn tả tình yêu phức tạp như Hoàng Yến khi mà ông bộc lộ tất cả những cung bậc tâm hồn bằng những câu chữ đầy nội lực biến ảo:


“Tên em


Chiều nhớ


Hành hương


Tiếng dế đồng sương


Tên em


Một thiên đường đã mất


Một thiên đường chưa mở ngỏ


Một thiên đường xưa cha ông để lại


Di truyền anh qua ký ức bào thai


Qua vùng sáng trên trang sách nát


Qua thân xác trần truồng


những giấc mơ trôi dạt


Đêm đêm tấp bến Ngân Hà”.


Đương nhiên, những nhà phê bình chỉ điểm, luôn căn cứ vào câu chữ để đánh giá tính hiện thực, tính giai cấp và tính Đảng cũng như phẩm chất cách mạng của văn nghệ sĩ không thể chấp nhận loại thơ này. Chỉ riêng tập thơ Tình người soi dặm đường, Hoàng Yến đã được ngành an ninh văn hóa ghi danh vào “sổ đen” cùng với Trần Dần, Lê Đạt , Hoàng Cầm…


clip_image002


Thư của nhà văn Võ Quảng gửi Hoàng Yến ngày 16 tháng 11 năm 1998


3- Công Tằng Tôn Nữ Tùng Nương


Thói đời “dậu đổ bìm leo”. Đến đúng thời điểm thích hợp, người ta mới tính sổ với Hoàng Yến, sau khi đã gộp cả tội cũ lẫn tội mới, trong đó, nặng nhất là tội “chống lại đường lối văn nghệ của Đảng”. Lúc ấy Hoàng Yến là đại úy Quân đội nhân dân Việt Nam, bị khai trừ Đảng, đưa đi cải tạo lao động ở nông trường quân đội Vân Lĩnh, Phú Thọ.


Sau vụ kỷ luật đầy uẩn khúc này, cuộc đời nhà thơ tài danh xứ Quảng bắt đầu chuyển sang một trang u ám. Có những con mắt đố kỵ nào đó luôn theo dõi nhất cử nhất động của ông. Cũng bắt đầu từ đây, gia đình ông tan đàn sẻ nghé. Người vợ thân yêu cũng đàn con dại bị tách ra khỏi người chồng, người cha mang tội danh “Nhân văn – Giai phẩm”. Mọi trách nhiệm nuôi dạy con cái trút lên đôi vai gầy của người phụ nữ xứ Huế: Công Tằng Tôn Nữ Tùng Nương bút hiệu Lan Châu.


Nữ sĩ Lan Châu sinh năm 1927, là hậu duệ trực hệ đời thứ năm của vua Thiệu Trị, là một phụ nữ hoàng tộc có học vấn. Nữ sĩ Lan Châu tham gia phong trào Âu hóa từ rất sớm. Bà ham chơi các môn thể thao nhất là quần vợt. Năm 1943, chỉ bằng một cuốn sách tự học tiếng Nhật, bà đã trở thành cô giáo dạy tiếng Nhật cho học sinh nữ trung học Đồng Khánh. Cũng vào năm ấy, cô giáo trẻ kinh thành Huế cảm mến chàng trai xứ Quảng tài hoa Lê Hoàng Yến sau mấy lần tương ngộ. Cuộc tình kết thúc có hậu như một mối lương duyên “thiên tải nhất thì” không gì đẹp và lãng mạn hơn. Thế nhưng, mối tình tưởng như keo sơn ấy lại khơi mào cho một màn bi kịch không tiền khoáng hậu. Cái hạt giống cách mạng mà Hoàng Yến gieo vào tâm hồn các công nữ quý tộc nào hay đã vô tình kéo họ vào “kiếp đoạn trường”.


Trong tập bút ký Bạn văn ngoài vùng phủ sóng, nhà văn Hoàng Minh Tường đã viết về chân dung nữ sĩ Lan Châu qua bài “Công Tằng Tôn Nữ Tùng Nương – Đời và thơ” với những tình tiết vô cùng xúc động: “Một tai họa khủng khiếp mà cho tới bây giờ tôi vẫn thấy rụng rời – Nhà thơ Lan Châu nhớ lại – Vợ một kẻ phản động, bị khai trừ khỏi Đảng, bị đi cải tạo. Khủng khiếp quá. Rất nhiều ngày đến cơ quan, tôi không dám ngẩng mặt nhìn ai. Tôi như người mắc bệnh hủi bị loại bỏ khỏi cộng đồng, như kẻ phản bội bị mọi người ghê sợ, xa lánh. Chiều về mẹ con chỉ biết buồn bã, ngậm ngùi. Nghĩ mình phận mỏng cánh bèo. Mình đã là con nhà phong kiến, dòng dõi vua quan nhà Nguyễn phản dân hại nước, giờ chồng lại Nhân văn – Giai phẩm, các con sẽ sống sao đây? Sau nhiều ngày đấu tranh dằn vặt, năm 1960, tôi quyết định rời Hà Nội, nơi gạo châu củi quế, nơi khó nuôi nổi các con chỉ bằng một bìa tem phiếu công chức quèn loại E, nơi định kiến xã hội với bọn Nhân văn – Giai phẩm quá nặng nề. Tôi xin chuyển công tác lên bệnh viện Phú Thọ, gần nơi cải tạo của chồng, và cũng là vùng trung du có đất đai để chăn nuôi trồng trọt, may ra nuôi nổi các con…”.


Từ nàng thiếu nữ lá ngọc cành vàng đến cô y sĩ phụ sản ở bệnh viện miền sơn cước với đàn con trứng gà trứng vịt trong cảnh đói nghèo triền miên, đối với Lan Châu là cả một sự đổ vỡ niềm tin. Xã hội vận hành như một nghịch lý, khi mà hầu hết người dân sống dưới mức nghèo khổ thì một bộ phận khác lại được phân biệt thự, có phiếu mua hàng cao cấp ở cửa hàng riêng và, véo von ca ngợi: “Chào 61 đỉnh cao muôn trượng/ Ta đứng đây mắt nhìn bốn hướng/ Trông lại ngàn xưa trông tới mai sau/ Trông Bắc trông Nam trông cả địa cầu”. Cũng vào thời điểm ấy, mẹ con Lan Châu phải cuốc nương trồng sắn ăn thay gạo, đêm đêm đốt lửa sưởi để chống cái rét cắt da vùng thượng đạo, thì vẫn có người nằm trong chăn nệm ấm ngâm nga: “Tôi viết cho ai bài thơ 61/ Đêm đã khuya rồi gió về tê buốt/ Hà Nội rì rầm còi thổi ngoài ga […] Ba con tôi đã ngủ lâu rồi/ Còn bao nhiêu chưa được ngủ trong nôi/ Miền Bắc thiên đường của các con tôi”… Chẳng cần phân tích dài dòng, cứ đọc những vần thơ trong bài Phận nước bèo của nữ sĩ Lan Châu (trong tập thơ Hương Giang chiều, nxb Hội Nhà văn, 2007) dưới đây chúng ta sẽ hiểu được hoàn cảnh và tâm trạng của người phụ nữ quý tộc rời bỏ xứ Huế theo chồng hy vọng tìm thấy “thiên đường cách mạng”:


“Trong mơ dệt thắm


Bao hoài bão


Thực tế ngỡ ngàng


Tay… trắng tay


Tỉnh giấc mộng vàng


Sương nhuộm tóc


Vẫn thấy tay mình


Nắm chặt


Trắng… bàn tay”.


Rất may, bà là người mẹ có bản lĩnh, dám đội đơn lên “triều đình” gặp đích danh ông lớn (vốn từng là người đồng chí trong tổ chức Thanh niên Phản đế ở Huế trước cách mạng tháng Tám 1945 – Tố Hữu, Võ Quảng, Hoàng Yến), đã xuống tay trừng phạt chồng mình, kêu oan cho mấy đứa con vốn chẳng có tội tình gì nhưng … không được vào đại học vì có người cha… phản động!


Tuy nhiên việc “lai kinh” đối với Lan Châu chưa phải là đoạn cao trào của vở bi kịch cuộc đời. Nỗi đau nhất của bà chính là phải cắn răng viết đơn ly hôn với chồng để những đứa con có được bản lý lịch “trong sạch”. Đây cũng lại là một nghịch lý trong xã hội có quá nhiều nghịch lý. Nó là nỗi ám ảnh thường trực, là sự hãi hùng đối với bất cứ ai có nguồn gốc gia đình không thuộc thành phần bần cố nông! Hầu như tất cả tiếng nói phản biện bị triệt tiêu. Phản biện là phản động. Đời cha chẳng may bị nhiễm vết đen thì đời con chỉ có… quét lá đa! Tờ giấy ly hôn bằng bàn tay nhưng có sức nặng ngàn cân. Nó là minh chứng hùng hồn cho những gì được gọi là nghịch lý của một xã hội lấy đấu tranh giai cấp làm phương thức cai trị.


Sau khi hết hạn lao động cải tạo, Hoàng Yến được chuyển về Cục Sân khấu Bộ Văn hóa. Cuộc ly hôn bất đắc dĩ giữa hai người là ngọn đòn phũ phàng đánh vào tâm lý đàn con. Nhưng đó là những người con của một bà mẹ giàu nghị lực. Sau này tất cả đều qua bậc đại học và thành đạt, trở nên những công dân đáng kính, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn họ, vết thương tinh thần không bao giờ kín miệng.


Với Hoàng Yến, vẫn theo hồi ức của nhà văn Huy Phương, thì số phận nghiệt ngã đã vây bủa ông đến cùng. Trước mắt các nhà tổ chức, người nghệ sĩ tài hoa xứ Quảng là kẻ tội đồ vĩnh viễn không bao giờ được ân xá trong một xã hội đồng phục: “Còn nhớ mãi một buổi chiều, hai chúng tôi ngẫu nhiên gặp nhau bên góc Hồ Gươm, Hà Nội. Hoàng Yến với chiếc áo quân phục màu rêu tàng tàng từ trên xe đạp bước xuống, vỗ nhẹ lên vai tôi: “Có lẽ mình sắp chuyển ngành đây. Thời buổi này còn thơ thẩn quái gì. Cái thể loại này nó vulnérable* lắm. Mà chúng mình lại quá hồn nhiên…”. Đây há chẳng phải lại là một lời từ biệt với nàng thơ giống như thi sĩ Nguyễn Bính dặn lại con: “Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ/ Nghèo lắm con ơi bạc lắm con!”? Còn nhà văn Hoàng Minh Tường, vẫn trong bài bút ký nổi tiếng của mình, viết về quãng đời sau này của Hoàng Yến đầy cảm khái: “Hoàng Yến chuyển sang viết kịch, biên khảo kịch và tiểu thuyết lịch sử. Trong những ngày sống ở khu tập thể của Bộ Văn hóa phố Lê Văn Hưu, rồi chuyển xuống căn nhà tạm ở phố Mai Hương, nhà thơ Hoàng Yến sống gá nghĩa trong mười năm với nữ nghệ sĩ Thùy Linh. Những tác phẩm của ông từ đây hoặc lấy bút danh Thùy Linh hoặc cộng thêm một đồng tác giả Thùy Linh. Để tránh cái họa vulnérable của thơ, ông đành mượn chuyện đời xưa để gửi gắm tâm can, những suy nghĩ về thời cuộc. Các vở kịch và tiểu thuyết lịch sử của ông lần lượt ra đời: Câu thơ yên ngựa, Chân mây khép mở, Thanh gươm và cô Đô đốc, Hình và bóng, Kẻ trộm nước trời, Suối hoa, Đêm Tiền Hải, Lý Thường Kiệt… Có vở kịch như Thanh gươm và cô Đô đốc vừa công diễn đã có tiếng vang, được gửi đi Paris dự liên hoan. Có vở như Hình và bóng, công diễn ở Hải Phòng, gây chấn động như một sự kiện nghệ thuật không bình thường, nhưng hôm sau có “ông lớn” từ Hà Nội xuống, chỉ thị ngừng công diễn (!) Hoàng Yến trốn vào lịch sử nhưng vẫn không giấu nổi cốt cách khảng khái, cương trực, khẩu khí trung ngôn nghịch nhĩ của ông. Trong văn chương nghệ thuật, ông quá lận đận, giống như câu thơ của Tản Đà: Tài cao phận thấp chí khí uất. May mà cuối đời, châu lại về Hợp Phố, khi về hưu ở Sài Gòn, với mức lương từ thuở đại úy đến… cán sự sáu, ba mươi năm vẫn giữ nguyên tại chỗ, ông lại trở về mái nhà xưa, trở về với người vợ đầu đời, như câu thơ ông từng viết bằng nhịp đập tình yêu tha thiết:


Nhưng em


Vẫn em Nương


Của anh vẫn người thương


Đường Kim Long phượng đỏ…


4- Và bản lý lịch rởm…


Các nhà tổ chức của chế độ xã hội chủ nghĩa “dân chủ gấp triệu lần tư sản” của chúng ta luôn dị ứng với những bản lý lịch không “sạch sẽ” kể cả khi đương sự đã giải nhiệm, thậm chí sắp “về” với tổ tiên. Vì thế, nếu cần, người ta sẵn sàng ngụy tạo ra một bản lý lịch mới sau khi đã tẩy xóa nguyên bản. Đây là một thứ quyền hành vô lượng, nhân danh sự an ninh của Nhà nước, nhưng nếu đương sự liều lĩnh dám làm việc này thì sẽ có ngay bản án nghiêm khắc cho anh ta trong tại giam.


Trước khi về hưu, Hoàng Yến được Phòng Tổ chức Cục Nghệ thuật sân khấu Bộ Văn hóa trao cho bản lý lịch cán bộ chế tạo sẵn do Cục trưởng Tô Hải ký tên đóng dấu, trong đó, những phần thiết yếu nhất đều bị thay đổi đến mức dù có nằm mơ giữa ban ngày ông cũng không thể tưởng tượng ra. Xin trích ra dưới đây những điểm sai lệch cơ bản để bạn đọc tham khảo:






LÝ LỊCH


CÁN BỘ CÔNG NHÂN VIÊN


(Bản do Hoàng Yến khai ngày 21 tháng 3 năm 1991 nằm trong hồ sơ cán bộ do Cục Nghệ thuật biểu diễn quản lý)





LÝ LỊCH


CÁN BỘ CÔNG NHÂN VIÊN


(Bản do Vụ Nghệ thuật sân khấu “sáng tác”, vụ trưởng Tô Hải ký và đóng dấu ngày 10 tháng 9 năm 1980)





Họ và tên đang dùng: Hoàng Yến


Họ và tên khai sinh: Lê Hoàng Yến


Thành phần gia đình: Tiểu thương nông thôn


Trình độ văn hóa: Diplôme


Ngày và nơi tham gia Cách mạng: Năm 1938 tại Huế


Bố đẻ: Lê Thành, trước và sau Cách mạng buôn bán nhỏ tại xã Hòa Tiến, Hòa Vang, Quảng Nam. Trong Kháng chiến chống Pháp tản cư lên Trung Phước. Năm 1954 về ở Đà Nẵng. Không làm gì cho chế độ Mỹ Ngụy. Mất năm 1979 tại Đà Nẵng.


Mẹ đẻ: Huỳnh Thị Mẹo, theo chồng buôn bán, mất năm 1965 tại Đà Nẵng.


Vợ: Nguyễn Thị Tùng Nương, cán bộ hưu trí, thường trú tại 11 Đinh Công Tráng, Quận 1,TP Hồ Chí Minh. Đã ly hôn năm 1960.


Cuối bản khai là chữ ký thật của Hoàng Yến.


Họ và tên đang dùng: Hoàng Yến


Họ và tên khai sinh: Hoàng Yến


Thành phần gia đình: Tiểu tư sản


Trình độ văn hóa: Đại học Văn sử


Ngày và nơi tham gia Cách mạng: Tháng 8 năm 1945 tại Quảng Nam


Bố đẻ: Hoàng Tâm, trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, nhân viên bưu điện của tỉnh Quảng Nam, cuối năm 1945 ốm chết.


Mẹ đẻ: Vũ Thị Nguyệt, trước Cách mạng tháng 8 nội trợ, sau Cách mạng tháng 8 nội trợ, đến giữa năm 1946 ốm chết.


Vợ: Thùy Linh, 51 tuổi, biên kịch Nhà hát Cải lương TW.


Cuối bản khai là chữ ký giả mạo Hoàng Yến do người “sáng tác” bản lý lịch ký.




clip_image004


clip_image006


Ảnh trái là bản lý lịch thật do Hoàng Yến khai, ảnh phải là bản lý lịch rởm do Tổ chức “sáng tác” với chữ ký giả mạo.


Theo Bản lý lịch mà Vụ Nghệ thuật sân khấu “ban cho” từ tháng 8 năm 1980 thì Hoàng Yến mất cả họ, mất cả cha mẹ, vợ con. Ông âm thầm sống như một ẩn sĩ, âm thầm viết để mưu sinh và ký thác triết lý nhân sinh của mình.


clip_image008


Hoàng Yến và con gái Hiền Phương


clip_image010


Gia đình sum họp năm 2008


Có điều, như trên đã nói, cũng bởi cuộc đời này đầy nghịch lý, nên, ngoài niềm vui được đoàn tụ với nữ sĩ Lan Châu cùng các con đã trưởng thành, Hoàng Yến còn được Chủ tịch nước tặng thưởngHuân chương kháng chiến hạng nhất vào năm 1998, các vở diễn của ông được nhận huy chương vàng, bạc, được đưa đi hội diễn ở nước ngoài. (Lẽ ra ông phải được công nhận Tiền bối Cách mạng và Người có công với chế độ, v.v.). Sau khi ông qua đời vào năm 2012, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, trịnh trọng đọc lời ai điếu tiễn đưa nhà thơ xứ Quảng về nơi an nghỉ cuối cùng, trong đó có đoạn: “Nhà văn Hoàng Yến sinh ra trong một gia đình tiểu chủ giàu truyền thống yêu nước. Cha mẹ ông từng nuôi giấu các chiến sĩ cách mạng như Nguyễn Duy Trinh, Huỳnh Ngọc Huệ… Từ truyền thống yêu nước của quê hương và gia đình, ngay từ khi học lớp thành chung, Lê Hoàng Yến đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia phong trào Thanh niên phản đế, rồi gia nhập tổ chức Đảng. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông đã giữ chức Chủ sự Phòng Tư pháp Công an Trung bộ”.


Khi nói đến sự nghiệp sáng tác của Hoàng Yến, nhà thơ Hữu Thỉnh viết: “Tìm trong lịch sử để giải mã hiện tại, chính là một cách Hoàng Yến thể hiện bản lĩnh nhà văn, tình yêu Tổ quốc ở một góc độ khác. Những tiểu thuyết lịch sử của ông có cái thâm trầm uyên bác của sử gia và tâm huyết một nhà văn gắn bó máu thịt với thân phận con người. Ông luôn luôn xuất phát từ hiện tại để soi chiếu vào quá khứ, chắt lọc lấy cái tinh hoa để bồi dưỡng cho hiện tại… Hoàng Yến hầu như dành trọn cả văn nghiệp của mình cho lịch sử. Ông đã viết tên mình bên cạnh những người áo vải, chân trần, yêu nước hết mực lòng trung, thương nhà tận cùng chữ hiếu, dũng cảm xả thân và khoan dung nhân ái. Sự nghiêm cẩn trong sử dụng sử liệu và sự hào hoa trong tạo dựng tính cách và bối cảnh cùng với tính triết lý nghệ thuật sâu sắc đã đưa Hoàng Yến trở thành một trong những nhà văn viết hay nhất và thành công nhất về lịch sử dân tộc. Sau những trang tráng ca và bi ca, bao giờ người đọc cũng nhân ra trái tim Hoàng Yến đập nhịp nồng nàn với đất nước và nhân dân. Chính vì thế, những tác phẩm tâm huyết nhất của Hoàng Yến sẽ còn mãi với hồn Việt và văn hóa Việt…”.


Để thay lời kết cho bài viết này, chúng tôi xin trích những dòng cuối của bài điếu văn của Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định về tư cách công dân và tư cách nghệ sĩ của nhà thơ Hoàng Yến, khác hẳn những gì mà người ta gán cho ông trong vụ Nhân văn Giai phẩm: “Vâng, kính thưa nhà thơ, nhà văn, kịch tác gia Hoàng Yến, mây trời ở cõi trần gian chính là những người thân, bạn bè và công chúng nghệ thuật cùng đến đưa tiễn ông hôm nay. Họ đã xem ông như một phần trong cuộc sống tinh thần của họ. Đó là một vinh hạnh cao nhất của bạn đọc dành cho nhà văn. Ông đang trôi giữa trời hoa, những đám mây ngũ sắc của đất, đã bao bọc và gửi gắm nỗi tiếc thương của cháu con, gia đình, bạn bè và tất cả những người đã mến mộ ông khi đọc và xem tác phẩm.


Vĩnh biệt ông, chúng ta vĩnh biệt một nhân cách nghệ sĩ đáng kính, một tấm gương sáng tạo không mệt mỏi…”.


Không biết những lời có cánh trên có biến thành những vầng mây – hào quang để hoà vào “ngã ba mây” ký ức của nhà thơ mà cuộc đời nhuốm đầy bi kịch chỉ vì… không chịu đánh mất mình?


19/8/2015


Đ.V.S.


Chú thích: * Tiếng Pháp: dễ bị tổn thương, dễ bị đánh (tính từ).






TÌNH NGƯỜI SOI DẶM ĐƯỜNG, BI KỊCH CỦA MỘT NHÀ THƠ KHÔNG CHỊU… ĐÁNH MẤT MÌNH TÌNH NGƯỜI SOI DẶM ĐƯỜNG, BI KỊCH CỦA MỘT NHÀ THƠ KHÔNG CHỊU… ĐÁNH MẤT MÌNH Reviewed by Phạm Thu Hương on 04:49 Rating: 5

Không có nhận xét nào: