Lại Nguyên Ân
Có thể mua bản e-book theo địa chỉ: http://komo.vn/product/view?pid=1771
PHẦN BA
VĂN HỌC VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ ĐỔI MỚI
(đề cương)
I. Vài nét về 10 năm trước “đổi mới” (1975-1986)
1. Xã hội, chính trị, kinh tế
30/4/1975: + vùng lãnh thổ và chính quyền Việt Nam cộng hòa (từ vĩ tuyến 17 trở vào) bị đánh bại, bị xóa sổ. Toàn bộ lãnh thổ Việt Nam thuộc quyền kiểm soát của chính quyền của những người cộng sản (chính phủ Việt Nam DCCH) + chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam)
+ Hiệp thương giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Chính phủ lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam để thống nhất đất nước.
+ Bầu Quốc hội mới (Quốc hội 3), đổi tên nước: “Việt Nam dân chủ cộng hòa” -−> “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”
(đợt vận động sáng tác Quốc ca mới: kết quả không thành)
+ Chính quyền của ĐCS áp dụng mô hình tổ chức xã hội-kinh tế đã có ở miền Bắc cho miền Nam:
Cải tạo doanh nghiệp tư bản, biến thành công tư hợp doanh. Xác lập vị trí chủ đạo của kinh tế quốc doanh, thương nghiệp quốc doanh ở miền Nam.
(Tiểu thuyết “Những khoảng cách còn lại” của Nguyễn Mạnh Tuấn là chuyện cải tạo này)
Di dân đô thị miền Nam bớt đi về các vùng kinh tế mới (Truyện “Thợ làm móng tay” của Dương Thu Hương chọn giải pháp cho nhân vật đi khu kinh tế mới)
Vận động địa chủ bớt ruộng, chia cho nông dân (hình thức nhẹ hơn Cải cách ruộng đất ở miền Bắc thời kỳ 1953-1956).
Xây dựng hệ thống chính trị ở miền Nam:
Đảng, tổ chức Đảng ở cơ sở;
hệ thống các doanh thể của Đảng ở cơ sở (Đoàn Thanh niên, hội Phụ nữ, Mặt trận, thiếu nhi…)
Lập bộ máy chính quyền các cấp
1978: đổi tiền để thống nhất tiền tệ 2 miền.
1979: + “nạn kiều” – Hoa Kiều di tản hàng loạt khỏi Việt Nam. Sau “nạn kiều” là “thuyền nhân” di tản khỏi Việt Nam.
+ Chiến tranh biên giới Trung – Việt; đoạn tuyệt quan hệ 2 nước CS Việt Nam – Trung Quốc (Trung Quốc bắt đầu cải cách mở cửa, Đặng Tiểu Bình đi Mỹ…)
+ Chiến tranh biên giới Tây Nam: quân Pol Pot đánh biên giới Việt Nam; Việt Nam đánh chiếm Cambodge của Pol Pot, lập chính phủ Heng Samrin thân Việt Nam.
+ Quan hệ Việt Nam – Liên Xô chặt chẽ hơn (Thăm dò dầu khí, xây dựng thủy điện Hòa Bình, nhiệt điện Phả Lại, trạm thu phát truyền hình nối cầu Hà Nội – Moscow…; du học sinh đi Liên Xô nhiều hơn, lao động xuất khẩu sang Liên Xô và Đông Âu…)
+ Đường lối kinh tế: “Sản xuất lớn”, tư tưởng “đại công trường thủ công” của Lê Duẩn. “Sản xuất lớn” được thực nghiệm bằng việc đưa hợp tác xã nông nghiệp quy mô nhỏ lên quy mô lớn: mỗi xã = 1 hợp tác xã, thậm chí liên xã −> 1 hợp tác xã.
Các sự kiện nổi tiếng:
- Quỳnh Lưu (Nghệ An) dân dời nhà lên đồi, để dành đất làm ruộng lúa, xây dựng “Xí nghiệp lúa” Quỳnh Lưu, trạm máy kéo lớn −> sập nhiều cầu cống nhỏ; cách quản lý lao động rất chặt (cán bộ trạm y tế Quỳnh Giang nắm được chu kỳ kinh nguyệt của nữ xã viên để họ không thể nại lý do nghỉ làm đi chợ).
- Chuyện 3 xã ven biển Quỳnh Lưu (quê Nguyễn Minh Châu) tập trung mấy ngàn người đắp đê ngăn biển làm ruộng muối.
+ Định Công ở Thanh Hóa. Tố Hữu coi là mô hình cần “Định Công hóa” cả nước. (Rất gần mô hình Đại Trại Trung Quốc, “nồi cháo lớn”).
Nhân vật nổi bật: Bí thư Đợi (Quỳnh Lưu) (có hình bóng trong Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu)
=> Thất bại của mô hình “sản xuất lớn” trong nông nghiệp. Cán bộ các ban quản trị hợp tác xã (thường đồng thời là cán bộ chính quyền, đảng ủy… xã) chiếm dụng công quỹ, bóc lột lao động của nông dân. Phản ứng của nông dân xã viên: lãn công, lười làm việc; −> năng suất lúa và hoa màu kém, ruộng bỏ hoang, nạn đói kém thường xuyên.
Ca dao dân gian (có từ hàng chục năm trước): “Mỗi người làm việc bằng hai / Để cho chủ nhiệm mua đài mua xe / Mỗi người làm việc bằng ba / Để cho chủ nhiệm xây nhà xây sân…”
- Tranh luận trong Đảng và công khai trên báo về “giá – lương – tiền” (định giá sản phẩm do cấp trên đặt ra hay do giá thành thực tế? lương của công nhân, cán bộ công nhân viên chức như thế nào? các vấn đề về quản lý tiền ở ngân hàng…)
- Nông nghiệp: từ chống “khoán chui” đến “tháo khoán”.
“Khoán hộ” do Kim Ngọc, bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc lặng lẽ cho dân thực hiện hồi 1967-1968; nội dung là giao ruộng cho hộ gia đình nông dân làm, thu hoạch nộp cho hợp tác xã theo tỷ lệ nhất định −> khuyến khích sản xuất, được nông dân ủng hộ, hoan nghênh. Bị TW Đảng, trực tiếp là Trường Chinh phê nặng là “rời bỏ còn đường XHCN”, cách chức, yêu cầu ngồi viết kiểm điểm. Kim Ngọc vẫn cho là mình đúng, tuy nhận khuyết điểm với Đảng. (Kim Ngọc, 1917-1979. Sau đổi mới, Trường Chinh về thăm tỉnh Vĩnh Phú có nói nên dựng tượng Kim Ngọc).
Những năm đầu 1980, trong khi nông thôn miền Trung (Thanh Nghệ Tĩnh) thành nơi thí nghiệm “đại công trường thủ công XHCN” thì ở nông thôn Bắc Bộ, kiểu “khoán hộ” (bị dẹp hồi 1968-1969) lặng lẽ sống lại: nhiều nơi thực hiện, tuy phải che đậy cấp trên. Rồi dần dần các cơ quan Đảng, cơ quan nghiên cứu kinh tế bắt đầu tìm hiểu phong trào ngầm này một cách nghiêm túc hơn. Hội nghị về “khoán sản phẩm tới hộ xã viên” ở Đồ Sơn 1982 (?) ý kiến giới nghiên cứu kinh tế nghiêng về ủng hộ.
Trên báo Văn nghệ lúc này có nhiều phóng sự về chuyển biến mới trong nông nghiệp; kịch Đất nghịch của Hồng Phi đăng Văn nghệ chính là nói về đề tài này, khoảng 1984-1985 được dựng thành phim truyện “Cuộc chia tay mùa hạ”.
Xu hướng ủng hộ “khoán sản phẩm” thắng thế, từ nông nghiệp “khoán” lan sang công nghiệp (quốc doanh), cuối cùng được hợp pháp hóa bằng nghị quyết Đảng, công nhận quyền tự chủ kinh doanh sản xuất của cá xí nghiệp quốc doanh (trước kia sản xuất theo kế hoạch: tức là cấp trên giao mặt hàng, giao vốn, nguyên liệu; xí nghiệp nhận làm và nộp sản phẩm, lĩnh lương cố định cho công nhân cán bộ).
Với “tháo khoán” và cho tự chủ kinh doanh sản xuất −> khắc phục được một phần nạn đói khi giáp hạt (trước vụ thu hoạch), và một phần nạn khan hiếm hàng tiêu dùng.
(Về nạn khan hiếm hàng tiêu dùng: Ca dao trong giới cán bộ nữ về “Mười yêu”, nhại ca dao truyền thống: Một yêu anh có may ô, / Hai yêu anh có cá khô ăn dần / Ba yêu rửa mặt bằng khăn… − là hậu quả không thể khác của kinh tế tập trung quan liêu).
Nhưng các ban chủ nhiệm hợp tác xã “khôn ra”: nâng mức khoán, không có những đảm bảo về hạn hán, sâu bệnh, giống má… −> nông dân trong khuôn khổ hợp tác xã vẫn bị động, bị bóc lột.
1983: – Trước tình hình một số tư nhân sản xuất kinh doanh có lãi, Đảng và Nhà nước kìm hãm bằng một đợt kiểm tra tài chính, thu nhà: Vụ án xử Tổng công ty Khoáng sản xuất khẩu có lãi, chia cho cán bộ công nhân viên;
1985: Vụ đổi tiền (tháng 9) đưa tới lạm phát. Tố Hữu bị cách chức Phó thủ tướng…
+ Đồng tiền mất giá khủng khiếp. Trước 1985: gạo theo sổ (bao cấp) 0,4 đ/ 1kg; thị trường (chợ đen): 1,2 đ./1kg; (tiền đổi 1985 quy đổi 10đ cũ = 1đ mới); đến 1988 (hủy bỏ chế độ gạo theo sổ): thị trường: 2.500 đ/1 kg; −> lạm phát ≈ 20.000 lần.
+ Buôn lậu ở biên giới Tây Nam (với Cambodge) và sau đó là ở biên giới phía Bắc, có tác dụng bù đắp thiếu hụt hàng tiêu dùng trong nước. Buôn lậu xuyên Việt, “luật giang hồ” của các lái xe tải. Cán bộ quản lý các cấp được dịp kiếm chác.
+ Cựu chiến binh về gia đình, thấy đói khổ −> bung ra buôn bán, tham gia buôn lậu (bài ca dao: Đầu đường đại tá bơm xe / Cuối đường trung tá bán chè đỗ đen… / Giữa đường trông thấy quen quen / Ấy là thượng uý thổi kèn đám ma…)
+ Sự thân thiết về chính trị giữa Việt Nam và Liên Xô. Tổng bí thư Tchernenko (bảo thủ) chết, Yuri Andropov thay. Andnopov chết, M.Gorbachev thay, tuyên bố “glasnost”, “perestroika”, v.v.
Tiếng dội từ thay đổi chính trị ở Liên Xô lúc đầu được thông tin tự do ở Việt Nam (tuy những người bảo thủ vẫn lên tiếng cảnh báo hãy cẩn thận). Gorbachev thăm Việt Nam.
1985, Lê Duẩn chết; kịch bản Đại hội 6 từ kiểu Lê Duẩn đổi sang kiểu Trường Chinh; Trường Chinh gỡ uy tín với lịch sử bằng việc ủng hộ Đổi mới. Nguyễn Văn Linh lên.
2/ Văn học (và một số ngành nghệ thuật)
A/ Những nét nổi lên như sự kiện:
1975:
- Trần Độ từ quân đội chuyển sang dân sự, làm Thứ trưởng văn hóa, rồi về cơ quan Tuyên huấn của TW Đảng, tiếp xúc văn nghệ sĩ; 1987 làm Trưởng ban Văn hóa văn nghệ của TW Đảng.
- Nguyễn Văn Hạnh, 1977, hiệu trưởng trường Đại học sư phạm Huế, rồi làm Thứ trưởng Giáo dục; 1987 chuyển về làm phó ban cho Trần Độ.
- Nguyên Ngọc sau 1975 ở miền Nam (trại viết quân khu 5) ra “Văn nghệ quân đội”, rồi chuyển ra dân sự; 1977 về Hội Nhà Văn làm bí thư Đảng đoàn Hội Nhà văn, Nguyễn Khải làm phó (Hội Nhà văn lúc ấy do Nguyễn Đình Thi tổng thư ký, thường vụ BCH có Tô Hoài, Nguyên Ngọc, Giang Nam, v.v.).
- Ngay sau tháng 4/75: Tiếp xúc và hợp nhất Hội văn nghệ giải phóng miền Nam VN vào Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam.
1976:
- Hợp nhất tạp chí “Tác phẩm Mới” của Hội Nhà Văn và nhà xuất bản Văn nghệ giải phóng (bộ phận ở Hà Nội) thành lập nhà xuất bản “Tác phẩm mới” (nay là Nxb. Hội Nhà Văn)
- Để chuẩn bị về Hội Nhà văn: + Nguyên Ngọc viết bài phê phán Bầu trời, thơ Huyền Kiêu (chê là tự nhiên chủ nghĩa ở một số bài). + Giang Nam (về làm Tổng biên tập Văn nghệ) viết bài phê thơ Vương Linh.
- Phản ứng tiêu cực của Nguyễn Đình Thi trước việc Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Giang Nam về Hội, vào Đảng đoàn:
+ Viết các kịch: Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Rừng trúc,…. không được in (Vũ Tú Nam giám đốc Nhà xuất bản Tác phẩm mới từ chối).
+ Nói chuyện các nơi với thái độ bất mãn (bất mãn riêng nhưng được dư luận coi như bất mãn với xã hội).
+ Đưa Nguyễn Trãi ở Đông Quan cho Việt Kiều in ở Paris (vi phạm kỷ luật chung: không được công bố tác phẩm ở nước ngoài).
+ Nhân vật Lý Chiêu Hoàng ném vương miện (chửi riêng bọn người thay thế mình, ví dụ Nguyên Ngọc)
1979:
- Nguyên Ngọc phát biểu đề dẫn ở Hội nghị nhà văn (bàn về sáng tác): về lý luận Nguyên Ngọc có 1 ý: văn nghệ phải sáng tạo ra hiện thực −> vi phạm quan niệm chuẩn của chủ nghĩa hiện thực XHCN (socialist realism) xem nhiệm vụ văn học là văn học phản ánh hiện thực, v.v. Tố Hữu phê tại chỗ: xóa cây số trên đường đi (= thành tựu văn nghệ CM, KC) −> có tội.
- Một số bài báo được coi là phạm tabou:
+ Nguyễn Minh Châu: “Viết về chiến tranh” (Văn nghệ quân đội): Văn học ta chỉ có sử thi (epic), anh hùng ca, không có tiểu thuyết (novel, roman).
+ Ngô Thảo: (tại hội thảo 35 năm văn học XHCN): ta mới nói 1/2 sự thật; mà “1/2 bánh mỳ = bánh mỳ; 1/2 sự thực là giả dối”.
+ Hoàng Ngọc Hiến: văn học ta theo “chủ nghĩa hiện thực phải đạo” (realism conformist = tùy thời, xu thời)
Tại hội thảo 35 năm văn học: Hà Xuân Trường va chạm Hoàng Ngọc Hiến; Hoàng Ngọc Hiến nói: trong học thuật đừng dùng đến cường quyền, muốn tỏ cường quyền hãy lên biên giới đánh giặc Tàu. Hà Xuân Trường tức giận, nói đến việc đưa công an đến “giữ trật tự”. Chiều hội thảo: Nguyễn Đình Thi nói chuyện với giọng bất mãn, được một số người hiểu là tiến bộ.
1980-1982:
Khi thấy đủ một số dấu hiệu “lệch lạc”, TW Đảng có đợt phê phán trên báo; mang tính chỉ đạo là 2 bài Trần Độ và Hà Xuân Trường. Các ý của Nguyên Ngọc (đề dẫn), Hoàng Ngọc Hiến (hiện thực phải đạo) bị coi là lỗi nặng nhất.
=> Được ghi nhận như một vụ trong loạt những vụ: NV-GP (56-58), vụ NQ.9 (1964), vụ “Cây táo ông Lành”, “Sẹo đất” (1973). Đây là vụ “đề dẫn”, “hiện thực phải đạo”, “nửa bánh mỳ” (1979-1980).
Khi có tín hiệu lại được tin dùng, Nguyễn Đình Thi quay lại phê các “quan niệm lệch lạc” của Nguyên Ngọc, Hoàng Ngọc Hiến,… đi nói chuyện nhiều nơi để chuẩn bị Đại hội nhà văn. Nguyễn Đình Thi lại được TW giao trù bị Đại hội nhà văn III.
1983:
Đại hội nhà văn III. Một BCH rất đông đảo, Nguyễn Đình Thi được bầu lại chức Tổng thư ký, phát biểu trong lễ bế mạc khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến: “Chúng tôi như những hạt bụi, lấp lánh ánh sáng của cách mạng” (dư luận bên ngoài xem tivi chê và nhớ đoạn phát biểu này của Nguyễn Đình Thi). (Tài liệu: sách kỷ yếu: Văn học trong giai đoạn cách mạng mới, Nxb. Tác phẩm mới, 1984, L.N.Â. được giao biên soạn)
1984-1985: Tiểu thuyết Học phí trả bằng máu của Nguyễn Khắc Phục bị dư luận địa phương chủ nghĩa ở Huế phản đối (“xúc phạm người xứ Huế…”; Nguyễn Khoa Điềm đồng tình với việc “đánh”: tổ chức đốt sách này)
- 12/1985: Hội nghị nhà văn trẻ lần thứ hai
Lớp nhà văn “tứ tuần” khá đông đảo, có chỗ đứng trên văn đàn.
Thơ: Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Hữu Thỉnh, Anh Ngọc, Ý Nhi, Mỹ Dạ…
Văn: Lê Lựu, Triệu Bôn, Ma Văn Kháng, Thái Bá Lợi, Dương Thu Hương, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nhật Tuấn…
- Sự kiện chuyển hướng trong kinh tế xã hội (nông thôn HTX chuyển sang khoán cho hộ xã viên, công nghiệp: khoán sản phẩm, tự chủ kinh doanh sản xuất) được hưởng ứng trong các loại hình văn nghệ từ 1982-86:
+ Loạt phim truyện Cuộc chia tay mùa hạ, Hy vọng cuối cùng, Đứng trước biển, và các phim khác, đề tài về chuyển sang cách quản lý mới.
+ Sân khấu về thời sự công nông nghiệp: kịch Xuân Trình (Mùa hè ở biển), Lưu Quang Vũ (Tôi và chúng ta,…)
+ Truyện và tiểu thuyết: Đứng trước biển, Cù lao Tràm (Nguyễn Mạnh Tuấn), Mưa mùa hạ (Ma Văn Kháng), Nhìn dưới mặt trời (Nguyễn Kiên), v.v. (sau khi “tháo khoán” thì loại mô-tip đấu tranh cho khoán trong nông nghiệp xuất hiện ở rất nhiều truyện, tiểu thuyết).
Trong đó nổi bật là Nguyễn Mạnh Tuấn với Đứng trước biển (1982), Cù lao Tràm (1984); trước đó Ng.M.Tuấn có Những khoảng cách còn lại (1980) minh họa việc cải tạo doanh nghiệp tư sản miền Nam sau 4/1975. Đứng trước biển được in lại ngay và in lại nhiều lần, được dựng thành phim. Cù lao Tràm, ban đầu dư luận khen; sau đó Hà Xuân Trường, trưởng ban Văn hóa văn nghệ TƯ lên tiếng khẳng định giá trị (Nhân dân, 19/8/1985); rồi từ phía Nam, từ Tp. HCM., người ta cho rằng việc đề cao cuốn sách này liên quan đến việc những quan chức ngành tuyên huấn như Hà Xuân Trường, Hoàng Tùng định nhân đây củng cố vị trí của mình trong Đảng ở ĐH 6 sắp tới (kịch bản Lê Duẩn cho ĐH 6) nên từ Tp.HCM. bắt đầu có một loạt bài phê phán nặng: Lê Đình Kỵ (VN. Tp.HCM., 10/1/1986), Hoàng Hà (VN. Tp.HCM., 17/1/1986), Nguyễn Ngọc Lượng (VN. Tp.HCM., 20/6/1986), Phùng Quý Nhâm (VN. Tp.HCM., 20/6/1986); Hà Xuân Trường đáp lại (Nhân dân, 17/5/1986). [Xem sách tư liệu: Văn học 1975-1985, tác phẩm và dư luận, H., Nxb. Hội Nhà Văn, 1997, tr. 371-414]. Cuộc tranh cãi về nội dung các vấn đề xã hội trong tiểu thuyết này bị dừng lại khi kịch bản ĐH.6 đổi, sau cái chết của Lê Duẩn.
+ Sách dịch: Biên bản một cuộc họp, Chuyện thường ngày ở huyện… do nhà xuất bản Tác phẩm mới tổ chức dịch in, đề tài về cải tiến quản lý kinh tế xã hội ở Liên Xô. Bản dịch Chuyện thường ngày ở huyệntrở nên rất nổi tiếng (tác phẩm truyện ký của nhà văn Liên Xô Ovechkin Valentin Vladimirovich /1904-1968/ viết 1952-1956, được dịch in 1980); một số nơi như Thái Bình, đảng bộ tỉnh, huyện mời nhà xuất bản Tác phẩm mới về nói chuyện.
- Phim Nga chiếu ở VN: “Moskva không tin nước mắt”, “Ý kiến riêng”… Phim Ba Lan của Andrzej Wajda (1926-): “Không cần gây tê”, “Nhạc trưởng”… “gõ cửa” cho sự thay đổi.
- Thảo luận về truyện ngắn Nguyễn Minh Châu (tháng 7/1985, tại báo Văn nghệ):
+ Nội dung thảo luận: truyện ngắn Nguyễn Minh Châu sau 1975, đã đăng lẻ lẻ và tập hợp vào tậpNgười đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (1983) và một số truyện khác, nhất là Khách ở quê ra (sau đó đều in vào tập Bến quê 1985). Nguyên nhân: lối viết (khác với lối viết phổ biến trước đó) của Nguyễn Minh Châu gây tranh luận. Nguyễn Minh Châu trình bày và lý giải các khía cạnh đời sống con người, khác với cách viết “chủ đề rõ ràng” vẫn phổ biến trước đấy trong văn học XHCN ở Việt Nam.
+ Trong những khác biệt gây tranh luận, có một nhận xét trở thành lời phê nặng: Hà Xuân Trường trưởng ban Tư tưởng văn hóa TW Đảng nói ở Thái Bình và Hà Nội: “Viết như Nguyễn Minh Châu mới là 1/2 XHCN”.
(tìm cuốn tập hợp bài báo của Hà Xuân Trường: Không có một thời như thế xuất bản 1998).
+ Trong thảo luận tại báo “Văn nghệ”, các ý chê thường ngụ vào từ “dị biệt”: sao anh viết những cái dị biệt thế!
+ Thảo luận không ngã ngũ, có người khen, có người chê, nhưng cuộc thảo luận đánh động quan niệm nhà văn về miêu tả và thể hiện đời sống đương thời.
- Về tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn (1985) của Ma Văn Kháng.
+ sách có dư luận, có cuộc thảo luận tại báo Người Hà Nội, nhưng không có ý kiến chê nào nặng.
+ ý nghĩa của cuốn sách là nhắc đến vai trò của gia đình, là điều bị coi nhẹ trong lãnh đạo tư tưởng của Đảng, trong nếp sống XHCN của xã hội: Trong các điều “Bác Hồ dạy thiếu nhi” không có điều nào nói phải yêu kính cha mẹ (5 điều Bác Hồ dạy thiếu nhi: “Yêu tổ quốc, yêu đồng bào, / Học tập tốt, lao động tốt, / Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt, / Giữ gìn vệ sinh thật tốt, / Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.”).
+ Nhân “đổ lỗi” cho việc coi nhẹ giáo dục gia đình, cuốn sách nêu được những sự thật về băng hoại đạo đức, lối sống thực dụng, chuyện di tản ra nước ngoài, chuyện cán bộ đi buôn…
- Phản xạ tích cực của công chúng và giới nhà văn đối với một số tác phẩm dịch:
+ Thao thức (nguyên bản 1977, dịch ở Việt Nam: 1984) của Alexandr Kron (Nga, LX.) nói về trí thức trong CNXH.
+ Quy luật của muôn đời (nguyên bản 1978, dịch 1984) của Nodar Dumbadze (Georgia, Liên Xô) nêu một triết lý sống coi trọng tình cảm hơn lý tính.
+ Hai mươi giờ, tiểu thuyết (nguyên bản 1963, dịch 1978), của Santa Ferenc (1927-2008, Hunggary) nói về những điều liên quan đến sự kiện 1956 ở nước này.
- Kịch Lưu Quang Vũ bắt đầu được công chúng chú ý.
1986:
- Phim tư liệu chính luận “Hà Nội trong mắt ai” của Trần Văn Thủy đưa duyệt, bị cấm, ý kiến các quan chức tuyên huấn (Hoàng Tùng, Hà Xuân Trường…) cuối cùng cho chiếu.
- Phim truyện Đặng Nhật Minh: Thị xã trong tầm tay (1983) nhân chiến tranh biên giới, kiểm lại sự hà khắc, quan niệm thành phần chủ nghĩa kiểu Maoism du nhập các quan hệ xã hội Việt Nam; Bao giờ cho đến tháng Mười (1984) nói về nỗi đau mất mát do chiến tranh cho con người, nhất là cho người phụ nữ.
- Kịch Lưu Quang Vũ chiếm lĩnh sân khấu cả nước. Hầu hết là đề tài thời sự, kinh tế, xã hội (khoán trong nông nghiệp, trong nhà máy, quan hệ con người,… mỗi vở gần giống một thiên phóng sự đặt ra các vấn đề xã hội, kinh tế, con người…).
- Tiểu thuyết Thời xa vắng (1986) của Lê Lựu ra mắt và gây được dư luận về các vấn đề xã hội, con người. Các bài phê bình trên Văn nghệ và các báo khác nói về cuốn sách: các vấn đề nhìn lại nông thôn, người nông dân, người lính, đời sống thành thị và quan hệ con người. Có nhận xét: lần đầu tiên sau mấy chục năm văn học cách mạng xuất hiện nhân vật chính với tư cách một người thất bại (người anh hùng trong chiến tranh, quay về cuộc sống thời bình ở đô thị trở thành người thất bại). (Dư luận về Thời xa vắng đăng trên báo chí kéo dài đến sau ĐH 6. Tại một hội thảo ở giới phê bình trẻ tại 65 Nguyễn Du có Hà Xuân Trường, trưởng ban VHVN dự, có Lê Lựu… ý kiến khen, bênh vựcThời xa vắng chiếm ưu thế; Hà Xuân Trường cũng căn bản khen Thời xa vắng; Lê Lựu thở phào nhẹ nhõm).
B/ Mấy nhận xét chung về văn học 10 năm trước đổi mới
- Sau 30/4/1975, văn học từ thời chiến chuyển sang thời bình. Việc “bám sát đời sống” (đây là yêu cầu /lý thuyết/ của Đảng với văn nghệ sĩ) đưa tới việc văn học tham dự, can dự cả vào các vấn đề kinh tế, xã hội. Sự can dự lần này mang tính chủ động, quyết liệt hơn (so với các lần sáng tác hưởng ứng chủ trương chính sách mới trước đây), ví dụ phim về “khoán” trong công nông nghiệp; ví dụ Đứng trước biển và Cù lao Tràm của Nguyễn Mạnh Tuấn.
- Xu hướng “văn học trở về chính nó”, tức là trở về dạng thức các nền văn học thông thường trên thế giới với việc chú ý đến các vấn đề tâm lý, lối sống của con người; con người thành đối tượng chú ý trung tâm (thay vì các sự kiện chiến tranh, sản xuất chiếm vị trí trung tâm).
- Văn học và nhà văn Việt Nam có chuẩn bị cho đổi mới không?
+ Xét trên các vấn đề lớn, chiến lược thì hình như không hoặc nếu có thì rất ít ỏi, khó thấy (khác với các giới nhà nghiên cứu tư tưởng, nhà lý luận, nhà sử học… ở Liên Xô chuẩn bị cho peresroika cả về nhận thức lý luận về kiểu CNXH cần từ bỏ (CNXH trại lính, CNXH tập trung mệnh lệnh, chỉ huy…) và kiểu CNXH cần hướng tới (CNXH nhân dân); cả về “hồ sơ” tội lỗi của cơ chế cũ; công bố tác phẩm bị cấm theo thứ tự tăng dần tính quyết liệt: từ Những đứa trẻ phố Arbat dần dần đền GULAG của Solzhenitsyn, v.v và v.v.)
+ Xét về tình cảm xã hội và văn học (đối với nhu cầu cởi trói của nông dân, công nhân trong sản xuất theo cơ chế cũ, đối với nhu cầu giải phóng khỏi những khắt khe về phong tục, kỷ luật đạo đức hà khắc mang sắc thái Nho giáo mà người ta nhân danh CNXH để áp đặt con người, v.v.) thì nhà văn và các tác phẩm văn học và chính luận của họ có tham dự một cách hăng hái vào việc tố cáo, làm mất uy tín của các “canon”, “tabou” của cơ chế cũ, đòi hỏi một xã hội, một nền kinh tế có gương mặt người (nhân ái, nhân hậu hơn).
+ Giới lý luận, phê bình, do giao tiếp với sách báo văn học Liên Xô và Đông Âu đã dần dần thấy tính chất lạc hậu, phản tiến hóa của nhiều giáo điều tư tưởng, kể cả tư tưởng lý luận văn nghệ, thấy nhiều điều bất cập trong chính sách văn nghệ. Tự họ muốn nới lỏng các “canon”, “tabou”, thường là từ các yếu tố phụ trợ (trước khi đi vào cái chính yếu). Như Anatony Sokolov (bài báo đăng ở Nga 1998) nhận xét, lúc này ở Việt Nam có một lớp phê bình trẻ (khoảng trên dưới 40 tuổi), có học vấn lý luận tốt hơn, biết nhìn văn học và xã hội trong những viễn cận dài rộng hơn, vừa có nhu cầu thay đổi, vừa cần một môi trường xã hội-chính trị cởi mở, thay đổi (Theo A. Sokolov, biểu hiện tập trung của giới này là công trình chung: Một thời đại mới trong văn học, viết xong 1986, Nxb. Văn học in và phát hành 1987; gồm 6 bài chuyên luận của 5 tác giả: Nguyễn Đăng Mạnh, Lại Nguyên Ân, Trần Đình Sử, Vương Trí Nhàn, Ngô Thảo).
TRONG THOÁNG XUÂN HÀ NỘI (THƯ TỪ, GHI CHÉP, 1986-1991) (KỲ 27)
Reviewed by Phạm Thu Hương
on
04:47
Rating:
Không có nhận xét nào: