Nguyễn Ngọc Lanh
Học giả Phạm Quỳnh bị giết 3 lần (tiếp)
Nhắc lại sự kiện giết Phạm Quỳnh lần 2. Phần trước của bài này đưa ra các tư liệu xác thực (dễ kiếm trên mạng internet) khẳng định việc Phạm Quỳnh bị thủ tiêu ngày 6-9-1945, mà không qua xét xử. Đó là giết lần 1, thuần túy về sinh mạng. Vậy mà 3 tháng sau, Ủy Ban Khởi Nghĩa tỉnh Thừa Thiên – Huế vẫn thông báo chính thức, trên tờ báo chính thức, một tin ngắn, bịa đặt, nhưng gồm tới bảy ý: 1) Phạm Quỳnh là Việt gian phản quốc; 2) tối nguy hiểm; 3) bị kết án (tức là có xét xử, có bản án); 4) mức án được tuyên: tử hình; 5) án đã thi hành ngay trong thời kỳ thiết quân luật; 6) gia sản bị tịch thu; 7) cơ quan xử án, tuyên án và thi hành án: chính là Ủy ban khởi nghĩa. Chính cái tin bôi nhọ thanh danh này đã mở đầu vụ giết vị học giả lần thứ hai.
Chú thích. Tin nguyên văn như sau (trích nguyên văn) “Ba tên Việt Gian tối nguy hiểm Ngô Đình Khôi, Phạm Quỳnh, Ngô Đình Huân đã bị Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Nguyễn Tri Phương kết án tử hình và bị bắn ngay trong thời kỳ thiết quân luật. Tài sản và vật dụng của ba tên phản quốc ấy đều bị tịch thu và quốc hữu hóa”. Nay thì rõ: Tất cả đều bịa đặt.
Tin này từ Huế lan ra Hà Nội cuối năm 1945, dư luận càng xôn xao vì thương tiếc nạn nhân. Để dẹp dư luận, những vị có trách nhiệm phải “cung cấp thông tin” cho báo chí để mọi người tin rằng Phạm Quỳnh được xét xử công minh, được phát biểu trước tòa (kể cả khi ra pháp trường) và nhận mức án đúng với tội trạng. Thế là, một loạt bài đăng trên báo chí thủ đô để minh họa điều này. Các tác giả còn thêm gia vị và những lời bàn lâm ly, giật gân, để bài báo của mình đáng đồng tiền, bát gạo. Đã bịa đặt, thế nào cũng vênh nhau. Chính vì “vênh nhau”, dư luận càng gay gắt, tới mức cụ Tố Hữu phải lên tiếng vào tháng 8-1946 nhân dịp kỷ niệm 1 năm cướp chính quyền. Càng dở, trước hết vì chính cụ bịa ra cái tòa án và bản án; tệ hơn nữa, cụ bịa cả thái độ “run sợ” của Phạm Quỳnh khi bị bắt, để người đọc nghĩ rằng “lão” có tội thật. Cụ Tố Hữu gọi Phạm Quỳnh là “lão” có lẽ vì tự thấy thua kém gần 30 tuổi, về học vấn còn thua kém nhiều hơn nữa. Gọi như vậy đối với Việt gian vẫn còn tử tế chán. Cứ so với nguyên văn bản tin, đủ rõ.
Thật sự, giết Phạm Quỳnh là cái quan điểm yêu nước bằng bạo lực
– Câu hỏi: Nếu không phải hai cụ Tố Hữu, Tôn Quang Phiệt – mà là hai vị khác thay hai cụ lãnh đạo cướp chính quyền ở Huế – thử hỏi: Liệu số phận của nạn nhân có bớt thê thảm hơn hay không?
– Trả lời: Không đâu!. Bởi vì, 1) cả tập thể lãnh đạo ở Huế đã đặt Phạm Quỳnh vào vị trí đầu sỏ trong danh sách Việt gian; làm sao cụ thoát chết?; và 2) trong phạm vi cả nước, những nhân vật chính trị tuy không làm quan, không cộng tác với Pháp, vẫn cứ bị thủ tiêu. Huống hồ Phạm Quỳnh. Ví dụ, cụ Tạ Thu Thâu (Quảng Ngãi), Diệp Văn Kỳ (Nam Bộ)… Vậy, cụ Phạm làm sao thoát?
Như vậy, tình hình nói trên là phổ biến đối với các nhân vật chính trị ôn hòa, chứ không chỉ riêng ở Huế. Hai bên không có ân oán cá nhân, mà chỉ mâu thuẫn về cách yêu nước. Ngay dưới thời thuộc Pháp, phái bạo lực (chưa nắm quyền lực) đã căm ghét phái ôn hòa. Nay, giành được quyền lực, họ “xử” theo mức độ căm ghét từ trước. Hoàn toàn không cần bất cứ chỉ thị nào ban hành từ trung ương (Hà Nội), nhưng ở các nơi trong cả nước (nhất là Huế, Quảng Ngãi, Sài Gòn) các nhân vật thuộc phái ôn hòa đều nhất loạt bị “xử”, hầu hết là bị thủ tiêu. Do vậy, thủ phạm giết Phạm Quỳnh và những nạn nhân tương tự chính là đường lối bạo lực của cách mạng vô sản ở nước ta. Trớ trêu, cả thủ phạm lẫn nạn nhân đều là trí thức và đều yêu nước.
Một số nhà hoạt động yêu nước theo đường lối ôn hòa bị thủ tiêu (có thể tra cứu ở Từ Điển mở Wikipedia và nhiều nguồn khác): Bùi Quang Chiêu; Huỳnh Phú Sổ; Ngô Đình Khôi; Nguyễn Văn Bông; Nguyễn Văn Sâm; Nhượng Tống; Phạm Quỳnh; Phan Kích Nam; Phan Văn Hùm; Tạ Thu Thâu; Trình Minh Thế; Trần Đình Long; Trương Bội Công… v.vân.
Giết Phạm Quỳnh lần 3
Đây là một chủ trương, mang tính chất “đã đâm lao, phải theo lao đến cùng”, vì liên quan tới tính chính danh của cách mạng vô sản. Đã khẳng định Phạm Quỳnh có tội, nay thấy dư luận không thừa nhận (lần này dư luận dựa vào vô số bằng chứng xác đáng) nên cố dẹp dư luận lần nữa. Vẫn như trước đây, những người trực tiếp tham gia dẹp dư luận đều là trí thức, cũng yêu nước, nhưng sau 70 năm dù có ý thức hay không, họ vẫn thuộc phái bạo lực. Ngay cách dẹp dư luận của họ cũng mang tính bạo lực, dù thời nay họ lâm vào thế yếu.
Sau cuộc chiến chống Pháp chín năm, tiếp đó là chiến tranh Bắc-Nam 20 năm; sách giáo khoa Lịch Sử có thừa thời gian (30 năm) để đặt Phạm Quỳnh vào vị trí Việt gian vĩnh viễn. Muốn vậy, chỉ cần ngăn cản trí thức tiếp xúc với mọi trước tác của Phạm Quỳnh. Khốn nỗi, chính trong những năm hết chiến tranh (sau 1975) đám trí thức già – thuở xưa từng khâm phục Phạm Quỳnh – có điều kiện đọc nguyên bản các công trình của vị học giả. Họ sửng sốt. Số trang để lại cho hậu thế tính bằng đơn vị “chục ngàn”, cả tiếng Việt, tiếng Pháp; lại gồm đủ thể loại: báo chí, ký sự, nghị luận, văn học, khảo cứu, tiểu luận… Tất cả, đều có chất lượng cao. Tất cả, đều toát lên tinh thần yêu nước sâu đậm. Số người tìm hiểu Phạm Quỳnh cứ tăng lên, dù chậm chạp, nhưng ngày càng trẻ. Ví dụ, trí thức thế hệ 6, đã lên tiếng. Ngay từ năm 2006 nhà văn Hà Khánh Linh đã đề nghị Trả lại sự sáng trong cho Phạm Quỳnh…
Nhận ra sự nguy hiểm, nhưng muộn mất rồi
Ngày càng nhiều người muốn làm sáng tỏ vai trò của học giả Phạm Quỳnh trong lịch sử, mà việc đầu tiên là tái bản các trước tác của học giả. Khen hay chê, công hay tội… muốn khách quan phải dựa vào nội dung những trước tác này; chứ không thể dựa trên cái tin báo chí do cụ Tố Hữu đưa ra năm 1945 – cũng như không thể dựa trên cái đơn xin học Trường Thuộc Địa mà kết luận cụ Nguyễn Ái Quốc không yêu nước.
– Thế là, sau khi tìm hiểu, phân tích, suy xét, người đọc thấy rằng di sản tinh thần của Phạm Quỳnh thật là đồ sộ và có giá trị nhiều mặt (văn hóa, văn học, triết…), trên cái nền chung là lòng yêu nước sâu sắc. Từ đó, các nhà xuất bản của nước CHXHCNVN đã tái bản chúng ngày càng nhiều. Điều này gây bực bội cho giới bảo thủ, không những về quan điểm và cả về biện pháp. Họ mở cuộc phản công: Lập diễn đàn trao đổi. Nhưng vẫn không che dấu được tính bạo lực của diễn dần, vì tính một chiều của nó. Cứ đọc bài “tổng kết” đủ thấy.
Vài ví dụ về các công trình của Phạm Quỳnh đã xuất bản (từ năm 2001-2007):
– Mười ngày ở Huế (NXB Văn học, 2001)
– Luận giải về Văn và Triết (NXB Văn hoá Thông tin, 2003)
– Pháp du hành trình nhật ký (NXB Hội Nhà văn – 2004)
– Thượng Chi văn tập (5 tập) (NXB Văn học, 2007)
– Tiểu luận bằng tiếng Pháp giai đoạn 1922 – 1932 (NXB Tri thức, 2007)
– Du ký Việt Nam (NXB Trẻ, 2007)
– vân vân…
Trước và sau các đợt in lại tác phẩm của Phạm Quỳnh, còn có những cuộc trao đổi ý kiến, hội thảo, phát biểu cá nhân trên báo chí… Riêng năm 2007 có tới 3 nhà xuất bản tham gia; do vậy, năm 2008 là năm mở đầu đợt công kích Phạm Quỳnh. Nơi phát ra các bài kết tội Phạm Quỳnh là tạp chí HỒN VIỆT, hầu như tạp chí này không đăng bài phản bác; nhưng GS Mai Quốc Liên – tổng biên tập và đương nhiên là người chủ trì – vẫn gọi đây là “diễn đàn”, “trao đổi ý kiến”… và viết Lời Tòa Soạn ngay dưới bài mở đầu rằng, đây là diễn đàn “công minh, minh bạch nhưng khoan dung”…
Chú thích. Ngày 30/07/2008 báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin: Tạp chí “Hồn Việt” trao đổi ý kiến về Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh… và mở đầu như sau: “Đánh giá các nhân vật trong lịch sử, trong văn hóa một cách công minh, minh bạch nhưng khoan dung, chắt lọc… là chuyện cần làm, nên làm. Nhưng không được lộn trái lịch sử…, làm lờ mờ thật giả đưa đến cách nhìn sai lệch, nguy cơ cho lịch sử và cho cả hiện tại…”.
Bắt đầu diễn đàn là bài của GS Nguyễn Văn Trung (viết trước 1975), và bài của cụ Đặng Minh Phương. Với những luận chứng lịch sử xác đáng, hai bài này bác bỏ một số ý kiến gần đây muốn lật ngược lịch sử về hai ông Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh với những đánh giá khá phiến diện, cố tình lờ đi hành động làm tay sai cho “mẫu quốc” của hai ông này và cố công ca ngợi hết mức, coi họ như là những bậc thức giả yêu nước.
Nhận xét. 1) Lời mở đầu dùng các từ công minh, minh bạch, khoan dung, chắt lọc… nhưng nếu đọc tiếp, hoàn toàn có thể khẳng định: Cái “diễn đàn” này chỉ có một mục đích: Giết Phạm Quỳnh thêm một lần nữa. 2) Chỉ cần đọc và bàn về 2 bài mở đầu, đủ rút ra vài kết luận cần thiết. Nhưng đọc đến bài Tổng Kết thì kết luận chỉ có một: Diễn đàn này phủ định tuyệt đối nhân vật Phạm Quỳnh – cả về chính trị, cả về văn hóa. Một câu ở đoạn giữa của bài Tổng Kết (đoạn quan trọng nhất) dùng cách nói văn hoa, dài dòng để thể hiện cái tin vu cáo, rất cô đọng nhưng vẫn gói đủ “bảy ý” mà cụ Tố Hữu đã đăng lên báo ở Huế năm 1945. Nói khác, phái bạo lực giết Phạm Quỳnh lần thứ 2 rất trắng trợn, nhưng giết lần này – vẫn dứt khoát – nhưng êm ái hơn.
Nhưng hơi bị thiếu khí thế
Số bài đăng ở Hồn Việt lúc tập trung nhất vẫn chỉ quanh quẩn con số một chục, tiếp sau đó lại càng thưa thớt. Đây là gồm cả những bài mà “diễn đàn” đã lấy từ quá khứ – là lúc mà trào lưu kết tội Phạm Quỳnh vẫn còn “rộ”. Ví dụ bài của các cụ Ngô Tất Tố (trước 1945), Nguyễn Văn Trung (trước 1975). Đã vậy, chất lượng các bài rất xoàng. Ví dụ bài Chung quanh cái chết của Phạm Quỳnh.
Chú thích. Bài “Chung quanh cái chết của Phạm Quỳnh“. Tác giả nói loanh quanh một hồi, rồi “tóm lại” rằng Phạm Quỳnh bị bắt, bị giết vì Nhật và Pháp muốn bắt liên lạc với ông. Bậy. Trước hết, nước Nhật đã đầu hàng, quân Nhật đóng ở Huế chẳng còn thiết tha gì chuyện cứu chính phủ Trần Trọng Kim đương nhiệm nữa, huống hồ “bắt liên lạc” với Phạm Quỳnh – đã bỏ chính trường từ lâu – làm cái quái gì cơ chứ?. Còn cái chuyện toán biệt kích Pháp (nhảy dù) muốn tiếp xúc với Phạm Quỳnh, nhưng làm gì có chứng cớ Phạm Quỳnh cũng muốn bắt liên lạc với họ? Chỉ có những chứng cứ ngược lại mà thôi. Nếu cảnh giác, phòng xa, có thể cách ly Phạm Quỳnh một thời gian, nhưng lại thủ tiêu người ta, thì quả là ám muội, phi nghĩa. Ai thấy cần thưởng thức, xin cứ đọc nguyên bản bài “Chung quanh cái chết của Phạm Quỳnh“.
So với lần 2, đầy hùng hổ, thì lần này hơi bị ít khí thế. Lần trước nhiều tờ báo có bài đánh Phạm Quỳnh, có cả những tờ quan trọng nhất của Việt Minh. Vậy mà lần này chỉ có tờ Hồn Việt, thuộc loại trung bình thấp. Người cầm quân lần này là GS Mai Quốc Liên làm sao bằng được cụ Tố Hữu, cụ Văn Tân ở lần trước? Lần 2 tuyệt nhiên không có bài nào viết đối kháng, phản biện; thì ở lần 3 này, số bài loại này – đăng ở các báo khác lại nhiều áp đảo…
Chỉ cần đọc hai bài mở đầu là tạm đủ
Bài mở đầu hẳn phải là những bài được Hồn Việt đánh giá cao nhất về chất lượng, chặt chẽ nhất về lập luận, vững chắc nhất về chứng cứ. Hồn Việt chính thức đưa ra hai bài. Lại phải chọn cả tác giả: sao cho xứng đáng. Đó là một giáo sư lão thành và một nhà báo lâu năm, lập trường kiên định, viết khỏe.
– Bài mở đầu thứ nhất là của GS Nguyễn Văn Trung. Đây là bài rất cũ (trước 1975), nhưng được cái đả kích Phạm Quỳnh rất nặng nề “từ đầu đến cuối”. Cần bổ sung rằng, cùng thời, vẫn có những bài phản bác bài này (ví dụ của tác giả Thanh Lãng, Phạm Công Thiện). Tuy nhiên, có hai điều “đáng tiếc”.
Thứ nhất, trước 1975, chuyện “vùi bùn” Phạm Quỳnh đâu có gì lạ? Nhiều bài lắm. Cứ đăng lại bài Phạm Quỳnh trên bàn mổ của cụ Văn Tân (1945) cũng tốt chán! Nhưng thời nay khác rồi, việc khen chê đòi hỏi những chứng cứ đầy đủ, chứ không phải như thời 1945-1975 nữa, nghĩa là không thể cứ sưng sưng gọi người ta là “việt gian nguy hiểm” rồi bàn luận giống như lời quan tòa trước kẻ sát nhân, mà xong!.
Thứ hai, sau 30-40 năm GS Nguyễn Văn Trung đã thay đổi, và thay đổi hẳn quan điểmvề Phạm Quỳnh rồi. Cụ Trung – khi tiếp xúc với tư liệu mới – đã coi Phạm Quỳnh là người được Hồ Chí Minh tuyệt đối tin cẩn, được trao sứ mệnh rất đặc biệt. Ở đây, không bàn tiếp câu chuyện giật gân này, mà chỉ muốn nói rằng việc chọn bài trước 1975 (và chỉ chọn 1 bài) để mở đầu diễn đàn thời nay là không ổn. Trích dẫn ai cũng vậy, cần trích dẫn quan điểm cuối cùng của người ta, khi người ta thay đổi quan điểm.
– Bài mở đầu thứ hai, nhan đề Ông Phạm Quỳnh và báo Nam Phong. Tác giả bài này là cây bút chủ lực của diễn đàn – cụ Đặng Minh Phương – vì sau bài mở đầu này, tác giả còn viết nhiều bài khác nữa. Đọc chúng, người ta suy ra cái “diễn đàn một chiều” này cố gắng chống lại luồng dư luận đang rất mạnh mẽ ở bên ngoài diễn đàn. Như cái tên bài, bạn đọc hy vọng sẽ được thấy một bài trung tính, khách quan và khoa học về “ông Phạm Quỳnh và tờ báo Nam Phong” của ông ta. Nhưng không phải. Ví dụ, sau ít câu giáo đầu có vẻ công bằng, tác giả vào bài như sau: Sau khi xảy ra chiến tranh thế giới lần I (1914-1918), thực dân Pháp lo bảo vệ thuộc địa Đông Dương, đã cử sang nước ta những tay cai trị sừng sỏ, đứng đầu là toàn quyền An-be Xa-rô (Albert Sarraut). Sarraut đem theo Louis Marty, Marty được cử làm chánh mật thám Liên Bang Đông Dương cùng với Sarraut hoạch định chính sách về văn hóa. Có lẽ đây là đoạn cố gắng tỏ ra khách quan nhất trong bài. Tuy nhiên, cách hành văn chính trị này quá quen thuộc trong sách Lịch Sử sau 1945, nhất là sách của GS Văn Tân, Trần Văn Giàu… Wikipedia viết về toàn quyền An-be Xa-rô (Albert Sarraut) công bằng hơn. Ông này có cả một học thuyết về thuộc địa, khá tiến bộ. Hai lần làm Toàn Quyền Đông Dương, ông ta làm được nhiều việc tốt theo học thuyết của mình. Khốn nỗi, quan điểm nhất quán của “giới trí thức yêu nước bằng bạo lực” thì bất cứ việc gì người Pháp thực hiện ở nước ta đều có mục đích xấu xa. Ngay chuyên dịch Direction des Affairs politiques et de la Sureté générale (cơ quan do Louis Marty đứng đầu) thành “Sở Mật Thám” đã đủ bất lợi cho Phạm Quỳnh rồi. Hiện nay, đảng CS và Nhà Nước ta cũng có một (vài) cơ quan đối nội với chức năng tương tự cái Direction des Affairs politiques et de la Sureté générale dưới thời Tây. Mong rằng chớ dùng từ, đại khái “Sở Mật Thám”…
– Về mục đích của báo Nam Phong, tác giả viết: Mục đích thứ nhất của Nam Phong là đào tạo các trí thức cũ theo lề lối Pháp, lớp người vẫn ảnh hưởng nhiều trong xã hội bản xứ (tầng lớp nhà nho và ảnh hưởng của nho học). Mục đích thứ hai của Nam Phong là phải làm ra bộ độc lập vô tư. Điều cốt yếu là làm cho người đọc chấp nhận sự bảo hộ của Pháp về phương diện tinh thần và trí thức, vì yêu thích và do đọc báo mà hiểu rõ hơn văn hóa Pháp, choáng lóa trước ánh sáng của nền văn hóa ấy.
Đây là “mục đích” mà tác giả suy luận ra. Nếu công bằng và khách quan, tác giả nên tham khảo đoạn dưới đây
Trường hợp ra đời của tạp chí Nam Phong
Huỳnh Văn Tòng
http://phebinhvanhoc.com.vn/truong-hop-ra-doi-cua-tap-chi-nam-phong/
Ở Pháp, trong những năm tìm kiếm tư liệu cho dự án Tiến sĩ về Lịch sử báo chí Việt Nam, tác giả may mắn tìm được vài tài liệu của Pháp nói đến tờ Nam Phong. Căn cứ vào những tài liệu này, ta có thể hiểu được lý do tại sao tạp chí này ra đời, do ai chủ xướng và với mục đích gì. Tất cả những tài liệu này đều là tài liệu mật, trên có ghi “Secret et Confidentiel”, gồm những bản báo cáo và tường trình của viên Toàn quyền Pháp ở Đông Dương gởi cho Tổng trưởng Bộ Thuộc địa Pháp ở Paris. Đó là những tài liệu chắc chắn và đáng tin cậy.
Căn cứ vào những tài liệu trên thì người chủ xướng ra tờ Nam Phong là viên Toàn quyền Pháp ở Đông Dương lúc ấy là ông Albert Sarraut và người điều khiển trực tiếp tờ báo là Louis Marty, Trưởng phòng Chánh trị và An ninh của Chính phủ Đông Pháp.
Mục đích của Nam Phong (vắn tắt) là:
1) Chống lại ảnh hưởng văn hóa của Đức thông qua sách TQ sang VN
2) Pháp-hóa giới tinh hoa Việt
Nhận xét: Thời gian này, các cụ ta rất ham đọc Tân Thư (viết bằng chữ Hán) từ Trung Quốc đưa sang. Trong số tác giả Tân Thư, thì nhà cách mạng Khang Hữu Vi rất thân Đức, ra mặt nói xấu Pháp. Tờ Nam Phong ra đời có một mục đích là chống lại ảnh hưởng tuyên truyền của Đức (kẻ thù của Pháp). Nam Phong phải có phần Hán Văn là do vậy. Cụ Nguyễn Bá Trác dẫu có làm tốt (hoặc chưa tốt), phần Hán Văn… vẫn cứ bị cách mạng vô sản coi là Việt gian, phản bội… Khỏi cần bàn. Còn mục đích thứ hai là loại bỏ ảnh hưởng của Nho học, thay bằng văn hóa Pháp, thì các cụ Phan Chu Trinh, Phan Khôi, Huỳnh Thúc Kháng… đã tự mình thực hiện cho chính mình rồi. Mục đích thứ hai (đương nhiên có lợi cho Pháp – khỏi cần bàn, vì do Pháp đề ra) nhưng câu hỏi là… mục đích này có lợi (và có hại) gì cho sự tiến bộ xã hội của Việt Nam hay không? Phái bạo lực sẽ “suy luận” để đưa ra câu trả lời nhằm bản kết tội thực dân và tay sai Phạm Quỳnh.
– Về trích dẫn: bài Ông Phạm Quỳnh và báo Nam Phong trích dẫn rất nhiều, tất nhiên phải chọn những lời bất lợi cho Phạm Quỳnh. Nhưng vấn đề là nội dung trích dẫn có đúng và có còn thích hợp không. Thích kết tội Phạm Quỳnh thì cứ trích dẫn những phát ngôn trước 1975 (dù chúng được in ra, hoặc được tái bản sau 1975, thậm chí rất gần đây). Loại này có mà hàng “đống”. Thói thường, người ta trích dẫn những người có uy tín. Nhưng vẫn nên cẩn thận. Cụ Hồ năm 1941 nói rằng “Gia Long bán nước”, nhưng nay các hội thảo khoa học về Lịch Sử, với chứng cứ vững chắc, lại đưa đến kết luận rằng không phải như cụ Hồ nói. Ví dụ khác. GS Văn Tạo hai lần nhận xét tạp chi Nam Phong và Phạm Quỳnh (lần sau rất khác lần trước) nhưng tác giả chỉ đưa vào bài cái nhận xét lần đầu của vị GS này. Tác giả còn dẫn tư liệu, nhằm kết tội Nam Phong đã “công kích chủ nghĩa Bôn-sê-vích Nga” (là bạo lực). Thật là viễn kiến mà chỉ trí thức yêu nước theo cách ôn hòa mới sớm nhận ra, trong khi các vị yêu nước bằng bạo lực đã từng mê mẩn tôn sùng cái chủ nghĩa này. Khỏi cần đánh giá tiếp cái bài mở đầu này.
Danh ngôn của những người cùng thời…
Trong bài Ông Phạm Quỳnh và báo Nam Phong tác giả có câu: Lúc làm báo và quyền cao chức trọng, ông (tức PQ) được khen nhiều và bị chê không ít. Thế nhưng, tác giả đã bỏ công sưu tầm toàn là những lời chê bai, và gộp chúng lại thành mấy bài đăng trên Hồn Việt. Xin không bàn tiếp về sự định kiến thiên lệch, cứ tưởng chỉ có từ thưở trước 1945, nay lại hiện về. Ai thấy hứng thú xin đọc nguyên văn ở Hồn Việt các bài loại này, xuất hiện rất gần đây (năm 2014).
Cái câu: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn…
Cây bút chủ lực của “diễn đàn” – cụ Đặng Minh Phương – đã trích dẫn ý kiến nhiều trí thức (phát biểu trước 1975, thậm chí trước 1945) có nội dung chê bai hai câu của Phạm Quỳnh. Câu 1: Tôi sinh ra, nước đã mất; còn đâu nước để tôi bán? (Phạm Quỳnh nói câu này để thanh minh khi bị người cùng thời kết tội “bán nước”). Câu 2: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; Tiếng ta còn, nước ta còn. Mục đích, để vận động bảo vệ giá trị văn chương của truyện Kiều – quốc hồn, quốc túy của nước ta. Nói thêm: chí sĩ Ngô Đức Kế lại chuyển sang chính trị để đả kích: Phạm Quỳnh muốn giới trẻ say mê truyện Kiều mà quên nhục mất nước.
Ngoài trích dẫn ý kiến người khác chê trách hai câu trên, bản thân cụ Đặng Minh Phương cũng đưa ra ý kiến riêng. Cụ gộp hai câu lại để chỉ ra sự mâu thuẫn trong phát ngôn của Phạm Quỳnh. Nguyên văn: Khi thì ông nói nước ta còn (vì Truyện Kiều còn, tiếng ta còn), khi thì ông thừa nhận nước ta đã mất… (để ông không có nước mà bán).
Thật ra, chỉ cần chút công bằng và ôn hòa là có thể hiểu tâm trạng Phạm Quỳnh, vì nội dung hai câu trên khá đơn giản. Quan niệm thông thường, “mất nước” là khi mất quyền điều hành và quản lý đất nước (mất chủ quyền) vào tay ngoại bang. Hiểu theo cách này, nước ta đã từng “mất” vào tay Trung Quốc và Pháp. Do vậy, “bán nước” theo nghĩa phổ biến là bán cáiquyền điều hành và quản lý đất nước (chủ quyền) cho ngoại bang. Nước ta mất chủ quyền năm 1884, Phạm Quỳnh sinh năm 1992; ông nói câu 1 đâu có gì sai? Mất nước loại này là chưa mất hẳn, còn có cơ hội khôi phục lại chủ quyền. Dân ta đã nhiều lần khôi phục chủ quyền từ tay ngoại bang. Nhưng khi đã mất chủ quyền, lại còn mất nốt cả ngôn ngữ, là mất nước vĩnh viễn, là bị đồng hóa. Ngàn năm mất nước (thời Bắc thuộc) mới chỉ là mất chủ quyền, chứ chưa mất “tiếng ta”. Lịch sử ngàn năm Bắc thuộc khiến chúng ta hiểu được tâm trạng Phạm Quỳnh: Hãy cố bảo vệ và duy trì “tiếng ta”, thì cơ hội giành lại chủ quyền vẫn còn. Đâu có quá khó để hiểu cái câu “tiếng ta còn, nước ta còn”.
Bài Tổng Kết
Sau chục bài đánh Phạm Quỳnh và tự coi là đã toàn thắng, Hồn Việt đưa ra bài “tổng kết”, với nhan đề Về trường hợp Phạm Quỳnh, không có tên tác giả, mà chỉ ký “Hồn Việt”. Liệu có thể coi đây là bài của cụ GS Mai Quốc Liên, tổng biên tập? Xin chớ dùng mãi cái “trách nhiệm tập thể”.
– Đoạn mở đầu bài này có câu: Kể ra trường hợp Phạm Quỳnh cũng là một trường hợp hơi lạ. Nó đã rõ ràng đến thế rồi, mà có người vẫn muốn “chiêu tuyết” (có “tuyết” đâu mà “chiêu”). Đây chính là lời tuyên bố toàn thắng. Vâng, “đã rõ ràng đến thế” thì cần gì phải lập diễn đàn trao đổi?
– Đoạn giữa bài này có câu: Thực ra, nếu vấn đề Phạm Quỳnh không trở thành vấn đề chính trị quan trọng của đương thời, có ẩn ý sâu xa bên trong, thì nó đã chết chìm cùng với lịch sử, khơi lại làm chi cho tốn giấy mực! Vâng, lẽ ra vấn đề Phạm Quỳnh cứ để nó chết vĩnh viễn. Bất cứ ai bới lên, đều bị coi là nhằm ý đồ chính trị, nấp dưới chiêu bài phục hồi danh dự cho một học giả. Nhưng mà, phía “muốn bới lên” lại dám tuyên bố rằng không tham vọng chính trị (hết tuổi rồi), mà chỉ cần sự phục hồi. Khốn nỗi, phục hồi lại động tới cụ Tố Hữu… và cao nhất là động chạm tới tính chính danh cách mạng vô sản… Khó thế! Chính câu trích ở đoạn đầu và đoạn giữa đã đầy tính áp đặt – một biểu hiện của bạo lực.
– Còn câu cuối của bài là: Cũng từ số này, Hồn Việt xin phép được kết thúc vấn đề… Làm sao kết thúc dễ vậy? Thực tế là tới năm 2014, Hồn Việt vẫn phái đăng bài Người cùng thời với Phạm Quỳnh nói về Phạm Quỳnh.
Như vậy, bạn đọc chỉ cần coi đoạn giữa của bài này còn có những câu gì khác để thấy nó ẩn dấu tính bạo lực trong thảo luận. Nhiều, nhưng ở chỉ xin đơn cử vài ba. Nguyên văn một câu: Cụ Đặng Thai Mai từng nói: “Phạm Quỳnh đủ chữ Tây để lừa ta, đủ chữ Hán để lừa Tây!”. Chuyện Phạm Quỳnh được học tiếng Pháp (thủ khoa) lại viết báo tiếng Pháp, và diễn thuyết ở Viện Hàn Lâm Pháp, nay đã có quá nhiều chứng cứ. Trích dẫn câu này – lại trích dẫn ở bài “tổng kết” – là rất thiếu thông minh, đồng thời (nếu không phải là bịa đặt cho cụ Đặng Thai Mai) là vạch ra cho mọi người thấy vị GS này (phái bạo lực) căm ghét phái ôn hòa lắm lắm.
– Một câu nữa, hơi dài: Có người sẽ nói: Phạm Quỳnh là kẻ có tội với nhân dân, với đất nước về mặt chính trị thì rõ rồi, nhưng còn về mặt văn hóa, nếu xét theo hoàn cảnh đương thời, thì ông ta có công đấy chứ! Xin thưa: nhận tiền của Toàn quyền Albert Sarraut, trùm mật thám L. Marty làm báo, thì bọn trùm thực dân là những tên cáo già, nghiên cứu sâu rộng và quá hiểu thuộc địa, lẽ đâu chúng lại ngu ngốc để cho Phạm Quỳnh dùng văn hóa để tuyên truyền lòng yêu nước? Làm gì có chuyện hoang đường như thế? Câu này chửi Phạm Quỳnh chưa đủ nhiều, nhưng chửi những nhà xuất bản ở nước ta – đã xuất bản các tác phẩm “bán nước” của Phạm Quỳnh thì… tới tận cấp rất cao. Đó là nơi ký quyết định cho phép thành lập và quản lý các nhà xuất bản ấy.
– Một câu nữa: Còn một câu chuyện nữa cũng xin thưa. Ấy là chuyện đối với Nhạc sĩ Phạm Tuyên và Bác sĩ Phạm Khuê. Đối với hai anh, chúng tôi vô cùng quý mến, hết lòng kính trọng… (Nhưng) chuyện cha là chuyện của cha, chuyện của con là chuyện của con, làm thế nào thay đổi được, làm thế nào chọn cửa sinh ra… Thôi ạ, xin đủ ạ. Xin cảm ơn mấy cái lời đãi bôi ạ. Câu của con-cháu cụ Phạm là: Tôi tin rằng Lịch Sử sẽ công bằng với cha tôi.
Không có nhận xét nào: