Ba bài viết về Tô Hoài vào dịp kỷ niệm tác giả 75 tuổi và 80 tuổi.


       


  CUỘC PHIÊU LƯU GIỮA TRẦN AI CÁT BỤI





Với nhiều truyện ngắn đăng ở Hà Nội tân
văn
của Vũ Ngọc Phan hoặc Mê gái đăng ở tờ Chủ nhật của nhóm
Tự lực văn đoàn, có thể coi Tô Hoài chính thức có mặt trên văn đàn từ 1940 .
Vừa vào nghề sớm lại vừa kéo dài tuổi nghề – một sự kéo dài đàng hoàng chứ
không phải lê lết trong tẻ nhạt -- đời văn Tô Hoài gợi ra hình ảnh một dòng
sông miên man chảy và mang trong mình cả cuộc sống bất tận.


Năm và năm mươi


Ít ra 55 năm liên tục làm nghề của Tô
Hoài, người ta có thể nhận ra hai giai đoạn.




Một là 5 năm lập nghiệp đầu tiên, từ những
ngày bơ vơ không biết làm gì cứ viết liều và gửi ào đi các báo rồi bắt đầu nhận
được những đồng nhuận bút đầu tiên… tới những ngày được các ông chủ hợp đồng
đặt hàng, viết đến đâu bán hết đến đấy, nên có đồng ra đồng vào đủ sống và
“giang hồ vặt”, dông dài với những Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Bính.


Hai là 50 năm gần đây, khi giữ chân phóng
viên ở Nam Trung bộ, khi cùng với Xuân Thủy, Nam Cao, Trần Đình Thọ lo làm báo Cứu
quốc
dưới chân núi Phia Boóc (Hoa Sơn), khi được kéo về phụ trách nhiều mặt
công tác khác nhau ở Hội Văn nghệ, rồi Hội Nhà văn Việt Nam. Nếu chỉ tính 5 năm
trước đã bao nhiêu trầm luân chìm nổi thì sang cái thời gian 5 năm mười lần hơn
lên về sau, vui buồn sướng khổ nguồn cơn còn kể đến đâu là cùng!


Hãy thử nhớ lại những khó khăn khúc mắc
như thế nào đã đến với những kiện tướng của nền văn học cũ như Ngô Tất Tố,
Nguyễn Công Hoan, Thế Lữ… khi xử lý đề tài mới, nhân vật mới, người ta mới thấy
những thành tựu của những người trẻ hơn Tô Hoài, Chế Lan Viên, Tế Hanh… là tự
nhiên, nhưng cũng thật là đáng quý. Riêng Tô Hoài thì gần như không bao giờ im
lặng quá lâu, mà thời nào cũng có tác phẩm được nhắc nhở. Điều gì đã xảy ra ở
đây? Phải nhận Tô Hoài có sự thích ứng cao, có sự bền bỉ dẻo dai, rất tự nhiên,
mà không phải ai cũng có.


Cuộc sống quanh mình


Nhớ lại những ngày mới tập viết, Tô Hoài
kể: lúc ấy đọc sách Nhất Linh, Khái Hưng viết thì cũng thích lắm, nhưng tự xét
mình không thuộc cuộc sống như họ, nên không thể viết như họ.


Cách nói ý nhị, tưởng như một lời tự thú
khiêm tốn về sự bất lực của mình. Nhưng thật ra ở đó, ngầm chứa một thứ tuyên
ngôn nghệ thuật: ngòi bút này dựa trên sự quan sát thực tế chung quanh và sống
đến đâu, viết đến đó, viết ngay về những gì từng biết từng trải quanh mình.


Có thể bảo một thứ tuyên ngôn như thế quá
thông thường, không đủ làm ai giật mình, mà lại cũ nữa. Nhưng nó thích hợp với
cá tính Tô Hoài, thói quen ham nghe ham biết, hóm hỉnh hiền lành của Tô Hoài
lúc ấy, cũng như những chăm chỉ dùi mài nghề nghiệp những năm về sau. Cuộc sống
vốn không chỉ có cái phần dồn dập sôi nổi bên trên mà còn có cái phần chậm chạp
từ tốn, đôi khi uể oải ngưng trệ, song thật ra là những chuyển động chắc chắn,
ở tận đáy sâu. Được khích lệ bởi không khí thời đại, một số người chọn lối viết
“đặt vấn đề” dồn hết tâm lực vào việc nắm bắt những cuộc đấu tranh tư tưởng, và
quả thật có mang lại cho các trang sách một sinh khí mới. Không phải là Tô Hoài
đứng ngoài chuyện đó, ông có biết và đã để tâm đưa vào sáng tác cái không khí
sôi sục của đời sống. Nhưng ông vẫn thấy tạng của mình là viết về cái mạch ẩn
chìm kia hơn và lặng lẽ làm cuộc phiêu lưu đơn độc. Có một hồi ngòi bút Tô Hoài
đã hứng chịu nhiều chê bai, nào là chỉ thích ngắm nhìn, nào là chỉ giỏi phong
tục… Nhưng thời gian lại có sự sàng lọc riêng của nó, gần đây một số cuốn tiểu
thuyết, nhiều truyện ngắn đậm chất phong tục của tác giả, đã được in lại, âu
cũng là bằng chứng về sự công bằng của bạn đọc. Một người khá thâm trầm là Tế
Hanh có lần nhận xét “Đọc tập Truyện Tây Bắc, trong khi nhiều người chỉ
nhớ Vợ chồng A Phủ thì tôi (tức Tế Hanh) lại rất thích Mường Giơn”. Không
rõ liệu có nhiều người cùng chia sẻ nhận xét trên với Tế Hanh, song nếu có,
cũng không có gì là lạ. Trong khi Vợ chồng A Phủ nói được cái sự thực
lớn lao rằng thời đại ta, là thời đại của những sự quật khởi, những sự đổi đời,
thì Mường Giơn lại là câu chuyện mà hình như thời nào cũng có, bởi thời
nào mà cuộc sống chẳng bao gồm đủ cả những nồng nàn sôi nổi lẫn những cay đắng
mất mát, và khi nghĩ lại về nó, nhất là về một cái gì sẽ tàn phai mà không sao
cứu vãn nổi, bao giờ trong con người chẳng thoáng qua một cảm giác buồn buồn
man mác.


Sáng tác không phải tất cả


So với các cây bút đương thời, Tô Hoài có
lẽ là nhà văn giàu chất chuyên nghiệp bậc nhất. Sống đến đâu viết đến đấy. Việc
viết lách đối với ông là một thứ lao động hàng ngày. Ông lại có nhiều kinh
nghiệm tổ chức công việc, nhờ thế, mọi khâu vận hành nhịp nhàng mà con người
vẫn thoải mái có chơi có nghỉ như mọi người khác.


Nhưng đừng thấy thế mà bảo với nhà văn
này, sáng tác là tất cả. Một nét đặc biệt cũng thấy rõ trong cuộc đời viết văn
của Tô Hoài là ngoài nghề viết, ở ông luôn luôn có một cuộc sống khác, cuộc
sống của người cán bộ chính trị hoặc nhìn rộng ra, cuộc sống nhà hoạt động xã
hội. Trong 5 năm mới vào nghề, ông vẫn tiếp tục sinh hoạt trong các tổ chức
cách mạng ở quê nhà như thời còn làm anh thợ cửi, đồng thời có chân trong khối Văn
hóa cứu quốc
mới được thành lập. Từ sau 1945, ngoài làm báo, làm xuất bản
hoặc làm công tác đối ngoại, ông còn tham gia sinh hoạt tổ dân phố, các hoạt
động của mặt trận, của tổ chức người già… nói chung là trăm thứ bà rằn linh
tinh khác. Phải chăng đó chỉ là một động tác nghề nghiệp, nghĩa là làm thế để
hiểu đời hiểu việc, có thêm tài liệu ngồi viết? Không khẳn! Đằng sau cái sự Tô
Hoài việc gì cũng nhận, đâu cũng có mặt… còn bao hàm một nhận thức sâu xa hơn.
Gần nửa thế kỷ sống trong chiến tranh, mảnh đất này lấy đâu ra chỗ cho những
hoạt động văn chương thuần túy? Ở nước nào kia, còn có thể có hạng nghệ sĩ thu
mình lại trong tháp ngà, ở ta, cái bàn viết của nhà văn nằm giữa cuộc
đời. Sở dĩ Tô Hoài thành ra Tô Hoài như ngày nay mọi người nhìn nhận – với tất
cả cái hay cái dở của một ngòi bút năng động – cũng là do một phương hướng sống
đúng đắn mà ông theo đuổi, ngay từ khi còn rất trẻ.


Một cuộc đời dài dặc


Chỉ một ít dịp cùng đi công tác với Tô
Hoài song tôi đã được nghe, được chứng kiến không biết bao lần bạn đọc nồng
nhiệt đón chào ông. Tiếng reo hân hoan cất lên. Cái nhìn sững ra, tưởng không
còn tin ở mắt mình nữa – bao giờ thì những người mê văn chương chả nhìn tác giả
mà mình ngưỡng mộ bằng con mắt ngạc nhiên như vậy! Phần ông, Tô Hoài đáp lại
thịnh tình của mọi người theo một cái cách hầu như đã thành quy tắc: trân trọng
mà bình thản. Cho đến lần ấy, ở cửa sân bay Nội Bài, lại thêm tiếng reo một cô
gái trẻ.


- A, bác Tô Hoài! Bác viết Dế mèn phiêu
lưu ký
đây mà! Hồi đi học cháu đã được đọc của bác rồi.


Tưởng cũng như mọi lần khác, Tô Hoài chỉ
mủm mỉm cười đáp lễ rồi cho qua. Không ngờ lần ấy, đi được một quãng, một ý
nghĩ bất thần chợt đến trong đầu, ông ghé vào tai nói nhỏ với bọn tôi:


- Không phải nó đọc mà là bố mẹ nó đọc,
ông bà nó đọc ấy chứ!


Đến lượt chúng tôi sững sờ, không tin ở
tai mình nữa, nhưng rồi nhanh chóng ai nấy hiểu ra mọi chuyện: không, cùng đi
với chúng tôi không phải là một người bình thường mà là người đồng hành của hơn
nửa thế kỷ văn học vừa qua, người đã mang lại vui buồn cho bao thế hệ bạn đọc.
Tô Hoài, đó là văn chương tiền chiến, Tô Hoài, đó lại là đồng tác giả một đời
sống văn học 50 năm sau cách mạng với hai cuộc chiến tranh và bao nhiêu thăng
trầm thay đổi. Chỉ riêng cái việc người ta tồn tại được, ở giữa cái dòng đời
cuồn cuộn sôi nổi này, đã là một chuyện đáng tự hào lắm!





                              MUÔN MẶT NGHỀ VĂN





Trong hoàn cảnh nghề viết văn ở ta
còn mang nhiều tính cách nghiệp dư, tự phát, Tô Hoài có lẽ là một trong số ít
ỏi các cây bút đã sống với nghề bằng  tất
cả sự chăm chút, sự tận tụy của một người làm nghề chuyên nghiệp.


Nhớ ngày nào liễu mới ngâm


Le te bên vũng độ tầm ngang vai


Chợt đâu bóng cả cành dài


Đã sương đã khói đã vài năm nay


Mấy câu thơ đó, trích trong Hoa tiên của
Nguyễn Huy Tự, do Tô Hoài phát hiện. Trong cuốn Một số kinh nghiệm viết văn
của tôi
(1960) khi kể lại kinh nghiệm tìm chữ, học chữ của mình, ông đã đưa
ra để giảng giải về vẻ đẹp và sự giàu có của tiếng Việt.


Tô Hoài là thế: trong số các nhà văn Việt
Nam hiện đại, ít ai như ông, lúc này còn thường nói tới truyện nôm thế kỷ
XVII-XVIII. Vả chăng, câu chuyện không phải chỉ là chữ nghĩa. Trong nhiều thiên
truyện viết hồi tiền chiến, Tô Hoài không giấu giếm một sự thật là trước khi
viết, ông đã nghiền ngẫm rất kỹ những Kiều, Nhị độ mai, Phan Trần ...
Và người ta có cảm tưởng việc anh thợ cửi 20 tuổi ở làng Nghĩa Đô này viết
văn chẳng qua cũng chỉ là tiếp tục công việc của bao nhiêu chàng trai thợ cửi
tài hoa khác, như anh chàng Hời trong Quê người thường tập Kiều, lẩy
Kiều để làm duyên với những cô Mơ, cô Hẹn, cô Lụa trong làng. Văn chương
nảy nở tự nhiên như thể nó bắt rễ ngay vào cuộc sống, ở đâu có con người với
những vui buồn ao ước thiết tha chìm nổi của mình, ở đó có văn chương.


***


Nỗi ham đi, ham biết là một bản tính bền
vững ở Tô Hoài. Trong các tài liệu hướng dẫn công việc các nhà văn trẻ, tác giả
Dế mèn phiêu lưu ký vẫn được nêu gươngn như một nhà văn thường xuyên lăn
lộn với thực tế.


Nhưng trong bước chuyển từ cái nền của
năng khiếu tự phát sang hoạt động đa dạng của một nhà văn hiện đại, còn nhiều
việc khác phải làm, và thực tế đã được Tô Hoài làm một cách tự nhiên “ngon
lành”. Một loại phiêu lưu đã diễn ra thường xuyên: phiêu lưu trong sách vở. Đến
với Vũ Ngọc Phan để nhờ hướng dẫn cách xin thẻ thư viện, Tô Hoài đã được làm
quen với tủ sách của Vũ gia trang. Nhớ tới Vũ Bằng, là nhớ tới cuốn sách đã
được nhà văn này cho mượn và chuyền tay đọc suốt mấy đêm, cuốn Phố Mèo câu
của J. Foldes, nhà văn Hungari. Biết rằng những ngày này ở tuổi bảy
mươi, Tô Hoài còn rất thích Alberto Moravia và thường vẫn được một người bạn ở
Paris gửi tiểu thuyết của nhà văn này về tặng, người ta sẽ không ngạc nhiên với
việc Tô Hoài kể là hồi nào vừa viết Dế mèn… Quê người, vừa kỳ cạch tập
dịch Maupassant từ tiếng Pháp để học thêm, cũng như sách tiếng Việt thượng vàng
hạ cám gì ông cũng đọc và ngán mấy cũng không bỏ dở. Tô Hoài cắt nghĩa: đơn
giản, đó là thói quen của người tự học. Nhưng ở cái nghề kỳ lạ này, có ai không
phải thường xuyên và miệt mài tự học, nếu muốn là người tự trọng?!


Nhà thơ Tế Hanh nói trong buổi họp mặt
mừng Tô Hoài 70 tuổi:


- Có những người như Picasso sinh ra để
vẽ. Ở một mức độ nào đó, cũng có thể nói Tô Hoài sinh ra để viết. Cứ có cái bút
và tập giấy trong tay là Tô Hoài phải viết.


Tiếp lời Tế Hanh, có thể nói tới mấy khía
cạnh khác làm nên tính cách chuyên nghiệp của ngòi bút Tô Hoài:


- Viết tiểu thuyết, viết truyện ngắn, viết
báo, viết tin và bình luận văn học, từ A đến Z. Việc gì cũng làm.


- Tận dụng cái hướng đã mở, thường có ý
thức tạo nên những “khu vực thâm canh” của ngòi bút: viết về ngoại thành, viết
về thiếu nhi, viết về loài vật, viết về miền núi.


- Khi cần, ngòi bút ấy có thể “guồng” rất
nhanh, một tối xong một truyện ngắn. Nói chung đã định viết là viết được.


- Tuy nhiên cũng hơn ai hết, đấy là người
thấu hiểu cả những đen bạc, những thách thức của nghề, và sẵn sàng chấp nhận
chúng. Mới đây thôi, trong Hội nghị những người viết văn trẻ 4-1994, có một câu
chuyện Tô Hoài kể làm anh em tham dự hội nghị thấy ông, một nhà văn lão thành,
vẫn rất gần gũi với chính mình. Đó là câu chuyện chung quanh một vài bản thảo
của Tô Hoài mới viết gần đây: Truyện ngắn này quăng đi quăng lại trên bàn biên
tập mấy tờ báo mà chưa được đăng; chùm bài điểm sách kia bị trả lại, thôi thì
đành tự nhủ là mình vô duyên với báo; và cuốn tiểu thuyết kia nữa, viết ra đã
mấy năm vẫn xếp xó, nhà xuất bản bảo còn phải chờ, có cơ hội thuận tiện mới
tung ra được… Những nóng lạnh như vậy, ai người làm nghề đều có trải qua, và Tô
Hoài không phải là một ngoại lệ, con người ở tuổi thất thập cổ lai hi ấy
đôi khi cũng chẳng được ưu tiên chút gì. Song chính ra điều đó lại làm cho ông
càng trở nên khôn ngoan, thành thạo, và trang viết của ông vẫn gần gũi với cuộc
đời này, cái cuộc đời vất vả nhưng nếu biết sống, nhẩn nha thanh thản mà sống,
thì vẫn là đầy hấp dẫn. Nó không cho ai hơn mà cũng chẳng bớt phần của ai cả!


***


Trong các tự truyện, Tô Hoài đã thường nói
tới cái cảm giác lớn nhất chi phối ông lúc vào nghề: trước tiên, đó là công
việc để duy trì sự sống. Từ góc độ một thanh niên đang lay lắt kiếm sống, ông
thấy việc viết lách của mình lúc ấy chẳng khác việc đi giữ chân bán hàng cho
hãng Bata, nghĩa là cũng phải nghiêm túc cần mẫn thì mới sống nổi.


Cái nhìn ấy còn theo đuổi ông mãi trong
nhiều năm về sau.


Nhưng nếu văn chương chỉ có chuyện bán bản
thảo và nhận tiền thì còn gì buồn hơn! Đến “ông lớn” một thời như Lê Văn Trương
có lúc còn thấy nó vô nghĩa nữa là bao nhiêu kẻ mặt trắng thư sinh khác! May
thay với Tô Hoài, và qua Tô Hoài, chúng ta thấy: bên cạnh đồng tiền, nghề văn
còn có một cái gì khác, sương khói mông lung mà vẫn là một nguồn sm vô hình
mang lại cho người ta niềm tin và nghị lực. Cũng giống như chú Dế mèn rời xa tổ
ấm để chu du thiên hạ, con người này đã đến với nghề văn để được nhìn rộng ra
hơn cái làng của mình. Được lang thang chơi bời mà cũng là được thấm thía bao
nhiêu bài học nghề nghiệp trong những chuyến giang hồ vặt. Được thuận chân miên
man đi tận Huế, tận lục tỉnh Sài Gòn, để rồi lại trở về, nằm khàn nghe những
lời tâm sự của ông bạn nghèo Nam Cao. Văn chương chẳng là gì cả, nhưng nó đủ
sức mang lại cho kiếp người tẻ nhạt một chút ý nghĩa và trước sau, nếu biết để
cả tâm hồn mình vào, thì đấy vẫn là một nghề giúp đời, một nghề lương thiện!
Chẳng những thế, ở lớp người như Tô Hoài không chừng văn chương còn khiến người
ta vững lòng trong những khốn khó để chân cứng đá mềm mà sống tiếp nữa. Thử
tưởng tượng mấy năm 1947-1948, một lớp thanh niên - người trẻ nhất mới 25, 27;
người cứng tuổi hơn một chút mới trên ba mươi - như Nguyễn Tuân, Xuân Diệu,
Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi…, theo tiếng gọi của cách mạng, kéo
nhau lên tận Tây Bắc, Việt Bắc để họp hành, thảo luận, làm thơ, viết báo phục
vụ cho cuộc kháng chiến thần thánh. Biết đâu trong những lý do khiến trí họ
sáng lòng họ bền, chả có văn chương? Với thói quen sống, quan sát, ghi chép đều
đặn, Tô Hoài đã vừa công tác vừa tìm hiểu quan sát cuộc sống giản dị của những
bản Dao ở Bắc Cạn, của đồng bào Thái, Mường ở Nghĩa Lộ, ở Văn Yên
Và thế là lúc nào
đó những Vợ chồng A Phủ, Mường Giơn, Cứu đất cứu mường
lại được viết ra,
vừa mang đến cho mọi người trang sách bổ ích, vừa giúp cho tác giả những đầm ấm
tin yêu. Trong trường hợp như thế, nghề văn đã là cả nguồn sống của một đời
người và đây có lẽ là thứ ân sủng nghề nghiệp mà chỉ những ai hết lòng với nó
mới được tận hưởng.





                  MỘT CÁCH SỐNG TRONG TUỔI GIÀ


Cho
đến những năm ngoài 70 tuổi, Tô Hoài vẫn giữ nhiều trọng trách bên Hội Văn nghệ
Hà Nội trong đó có việc làm báo. Có người thắc mắc, đến tuổi nên về hưu, nhường
chỗ cho người khác thì phải. Nhưng có đến mấy lần, ông đã sắp sửa thôi thì lại
có việc phải tạm cáng đáng. Xưa nay, ông vẫn vừa lo công tác vừa viết đều đều
ra thành được chấp thuận lại làm, ai nói thế nào cũng không để ý.


Nhưng
bây giờ thì Tô Hoài về hưu thật rồi. Hôm qua, còn ở Đoàn Nhữ Hài, đi bộ vài
bước là đến cơ quan của Hội Nhà Văn, hoặc có lên Hội Văn nghệ Hà Nội cũng không
xa là bao. Nay ông sinh hoạt tổ hưu tận trên Nghĩa Tân, đúng là một chỗ khuất
nẻo. Thỉnh thoảng gặp lại, nhận ra nơi ông khuôn mặt của một người già thực sự,
da nhiều chỗ mồi, đuôi mắt nhăn nheo, con mắt lờ đờ hơn xưa , chúng tôi bảo
nhau thế là tuổi tác đã thắng, dù người ta có là Tô Hoài đi nữa, thì cũng phải
già, và sở dĩ ông làm cho người ta chưa quên ngay được chỉ là vì có cách sống
riêng trong tuổi già của mình.


Một
hai năm gần đây, gặp cô Sông Thao, tôi thường nghe cô kể:


-
Bố em vẫn cứ thích ngồi vào bàn cả ngày. Chỉ thỉnh thoảng đứng lên, vặn lưng
vài cái, rồi lại hí hoáy viết như thường.


Làm
chứng cho nhận xét ấy của cô con gái, là vố số những bài báo mà Tô Hoài vẫn
viết, là những quyển sách được bày bán đều đều ở các hiệu sách, trong đó không
chỉ có những cuốn in lại, mà còn cả nhiều cuốn mới viết. Và đây, một chuyện
vặt: Có lần, nhân đọc một tiểu thuyết của nhà văn X., Tô Hoài có viết một bài
điểm sách ngắn cho báo Người Hà Nội, độ trên ngàn chữ. Bây giờ thì báo
ra nhiều quá, chả ai đọc xuể, nên X. không biết, đến lúc được Tô Hoài báo là có
viết thì đã quá muộn, tìm không ra số báo cũ, liền gọi điện than thở. Mấy hôm
sau X., nhận được một lá thư. Phong bì là thứ đã dùng, nay lộn trái, dùng một
lần nữa. Và bên trong là bài điểm sách nọ, được Tô Hoài chép lại bằng thứ chữ
đều đều vốn có. Nghe chuyện hẳn đám thanh niên lắc đầu, các bố già lắm thời
gian rỗi thật, không đi photo mà còn ngồi chép lại bài tặng nhau nữa, rõ
thật tội! Nhưng những người có quen riêng tác giả Dế mèn
. đều thừa biết
rằng không phải về già, những sự tỉ mỉ như thế mới đến với Tô Hoài. Mà từ trẻ,
ông đã là người tảo tần làm ăn, thượng vàng hạ cám thấy việc gì cần đều đứng ra
làm, không để chân tay rỗi rãi bao giờ.



thể nói, ở phương diện làm nghề, nhà văn này già từ rất sớm, và bây giờ không
thể già hơn được nữa.


Muốn
xem xem tuổi già đã mang lại cho ông cái gì mới, và ông đã chung sống với nó
như thế nào, người ta phải tìm ở chỗ khác.


Năm
1987, Nguyễn Tuân qua đời thì năm sau, Tô Hoài nói với tôi, lúc đó đang làm
xuất bản  bên Moskva :


-
Mình cũng muốn viết về cụ Tuân nhưng không phải theo lối kính bút người
ta vẫn viết. Mà chỉ muốn nói về ông, vốn như ông ấy vẫn sống.


Qua
năm 1992, cuốn sách về Nguyễn Tuân (mà cũng là về chính Tô Hoài) ra đời trong
sự chào đón của cả người trong nghề lẫn đông đảo bạn đọc. Từ nay nếu cần kể
thật ngắn gọn về nhà văn mà họ yêu thích, họ sẽ bảo ông không chỉ có Dế mèn
phiêu lưu ký
mà còn có Cát bụi, 
chân ai.



thể nói Cát bụi, chân ai đã phát hiện ra một Tô Hoài mới: Tô Hoài của
hồi ký. Thoạt nghe tưởng đó là một việc dễ ợt, hễ ai sống nhiều mà chịu khó
ngồi viết một tí, làm gì chẳng ra được một cuốn “nhớ lại và suy nghĩ” tàm tạm
đọc được. Nhưng có vào cuộc mới thấy công việc hóc hơn nhiều. Cả Nguyễn Tuân
lẫn Xuân Diệu, hai ông kễnh đó tnn giới, những năm cuối đời, người nào cũng để
tâm chăm lo tới vị trí của mình trong lịch sử văn học, nhưng có người nào viết
được hồi ký? Lý do thật đơn giản: Viết hồi ký để tự ca công tụng đức khoe tài,
khoe giỏi chẳng nói làm gì. Chứ viết hồi ký theo đúng nghĩa của nó phiền phức
lắm. Nói như Aragon “tôi lật con bài của tôi”, tôi bộc lộ cái phần lâu nay vẫn
ẩn kín trong tôi cho mọi người xem, phải giàu có mà dũng cảm lắm mới làm nổi!
Nói trộm vía, một người về già còn thích tự ngắm mình như cụ Nguyễn và một
người sắp bảy mươi rồi, còn nhuộm tóc và thích đua với thiên hạ trong việc viết
nhiều viết khỏe như tác giả Thơ thơ, làm sao viết hồi ký được?! Thế cho
nên, cái việc tưởng trong tầm tay của mọi người, lại chỉ có ít người làm đến
nơi đến chốn, trong đó có Tô Hoài. Ông viết hồi ký, không phải chỉ vì có một
trí nhớ tốt, mà cái chính là từ lâu, sẵn có những mảng ký ức chưa khai thác,
tưởng như trong ông đã cùng tồn tại những con người khác nhau, việc viết văn
xưa nay mới chỉ động đến một cách nhìn một cách nghĩ, nay còn những cách nhìn
cách nghĩ khác, nên trình ra cho mọi người cùng biết. Hồi ký như vậy, là một
cách bổ sung cho những gì nhà văn đã viết. Chẳng những Tô Hoài không “kính
viết” về Nguyễn Tuân mà với một người như Vũ Bằng, ông cũng có một thái độ
tương tự. Một mặt, ông ân cần ghi ơn dìu dắt của Vũ Bằng. Mặt khác, ông không
quên chỉ ra cho mọi người thấy ở Vũ Bằng một cách sống cách viết quậy phá, bạt
tử, nó đã hủy hoại một phần khả năng và khát vọng của tác giả. Với Nguyễn Văn
Bổng, một người bạn thân, hay với Trọng Hứa, một cây bút mà bóng dáng chỉ hiện
ra thấp thoáng trong đời sống văn nghệ, Tô Hoài 
đều có sự công bằng và tình nghĩa, nó khiến cho qua chân dung người được
ông nói tới, bạn đọc nhận ra được cái không khí thực trong sinh hoạt của những
người làm nghề một thời.


Bên
cạnh những ông già ốm yếu, yên tâm nghỉ ngơi thì trong giới cầm bút thời nay
lại thấy có người dù cao tuổi song vẫn tỏ ra năng động lăn lộn để viết và mải
miết viết, mặc dù nhìn kỹ thì những điều họ viết chỉ là nối dài của những cái
đã in ra từ trước. Tô Hoài khi về già trẻ theo nghĩa khác. Ông làm lại một phần
hình ảnh của mình trong lòng đồng nghiệp và bạn đọc. Với những người muốn hiểu
lại lịch sử văn học, ông như một thứ từ điển, hỏi đâu biết đấy, và bao giờ cũng
có ý kiến riêng.


Bởi
vậy, những khi có dịp gặp ông, tôi thường tỏ ý mong muốn Tô Hoài tiếp tục công
việc của mình (trong lúc trò chuyện, tôi vẫn thường gọi ông già 80 tuổi này
bằng anh):


-
Còn bao nhiêu người anh đã gặp gỡ, người nào mà chẳng bao nhiêu kỷ niệm, xem ra
anh có thể làm hẳn một bộ chân dung những người cùng thời.



Hoài chỉ thủng thẳng đáp:


-
Ấy, có những người cùng làm việc cả đời, nhưng chả thấy thân thiết, xong việc
là quên ngay, đến tên tuổi mình cũng không muốn nhắc đến nữa thì viết gì?




Hình như Tô Hoài muốn lẩn, muốn giữ cho
mình những bí mật riêng? Mà lại hình như Tô Hoài nói thật? Mặc dù có cả chục
năm cùng làm việc với Tô Hoài, nhưng thú thực, tôi vẫn không dám nói là mình
biết kỹ về ông già này, thậm chí đôi khi tôi còn thoáng có ý nghĩ chính ông
cũng không biết ông là như thế nào, luôn luôn ông có thể thế này và có thể thế
khác. Song có lẽ vì thế mà ông có sức hấp dẫn lạ lùng. Chỉ một điều có thể cầm
chắc, ấy là Tô Hoài còn đang làm việc và luôn biết dành cho đồng nghiệp và bạn
đọc những bất ngờ. Một sức khoẻ dẻo dai trời phú, nhất là một cách nghĩ  phóng túng , thích ứng với hoàn cảnh  một cách tự nhiên, mà vẫn giữ được cho mình
những phần riêng tư -  nhiều khi đó chính
là một cách nghĩ tự do không chịu khuôn hẳn theo nền nếp nào – tất cả những cái
đó bảo đảm cho Tô Hoài  lung linh ẩn hiện
trong đời sống văn chương và nếu như hôm nay mọi người vẫn thường nhắc đến ông,
thì điều đó trước tiên là một may mắn cho chính chúng ta.





Đã in trong Cánh bướm và đóa hướng dương bản của Nxb Phụ nữ 2006


 Các bài viết khác về Tô Hoài đã đưa trong blog này


TÔ HOÀI -nhìn từ một khoảng cách gần    



Ba bài viết ngắn về Tô Hoài



Tô Hoài, cuộc phiêu lưu dài dài và một định hướng chắc chắn



Tô Hoài và những nghiêm chỉnh của kiếp phù du









                                                                                   

















Ba bài viết về Tô Hoài vào dịp kỷ niệm tác giả 75 tuổi và 80 tuổi. Ba bài  viết về Tô Hoài  vào dịp kỷ niệm tác giả 75 tuổi và 80 tuổi. Reviewed by Phạm Thu Hương on 19:41 Rating: 5

Không có nhận xét nào: